TIN TỨC

Hoàng Lan - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
797 lượt xem

 

Không nói chuyện không thể biết chị là người Việt. Mỗi sáng, tôi mở cửa mang rác ra vệ đường, nơi có thùng rác công cộng đều gặp chị. Là hàng xóm, nhà chị sát vách nhà con gái chúng tôi, nên tôi thấy chị cũng thường xuyên đổ rác. Mấy hôm đầu gặp nhau chỉ gật đầu nhoẻn miệng cười. Sau, tôi mạnh dạn nói vài câu tiếng Anh giao tiếp. Chị đáp lại bằng tiếng Việt. Một âm điệu Nam Bộ mà tôi cứ ngỡ mình đã gặp ở đâu.  

Nhà văn Trần Thế Tuyển

 

-  Chị là người Việt Nam hả? Thế mà bấy lâu tôi không biết.  

Bằng giọng phụ nữ nhỏ nhẹ, chị đáp: 

- Ngược lại, tôi biết rõ về anh. Anh sang chơi với gia đình con gái lần nào tôi cũng biết. Đặc biệt, tôi còn biết anh là nhà báo. Có một thời làm phóng viên chiến trường. 

Tôi ngạc nhiên hỏi: 

- Sao chị biết rõ tung tích tôi thế? Từ từ rồi anh sẽ biết mà.

 

Tháng 7 là tháng mùa đông nước Úc. Thời tiết hằng ngày bình quân dưới 10oC. Hôm nay bầu trời thấp, không có nắng, gió nhiều, lạnh đến thấu xương. Một cơn gió lạnh ùa tới, tôi chào chị chạy vội vào nhà.

 

Tối hôm ấy, cơm nước xong, tôi hỏi chuyện con gái về người hàng xóm này. Lúc đầu con cũng không nhận ra cô ấy là người Việt. Cô ấy ở một mình, ít giao tiếp nên không nhận ra. Nhưng, đợt trước bố sang có mang theo tờ báo Xuân Sài Gòn Giải phóng. Đi làm về, bước xuống xe con mở tờ báo ra coi thì cô ấy cũng vừa đi đâu về.  

Cô ấy nói tiếng Việt: 

- Sao cháu có báo Sài Gòn Giải phóng? 

- Xem xong có thể cho cô mượn được không? 

Và, tất nhiên con nhường cho cô ấy. Bố cháu mới mang sang. Cô xem trước nhé? Cô ấy nhận tờ báo từ tay con. Rõ ràng nét mặt cô ấy thật vui.

Vẫn giọng con gái tôi:

- Hôm sau cô ấy bấm chuông gửi lại tờ báo. 

Giọng cô thật vui:

-  Báo Xuân hay quá. Có bài viết về đơn vị cô thời chiến tranh đó. 

Con gái tôi lật tờ báo: 

- Bài nào, bài nào hả cô?

Cô hàng xóm tay run run lật từng trang báo. Đến bài “Cuộc hội ngộ mùa xuân” thì dừng lại. Bài này, cháu à. Cháu có biết tác giả Trần Nguyên  hiện giờ ở đâu không? Đến lượt con gái tôi ngạc nhiên. Trần Nguyên  là bút danh của bố cháu và cũng chính là tên cháu đó. Khi nào bố cháu sang đây, mời cô qua nhà cháu chơi nhé? 

Nghe con gái kể vậy, tôi lấy tờ báo xuân đã cũ đọc lại bài báo mà tôi đã viết cách đây vài năm. Chưa bao giờ đọc lại bài viết của mình mà tôi chăm chú từng chi tiết đến thế.

- Có phải là Lan C4 đó không? Người ta nói với tôi em đã dại dột vượt biên theo người yêu và bỏ xác giữa đại dương rồi kia mà? 

 

Chuyện như thế này. Cuối năm 1979, khi ấy cuộc chiến đấu trên biên giới Tây Nam đang diễn ra khốc liệt. Bọn tàn quân Pôn Pốt còn có cả trung đoàn, sư đoàn tiếp tục quấy nhiễu tàn sát đồng bào ta khu vực biên giới. Là phóng viên chiến trường, tôi theo các đơn vị của sư đoàn 5 phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong chiến đấu dọc biên giới từ Lộc Ninh đến khu mỏ vẹt giáp tỉnh Long An. Một lần, chúng tôi bị địch tập kích bất ngờ trên quốc lộ 13 cách cửa khẩu Hoa Lư không xa. Đang lúc lâm trận, người bị thương, có cả người hy sinh thì từ đâu có một đội thanh niên xung phong tới ứng cứu. Phần lớn là nữ. Họ còn rất trẻ chừng trên dưới 20 tuổi. Tôi bị sức ép trái bom hất tung rồi ném sang vệ đường. Tôi không hay biết gì. Khi tỉnh lại tôi thấy mình nằm trong vòng tay ấm áp của người con gái. Mê mệt thế tôi vẫn nhận ra hơi thở thật ấm và thơm một loài hoa rừng. Vài sợi tóc con gái vương trên mặt tôi. Cô gái reo lên khi tôi tỉnh lại. Đoạn cô cùng đồng đội pha sữa cho tôi uống. Trận địa tang hoang, nhiều người bị thương cần cấp cứu. Cô gái đặt tôi nằm trên vệ cỏ. Anh nằm nghỉ chút nhé. Em phải đi cấp cứu các anh khác. Tôi không muốn rời vòng tay và hơi thở ấm áp, mang mùi hoa rừng của cô gái. Nhưng cô gái đã đứng dậy, khoác lại balo và túi cứu thương. 

- Em, đồng chí tên là gì nhỉ? 

Cô gái biến vào khói bom, nói vọng lại: 

- Em là Lan - Nguyễn Hoàng Lan C4 Tổng đội 2...

 

Suốt chiến dịch ấy, tôi theo bộ đội hành quân truy kích địch trong rừng sâu. Bận thì thôi, rảnh nhắm mắt lại tôi đã thấy gương mặt bầu bĩnh, những sợi lông tơ trên má cô gái. Và đặc biệt hơi thở mang hương rừng cứ phảng phất đâu đây...

 

Hết đợt công tác tôi trở về thành phố dự Liên hoan mừng công do Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với Tổng đội thanh niên xung phong Thành phố tổ chức. Tôi hy vọng sẽ gặp Lan hoặc ít nhất đồng đội của cô để hỏi thăm vị ân nhân của mình. Nhưng hoàn toàn không có tin tức gì. Một chỉ huy Tổng đội 2 nói với tôi, có nghe về Nguyễn Hoàng Lan C4 nhưng chiến dịch diễn biến quá nhanh, không biết giờ này cô ấy ở đâu. 

Ít ngày sau, tôi được phân công trở lại mặt trận đường 13. Tôi hy vọng sẽ gặp lại Lan. Song, vẫn biệt vô âm tín. Cho đến một ngày, bất ngờ, trên tuyến đê cắm chông biên giới, tôi gặp đại đội trưởng đại đội 4 Tổng đội 2. Cô gái đại đội trưởng còn rất trẻ báo tin, Lan  phục vụ chiến đấu rất dũng cảm. Nhưng vừa bị thương phải chuyển về tuyến sau. Tôi thầm nghĩ, vậy là mình có cơ hội gặp Lan rồi. Sau đợt công tác này, về thành phố, tôi sẽ đến bệnh viện thanh niên xung phong. Chắc chắn Lan còn điều trị ở đó.

 

Kết thúc chiến dịch, về lại Thành phố, việc đầu tiên tôi đi tìm Lan. Bệnh viện thanh niên xung phong nằm ở ngoại ô Thành phố. Phần lớn bệnh nhân gửi trong nhà dân hoặc mắc võng nghỉ dưới tán cây ngoài vườn. Bác sĩ bệnh viện trưởng cũng là nữ, có khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu như Hoàng Lan. Anh đến muộn rồi. Cô Hoàng Lan mới xuất viện ngày hôm qua.                                                                                                      

- Bác sĩ có biết Hoàng Lan hiện giờ ở đâu không? Tôi không biết. 

Giấy ra viện chỉ ghi là về đơn vị cũ tiếp tục công tác.Thế là cuộc truy tìm ân nhân của tôi bất thành. Sau khi đuổi địch ra khỏi biên giới, bộ đội tình nguyện của ta vào sâu đất nước Campuchia giúp bạn xây dựng chính quyền và truy quét tàn quân. Các đơn vị thanh niên xung phongvẫn bám sát bộ đội cùng chiến đấu. Mùa hè năm 1980, từ sân bay Tân Sơn Nhất tôi “bám càng” máy bay vận tải quân sự lên nhận thương binh ở Xiêm Riệp. Vào đúng dịp đó có hội nghị thi đua mừng công của Mặt trận. Tôi chưa nguôi ước nguyện gặp lại Hoàng Lan. Thật trớ trêu, có tin về Hoàng Lan. Nhưng không phải tin vui mà là tin buồn. Cô gái đại đội trưởng C4 nay đã là Tổng đội phó buồn bã nói với tôi. Thật bất ngờ anh ạ. Chúng tôi không nghĩ đến tình huống ấy. Sau khi ra viện, người yêu của Hoàng Lan đã rủ cô ấy vượt biên. Và, nghe nói họ bị đắm tàu bỏ mạng giữa đại dương rồi. Tôi choáng váng. Cảm giác như đất dưới chân mình lún sụp. Hoàng Lan ơi, sao em không hy sinh ở mặt trận như nhiều đồng đội mà lại chết thảm thương, vô  nghĩa thế... Từ đó, đối với tôi, kỷ niệm về cô gái thanh niên xung phong “ân nhân” của mình chỉ còn trong ký ức. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi đã viết bài báo kể lại sự kiện trên.

 

Trở lại thực tại, nghe con gái nói thế, tôi tìm cách tiếp cận người hàng xóm bí ẩn này. Một chiều, dù trời lạnh dưới 5oC tôi vẫn trùm kín người đứng đợi ở cửa người hàng xóm. Mãi lâu, chiếc xe hơi bốn chỗ màu đen dừng trước cửa. Người đàn bà hàng xóm nhận ra tôi. 

- Mời anh vào nhà uống nước ạ. 

- Không làm phiền chị chứ. 

- Dạ không có gì ạ. Mời anh vào nhà. 

Cánh cửa mở, tôi bước vào nhà. Trái với cái lạnh buốt xương bên ngoài, dưới ánh điện màu vàng, phòng khách ấm đến lạ. Một mùi nước hoa thoang thoảng. Bất giác tôi nghĩ đến hương rừng một thuở. Sau khi mời tôi ngồi xuống ghế sofa, chủ nhà vào phòng trong. Lúc sau xuất hiện trước mặt tôi một phụ nữ có dáng người thon gọn. Đặc biệt khuôn mặt phúc hậu và ánh mắt như thể tôi đã gặp ở đâu.                                                  

- Chắc anh Nguyên không nhận ra tôi phải không?

- Trái đất tròn, điều gì cũng có thể xảy ra và chúng ta lại gặp nhau. 

Chị là...Tôi chưa kịp hỏi hết câu thì người phụ nữ chủ nhà nói: 

- Em, em là Hoàng Lan C4 đây.

- Anh không nhận ra em thiệt sao? 

Bây giờ thì đến lượt tôi choáng váng. Tôi thấy đất dưới chân mình lún sụp như cách đây mấy chục năm tôi nghe tin Lan vượt biên và bỏ mạng giữa đại dương. Giọng tôi ấp úng: Tôi có nghe Lan và người yêu bị nạn giữa biển... Đúng thế anh ạ. Nhưng trời thương em cùng với con gái em lúc ấy còn trong bụng mẹ... Tôi cắt ngang: Còn anh ấy... Anh ấy đã bị sóng cuốn đi ngay đêm ấy rồi anh ạ. Chuyện dài lắm. Thư thả em sẽ kể cho anh nghe. Lan đổi cách xưng hô và tôi đã nhận ra cô gái thanh niên xung phong “ân nhân” của mình năm nào. Hoàng Lan mời tôi ly nước ấm rồi lấy trong túi xách mảnh giấy báo đã úa vàng. Anh nhận ra tác giả bài báo này chứ? Đó là bài viết của tôi sau lần gặp Lan tại mặt trận đường 13 năm nào. Bài báo đã in trên báo Quân khu. Em đã cắt bài báo này mang theo... lặng im. Cả hai cùng xúc động khi nghĩ về kỷ niệm xưa. Một lúc lâu phá vỡ sự im lặng, tôi lên tiếng: 

- Vậy con gái của Lan giờ ra sao? 

- Cháu có gia đình rồi anh ạ. Đang làm cho một ngân hàng ở Thành phố này...

 

Câu chuyện chưa đến hồi kết, điện thoại reo. Con gái mời bố về dùng cơm chiều. Hoàng Lan tiễn tôi ra cửa. Không còn bỡ ngỡ, cách xa như mới gặp, Lan nắm tay tôi thật lâu. Một cơn gió lạnh ào tới. Tôi nhận ra hơi thở ấm mang hương rừng ngày nào. Đúng như Lan nói, trái đất tròn, mọi sự đều có thể xảy ra./.

 

Sydney, tháng 7-2023

 

 T.T.T

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm