- Văn chương thế giới
- Andrei Voznesensky - Kiến trúc sư của thơ Nga hiện đại
Andrei Voznesensky - Kiến trúc sư của thơ Nga hiện đại
Andrei Voznesensky là nhà thơ độc đáo và tài năng. Ông vốn là người có ý thức về thời đại, là người mang tham vọng về tính đa trị của hình tượng, là nhà thơ đầy chất trữ tình. Sự nghiệp sáng tạo của ông được đặc trưng bởi những sự kết hợp cô đọng và lối ẩn dụ, phóng đại với vốn tân ngữ phong phú. Ông không giống bất kỳ một nhà thơ nào khác. Voznesensky là người làm việc nhiều, nghiêm túc và đã xuất bản hơn mười tập thơ.
A.Voznesensky sinh ngày 12 tháng 5 năm 1933 tại Moskva trong một gia đình công chức khoa học. Năm 1957 tốt nghiệp đại học kiến trúc Moskva. Những bài thơ đầu tiên được đăng vào năm 1958. Năm 1960, hai tập thơ và trường ca của ông lần lượt được xuất bản: “Parabol” và “Bức khảm”. Tiếp theo sau đó là các tập “Vũ trụ” (1964), “Sự cám dỗ” (1979), “Bản năng” (1981), “Nước Nga, thơ ca” (1991), “Thơ - Trường ca - Văn xuôi” (2000), v.v…
Phương tiện ưa thích nhất của A.Voznesenski là lối ẩn dụ, phóng đại, còn thể loại chính là thơ tự sự trữ tình, ballad và kịch thơ. Andrei Voznesenski giành sự chú ý đặc biệt tới giới trí thức, “các nhà vật lý và các nhà thơ trữ tình”, những người lao động sáng tạo. Đóng góp quan trọng nhất của ông không phải ở các vấn đề tâm lý xã hội mà chính là các phương tiện và hình thức nghệ thuật thể hiện chúng.
Kết cấu các cuốn sách thơ ca và các tác phẩm riêng lẻ của A.Voznesensky thường được xây dựng trên các nguyên tắc cấu trúc học, trong đó, khi xây dựng những cuốn sách mới nhà thơ thường chia ra những chương đặc biệt gồm những gì được tuyển chọn từ các tác phẩm trước đó.
Là người cổ súy cho phong trào vì tiến bộ khoa học và kỹ thuật, A.Voznesensky từng là một trong những người đầu tiên cảm nhận được khát vọng mãnh liệt trong sự “yên tĩnh”. Nhà thơ cần sự yên tĩnh để giao hòa vào thiên nhiên, cần yên tĩnh cho tình yêu, để tập trung cho những suy tư về cuộc đời, để hiểu được những cảm xúc đa chiều trong con người. “Oza”, bản trường ca về tình yêu là một tác phẩm liên quan đến sự yên tĩnh dạng đó. Đề tài về phụ nữ tựu trung được thể hiện rất rõ nét trong thơ ca của A.Voznesensky, cụ thể có thể kể đến các tác phẩm “Đám cưới”, “Mùa thu”, “Bài ca Ofely”, v.v…Thiếu tình yêu giành cho phụ nữ và cảm xúc mãnh liệt trước thiên nhiên thì “con người sụp đổ”, và “tất cả các quá trình chỉ là vô dụng”.
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là một trong những đề tài quan trọng nhất trong thơ của Andrei Voznesensky. Đó là những “Ballad của năm 1941”, “Gôia”, “Cái hố”, “Bác sỹ Mùa thu”, v.v…
Đề tài về sự suy đồi xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ, nhưng ý nghĩa tồn tại của nó thì thay đổi theo thời gian: nếu vào những năm 1960-x A.Voznesensky nói về sự suy đồi của những cái xưa cũ, về những hình thức lỗi thời của đời sống và nghệ thuật, thì vào những năm 1980-x và 1990-x ông lại nói về sự suy đồi của các giá trị tinh thần (“Khúc cuồng tưởng của sự suy đồi”).
A.Voznesensky coi thơ ca và nghệ thuật, sự hoạt động quả cảm của giới trí thức Nga và sự phục hưng các giá trị Ki-tô giáo là thứ thuốc giải dùng để chống lại thói vô cảm và sự tàn ác.
Tác phẩm của A.Voznesensky với nội dung tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật của mình đã được đón nhận một cách rộng rãi qua các hý trường, nhà hát, sân khấu. Trên cơ sở tác phẩm của ông, Iu.Liubimov đã dựng vở kịch “Vũ trụ”. A.Rybnikov viết vở rock-opera “Junona và Avos”, và M. Zakharov thì dựng nó tại Nhà hát mang tên “Đoàn thanh niên cộng sản Lê-nin”.
A.Voznesensky đồng thời cũng không ngại thử nghiệm trong các thể loại nghệ thuật khác như dựng các video mà ở đó thơ được phối hợp với tranh ảnh và thư pháp.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ của A.Voznesensky qua các bản dịch của Quỳnh Hương:
SAGA
Tới bình minh em sẽ đánh thức anh
Rồi cứ để chân trần em tiễn anh đi nhé.
Em sẽ không bao giờ gặp lại anh lần nữa.
Em sẽ không bao giờ quên anh đâu.
Che chở em khỏi cái lạnh lúc rạng đông
Anh nhủ thầm: «Chúa lòng lành có thấu!
Anh sẽ không bao giờ gặp lại em lần nữa
Anh sẽ không bao giờ quên em đâu».
Mặt nước ngã ba sông sóng lăn tăn
In bóng Bộ Hải quân và Phòng chứng khoán
Anh sẽ không bao giờ quên cảnh đó
Dù sẽ không bao giờ được thấy lại nữa đâu.
Những cây anh đào tuyệt vọng sạm nâu
Nhựa đổ dòng như lệ rơi bởi gió.
Quay đầu lại luôn luôn là điềm gở.
Anh sẽ không bao giờ gặp lại em đâu.
Cả khi ta tái sinh trong kiếp khác
Thêm một lần sống trên Trái đất này
Thì vĩnh viễn với nhau ta lạc mất.
Anh sẽ không bao giờ gặp lại em đâu.
Và những hiểu lầm từ trước tới nay
Bỗng trở nên nhỏ nhoi không đáng nói
Trước tiền định của cuộc đời sắp tới
Giữa hai ta là khoảng trống không người.
Treo lửng lơ trên cao vời vô nghĩa
Là đôi câu ám ảnh suốt không thôi:
«Ta sẽ không bao giờ quên nhau trong đời.
Ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau lần nữa».
Quỳnh Hương dịch
BĂNG GIÁ ĐẦU ĐỜI
Trong cabin điện thoại em gái cóng rồi
Áo khoác mỏng manh không đủ che khỏi lạnh
Khuôn mặt nhỏ đẫm đầy nước mắt
Phấn son trôi không giấu được tái xanh.
Dùng hơi thở tạm sưởi từng ngón tay
Giá như băng. Đôi hoa tai cũng thế.
Ngại ngùng trước đường về em đơn lẻ
Con phố vắng người đã phủ một lớp băng
Băng giá đầu đời lần đầu tiên em gặp
Băng giá đầu đời từ điện thoại lạnh lùng
Vết băng giá trên má em lấp lánh.
Băng giá phũ phàng từ những người dưng.
(Bài đăng tạp chí Tài Hoa Trẻ số 424 ngày 21-6-2006).