- Lý luận - Phê bình
- Chữ tâm đọng lại
Chữ tâm đọng lại
BÙI PHAN THẢO
(Đọc tập thơ “Ấm lạnh pháp đình” của Nguyễn Minh Tâm, NXB Hội Nhà văn, 2023)
Xưa nay hễ nói tới pháp đình là người đời thường nghĩ tới sự uy nghi, nghiêm khắc; nơi những tranh tụng có thể đem lại cách tiếp cận khác về vụ án hay mỗi phán quyết của quan tòa đều gắn với những số phận con người. Ở đó, pháp luật thượng tôn, những chương điều luật hóa rạch ròi và án tại hồ sơ… Ở đó, còn là một góc khác của cuộc đời với rất nhiều câu chuyện về đạo lý, nghĩa nhân, sự hướng thiện và cả những nỗi niềm lắng sâu, nhất là người gần như dành trọn cuộc đời với ngành luật như luật sư – nhà thơ Nguyễn Minh Tâm.
Với “Ấm lạnh pháp đình”, nhà thơ chọn cách tiếp cận trực diện, chọn chính mình làm chủ thể. Từ góc nhìn của bản thân soi chiếu, làm sáng lên những ý nghĩ, tâm tư, chuyển tải nỗi người từ chính nơi pháp đình và quyện chặt trong những ưu tư về thế thái nhân tình, những trầm luân thế sự.
Là luật sư, tiếp cận hồ sơ vụ án, tham gia vào cả quá trình tố tụng, tác giả thấu hiểu những nỗi oan khuất trong nhiều trường hợp. Người đọc thấy bóng luật sư – nhà thơ trong phòng làm việc, đi đi lại lại, câu hỏi trong đầu như nỗi day dứt:
“Oan lẫn với không oan/ cứ xoay trong mắt bão/…đành nuôi một nguyện ước/ chờ lịch sử phân minh/ sự thật sẽ nguyên hình/ không ai che được mãi” (Oan – không oan)
Những phút giây nghe trong lòng rỉ máu khi nỗi oan khuất theo suốt thân chủ 10 năm đằng đẵng, cứ ám ảnh dằng dai, tưởng đã lặng yên nay lại sủi tăm:
“Ngồi lặng thương thân chủ/ lặng lẽ viết thành thơ/ nghe lòng mình rỉ máu/ suốt mười năm đến giờ” (Này nọ kia)
Nên không lạ khi nhiều bài trong tập thơ này có chữ “oan”.
“Oan khiên còn xoáy giữa đời/ bao giờ công lý hát lời công tâm/ khát mong như mạch nước ngầm/ chảy trong lòng đất âm thầm cụ ơi” (Cụ Đa)
“Lời ta rơi xuống đất dày/ mặn như nước mắt thấm đầy oan khiên” (Hỏi)
“Nên oan trái như trò đuổi bắt/ cứ trớ trêu phơi trước nhỡn tiền” (Huỳnh Văn Nén)
“Nhìn thân chủ được minh oan/ từ trong khóe mắt hai hàng lệ rơi/ mười năm kêu thấu đất trời/ ai hay oan khuất một thời đã xa” (Câu thơ viết giữa pháp đình)
Dùng lối thơ tự sự, chơi chữ khá tài tình (hành luật – luật bị hành), nhà thơ kêu gọi sự thức tỉnh của lương tri, vận câu giáo lý nhà Phật để răn chung bao người:
“Hành luật mà bất luật/ thì luật sẽ bị hành/ vì đã biến luật thật/ thành luật của rừng xanh/ và những lúc như thế/ oan khuất sẽ xảy ra/…kẻ gây ra oan khuất/ bất kể động cơ gì/ nếu ngày xưa chắc chắn/ sẽ phạm tội tru di/ đạo lý đang thầm thì/ quay đầu là bờ đấy” (Đạo lý)
Tập thơ cũng đem đến cho người đọc thấu tỏ một góc khác của nghề nghiệp. Một thẩm phán, sợ mang tiếng nhận “chạy án” nên không dám xử án treo. Trước định kiến xã hội, vị thẩm phán trần tình:
“Thương ông muốn xử treo đi/ ngại vì tiếng bấc tiếng chì chen nhau/ nào tôi có phải thế đâu/ lòng tôi vàng chứ chẳng thau đâu mà/…nhìn nhau chẳng dám thật tình/ biết đâu hậu quả rập rình sau lưng/ giam ông tôi cũng chẳng mừng/ thẳm sâu day dứt ngập ngừng tâm thân” (Tâm tư một thẩm phán)
Sau những khoảng lặng của pháp đình, ý tứ bật lên, câu thơ được khai sinh. “Ấm lạnh pháp đình” là những buồn vui chất chứa, những nỗi niềm được giãi bày. Bên ngoài trời chuyển mùa, se se lạnh, bên trong phiên tòa đang nóng bởi tranh luận của các bên. Lúc lắng lòng, luật sư – nhà thơ nhìn lại đời mình và tỏ bày nỗi mong:
“Ngẫm mình nay đã ngả chiều/ sức này còn được bao nhiêu cho đời/… đường nghề gian khó không cùng/ gió mưa trộn với bão giông đầy trời/… mong ai nẩy mực cầm cân/ nhớ câu giữ lấy lòng nhân, hỡi người/ chỉ mong với tấm lòng vơi/ góp thêm chút nắng cho đời ấm lên/ đem về cho mẹ cho em/ lẽ công bằng của tổ tiên bao đời” (Mong)
Tập thơ này có thể nói là thuần túy viết về chốn pháp đình, viết về luật pháp nhưng không khô khan, không nặng nề, vì những dòng thơ đều mang tính tự sự về đời sống, thân phận con người. Bên cạnh những câu thơ trầm tích nỗi buồn, đầm đìa nước mắt là những câu thơ phóng thích niềm hân hoan, niềm tin công lý. Từ giọt nước mắt của bị cáo chồng xin nhận thêm hình phạt cho bị cáo vợ trong vụ án đồng phạm với giám đốc, nhà thơ cảm tác:
“Lời không đủ, em nói bằng nước mắt/ giọt nước mắt của em làm rớt lệ bao người/ nước mắt chảy giữa pháp đình lặng ngắt/ có nước mắt nào chát hơn thế, em ơi” (Nước mắt)
Sau một phiên tòa, lời thơ nghe nhẹ như tiếng gió nhưng nặng kiếp trầm luân cõi người, dường như lại là tiếng thở dài:
“Ừ xong, thì cũng đã xong/ bây giờ trầm lại cho lòng dịu đi/ bên tai gió khẽ thầm thì/ thế là xong, chẳng có gì nữa đâu” (Xong)
Nhà thơ tâm sự về nghề, dặn dò với đàn em, học trò mà cũng dặn lòng:
“Con tim dễ bị say/ nên cái đầu cần tỉnh/ chỉ dựa vào lý tính/ mới phán đúng việc đời” (Nghề mình)
“Nghề ta cần khuôn thước/ quy chuẩn của đạo người/… chỉ nói bằng tim óc/ mới mong tránh lỗi lầm/ trọn vẹn một chữ tâm/ mình ơi, mình nhớ nhé” (Tự răn mình)
Trước sau mỗi bản án đều là số phận con người:
“Ngồi án tiểu hay đại/ ai cũng phải hết mình/… chỉ mong sao công lý/ đừng đội nón ra đi” (Đại, tiểu)
Với trái tim nhân hậu của một người làm thơ, luật sư đứng về những người yếu thế. Bài thơ ngắn, câu thơ gọn mà trĩu nặng tình:
“Toàn những người lao động/ chỉ làm công ăn lương/ khóc trước vành móng ngựa/ nghe mà não lòng thương/ bao nhiêu là số phận/ hẩm hiu đến thế này/… phiên tòa buổi chiều nay/ nặng như là đeo đá” (Khóc)
Giữa những phiên tòa dài ngắn, có những khắc khoải đầy lên mãi, nhà thơ dặn dò phải vững tin, đó là ánh sáng quý giá, soi rọi lòng nhau, để vươn lên mà sống vì còn tin yêu. Niềm tin đó là vô giá khi oan khuất còn lảng vảng, làm hao mòn tâm trí bao người:
“Thôi cứ chờ em ạ/ hướng đến mặt trời xanh/ dẫu hôm nay mưa đấy/ vẫn còn màu thiên thanh” (Cứ chờ em ạ)
Có thể xem “Ấm lạnh pháp đình” là một ký sự bằng thơ của một luật sư – nhà thơ – nhà báo (tác giả từng làm tổng biên tập tạp chí Luật sư Việt Nam) về chốn pháp đình và cả về đời sống với những lát cắt điển hình, những chân dung đặc tả, những sự kiện đáng chú ý cùng những đúc kết nội tâm sâu sắc của một luật sư nổi tiếng, một nhà thơ thâm trầm. Cũng có lúc ông viết với giọng pha chút diễu nhại nhưng người đọc phải thốt lên: hay quá, sâu sắc quá.
“Tòa nhắc bị cáo Khói/ rằng phải trả lời ngay/ làm ba người chết ngạt/ cả chục người mắt cay/ bị cáo Khói lễ phép/ tại thằng Lửa, thưa tòa/…Tòa gọi đương sự Lửa/ cớ sao cháy như điên/ Lửa thanh minh lý sự/ tại cái Người bật diêm/ đến đây tòa bỗng bí/ vì thiếu đương sự Người/ vì tòa không triệu tập/ vì chỉ xử Khói thôi/ luật sư cãi hăng lắm/ đòi lôi Người ra tòa/… phiên tòa vẫn kết thúc/ hình phạt Khói: tối đa” (Xét xử)
Cái ấm lạnh chốn pháp đình cũng vào thơ Nguyễn Minh Tâm một cách nên thơ, đầy tính nhân văn:
“Sân tòa bảng lảng hơi thu/ phủ lên mấy chiếc xe tù lặng thinh/ ngẩn ngơ mình tự hỏi mình/ hơi thu có thấm chút tình phạm nhân” (Hơi thu)
Bên ngoài sân là cảnh vật, bên trong là hai phiên xử. Hai hình ảnh đối lập, hai mệnh đề đặt ra:
“Phiên này như thể lên đồng/ tiền – tình cứ thế mà tồng ngồng phơi/ phiên kia lặng tiếng im hơi/ một mình em phải tự bơi giữa dòng/ một phiên thẳng, một phiên cong/ bờ nào nhớ, bờ nào mong, bờ nào” (Hai phiên)
Chất thơ cứ bàng bạc, giữ người đọc ở lại đến trang cuối cùng của “Ấm lạnh pháp đình”. Thành công của tác giả là đem đến cho người đọc những khoảng lặng giữa ngôn từ, những khoảnh khắc làm xao lòng người. Trong một phiên tòa, người vợ xin được đoàn tụ khi người chồng vì tai nạn mà thành người tàn phế, sợ làm gánh nặng cho vợ con mà xin ly hôn:
“Em xin anh hãy rút đơn/ nghĩa tình đừng tính thiệt hơn làm gì/ cho dù đất chuyển trời suy/ chân em đủ đỡ anh đi trọn đời/ vai em gánh đã quen rồi/ gánh thêm chút nữa lần hồi cũng qua/ con mình cần có mẹ cha/ để cùng ấm cửa êm nhà như xưa/ nhìn anh, chị khóc như mưa/ pháp đình lặng đến ngẩn ngơ cả chiều” (Em xin)
Tình người cũng lấp lánh từ sự chân thành, lấy lòng nhân đối đãi với nhau. Khi được luật sư vận động ra đầu thú, điều tra viên đã hỏi Đặng Văn Hiến, phạm nhân trong vụ án xảy ra tại Đắc Nông năm 2016 “Em khỏe không? Em có ăn uống đầy đủ không”.
“Một câu hỏi như không phải của người điều tra tội phạm/ đã bật lên từ một tấm lòng/ điều tra viên ơi/ nếu không hiểu tận cùng cớ sự/ liệu anh có bao giờ hỏi thế này không/… cái nếu ấy đã bao nhiêu người biết/ sao những vụ án đau lòng vẫn cứ xảy ra” (Nếu)
Mượn thời khắc giao thoa ngày đêm, lúc chập choạng không rõ mặt người, nhà thơ nói đến chuyện đời, chuyện nghề:
“Khắc này nguy hiểm lắm/ thật giả trộn vào nhau/ không ra tối ra sáng/ cứ dở dở dang dang/ thế là thành chập choạng/ khiến nỗi đời mang mang” (Chập choạng)
Biết quy luật cuộc sống là vậy nhưng luật sư – nhà thơ vẫn song hành nỗi đời mang mang. Dẫu không ít lúc buồn đau vì những nỗi hàm oan của người đời chưa được làm sáng tỏ, song vẫn vững tâm khi công lý khẽ mỉm cười chua chát “ai bảo trong tim ngươi máu cứ đỏ hồng”.
Và con tim ấy mãi hồng tươi. Và chữ tâm đã đọng lại bên đời, bên những trang thơ.
Nguồn: Văn nghệ số 11 (ngày 18/3/2023).