- Lý luận - Phê bình
- 6 gương mặt nữ sĩ trong nền văn học đương đại ở ‘Những người gánh sông trăng’
6 gương mặt nữ sĩ trong nền văn học đương đại ở ‘Những người gánh sông trăng’
(Nhân đọc tập Thơ – Ký chân dung Những người gánh sông trăng, Nxb Hội Nhà văn, 2024)
Những người gánh sông trăng là Tuyển Thơ - Ký chân dung vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, Quý IV/2024. Tập sách gồm 101 bài thơ của 5 nhà thơ: Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thu Yến, Kim Nhũ và 5 bài Ký - chân dung của nhà văn Trần Thị Trường viết về 5 người bạn thơ thân thiết của mình có tên ở trên. Đặc biệt, có 1 bài của Nguyễn Thị Hồng Ngát viết về Trần Thị Trường: “Bạn tôi, nhà văn, hoạ sĩ Trần Thị Trường”.
Những cái tên trong Tuyển tập trên đều khá quen thuộc với bạn đọc cả nước bởi những thành tựu và đóng góp của họ cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thuộc thế hệ những nhà thơ được trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc.
Bài thơ Hương thầm đoạt giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1969 đã gây tiếng vang lớn và khẳng định chỗ đứng của chị trên thi đàn. Đúng 15 năm sau, Hương thầm được phổ nhạc và đã nhanh chóng lan tỏa trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà.
Bên cạnh bài thơ Hương thầm, chị còn có nhiều bài thơ hay khác như: Con đường, Làm anh, Trời và Đất, Rồi có thể, Ngày tháng không quên… Những vần thơ ấy đã có sức cuốn hút diệu kỳ, làm lay động không biết bao nhiêu con tim của nhiều thế hệ. Một câu hỏi đặt ra là điều gì khiến thơ chị có một sức sống lâu bền và mãnh liệt như vậy? Phải chăng đó là những vần thơ mà chị đã trút cả tâm can mình vào đó; những vần thơ không chỉ viết cho riêng mình mà cho tất cả mọi người; không chỉ viết cho thời mình đang sống mà nó còn có sự ám ảnh ở tương lai. Tôi nghĩ, chính tình cảm chân thành, cảm xúc dào dạt, có tính nhân văn, nhân ái nó đã trở thành sức mạnh lan tỏa trong thơ chị.
Ngôn từ trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn có khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa, bởi đó là ngôn từ của cảm xúc, của một trái tim nhạy cảm. Nhiều bài thơ của chị được bạn đọc yêu mến ngay từ lần đọc đầu tiên.
Chị rất thành công ở mảng thơ viết về tình yêu. Nhiều bài thơ hay, nhiều hình ảnh đẹp, để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc. Một Con đường đã lấy được không biết bao nhiêu sự cảm tình của độc giả với những lời thơ đẹp và hay. Day dứt và ám ảnh.
Nếu anh đi với người yêu
Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với người nào khác em
(…)
Nếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu.
Đằng sau những lời thơ ấy, là tâm trạng của nhân vật trữ tình. Lời dặn, sự trách móc, sự mong mỏi từ em gửi đến anh. Em: Xin đừng đi với người nào khác em/ Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu.
Bài thơ Trời và Đất cũng đem đến cho người đọc những liên tưởng và so sánh thú vị. Đem Trời và Đất để so sánh với anh và em. Sau đó đi đến một sự khẳng định Trời và Đất sẽ rất cần nhau!
Vâng, trời đất chẳng hề thân thiết/ Và tính tình có giống nhau đâu/ Trời vui buồn ồn ào lộ liễu/ Đất trầm tư suy nghĩ trước sau
Anh ơi! Nếu ví được cao xa như thế/ Em cũng chẳng là trời đất gì đâu/ Nhưng anh có biết không? trời đất/ Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau
Thơ Phan Thị Thanh Nhàn đằm thắm, dịu dàng và đầy sâu lắng. Trưởng thành từ những năm tháng chống Mỹ đến ngày hôm nay, là một chặng đường lao động nghệ thuật dài với những tìm tòi, sáng tạo của một giọng thơ đầy nữ tính và giàu chất suy tưởng.
Người ta biết đến Nguyễn Thị Hồng Ngát không chỉ là nhà thơ mà chị còn là một nhà biên kịch nổi tiếng. Ở lĩnh vực nào chị cũng đều có những đóng góp đáng kể.
Nguyễn Thị Hồng Ngát là người phụ nữ thông minh, cá tính, mạnh mẽ, quyết đoán nên làm gì cũng đến nơi đến chốn chưa bao giờ chị bỏ cuộc giữa chừng. Trong cương vị, vai trò nào chị cũng hoàn thành tốt công việc.
Cái tôi đời tư và cái tôi thế sự thể hiện rõ nét trong thơ chị. Đó là những trăn trở, thao thức, đa mang trước bản thân, con người, cuộc sống và những gì xảy ra quanh mình.
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng dành những vần thơ viết về người thân yêu, ruột thịt; những bài thơ viết về mảnh đất chôn nhau cắt rốn Hưng Yên, viết về Hà Nội nơi chị đã và đang sống với một tâm thế và tình cảm đặc biệt.
Bên cạnh đó chị còn có nhiều bài thơ hay viết về bạn bè và cả những nơi chị đã đi qua với một tình cảm và ấn tượng độc đáo. Đặc biệt chị có những bài thơ hay viết về biển: Biển, Biển đêm, Biển một ngày, Chiều biển động, Biển lặng, Em lại ra với biển... Có lẽ với biển, chị đắm hồn mình nơi không gian bao la, tít tắp tận chân trời ấy để gửi gắm được nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Và chỉ có biển mới diễn tả được hết những cung bậc, sắc thái, thanh âm tình yêu rực cháy trong con người chị…
Đối tượng mà nhà thơ thường nhắc đến nhiều trong sáng tác của mình nhất là anh. Trong bài Tâm sự một dòng sông, Hồng Ngát mượn dòng sông để nhân vật trữ tình em bày tỏ, thổ lộ, nói lên tiếng nói của mình. Lời tâm tình, thủ thỉ với anh cũng chính là niềm tin vào tương lai tình yêu phía trước. Anh đừng nhớ làm gì năm tháng cũ/ Đò đã xuôi dòng sông cũng khác rồi/ Đã trải qua biết bao mùa mưa lũ/ Mặt sông giờ trong vắt tấm gương soi.
Nói với anh để anh thông cảm và hiểu rằng: Cuộc đời sẽ còn nhiều điều tốt đẹp, nếu chúng ta bỏ qua quá khứ buồn đau, nếu chúng ta biết yêu thương, chắt chiu, nhen nhóm, gìn giữ tình yêu ngay từ hôm nay.
Anh thân yêu, xin hãy rộng lòng
Đón nhận lấy nửa đời còn lại
Cả những rong rêu và con thuyền gãy lái
Chắt chiu phù sa vẫn bồi đắp đôi bờ
…
Chẳng hề gì , hãy nắm lấy tay em
Ta sẽ tới những bến bờ mới lạ
Xin hãy quên những chuyện buồn quá khứ
Biết thương nhau, nguyện thế cũng vui rồi.
Âm hưởng chính trong thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát là những giai điệu trầm, nhẹ nhàng, đằm thắm với tâm trạng phổ biến là buồn, cô đơn nhưng vẫn không thiếu vẻ đẹp trong trẻo, ngọt ngào. Đó chính là nét riêng và làm nên phong cách thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Nói như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Thơ chị ngày càng đằm sâu và day dứt hơn. Chính vì thế cũng giản dị hơn, thân thiết hơn với muôn nẻo đời thường”.
Đoàn Thị Lam Luyến nổi tiếng với những bài thơ viết về tình yêu và sự bạo liệt mạnh mẽ trong tình yêu. Tiếng nói của người đàn bà “dại yêu”, người phát động cuộc chiến tranh tình ái, người đàn bà yêu hết mình dù biết cái nhận về là những đổ vỡ, mất mát đến tận cùng.
Tình yêu là chủ đề lớn và chiếm đa số trong sáng tác của Đoàn Thị Lam Luyến. Thơ bà bộc lộ hầu hết tất cả những cung bậc, với những nỗi khát khao về một tình yêu trọn vẹn, đủ đầy. Với bà, tình yêu không chỉ đơn giản chỉ là tình yêu mà nó là những cái cao đẹp, thánh thiện của con người, đó là nỗi khao khát cháy bỏng vươn tới một tình yêu đích thực trong cuộc đời.
Bởi vì tình yêu là sự sống. Nơi nào có tình yêu, nơi ấy còn sinh sôi, nảy nở. “Chất thơ” trong cuộc sống bắt nguồn từ tình yêu. Cơn khát tình yêu không thỏa nên thi sĩ luôn khao khát kiếm tìm.
Năm 1991 tập thơ Chồng chị chồng em ra đời. Tập thơ ra đời đã để lại tiếng vang lớn và những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bài thơ mở đầu tập thơ này Chồng chị chồng em được Tặng giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1990. Bài thơ là lời tuyên ngôn của Đoàn Thị Lam Luyến về thái độ sống, về bản lĩnh của một người phụ nữ, niềm tin mãnh liệt vào tình yêu đến độ “thản nhiên”. Chất hương nồng đắng của bài thơ đó là cái tâm trạng muôn thuở của thân phận đàn bà, nhưng đây là người đàn bà hiện đại ở phần sau thế kỉ XX: Chị thản nhiên mối tình đầu/ Thản nhiên em nhận bã trầu về têm.
Đoàn Thị Lam Luyến thấy rằng cuộc đời mình, chuyện tình cảm của mình với cuộc đời đứa em gái, hình như là một, là lặp lại giống mình. Cũng đầy chông chênh, thất bại và đổ vỡ. Hình như ông trời đã không công bằng với bà và em gái bà trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc cho bản thân. Dù đã yêu hết lòng, yêu cháy bỏng, yêu hết tâm can, với năng lượng tình yêu bà có, bà đều dồn hết vào người mình yêu, nhưng đổi lại đó là sự đau xót và mất mát, một sự hy sinh vô ích và không có kết quả tốt đẹp: “Để rồi bước trật bước trèo uổng công”.
Theo bà, “Gửi tình vào đất/ Được hoa trái đầy cành”. Nhưng gửi tình yêu vào người thì lại không thu được những điều ngọt lành như thế.
Cả cuộc đời khao khát kiếm tìm cho mình bến bờ hạnh phúc. Đổ vỡ, thất bại và chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, nhưng Lam Luyến vẫn dửng dưng coi nó như là định mệnh. Lúc nào bà cũng sống thực với chính mình, khẳng định cá tính của một người phụ nữ tài sắc đa đoan. Ở đó, người ta thấy Lam Luyến có những suy nghĩ và hành động hết sức táo bạo, mới mẻ và hiện đại về hôn nhân. Bà dám đạp lên dư luận, đạp lên truyền thống để đi tìm tình yêu mới đích thực trong cuộc đời. Với bà tình yêu đến dù muộn màng nhưng âu đó cũng là duyên nợ. Quan trọng là phải sống thành thực và hết lòng với tình yêu mà mình vừa có được. Vì vậy, có lúc bà biểu thị thái độ dữ dằn và quyết liệt.
Thơ Đoàn Thị Lam Luyến là những tâm trạng miên man buồn. Nỗi buồn, nỗi đau đớn quằn quại và có cả sự thẩn thờ, cô đơn đến chạnh lòng, cô đơn đến chới với. Viết về tình yêu, thể hiện khát vọng cá nhân, đó là giây phút nhà thơ hướng về tâm hồn mình ở độ sâu thẳm nhất. Đó là sự ý thức về những ngang trái của những cuộc hôn nhân, những cuộc tình đến rồi đi bất chợt giống như những cơn gió thoảng qua. Để rồi bà phải gặm nhấm nỗi đau, nỗi cô đơn đến tột cùng. Tất cả đều in đậm dấu ấn khiến cho thơ viết về tình yêu của bà trước sau vẫn mang một nỗi niềm: cô đơn, khắc khoải, hoài nghi. Đó là niềm đau không dễ gì nguôi ngoai, vết thương lòng không bao giờ lành của một con người suốt đời đi tìm hạnh phúc nhưng chưa bao giờ tìm được bến đỗ của sự hạnh phúc. Dù biết rằng tìm kiếm là vô vọng nhưng người đàn bà dại yêu vẫn đi tìm và rốt cuộc vẫn là cô đơn tận đáy tâm hồn.
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng được bao nhiêu. Và sau mỗi lần cho như thế bà lại nhận lại những đau đớn, thất bại, xót xa về mình: Ta đã gửi cho anh/ Cả con tim dào dạt/ Và anh trả cho ta/ Nỗi buồn đau tan nát (Gửi tình yêu).
Nhà thơ nhận ra sự ngắn ngủi của đời người trước sự trôi chảy của thời gian, những dâu bể của cuộc đời. Bà đã đi qua những năm tháng đau thương của dân tộc, cùng với sự mất mát và đau khổ của chính mình, Đoàn Thị Lam Luyến đã có những chiêm nghiệm sâu sắc về tình yêu và cuộc đời được thể hiện rõ nét trong thơ.
Có thể nói, những vần thơ về cái tôi suy tư, chiêm nghiệm của Đoàn Thị Lam Luyến chính là hành trình đi tìm chân lý cuộc đời và gieo mầm cho những khát khao, hy vọng. Từ sự suy tư, chiêm nghiệm, suy nghĩ tận đáy sâu tâm thức của mình, Đoàn Thị Lam Luyến đã giúp cho bạn đọc soi mình qua những triết lý thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái.
Kim Nhũ vốn xuất thân từ một nhà giáo, nhà báo. Sự mô phạm của nghề giáo và những trải nghiệm của cuộc đời làm báo đã cho chị những tư liệu quý để chị làm thơ và viết văn. Nhưng có lẽ vì áp lực công việc nên chị ít có thời gian dành cho thơ. Mãi cho đến lúc nghỉ hưu, chị mới có nhiều thời gian để thực đam mê của mình. Đến thời điểm hiện tại chị đã in 4 tập sách: Khúc ru lại về (Thơ), Tình yêu và cuộc sống (Thơ), Nơi gửi nỗi nhớ (Truyện ngắn và tản văn), Gia đình nơi chốn ta về (Truyện ngắn).
Thế giới hình ảnh trong thơ chị phong phú, nhiều màu sắc và cũng hết sức gần gũi quen thuộc với mỗi người. Viết về vấn đề gì, thơ Kim Nhũ bao giờ cũng hướng về những điều nhân văn, nhân ái với giọng điệu nhỏ nhẹ, thủ thỉ, hồn hậu như chính con người của chị.
Hình ảnh gia đình, bạn bè, quê hương... hiện lên qua những câu thơ của Kim Nhũ mang vẻ đẹp trong sáng, bình dị, đem lại cảm giác ấm áp, thân thương đến vô ngần. Đặc biệt nhất là những vần thơ viết về mẹ, về cha với niềm kính yêu, lòng biết ơn và niềm thương yêu vô bờ bến. Vẫn còn đó bao nhiêu ký ức, hình ảnh về mẹ. Chính sự tảo tần, chắt chiu, chịu thương chịu khó, yêu thương chăm chút, vun vén cho cả gia đình mà cả bầy con khôn lớn. Lớn lên từ sự gian khó, khổ nghèo nên chị lại càng trân trọng và yêu thương mẹ nhiều hơn.
Mỗi khi về ta lại ghé giàn trầu/ Hơi thở mẹ như còn trong tán lá/ Mẹ xa rồi cây vẫn xanh tươi quá/ Thoảng thơm mùi miếng trầu quyện đỏ tươi// Chỗ mẹ ngồi còn đó chiếc bình vôi/ Chơ vơ nằm, người đâu giờ chả thấy/ Bình sứt miệng như vầng trăng khuyết vậy/ Giống cuộc đời nhỡ gánh mẹ ta xưa// Chái nhà hẹp chiếc võng cũ đung đưa/ Cả bầy con đã lớn khôn từ đó/ Bấy phương trời biết phương nao còn nhớ/ Chái nhà buồn kẽo kẹt tiếng võng đưa (Hoài niệm mẹ).
Nhà thơ Kim Nhũ chợt nhận thấy thấp thoáng bóng dáng âm thầm, khổ đau của mẹ có chút hình bóng thân phận của mình. Vì thế những vần thơ lại càng khắc khoải, da diết hơn:
Đã lâu rồi con mới lại trở về/ Ngủ một đêm trên chiếc giường của mẹ/ Còn đâu đây mùi trầu thơm đến lạ/ Như rất gần mà lại cũng rất xa// Mong mẹ về hiện ra trong giấc mơ/ Miệng bỏm bẻm nhai miếng trầu đỏ thắm/ Tóc sổ tung như mây chiều bạc nắng/ Dáng cầu vồng trước cổng đợi cơn mưa// Mẹ lại ngồi kể chuyện xửa chuyện xưa/ Trên giường cũ và những câu chuyện cũ/ Con lớn lên cùng chồng đi tứ xứ/ Vẫn mong về nghe mẹ kể chuyện xưa// Ngày hôm nay, mẹ xa đã rất xa/ Cánh cò trắng bay về miền xa tắp/ Nằm giường mẹ nghe gió mùa xao xác/ Giấc mơ ơi! Hãy đón mẹ tôi về! (Trên giường của mẹ).
Hiểu và cảm thông cho đấng sinh thành của mình, giờ đây chị cùng đã là người mẹ, người bà nên càng trân quý hơn. Kim Nhũ đã dành cho con của mình bằng tất cả tình yêu thương, sự chăm chút, vỗ về, qua những lời dặn dò gan ruột:
Khi nào con đau khổ/ Thì hãy quay trở về/ Gục đầu trên vai mẹ/ Cho nước mắt tràn mi// Như ngày nào bé xíu/ Lòng mẹ tựa biển khơi/ Con tha hồ vùng vẫy/ Chẳng sợ gì, con ơi!// Mẹ là cây cổ thụ/ Xoè bóng mát bình an/ Để cho con về trú/ Khi giông nổi, bão tràn// Mẹ là bếp lửa nhỏ/ Trong những ngày giá đông/ Mỗi khi con thấy lạnh/ Hãy về có biết không// Bao giờ con đau khổ/ Thì hãy quay trở về/ Bỏ ngoài kia sóng dữ/ Mặc nỗi buồn tái tê// Cuộc đời là bể khổ/ Mọi sự đều vô thường/ Biết buông tay để sống/ Con lại gặp yêu thương// Vui buồn và sướng khổ/ Ai cũng trải trong đời/ Nên mỗi khi gặp khó/ Đừng nản lòng con ơi!// Những lúc con hạnh phúc/ Thì cứ vui bên người/ Chỉ khi nào đau khổ / Hãy tìm về mẹ thôi.
Bao yêu thương, lo âu, hy vọng cứ bàng bạc trên từng trang viết. Ở đó, người mẹ luôn sẵn sàng chở che, nâng đỡ cho con, người mẹ luôn dặn con bằng những trải nghiệm sâu sắc của đời mình.
Bên cạnh đó, Kim Nhũ còn có những vần thơ viết về tình bạn, tình yêu, về quê hương, thế sự đậm chất trữ tình, để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc. Ở đó, nhà thơ đã bộc bạch, giãi bày những nỗi niềm sâu kín của lòng mình và người đọc có thể bắt gặp sự đồng điệu về cảm xúc qua những dòng tâm sự đó.
Mùa đông ơi sao em nỡ quên đây?/ Để áo đan lẻ loi buồn trong tủ/ Bao cái nắng gom từ mùa hè cũ/ Đến bây giờ biết gửi lại cho ai? (Mùa đông lơ đãng).
Không bạo liệt, dữ dằn, không đề cập đến những gì đao to búa lớn, Kim Nhũ lặng lẽ ghi lại những cảm xúc của mình trước những điều diễn ra trong cuộc sống. Với chất giọng trong trẻo, nhẹ nhàng, da diết. Đây cũng là yếu tố gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc khi tiếp cận với thơ Kim Nhũ.
Phạm Thu Yến là một chuyên gia về văn hóa dân gian, người đào tạo và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên về chuyên ngành văn hóa trên địa bàn cả nước. Chị làm thơ rất sớm, từ những ngày còn học ở nước ngoài nhưng có lẽ vì bận việc nghiên cứu, giảng dạy nên sau đó chị ít làm thơ và công bố thơ.
Thơ chị bộc lộ rõ nét cái tôi trữ tình với nhiều nỗi niềm khắc khoải, hoài niệm, nhớ mong. Mối ân tình của chị được thể hiện qua những vần thơ chân thành, da diết, rất đời và rất nữ tính. Viết về điều gì, thơ Phạm Thu Yến vẫn nhất quán bằng giọng điệu tâm tình, thủ thỉ và cả những khắc khoải, nuối tiếc, bâng khuâng.
Phạm Thu Yến từng có thời gian học tập ở xa Tổ quốc nên nỗi thương nhớ quê nhà càng da diết và sâu đậm hơn. Những nơi chị đến, những người chị gặp cũng điều để lại bao ấn tượng khó phai. Nói với bạn gái là bài thơ hay viết về tình bạn của Phạm Thu Yến. Đó là lời khuyên rất mực chân thành của nhà thơ dành cho người bạn gái có số kiếp đa đoan, cả hai lần đò là cả hai đều gặp giông gió. Khi tình yêu không viên mãn, đứt gánh giữa đường, nhà thơ đành ngậm ngùi, an ủi, trấn an bạn của mình rằng: Thôi về chăm mảnh vườn xưa/ Mái nhà ấm lửa, mộng mơ gửi trời.
Phạm Thu Yến luôn mang trong trái tim mình ký ức đẹp về mẹ cha. Như thước phim quay chậm, ngược về quá khứ của những năm chị vừa tròn mười tám, đôi mươi. Tuổi mười tám, hai mươi hy vọng mong chờ/ Giao thừa đến bao giờ con cũng khóc/ Cha mẹ mắng nhưng hiểu lòng con nhất/ Sinh con ra, cha mẹ đã sinh lòng. Và khi đã có tuổi chị càng thêm yêu kính và thầm cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mình. Suốt cuộc đời chăm chút yêu thương/ Cha mẹ gieo hồn con nét nhạc/ Dẫu cuộc sống không chỉ là tiếng hát/ Vẫn thấy lòng mình những khoảng mát xanh (Bản nhạc trong phố nhỏ).
Tuổi thanh xuân với nhiều ký ức đẹp đã đi vào thơ Phạm Thu Yến như sự trải lòng: Tuổi thiếu nữ của tôi thấm đẫm những câu thơ/ Ê-xê-nhin đã dịu dàng/ gieo trên cánh đồng kiều mạch/ Lũ chúng tôi vẫn thường ao ước/ Giá một lần được hát với bạch dương// Tôi đã gặp ở nước Nga sợi tóc bạc đầu tiên/ Khi lặn lội thân cò nơi tuyết trắng/ Nghĩa vụ thì dày, vai tôi thì mỏng/ Bài ca bạch dương ngủ quên dưới đáy những lô hàng// Khi tôi trở về xứ sở của mình/ Những ước vọng đã thành hiện thực/ Chỉ bài hát bạch dương đôi khi thầm khóc/ Khi tôi ngồi nhớ tuyết... Giá như tôi... (Giá như tôi).
Đi qua những năm tháng vui buồn, những thăng trầm của cuộc đời và thời cuộc nên Phạm Thu Yến sâu sắc nhận ra nhiều điều. Giờ đây, nhà thơ đã bình tâm hơn, vững tin hơn vì đã thấm thía sự đời, thừa thải những nỗi buồn đau, tan vỡ nhưng trong tâm khảm chị vẫn luôn có “ước muốn”: Làm sao ngăn được/ Cho hoa đừng tàn/ Làm sao buộc được/ Gió đừng lang thang/ Làm sao bảo được/ Tim thôi rộn ràng/ Làm sao cháy lại/ Lời yêu nguội tàn. Nhưng rồi Phạm Thu Yến nhận ra quy luật muôn đời của tạo hóa, sự nghiệt ngã của từng bước đi thời gian và cả những cái hiện hữu quanh mình. Người thi sĩ ấy tự an ủi, vỗ về chính mình trong cái nhìn đầy biện chứng: Buồn làm chi mãi/ Sắc màu thời gian/ Ta là khoảnh khắc/ Cuộc đời mênh mang/ Rồi ta cũng héo/ Rồi người cũng tàn/ Oán thù quên hết/ Mến thương ngập tràn (Cảm tác). Cái nhìn và sự chiêm nghiệm mang tính nhân bản, đó chính là thước đo giá trị sống, giá trị người. Để đạt được ngưỡng ấy, sự thức ngộ đúng đắn như vậy không phải ai cũng làm được như người đàn bà trong thơ Phạm Thu Yến.
Trái tim dịu dàng, chân thật của một người đàn bà làm sao giấu nổi lòng mình trước những bão giông: Em có quyền gì/ Mà bước vào ngôi nhà/ Không phải để cho em/ Thể xác rã rời, tâm hồn mệt mỏi/ Khi đã vắt trái tim mình cùng kiệt/ Gặp được điều gì ở cuối những thờ ơ/ Ước vọng công danh biến lời anh/ thành thứ trò đùa/ Em tay trắng ngã ba đường hoang vắng/ Cánh cửa nhà em đã đóng/ Con đường trước em xao xác lá vàng (Xin đừng).
Đọc thơ Phạm Thu Yến, người đọc nhận ra tiếng thơ của người đàn bà hồn hậu và đa cảm. Chị đã cất lên tiếng nói của tình yêu thương, lòng vị tha và cả những nỗi đa mang của kiếp người.
Trần Thị Trường có nhiều năm làm báo viết văn, ghi dấu ấn ở 7 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên” và “Phố Hoài”.
Từ 2004 đến 2019, tới Mỹ 11 lần, 3 lần do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời với nội dung tham quan và giao lưu văn hóa nghệ thuật, trao đổi kinh nghiệm quyền tác giả âm nhạc và tham gia giao lưu nghệ thuật tại Scotland năm 2007.
Năm 2019, Trần Thị Trường quay lại nghệ thuật giá vẽ, đã Triển lãm cá nhân mang tên “NHỮNG CẢM XÚC BẰNG MÀU” tháng 12/2019, tại 16 Ngô Quyền Hà Nội.
Bên cạnh hội họa, viết văn thì viết chân dung cũng là sở trường của nhà văn Trần Thị Trường.
Ở mỗi chân dung, Trần Thị Trường lại khai thác theo cách riêng của chị, tất cả đều không theo khuôn mẫu sáo mòn. Những nhận xét, đánh giá của chị rất cô đọng, súc tích. Trần Thị Trường khắc họa rõ nét về con người, cuộc đời, sự nghiệp với bao thăng trầm, biến động. Những xô đẩy của số phận, thời cuộc không làm họ gục ngã mà đã hun đúc nên những nhân cách và tài năng đáng quý. Bên cạnh những thành công mà nhiều người biết, còn ẩn tàng những điều ít biết hoặc chưa biết về từng chân dung đã được Trần Thị Trường đề cập, mổ xẻ, khai thác dưới góc nhìn chân thực và nhân văn. Đằng sau những con người nổi tiếng với những thành tựu và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước thì ở họ vẫn còn nhiều những gấp khúc, ngã rẽ, những khó khăn, cản trở nhất định của cuộc sống đời thường. Soi chiếu trên nhiều bình diện, khía cạnh như thế mới thấy Trần Thị Trường tỉ mỉ và chân thành với bạn bè, đồng nghiệp biết nhường nào.
Viết về người bạn gái thân thiết với chị hơn 30 năm nay, Trần Thị Trường thủng thẳng kể:
“Nguyễn Thị Hồng Ngát tuổi dần, cái tuổi người ta vẫn nói không thể có đời sống gia đình, bởi sự mạnh mẽ và là người luôn tham công tiếc việc, thậm chí là việc “vác tù và hàng tổng”, “việc chú bác thì siêng, việc nhà thì biếng…”, nhưng chị là một “ca” khác hẳn, dù chị đã “hai lần sống một mình” và cũng thuộc diện… đa tình. (Người như chị không đa tình mới lạ. Chị không thích người thì người thích chị, hơn nữa lại là người thơ, rất giàu xúc cảm). Nhưng tuy thế chị đã : “… Bao năm khổ sở héo hon/ Trăng tàn, cá lặn vẫn còn trắng tay…”, là bởi… lúc đó, “người của số phận” chưa xuất hiện. Kể từ khi gặp và yêu thương “Người ấy”, nhà phê bình văn học Phan Hồng Giang thì Nguyễn Thị Hồng Ngát như tìm thấy ý nghĩa cuộc đời của mình. Mọi cảm xúc, mọi cố gắng, mọi vui buồn và hạnh phúc của chị đều dồn về một hướng ấy thôi. Chị vui cái vui của người ấy, buồn cái buồn của người ấy và lo cái lo của người ấy. Không chỉ làm việc chung tốt hơn mà chị còn là người đàn bà của ngôi nhà có người ấy sống cùng. Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang là dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, là con trai thứ của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Nguyễn Thị Hồng Ngát có thể yêu Phan Hồng Giang từ cuộc gặp đầu tiên, trời định, cũng có thể vì chị thích cái đề tài luận án TSKH của anh về tính quốc tế của văn học Xô viết. Chị say mê điều khẳng định của anh rằng không có sự đứt đoạn từ văn học cổ điển Nga sang văn học Nga Xô viết hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của khái niệm này… Nhưng có thể, rất đơn giản, chị yêu anh- con “khủng long” của nghiên cứu văn hóa này chỉ vì sự giản dị, ít nói, tính đàn ông, sâu sắc và thâm trầm, ở niềm thương yêu vô bờ bến đối với chị và cái gia đình riêng đã từng có của chị. Với tình yêu thương đó của anh, chị đã đáp đền lại bằng tất cả những gì chị có cho đến tận bây giờ…
Căn nhà tình yêu ấy của họ bây giờ trong khu chung cư ở phố Đội Nhân. Hằng ngày chị vẫn tham gia các công việc của Hội, có thể lập dự án để có thêm việc cho các tác giả, cho văn nghệ sĩ, có thể là một việc hiếu nghĩa, nhưng đi đâu làm gì thì chị vẫn nhớ đến giờ về với “ông xã ” ở nhà để lo cơm nước cùng nhau cho vui những ngày tóc bạc… “Ông xã ” thì vẫn đọc, vẫn viết vẫn biết thời gian là quý hiếm cho sự nghiệp riêng nhưng ông vẫn dành cho gia đình những giờ chăm sóc. Ngày trước, khi cháu nội (của vợ) còn học cấp 1, ông đi xe máy đưa đón cháu hàng ngày. Có khi vợ bận đột xuất ông cũng vào bếp nấu cơm… “Con hổ” Nguyễn Thị Hồng Ngát vì thế mà đã hiền dịu đi nhiều và khéo tay hay làm việc nhà cũng như đã tươi trẻ hơn chính tuổi của chị rất nhiều”.
Ngoài chân dung nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, bạn đọc sẽ biết được về con người đời thường và con người thơ Đoàn Thị Lam Luyến; nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Thu Yến; tác giả của Hương thầm; nhà thơ nữ đôn hậu Kim Nhũ.
Những chân dung được nhà văn Trần Thị Trường “phóng bút” bao giờ cũng mang đến cho người đọc những bất ngờ. Bởi lối viết lạ, linh hoạt, mang nét riêng và rất có nghề. Mỗi chân dung đều được chị phác họa, triển khai ở những góc nhìn khác nhau không theo khuôn mẫu nào. Vì thế, từng chân dung không bao giờ có sự lặp lại ở cách triển khai. Đây là thế mạnh của nhà văn Trần Thị Trường. Đọc từng chân dung, người đọc sẽ có sự hình dung cơ bản về con người và cuộc đời nhân vật, những điểm nhấn mà Trần Thị Trường nêu ra. Chị rất hoạt ngôn, khéo léo trong việc xử lý thông tin để đem đến cho người đọc cái hồn của từng chân dung mà chị viết.
Đọc chân dung nào cũng thấy sự hồn hậu và đáng yêu của một cây viết “già dặn”, trải đời. Sự chiêm nghiệm và ý thức của người cầm bút chân chính đã giúp chị có cái nhìn đầy trách nhiệm với từng chân dung.
Những người gánh sông trăng là một Tuyển tập Thơ - Ký chân dung của 6 tác giả nữ đã thành danh. Ở đó, bạn đọc sẽ được đọc lại những bài thơ hay, những bài thơ đã từng gây tiếng vang trên văn đàn, có những bài đã được phổ nhạc trở thành những ca khúc hay. Và độc giả sẽ biết rõ hơn về thơ, về đời, về tình bạn của họ qua những bài viết chân dung rất ấn tượng của nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường.
Mỗi người mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh, số phận, tính cách và năng khiếu riêng nhưng điểm chung ở 6 gương mặt trong Người gánh sông trăng họ đều là những người phụ nữ đa tài, đa cảm. Tiếng thơ và những đóng góp của họ đối với nền văn hóa, văn học nước nhà rất đáng được ghi nhận và tôn vinh.
Điều đặc biệt là trong 6 nữ sĩ có mặt ở tập sách này đều là những người có tuổi nhưng rất có ý thức sáng tạo, có những quan niệm và cách thể hiện mới. Họ là những con người chịu khó học hỏi, giàu có về ngôn ngữ, có bề rộng lẫn bề sâu trong sự trải nghiệm của đời sống và cả trong nghệ thuật.
Vấn đề con người cá nhân, bản thể, những vấn đề thế sự... trong xu hướng đối thoại với chính mình, đối thoại với xã hội, nhìn lại mình từ thân phận cá nhân, bi kịch cá nhân với những bất an, cô đơn, hoang hoải, những vấn đề về tồn tại, hạnh phúc và khổ đau... được các nữ sĩ chuyển tải trong sáng tác của mình bằng tất cả tấm lòng thành thật nhất.
Cuộc đời lao động nghệ thuật cần mẫn và đầy sáng tạo của Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Kim Nhũ, Phạm Thu Yến, Trần Thị Trường đã góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam đương đại.