TIN TỨC

Chặng chữ, đời người | Nguyễn Hữu Quý

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-30 15:37:31
mail facebook google pos stwis
1844 lượt xem

NGUYỄN HỮU QUÝ

Mơ ước. Hy vọng. Thất vọng. Và, hy vọng… Đó là gì tôi có thể gom gói lại khi muốn nói về chặng chữ của mình. Với tôi, đời người đã nhuốm màu nắng quái, chẳng mấy chốc nữa sẽ thập thững bước tới hoàng hôn và cõi mênh mang bí ẩn nhất cũng không còn xa xôi mấy nữa. Chặng chữ còn lởm khởm làm sao; những gì đã có chưa làm ta yên lòng, chưa đủ mặn, chưa đủ thấm dẫu sách mang tên mình đã có vài chục quyển gồm nhiều thể loại thơ, trường ca, truyện ngắn, bút ký tản văn và phê bình. Văn chương là nỗi nhọc nhằn, như sự gánh gồng định mệnh của đời ta, đời người, chấm vo lại là mình, mở toang ra là thiên hạ. Viết là khó, quá khó nên không mấy dễ được trời chọn để trao bút. Càng hiếm hoi người tài trong làng văn. Cỡ như Nguyễn Du là rất hiếm, không tài ba làm sao Cụ có được "Truyện Kiều" lẫy lừng bốn phương để cho thiên hạ mấy trăm năm nay vẫn còn khóc cười với một phận đàn bà "Sắc đành đòi một, tài đành họa hai" nhưng phũ phàng mệnh bạc xuyên muôn thế kỷ. Thế mà Cụ dặn: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Nghĩ xa, nghĩ gần, chợt vận vào ta, hay Cụ viết thế để an ủi những kẻ cầm bút ít tài như mình nhỉ.

Nói thật, nhiều lúc tôi tự thấy hoang mang trước tấm thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hoang mang hay nỗi sợ hãi nghề viết. Đọc những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, bài thơ tầm cao nỗi sợ hãi càng chất chứa, dâng đầy. Văn chương là như thế, viết như lấy giọt sống của đời mình nuôi dưỡng, tưới tắm cho con chữ, viết là đang bay lên chốn cõi khác, không gian khác, thời gian khác trong sự sáng tạo bất tận, hướng tới cái đẹp của con người, vì con người. Cảm hứng ở đấy và thách thức cũng ở đấy thôi, trong cái nghề văn vốn nhiều bão táp. Bởi thế, danh giá nhà văn không nằm ngoài tác phẩm. Tôi ít tự tin về mình có lẽ cũng vì lẽ đó. Vậy nên, khi kể lại câu chuyện trở thành nhà thơ ít nhiều tôi có vân vi. Ai công nhận danh hiệu đó cho mình? Mấy người cho nó xứng đáng với tôi, cái gọi là nhà thơ ấy? Tự nhủ, kể lại thành thật chặng chữ trong đời người mình may ra sẽ được chia sẻ, thông cảm. Đó cũng là hy vọng cho tương lai không dài lắm nữa, sau những ước mơ, hy vọng và thất vọng của nghề cầm bút cô đơn, chòng chành, vô định.

Cát. "Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru"… Cát ở cuối dòng sông Gianh, tên cổ là Linh Giang, qua mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Người ta bảo cái làng Thanh Khê của tôi chỉ được “phát” về văn. Võ thì có phần lẹt đẹt, trải qua mấy cuộc chiến tranh tàn khốc, chẳng có nổi một vị tướng nào hết dù trai làng ra trận không ít. Cũng không ít người đã chết nơi hòm tên, mũi đạn. Một cái làng có 3 người là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, theo cách nghĩ thông thường thì cũng đáng tự hào đấy chứ. Hoàng Bình Trọng. Mai Văn Hoan. Và, tôi. Ba nhà văn sinh ra từ làng Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tôi, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ đầu năm 2000 (danh sách của năm 1999), sau gần ba năm được tạp chí Văn nghệ quân đội “móc” từ Trường Sơn ra như cách nói vui vui của nhà thơ Trần Đăng Khoa hồi nào. Nhớ lại, đầu năm 1997, tôi rón rén bước qua hai cây đại ở cổng Nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội để trở thành biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Trước đó, tháng 12/1995, bài thơ "Bông huệ trắng" của tôi được in trên Tạp chí này và quá may mắn khi nó được tặng thưởng tác phẩm xuất sắc năm. Sau này, tôi được biết người trực tiếp biên tập tác phẩm đó là Vương Trọng và Trưởng ban Thơ lúc này là Nguyễn Đức Mậu. Tin vui bay về vùng đất Quảng Trị khắc bạc nơi đơn vị tôi đóng quân. Điều tôi không bao giờ nghĩ tới, chính xác là vậy, đã đến nhẹ nhàng và tự nhiên như thế. Tuy nhiên, bài thơ chẳng nhẹ nhàng chút nào cả vì nó chạm sâu vào nỗi buồn hậu chiến với sự mất mát, đau thương không kể xiết của dân tộc này: “Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa…”. Tiếp đó, tôi được Văn nghệ Quân đội mời đi Trại viết ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Năm 1996, thêm một dấu mốc dẫn tôi đến với con đường văn chương “chuyên nghiệp”. Đêm tháng 5, giữa khuya khoắt, tiếng sóng từ biển Đồ Sơn dội vào tôi những thổn thức kỳ lạ. Hình như có cả sự bồn chồn nữa. Trong bóng tối, tự nhiên trước mắt tôi hiện lên hình ảnh những nấm mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Rõ mồn một. Cứ như mình đang đứng dưới gốc bồ đề huyền thoại giữa bốn bề chỉnh tề đội hình bia mộ liệt sĩ. Và, những câu thơ như có ai đó đọc lên từ trong thăm thẳm: "Nằm kề nhau/ những nấm mộ giống nhau/ Mười nghìn bát hương, mười nghìn ngôi sao cháy/ Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/ Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn…”. Tôi bàng hoàng, ngồi dậy, bật đèn chép những câu thơ đang tuôn ra: “Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa”…Biển hửng sáng cũng là lúc bài thơ làm xong với câu kết Mười nghìn khát vọng được về bên nhau. Tôi đặt tên cho thi phẩm là Khát vọng Trường Sơn. Bài thơ mang đến cho tôi vinh dự mới; "Khát vọng Trường Sơn" được xếp giải Nhì (không có giải Nhất) cùng Lương Ngọc An trong cuộc thi thơ của Văn nghệ quân đội năm 1996. Có lẽ, từ bài thơ này cộng với âm hưởng của Bông huệ trắng mà Văn nghệ quân đội muốn xin tôi về Tạp chí. Trước đó gần hai mươi năm, lúc tôi còn Trung sỹ, Tết Bính Thìn 1976 bài thơ đầu tiên của tôi đã được in vào Văn nghệ quân đội. Đó là một bài thơ hồn nhiên chất lính chỉ có 8 câu chia làm 2 khổ viết theo thể lục bát, mang tên "Trên đường hành quân". Với tôi, có lẽ chưa có mùa xuân nào vui như mùa xuân đó. Thời học cấp ba, tôi đã rất mê Văn nghệ quân đội và hay đọc ké của các anh bộ đội nghỉ lại mấy hôm ở Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) trước khi đi vào chiến trường miền Nam. Hình ảnh người chiến sĩ - nhà thơ thực sự ấn tượng với tôi qua những Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy…thời ấy. Tôi mê thơ các anh, những bài thơ đánh giặc như mọi người từng gọi. Thú thật, thế hệ chúng tôi khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông chủ yếu được đắm mình trong dòng thơ kháng chiến, thơ cách mạng, ít được đụng chạm vào các luồng thơ khác như lãng mạn của thời tiền chiến. Từ yêu mê đến mơ ước trở thành nhà thơ chiến sĩ chỉ là một khoảng cách rất gần. Và tôi lặng thầm viết. Những câu thơ thời học trò mơ mộng đã không mảy may còn lại chút dấu vết nào nữa, tội nghiệp thật, nhưng biết làm sao được. Trường hợp nhà thơ thiếu nhi như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân…là quá đặc biệt. Phần lớn, chắc cũng như chúng tôi, yêu thích văn chương, tập tểnh làm thơ viết văn thời mình còn quá trẻ để rồi không ít người thất vọng thoái lui. Với tôi, còn chút may mắn đấy. Con đường binh nghiệp gắn liền với con đường viết văn, làm báo. Những bài thơ đầu tiên được in trên các báo và tạp chí địa phương và Trung ương khi tôi đã mang áo lính. Năm 1974, chùm thơ 3 bài được in trên báo Trường Sơn, thời anh Phạm Tiến Duật làm việc ở đây. Năm 1975, bài thơ "Mưa" in trên Văn nghệ Quảng Bình. Như đã kể ở trên, năm 1976, bài thơ đầu tiên có mặt trên Văn nghệ quân đội và sau hai mươi năm tôi mới có được bài thơ thứ hai in ở đây. Nói thêm một chút, năm 1986 trên báo Văn nghệ đã in bài thơ "Có tình yêu trong ấy" của tôi. Quá bất ngờ. Tôi không trực tiếp gửi bài, nghe đâu chị Lâm Thị Mỹ Dạ (lúc ấy làm việc ở tạp chí Sông Hương) đã chọn và gửi ra Văn nghệ cho tôi.

Chỉ đến khi trở thành người của Nhà số 4, tôi mới có ý thức viết để được trở thành nhà thơ. Cái không gian nơi tôi gắn bó hai mươi năm ấy thực sự có ích với những người cầm bút như tôi. Tạp chí Văn nghệ quân đội thực sự là nơi giúp tôi trưởng thành trong nghề viết. Tôi biết con đường để trở thành nhà thơ thật dài và khúc khuỷu. Tuy nhiên, có thành công hay không chủ yếu ở mình. Bởi không ai viết thay cho mình được. Chỉ mình mới viết nên được những "Bông huệ trắng"; "Khát vọng Trường Sơn"…và những "Sinh ở cuối dòng sông"; "Hạ thủy những giấc mơ"…Nhắc đến tên tác phẩm đó những bạn đọc thân quen không thể không nhớ đến Nguyễn Hữu Quý. Tôi tin thơ cũng là đời, cái mình cất được trong thơ là cái mình giữ được trong đời. Day dứt quá khứ hay trăn trở hiện tại chất chứa trong mỗi trang viết, chung hay riêng cũng đều thế cả. Tôi bám riết vào hiện thực cuộc sống để viết như là trách nhiệm của người cầm bút. Trước hết với Tổ quốc, với nhân dân trong tư cách một người lính; tôi muốn giải bày tâm niệm đó không cần phải giấu diếm hoặc lên gân. Và chẳng có gì là không văn chương nghệ thuật cả khi ta dành phần lớn tâm huyết cho đề tài chiến tranh và người lính. Viết cũng là sống bằng những cảm nhận, thâu lọc trung thực, chân thành và đắm đuối. Viết cũng là học; học bạn, học thầy; học xưa, học nay; học dân tộc, học nhân loại…Viết là sáng tạo; sáng tạo để định hình cái riêng mình, cái duy nhất khó lẫn, không lẫn giữa đội ngũ, giữa đồng nghiệp. Viết là để soi hướng nội tâm về ánh sáng của cái thiện, hạnh phúc của con người được bảo hiểm bằng tự do đích thực, giá trị tinh thần không bị hạ thấp kinh rẻ.

Những đứa con tinh thần ra đời góp phần nhỏ bé vào đời sống văn chương Việt là niềm xúc động lớn lao của tôi. Tôi luôn hàm ơn con chữ đã cho tôi những vinh dự đẹp như từng được giải thưởng của Bộ Quốc phòng (3 lần), Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Kim Đồng, Người Hà Nội, Cửa Việt…Tôi biết ơn bạn đồng nghiệp đã có những nhận xét, cổ vũ động viên. Những góc nhìn khác giúp tôi thấy rõ mình hơn. Và, chắc chắn rồi, tôi chưa thể bằng lòng thỏa mãn với những gì mình đã có trong tư cách một nhà thơ. Một nhà thơ đích thực, đúng nghĩa đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Con đường văn chương là bất tận, không có một cái đích cụ thể nào cả. Người ta viết khi không thể không viết và biết dừng lại khi tự thấy mình đã đuối sức, hụt hơi. Khi trở thành nhà thơ rồi không có nghĩa anh đã làm xong bổn phận của một người viết. Trước trang giấy trắng, tất cả lại là sự khởi đầu. Niềm mơ mới. Hứng khởi mới. Trăn trở mới. Vật vã mới. Hy vọng mới…Phía trước vẫn mung lung, vô định. Nhà thơ lại côi cút trên nẻo đường văn chương như một thân phận không thể đổi thay. Và có lẽ, nên thay câu hỏi “Tôi đã trở thành nhà thơ / nhà văn như thế nào? bằng câu hỏi: “Tôi đang trở thành nhà thơ / nhà văn như thế nào?” Trả lời cho kiểu câu hỏi thứ hai chẳng dễ dàng chút nào.

Tháng 6/ 2021,
NHQ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội số đầu tháng 7.2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cần một “Hội nghị Diên Hồng” cho giáo dục
Bài viết của nhà văn Nguyễn Trường
Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm