TIN TỨC

Nhà thơ Nguyễn Văn Song và sự kiến tạo thi giới trong “Mẹ và sen”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-03-19 22:41:58
mail facebook google pos stwis
774 lượt xem

Thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Văn Song đến với thơ có thể nói là khá muộn so với tuổi .  Nhưng đã trở thành một tác gia có tiếng trên văn đàn với những giải thưởng cao quý của các cuộc thi lớn. Và rất quen với bạn yêu thơ khi thường xuyên xuất hiện trên các trang báo và tạp chí từ trung ương đến địa phương.

Anh là người điềm đạm, nghiêm cẩn và không thích phô trương. Nên khi tôi có ý định xin phép anh liệt kê giải thưởng “khoe” với bạn đọc niềm tự hào của người cầm bút, anh đã từ chối. Dù đoán trước được điều này nhưng tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng. Anh bảo với tôi anh  muốn  để người đọc thẩm định chất lượng tập thơ một cách tự nhiên nhất. Vì anh không theo đuổi thi nghiệp, mà chỉ viết để giải tỏa cảm xúc của mình, đơn giản vậy thôi. Có lẽ đó là lý do đầu năm 2022 anh quyết định in cùng lúc hai tập thơ là ” Đi từ phía cổng làng” và ”Mẹ và Sen” như một lời tri ân gửi đến người mẹ yêu dấu (cũng là độc giả đầu tiên của thơ anh) đã qua đời vào tháng 7 năm 2020, đồng thời cũng là một món quà nhỏ gửi đến những người bạn văn chương cùng độc giả của mình.

Nhà thơ Nguyễn Văn Song

Khi biết ý định này của anh tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì ba năm anh  cầm bút thì hai năm tôi đã được chiêm cảm những thi phẩm rất hay của anh nên tôi vẫn luôn mong anh ra tập thơ đầu tay. nên khi nghe tên tập ”Đi từ phía cổng làng” thì tôi đã rất hài lòng. Nhưng khi biết tập sau anh chỉ chọn những bài về mẹ và sen để in thì tôi thật sự lo. Bởi không nói thì có lẽ ai cũng biết là thời nay lục bát không còn được ưa chuộng như xưa nữa, thậm chí một số bạn thơ của tôi còn không muốn viết lục bát. Họ chê là cũ và mòn, nhạc điệu du dương dễ gây buồn ngủ… Nên việc in một tập thơ lục bát cũng khiến rất nhiều tác giả đau đầu và không muốn mạo hiểm. Đa phần họ chỉ xuất bản nhiều thể thơ với nhau để tránh nhàm chán cho người đọc. Những tập lục bát đã xuất bản mà tôi được biết đều ngồn ngộn thi ảnh, đa tứ, đa sắc lắm biểu trưng, mà đôi khi đọc lại còn thấy thiếu một điều gì đó, nữa là một tập thơ hơn chín mươi phần trăm là lục bát, lại  chỉ có mẹ và sen, chỉ viết về sen và mẹ? Nghĩ vậy nhưng tôi không dám nói ra, bởi so với anh tôi chỉ là một kẻ non nớt, mới cầm bút tập làm thơ nên sợ mang tiếng  dạy tiều phu cầm rìu.

Tuy băn khoăn nhưng tôi vẫn tin vào sự lựa chọn của anh và hy vọng mình sai. Sau một thời gian chờ đợi thì tôi cũng nhận được hai thi phẩm anh gửi tặng. Tôi không băn khoăn gì về tập ”Đi từ phía cổng làng’’ bởi tập này thi ảnh khá nhiều, mà thi ngữ của anh thì luôn tròn sáng như trăng rằm,  nên tập này sẽ ổn. Vì vậy tôi đọc ”Mẹ và Sen ” trước. Thật may, tôi đã đoán sai. Tuy địa hạt trong thi giới  này chỉ có mẹ và sen, nhưng bằng tài năng và bản lĩnh của mình, nhà thơ Nguyễn Văn Song đã biến hóa ra rất nhiều thi tứ . Rồi thăng hoa và tỏa rộng  hai thi ảnh ấy thành những cảnh trí và biểu trưng khác nhau, khiến cho thế giới trong thơ anh cũng đa tầng rộn ảnh chẳng kém những tác phẩm khác. Anh sử dụng thủ pháp đồng hiện ẩn ngữ |(trong sen là mẹ, trong mẹ là sen, trong cả hai là làng, là mọi người, là cuộc sống) nên đã tránh được sự đơn điệu cho tập thơ. Mặt khác, khi cầm bút, anh luôn là người tận hiến và tu dưỡng ý thức nghiêm cẩn , rèn luyện cho thi cốt thi cách được viên mãn. Nên mỗi con chữ là một sự cân nhắc, mỗi bài thơ đều là kết quả của sự miệt mài lao động trong đam mê nên đạt được giá trị thẩm mỹ cao.

Mở đầu tập thơ , thật ngạc nhiên là không phải bài về mẹ, cũng chẳng phải bài về sen mà lại là bài viết về làng. Cứ tưởng như phi logic nhưng lại rất hợp lý. Bởi cả mẹ và sen đều ở trong làng, từ làng mà có. Và ngược lại, trong mẹ và sen là ẩn tàng một phần vía hồn làng. Đây là bài thơ duy nhất viết về làng mà tôi nghĩ là  sự sắp đặt tế vi của tác giả. Bởi vì sau đó làng đã tỏa bóng mình sang bóng của mẹ và sen, vô hình mà hiện hữu trong toàn tập rồi, nên không cần nhắc đến nữa, mà người đọc vẫn thụ cảm được những mạch chảy của làng. Đó là một ngôi làng như bao ngôi làng khác, có hồ sen, có triền đê và tiếng ếch cốm đêm mưa . Cũng  rơm rạ ngập đường, nhưng vẫn mang nét riêng vì nó là nơi nhà thơ ” giấc trưa trốn mẹ ra đồng/ bao năm rồi vẫn phải lòng mùi hương”, ”đêm đông giá buốt ngập trời / ổ rơm thơm thảo quyện hơi mẹ nằm” . Điều này không thể có ở nơi nào khác ngoài cố hương của thi sỹ. Để rồi; “đời tôi bao chuyến đò ngang/ Vẫn đau đáu một cõi làng nơi xa/ chiều nay trở lại quê nhà/ bao nhiêu sợi tóc chợt òa mây bay” (Làng). Chẳng cần tinh ý lắm, chúng ta đã thấy hiện sinh trong làng rõ nét hình ảnh của mẹ và sen. Nếu không có hai hình ảnh này níu giữ, đồng hóa với làng, thì dễ gì khi đi xa lòng anh ” vẫn đau đáu một cõi làng nơi xa”?

Nhớ làng để hữu hình ảnh mẹ:

”Mẹ xé mình, vặn vỡ thoát thai con

Cả trời đất cuồng quay , cả thiên hà tao tác

Bỏ quên mạng mình giữa đôi bờ sống thác

Rạng rỡ ngắm con, mặt trời nhỏ tươi hồng”

Người mẹ lúc này đâu chỉ là của một mình thi nhân, đâu chỉ ở riêng một mảnh làng bé nhỏ nữa, mà đã thoát bay khỏi cái tư hữu, trở thành biểu tượng chung của người mẹ  nông thôn Việt Nam. VÌ khi có con người đàn bà nào cũng trở nên vĩ đại:

‘’Đôi tay mẹ đủ mười đốm chai tròn

Mười khối đá trước bão giông nắng lửa

Bàn chân trần ngược xuôi sấp ngửa

Chạy cơn mưa rào vấp tóe máu đồng xa”

(Mẹ)

Nhưng con còn bé sao hiểu được nỗi cô đơn và sự kiệt lực, đức hy sinh của mẹ;

‘’Mùa đông lội xuống đồng làng

Mẹ gầy sương đổ bóng càng thêm xiêu

Cá rô rét cóng kho niêu

Con đâu biết mẹ mấy chiều tái tê”

(Mùa đông của mẹ)

”Mẹ ngồi sàng nhũng đêm dài

Sẩy từng câu hát thức ngoài thềm sương

Đàn cò gánh gạo canh trường

Mẹ ta đổ bóng trên tường mòn đêm”’

(Đàn cò của Mẹ)

Đọc xong những dòng thơ này mấy ai không xoắn lòng luyến nhớ đến mẹ mình? Dường như tác giả đang kéo giãn niềm thương trong từng máu tim, cốt tuỷ bản thân vào thơ để người đọc quán chiếu lại tâm thức mình, mà cùng anh ngậm ngùi hoài nhớ về mẹ. Từ đó đã thụ cảm và đồng hòa được với những nỗi đau của người mẹ khác. Ví như nỗi đau của người mẹ mù:

”À ơi! Đời mẹ là đêm

Dò đi một bước tủi thêm kiếp tàn

Khát tìm trong cõi nhân gian

Một tia nắng ấm hong tan mưa dầm”

(Lời ru của người mẹ mù)

Và sự cô đơn của người đàn bà đơn thân:

’’Đi trong đêm

Tay tự nắm tay mình thủ thỉ

-Chẳng còn xa

Trò chuyện với bóng đổ dài

Đường hun hút gió”

(Đơn thân)

Hay sự ẩn ức tuyệt vọng của người mẹ già trong cơn sốt đất của những đứa con

“Nhà cao tầng mọc ngút trời

Mẹ ngồi bốn phía tường vôi thẫn thờ

Năm phần đổi chủ lặng tờ

Khoảng sân mẹ đứng phạc phờ bão giông

 

Trông con cả một đời ròng

Mẹ chờ rời khỏi đất không phần mình”

Cứ tưởng người mẹ mù này đã khổ lắm rồi, nhưng vẫn còn một người đàn bà sáng mắt khổ hơn . Vì con bà ấy ‘’Nghiệt oan một chyến đi đường/ Con thành đứa trẻ bất thường , ngây thơ… Không đi đứng, chẳng ngồi bò/ Thể như cây cỏ dần khô lá cành’’

Nên:

‘’Bây giờ con tuổi bốn mươi

Mẹ gần tám chục nghẹn lời ru xưa

Lời ru ít nắng nhiều mưa

Thiếu mây thiếu gió mà thừa bão giông’’

Tôi có cảm giác khi viết những dòng này trái tim tác giả cũng bi thiết, tê điếng cùng nhân vật. Những con chữ như run lên  làm người đọc cũng rưng rức theo.

Rõ ràng hình người mẹ ngay từ đầu và đến bây giờ không phải là một thi ảnh hẹp nông nghĩa nữa . Mà càng ngày càng được mở rộng hơn. Mẹ là mẹ của anh, mẹ là mẹ của người khác.  Và bây giờ thì mẹ đã vượt thoát thế giới thơ sang thế giới thực với những câu chuyện trái ngang trầm thống thường nhật. Thi giới đang được mở rộng, dẫu vẫn không xuất hiện thêm một biểu trưng hay một khách thể mới nào.

nhưng dù thế nào đi nữa thì mẹ cũng trở về với bản nguyên của mình, là bùn nuôi sen;

lặng thầm gạn lọc tanh hôi

chắt chiu nồng đượm dâng lời ngát hương

sen hồng phả gió muôn phương

hết mùa thân xác lại nương về bùn”

(Bùn)

Tài hoa thay, khi nhà thơ còn khai mở thêm cho thi ảnh mẹ của mình một tầng nghia mới nữa:

”Có một đẵn lưng cong

Mỗi sống đốt đo cả nghìn năm tuổi

Mà gánh bắc gánh nam đi suốt dọc dài …

Tấm lưng gầy vết cứa loét quanh năm

….

Chiều nay thêm một lần vặn đốt

Để sau siêu bão lại dịu hiền dáng mẹ ngàn năm’

(Tấm lưng mẹ)

Bài này anh viết khi miền trung đang phải chịu những cơn siêu lụt, đi đâu cũng găp cảnh’’những ai ở nhà khăn tang trắng chít chồng thêm trắng”. Và thi ảnh mẹ ở đây đã được linh hóa, trở thành đất nước. Tấm lưng xước trầy chịt chằng vết thương chính là miền trung thân yêu, gánh hai đầu nam bắc.

Chúng ta đã thấy, bằng sự điêu luyện trong việc thi triển ngôn từ kết hợp với các biện pháp tu từ nghệ thuật , nhà thơ Nguyễn Văn Song đã xây dựng và triển đạt được hình tượng người mẹ diện đa tầng đa nghĩa, mang đầy tính triết mỹ. Đồng thời đã gợi mở

được mạch nguồn yêu thương và khơi dẫn cho thi giới của mình đa âm đa sắc đa sự . chiếu hiện vào lòng người đọc những âm ba thi cảm khó quên. Và nối tiếp lưu lộ cảm dưỡng này , thi ảnh sen cũng được thi nhân khai thác triển đạt không kém phần ấn tượng.

Đầu tiên , sen là chính sen với :

‘’Cánh thơm xòe ngón ngọc ngà

Nhụy vàng gom nắng đậm đà hương trinh

Lá buông phiến lụa dệt xanh

Sắc hương cho vẹn ân tình sợi tơ’’

(Tơ sen)

Ngay từ những câu tưởng như chỉ đơn thuần miêu tả vẻ đẹp khiết tinh của sen , chúng ta đã thấy hiển hiện chút gì đó của mẹ. Khi sen gom nắng dệt ‘’sắc hương cho vẹn ân tình sợi tơ’’ , chu đáo và công tâm như cách người mẹ lo cho bầy con bé dại của mình. Đến bài ” Một lá sen qua đời ‘’ thì mẹ và sen đã là một bản thể đồng hiện:

‘’Vắt cạn thân thảo mộc

Dâng đến tàn xương khô

Sáng nay trong mưa buốt

Chiếc  lá gục bên hồ

Tôi ngồi bên hồ vắng

Giữa mây chiều mồ côi’’

Ngoài ra, sen còn là tình yêu đơn phương trầm lặng thanh quý của người thơ muốn tận hiến tất cả cho người mình yêu. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà anh chưa ngỏ , để rồi ‘’ càng đượm càng nhanh chạm kiếp tàn’’:

‘’Ta khóc sen tàn hay khóc em

Tình thơ một nụ khép lòng im

Hay ta ngồi khóc ta ngây dại“

Nỡ để sen khô lặng lẽ chìm’’

(Uống rượu cùng sen)

Đồng thời cũng là hóa thân của người yêu thi nhân:

“Gót sen em một ngẩn ngơ

Ngó sen em một dại khờ tinh khôi

Tơ sen em bỏ ngang trời

Níu tôi suốt cả một đời vương mang

 

Niềm sen gieo cõi nhân gian

Tinh khôi giữa những đa đoan nổi chìm

Tôi ngồi đây với lặng im

Lắng nghe sen rỏ vào tim giọt trầm “

(Giọt sen|)

Mỗi một bộ phận của sen là một sắc thái biểu cảm khác nhau, nhưng đều là hình ảnh của người yêu nhân vật “tôi”. Cả hai khổ thơ đều  là sen, tràn đầy sen, chật kín sen. Nhưng không vì vậy mà gây cảm giác nhàm chán. Đây chính là tài dụng ngôn của tác giả.

Mặt khác, sen còn là hiện thân của một số phận mệnh bạc, hưởng dương ngắn ngủi, trượt chân gửi xác bên hồ nước :

‘’Đêm qua một bông sen trắng

Say trăng lịm thiếp trong hồ

Hồn thoát bay đi với gió

Bỏ từng xác cánh bơ vơ

Hồ thu bập bềnh cánh sáng

Trắng loang cay khói sương mờ

Trăng lên rùng mình inbóng

Một người tóc đợi phơ phơ’’

(Sen trắng)

Không chỉ vậy, sen còn là sức mạnh nội tại tâm linh của mỗi cá nhân, là nơi con người tìm về khi nhiễu tâm loạn tưởng, mệt đau mà thiền định , bình ổn hồn trí, để vượt thoát ‘’rũ buồn trôi về xa lắc’’ và ‘’chỉ còn hương ngát mênh mang:

‘’Còn bao nhiêu niềm phiền muộn

Sen phong kín giữa gương vàng

Để khi em choàng tỉnh giấc

Chỉ còn hương ngát mênh mang’’

(Giấc sen)

Thật bất ngờ và thú vị khi đọc những dòng như:

‘’Có gì nhắn nhủ sen ơi

Màu hoa hay sắc máu người chưa khô

Hay hồn oan khuất ngày xưa

Thành sen nhị sắc bây giờ ngát hương?

Ngắm sen lòng dạ bồi hồi

Thấy trong nhị sắc nụ cười Ức Trai’’

(Sen nhị sắc)

Đúng là sự lo lắng ban đầu cho ”Mẹ và Sen’’ của tôi đã là quá dư thừa rồi. Tôi quên mất anh là người rất kỹ tính và viết chậm. Mỗi bài thơ từ khi ý tưởng thành hình đến khi được hoàn tất anh phải mất cả tuần, có khi cả tháng, thậm chí có bài cả năm hun đúc, hàm dưỡng tứ tư từ trong lòng bởi  anh ghét sự cẩu thả chín ép.  Nên khi hứng đến thì thơ thăng hoa rất tự nhiên, mạnh mẽ, lời tinh ý sáng. Thành ra trên con đường lục bát dễ viết khó hay, không chắc tay sẽ thành vè, xưa nay đã in dấu chân của bao vị tiền nhân nổi tiếng, đã vang khá nhiều tên tuổi cùng thời đại, mà nhà thơ Nguyễn Văn Song vẫn tạo được nét riêng của mình, là vì thế. Tôi lại nhớ đến những tranh cãi cũ mới trên diễn đàn văn chương mà mình được xem, vô tình nghe và tình cờ biết qua bạn bè. Rất nhiều tác giả trẻ không hiểu được khái niệm thế nào là thơ cũ. Họ cho rằng thơ cũ là lục bát và quay đi, lao đầu vào trường phái mà họ tin rằng mới nhất thời đại. Đó là viết thơ tân hình thức. Nhưng họ lại không biết tìm mới thi ảnh, lạ hóa nội dung. Thế là họ chứng tỏ mình mới bằng cách bẻ què chữ , chặt  gãy câu, cưỡng ép ngữ… nhiều khi chính họ cũng chẳng biết mình đang hướng đến cái  gì, càng khó diễn nghĩa chữ mình viết ra.

Bàn về trường phái này, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm từng viết: “Về nội dung, thơ theo khuynh hướng tân hình thức không có gì mới, không có gì đặc biệt, nếu không nói là cũ, dễ dãi, nhàm chán.. Họ tạo ra cái mới, tạo ra cái lạ, thu hút người đọc bằng cách bẻ què câu thơ, bẻ gãy câu thơ để không giống ai. Đáng lẽ bảy chữ, tám chữ câu thơ trọn vẹn ý, họ viết năm chữ, sáu chữ một dòng trên còn bẻ hai chữ, ba chữ xuống dòng dưới. Nó vừa vô nghĩa, vừa ngây ngô, vừa cẩu thả. Cách làm này không hề làm tăng giá trị thẩm mỹ, giá trị nội dung của thơ. Trái lại, nó hoàn toàn lộ diện một kiểu thơ nhạt nhẽo, mang tính giải trí là chính. Nó chứng minh sự bất lực của tư duy sáng tạo. Các cây bút theo xu hướng này đang trốn mình khỏi sự truy lùng gắt gao của sự đòi hỏi tài năng đích thực, tìm tòi đích thực, mang lại giá trị mỹ học đich thực đối với thi pháp học đương đại. Và thực tế, dù được một số người cổ súy, đến nay, khuynh hướng thơ Tân hình thức biểu hiện hụt hơi, thiếu sức sống, đang tự chết…’’

Vậy thì thể thơ mới hay cũ đâu phải là vấn đề to lớn của thi ca. Và tôi nhận ra, sở dĩ lục bát thời nay ít được đón nhận hơn không phải vì nó cũ, mà vì nhiều cây bút cứ đi theo lối mòn, không có sự tế vi tinh nhạy, hàm dưỡng ngôn từ, sáng tạo thi ảnh và vượt qua cái bóng của mình. Nên tác phẩm chưa làm hài lòng độc giả. Hãy đọc ’’ Mẹ  và Sen” để thấy được sự dụng công, tài hoa và bản lĩnh của tác giả. Tuy rằng chỉ có hai hình tượng, nhưng đã xối trộn ôm trùm lạ hóa và linh hóa, mở rộng thi giới. Điều đó khiến không gian ấy của anh không kém địa hạt chữ rộng thi tứ nhiều thi ảnh của các tác giả khác. Mỗi bài thơ là mẹ và sen lại hóa thân vào những vai trò và vị trí khác nhau, bổ khuyết và làm đầy thi giới mới nghe cứ tưởng rất đơn điệu này. Từ người mẹ ‘’vặn vỡ thoát thai con‘’ trong gia đình, mà dẫn gợi ra bao nhiêu nỗi niềm đàn bà, cũng là những câu chuyện cuộc đời, đã neo được vào lòng độc giả sự đồng cảm, luyến nhớ. Mỗi bộ phận, mỗi màu sắc  của sen là một ý nghĩa khác nhau, làm người đọc đi từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác. Biết đâu sau khi đọc xong ’’Mẹ và Sen’’ của nhà thơ Nguyễn Văn Song, độc giả mỗi khi đi qua đầm sen, nhìn lá sen họ liền nghĩ đến mẹ:

“Cánh buồm căng ngực bão

Nâng từng búp non tơ

Chở che muôn cánh trắng

Như lòng mẹ vô bờ”

(Một lá sen qua đời)

Và trông thấy sen trắng, lại nhớ về những linh hồn thân hữu đã ra đi? Khi sen khô lại hồi tưởng đến mối tình dang dở, còn sen vàng mang khuôn mặt người xưa. Hoặc thoảng gặp bông sen nhị sắc ‘’nửa bông trắng muốt như ngà/ nửa bông ứa đỏ như là máu loang’’ lại nhớ đến nỗi oan thấu trời của ngài Ức Trai thì sao? Điều đó thật thú vị, và dễ xảy ra lắm chứ!

VŨ TUYẾT NHUNG

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm