TIN TỨC
  • Góc nhìn văn học
  • Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
818 lượt xem

Hà Thanh Vân

“Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một bộ phim đang gây ra nhiều dư luận sôi nổi. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng có không ít tiếng chê. Dĩ nhiên với tư cách là một sản phẩm nghệ thuật, những thành công của phim rất đáng ghi nhận, song khi xem xong bộ phim, đọng lại cũng là không ít điều “lấn cấn” trong lòng một khán giả như tôi.

Ở đây tôi nói về 4 vấn đề chính: chuyện chỉnh sửa tên hai tổ chức trong phim như thông tin từ Cục Điện ảnh; một vài khía cạnh nội dung và nghệ thuật của phim; những điều còn lấn cấn trong phim; nhân vật bác Ba Phi trong phim. Có thể tôi sẽ tiếp tục nói về những vấn đề “lấn cấn” khác về nội dung và nghệ thuật trong phim “Đất rừng phương Nam” ở bài sau nếu có cảm hứng.

  • THIÊN ĐỊA HỘI HAY NGHĨA HÒA ĐOÀN DÙ ĐƯỢC THAY TÊN BẰNG BẤT CỨ TỔ CHỨC NÀO THÌ VẪN KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC NỘI DUNG PHIM

Tôi thấy có người đi kêu la khắp nơi là bài viết PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” NÊN ĐỔI TÊN PHIM LÀ “THIÊN ĐỊA HỘI Ở NAM KỲ” của tôi không nên đọc vì toàn là tư liệu lịch sử, quá dài và ngôn ngữ văn học khác ngôn ngữ điện ảnh.

Tôi thường không trả lời những ý kiến trái chiều vì không đáng để tôi mất thời gian. Nhưng hôm nay tôi phá lệ trả lời: Thứ nhất, đó là bài viết về những tình tiết Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn trong bộ phim này nên phải mang tính tư liệu lịch sử. Thứ hai đọc hay không là quyền của mỗi con người, cũng là một trong những “nhân quyền”, không thể ngăn cấm người ta. Tôi chưa hề kêu ai đừng đi xem phim “Đất rừng phương Nam” hay tẩy chay phim này, cũng như kêu mọi người đừng xem những bài viết ca tụng phim này của bạn ấy. Thế thì đừng nên áp dụng tiêu chuẩn kép thế nhé, vì tôi đã tôn trọng luật chơi rồi. Bạn hoàn toàn có quyền phản biện bài viết của tôi, chứ nếu cứ đi kêu gọi đừng đọc bài của tôi thì chơi không đẹp rồi!

Ngoài ra tôi còn nhận số tin nhắn đe dọa có danh và ẩn danh. Những lời đ.e d.ọa thì để chờ thu thập thêm vì kiểu gì cũng sẽ có thêm, rồi tôi đi trình báo công an sỉ một thể cho tiện, báo lẻ mất công lắm. Nhân đây cũng thông báo là nếu bản thân tôi có gặp vấn đề gì trong thời gian tới, thì mọi người có thể xác định được là do những ai và vì việc gì rồi nhé.

Tôi là người lớn lên giữa hai miền đất, chịu ảnh hưởng của cả văn hóa miền Nam và miền Bắc, nhưng đặc biệt gần gũi với miền đất phương Nam vì cả cuộc đời tôi sống tại đây và bây giờ vẫn đang gắn bó. Người phương Nam yêu quý Lục Vân Tiên, ghét Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Họ tâm đắc với câu thơ của cụ Đồ Chiểu:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Thế nên tôi nghĩ khen hay chê đều cần phải công tâm, dẫu là trên quan điểm cá nhân. Nếu không đồng tình thì có thể viết bài phản biện lại từng luận điểm trong bài viết của tôi. Còn nếu nhân danh điều gì đó để đi chửi rủa, đe dọa thì lại giống Trịnh Hâm, Bùi Kiệm rồi.

1.1. SỰ THANH MINH MANG TÍNH CHẤT… CỨU HỎA

Thông tin trên báo Văn hóa ngày 15.10.2023 trong bài viết “Cục Điện ảnh lên tiếng về bộ phim “Đất rừng phương Nam” cho thấy: “Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, trong cuộc họp và đối thoại chiều 14.10, đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại “Thiên địa hội” và “Nghĩa hòa đoàn”, thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.

Ý kiến từ phía đoàn phim cho biết, nhằm hoàn thiện và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem về bộ phim Đất rừng phương Nam, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa Hoà Đoàn thành Nam Hoà Đoàn và Thiên Địa Hội thành Chính Nghĩa Hội. Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa Hội và Nghĩa Hoà Đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc.”

Phía Cục Điện ảnh cũng cho biết: “Việc tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào á.c bá với nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, Thầy giáo Bảy là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này. Câu chuyện phim sẽ được phát triển ở những tập tiếp theo để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám”.

Theo tôi, dù thay tên, cũng không thể cứu vớt được những điểm yếu về mặt nội dung và nghệ thuật của phim. Và cũng không thể phủ nhận rằng đây là một bộ phim không mang âm hưởng “Đất rừng phương Nam” mà là một bộ phim ca tụng hội kín kháng Pháp của những người Hoa. Liệu có thể sửa được nội dung phim, trang phục phim hay không? Vấn đề ở đây không phải là sự liên tưởng, mà là thực tế trong phim đã diễn ra những chi tiết, tình tiết như thế.

Cho dù nhà sản xuất bảo là còn những phần sau nữa, thì hóa ra đây là phim truyền hình à? Nếu vậy thì sao không quảng bá với khán giả ngay từ đầu là phim nhiều phần? Ngay từ đầu, khi chạy chiến dịch truyền thông, trên báo, tôi chưa tìm ra bài nào bảo đây là phim nhiều tập, nhiều phần cả. Lời của Cục Điện ảnh là để chữa cháy cho bộ phim này thôi! Tôi đọc hết cả bài báo có tính chất giải trình, thanh minh, thì rõ ràng rất mâu thuẫn không chỉ với chiến dịch truyền thông ban đầu, mà còn đưa ra một câu hỏi cần trả lời: Vậy rồi có làm phim tiếp theo không? Nếu làm tiếp theo sao không đặt tên phim là “Đất rừng phương Nam phần 1” mà lại đặt tên là “Đất rừng phương Nam”? Nên nhớ rằng khi bắt đầu chiến dịch truyền thông cho phim này, không ít bài báo đã nhấn mạnh ý kiến của những nhà làm phim là lấy tên “Đất rừng phương Nam” khác với bản truyền hình.

Mà theo tôi được biết là chưa hề có kịch bản của các phần sau, thì thông tin này của Cục Điện ảnh dựa vào đâu để bảo rằng nội dung sắp tới là như vậy? Tôi cũng ngạc nhiên vì thường thì các kịch bản đều được giữ bí mật để làm phim, nhưng cứ cho là Cục Điện ảnh có đọc kịch bản rồi (giả sử là có), thế thì Cục Điện ảnh tiết lộ luôn nội dung các tập phim tiếp theo rồi còn gì? Vậy là phạm luật!

1.2. CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG TẬN DỤNG DANH TIẾNG CỦA “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” CỦA NHÀ VĂN ĐOÀN GIỎI

Nội dung chính của phim “Đất rừng phương Nam” là gì? Là gần như dính rất ít đến nguyên tác “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Trong phim các nhân vật gần như chỉ có cái tên như nguyên tác là bé An, thằng Cò, dì Tư Béo, dì Tư Mắm, Võ Tòng. Còn thì là tuyến nhân vật mới hoàn toàn, với những tình tiết cũng hoàn toàn mới.

Thật ra làm vậy cũng là chuyện hết sức bình thường. Những người làm phim hoàn toàn có quyền hư cấu một bộ phim mới lấy cảm hứng từ nguyên tác văn học. Nhưng nếu vậy, xin họ đừng lấy tên phim là “Đất rừng phương Nam”. Họ nên lấy cái tên khác. Hoặc dùng chính tên “Đất rừng phương Nam” cũng được nhưng truyền thông định hướng dư luận trên báo chí và mạng xã hội ngay từ đầu theo kiểu đây là phim “Đất rừng phương Nam” có cảm hứng từ tác phẩm văn học của Đoàn Giỏi, có thể tạm gọi đây là phần phim tiền truyện. Bản thân tôi trong bài viết trước đã gợi ý đổi tên phim thành “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ” vì nội dung nói về “Thiên Địa Hội” là chính.

Nhưng ê kíp truyền thông và những người sản xuất phim không dám mạo hiểm bởi lẽ HK Film, đơn vị đầu tư sản xuất bộ phim này đang lỗ nặng vì mấy bộ phim trước đó. Nếu họ chạy truyền thông ngay từ đầu rằng đây là bộ phim lấy cảm hứng từ “Đất rừng phương Nam” thì không có gì bảo đảm cho sự ăn khách của phim. Nhưng nếu quảng bá lập lờ là chính phim “Đất rừng phương Nam” thì hẳn sẽ có một lượng lớn fan hâm mộ của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” đi xem phim này. Mặt khác cũng có thể những người làm phim này hy vọng rằng với nội dung kịch bản như thế, phim biết đâu sẽ ra tiếp phần hai, phần ba, như là một series.

Có điều làm như vậy thì với người xem sẽ tạo ra một cảm giác hẫng hụt khi xem phim “Đất rừng phương Nam” bởi vì họ trông chờ vào một cốt truyện quen thuộc. Thay vào đó họ sẽ chỉ được thấy nhân vật thằng Cò xuất hiện thoáng qua, nhân vật ông Hai bắt rắn thay bằng nhân vật ông Ba. Trong phim xuất hiện những nhân vật mới như Út Lục Lâm, bác Ba Phi, cha con ông Tiều và bé Xinh, bà đầm Pháp… Tôi mong các nhà làm phim nên sòng phẳng với khán giả, đừng bám vào danh tiếng nguyên tác “Đất rừng phương Nam” và tôi tin khán giả cũng sẽ mở lòng với những thiện chí của nhà làm phim.

1.3. THỰC TẾ BỘ PHIM LÀ SỰ TÔN VINH NHỮNG HỘI KÍN CHỐNG PHÁP CỦA NGƯỜI HOA VÀ VĂN HÓA NGƯỜI HOA Ở NAM BỘ, XUYÊN SUỐT PHIM BÓNG DÁNG NGƯỜI VIỆT NAM RẤT MỜ NHẠT

Không ai phủ nhận vai trò của người Hoa trong quá trình cộng cư đến mảnh đất phương Nam. Lịch sử di cư của người Trung Quốc sang Việt Nam là một lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, ngay từ thời Bắc thuộc. Theo quan điểm của cá nhân tôi, ngoài những sự di cư mang tính chất hành chính, cai trị và những sự di cư lẻ tẻ của cá nhân sang giao thương buôn bán, thì có ba đợt di cư lớn của người Trung Quốc sang Việt Nam.

Đợt di cư lớn đầu tiên của người Trung Quốc sang Việt Nam phải kể đến là ở thời nhà Tống. Khi nhà Tống bị nhà Kim xâm lược và mất nước, nhiều quan lại, quân sĩ triều đình nhà Tống đã chạy sang Việt Nam nương náu. Chính sử ghi chép rằng đời Trần thì Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật đã dùng gia tướng người Tống là Triệu Trung, vốn là một hoàng tử nhà Tống và dưới quyền của ông có một đạo quân người Tống cùng tham gia chống Nguyên Mông.

Đợt di cư lớn lớn thứ hai của người Trung Quốc sang Việt Nam là cuối thời Minh đầu thời nhà Thanh, với chủ trương “phản Thanh phục Minh”. Nhiều người Trung Quốc vì không thần phục nhà Thanh hoặc sợ bị trả thù đã chạy sang Việt Nam. Theo sử ghi chép lại, năm 1679, có 70 chiến thuyền chở khoảng 3.000 người cùng gia đình, do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên lãnh đạo, đã vào Đà Nẵng xin thần phục chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1687). Chúa Hiền đã sắp xếp cho họ vào vùng Đông Phố, còn gọi là Cù lao Phố hay Nông Nại Đại Phố (lưu vực Đồng Nai) và định cư tại đó.

Mười năm trước đó, một nhân vật vốn là một thương gia, gốc ở tỉnh Quảng Châu, phủ Lôi Châu, tên là Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, khai phá mảnh đất này và xin thần phục chúa Nguyễn. Ông được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Khi Mạc Cửu mất năm 1735, con trai ông là Mạc Thiên Tứ, còn gọi là Mạc Thiên Tích (1718-1780) kế vị với chức Tổng binh Đại đô đốc Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ tiếp tục nền hành chính dân sự và khai khẩn mảnh đất miền Tây Nam Bộ. Chính dưới thời Mạc Thiên Tứ, vào rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736), ông đã mở Tao đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên. Đây là Tao đàn thứ 2 trong lịch sử văn học Việt Nam, sau Tao đàn Nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập.

Đợt di cư lớn thứ ba của người Trung Quốc là vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi ấy Trung Quốc bị nhiều nước phương Tây xâm lược và tiếp theo đó là bị Nhật xâm chiếm. Tình hình đất nước không yên ổn đã khiến cho nhiều người Hoa di cư sang Việt Nam.

Những thế hệ người Hoa di cư sang Việt Nam đã góp nhiều công sức vào những hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Cho đến nay tuy còn có những ý kiến trái chiều, và dĩ nhiên sự việc nào cũng có mặt trái, như một câu ngạn ngữ nổi tiếng của phương Tây là “Tấm huân chương nào cũng có mặt trái”, song những đóng góp của người Hoa là không thể phủ nhận.

Như vậy có thể thấy việc khai phá mảnh đất Nam Bộ gắn liền với sự di dân của người Việt từ miền Bắc và Trung vào mở cõi, cùng với việc người Hoa di cư sang Việt Nam ở giai đoạn lớn thứ hai. Việc Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, biến nơi đây thành mảnh đất thuộc địa và xây dựng vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn thành một đô thị hiện đại theo kiểu Pháp cũng tương ứng với đợt di cư lớn thứ ba của người Hoa sang Việt Nam. Người Hoa sống ở Việt Nam là sự cộng cư, đan xen, gắn kết, hòa nhập và tiếp biến về mặt văn hóa, xã hội, con người… do vậy những tổ chức của người Hoa thời đó, cũng có dấu ấn của người Việt Nam.

Nhưng cũng không thể dựa vào quá trình cộng cư, gắn kết đó để biện minh cho bộ phim “Đất rừng phương Nam”. Tôi sẽ không phản đối nếu bộ phim mang tên “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ” hay tên của bất kỳ một hội kín kháng Pháp của người Hoa nào, bởi lẽ nhà làm phim hoàn toàn có quyền làm phim để tôn vinh văn hóa Hoa và những đóng góp của người Hoa trong công cuộc kháng Pháp. Thực tế là giải pháp của nhà sản xuất là đổi tên thành Nam Hòa Đoàn và Chính Nghĩa Hội. Nhưng có những chi tiết không rõ vô tình hay cố ý khiến cho người xem dễ có những liên tưởng không hay. Tôi ví dụ một vài chi tiết:

– Chi tiết về trang phục thì mọi người đã nói nhiều, tôi không nhắc lại nữa. Nhưng đặt cho bối cảnh phim mới thấy sự tương phản nổi bật. Nhân vật Út Lục Lâm, bé An, ông Tiều, Hai Thành, bác Ba Phi… nói chung là không phân biệt Hoa hay Việt đều mặc áo có khuy cài kiểu Tàu. Trong khi các diễn viên quần chúng đều mặc đồ bà ba theo truyền thống. Đặc biệt là có cảnh Hai Thành mặc áo dài nam theo kiểu Trung Hoa dân quốc. Bản thân tôi nghĩ là nếu phim này tôn vinh hội kín kháng Pháp người Hoa thì cho các nhân vật người Hoa mặc áo kiểu Tàu là hợp lý. Nhưng chẳng có lý do gì cho các nhân vật thuần Việt như bé An hay bác Ba Phi phải mặc áo kiểu Tàu cả. Đặt trong một bối cảnh phim chung, những hình tượng nhân vật quen thuộc trong lòng người dân Nam Bộ bây giờ bỗng mặc áo kiểu Tàu, khác với những nhân vật khác, và họ đều là những nhân vật chính diện, vậy thì khán giả rất dễ nhận ra sự khác biệt, từ đó dẫn đến những phản ứng.

– Chi tiết Nghĩa Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội và bé An thắp hương gia nhập thì vốn là một cảnh bình thường. Nhưng có sự hướng dẫn của ông Tiều cùng với các lời thoại thì dễ tạo cảm giác một người con Việt Nam thề với người cha Trung Hoa. Nguyên văn các lời thoại trong phim: “Từ nay con là người của Nghĩa Hòa Đoàn Thiên Địa Hội, thờ trời làm cha, thờ đất làm mẹ, lấy “kháng Pháp” làm tôn chỉ, lấy tinh thần “Đào viên kết nghĩa” làm nền tảng. Nếu sống đời gian trá, lừa thầy phản bạn sẽ bị trời tru đất diệt, ch.ết không toàn thây”. “An đã tự nguyện cắt máu ăn thề, sống là người Nghĩa Hòa Đoàn, chết làm ma Thiên Địa Hội. Anh muốn nó phản bội lời thề, sống đời hèn nhát sao?”

Tôi không hiểu tại sao tư duy của các nhà làm phim, trong đó có người viết kịch bản lại nhập hai tổ chức Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn vào làm một. Rõ ràng trong lịch sử thì đây là hai tổ chức khác nhau. Điều này cho thấy sự non kém, thiếu hiểu biết về mặt lịch sử.

  • MỘT VÀI CẢNH TRONG PHIM TẠO CẢM GIÁC “LẤN CẤN” VỀ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT KỂ CẢ NẾU ĐỔI TÊN HAI TỔ CHỨC

Vì có mấy bạn hỏi về những chi tiết “lấn cấn” trong phim “Đất rừng phương Nam” sau bài viết PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” NÊN ĐỔI TÊN PHIM LÀ “THIÊN ĐỊA HỘI Ở NAM KỲ”, nên tôi viết thêm chút ít.

“Đất rừng phương Nam” được cài cắm một số chi tiết dễ gây những liên tưởng không hay, không chỉ nói riêng về chuyện Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn. Điều này thì dẫu đổi tên tổ chức cũng không giải quyết được vấn đề. Tôi không rõ đạo diễn, biên kịch hay nhà sản xuất phim có dụng ý gì hay đây chỉ là vô tình, nhưng giống như những hạt sạn rất khó để nhằn.

– Những người làm phim hoàn toàn có thể hoàn toàn chỉ tập trung làm phim về Thiên Địa Hội! Vì thực tế cũng có một khuynh hướng Thiên Địa Hội chống Pháp bên cạnh Thiên Địa Hội xã hội đ.en từ tư liệu lịch sử cho thấy. Và nếu đã dứt khoát lùi về giai đoạn nào đó không rõ trước năm 1945, thì chỉ cần làm phim về Thiên Địa Hội thôi, không cần thiết đưa vài nhân vật cách mạng mà tiêu biểu là anh Hai Thành (ba bé An) vào để như ngầm ý đối chọi, so sánh! Xem bộ phim này, có thể thấy nổi lên hai tuyến nhân vật, hai tổ chức là Thiên Địa Hội và cách mạng và bé An chính là sợi dây liên kết giữa hai bên.

– Suốt cả phim thì toàn thấy hoạt động của Thiên Địa Hội, nào là bé An gia nhập, c.ắt m.áu ăn thề. Nào là cướp pháp trường cứu Võ Tòng. Nào là đánh nhau với giặc Pháp khắp nơi như “Nghĩa sĩ Cần Giuộc” thời xưa! Nào là vượt ngục… Những nhân vật Thiên Địa Hội hiện lên là anh hùng mã thượng, nhân cách, khí tiết đủ cả. Còn cán bộ cách mạng làm gì? Chả thấy đâu ngoài hai cuộc họp và vài lần xuất hiện mờ nhạt. Một cuộc họp chung với Thiên Địa Hội thì phía cách mạng không đáp ứng hỗ trợ Thiên Địa Hội. Một cuộc họp riêng thì kêu gọi anh Hai Thành đừng đi gặp con trai vì sợ bị lộ! Chỉ thấy Thiên Địa Hội đi đánh Pháp khắp nơi! Ngoài ra không thấy cán bộ cách mạng làm gì cả! Nội dung phim như vậy tạo ra cảm tưởng các nhân vật cách mạng hết sức mờ nhạt.

– Nhưng cán bộ cách mạng có làm một việc, đó là làm… ghế ngồi cho bé An ngồi lên. Ở cảnh gần cuối phim, nhân vật Hai Thành giả làm cái ghế ngồi trên sân khấu, cho bé An đóng vai hoàng đế ngồi lên. Nhân vật cách mạng yêu nước Hai Thành thì núp dưới tấm khăn phủ, nhắc tuồng cho bé An đọc lên trên sân khấu. Chuyện người giả làm ghế thì thường thấy ở những tuồng tích xưa trình diễn ở Nam Bộ. Nhưng xem cảnh này không rõ những người làm phim có dụng ý gì và rất dễ gây những liên tưởng không hay! Vì nếu diễn cảnh hai cha con phải làm vậy để gặp nhau thì hết sức lộ liễu và khiên cưỡng. Chưa kể lúc đó thì sau khi bé Xinh bị bắt và được bé An cứu ra, bé An phải biết là chuyện hẹn gặp cha ở đêm diễn của đoàn hát đã bị lộ vì bé Xinh lỡ miệng nói với mụ Tư Mắm về cuộc hẹn này! Vậy sao bé An còn cố lên sân khấu?

– Phim chủ yếu nói về Thiên Địa Hội nên nhân vật mắt một mí nhiều quá! Đến nhân vật Út Lục Lâm thì tuy không phải là người của Thiên Địa Hội, nhưng gương mặt và đôi mắt một mí cũng đậm chất người Hoa. Lại thêm những màn đánh võ kiểu hai bộ phim “Anh hùng” và “Vô ảnh” của Trương Nghệ Mưu, đặc biệt là những cảnh quay đặc tả đôi mắt và những chiếc nón. Tôi phải post tấm ảnh tôi đội chiếc mũ mua ở bên Trung Quốc với tấm ảnh nhân vật ông Tiều trong phim để so sánh cho vui.

Nên tôi vẫn cho rằng việc đổi tên hai tổ chức này là một giải pháp tình thế, không mang tính chất giải quyết những hiểu lầm về mặt lịch sử đối với nhiều khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ, ít quan tâm đến lịch sử. Thực tế là vẫn dễ hiểu lầm rằng trong “Đất rừng phương Nam” chỉ có người Hoa là lực lượng chủ chốt để kháng Pháp!

  • PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” ĐÃ PHÁ VỠ MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT: KHI BÁC BA PHI GIÀNH CÔNG LAO VỀ MÌNH!

Bộ phim có khá đông nhân vật và những người làm phim đã dành nhiều đất diễn cho những nhân vật khác nên nhân vật bé An không còn đất diễn chính. Thậm chí những người làm phim đã dành nhiều thời lượng cho nhân vật Út Lục Lâm do Tuấn Trần đóng và ông Tiều do Tiến Luật đóng. Không phủ nhận là hai diễn viên này đã đóng rất tròn vai, tuy không có những đột phá xuất sắc nhưng vẫn đủ sức thuyết phục người xem. Nhưng cũng chính vì thế mà nhân vật chính là bé An khá lu mờ trong phim, đặc biệt là những cảnh phim đóng chung với nhân vật Út Lục Lâm và ông Tiều. Những người làm phim đã khá chăm chút cho hai nhân vật này, dành cho hai nhân vật này nhiều câu thoại, cảnh diễn xuất, hành động. Điều này làm cho khán giả có cảm giác các nhân vật trong phim “dàn hàng ngang” mà tiến, khiến cho mạch phim bị loãng.

Bản thân những đại cảnh như chợ búa, chợ nổi trên sông, cảnh cướp pháp trường, đi giết Tây… tuy làm rất công phu và mãn nhãn cho người xem, nhưng cũng làm cho sự khắc họa tâm lý nhân vật bị mờ nhạt đi. Khi xem phim này, khán giả bị cuốn hút vào những cảnh hành động hơn là quan tâm đến diễn biến số phận của nhân vật.

Một nhân vật có thể nói là điển hình cho sự phá vỡ hình tượng nghệ thuật trong lòng khán giả là nhân vật bác Ba Phi do Trấn Thành đóng. Một số ý kiến bênh vực bộ phim “Đất rừng phương Nam” cho rằng đây chỉ là nhân vật phụ, xuất hiện thoáng qua vài phút, không đáng để tâm. Đó là nhận định của những người không hiểu được tầm quan trọng của một bộ phim điện ảnh với vai trò là một tác phẩm nghệ thuật. Với một tác phẩm nghệ thuật gồm nhiều loại hình phức hợp như điện ảnh, nhân vật hay tình tiết nào xuất hiện trong phim đều có lý do, dụng ý, dù là chính hay phụ, lớn hay nhỏ. Tính chất chỉnh thể của một tác phẩm nghệ thuật như một bộ phim đòi hỏi sự kết cấu chặt chẽ và tập trung. Do vậy nhân vật bác Ba Phi cũng đóng vai trò nhất định trong phim, không thể xem nhẹ.

Khâu hóa trang cho nhân vật còn sơ sài, nhưng đó không phải là điểm yếu duy nhất của nhân vật bác Ba Phi. Từ xưa đến nay trong lòng công chúng cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng, hình tượng bác Ba Phi (vốn là nhân vật có thật ngoài đời) là một hình tượng đặc biệt. Theo cổng thông tin điện tử của chính quyền tỉnh Cà Mau, bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, mất năm 1964, quê tại Rạch Mũi, Cái Rắn, huyện Cái Nước. Hiện nay có Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) thuộc số 26, Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Từ xưa đến nay, qua những câu chuyện vui dân gian truyền miệng mà bác Ba Phi để lại và được nhà văn Anh Động văn bản hóa bằng tác phẩm “Truyện vui bác Ba Phi”, NXB Kim Đồng, 1995, thì bác Ba Phi tuy kể chuyện cười bằng sự phóng đại, hài hước những sự vật hiện tượng ở miền Tây Nam Bộ, nhưng bác không bao giờ tự đề cao bản thân mình như trong phim “Đất rừng phương Nam” thể hiện. Là người không xuất hiện trong cảnh cướp pháp trường cứu Võ Tòng, nhưng bác Ba Phi lại xuất hiện trong quán rượu dì Tư Béo, tự kể công lao cứu Võ Tòng về mình. Câu thoại của nhân vật bác Ba Phi trong phim là: “Bữa đó tao chứng kiến, tụi lính vừa đưa súng, Võ Tòng gầm lên, trời sấm sét, tụi lính sợ đái ra quần như xả lũ, còn tinh thần đâu mà bắn? Ba Phi tao thấy đúng lúc, chụp cái liềm cắt lúa phóng đứt sợi dây thòng lọng. Võ Tòng huýt một tiếng sáo, từ đâu một đám trâu mộng, lao vô ủi đám quân lính té nhào. Rồi cha Võ Tòng nhảy xuống sông, được ông cá hô chở đi mất”.

Trấn Thành là một diễn viên có tài. Anh hoàn toàn có thể đóng vai bác Ba Phi tốt nếu biết tiết chế lại lối diễn cường điệu, lên gân, hay nói cách khác là “giả trân” theo kiểu miền Nam. Bác Ba Phi là người nông dân mộc mạc, hài hước. Trong những truyện vui bác để lại, bác Ba Phi không nói đạo lý kiểu: “Dân mình hiểu đất mình, dân mình thương đất mình, đất trời sẽ che chở cho chúng ta”. Ngay cả đoạn độc thoại dài cuối phim trong một cảnh quay “one-shot” của nhân vật bác Ba Phi cũng hết sức là đạo lý và cường điệu. Đoạn độc thoại ấy có lẽ phù hợp đưa vào chính kịch hơn là một bộ phim như “Đất rừng phương Nam”. Người Tây Nam Bộ có tính cách thật thà, chất phác. Họ có giảng đạo lý cũng đơn giản, mộc mạc, không cường điệu, khoa trương như diễn xuất và thoại của Trấn Thành.

Dĩ nhiên những người làm phim có quyền xây dựng một nhân vật bác Ba Phi hoàn toàn khác với nguyên mẫu vì hư cấu là điều cần thiết để đảm bảo tính sáng tạo của bộ phim điện ảnh. Nhưng vấn đề là hư cấu phải hợp lý, phải thuyết phục được số đông công chúng. Còn hư cấu không thành công, phá vỡ cả hình tượng nghệ thuật quen thuộc thì đó thuộc về lỗi của những người làm phim.

  • PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM”: LỐI THOẠI ĐẠO LÝ VÀ NHỮNG CHI TIẾT THÔ THIỂN

Kịch bản phim “Đất rừng phương Nam” được viết theo màu sắc của ngôn ngữ kịch hơn là điện ảnh. Một số lời thoại dài dòng, thậm chí mang màu sắc độc thoại của kịch, chẳng hạn như cảnh bé An và bé Xinh cùng ngồi ngắm trăng và nhớ mẹ.

Nhiều câu nói mang màu sắc đạo lý, không phù hợp với nhịp độ diễn tiến nhanh của phim và logic ngôn ngữ đời sống. Thầy Bảy nói với bé An: “Thầy cũng là người yêu nước giống cha con. Nhưng thầy chọn dùng lời ca tiếng hát để đánh động trái tim của mọi người”. Nhân vật Hai Thành, ba của bé An thì thống thiết ngay trong cuộc họp nghiêm túc với người đồng chí của mình: “Tôi đã vì việc nước mà quên việc nhà, nay tôi phải làm trách nhiệm của người cha, người chồng. Việc nước xin anh gánh vác. Trí, tôi mong cậu hãy thay tôi chỉ huy…” Ở cảnh gần cuối phim, khi bé An gặp cha, hai người lại tiếp tục ôm nhau nói đạo lý, ngay kể cả khi Pháp đang lùng bắt và ở trong tình thế hiểm nghèo, khiến cho khán giả xem phim không thấy cảm động mà chỉ thấy vô lý.

