TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu trong Đẹp, buồn và sâu thẳm...

Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu trong Đẹp, buồn và sâu thẳm...

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-18 05:34:05
mail facebook google pos stwis
1736 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA 
(Nhân đọc tập Tạp văn Đẹp, buồn và sâu thẳm... của Bích Ngân, Nxb Tổng hợp TPHCM, 2022)

Đẹp, buồn và sâu thẳm... là tập tạp văn gồm 48 bài được nhà văn Bích Ngân viết tản mạn trên facebook cá nhân và tập hợp lại in thành sách. Cứ tưởng những điều tản mạn viết cho thỏa bao cảm xúc vụn vặt của cá nhân nhà văn; nhưng không, đọc chậm, nghiềm ngẫm sẽ nhận ra rất nhiều điều thú vị mà Bích Ngân muốn ký gửi vào đó.

Đọc hết tập sách, người đọc hình dung ra một Bích Ngân với dằng dặc bao nỗi suy tư về đời, về người và cả về nghiệp cầm bút. Ở đó là những tâm tư bất tận với nhiều trạng huống, cung bậc: vui, buồn, tin yêu, thất vọng, hạnh phúc, khổ đau, hoài nghi, thảng thốt...

Dù phản ánh về điều gì, viết về đối tượng nào, đôi lúc chỉ là những lời tự thoại, tự thú với chính bản thân nhà văn Bích Ngân; nhưng tất cả vẫn mang những rung động rất đỗi chân thành, nhân văn, nhân ái và có chiều sâu của triết lý. “Thứ đàn bà mất nhiều thời gian tâm sức là giữ cho mình được cái dung nhan, dáng dấp ưa nhìn. Và để được cái nhan sắc dễ nhìn đó, việc “trang điểm” cho gương mặt, vóc dáng cũng lắm công phu... Gọt, gọt, càng thấy rõ hơn đời người, kiếp người. Mà đời người kiếp người cũng sẽ ngắn hơn, càng ngắn hơn khi dùng lời, dùng tâm địa sắc hơn lưỡi dao gọt bút chì để... gọt người khác (Gọt).

Với những biến khúc đa chiều của cái tôi nhiều suy tư, trăn trở, khát khao, chiêm nghiệm, Bích Ngân đã trải lòng mình trước cuộc sống để nhận thức về sự mong manh, ngắn ngủi của đời người. Để rồi, đôi lúc chị bàng hoàng, hụt hẫng nhận ra sự thật chua chát: khát vọng cứ vô biên mà lòng người thì chật hẹp! Bởi cuộc sống là dòng xoáy khôn lường và lòng người cũng lắm quanh co, phức tạp; nhiều ẩn khuất khó nỗi tỏ tường.

Điều đáng chú ý ở Đẹp, buồn và sâu thẳm... là cách viết và sự ý thức trong việc chuyển tải những tâm tư của chính nhà văn Bích Ngân trước những gì chị nghe, chị thấy, chị chiêm cảm... Sự đa dạng trong nội dung phản ánh, phong phú trong hình thức diễn đạt, tự nhiên ở cách dẫn dắt vấn đề đã cho thấy một Bích Ngân giàu vốn sống, vốn văn hóa và có mỹ cảm tinh tế. Bởi có những câu chuyện về những điều bình thường nhỏ nhặt, cảm giác như là không có chuyện nhưng dưới cái nhìn của Bích Ngân thì đó lại là vấn đề cần lưu tâm với nhiều nỗi trắc ẩn. Người như Bích Ngân, bề ngoài cứ tưởng mạnh mẽ và cứng cỏi ấy nhưng kỳ thực lại là người dễ rung động trước những điều xảy ra trong đời sống. Một chiếc lá rơi, một cơn gió thoảng, ánh nắng trước khoảnh sân nhà, một áng mây bay cuối trời, củ lang bị chuột ăn nham nhở, hay một khoảnh khắc bất chợt nào đó... cũng làm cho chị xao động tâm hồn và khiến cho chị nghĩ suy, liên tưởng, dự cảm về nhiều thứ. “Nắng cũng khiến mọi thứ được phơi bày. Loài sâu đục khoét làm trái khế lở lói dù mới chiều qua còn mọng nước tươi nõn. Sâu bọ ẩn nấp trong bóng tối nhưng nắng giúp tôi thấy rõ dấu vết kẻ phá hoại dù chúng có lẫn tránh trước bình minh. Nắng giúp nhiều thứ trở nên thanh sạch nếu ta biết tự vấn và lòng ta có nắng” (Khi lòng có nắng).

Đẹp, buồn và sâu thẳm... của nhà văn Bích Ngân đã thể hiện rõ một cái tôi ngoại cảm sang cái tôi nội cảm với những dằn vặt, suy tư, trăn trở về cuộc đời, về mình, về người... Ở đó, không chỉ là tâm sự riêng tư mà chị luôn hướng về mọi người để sẻ chia, đồng cảm.

Bằng những trải nghiệm của đời mình và cả thực tế cuộc sống đã giúp nhà văn Bích Ngân nhận ra những điều căn bản về lẽ sống, niềm tin, sự nghiệm suy, chiêm cảm... Để từ đó có cách hành xử đúng mực, sống chan hòa, yêu thương với chính đồng loại của mình theo đúng nghĩa là người, mang giá trị người. Ở bài Cái đẹp không cần đánh bóng, Bích Ngân lại khéo léo so sánh giữa con nhện và con tằm. Để từ đó liên tưởng đến con người trong hành trình sinh tồn, phát triển và cả sự cạnh tranh khốc liệt, dẫn đến hủy diệt lẫn nhau. “Cái mạng nhện siêu mỏng cứ lởn vởn nơi tâm trí. Lâu nay khi nói về lòng nhẫn nại, đức hy sinh, sự dâng hiến người ta hay dùng hình ảnh con tằm rút ruột nhả tơ. Tơ vàng óng ả còn là thành quả máu thịt của sáng tạo, còn làm nên câu thành ngữ, con tằm rút ruột nhả tơ.

Cũng cùng rút ruột nhưng con tằm thì nhả tơ làm nên lụa cho người, cho đời. Con nhện thì giăng bẫy để kiếm mồi, dù cái bẫy đẹp như một siêu phẩm.

Giữa con tằm và con nhện, dường như con người giống loài nhện hơn, bởi con tằm không mưu cầu gì khác ngoài sự hiến dâng. Con người siêu phẩm của thế giới tự nhiên lại quá khôn ngoan khi sáng tạo ra vô số thành quả khoa học, trong đó có những thành quả đã tạo nên sự sinh tồn phát triển và cả sự khốc liệt cạnh tranh và hủy diệt”.

Thấp thoáng, người đọc nhận ra nhà văn Bích Ngân có những nuối tiếc trước bước trở mình của thời gian, cả những đổi thay chóng vánh của thời buổi công nghệ số. Dự Hội nghị viết văn trẻ lần X, tại một phòng ở tầng 26 một khách sạn tọa lạc bên bờ biển Đà Nẵng. Từ cửa sổ căn phòng nhìn ra gợi lên trong chị bao suy ngẫm, bởi chị có cảm giác bê tông không chỉ đang lấn biển mà sức nặng của nó đang đè lên mặt biển xanh và dường như cũng đang đè lên trái tim của những tâm hồn khao khát vẻ đẹp hài hòa mà tạo hóa và con người có thể mang lại.

Cuộc sống thời hiện đại chứa đựng bao hiểm họa và cạm bẫy, Bích Ngân thấu rõ điều đó bởi chị đã sống, chứng kiến và nếm trải. Vì thế, Bích Ngân luôn có sự cảnh tỉnh cao độ. Chị sống với niềm tin, sự khát khao, hướng về những điều tốt đẹp ở phía trước. Nhà văn hiểu sâu sắc về những quy luật của tạo hóa, của vũ trụ; những ấm lạnh của cõi người... nên có cái nhìn biện chứng, thấu đáo.

Trong Đẹp, buồn và sâu thẳm... dù có những nỗi buồn bất chợt, không đáng có, những nỗi buồn “mặc định”, những bất thường của thế sự, nhân sinh... Tuy vậy, vẫn còn nhiều niềm vui, những điều tốt đẹp, thiện lương xung quanh mình.

Nhìn chung, dẫu còn nhiều trăn trở, buồn - vui nhưng chủ đạo và xuyên suốt trong Đẹp, buồn và sâu thẳm... là sự yêu thương trân trọng những khoảnh khắc của cuộc sống. Tất cả dường như được nhà văn Bích Ngân tìm cách “hóa giải”, hướng về những điều thiện lành, nhân văn, nhân ái nhất. Giọng văn trong trẻo, nhẹ nhàng, đầy sâu lắng bắt nguồn từ tình cảm chân thành, hồn hậu của nhà văn Bích Ngân.

Bích Ngân là người nặng lòng với chữ nghĩa, chị luôn quan tâm và dõi theo mọi hoạt động của đời sống văn hóa văn nghệ đang diễn ra quanh mình, thời đại mình đã và đang sống với nhiều nỗi suy tư, trăn trở. Là một người cầm bút chân chính, người trực tiếp lao động sáng tạo nghệ thuật, có thâm niên hoạt động, quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhà văn Bích Ngân đã thẳng thắn nêu ra quan điểm: “Chỉ có tài năng trong sáng tạo mới có thể đồng hành cùng thời gian. Công trình sáng tạo, tác phẩm sáng tạo còn là tài năng có sức mạnh chống loại sự bào mòn của thời gian và cả sự lãng quên bủa vây mọi ngả. Tài năng còn là phẩm hạnh mà sức bật có thể quật ngã cả thế lực hắc ám với tham vọng tăm tối nhằm dập vùi tất cả những gì tỏa sáng.

Tài năng ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng là quà tặng của thượng đế. Thượng đế lại ít khi hào phóng. Ngài cân đong đo đếm như lão hà tiện khi ban phát cho trần gian ánh sáng một vì sao. Người phàm thường lóa mắt trước những gì lấp lánh hay sự phản chiếu lung linh mà quên rằng nhiều thứ lấp loáng dễ làm chói mắt thường chỉ na ná với thứ ánh sáng được khuyến tán từ vô số tinh tú của dải ngân hà chớ chưa thể là ánh sáng của một vì sao.

Tài năng đã hiếm. Tài năng văn chương nói riêng và tài năng các loại hình nghệ thuật lại càng hiếm. Thế giới có nhiều trường đại học danh tiếng đào tạo những nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà ngoại giao, nhà chính trị nhưng khó có thể có một trường chuyên biệt nào có thể đào tạo được những văn nghệ sĩ tài năng nếu họ không có năng khiếu thiên bẩm, cả quá trình rèn luyện bằng nghị lực, ý chí và năng lực làm bạn trung thành với nỗi cô đơn.

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, tài năng văn chương, ngoài năng khiếu, ngoài ý chí, nghị lực và nỗi cô đơn, người cầm bút còn cần phải có “ra đa” của riêng mình” (Viết từ tầng 26).

Đây chính là những nhận định thật chính xác về tài năng, sự hiện hữu của tài năng theo đúng nghĩa của từ này. Sự “ngộ nhận” hay “tự nhận” là tài năng, tất cả đều tai hại và nguy hiểm; nhất là trong lĩnh vực văn chương, chữ nghĩa.

Dù ở cương vị nào, bao giờ, lúc nào và ở đâu Bích Ngân cũng luôn tự thức sâu sắc về nghiệp cầm bút của mình. Ở đó ngoài ý thức trách nhiệm còn là tình thương và sự chân thành với nhau, có như thế mới đáng sống, đáng quý. Có như thế cuộc đời này mới có ý nghĩa, dẫu ngoài kia với bao gian dối, lọc lừa, tiền bạc, hư danh... đang làm chao đảo mọi thang bậc, hệ giá trị sống. Ở Phẩm hạnh, chỉ là những câu chuyện tản mạn về chính chị, về những người bạn thân của chị, cách đối xử giữa người và người với nhau... Chỉ chừng ấy những việc làm, hành động và cung cách ứng xử với nhau; nhà văn Bích Ngân khẳng định: “Lòng nhân không khó để nhận diện. Và lòng nhân làm nên phẩm hạnh của Con người”.

Với kinh nghiệm và khả năng nhận diện quan sát từ thực tế, nhà văn Bích Ngân nghiệm ra: “Sự chân thành không đến từ bằng cấp, học vị học hàm. Sự chân thành cũng không đến từ địa vị hay đẳng cấp. Sự chân thành cũng không đến từ toan tính chỉ đặt lợi ích cá nhân lên cao hơn mọi thứ”.

Thế giới nghệ thuật được chuyển tải qua lời văn bằng chuỗi phát ngôn. Nhà văn Bích Ngân sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế, tạo thành hình tượng đa dạng, độc đáo. Ngôn ngữ đã được hiện thực hóa, mang phong cách sáng tạo và bút pháp riêng của chị. Bởi hơn ai hết, Bích Ngân đã tự thức một cách sâu sắc rằng: “Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn đã sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình. Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu”. Ở đó hiện lên một chân dung nhất quán của Bích Ngân: một nhà văn luôn đau đáu, nặng lòng với chữ nghĩa; một công dân sống hết mình bằng ý thức trách nhiệm, sự tự thức nghiêm túc với nghề, với đời và với người.

Nguồn: Văn nghệ số 20, ngày 20-5-2023.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bài thơ ANH QUÊN của nhà thơ Phạm Đình Phú
Bài của nhà thơ Nguyễn Đình Sinh
Xem thêm
Dưới gầm trời lưu lạc – Bản ngã nhà báo trong vỏ bọc nhà văn
“Dưới gầm trời lưu lạc” không chỉ là tựa đề một tập sách bút ký xuất sắc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, mà còn là một hành trình tinh thần đầy trăn trở giữa lằn ranh của báo chí và văn chương.
Xem thêm
Người thơ mang áo blouse
Bài của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Xuân Trường mưa mai trong nắng chiều
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
Xem thêm
Nụ hôn – biểu tượng của ký ức và lòng nhân hậu
Qua lăng kính bình thơ của hai nữ nhà thơ Minh Hạnh và Nguyễn Thị Phương Nam, người đọc có thể cảm nhận được những “nụ hôn” mang hình dáng đất nước
Xem thêm
Văn chương và những ngộ nhận đáng buồn
Tôi đã đọc một số bài thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ những năm trước, nó như có tính “dự báo”, “dọn đường” cho trường ca “Lò mổ” ra đời tạo được tiếng vang. Và thi ca với sứ mệnh thiêng liêng của nó, qua trường ca “Lò Mổ” cũng sẽ vượt qua biên giới của lý trí để tới với bạn bè năm châu bốn biển.
Xem thêm
Vai trò của chúa Trịnh với thương cảng Phố Hiến
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, địa danh Phố Hiến vừa thân thương vừa thân thuộc trong trí nhớ mọi người. Phố Hiến từng là một thương cảng lớn sầm uất và quan trọng bậc nhất của xứ Đàng ngoài (miền Bắc Việt Nam).
Xem thêm
Những nụ hôn chữa lành
Đọc tập thơ Ấm lòng những nụ hôn như thế của Phạm Đình Phú
Xem thêm
Trở lại cánh đồng thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Nhà thơ Y Phương ở miền non nước Cao Bằng đã từng tâm niệm: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ“. Quả thực, thơ ca thực sự là kết tinh, là ngọc đọng, là phiến Kỳ nam trong rừng trầm hương, là hạt minh châu trong biển hạt trai, là tinh hoa trong vườn phương thảo.
Xem thêm
“Những nụ hôn như thế” – từ ngọn lửa yêu thương đến ngọn nguồn hy sinh
Cảm nhận về bài thơ cùng tên trong tập thơ của Phạm Đình Phú – Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM
Xem thêm
Bước đầu tìm hiểu 50 năm thơ Bình Định (1975-2025)
Bình Định – vùng “Đất võ trời văn” – không chỉ nổi tiếng với truyền thống thượng võ, mà còn là mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều thế hệ thi sĩ tài hoa.
Xem thêm
Sự hồi quang ký ức trong “Bài thơ cánh võng”
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang
Xem thêm
Văn học Bình Dương – 50 năm một hành trình lặng lẽ và bền bỉ
Bài viết công phu của tác giả Nguyễn Quế không chỉ khắc họa hành trình văn học của vùng đất Thủ suốt 50 năm qua...
Xem thêm
5 sắc thái của một giọng thơ lạ trong “Ru say muợn tỉnh – Ru tình mượn nhau”
Bài viết của Lương Cẩm Quyên sẽ đưa bạn đọc khám phá một hồn thơ đầy bản lĩnh, dám giễu đời...
Xem thêm
Thời đương đại nghe lời thơ lục bát ru tình
Bài viết của Tiến sĩ Hà Thanh Vân
Xem thêm
“Nghiêng về phía nỗi đau” - Từ góc nhìn lý thuyết chấn thương
Nguồn: Tạp chí Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Mặc khải của nước, lửa &…
Bài của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
Xem thêm
Võ Chí Nhất kể chuyện trinh thám
Một ngày đẹp trời, Võ Chí Nhất gửi tặng tôi cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc. Những gì tôi biết về anh, đó là một Đại úy đang công tác trong ngành Công an tuổi đời khoảng ba mươi.
Xem thêm
Bảo Lộc - người thơ ở lại
Nguồn: Văn nghệ Công an
Xem thêm