- Lý luận - Phê bình
- Cái tôi trữ tình mang nhiều nỗi niềm hoài niệm và những trắc ẩn, suy tư trong thơ Trần Quang Khánh
Cái tôi trữ tình mang nhiều nỗi niềm hoài niệm và những trắc ẩn, suy tư trong thơ Trần Quang Khánh
Thơ Trần Quang Khánh được viết ra bởi những cảm xúc chân thành của một trái tim nhạy cảm, giàu trắc ẩn với nhiều nỗi trăn trở, suy tư. Có lẽ chính đời binh nghiệp và những thăng trầm của cuộc sống đã cho anh những bài học, sự trải nghiệm về con người, cuộc đời trong một cái nhìn thấu đáo, đầy tính nhân văn.
Núi cứ chồng lên như ngói lợp/ Tuyết rơi phủ trắng cả lưng trời/ Cây im chết cóng trong đêm lạnh/ Chỉ thấy màu xanh áo của anh/ Chiến sĩ biên phòng mang ngọn lửa/ Tình yêu sưởi ấm đất biên cương/ Non sông một dải xanh màu mới/ Đất nước bình yên. Tổ quốc ơi!
Đọc thơ anh, phần nào bạn đọc hiểu được con người đời thường và con người thơ Trần Quang Khánh. Thành công ấy là biểu hiện của quá trình trải nghiệm của một hồn thơ đã chín với những suy nghĩ, quan niệm đúng đắn về thơ và công việc làm thơ - giãi bày tấm lòng thành thật của mình về những điều muốn được ký gửi. Vì thế, trong thơ Trần Quang Khánh không chỉ là nơi ký thác tâm hồn với những suy tư, trăn trở, khát vọng yêu thương mà còn là sự ngợi ca đồng chí, đồng đội - những người đã hy sinh máu xương, công sức cho sự bình yên, đẹp giàu của đất nước này, dân tộc này.
Thơ Trần Quang Khánh viết về nhiều chủ đề, đề tài nhưng có lẽ những vần thơ về chiến tranh, người lính, đồng đội, quê hương, đất nước là những vần thơ để lại nhiều ấn tượng nhất với bạn đọc.
Với Trần Quang Khánh, cảm xúc về thơ luôn thường trực, nhưng vì công việc trong môi trường quân đội nên anh không có thời gian để sáng tác thơ. Mãi cho đến khi về hưu, anh mới có thời gian để thực hiện ước muốn của mình thời trẻ. Và Trần Quang Khánh đã bắt đầu tìm lại những trang nhật ký để viết lại một cách đầy đủ hơn, hoàn thành những vần thơ để tri ân với bạn bè, quê hương, đồng đội… Anh viết bằng chính sự thôi thúc, rung động của trái tim chân thành; viết ra trong nỗi nhớ thương da diết và cả những nỗi niềm day dứt của bản thân.
Sáu mươi tuổi rồi bạn ơi
Nếu sáng ấy bạn không hứng trọn chùm pháo địch
Chúng bắn như điên những tên khát máu
Mắt trợn trừng miệng tả tả như rên
Bốn mươi năm trôi đi xương cốt bạn nơi nào
Nơi khe suối, hốc cây, mõm núi
Bạn đã hóa vào sông vào suối
Chảy hiền hòa cho đất mẹ bình yên
Bốn mươi năm sáng ấy giặc tràn lên
Tiểu đội chúng ta quay quanh đồi Yết Ngựa
Bọn bành trướng lũ quỷ điệp trùng cây cỏ
Lấy thịt đè người hòng nuốt chửng chúng ta
Đạn nổ vang trời bạn vẫn đứng bên tôi
Siết còi súng giặc ào ào gục đổ
Khắp mặt đất rung lắc như rây bột
Khẩu trung liên bay mất đầu nòng
Một loạt cối 82 nổ chùm quanh hào
Nơi bạn đứng chỉ còn trơ chân súng
Thân thể bạn hòa vào bầu trời rực sáng
Tôi căm hờn lao vào lũ quỷ nhe nanh
Bốn mươi năm đi qua hai mươi tuổi xuân xanh
Trong ký ức mọi người bạn vẫn khuôn mặt ấy
Đôi mắt đen hàm răng cười sóng dậy
Tuổi hai mươi lồng ngực căng đầy
Bốn mươi năm bạn vẫn ở nơi này
Nơi biên cương bốn nghìn năm tổ tiên không chớp mắt
Để canh giữ phẩm giá người dân Việt
Ngẩng cao đầu không chịu lạy quỳ ai
(Bốn mươi năm bạn vẫn ở nơi này)
Con người trong thơ Trần Quang Khánh bao giờ cũng trong tư thế ngẩng cao đầu, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng tiến công dù cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Nhà thơ đã gọi kẻ thù bằng những từ đúng với bản chất của kẻ bạo tàn. Niềm đau đớn khôn nguôi của những người còn sống hôm nay đó là một số liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt.
Bốn mươi năm trôi đi xương cốt bạn nơi nào
Nơi khe suối, hốc cây, mõm núi
Bạn đã hóa vào sông vào suối
Chảy hiền hòa cho đất mẹ bình yên
Sự hy sinh, mất mát của những người đồng chí, đồng đội đã góp phần tô thắm ngọn cờ đấu tranh vì độc lập, tự do, vì hòa bình thống nhất đất nước.
Bao nhiêu ký ức về đồng đội đã ngã xuống làm cho anh day dứt khôn nguôi. Trần Quang Khánh cảm thấy may mắn khi mình còn được sống, được cống hiến cho đến hôm nay.
Đọc hồi ức đồng đội tuổi đôi mươi/ Thuở lũ giặc tàn sát miền biên giới/ Năm bảy chín đất mẹ đầy nhức nhối/ Những bạn bè còn mất ở nơi đâu/ Chúng ta đi ở thuở ban đầu/ Của tuổi trăng tròn ra trận/ Trong mỗi đứa lung linh lời mẹ dặn/ Đất nước mình phải giữ lấy nghe con/ Chúng ta đi không tính chuyện mất còn/ Lên phía trước cha ông từng đi vậy/ Ta ngã xuống cho màu xanh thắm mãi/ Cho núi sông biển cả muôn đời/ Đất nước mình Tổ quốc Việt Nam ơi/ Bốn nghìn năm không yên bề cuộc sống/ Giặc phương Bắc dập dồn như biển sóng/ Cổ Loa xưa máu đỏ vẫn loang thành/ Chúng rập rình muốn cướp cạn biển xanh/ Cả trời cao chúng muốn ta cúi đầu nô lệ/ Ta chỉ có làm người trong tư thế/ Cáo Bình Ngô trong sáng nghĩa nhân/ Những hồi ức ùa dậy trong tôi/ Ta đã sống những ngày không hổ thẹn/ Bạn và tôi phải đâu là cánh én/ Bởi mùa xuân đã có ở trong đời (Hồi ức đồng đội).
Trần Quang Khánh luôn tìm về đồng đội và những ký ức của chiến tranh, sự ý thức cao độ về chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Ta lặng đứng giữa biên cương Tổ quốc/ Trắng mây trời, trắng cả rừng cây/ Trắng mái tóc đoàn quân đi trong gió/ Đôi mắt đen rọi sáng cả đêm ngày// Những người lính băng mình qua bụi đỏ/ Những hồng cầu giữ nhịp con tim/ Lọc trong suốt trăm triệu lần sắc tố/ Dòng sông sâu, câu hát mãi không chìm// Những nấm mộ vẫn nằm nghe gió hát/ Nơi thung sâu, nơi chót vót mây trời/ Bên vách đá, trong dòng sâu cửa biển/ Đảo khơi xa đáy nước vẫn đầy vơi// Tổ quốc ở trong tim người chiến sĩ/ Người ra đi, cùng người sống ôm ghì/ Dẫu có hóa thành muôn vàn sương khói/ Vẫn quyện vào sông núi chẳng chia ly! (Tổ quốc giữa tim mình).
Viết về quê hương, bản quán Trần Quang Khánh cũng dành những vần thơ đậm chất trữ tình. Là một đứa con nơi xa, xa quê đã ngót nghét gần 1/2 thế kỉ nhưng tận sâu trong tâm khảm vẫn luôn hướng về “cố hương”, dõi theo tất cả những đổi thay của đất mẹ bằng tình cảm sâu nặng và thiêng liêng nhất.
Quê hương nhà thơ, Đại tá Trần Quang Khánh đó là nơi có dòng sông Lam, núi Hồng, nơi có mẹ có cha, gia đình, bạn bè và những ký ức sâu đậm của thuở thiếu thời. Một xứ Nghệ diễm tình với những hình ảnh vừa quen thuộc, gần gũi nhưng cũng có gì đó huyền ảo, lung linh. Nó bảng lảng, giữa hai bờ hư thực, gần đó mà lại xa vời vợi…
Khuôn hồng soi bóng mặt ao
Dòng Lam cuộn sóng gió Lào thổi ngang.
Nón em chao chiếc thuyền vàng
Gom đầy cả một mênh mang nước trời.
Anh đi ngày ấy xa xôi
Dòng xanh lơ đễnh để trôi... ánh chiều.
Núi Hồng ngả bóng đăm chiêu
Cánh đồng xơ xác, cánh diều ngẩn ngơ.
Anh về kéo lại vần thơ
Ráng chiều đã úa, trăng mơ đã tàn.
Đôi bờ cầu đã bắc sang
Con đò bến cũ mấy hàng cây xanh.
(Lục bát chiều)
Vì thế, nhà thơ lại càng nhớ thương da diết hơn về quê hương, nguồn cội. Trần Quang Khánh càng miên man trong ký ức, càng đi sâu vào cái tôi thì vùng đất xứ Nghệ của anh được mở rộng ra: từ những điều bình dị, quen thuộc đến những sự kiện lịch sử quan trọng được sử sách lưu danh…
Trong bài thơ Hưng Nguyên, Trần Quang Khánh viết về một huyện đồng bằng tả ngạn sông Lam, nằm ở phía Nam của tỉnh Nghệ An. Huyện Hưng Nguyên ra đời vào năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ hành chính của cả nước. Hưng Nguyên từ xa xưa đã là địa bàn chiến lược về quân sự. Nơi xảy ra nhiều sự kiện lịch sử, gắn liền với những tên tuổi của các vị vua, quan, trí thức nổi tiếng của nước nhà.
Gần sáu trăm năm
Bên dòng sông Lam miệt mài bền bỉ
Lọc dòng xanh biếc xanh
Người với sông tạo nên bãi nên bờ
Nên những cánh đồng, trang sử, câu thơ.
Những ngọn núi cũng mang tên Thành, tên Lũy
Quả cảm hiên ngang Dũng Quyết, thành Vinh
Sừng sững nhìn ra biển lớn
Bạn Hồng Sơn gội nước Lam chiều.
Những con người không quản máu xương
Giữ trọn lời thề non nước
Núi Nhón còn in dấu chân cha ông thuở trước
Lam Kiều vằng vặc trăng soi.
Hưng Nguyên đã bao lần tuyến đầu
Bao lần hậu cứ!
Dấu vết ghi trên khuôn mặt mỗi con người
Niềm tin ánh thép
Miệng nở đóa hoa tươi!
Ai đặt tên quê hương Hưng Nguyên
Tôi lật tìm trang sách cũ
Tôi hỏi những ông già râu tóc bạc phơ,
Hỏi nắng bình minh trong giấc mơ
Không tìm được tháng ngày xác tín.
Nhưng tôi biết Hưng Nguyên quê hương tôi
từ khi ở trong nôi
Tôi biết là quê hương của tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Là mảnh đất của nước Việt ngàn đời
từ khi chưa được đặt tên.
Hưng Nguyên qua biết bao cuồng phong, dâu bể
Đạn bom cày nát đồng quê
Đạn bom nhiều hơn hạt lúa
Bão lụt như cơm bữa
Những bữa cơm là củ sắn ,củ khoai
Nuôi những anh hùng, những người sáng tạo
Từ trong bùn lầy
Hai tiếng Hưng Nguyên vẫn đủ đầy.
Hưng Nguyên hôm nay khác xưa rồi
Phố phường ngõ xóm xa xôi
Rộn rã tiếng cười
Những nụ cười vút lên tầng cao
Hòa trong tiếng máy
Hòa trong điệu nhạc
Câu hát sông quê xao xuyến mây trời!
Nỗi niềm hoài niệm với quê hương trong thơ Trần Quang Khánh không đơn thuần là sự trở về với những kỷ niệm mà là sự quay về với những truyền thống, cội nguồn, trở về với những giá trị đạo đức thẩm mỹ mang tính lâu bền, vĩnh cửu.
Viết cho bạn, Trần Quang Khánh cũng dành những vần thơ trữ tình, da diết. Ở đó, là sự yêu kính, trân trọng và cả sự nuối tiếc. Khi nhận được tin người bạn, người đồng đội của mình năm nào vừa rời cõi tạm, Trần Quang Khánh rưng rưng, nấc nghẹn:
4h sáng giật mình tỉnh giấc/ Điện thoại bật lên. Đạo đã đi rồi / Đạo đã bay thật rồi về cõi mộng/ Giấc mơ bay hóa thực ở phương trời!// Ta gặp nhau trong bước hành quân/ Trên trời Tổ quốc những làn mây trắng/ Ta đi trong mùa hoa đào biên cương khói sạm/ Sông Hồng mang sắc đỏ đau thương…// Sáng nay Đạo bay về cõi mộng/ Bay về nơi quê mẹ thắt lưng ong/ Đất Quảng Bình ngày đêm trông ngóng/ Xếp cánh mơ đời yên lặng ngày đông!
Vĩnh biệt Trần Quang Đạo - TP HCM, 4h sáng 10/11/2024
(Tiễn đưa Trần Quang Đạo)
Nếu bạn đọc tinh ý sẽ nhận ra trong thơ Trần Quang Khánh bên cạnh cái tôi trữ tình tự hào, ngợi ca, biết ơn, trân trọng sang lắng đọng, suy tư. Những vấn đề sử thi chuyển dần mang màu sắc thế sự, xuất hiện tâm thế đối thoại, chất vấn, hoài nghi.
Bài Đếm là một trong những bài thơ đậm chất thế sự. Đó là nỗi bi ai trước một thực tế đã diễn ra đầy chua chát.
Người nông dân đếm tiền chưa hết bàn tay
Thi sỹ đếm tiền như đếm sao buổi sáng
KidsTet đếm tiền bằng vi tính màu sáng láng
Trăm triệu Mỹ Kim máu nhuộm đỏ sơn hà!!
Đi qua những năm tháng ở chiến trường, sau đó Trần Quang Khánh cũng có hơn 30 năm đứng trên bục giảng. Chừng ấy thời gian là có biết bao kỷ niệm gắn liền với nghề dạy học. Nhà thơ sâu sắc nhận ra sự cao quý của nghề và cả những điều kiện cần phải tuân thủ, những thứ nên tránh. Người thầy phải không ngừng rèn luyện, vun bồi cả kiến thức và nhân cách đạo đức, lối sống. Bởi nghề dạy học là nghề đặc biệt quan trọng, nghề đạo tạo ra con người, đào tạo ra cả một thế hệ tương lai cho đất nước.
Ta có thể ảo với ta suốt cả cuộc đời/ Ảo để sống với nỗi niềm khát vọng / Nuôi ngọn lửa đời trong tim không tắt ngấm/ Vật vã ngày đông truyền lửa yêu thương.// Nhưng không thể ảo trước con người lương thiện/ Những khuôn mặt ngây thơ khao khát đến trường/ Với người mẹ, người cha phơi mình trong nắng, bão/ Vun mầm non để ruộng rẫy nên hương.// 30 năm miệt mài trên bục giảng;/ Những năm tháng xa xôi khói lửa chiến trường/ Không thể ảo với quê hương, con đường ta bước/ Với dòng sông, biển đảo yêu thương.// Thà để bị vùi trong khói bụi/ Trong lò nung triệu độ trời cao / Nhưng không chịu rạp mình thành cỏ dại/ Để mong đời ban tặng chút xôn xao.
Bài thơ cho thấy rõ nhận thức, bản lĩnh, cốt cách của Trần Quang Khánh, một trí thức mẫn cảm, ý thức sâu sắc trách nhiệm công dân của mình.
Vốn là người từng trải, tinh tế nên Trần Quang Khánh nhìn đời trong sự linh ứng, nhạy cảm riêng.
Ta giật mình mùa thu lại đến/ Chiếc lá vàng tiễn một mảnh thu rơi/ Dòng nước biếc lọc bầu trời xanh biếc/ Có lọc được hồn ta trở lại thuở yêu đời!// Ôi cái thuở ngập tràn tình thương mến/ Mất mát đau thương không xóa nổi ánh mắt cười/ Ta nắm tay nhau giữa dòng xoáy lũ/ Bom đạn thét gào- Sông vẫn hát thương yêu!// Tiếng hát thành sợi chỉ nối đường đi/ Nối bền chặt một tình yêu tươi mới/ Con đường cứ đi và tình người lại đến/ Một nắm xôi đủ san sẻ những sắc đời! (Sắc đời).
Thơ Trần Quang Khánh đậm chất suy tư, giàu tính triết luận. Đọc thơ anh người đọc nhận ra đó là tiếng thơ của một con người từng trải. Tiếng thơ ấy của Trần Quang Khánh đã nói hộ được tâm trạng, cảm xúc, tiếng lòng của rất nhiều người mà họ không thể diễn đạt được bằng thơ như anh! Vì thế, bạn đọc đồng cảm và yêu thích thơ anh là vì lẽ đó.
Nhà thơ Trần Quang Khánh sinh năm 1959 ở Nghệ An. Ông nhập ngũ từ năm 1978, theo học và tốt nghiệp khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, sau đó tốt nghiệp trường Sĩ quan và có nhiều năm giảng dạy trong nhiều trường biên phòng cho đến khi về hưu năm 2017. Với những trải nghiệm phong phú của đời lính trong hơn 10 năm là chiến sĩ bộ đội đặc công, 30 năm là chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng với tình yêu văn chương của mình; Đại tá, nhà thơ Trần Quang Khánh đã có rất nhiều bài thơ viết về quê hương nguồn cội, viết về chiến tranh, đặc biệt là đề tài về người lính bộ đội biên phòng. Ông đã cho mắt công chúng 2 tập thơ riêng là: Ký ức xanh (2021), Nốt nhạc mùa (2022) và hiện là hội viên Hội Nhà văn TPHCM...