Một số chi tiết có thể nói là khá thô thiển, lặp đi lặp lại trong phim nhiều lần. Chẳng hạn như những cảnh hai nhân vật An và Út Lục Lâm ngồi cầu tiêu trên kênh rạch nói chuyện. Ngôn ngữ đối thoại và tiếng động đặc tả khá thô tục. Chưa kể, hai nhân vật nhiều lần ngay sau khi ngồi cầu tiêu thì vì một vài tình huống, lại bơi lội ngay ở dưới đó và làm động tác nôn ói, khiến cho khán giả dễ phản cảm. Chi tiết “đánh rắm” cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không chỉ với hành động của bé An và Út Lục Lâm, mà còn ngay cả với lời thoại của nhân vật má An, người phụ nữ được xây dựng với hình tượng nền nã, thương con, sẵn sàng hy sinh vì con. Những điều này làm cho mỹ cảm của người xem phim khó chịu. Hay chuyện nhân vật Út Lục Lâm hóa trang thành bà đầm Pháp, ngồi xuống giả vờ đi… tè tuy là để gây cười nhưng khá thô tục.

Tuyến nhân vật xây dựng một chiều rõ nét nhất là viên sĩ quan Pháp, suốt ngày hở ra có chuyện là giơ súng bắn và chửi rủa! Đây là một công thức hết sức cố định theo motif “ta thắng địch thua”, rất nhàm chán! Tại sao cứ địch là phải ác, còn “ta” thì phải ngời sáng, đại diện cho lương tâm, chính nghĩa?

  • BỘ PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” VẪN CÓ NHỮNG ĐIỂM MẠNH.

Tôi không phủ nhận sự mong mỏi và nỗ lực của những người làm phim khi họ làm một bộ phim nói về miền đất phương Nam.

Diễn xuất của các diễn viên khá tròn vai. Tuấn Trần vào vai Út Lục Lâm và Tiến Luật trong vai ông Tiều tôi cho là hai điểm sáng nhất trong phim này. Nhưng tôi thấy lối diễn gồng, cương, lạm dụng hình thể của Tuấn Trần thì phù hợp với vai Út Lục Lâm, chỉ có điều nếu giữ mãi lối diễn đó thì dễ thành lối mòn. Mặt khác, lối diễn này của Tuấn Trần thật ra là một bản sao của lối diễn của Trấn Thành. Có lẽ Tuấn Trần còn phải làm nhiều điều nếu muốn khác biệt hay vượt qua cái bóng của người đi trước.

Phim cũng có những trường đoạn xúc động, nhất là cảnh mẹ bé An thà chết để che chở cho con. Những đại cảnh lớn, huy động đông đảo diễn viên quần chúng cho thấy sự công phu của đạo diễn. Những khung hình đẹp, cũng giúp giới thiệu một phần mảnh đất Nam Bộ, trong đó có rừng tràm Trà Sư ở An Giang là nơi rất quen thuộc với tôi. Chỉ là mấy cảnh quay đẹp mướt mắt rồi, không nên dùng kỹ xảo ghép chim chóc vào vì rất giả! Đạo diễn cũng cho các nhân vật… chạy hơi nhiều! Tỉ lệ chạy chiếm một thời lượng đáng kể trong phim. Cũng hơi lạm dụng góc máy quay từ trên cao, nhưng về tổng thể thì khung hình chỉn chu, góc quay đẹp.

Tuy còn có những lấn cấn về nội dung và nghệ thuật phim, song không thể phủ nhận những ưu điểm của bộ phim “Đất rừng phương Nam” với phần âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí, cảnh quay phim đẹp, trau chuốt từng khuôn hình. Nhiều đại cảnh cầu kỳ, công phu với số lượng diễn viên quần chúng lên đến hàng ngàn người. Do vậy, bộ phim này trong một chừng mực nhất định nào đó, cũng góp phần tôn vinh con người và mảnh đất phương Nam.

H.T.V

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm