TIN TỨC

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-01-16 05:40:08
mail facebook google pos stwis
1448 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 8 giờ 15 ngày 14-1 ở tuổi 82. Cả cuộc đời ông là một hành trình miệt mài đi tìm mật mã tài hoa.

Người đi tìm "mật mã", "tài hoa"

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Sau nhiều năm dạy học ở quê nhà, ông xung phong vào đội ngũ giáo viên chi viện cho giáo dục TP HCM ngay sau ngày đất nước thống nhất.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Với sở trường viết lách, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm nhanh chóng nhận ra phương pháp bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn cho trẻ em bằng văn chương. Ông liên tục xuất bản những cuốn sách "Bé vui học toán", "Toán vui để học", "Ông trạng giỏi toán", "Nữ đô đốc Bùi Thị Xuân" và hai tập thơ thiếu nhi "Nữ hoàng trái cây", "Chia tay võ sĩ dế".

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm hứng thú với hai khái niệm "mật mã" và "tài hoa" vì ông rất thích khám phá bí mật sự sống và rất trọng năng lực cá nhân. Khi công tác ở Báo Giáo dục và Thời đại, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã sáng lập tuần san Tài Hoa Trẻ. Giai đoạn làm báo của ông đáng kể nhất là tập bút ký "May quá, lòng tốt vẫn còn đây", nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì dài rộng hơn cuộc đời công chức.

Hóa giải "mật mã", nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ có hai tập tiểu luận "Đi tìm mật mã thơ" và "Tiếp cận mật mã thơ", mà ông còn có tiểu thuyết "Người trong cõi tâm linh" và tập thơ "Phản biện đường chân trời".

Đồng hành "tài hoa", nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ có tập thơ "Thương nhớ tài hoa" và tập nghiên cứu "Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam", mà ông còn có tập thơ "Người thám hiểm thời gian" viết về những danh nhân thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm điềm đạm và mực thước, đúng tác phong một nhà giáo. Sự miệt mài sáng tạo của ông cũng chỉnh chu và tận tụy. Nhà thơ đứng ngoài những tiệc tùng và tụ bạ, ông cứ lặng lẽ viết. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2000, ông thực sự dồn hết tâm sức vào màn hình máy tính và liên tục cho ra mắt hàng loạt tác phẩm. Ngoài các tập thơ "Hoài nghi và tin cậy", "Văn đàn bi tráng", "Sương Hồ Tây mây Tháp Bút", "Minh triết đất đai", "Hoàng Sa"... còn có ba tiểu thuyết "Bắc Cung hoàng hậu", "Kỳ nhân Bùi Giáng" và "Người tài hoa khờ dại".

Bi kịch cuộc đời

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm lúc nào cũng nhẹ nhõm và thong dong nên chẳng ai biết ông từng chịu đựng không ít bi kịch cá nhân. Cả khi mắc bệnh nan y, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng chấp nhận khá bình thản. Lúc nào không phải đi gặp bác sĩ, ông ngồi vào bàn viết.

Ông không sáng tác cho riêng ông, mà còn mong muốn góp phần thúc đẩy văn chương Việt. Một năm gần đây, sức khỏe giảm sút rất rõ, ông vẫn tranh thủ làm tuyển tập cá nhân "Trường ca Văn đàn bi tráng và thơ chọn lọc", đồng thời vẫn kiên trì biên soạn một tuyển tập "Thơ Việt đổi mới" tôn vinh thành tựu sáng tạo của hơn 100 nhà thơ nước nhà. "Trường ca Văn đàn bi tráng và thơ chọn lọc" đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, còn "Thơ Việt đổi mới" đang dở dang thì ông đành xuôi tay trước định mệnh.

10 năm cuối đời, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết rất nhiều và rất hay. Đặc biệt, thơ ông thoải mái bước ra khỏi sự khuôn thước vốn có mà phóng túng bay lượn những chiều kích mới. Những trăn trở và những thương yêu được Nguyễn Vũ Tiềm chắt chiu cả đời có dịp dồn vào thơ. Sự dồn nén trở thành câu lai láng, sự e dè trở thành câu mạnh mẽ, sự cẩn trọng trở thành câu mông lung.

Hồn vía cố hương bật dậy theo "Cuộc lên đường đầu thế kỷ 21" nức nở: "Hành lý sông Tô, khát vọng sông Hồng/ Hơi bị nhập siêu các hạng mục thuộc về hy vọng/ Cuộc hành trình dài hơi/ Đang được anh lập trình ngắn lại/ Số hóa mọi nhu cầu/ Thêm chút kích cầu lãng mạn phiêu lưu/ Không quên vắt vai một mối tình trả góp/ Làm gia vị tháng ngày/ Cơn say bừng tỉnh giấc/ Chợt nhận ra/ Chả có cuộc lên đường nào cả/ Hành lý trống không, hy vọng xa mờ/ Chỉ thử thách gian nan là chất ngất", còn nắng gió phương Nam bỗng bày ra thứ "Minh triết đất đai" rạo rực: Bài vỡ lòng từ cỏ hoa/ Khai tâm bằng chiêm mùa tách vỏ/ Uống từng lời quang hợp vô thanh/ Đọc ngôn ngữ bốn mùa, của hương thơm và màu sắc/ Quy luật, bước đi của cái rễ, cái mầm/ Học cành la cành bổng/ Biết cương nhu mà không biết uốn mình/ Học vũ thủy, thu phân triết lý vườn cây thay lá/ Ôi, cái cử chỉ vẫy tay rời cành mới đẹp làm sao, và chạm chạm đất hồn còn xao xác gió/ Mầm nhân ái nhú lên từ hủy diệt/ Thông điệp xanh đất nhắn gửi bao điều/ Tay lấm láp phù sa, chính là lúc ngộ ra điều sạch sẽ".

Nhờ trải nghiệm cầm bút, Nguyễn Vũ Tiềm nhận diện được giá trị của mỗi cuốn sách "tuổi tên phơi phía trước/ họa phúc ẩn sau trang" và tác giả phải chấp nhận "Một tác phẩm chưa thể nói thành công/ Nếu chưa có người đòi mang ra phán xử". Và Nguyễn Vũ Tiềm chủ động khước từ những bản thảo đong đưa và diêm dúa "Chỉ bằng một thoáng phù du/ Lại mong xao động tình thu đậm đà/ Hương phù phiếm, sắc phù hoa/ Lại mong chở được lời ca sang mùa" để tự nguyện đắm mình vào thế giới rộn ràng những bất an: "Phút thăng hoa nghệ thuật/ Cũng là phút sáng hào quang sai lầm của Thượng Đế/ Ánh lên những dại dột của con người/ Cái ác được đặt tên lần thứ nhất/ Đểu cáng ươn hèn bộc lộ hết tài năng/ Nghệ sĩ mở lòng mình đón nhận/ Như nạn nhân tự nguyện cho đỉa, vắt, anôphen trích độc tố, vi trùng vào máu/ 99, 99 phần trăm thân mình tàn tạ/ 0, 01 phần trăm thăng vinh nghệ thuật/ Tạo nên vắc-xin miễn dịch cho đời".

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm là một trường hợp càng cao niên càng dồi dào bút lực. Ông chọn lối ứng xử mềm mỏng và rụt rè với đời, để đưa vào thơ những cồn cào và day dứt: "Trên mưa, còn có nắng/ Dưới sóng, biển bình yên/ Đá lạnh còn giữ lửa/ Tình phai còn căn duyên?". Và ông hiện diện bằng vui buồn một tâm hồn đa cảm và đa đoan: "Phải chăng vũ trụ niềm riêng/ Có chi nhắc nhớ trăm miền nợ vay/ Hay người ngoài ấy đứt tay/ Để tôi chảy máu trong này buốt đêm".

Bây giờ, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không còn nữa. Thế nhưng, tác phẩm của ông và tấm lòng của ông với văn chương, với cuộc đời vẫn tiếp tục đọng lại trong trái tim đồng nghiệp và công chúng: "Mùa xuân lắng nghe nhịp đập từng con chữ/ Bàn phím ấm dần lên, trời thì se lạnh/ Âm dương hài hòa từng sát na đi qua".



Sáng 15/01/2022, nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu thay mặt Hội Nhà văn TPHCM và Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM cùng một số ủy viên BCH Hội Nhà văn TPHCM, đã đến viếng và chia buồn với gia đình nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tại tư gia ở Phú Nhuận, TPHCM.

Nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu ngỏ lời chia buồn cùng gia đình nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm