TIN TỨC
  • Truyện
  • Chảy đi sông ơi – Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Chảy đi sông ơi – Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
11379 lượt xem

Tất cả những quang cảnh ấy và cảm giác ấy đều thật tuyệt vời. Tuyệt vời hơn nữa còn là truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen ở khúc sông này. Những người đánh cá ban đêm quả quyết đã nhìn thấy nó. Nó thường xuất hiện vào lúc nửa đêm. Nó ở dưới đáy lòng sông lao lên mặt nước. Toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng cao vút, mõm thở phì phì, con trâu phi trên mặt nước như phi trên cạn. Con trâu phì bọt, nước dãi của nó tựa như trứng cá. Nếu ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021)

Đoạn sông chảy qua bến Cốc lia một vòng cung đẩy những doi cát bên bồi về mãi phía tây. Bến đò ở ngay gốc gạo đơn độc đầu xóm. Con sông bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi. Mùa hoa, trên ngọn cây gạo màu đỏ xao xuyến lạ lùng. Nước lờ lững trôi, giữa tim dòng sông rạch một mũi sóng dập dồn, ở đầu mũi sóng có một điểm đen tựa như mũi giáo. Bến đò tĩnh lặng rất ít người qua lại. Mùa đông có cả những con sáo lông đen chân vàng đậu trên sợi thép níu đò căng từ gốc gạo sang phía kia sông. Chúng nghiêng nghiêng đầu xuống dòng nước chảy tha thiết líu ra líu ríu. Chiều xuống tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận. Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn những gì.

Con sông và bến đò ấy gắn với đời tôi những năm thơ ấu. Hồi ấy nhà tôi ở cách bến đò chừng năm trăm thước. Ngoài giờ đi học, thỉnh thoảng tôi vẫn lang thang xuống bến đò chơi.

Thường thường, tôi vẫn thích nhất mùa đánh cá mòi. Tiếng gõ đuổi cá lanh canh và tiếng sóng vỗ oàm oạp bên mạng thuyền nan làm tôi mê mải. ở trên mặt sông, ánh sao mờ mờ hắt xuống những vệt lăn tăn bàng bạc đẹp đến lạ lùng. Hàng chục chiếc thuyền thúng bé nhỏ lặng lờ trôi trên mặt nước. Tiếng ho húng hắng, tiếng rít thuốc lào và tiếng lầm rầm đọc kinh cầu nguyện nghe thú vô cùng. Về sáng, một rải sương mù buồn toả trên sông, không thể phân biệt ranh giới giữa bến với bờ, giữa đường mặt sông với nền trời nữa. Những con cá mòi màu trắng bàng bạc đầy trong lòng thuyền. Mùi khói thơm nồng và mùi cá nướng thơm ngậy lan trong không khí ban mai trong sạch. Tất cả những quang cảnh ấy và cảm giác ấy đều thật tuyệt vời. Tuyệt vời hơn nữa còn là truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen ở khúc sông này. Những người đánh cá ban đêm quả quyết đã nhìn thấy nó. Nó thường xuất hiện vào lúc nửa đêm. Nó ở dưới đáy lòng sông lao lên mặt nước. Toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng cao vút, mõm thở phì phì, con trâu phi trên mặt nước như phi trên cạn. Con trâu phì bọt, nước dãi của nó tựa như trứng cá. Nếu ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá.

Tất cả những điều như thế đối với tuổi thơ của tôi có sức lôi cuốn lạ kỳ. Thâm tâm, tôi vẫn ước mong nhìn thấy con trâu, biết đâu tôi sẽ chẳng được hưởng điều kỳ diệu? Hễ cứ chập tối là tôi bỏ nhà ra đi, mặc kệ sách vở và những lời khuyên của mẹ. Tôi xuống bến đò, năn nỉ những người đánh cá mòi để giúp không công cho họ. Thường tôi phải vã bọt mép mới có một người nào đấy thương hại cho tôi ngồi ghé lên thuyền.

– Chỉ qua bến Cốc thôi nhé! – ông chủ hào hiệp của tôi mặc cả

– Thằng ngu như chó, trời rét thế này về mà nằm ổ. Mày định học đánh cá mòi làm gì thế?

– Nó định lớn lên lập hợp tác xã! – Một gã béo lẳn và đen chùi chũi ở chiếc thuyền bên mỉm cười thâm hiểm

– Giêsuma! Ông lỏi đã sành đi đánh cá đêm thì ta chỉ còn xương cá mà ăn thôi đấy!

– Quăng nó xuống sông cho Hà Bá bắt!- Một gã nào đấy hăm dọa, thuyền gã lướt qua và gã dùng chiếc mái chèo thúc vào sườn tôi đau điếng.

– Ông cho nó đi xúi cả mẻ cá đêm nay là ăn đòn đấy! – Một lão chột mắt gầm gừ, lão giơ mái chèo chẳng có vẻ gì là đùa bỡn cả.

– Thôi mày xuống đi!- ông chủ của tôi hốt hoảng.

– Cái lão trùm Thịnh không đùa với lão được đâu!

– Cháu xin bác… – Tôi rên rỉ.

– Bác bảo cho cháu đến cuối bến Cốc cơ mà!

– Cốc với cò gì….- ông chủ của tôi lái thuyền vào bờ, nửa như bực bội nửa như ngượng nghịu.

– Mày chỉ mới ngồi mà nước tràn cả vào thuyền, đến cuối bến Cốc thì tao xuống dưới đáy sông với Hà Bá à?

Tôi lội xuống thuyền nhìn theo, nước mắt ràn rụa. Có con cá gì thúc vào giữa bọng chân tôi, tôi cảm thấy cái vây của nó đụng vào nhờn nhờn mềm mại.

Có lần tôi được chính gã béo lẳn và đen trùi trũi cho ngồi lên thuyền. Gã tên là Tảo. Gã có đôi mắt lờ đờ như là mắt cá, một vết sẹo bỏng ở bên má bên trái to bằng bàn tay làm mặt gã biến dạng hẳn đi. Gã nói với tôi bằng giọng mềm mại trơn tuột:

– Tao thấy chú mày lên thuyền nhưng tao bảo gì thì chú mày phải nghe đấy… Hồi tao bằng tuổi chú mày tao cũng đi đánh cá đêm. Tao quăng lưới xuống dòng sông rồi ra sức kéo. Hôm ấy mưa phùn mà rét rét là…Lưới nặng như cùm. Tao nghĩ phen này phải được một mẻ cá lớn… Khi tao kéo lưới lên thuyền thì mày có biết gì trong lưới này hay không? Một cái đầu lâu người chết! Tóc xõa rũ rượi vướng những sợi rong dài như giun đũa. Cái đầu ngâm nước trương phình mõm như quả thị. Máu bết ở hai lỗ mũi nhơm nhớp như nước dãi người… Tao đụng vào, hai hàm răng thì nó tụt ngay khỏi lợi, những cái chân răng ba ngạnh dài bằng đốt tay dính đầy những sợi dây chằng bé như sợi chỉ….Hai mắt của cái đầu lâu thô lố nhìn tao, hai cái con ngươi từ từ đùn khỏi hốc mắt cứ thế phồng ra như có người bơm không khí…

Tôi sợ tái người. Con thuyền không người điều khiển quay tròn tạo thành những xoáy nước nhỏ. Tảo bỗng quát lên:

– Chèo gì lạ thế? Đã sợ vãi đái ra quần rồi hả? – Tảo đưa ngón tay chuối mắn túm lấy ngực tôi.

– Tôi xin mời ông cút khỏi thuyền ngay! Ông ở trên thuyền rồi tôi lại kéo phải đầu lâu người thì tôi chết!

Tôi khóc nức nở, lạy van rối rít. Thuyền của chúng tôi đang ở giữa sông, cây gạo ở phía bến đò trông xa như một bàn tay bé nhỏ nhiều ngón khua lên bầu trời đùng đục.

– Nhảy xuống! – Tảo nhe hàm răng nhọn hoắt quát lên hung dữ.

– Ông cho mái chèo vào gáy bây giờ!

Tôi trườn xuống dưới dòng nước và lặng lẽ bơi, mắt hướng về phía cây gạo làm chuẩn. Tảo cho thuyền bơi ngược dòng, giọng cười của gã rờn trên mặt nước:

– Bơi cho cẩn thận nhá! Chỗ ấy là chỗ ngày trước tao kéo được đầu lâu đấy!

Tôi cắn chặt răng để khỏi oà khóc. Trái tim nhỏ bé của tôi thắt lại. Nước chảy rất xiết, tôi bỗng hiểu ra nước chảy bao giờ cũng xiết, có điều phải cố mà bơi cho đến được bờ….

Cũng có một lần tôi theo trọn vẹn buổi đánh cá đêm. Lúc ấy tôi ngồi thuyền của trùm Thịnh. Lão già chột mắt này rất nổi tiếng vì những câu chuyện rùng rợn trong cuộc đời mình. Hồi trẻ lão từng đi lính cho Tây. Vợ lão có hai đứa con da trắng mắt xanh mũi lõ. Lão giết thằng quan ba Tây để chiếm mụ vợ. Những vụ trộm lớn nhỏ trên phố chắc có dính líu đến lão vì cứ thỉnh thoảng Uỷ ban lại gọi lão giam ít ngày. Lão mở quán mì vằn thắn những người ta đồn lão dùng thịt chuột đánh bả thạch tín. Bát mì vằn thắn mang cho chó ăn chó chết. Người ăn thịt chó cũng lại chết luôn. Quán mở nửa tháng thì lão dẹp tiệm, lão chất rơm vào trong quán rồi đốt đùng đùng. Có người kể rằng khi lửa bốc cao thì ở trong quán có con chuột to bằng bắp chân người phóng thẳng ra ngoài cứ cười hềnh hệch…Cái lão trùm Thịnh khủng khiếp thế mà đồng ý cho tôi đi theo. Tôi trèo vào thuyền mà run như rẽ. Nhưng rồi chính niềm say mê huyền diệu đã thắng trong tôi. Tôi bắt đầu chèo và cố làm tốt những điều lão già sai bảo.

Lão già bắt tôi lái thuyền men theo bờ sông bên lở. Thuyền lão bỏ cách thuyền khác đến nửa cây số. Tôi nhìn cách lão điều khiển con thuyền và hiểu đây thực sự là tay bợm già trong nghề sông nước…Lão biết những chỗ thuyền nên dừng lại. Cũng có nhiều khi lão nằm hàng nửa giờ nửa thức nửa ngủ kệ tôi xoay xở. Khoảng quá nửa đêm lão tỉnh như sáo và bỗng huyên thuyên đủ thứ chuyện.

– Cái nghề đánh cá là nghề có sớm bậc nhất. – Lão nói với tôi.

– Anh em ông thánh Simon trước kia cũng đi đánh cá. Đức chúa Giêsu trông thấy mới bảo họ rằng:” Các ông hãy đi theo tôi, tôi sẽ biến đổi các ông thành những người đánh lưới người”- Lão già hít hơi thuốc lào rồi lại buồn buồn nói tiếp.

– Hôm nọ trên huyện công an hỏi tao: ” ông làm nghề gì?” Tao bảo làm nghề đánh cá.

Họ cười lăn lộn: ” ông đánh lưới người thì có!” Mẹ kiếp! hoá ra tao thành ông thánh Simon chứ còn gì nữa!

– Trong các thứ nghề thì nghề ăn trộm là nhàn nhã nhất…Có lần trời đang mưa phùn, mấy thằng ăn sương bên làng bảo tao:” Bác trùm Thịnh này, bây giờ mà có thịt chó ngồi ăn thì thích!” Tao bảo:” Đến nhà trùm Thịnh muốn gì được nấy!” Tao nói thế thôi, cũng lo….Chợt nhớ ban chiều nhà chánh tổng Thi giết chó…Thế là khoác áo ra đi, tao đến gần bếp thấy mùi thịt cầy bụng đã mừng thầm. Ngó lên nhà trên thấy mấy đám tổ tôm. Tao mới đàng hoàng đi vào trong bếp nói với người ở:” Thịt chó được chưa? Các cụ đang giục cuống lên trên nhà… Tắt đèn đi! Để tôi lấy cho các bác một bát ăn thầm dưới bếp rồi tôi bê nồi lên cho các cụ!” Miệng nói tay làm… Mấy thằng gà mờ chúi vào bát thịt còn tao bê nồi cút thẳng!

Lão cười khùng khục. Tôi nghe lão cười mà lòng cộn lên một nỗi bức bối và chua xót lạ. Ở phía doi cát bên sông, vầng trăng lưỡi liềm tỏa ánh sáng xanh mờ ảo. Gió thổi mơn man. Có con chim gì ăn đêm bay qua rất thống thiết. Mặt sông như rộng hẳn ra chẳng có bến bờ gì cả. Phía đằng cây gạo, những tia sáng hồng của buổi ban mai bắt đầu le lói….

Tôi hỏi trùm Thịnh:

– Bác ơi, thế chuyện trâu đen có thực hay không?

Trùm Thịnh bật cười, lão ngả người ra sau lái, tia sáng từ trong hốc con mắt lành nhay nháy:

– Tao đã đánh cá trên khúc sông này sáu chục năm trời. Tao thuộc từng lạch một… Chuyện con trâu đen chỉ là chuyện đồn nhảm nhí… Mày hãy tin tao, ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có thực, ngoại tình có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen là giả.

Tôi lén một tiếng thở dài. Con thuyền bồng bềnh trôi xuôi.

Một lát, thuyền của chúng tôi tìm cách vòng ra tim sông. Những con thuyền khác cụm dần một chỗ, tiếng gõ lanh canh vang trên mặt nước nghe rất rộn ràng. Trùm Thịnh bỗng nhiên chồm dậy, giọng lão lạc đi rất lạ:

– Luồng cá!

Những con thuyền khác cũng đã phát hiện ra được luồng cá. Một cuộc giành giật diễn ra, tiếng lưới ném xuống mặt sông rào rào. Thuyền của chúng tôi bị kẹp giữa các thuyền khác, không sao tung lưới ra được. Trùm Thịnh làu bàu chửi rủa. Lão điều khiển thuyền vọt lên làm tôi ngã ngửa. Tôi định ngồi dậy thì thuyền chòng chành lật nghiêng hất tôi xuống nước. Tôi không hiểu được ngay tình thế mình. Nước sặc vào miệng khiến tôi nghẹt thở. Một nỗi hoảng hốt lạnh buốt lướt trong tim óc. Tôi gào thất thanh kêu cứu. Chân tôi cứng đờ, đau buốt lạ lùng. Tôi chìm xuống nước. Tôi bỗng hoảng sợ điên cuồng vì nhớ những người đánh cá có lệ không cứu những ai chết đuối…Tôi mê lịm đi, thấp thoáng nghe có tiếng ai như đang tâm sự với mình:

– Năm nay Hà Bá chưa bắt người nào!….

Tiếng một phụ nữ thất thanh. Tôi ngất lịm đi, thấy cả bầu trời sập xuống…

***

Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên con đò ngang. Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ khăn trùm kín mặt. Đôi mắt to đen nhìn tôi mừng rỡ:

– Thế là tỉnh rồi… Em ăn một tí cháo nhé?

Tôi cố nhỏm dậy, bụng dạ trống rỗng vào đau cồn cào, chân tay tôi run bần bật. Tôi đón bát cháo cá nóng mà cầm không vững.

– Để chị bón cho – Người phụ nữ nói dịu dàng

– Chị tưởng em chết. Chân tay em cứng đờ ra.. Lão Tảo dốc trong bụng em đến nửa vại nước. Em là liều lắm! đi đánh cá đêm với lão trùm Thịnh có ngày chết toi mất xác!

– Chị cứu em à? – Tôi hỏi.

– Ừ… chị nghe thấy em kêu cứu.

– Bọn đánh cá đêm ác lắm chị ạ – Tôi buồn rầu nói.

– Họ nghe thấy em kêu cứu mà cứ lờ đi….

– Đừng trách họ thế – Người phụ nữ an ủi tôi, giọng nói ngân nga như hát

– Có ai yêu thương họ đâu… Họ đói mà ngu muội lắm…..

Tôi ngạc nhiên nghe lời chị, chưa ai đi nói với tôi những điều như thế. Buổi sáng hôm ấy trời đẹp tuyệt vời. Mùa đông thường có những ngày nắng ấm tương tự thế này: mặt trời hào phóng trải trên mặt đất tất cả hào quang rực rỡ của mình. Trời xanh ngăn ngắt, một làn gió thổi làm những hạt cát trên thuyền thành lốc nhỏ. ở bên kia sông có tiếng ai hát một bài rất lạ, tiếng hát thật buồn:

” Chảy đi sông ơi

Băn khoăn làm gì?

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi?…”

Tiếng hát lơ lửng bay trên mặt sông. Hơi nước ở trên mặt sông bốc lên ngùn ngụt. Lòng tôi trào dâng cảm giác dễ chịu lạ lùng, như vừa tắm xong, như vừa gột rửa được điều u ám.

Thế là từ đấy tôi quen chị Thắm. Chị Thắm nhà trong bến Cốc. Nhà chị nghèo lắm. Suốt ngày ở trên con đò ngang, một tấm khăn vuông đen trùm kín mặt.

Có lần tôi hỏi chị Thắm về chuyện trâu đen. Chị bảo:

– Trâu đen có thực! Nó ở dưới nước. Khi nó lên bờ là nó mang cho người ta sức mạnh… Nhưng nhìn thấy nó, được nó ban điều kỳ diệu phải là người tốt.

Tôi tin lời chị. Lòng tôi vẫn hằng ấp ủ trông thấy điều kỳ diệu ấy.

Con người ta tối tăm lắm… Chị nói với tôi khi hai chị em ngồi trên mũi đò chờ khách sang sông. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường.

Tôi nghe chị nói, mắt ngó như nhìn bông gạo thỉnh thoảng lại khẽ khàng buông những cành đỏ thắm trên bãi cát ướt.

Tôi thiu thiu ngủ, văng vẳng lời chị đang kể thủ thỉ sự tích các thánh trên nước Thiên đàng:

– Ngày xửa ngày xưa ở xứ Jerusalem có một con người….

***

Mùa hè năm ấy nhà tôi chuyển về thành phố. Thế là tôi xa bến Cốc, xa chị Thắm. Khi tôi ra đi, chị Thắm gọi tôi xuống đò cho ăn cháo cá.. Tôi cũng không ngờ đó là bát cháo cá mòi cuối cùng tôi ăn trong thời trai trẻ. Một cuộc sống mới mở oà trước mặt tôi. Thành phố cũng bán cá mòi nhưng là thứ cá đã được ướp khô, rút ruột.

Tôi cũng chẳng biết tôi hoà cùng với nhịp sống thành phố từ khi nào nữa. Tôi lớn dần lên, hăm hở đuổi theo bao điều phù du. Kỷ niệm về mùa cá mòi và chuyện trâu đen trong thời thơ ấu của tôi phai nhạt dần đi.

Năm ngoái, bỗng nhiên tôi có dịp trở về bến Cốc. Bây giờ tôi đã trưởng thành. Tôi làm công chức ở Sở, lấy vợ, đẻ một đàn con đông đúc. Cuộc sống trưởng giả no đủ bao bọc lấy tôi. Có lẽ tôi cũng chẳng có gì phàn nàn cuộc sống. Ước mơ tuổi trẻ nhường chỗ cho bao nhu cầu thiết thực.

Bến Cốc vẫn hệt như xưa. Cá mòi phơi trắng trên bờ. Bến đò rất ít những người qua lại. Cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn. Tôi bước xuống đò mà lòng bồi hồi khôn tả.

Trên đò, một bà cụ già đang ngồi tư lự. Tôi bước lại gần khẽ hỏi:

– Cụ ơi, chị Thắm lái đò còn ở đây không?

– Thắm ư?- Bà cụ thoáng nỗi ngạc nhiên. Tôi đứng lặng người khi nhận ra con đò cũ. Kỷ niệm ấu thơ bồng vụt hiện về.

– Ông quen nhà Thắm ư ông? – Bà cụ hỏi tôi, giọng nói nghẹn ngào

– Bao nhiêu năm nay chẳng hề có ai hỏi thăm nhà Thắm… Nhà Thắm chết đuối hai chục năm rồi!

Tôi oà lên khóc nức nở. Xung quanh sông nước nhoà đi. Bà cụ lái đò vẫn đang rầu rầu kể lể:

– Khốn nạn! nhà Thắm cứu được không biết bao người ở khúc sông này… Thế mà cuối cùng nó lại chết đuối mà không ai cứu…

Bên sông lại vẳng tiếng hát thuở nào tê tái:

“Chảy đi sông ơi

Băn khoăn làm gì?

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi?….”

Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?

Bên sông có tiếng gọi đến là ráo riết:

– Đò ơi….ơi đò! Đò ơi! Ơi đò!

NGUYỄN HUY THIỆP

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm