TIN TỨC

Tháng ba ở Tây Nguyên

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
852 lượt xem

Bút ký của NGUYỄN TRƯỜNG

Đến Tây Nguyên,  tôi lại nhớ đến bút ký “Tháng ba ở Tây Nguyên” của nhà văn Nguyễn Khải viết năm 1976, khi ông trở lại chiến trường còn nóng bỏng khói lửa chiến tranh. Nhà văn bồi hồi nhớ lại trận đánh vào Buôn Ma Thuột sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975.

Trước khi mở màn trận chiến lịch sử, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, lấy Buôn Ma Thuột là mục tiêu chủ yếu. Để có trận đánh lớn giành thắng lợi, quân ta đã phải ém quân, giữ bí mật tuyệt đối mũi đánh chính là Buôn Ma Thuột, bằng cách đánh nghi binh vào Pleiku, An Khê, Bình Khê... Bởi vậy trận mở màn Buôn Ma Thuột lúc gần 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 là trận đánh lớn đầy bất ngờ, quân ta đánh thẳng vào sân bay thị xã, kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, tiểu khu 23 quân y, sư đoàn bộ sư 23 quân Sài Gòn...chiếm cơ quan đầu não của địch, mở ra thế trận mới, làm chủ các hướng tiến công trên toàn bộ Tây Nguyên,  các tuyến phòng thủ của địch bị rối loạn và tan rã theo dây chuyền. Theo đài phát thanh của Sài Gòn ngày 17 tháng 3 năm 1975: “Tổng thống Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ trọn vùng cao nguyên Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, dân chúng bắt đầu phải di tản đường bộ, theo quốc lộ 7, một con đường bỏ hoang từ thời Pháp thuộc”.

Khi tôi đến thành phố Buôn Ma Thuột, nay đã là thành phố loại 1 của cả nước, một không khí vui tươi, rộn ràng, phấn khởi hiện lên trên từng gương mặt người dân nơi đây. Hôm nay cũng đúng vào ngày 10 tháng 3, tỉnh Đắk Lắk  đang tổ chức lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, một lễ hội lớn nhất từ trước tới nay. Trước Nhà văn hóa thành phố, cũng là ngã 6, nơi tượng đài chiến thắng, tượng đài có hình các chiến sĩ Giải Phóng gương cao cờ chiến thắng, bên dưới là chiếc xe tăng đang lao lên, một không khí lễ hội đường phố trong khuôn khổ lễ hội Cà phê Buôn Ma thuật diễn ra trang trọng, tưng bừng, rực rỡ sắc màu, âm vang tiếng cồng chiêng của đồng bào các dân tộc. Đoàn diễu hành trong trang phục của các dân tộc như: Jrai, Bahnar, Ê Đê, M nông, Thái, Tày, Nùng, Dao... Các cô gái dân tộc mặc nhưng bộ váy áo đẹp, đủ màu sắc sặc sỡ, vừa đi vừa múa như những chú chim công duyên dáng. Các chàng trai người dân tộc vừa đánh cồng chiêng vừa múa một cách mạnh mẽ như con báo, con hổ trong núi rừng Tây Nguyên. Chính những người tham gia lễ hội đã cho du khách hiểu về sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc.


Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - Ảnh NT

Cũng trong những ngày diễn ra lễ hội cà phê này, tỉnh Đắk Lắk đón nhận tin vui: Khởi công dự án nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu  Đắk Lắk. Nhà máy có công suất 70 ngàn tấn nguyên liệu/ năm, với tổng vốn đầu tư hơn 467 tỷ đồng. Nhà máy sẽ thu mua, chế biến, đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu như: Chanh dây, sầu riêng,  bơ, khoai lang, cà phê... ra thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU... Sở dĩ đây là tin vui đầu tiên vì tỉnh Đắk Lắk thuộc địa lý bình nguyên trên cao nguyên, diện tích trồng lúa nước rất ít, chủ yếu là trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Thế nhưng những năm qua, địa phương chưa có nhiều nhà máy chế biến đủ lớn để tiêu thụ hết hàng hóa cho bà con nông dân. Thường diễn ra cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Nhất là bị thương lái ép giá, bà con cứ trong cái vòng luẩn quẩn, chặt phá những cây lưu niên, chạy theo thị trường trồng những cây đang có giá, đến khi thu hoạch được thì trái cây lại rớt giá, nghèo lại hoàn nghèo. Rồi tin vui : Khánh thành công trình hồ chứa nước Ea Hleo 1. Hồ có dung tích thiết kế 26 triệu mét khối, cung cấp nước tưới cho 5000 ha cây trồng và phục vụ cho chăn nuôi, công nghiệp, đời sống nhân dân huyện Ea Hleo.

*

Tôi được dự Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 diễn ra tại khách sạn Mường Thanh của thành phố Buôn Ma Thuột. Rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến dự. Họ bàn với nhau làm thế nào để cà phê Đắk Lắk phát triển, có thương hiệu trên trường quốc tế, thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Tây Nguyên. Họ ký kết với nhau những hợp đồng với số vốn đầu tư lớn. Doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn, Nhật... đã từng có mặt tại Buôn Ma Thuột, nay lại có thêm những hợp đồng mới. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cũng là Trưởng Ban lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 cho biết: Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về nông nghiệp với diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha, xếp thứ 4 của cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 627 ngàn ha, lớn nhất cả nước. Đất đỏ bazan hơn 40% diện tích, rất thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, xoài, mít... Trong đó diện tích trồng cà phê là 210 ngàn ha, cho sản lượng 550 ngàn tấn, cao nhất cả nước. Với lượng cà phê xuất khẩu khoảng 380 ngàn tấn, đạt kim nghạch hơn 800 triệu USD, chiếm 21% lượng và hơn 20% kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước. Từ đầu thế kỷ thứ 19, cà phê đã du nhập vào Đắk Lắk, với điều kiện thuận lợi, do thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, Đắk Lắk là địa phương đặc biệt thích hợp với cây cà phê robusta, cây trồng chủ lực, mang tính đặc trưng của tỉnh. Cà phê Đắk Lắk xuất khẩu trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ dẫn cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh Đắk Lắk sở hữu tiềm năng lớn về diện tích, sản lượng, chất lượng cùng với nguồn lực xuất khẩu cà phê, các sản phẩm chế biến từ cà phê. Hiện nay trong và ngoài tỉnh đã đầu tư nhiều cơ sở chế biến, cải tiến công nghệ  để sản xuất từ cà phê, góp phần nâng cao giá trị, tăng thêm sự phong phú của mặt hàng cà phê, duy trì sự hoạt động xuất khẩu cà phê nhân truyền thống, từng bước nâng cao số lượng và chất lượng xuất khẩu cà phê chế biến sâu. Đưa cà phê cả nước nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng thành ngành hàng ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ cà phê thế giới.

Còn theo ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc công ty Simexco Daklak, một công ty vào loại lớn ở Đắk Lắk cho biết: Công ty Simexco với số vốn 6500 tỷ đồng, kinh doanh các mặt hàng nông sản, chủ yếu là cà phê, đã liên kết với hơn 40 ngàn hộ nông dân để trồng trọt, thu mua cà phê sạch theo tiêu chuẩn liên kết bền vững, liên kết xanh, canh tác xanh. Công ty đã đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt và quản lý như số hóa,  kiểm soát được thông tin bằng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc dữ liệu... Nên công ty có khả năng vươn xa ra thế giới. Đến nay công ty đã bán sản phẩm ra 75 quốc gia, với tổng sản phẩm cà phê 120 ngàn tấn/ năm, đóng góp kim ngạch đáng kể cho tỉnh Đắk Lắk, (năm 2022 đã đóng góp 250 triệu USD cho tỉnh). Tuy nhiên nói về ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam ông còn trăn trở: Hiện nay cà phê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là chế biến thô. Chúng ta cần chuyển dịch tư duy chú trọng về sản lượng qua chú trọng vào chất lượng và khẳng định hiện nay vị thế cà phê nhân Việt Nam và chất lượng cà phê nhân Việt Nam. Cần tập trung vào chế biến sâu. Mà cơ hội cho cà phê Việt Nam chiếm lĩnh thị trường cà phê thế giới đang có. Hiên nay các chuyên gia hàng đầu thế giới đã sử dụng robusta Việt Nam vào cuộc thi vô địch cà phê thế giới, chứng minh rằng cà phê Việt Nam là cà phê ngon hàng đầu thế giới. Thời điểm này Đắk Lắk được Trung ương, Quốc hội thông qua cơ chế chính sách cụ thể để xúc tiến đầu tư nhanh và ngay vào các mảng chế biến sâu như thuế phí đã giảm  50%, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 10%. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Đắk Lắk. Ngay trong cuộc xúc tiến đầu tư này, công ty CCL của Ấn Độ đã ký kết với Simexco mở rộng vốn đầu tư chế biến sâu vào ngành cà phê. (Chính Simexco trước đây 10 năm đã liên doanh với CCL đầu tư vào Đắk Lắk và làm ăn rất phát đạt.)

Hiện nay Đắk Lắk đang chú trọng vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các công ty trong và ngoài nước đầu tư vào ngành cà phê, như làm đường cao tốc Khánh Hòa- Đắk Lắk, các trục đường kết nối Đông- Tây, mở rộng đường ra sân bay, mở rộng các trung tâm chế biến, các khu công nghiệp, các khu chế xuất, các trung tâm về logistics và chuỗi cung ứng... sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Chúng ta có hy vọng ngành cà phê Việt Nam sẽ mang về từ 10 đến 20 tỷ USD xuất khẩu/ năm.

*

Trong các gian hàng triển lãm cà phê, công ty Vương Thành Công chiếm đến 4 gian hàng, với diện tích khá rộng. Tất nhiên triển lãm thì người ta thường quảng bá cho thương hiệu, sản phẩm của mình. Tôi ngạc nhiên thấy có hình Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đứng bên Giám đốc công ty Sản xuất & thương mại Vương Thành Công để xem sản phẩm của công ty. Người giám đốc ấy tên là Lê Văn Vương, chưa đến 40 tuổi. Tôi tò mò ghé thăm gian hàng triển lãm của công ty. Vương Thành Công đã đi vào chuỗi sản xuất chế biến sâu từ gần chục năm nay. Sản phẩm của công ty không phải chỉ có cà phê nhân, cà phê rang xay mà còn có nhiều sản phẩm từ cà phê.

Công ty của Vương không  lớn như tôi tưởng, nhưng anh có nhiều sáng tạo, là công ty đầu tiên và duy nhất ở Đắk Lắk có giấy chứng nhận cà phê hữu cơ. Nghĩa là công ty không dùng phân vô cơ cũng như không dùng thuốc hóa học trong việc trồng, chăm sóc cây cà phê, nên có thể nói cà phê của công ty là cà phê sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe nhất, khó tính nhất của các nước như Nhật Bản. Bởi thế công ty của anh được tôn vinh là doanh nghiệp vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Hôm tôi đến công ty Vương Thành Công bất ngờ gặp ông Trần Quốc Oai, Phó giám đốc công ty Nông nghiệp Xanh Việt Nam. Ông Oai cho biết, công ty của ông đang liên kết với công ty Vương Thành Công để bán sản phẩm thuốc và phân hữu cơ sinh học cao cấp. Vina Xanh chuyên sản xuất phân hữu cơ bằng công nghệ hiện đại với nguồn nguyên liệu hữu cơ hoàn toàn tự nhiên (Cá biển, tảo biển, men bia, và nấm men tươi), đạt hoạt tính sinh học cao hàng đầu  tại Việt Nam, phân bón lá hoặc tưới gốc cung cấp cho cây trồng nguồn dinh dưỡng đặc biệt, dễ hấp thu và các hoạt chất sinh học cần thiết mà các phân bón thông thường không có được.  Giám đốc Lê Văn Vương cho biết công  ty của anh đã kết hợp với công ty Vina Xanh làm mô hình cà phê hữu cơ với diện tích 1,4 ha tại thôn Cao Thành, xã Eakao, tp. Buôn Ma Thuột, mô hình này được cấp giấy chứng nhận hữu cơ vào tháng 3 năm 2021. Từ năm 2017 đến nay công ty đã liên kết với 13 hộ nông dân và bao tiêu với 7 hợp tác xã, sản xuất cà phê  hữu cơ, trong đó chuyển đổi được 65 ha  từ cà phê vô cơ sang hữu cơ. Bên cạch những sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay, công ty còn nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm nhằm nâng cao giá trị của cà phê như: Trà cascara, túi thơm cà phê, cà phê sấy lạnh. Đặc biệt là sản phẩm rượu cà phê, vang cà phê, đây là ba sản phẩm được cấp quyền tác giả.

Ngay trong buổi sáng làm việc với công ty Vương Thành Công, chúng tôi gặp anh Phạm Minh Nhựt, ở thành phố Cà Mau cũng đến để ký kết mua cà phê của công ty. Anh Nhựt có chuỗi cung ứng cà phê ở khắp tỉnh Cà Mau. Anh thích mua cà phê của công ty Vương Thành Công vì theo anh, dân miền Tây ưa chuộng loại cà phê hữu cơ. Đây là loại cà phê thành phần 100% robusta được chế biến theo phương pháp natural mà nhiều năm anh buôn bán đã được người tiêu dùng tín nhiệm. Mỗi lần anh mua  cả tấn, chở về Cà Mau. Anh Nhựt tâm sự, cách đây 10 năm về trước, dân miền Tây thích uống cà phê có vị đắng (Mà thương lái thường dùng đậu nành, bắp rang cháy trộn với vỏ cà phê), nhưng nay thì khác rồi, lớp trẻ dùng cà phê đã tinh tế hơn, thích loại robusta Buôn Ma Thuột hay cà phê arabica Cầu Đất, có vị hơi chua chua, thơm nhẹ của hương liệu cà phê tự nhiên thứ thiệt chứ không phải hương liệu của thương lái chợ Kim Biên. (Ở Sài Gòn chuyên bán các loại hóa chất của Trung Quốc mà người dân gọi là chợ tử thần). Tôi được anh Oai và anh Nhựt đưa đi thăm mô hình vườn cà phê hữu cơ của công ty. Anh Oai và anh Nhựt tỏ ra thành thạo đường đi nước bước ở đây, chứng tỏ họ đã liên kết kinh doanh với nhau từ lâu rồi. Cây cà phê ở đây có tuổi đã hơn hai mươi năm, gốc sần sùi giống như cây bon sai trong vườn cây kiểng. Trong vườn anh trồng xen cây sầu riêng, cây mít để giảm bớt độ ánh sáng cho vườn cà phê.

Chúng tôi đến vườn nhà anh Trần Hồng Minh ở xã Ekao. Nhà anh Minh liên kết với công ty Vương Thành Công trồng cà phê theo mô hình cà phê hữu cơ. Nghĩa là các hộ gia đình được công ty đầu tư phân, thuốc hữu cơ, trồng, chăm sóc, hái, ủ ... theo hướng dẫn nghiêm ngặt của công ty. Ngược lại, bà con sẽ được công ty mua với giá cao hơn giá thị trường 20 ngàn đồng/ kg. Anh Minh rất phấn khởi cho chúng tôi biết: Gia đình anh có 1,3 ha cà phê, những năm trước cũng rất khó khăn vì bán sản phẩm luôn bị thương lái ép giá, bán rẻ, thành ra lỗ. Nhưng từ khi liên kết với công ty Vương Thành Công thì gia đình anh yên tâm sản xuất. Từ phân bón, cho đến thuốc trừ sâu đã có công ty cung cấp. Sản phẩm đầu ra ổn định, lại bán với giá cao hơn thị trường nên đã có lời. Hôm tôi đến thăm, đã giữa tháng 3, nhưng vườn nhà anh Minh hoa cà phê vẫn nở trắng, hương thơm nồng nồng, vấn vít khắp nơi. Khắp đồi núi, buôn làng cứ trắn xóa những hoa cà phê, đất trời như phủ một màu lụa trắng tinh khôi.  

 Người dân tộc Ê Đê, được địa phương rất ưu ái, làm đường nhựa, đường bê tông rộng vô đến tận nhà. Nhà nước đầu tư trường, trạm, điện, nước... nhưng bà con trồng cà phê vẫn lỗ vì chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Nay bà con liên kết với công ty Vương Thành công, được hướng dẫn kỹ về công nghệ, về thuốc, phân, cách thu hoạch, lại bao tiêu đầu ra ổn định nên bà con phấn khởi sản xuất và đã thu được mấy mùa cà phê bội thu.

Đắk Lắk có dân số 1,8 triệu, trong đó có 47 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh, rồi đến dân tộc Ê Đê (gần 300 ngàn người), tên các địa danh trong tỉnh đều đặt theo cách gọi của người Ê Đê. Khi mà chính quyền biết chăm lo cho đời sống những người dân tộc được khá hơn, nhiều người trồng cà phê mà giàu lên, chính là làm tốt công tác tư tưởng. Theo nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, người đã lên Tây Nguyên công tác khá lâu cho biết, hồi mới giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột còn rất nghèo. Con đường chính của thị xã như Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn chỉ có hai làn xe, đất đỏ.  Quốc lộ 14 từ thị xã về các thành phố lớn như Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Quốc lộ 27 đi Phan Rang, Lâm Đồng, quốc lộ 26 đi Khánh Hòa, quốc lộ 29 đi Phú Yên... đều là đường hẹp, đất đỏ, bụi bay mù trời. Ngày đó anh từ Buôn Ma Thuột đi các nơi, áo quần cứ nhuộm đỏ bụi đường. Trên đường rất ít xe hơi tư nhân. Ngày nay  Buôn Ma Thuột đã giàu có, thành phố được quy hoạch đẹp, thông thoáng, tuy có nhiều nhà cao tầng hiện đại nhưng vẫn mang  kiểu dáng nhà đồng bào dân tộcTây Nguyên. Ngày nay dân giàu có nên nhà cửa rất khang trang, nhiều hộ gia đình mua được xe hơi. Đường sá đã mở rộng, trải nhựa, xe hơi  biển số vàng, biển số trắng chạy tấp nập trên đường.

Nếu nhà văn Nguyên Khải còn sống, về đây hẳn  ngỡ ngàng với những đổi thay kỳ diệu của đồng bào Tây Nguyên. Chắc là thiên ký sự “Tháng ba ở Tây Nguyên” sẽ có nhiều chi tiết mới, nhà văn  hiểu vì sao lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm nay lại vui đến thế, tưng bừng đến thế. Bởi lễ hội không phải của các quan chức, mà là lễ hội của đồng bào Tây Nguyên.

Nguồn: Văn Nghệ số 13 (ngày 01/4/2023)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm