TIN TỨC

Có một khúc tình ca dang dở...

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-19 10:34:15
mail facebook google pos stwis
2512 lượt xem

LÊ XUÂN LÂM

Cảm nhận về bài thơ DÒNG SÔNG MỘT BỜ của Nguyễn Khắc Thạch:

DÒNG SÔNG MỘT BỜ

 

Có một dòng sông mang tên em,

dòng sông anh tự đặt

xin mùa thu chiếc lá làm thuyền.

 

Có một dòng sông trôi vào lãng quên,

nước trong như nước mắt

điều chưa đến mà sao thấy mất?

 

Có một dòng sông chỉ có một bờ,

phía bờ kia quay mặt.

dòng sông anh không qua được bao giờ...

(Rút từ tập “Dòng sông một bờ”. Hội VHNT Bình Trị Thiên.,1989)

*

1. Tôi đọc “DÒNG SÔNG MỘT BỜ” bằng mờ tỏ mắt nhìn con chữ, bằng trầm chùng lời diễn ngôn, bằng tình cảm xao động bồi hồi của con tim, bằng thức nhận biệt phân của trí não... để rồi từ thẳm sâu lòng mình, dậy lên biết mấy xúc cảm xôi xa... Tôi như tan hòa vào dòng chảy thông điệp của bài thơ, để thấy lại chính tôi,thấy bạn, thấy anh, thấy em... thấy biết bao những kẻ đang yêu, từng yêu, có lúc là anh, có khi là em... thảy như đều hiện diện ở “Dòng sông một bờ” này!...Và rồi, cứ thế...“Dòng sông một bờ” trôi trong tiềm thức của tôi...  trong veo một khúc tình ca dang dở. Buồn... thật buồn... Có quảng gió thoảng, sóng dào cơn dỗi hờn vô cớ. Có đoạn sóng cồn lên tiếc nuối, bất trắc, xót xa. Có khúc nhấp nhô một phía cam chịu lở bồi...Nhưng tôi không thấy ở “Dòng sông một bờ” trạng huống sóng gió phụ bạc, đắng cay, hay phản trắc nào cả!...

Tại sao ư?

  1. Thì đấy, khởi đầu bài thơ là một khổ lẻ ba câu:

“Có một dòng sông mang tên em,

dòng sông anh tự đặt

xin mùa thu chiếc lá làm thuyền.”

Thấy chưa, “Có một dòng sông...”, chứ nào đâu phải dòng sông nào. Nào đâu phải dòng sông của anh, hay dòng sông của em. Đặc định “có một”, nhưng xác quyết“... mang tên em”, thành ra đó như là một phiếm chỉ về một dòng chảy tình yêu đôi lứa, chứ nào phải là Hà, hay là Giang. Nào phải đó là “... sông Mã gầm lên khúc độc hành” mà bảo của Quang Dũng*, hay “...sông Thương thật thương” mà nói là của Hoàng Nhuận Cầm**?!...

“Dòng sông anh tự đặt”, đâu có phải là một lời ghi nhận, để nói rằng câu chuyện sông kia khởi dòng từ anh, với biết bao tâm tình của anh dành cho emmỗi chiều hai đứa cùng ngồi bên nhau ngắm nhìn những cánh buồm xuôi bến?... “Dòng sông anh tự đặt” cũng có thể là những tự bạch, những hồitưởng tâm tư của em được lắm chứ? Rằng là em nhớ “cái buổi ban đầu xao xuyến ấy”, anh bảo dòng sông lấp lánh ánh chiều kia đẹp như tên em, như những xao động lúc nào cũng rộn lên trong trái tim anh...

Và, ta nhớ tình yêu chúng mình... Ta chẳng thể nào quên được đã bao lần ta cùng ước ao, cầm tay nhau bước đến ngôi nhà hạnh phúc lứa đôi. Ta từng “xin mùa thu chiếc lá làm thuyền” để đưa tình yêu ta đến bến bờ mong đợi. Ôi đẹp biết mấy là dòng sông tình yêu đôi lứa mình, với chiếc lá nhiệm màu của mùa thu năm ấy!...

1.2. Khổ thơ tiếp theo:

“Có một dòng sông trôi vào lãng quên,

nước trong như nước mắt

điều chưa đến mà sao thấy mất? ”

Lại vẫn ba dòng thơ lẻ, và cũng vẫn bắt đầu bằng đặc định “có một dòng sông...” như một phiếm chỉ... nhưng giờ thì dòng sông ấy đã “...trôi vào lãng quên” rồi! Đọng lại tâm tưởng giờ đây chỉ còn là một quá vãng buồn, là một dòng “nước trong như nước mắt” chảy miên man trongký ức xót xa, tiếc nuối... cái “điều chưa đến mà sao thấy mất” !...

Ai xót ai?...Ai tiếc ai?... Chả riêng ai cả!... Một cuộc tình đã không như mong đợi; đã chỉ như là một cuộc yêu đương khởi thủy,bất chung; như là một tình yêu đã không thành tựu... thế thôi! Không thấy ở đây nước mắt của anh, cũng không thấy nước mắt của em. Những câu thơ đọc lên chỉ thấy trôi ngược về trong veo một nỗi niềm buồn thương, nhung nhớ... Có xót xa, tiếc nuối, nhưng không cợn đọng trách cứ, bi thương...

... Và chiếc lá nữa,chiếc lá khát khao mộng vàng hai đứa giờ trôi nổi, chìm đắm nơi đâu?!...

1.3. Khổ kết bài thơ:

“Có một dòng sông chỉ có một bờ,

phía bờ kia quay mặt.

dòng sông anh không qua được bao giờ... ”

Vậy là đã rõ rồi! Lại cũng vẫn là đặc định “có một...”, nhưng lần này là “...dòng sông chỉ có một bờ”. Chính sự xác định này càng cho biết rõ ở trên kia không phải một mà đã có nhiều dòng sông từng đã chảy. Thì đó là đây,“...dòng sông mang tên em” nhé, “...dòng sông trôi vào lãng quên”nhé, và cả “...dòng sông chỉ có một bờ” đấy thôi !

Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi chứ nào đâu “...dòng sông chỉ có một bờ”, để giận hờn trách cứ “phía bờ kia quay mặt”. Thế mà có đấy! Mà vẫn “có một dòng sông chỉ có một bờ” kia đấy! Ấy là khi sông cạn nước ròng, mênh mông bên đó là bãi dâu, đồng lúa. Và rồi dòng sông cạn cờ ấy khát khao có được bên đó bờ yêu, để dòng chảy tuôn trào.  Nhưng mà không, “...sông chỉ có một bờ” thì có đâu dòng chảy. Và thế là “dòng sông anh không qua được bao giờ”, bởi có thành sông đâu mà qua, mà đến?!

“...Anh không qua được...”, hay em không qua được, thì cũng thế cả thôi, có chi khác lạ đâu!

2.Tôi đọc “DÒNG SÔNG MỘT BỜ” mà cảm phục thi pháp của bài thơ. Tuyệt vời là thủ thuật làm mờ nhòe ngữ nghĩa, để tạo ra tính đa diện mạo cho những góc nhìn.

2.1. Xuyên suốt bài thơ là những liệt kê “có một”... với ngữ nghĩa hiển ngôn trỏ chỉ một đó thôi. Ấy vậy mà lại nhiều chứ không phải chỉ một. Đó là “...dòng sông mang tên em”, là “...dòng sông trôi vào lãng quên”, là “...dòng sông chỉ có một bờ”... mà khi đọc lên, thì sẽ khiến thức dậy trong ta là gì, nếu không phải là liên tưởng đến một nữa, là dòng sông của riêng mình.

2.2. Câu thơ “dòng sông anh tự đặt”, trong ngữ cảnh kết cấu của khổ thơ, đã chỉ ra nghĩa hồi tưởng, đã được định trước từ lối mở bài, mở khổ, bởi phương thức liệt kê “có một” nói trên. Ở trong cái kết cấu ấy, chữ “anh” chỉ ra chữ “em” mà tôi có thể nhất loạt thay thế, hoán đổi trong bài thơ này. Bạn hãy thử mà xem, hãy thử thay thế rồi đọc lên để thấy không thể khẳng định giới của nhân vật trữ tình ở đó chỉ là anh, mà không thể là em, hay ngược lại.

2.3. Thành ra một khi “có một dòng sông mang tên anh”, “dòng sông em tự đặt”, “dòng sông em không qua được bao giờ ”, thì “dòng sông” trong thi phẩm “Dòng sông một bờ” kia, chính là Ẩn dụ về những cuộc tình đôi lứa, về một tình yêu lứa đôi. Dòng sông yêu đương ấy chẳng đã chảy suốt thi phẩm, kể cả khi nó chỉ có một bờ, là gì?! Ai bảo “phía bờ kia quay mặt” là một bội bạc, phản trắc; thì là chưa thấy, chính bởi đó là “...dòng sông chỉ có một bờ”; chưa thấy đó là một ảo ước, về một bờ giả tưởng. “Quay mặt” ở đây nghĩa là không có đối nhân; nghĩa là tự bản thân anh, hoặc em, đã tìm thấy nhưng không phải là người yêu mình.

3. Không chỉ là “dòng sông anh không qua được bao giờ”, bởi “chỉ có một bờ”, vì tình yêu đã không nảy nở; mà còn bởi có khi dòng chảy gặp phải những khúc rủi ro, những đoạn sóng to gió cả, khiến chiếc lá đắm chìm, vì còn mong manh quá... Bài thơ kết cấu ba khổ thơ, mỗi khổ lại chỉ ba dòng thơ, đâu phải vô tình lỗi phép, mà là một dụng công tuyệt kỹ, để chuyển đi cái thông điệp về sự thất bát, lẻ loi, đơn chiếc, như một vô thường của tình yêu. Và sau tất cả, trên tất cả, đó là tôi đã đọc được ở thi phẩm  “DÒNG SÔNG MỘT BỜ” của Nguyễn Khắc Thạch, một TỤNG CA TÌNH YÊU, ở khúc đoạn đẹp nhất, mà tôi gọi là KHÚC TÌNH CA DANG DỞ... ./.

* Từ bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng.

** Từ bài thơ “Sông Thương tóc dài” của Hoàng Nhuận Cầm.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm