TIN TỨC
  • Truyện
  • Bài kiểm tra điểm 9 | Hỏa Hy Thước

Bài kiểm tra điểm 9 | Hỏa Hy Thước

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
579 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HỎA HY THƯỚC

Dưới gốc mận già cỗi cứ đến mùa là lá rụng xác xơ, con Phèn nghểnh cổ, nghếch cái đầu hướng ra cửa, đôi mắt sáng lên khi nghe âm thanh mở cổng “ken két” cùng tiếng bước chân nặng nề quen thuộc nện xuống nền đất đầy bụi bặm. Ông Thành mồ hôi mồ kê nhễ nhại cởi cái áo sơ mi màu cháo lòng vắt lên vai, đưa mắt nhìn con Phèn nằm trước cái cũi sắt nhếch nhác, hôi hám với vẻ chán ghét không giấu giếm. Từ một con chó đẹp mã nhất nhì trong xóm, giờ nó đã là một con chó què quặt, vô dụng. Ngay cả việc đơn giản nhất như nằm giữ nhà, canh trộm, bây giờ có lẽ nó còn làm không xong.

Với bản năng của một con chó trung thành, nhìn thấy chủ, Phèn mừng rỡ lết lết người đến gần chân ông Thành, cố gắng sủa từng tiếng yếu ớt.

“Cút. Hôi quá!”.

Ông Thành hằn học quát lên, đá mạnh vô cái chén nhôm méo mó đựng nước uống từ lâu đã cạn queo khiến nó văng vào tường đánh “boong” một tiếng chói tai. Con Phèn cảm nhận được sự giận dữ của chủ, nó len lén cụp mắt xuống, lùi lại. Nó không thể dùng đuôi để thể hiện tình cảm vui mừng hay sợ hãi như những con chó khác bởi phần thân sau đã bị thối rữa sau nhiều ngày bị xe tông trúng.

Nhà ông Thành đã từng nuôi vài con chó nhưng việc đi thú y đối với ông vẫn vô cùng lạ lẫm và xa xỉ, ông chưa từng có ý định đưa con Phèn đi chữa trị; vợ ông nghiễm nhiên mặc kệ nó sau khi buông mấy lời chì chiết.

“Người ta hay nói “Chó liền da, gà liền xương”, tự lành được thì lành còn không thì thôi; hơi sức đâu mà phí tiền, phí thời gian với một con chó cỏ!”.

Việc duy nhất bà Lài làm là lấy mấy miếng thùng cạc-tông cũ lót dưới cái chuồng sắt cho khỏi dơ sân. Chỉ có thằng Bình xót con Phèn, đi học về thấy con Phèn nằm mọp dưới đất, rên ư ử liền múc cho nó một chén cơm, dấm dúi nhét thêm một miếng cá chiên vào giữa lớp cơm dày ụ. Nhưng con Phèn không đụng dù chỉ một chút, có lẽ do quá đau đớn, nó không ăn nổi nữa!

Trước khi trở thành một con chó tàn phế, Phèn là một con chó thông minh, đẹp đẽ với bộ lông vàng óng, 4 chân có móng đeo, cả người săn chắc, cân đối. Ông Thành chở mấy bộ bàn ghế cũ cho người quen ở xóm dưới, thấy nhà người ta có đàn chó con vừa đẻ được hơn một tháng khá xinh xắn, thế là ông xin một con về giữ nhà. Con Phèn lúc đó còn nhỏ xíu, chỉ bằng nắm tay người lớn, được bỏ trong cái thùng mì tôm, chen chúc cùng với mớ chai lọ lỉnh kỉnh trên xe ba gác của ông Thành; nó co rúm, sợ sệt nằm im. Khỏi phải nói, thằng Bình, con Vi đã vui đến mức nào; chỉ có bà Lài tỏ vẻ khó chịu, cứ đi ra đi vô cằn nhằn: “Nhà đã chật như nêm, còn bày đặt nuôi chó làm gì không biết! Nó mà đi bậy đầy ra đó thì ai dọn?”.


Chuột và chó ghẻ – tranh sơn dầu – Trần Nguyên Đán.

“Nuôi con chó coi nhà cũng đỡ hơn chứ! Bà không thấy xóm này trộm vặt ngày càng nhiều sao? Nay mất cái này, mai mất cái kia. Hồi trước có con La thì sao, đâu nghe bà nói gì?”. Ông Thành chống chế, đưa mắt nhìn hai đứa con đang đùa giỡn với con chó con đầy thích thú. Con Phèn với cái đuôi ngắn ngủn cứ ngoáy tít, nhảy chồm chồm lên người thằng Bình; thỉnh thoảng lại lăn cù ra đất, chổng 4 chân lên trời.

La là con chó kiểng bà Lài mang từ nhà mẹ ở xóm Kênh về; chăm bẵm, nuôi lớn chừng đâu hơn một năm thì nó bị người ta ôm đi lúc nào không ai hay biết. Chó lông xù bán cũng được kha khá tiền nên có kẻ nảy lòng tham. Bà Lài tức nhưng không biết làm sao, chỉ có thể ra đứng đầu ngõ mà chửi đổng.

“Ông đừng có mà nhắc tới con La, nếu không phải ông hơ hỏng thì người ta đâu có bắt mất. Chờ tới lúc con chó này coi nhà được thì nhà này còn cái nồi mẻ!”. Bà Lài chùi chùi tay vào áo, cấm cẳn bưng cái rổ rau đang lặt dở xuống bếp.

Con Phèn sống bằng cơm thừa canh cặn nhưng lớn nhanh như thổi. Nó chứng minh cho bà Lài thấy nó không hề vô dụng, tiếng sủa của nó ran ran, vang xa. Hằng đêm, mọi động tĩnh to hay nhỏ nó đều sủa báo động. Trộm đạo kiêng dè xen lẫn căm ghét, nhiều lần bỏ bả thịt nướng thơm phức vào sân nhưng Phèn không ăn; dù bữa ăn hằng ngày của nó lúc nào cũng chỉ có cơm canh thừa lõng bõng nước. Chuột lớn chuột nhỏ Phèn bắt sạch, trong nhà tuy bề bộn nhưng không còn thấy bóng dáng một con chuột nào nữa.

Ông Thành chạy xe ba gác máy, chuyên nhận chở đồ thuê quanh xóm và mấy quận lân cận. Mỗi ngày, đúng giờ đó, con Phèn ngủ dưới chân ghế bố sẽ chồm 2 chân trước lên, cào “rột rột” vào ghế gọi chủ dậy đi làm. Đều đặn, ngày nào cũng như vậy, nó chạy theo xe ra đến tận đầu hẻm, chiều nghe tiếng xe quen thuộc trở về lại chạy ra đón. Có lần, nó háo hức chạy theo xe một quãng xa rồi bị lạc đường. Thằng Bình, con Vi về nhà không thấy con Phèn đâu, khóc rân trời. Ai ngờ đâu, vừa xong bữa cơm tối thì nghe tiếng gọi cửa của bà Hoa hàng xóm. Hóa ra con Phèn bị lạc đến tận chợ xóm trên, nó còn đang loay hoay tìm đường thì nhìn thấy bà Hoa đang thu dọn đồ đạc ra về. Con Phèn ngay lập tức nhận ra người quen, nó cứ bám theo sau bà, lững thững theo về đến tận đầu hẻm. Ban đầu bà Hoa cũng không biết là chó của nhà ông Thành, đến lúc rẽ vào hẻm nhà mình bà mới ngờ ngợ nhận ra.

Cũng có lần, hai anh em thằng Bình đèo nhau bằng xe đạp về tới nhà mới sực nhớ ra, ba mẹ đều đi vắng cả mà chìa khóa lại để trong phòng. Cả hai còn đang ngồi nghệch mặt, ôm bụng sôi ùng ục vì đói trước hiên thì nghe tiếng rột roạt phía sau lưng. Không biết từ lúc nào, con Phèn đã chui vào cái lỗ nhỏ sau bếp, dùng chân trước kéo rớt chùm chìa khóa trên bàn, tha khỏi phòng rồi dùng mũi đẩy đẩy qua cái khe hẹp sát vách. Cả người con Phèn dính đầy đất cát nhưng mắt thì sáng lên hớn hở, vẫy đuôi lia lịa chờ được khen. Thằng Bình vuốt ve cái tai cụp mềm mại của con Phèn, xé cho nó nửa miếng thịt trong tiếng la oai oái ganh tị của em gái.

Mấy chuyện về con Phèn nhiều không kể hết, nhưng dường như nói về con Phèn nào đó chứ không phải con Phèn đang nằm sống dở chết dở giữa đống ruồi nhặng vây quanh kia. Ông Thành ngứa mắt một thì bà Lài ngứa mắt mười. Bây giờ bà đã có câu trả lời cho cái ngày đầu tiên đem con Phèn về “ai dọn?”, người đó không phải bà thì còn ai? Ông chồng cả ngày đi đến tối mù tối mịt mới về, hai đứa con đi học. Bà buông gánh hàng xén ở chợ xuống xong phải tất bật lao vào nấu cơm chiều, quét tước sơ sơ cái sân, cái nhà. Con Phèn không chỉ trở thành gánh nặng mà còn là cái gai trong mắt đang bốc mùi hôi thối nhức mũi. Từ một con chó lực lưỡng, con Phèn giờ ốm trơ cả xương, những cái xương sườn nhọn hoắt lộ ra khỏi lớp lông mỏng dính đầy ve và bọ chét. Mỗi lần nó thở, cái bụng lép kẹp lại phập phồng một cách nặng nhọc. Cái chén đựng thức ăn từ lâu đã khô queo khô quắt. Bà Lài tự biện minh rằng: con Phèn có ăn đâu mà bỏ cơm vào đấy để mốc meo, ruồi nhặng, lại còn phải dọn dẹp cho cực thân. Nước thì nhờ mấy ngày trời mưa, có khi cũng được lưng chén, những ngày nóng thì cạn trơ cả đáy!

Chiều nay, thằng Bình được nghỉ tiết cuối, nó về sớm nên cố ý đạp xe vòng ra chợ xóm trên. Từ xa, nó đã nghe thấy mùi thịt nướng thơm phức; nó nuốt nước bọt, ngừng xe lại, đưa tay sờ vào túi quần, trong lòng tự nhủ “chắc đủ”. Đây là số tiền ăn vặt ít ỏi mà thằng Bình để dành được trong mấy ngày qua. Bình còn nhớ, lần đầu tiên con Phèn được cho ăn ké miếng thịt nướng trong ổ bánh mì, cái đuôi của con Phèn đã ngoáy tít, cái lưỡi đốm thè ra thèm thuồng thế nào. Nếu con Phèn được ăn thịt nướng một lần nữa, có phải nó sẽ khỏe lên, có phải nó sẽ hết đau không? Bình thường, thằng Bình là đứa hời hợt, vô lo vô nghĩ nhưng nó cũng biết con Phèn đau lắm nên mới bỏ ăn hơn một tuần nay, ngay cả nước cũng không uống!

Bình nhớ như in cái buổi chiều khủng khiếp đó, con Phèn như thường lệ chạy ra cổng mừng ông Thành đi làm về. Nhưng nó không hay biết, từ đằng sau một chiếc xe bán tải đột ngột trờ tới. Con Phèn bị xe cán ngang qua phần thân sau, nó lết về đến sân nhà với nửa thân bê bết máu kéo dài thành vệt từ ngoài cổng vào đến dưới gốc mận, chỗ nó thường nằm. Từ hôm đó, vết thương không được chăm sóc, chữa trị cứ dần dần đen thẫm đi, bốc mùi hôi hám. Ruồi nhặng không ngừng kéo đến, ban đầu con Phèn còn quay quay cái mõm xua đi; sau này nó chỉ nằm im, rên ư ử. Thằng Bình sợ con Phèn chết, ngày nào cũng năn nỉ ba mẹ nó cho con Phèn đi bác sĩ: “Ba, cho con Phèn đi khám đi ba! Nó bỏ ăn rồi”.

Ông Thành rít một hơi thuốc, trầm ngâm không nói. Bà Lài từ ngoài cửa bước vào, lạnh nhạt quát con: “Lo học hành đàng hoàng không lo, tối ngày lo cho con chó! Bài kiểm tra Văn lần này được điểm 9 đi rồi mẹ cho nó đi khám”.

Thằng Bình quẹo vô cổng, cái cổng sắt hoen gỉ mở toang hoác. Trong nhà, tiếng đàn ông nói cười ầm ĩ. Đột nhiên trong lòng Bình dấy lên một dự cảm chẳng lành, tay nó run lên bần bật.

Thằng Bình quăng xe đạp đánh “rầm” một cái, tay cầm ổ bánh mì thịt nướng còn quấn kỹ trong mấy lớp giấy báo chạy đến chỗ gốc mận bây giờ đã trống trơn. Con Phèn, con Phèn đâu? Đầu óc Bình trống rỗng. Hồi sáng, trước khi đi học nó còn xoa xoa đầu con Phèn, căn dặn: “Phèn, mày ở nhà ngoan nha! Chiều tao mua đồ ăn ngon về cho mày”.

Con Phèn không ngoáy tít đuôi như ngày còn nhỏ, nó chỉ ngước đôi mắt nâu ngân ngấn nước mệt mỏi nhìn thằng Bình như đang ngầm đồng ý, cái lưỡi dài âm ấm liếm vào tay cậu chủ nhỏ đầy âu yếm. Vậy mà bây giờ, con Phèn đâu rồi?

“Phèn ơi, mày ở đâu?”. Thằng Bình vừa gào vừa khóc. Mùi máu tanh tưởi lẩn khuất trong không khí.

Nó tông cửa, chạy vụt vào nhà rồi sững người ra. Ba nó – ông Thành đang ngồi khề khà uống rượu với ông Sáu Nam hàng xóm cùng mấy người nó không biết mặt, giữa manh chiếu là một đĩa thịt lớn và chai rượu đã lưng một nửa. Mặt ai nấy cũng đều đỏ bừng bừng như gà chọi.

“Thằng Bình về rồi hả? Ngồi xuống đây!”.

“Ba, con Phèn đâu rồi ba?”. Thằng Bình hỏi bằng giọng nghèn nghẹn hoảng loạn, nó chờ ba nó trả lời là: Con Phèn được đưa đi thú y rồi con!

Nhưng không…

Ông Thành buông đũa, lúng túng chưa biết nói gì thì ông Sáu Nam đã nhe hàm răng vàng xỉn cười hềnh hệch, cầm đũa chỉ chỉ vô đĩa thịt đầy vun còn nghi ngút khói.

“Ủa, con chó này tên Phèn hả?”.

Ổ bánh mì thịt nướng đã mềm xèo trên tay thằng Bình rơi “bịch” xuống đất, xổ ra tung tóe. Nó cố nén cảm giác nhờn nhợn muốn ói nơi cổ họng. Lần đầu tiên trong đời, Bình dám lớn tiếng hỏi ba nó mà câu chữ bị nước mắt nghẹn ngào cứ thế nhấn chìm: “Ba… sao ba cho người ta làm thịt con Phèn?”.

“Cái thằng này, con chó què thì nuôi làm gì, trước sau gì nó cũng chết! Mai mốt ba xin cho mày con khác. Ngồi vô ăn đi! Khóc lóc cái gì!”.

Tai thằng Bình ù đi, không nghe thấy gì nữa; nó tất tả chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa đưa tay lau nước mắt. Tiếng ông Sáu Nam văng vẳng sau lưng: “Trời đất, con trai gì mà mau nước mắt dữ thần!”.

Thằng Bình chạy băng qua khoảng sân tối tăm giờ chỉ còn cái chuồng trống rỗng, cáu bẩn với mấy mảnh thùng các-tông xập xệ, chén nước nằm lăn lóc ở một góc. Trong đầu Bình, từng câu trong bài tập làm văn miêu tả “Con vật nuôi mà em yêu thích nhất” mà nó vừa được điểm cao nhất, vừa được đọc trước cả lớp, vừa làm nó hãnh diện sáng hôm nay vang vang.

“Nhà em có nuôi một con chó, nó tên là Phèn. Phèn rất thông minh… Em rất yêu quý Phèn…”.

Lần đầu tiên trong đời, Bình được điểm 9 bài kiểm tra Văn.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm