TIN TỨC

Bức tranh đẹp về chữ tình thời chiến

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-06-20 07:41:16
mail facebook google pos stwis
685 lượt xem

TỐNG PHƯỚC BẢO

Hoài Hương là nhà văn đầy năng động và trẻ trung bởi cách sống, cách đi và viết. Chị viết nhiều, đa dạng thể loại, và khuynh hướng luôn bắt kịp sự phát triển của thời đại. Thế nhưng mảng kí ức mà Hoài Hương trĩu nặng nhất có lẽ vẫn là chiến tranh. Bởi chị đã đi qua thời ấy từ khi chỉ là đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ. Mới đây, Hoài Hương lại gởi đến bạn đọc tập truyện “Những khoảnh khắc sinh tử” cũng nhằm kỉ niệm 48 năm ngày non sông nối liền một dải.

1. Tôi gặp chị trong một cuộc thi viết, những tưởng phía sau những trang viết mang nhiều trải nghiệm đó ắt hẳn phải là người khó gần, huống chi là khoảng cách giữa một người viết đã hơn 30 năm với người chỉ mới tập tễnh 1 năm. Ấy vậy mà chị lại hồ hởi vui cười và hòa hợp cùng một thế hệ trẻ của chúng tôi. 5 năm biết nhau, gặp nhau ở những trại viết, rồi cùng đồng hành trong các cuộc giao lưu, thoảng khi ngồi cùng nhau, Hoài Hương vẫn nắm bắt được nhiều “trend” của người trẻ nhanh đến không ngờ. Chị viết hăng say, rất đều và nhiều mảng đề tài khác nhau. Có thể thấy chị bình phim, có khi nhảy qua mảng du lịch, cũng có khi lãng mạn với tản văn nhưng có lúc lại gặp Hoài Hương đầy đắng đót với truyện ngắn.


Nhà văn Hoài Hương.

Như trong chính tập truyện mới in “Những khoảng khắc sinh tử”, sự thấu cảm của người phụ nữ với chiến tranh được soi chiếu bằng chiều kích đa diện. 12 truyện ngắn là 12 lát cắt, 12 số phận và 12 nỗi thương rưng rức mà chính sợi dây chiến tranh xâu chuỗi họ lại, bày biện lên thành một bức tranh đẹp về chữ tình. Chữ tình nắm níu người đọc đi xuyên suốt gần 200 trang sách để rồi thở dài hẫng nhẹ một cách mỹ mãn. Những câu chuyện chiến tranh không bao giờ cũ nhưng để viết khiến độc giả thu hút thì khó. Bởi phần lớn nhiều góc cạnh, nhiều mảng miếng, nhiều tình tiết đã thành quen thuộc, thế nhưng “Những khoảnh khắc sinh tử” của Hoài Hương cuốn hút bởi tính chất tư liệu mới và chọn điểm nhìn từ góc độ hiện đại để quy chiếu thân phận con người đồng nhất chữ dẫu nhìn từ phía nào cũng chung một dòng máu đỏ da vàng, cũng từ gốc cội mẹ Âu cha Lạc.

Cô con gái cứ thắc thỏm hoài về những người bạn gái dẫu đã đi qua sườn dốc của nhan sắc nhưng nét mặn mà ấy cùng những ẩn giấu trong ngăn tủ của truyện “Hồng nhan thầm lặng” khiến tôi rất thích. Nếu chỉ đơn giản là giãi bày cho một thân phận con người thì truyện ngắn này chẳng thể lay động độc giả. Điều mà Hoài Hương đem đến chính là điểm nhìn hậu thế trước hai chữ “Me Mỹ” của 1 đội quân nữ đã hy sinh cho công việc tình báo để rồi sau này ly đoạn và bi ai của quãng đời dài. Chiến tranh mất còn và trắng đen ra sao chỉ có lòng người mới thấu tận. Chỉ có tình yêu của những người đồng đội mới trả về cuộc đời họ thứ ánh sáng đã dẫn dắt họ hoạt động kiên trì, bất chấp hiểm nguy và thầm lặng hy sinh. Tận cùng của đàn bà không phải cái đẹp thể xác mà là cái đẹp của tự do nước nhà. “Khi đất nước bị xâm lược thì ai cũng nghĩ như dì, làm như dì, không chỉ riêng dì, mà còn nhiều người…”. Trong số nhiều người đó có mẹ của cô gái trẻ. Bởi chính tạy cô đã lục ra từ ngăn tủ của bà những huân chương, huy chương hệt như người dì “Me Mỹ” của mình.

2. Có lần tôi cùng nhà văn Hoài Hương đi chung một trại sáng tác ở Trung ương cục miền Nam, chúng tôi ghé đến một nghĩa trang với hơn 14 ngàn chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc ngày ấy được quy tập về đây. Từng nén nhang thắp lên là từng câu chuyện mang mang theo khói về trời. Chiều biên giới Hoài Hương kể về cuộc đời mình, từ cô bé theo mẹ tập kết ra Bắc, sống trong những thời khắc chiến tranh cho đến những ngày Sài Gòn giải phóng ngược về miền Nam. Mẹ làm thẩm phán tiếp quản Tòa án những ngày đó, cha làm tình báo sau công tác ngành ngoại giao. Có lẽ vậy mà kí ức nhà văn luôn đằm đẵm những câu chuyện của chiến tranh. Chị kể và cười nhẹ tênh.

Vậy nên, khi đọc tập truyện này, tôi thấy lại những câu chuyện, những nhân vật mà mình đã nghe chị kể. Từ vụ án gián điệp lớn nhất thời đại dẫn đến phiên tòa 29/11/1969 gây bàng hoàng cho CIA tại Sài Gòn khi đó (Những khoảnh khắc sinh tử), cho đến câu chuyện về biệt đội Thiên Nga bị gãy cánh trước miếng đánh bất ngờ của các bông hồng cách mạng (Bông hồng thời chiến), và cả một vệt truyện liên tiếp về cuộc chiến năm Mậu Thân chấn động toàn cầu ("Cây hoa sữa giữa Sài Gòn", "Sầu tương tư giữa ngôi trường Tây", "Quà tặng của chiến tranh").

Đọc các truyện ngắn của Hoài Hương viết về chiến tranh với tâm thế người đọc trẻ như tôi, một người chưa đi qua cuộc chiến dễ dàng tìm thấy những tư liệu khiến mình bất ngờ. Chọn cách phơi trần lịch sử thời chiến, nhưng Hoài Hương khéo léo lồng vào đó những câu chuyện tình yêu đẹp mãn nhãn lòng dạ bạn đọc. Bởi suy cho cùng yêu và được yêu ở bất cứ khoảng thời gian nào, khoảng không gian nào cũng luôn đem đến cho độc giả cảm xúc hứng thú. Từ hứng thú đó, độc giả đi tìm hồi kết cho các câu chuyện tình, dẫu đâu phải kết cuộc nào cũng sum vầy đong đầy hạnh phúc, nhưng chí ít ở thời khắc sinh tử, tình yêu cũng như nụ hoa, nở một lần nhưng trọn vẹn hương sắc của yêu thương.


Bìa tập truyện ngắn của nhà văn Hoài Hương.

Hoài Hương chia bố cục của tập truyện đi từ mùa xuân 1968 bằng cuộc tiến công Mậu Thân cho đến mùa xuân đại thắng 1975 không còn vĩ tuyến 17 phân chia Bắc Nam, cho thấy chị chủ đích nhắm vào một giai đoạn lịch sử đầy biến động của chiến tranh; một gian đoạn ác liệt mà hào hùng; một giai đoạn can trường hy sinh và tha thiết nghĩa tình. Ở giai đoạn cuộc cờ đấu trí bắt đầu đi vào thế tàn cuộc, người đọc bắt gặp những câu chuyện tao loạn đầy sự cao đẹp của tình yêu như trong các truyện: "Anh đã tìm em trong hàng triệu đôi mắt Sài Gòn", "Hẹn ước trong rừng trăng", "Vết thương tuổi 18", "Nhà chiêm tinh học bí ẩn".

Và dù rồi có bị chính tác giả dắt đi quanh co qua muôn nẻo đường vang dậy tiếng súng, độc giả vẫn thao thiết cho sự hội ngộ của những tấm chân tình thời lửa đạn. Hệt như chính tôi thấp thỏm đến tận cuối truyện để mong ngóng cuộc hội ngộ của “anh cán bộ ngoài ngoải” và “cô em bí số H8”; đau đáu với cuộc gặp cuối cùng của Hoàng Linh và Tư Lâm; khắc khoải hy vọng cùng Hiếu với chặng đời tìm về ngôi làng ở Quảng Bình ám ảnh ánh mắt 2 người chủ nhà trong đêm nghiệt ngã năm xưa; ngơ ngác như các cô sinh viên tự hỏi bao giờ mới kỳ duyên hạnh ngộ cùng giáo sư Thanh Lâm trong cuộc đời này?

Đắm đuối theo 12 truyện ngắn ngồn ngộn chi tiết, ăm ắp tình người, chiến tranh với những khoảnh khắc sinh tử mà nhà văn Hoài Hương đem đến tồn tại trong lòng người đọc trẻ như tôi chính là sự thao thiết về chữ tình. Đúng, chỉ duy nhất chữ tình. Người viết vì tình mà viết. Người đọc cũng thế, vì tình mà thương.

3. Tôi hay nói vui theo kiểu thế hệ trẻ rằng chị là “Cảnh sát chính tả”. Hoài Hương sẽ dễ vui, dễ bắt nhịp hay cực kỳ dễ chịu với mấy đứa em viết lách nhưng cũng cực kỳ khó khăn khi uốn nắn chính tả, cách viết, văn hóa vùng miền. Với Hoài Hương viết là phải viết đúng trước tiên rồi mới luận bàn đến hay. Hoặc mang văn hóa vùng miền trải trên câu chữ thì cứ đi sâu vào văn hóa đó, chứ hời hợt, cẩu thả thì chị không ngần ngại mà góp ý thẳng, đôi khi chan chát, lắm khi không tính chị sẽ giận hờn bởi lời lẽ rất nghiêm khắc.

Hoài Hương vì thế nổi lên trên làng văn TP Hồ Chí Minh một cá tính riêng. Hệt như chất văn riêng của chị là những câu dài, mạch văn miên mải, câu chuyện tưởng như bất tận với biên độ không gian và thời gian nở ra một cách logic. Ấy thế mà đọc không ngán, bởi chị khéo léo điểm xuyết vào câu chữ mình những tự tình đầy mê đắm. Ngay chính tập truyện ngắn lần này, độc giả vẫn thấy chị trung thành với sở trường viết đó. Chính lối viết như rải nhựa đường trên trang giấy quấn lấy độc giả đi theo mình. Lật từng trang rồi từng trang một, cho đến cuối cùng, thấy trong tâm trí mình hiện lên bức tranh tổng thể đẹp và xanh lành mát rượi một tình yêu giữa người với người, giữa người với Tổ quốc.

Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một
Sáng 6/12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ngày ông qua đời.
Xem thêm
Một gương mặt khác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 153, ngày 5/12/2024.
Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm