- Bút ký - Tạp văn
- Chuyện sớm mai của “đám già hiu hắt”
Chuyện sớm mai của “đám già hiu hắt”
Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mình không sao nhớ nổi những cảm giác, những kỷ niệm về ngày xưa rét mướt xa ngái đó ra sao? Bởi tôi đã về phương Nam trốn lạnh gần 30 năm nay…
Đất phương Nam nắng sáng chang chang. Buổi sớm, buổi trưa, buổi chiều phân minh rành rõ. Máy lạnh, quạt gió làm việc không kịp thở. Chăn ấm, áo len, tất vớ đã trở thành kẻ vô dụng. Tết nhất lo đồ uống nhiều hơn thức ăn. Qua sông ngồi đò nhúng chiếc khăn xuống nước ấp lên mặt lúc nào cũng vẫn mát. Ấy vậy mà người phương Bắc định cư nơi phương Nam vẫn coi đó là những thiệt thòi, mất mát. Để vài tháng, đôi ba năm phải tìm cách trở lại nơi chôn nhau cắt rốn đúng vào ngày đông giá rét.
Mà tiếc nuối, lưu luyến làm gì… Từ tuổi bẩy mươi trở đi, là đã thực sự bước qua nửa bên kia dốc, là đã bước vào mùa đông của cuộc đời!
Về già thường thích quần tụ, xum vầy giữa cháu con trong thư thả, nhà nhã, ít tiếng ồn. Quanh một mâm cơm ngày giỗ, tết; quanh một ấm trà cũng được. Với những câu chuyện trao qua đổi lại không chạm tới những thiếu thốn, gian nan một thuở; càng không nên lướt đụng tới những vết thương chung của gia đình.
Về già thường thích năm thỉnh bảy thoảng đọc lại một cuốn truyện cũ đã đọc lần đầu cách nay ba, bốn mươi năm. Không mong tìm lại giữa trang sách một chiếc lá ép, một tấm ảnh bị bỏ quên. Chỉ mong, với trang sách này, với chương hồi kia bỗng hiển hiện lại những hình ảnh rất bất ngờ. Đó là những chiếc tủ kính đầy sách ở hiệu sách Nhân dân ngã tư Tràng Tiền, Ngô Quyền. Đó là cuốn truyện Cây Tường Vi của hai dịch giả Dương Tường, Nhị Ca mà cô bạn gái học cùng lớp mua tặng, trên trang trong tờ bìa ghi vắn gọn “… Tặng X, nhân ngày đồng chí được kết nạp Đoàn…”
Về già, lúc trời sắp đổ sáng thường giật mình thức dậy, mồ hôi tóa ra vì những giấc mơ dữ. Mơ, ví như một cuộc họp chi bộ, toàn những gương mặt gần gụi, thân quen, sao ai ai cũng giơ tay phát biểu, cũng phân tích cặn kẽ, gay gắt phê phán vì sao đồng chí là người viết của binh chủng pháo binh mặt đất, mà trong truyện của đồng chí còn có cả nhân vật là các cô dân quân, các anh lính công binh? Mơ, ví như một ánh chớp đạn pháo vừa nháng lên trước mặt, mình “bấp” rồi; mẹ biết tin mình chết chắc sẽ khóc mất mấy ngày đây? Ồ, nhưng không sao, mọi người đều nói, còn nghe thấy tiếng nổ là chưa chết đâu…
Về già, phải tới phòng khám bệnh viện, thích nhất vẫn là được gặp những cô ý tá, bác sỹ có gương mặt đẹp, như các hoa hậu, người mẫu… Vì sao? Không biết!
Bạn hỏi, về già, nghĩa là khi đã bước vào mùa động của cuộc đời, sợ điều gì ư?
Sợ cháu con, thiên hạ bỏ quên mình. Con cái bây giờ bận đua chen làm giàu, sống hiện đại. Ngồi vào bữa cơm vẫn còn cãi nhau về lỗ lãi, về thủ đoạn của thằng nọ, con kia. Lũ cháu thì cắm mặt vào Ipad, chào ông chào bà hai lượt mỗi ngày thế là đủ. Bạn hữu, đồng nghiệp đều là dân “hiu hắt” cả. Đô thị hóa đẩy hết mọi người tít tắp xa nhau. Mắt đã hoa, tay đã run, không thể phóng xe ào đến thăm nhau, như hơn chục năm về trước được. Còn bấm gọi taxi, xe ôm Grab ư, đường xa, với đồng lương hưu cũng không thoải mái đi, về được.
Về già, sợ nhất là phải nghe, phải nhìn thấy những chuyện đau lòng. Ấy vậy mà ngày nào trên trang báo mạng, trên tivi cũng đưa tin những vụ con cái nhà nghèo, mới 5,6 tuổi đã mắc ung thư máu; sớm mai vợ chồng chở nhau đi làm cả hai lọt thỏm vào gầm xe công-te-nơ; thanh niên đi kiếm tiền ở Nhật, ở Hàn mới gom tiền gửi về giúp bố mẹ cất được một tầng lầu, nay đã chết vì nổ bình ga, chết vì ngã từ dàn giáo cao xuống… Nghe, thấy những chuyện như vậy, nước mắt nước mũi tự nhiên cứ tứa ra. Không muốn con cháu nhìn thấy, vội lấy khăn lau lén y như đang làm điều gian trá.
Chợt nhớ, đọc ở đâu đó thấy kể, khi ông văn hào Gorki khi còn trẻ hay chế diễu cụ văn hào Tolstoi vì cái tội cứ nghe thấy chuyện bất công, hà hiếp là dầm dề nước mắt. Đến lượt ông văn hào Gorki già đi, thì mấy anh nhà văn Nga trẻ hơn cũng xúm vào chê ông lão Gorki rất dễ mủi lòng, mau rơi nước mắt bởi những truân chuyên, khổ đau con người mãi mãi hứng chịu…
Họ nhân hậu, biết đồng cảm, thương người thế mới thành các nhà văn vĩ đại, các cháu ơi! Bọn trẻ cười hơ hơ: – Coi chừng hai cụ ấy bị viêm tuyến lệ đấy, ông ạ!
Về già, sợ nhất là gặp lại người tình thuở ban đầu. Mình đã trở thành củi gộc, củi cành; nom cô ấy bây giờ có khác gì mụ phù thủy cưỡi chổi. Tốt nhất là chỉ gặp nhau qua di động thôi. Giọng nói không thay đổi, giọng nói vẫn là em, như ba mươi, bốn mươi năm trước!
Còn mỗi nơi tụ tập, mỗi niềm an ủi là góc phố đi bộ vào buổi sáng của đám “hiu hắt” này thôi. 5 giờ hội quân. Một, hai, ba… bước đi thủng thẳng, không việc gì mà vội vã cả. Giữ nhịp thở cho đều. Không nghĩ ngợi gì cả! Bằng cách này cánh ta “tự cứu lấy mình” như đồng chí Nguyễn Văn Linh kêu gọi trước Đại Hội VI trước đây.
Tranh minh họa.
– Mà các cụ ơi, sao trên tivi hồi này lắm trò nhăng nhố thế không biết? Chúng nó khua chân, múa tay, pha trò nhảm trên màn ảnh coi chúng ta ngồi xem như đồng vai, phải lứa của chúng…
– Thì tivi nhà nước bây giờ cũng bán cho tư nhân cả rồi. Mà đã là tư nhân thì họ đặt lời lãi lên hàng đầu. Sao có thế trong sạch, lành mạnh như cụ muốn được?
– Cả nước, nghe đâu có tới bảy chục, tám chục đài. Đài nào cũng phát sóng 24/24 mỗi ngày. Không nhăng nhít, nhảm nhí lấy gì lấp sóng? Tôi nghiệm ra đạo đức xã hội xuống cấp, tội ác hoành hành chính là do bọn đài đóm này loang truyền cả.
Có giọng ai e hèm:
– Đã quy định rồi! Không động chạm tới thời cuộc, chính trị, chính em…
– Trời, sao nhiều kẻ tham ô, tham nhũng thế không biết? Cứ như mối rừng ùn lên sau một đêm. Vắt rừng sinh sôi sau trận mưa đầu mùa. Nhiều quan tham đến độ bây giờ nhìn thấy ông quan X, quan Y phát biểu điều này lẽ nọ trên tivi, tự nhiên cứ sinh nghi. Liệu có an lành được dăm bữa, nửa tháng không? Hay tối mai đêm mốt sẽ lại thấy tay đeo vòng trang sức số 8, hiển diện trước tòa?
– Các cụ này, những 4D, 5D bây giờ thực thi được những biến hóa tài tình mà vài năm trước không thể hình dung nổi. Tôi về tận Xóm Mũi Cà Mau thăm thằng chiến hữu thời đạn bom. Bỗng thấy thấy đứa cháu ông ta bấm máy di động để nghe để nhìn thấy được cả mấy đứa bạn nó đang sống tận xứ Cali Caleo nước Mỹ. Tôi cứ ước ao, ai đó nghĩ ra thứ mắt kính gì đó lắp vào đầu máy quay, máy phát bên VTV: Hễ cứ vị quan nào được phỏng vấn mà lòng dạ thật sự thương dân thương nước, không tham ô tham nhũng thì hiện lên màn hình mặt đỏ hồng hào, tươi tỉnh như mặt người sống. Còn cha nào miệng khuếch khoác, ba hoa lo cho dân, toan tính vì dân mà đang đánh quả tiền triệu đô bằng những dự án này khác, bằng cướp đất ruộng đất vườn của dân thì lên màn hình tivi, mặt bỗng bệch bạc, xanh mét y hệt cái xác chết… Liệu có sáng chế ra được thứ mắt kính đó không các cụ nhỉ?
Giọng cụ e hèm lúc nãy giờ nói như quát:
– Đã nhất trí biểu quyến rồi… Đầu óc thảnh thơi, nhàn nhã thì tì vị mới bớt làm việc, con tâm mới sáng, mới mong duy trì, bảo dưỡng được sức khỏe, sống thêm vài năm chứ?
– Ừ thì thôi vậy!
– Tốt nhất, ở nhà từ giờ trở đi không ngó mắt vào phây phiếc, không xem tivi nữa!
– Đúng vậy! Ăn xong, sỉa răng, uống nước xong là xoa chân lên giường nằm, thả trôi đầu óc về những ngày nồng ấm xa xưa…
… Nhớ mãi ngày xưa, khi làng xóm quê hương còn chưa đô thị hóa, nhà nọ cách nhà kia một con ngõ, một khúc đường, một hàng bờ dậu cúc tần, ô rô. Mùa đông, ngày ngắn đêm dài. Các cụ thức sớm, lẹt quẹt đôi quốc gỗ, đôi dép lê, thúng thắng ho, tìm sang nhà nhau. Tiết trời không lạnh giá lắm thì trải tấm chiếu ra vỉa hè. Lạnh quá thì kéo vào trong bếp. Một ấm trà mạn, một ấm chè xanh, hay một ấm nước vối vừa bắc từ trong bếp ra. Thêm chiếc điếu bát, điếu cày có cái nõ khoét khéo, kêu ròn y như tiếng ma cười ngoài gốc muỗm đầu làng. Và cứ thế những chuyện thời tiết, đồng áng, tật bệnh, chuyện làng, chuyện xóm được các cụ xôm xả, hỉ hả tranh nhau nói, tranh nhau kể…
Cũng là lạ mà thắc thỏm điều này: Thuở ấy người già biết lượng sức mình, ít để tâm đến việc quốc sự, việc chung, chỉ quẩn quanh chuyện nhà, chuyện sau bờ tre, con đê làng… Ấy thế mà sao tuổi thọ của các cụ ngắn hơn của chúng ta bây giờ nhỉ?
Thử hỏi, vậy ai sướng, ai khổ hơn đây?
Nguồn: Văn Nghệ số 13/2022