- Lý luận - Phê bình
- ‘Bến xuân’: Ai vẽ tình buồn đẹp như Văn Cao
‘Bến xuân’: Ai vẽ tình buồn đẹp như Văn Cao
Nói về Văn Cao, dường như bao nhiêu mỹ từ cũng không đủ, nhưng đôi khi một từ cũng thành thừa; bởi từ những tác phẩm của ông đã toát lên đủ cả tài năng và tâm hồn.
Nhạc sĩ Văn Cao
Nếu chỉ với sáng tác đầu tay Buồn tàn thu năm 16 tuổi, Văn Cao đã vẽ nên cả một mùa thu Bắc Việt với những rung cảm tuyệt mỹ, trở thành đỉnh cao của âm nhạc lãng mạn, đến mức tưởng như mùa thu trở thành dấu ấn và số mệnh của người nhạc sĩ tài hoa thì chỉ ba năm sau đó, ông tiếp tục có một Bến xuân cũng lộng lẫy không kém. Với một không gian mùa xuân nhuốm màu thần tiên, ẩn chứa trong đó là một khối tình thăm thẳm, ca khúc trở thành tuyệt phẩm kinh điển của tân nhạc, như nhạc sĩ Phạm Duy nhận định: “là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam”.
Chuyện tình nàng thiếu nữ tên “Oanh”
Suốt cuộc đời, Văn Cao sống khiêm nhường, khép kín. Đặc biệt trong chuyện tình cảm, ông chung thủy và chừng mực, hết lòng với vợ con. Vì thế, trong các tác phẩm của Văn Cao, những câu chuyện về tình yêu nam nữ cá nhân không nhiều mà phần lớn là những buồn vui chung về nhân tình thế thái, thể hiện qua những cảm nhận và miêu tả vô cùng tinh tế về cảnh vật và con người.
“Bến xuân” là bản nhạc hiếm hoi Văn Cao viết về một mối tình có thực trong cuộc đời mình.
Bến xuân là trường hợp đặc biệt mà Văn Cao viết về một mối tình có thực trong cuộc đời mình. Mối tình không thành nhưng khiến nhạc sĩ có những rung cảm mạnh mẽ. Đó là câu chuyện về giai nhân Hoàng Oanh, người Hải Phòng. Những năm 1940, cô tiểu thư Hoàng Oanh con nhà giàu, xinh đẹp nức tiếng, có giọng hát “oanh vàng” khiến biết bao chàng trai ôm mộng tương tư.
Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến nhóm nhạc sĩ hàng đầu của thành phố cảng thời đó: Hoàng Quý, Kim Tiêu và Văn Cao. Trớ trêu thay, cả ba người đều là những tri kỷ thân thiết trong nghệ thuật. Vốn tính rụt rè, lại có phần mặc cảm về gia cảnh, Văn Cao đành lùi về phía sau, thậm chí giúp hai người bạn viết thơ, viết nhạc để lấy lòng giai nhân.
Chính Văn Cao từng thú nhận: “Tôi là người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi không giỏi về cách giao lưu với những người đàn bà. Đối với những người đẹp, tôi lại càng bối rối. Tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ”.
Dù Văn Cao chưa một lần ngỏ lời, có lẽ Hoàng Oanh cũng cảm nhận được đôi phần tâm tư của ông. Trong thời gian Văn Cao sống tại Bến Ngự, Hải Phòng (còn gọi là Bến Đò Rừng, điểm giao nhau giữa phố Hoàng Văn Thụ và Bưu điện Hải Phòng, nơi nhạc sĩ Văn Cao sinh ra và lớn lên), có một dịp Hoàng Oanh ghé thăm nhạc sĩ, nàng còn ngồi làm mẫu cho Văn Cao vẽ chân dung và ngồi quạt cho chàng viết nhạc.
Những rung cảm mạnh mẽ từ cuộc gặp gỡ ấy đã chắp cánh cho Văn Cao viết nên tuyệt phẩm Bến xuân. Dù sau này, mối tình ấy mãi mãi đi vào quá khứ, khi Hoàng Oanh quyết định lên xe hoa với nhạc sĩ Hoàng Quý (sau này, bà cũng là nhân vật chính để Hoàng Quý viết nên ca khúc nổi tiếng Cô láng giềng), nhưng với Văn Cao, đó là một kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ. Thế nên dù là tình yêu vô vọng, Bến xuân mang đầy niềm hạnh phúc dâng tràn, một niềm vui trong sáng như mùa xuân ùa về trong tâm tưởng của người nghệ sĩ. Nhạc sĩ còn khéo léo lồng ghép câu nhạc: “Ai tha hương nghe ríu rít Oanh ca” như ngầm gửi gắm tình cảm cho người con gái tên Oanh.
Sau này, trong phim ca nhạc Văn Cao, giấc mơ một đời người của đạo diễn Đinh Anh Dũng (năm 1995), Văn Cao có nói lại về Bến xuân và cuộc gặp gỡ ngày ấy: “Ngày xưa, tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Thế nhưng, người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi, vì thế mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”.
Bến xuân ra đời năm 1942. Khi xuất bản lần đầu, trong bản nhạc có đề tên nhạc sĩ Phạm Duy là đồng tác giả phần lời. Việc này cũng gây ra nhiều tranh luận trong giới nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu. Vì theo hồi ký của Phạm Duy, cũng như theo lời nhạc sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), nhạc sĩ Phạm Duy xuống Hải Phòng và hội ngộ Văn Cao lần đầu quãng năm 1943, 1944 trong khi Bến xuân được viết năm 1942, nên việc Phạm Duy tham gia viết lời cho Bến xuân là phi lý. Tuy nhiên, điều này chưa một lần được cả hai nhạc sĩ lên tiếng vì có lẽ Văn Cao hiểu rõ nhất sự hiện diện của Phạm Duy trong những sáng tác của mình. Với Phạm Duy, mọi hư danh, nhất là với người bạn ông coi như tri kỷ, như tiền bối, dường như đều vô nghĩa.
Năm 1944, khi Văn Cao tham gia Việt Minh, dựa trên phần nhạc cũ, ông đã viết lại phần lời mới cho ca khúc với tên gọi Đàn chim Việt. Ca khúc vượt ra khỏi câu chuyện tình cảm đôi lứa cá nhân mà mang khát vọng hòa hợp dân tộc. Đàn Chim Việt cũng lan tỏa mạnh mẽ và có sức sống riêng không thua kém Bến xuân.
Bản nhạc tình lãng mạn nhất
Được coi như thế hệ thứ hai của tân nhạc Việt Nam, hồn nghệ thuật của Văn Cao là sự hội tụ và phát tiết đến đỉnh điểm của sự lãng mạn và tinh tế, ảnh hưởng từ văn hóa Pháp và của thế hệ nhạc sĩ đi trước như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Lưu Hữu Phước…
Ở Văn Cao có sự kết hợp tài tình của nhạc ngữ phương Tây giai đoạn đầu với âm hưởng và màu sắc cổ nhạc dân tộc. Trong các giai đoạn đầu của tân nhạc, với những bản tình ca mùi mẫn, dù vẫn sử dụng những nốt luyến láy và kỹ thuật nhảy nốt mang âm hưởng của ca trù hay âm nhạc ngũ cung, Văn Cao cũng khéo léo thoát ra khỏi hình thái cũ của cổ nhạc, vận dụng sáng tạo và duyên dáng các cấu trúc ca khúc của phương Tây như hợp âm vòng, cấu trúc ba đoạn… tạo nên những tác phẩm sang trọng và diễm lệ bất chấp mọi thời đại, khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phải nghiêng mình kính phục: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn Cao là âm nhạc của thần tiên bay bổng…”.
Tính lãng mạn trong âm nhạc của Văn Cao như khởi thủy của những bản nhạc chữa lành tâm hồn, với giai điệu uyển chuyển du dương. Toàn tài ở cả ba lĩnh vực âm nhạc – hội họa – thơ ca, các ca khúc của Văn Cao luôn hiện lên như một bức tranh tuyệt mỹ. Đó là cái đẹp vượt lên trên cả khổ đau của nhân gian, dù nói về nỗi buồn cũng không chút oán hận hay tuyệt vọng.
Như Phạm Duy từng nói: “Nhạc sầu của nhiều tác giả khác, nhiều khi chỉ là sầu giả tạo; còn tình ca của Văn Cao, nếu là tình buồn cũng không bao giờ bi lụy”. Điều này không chỉ thể hiện ở Bến xuân mà xuyên suốt con đường âm nhạc của Văn Cao. Ông luôn dành cho tác phẩm của mình cái nhìn bao dung và say sưa với cuộc đời, dù đó là một cuộc đời không bằng phẳng. Đó là tầm vóc của một nghệ sĩ lớn, một nhân cách lương thiện mà nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này phải học hỏi và ngưỡng mộ.
Trong cuốn Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, Phạm Duy viết: “Nói tới nhạc tình, Văn Cao là nhất!” và “nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm tân nhạc thì những bài Suối mơ, Bến xuân… là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa”.
Dù sau này Văn Cao thành công lẫy lừng ở nhiều thể loại nhạc khác nhau như trường ca hay nhạc cách mạng… nhưng với nhạc tình lãng mạn, Văn Cao vẫn là dấu son chói lọi, giúp định hình một giai đoạn sơ khai của tân nhạc Việt Nam đạt đến cực điểm của trữ tình duy mỹ. Văn Cao như một cây đại thụ khiêm nhường nhưng tỏa bóng mát sâu rộng, đầy ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.
Lan Anh/PNO