- Văn học dịch
- Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng theo dấu hiệp sĩ thánh chiến suốt 30 năm
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng theo dấu hiệp sĩ thánh chiến suốt 30 năm
TUY HÒA
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng ở tuổi 74 ra mắt tác phẩm ‘Hiệp sĩ thánh chiến’ mà ông đã mất 30 năm để chuyển ngữ, vào sáng 17/10 tại TP.HCM.
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng tại buổi ra mắt "Hiệp sĩ thánh chiến" sáng 17/10 tại TP.HCM.
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng sinh năm 1948 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng là Phó Giáo sư – Tiến sĩ động lực học, có thời gian dài giảng dạy chuyên ngành động cơ đốt trong ở Trường Đại học Thủy sản. Sau khi nghỉ hưu ở Tổng cục Thủy sản, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực nghiên cứu khoa học thủy sản, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng rất say mê văn học Ba Lan, đặc biệt là các tác phẩm của Henryk Sienkiewicz. Chính hai tác phẩm “Quo vadis” và “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz đã mở đường cho dịch giả Nguyễn Hữu Dũng bước vào văn chương với giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987.
Không chỉ miệt mài giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Henryk Sienkiewicz đến công chúng Việt Nam như tiểu thuyết “Hania” hoặc tiểu thuyết “Trên bờ biển sáng”, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã bỏ ra 30 năm để chuyển ngữ tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến”. Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: “Có lẽ văn của Henryk Sienkiewicz cũng có điểm tương đồng với động cơ đốt trong, nó cháy bằng chất gì đó trong tôi và trong những bạn đọc Việt Nam suốt thời gian qua. năm qua (1990 - 2020) để dịch tác phẩm kinh điển này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! Tôi đã tỉ mỉ dịch “Hiệp sĩ thánh chiến” từ năm 1990 đến 2020 mới hoàn thành công việc chuyển ngữ tác phẩm kinh điển này”.
Henryk Sienkiewicz (1846 – 1916, giải thưởng Nobel văn học năm 1905) là văn hào Ba Lan sinh ra tại Wola Okrzejska trong một gia đình gốc gác quý tộc. Ông từng theo học luật học, y học trước khi chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách. Khởi đầu bằng những tiểu luận phê bình đăng báo, ông dần sáng tác hàng loạt truyện ngắn và vừa, rồi tập trung vào thể loại tiểu thuyết lịch sử vào năm 1892. Sau tiểu thuyết “Quo vadis”, ông dành thời gian vào việc viết cuốn tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” mà mình thai nghén từ lâu. Công việc sáng tác kéo dài ròng rã bốn năm trời, và nhà văn đã cho đăng dần tác phẩm trên các tờ báo Ba Lan, mãi đến năm 1900 mới in thành sách.
Những giá trị về nội dung và nghệ thuật đã khiến cho “Hiệp sĩ thánh chiến” trở thành tài sản văn hóa quý giá của dân tộc Ba Lan. Tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” vừa được Nhà xuất bản Văn Học và công ty Đông A ấn hành, ra mắt tại Hội Nhà văn TP.HCM sáng 17/10.
Tiểu thuyết "Hiệp sĩ thánh chiến" vừa được ấn hành tại Việt Nam.
Tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” gồm hai tập, dày hơn 1200 trang, chia làm 84 chương, đã phục dựng một giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 15. Lúc ấy, liên minh Ba Lan - Litva hùng mạnh đã trở thành chướng ngại vật chính ngăn cản sự bành trướng của dòng tu Ki-tô giáo mang tên Giáo đoàn Thánh chiến. Việc hiệp sĩ trẻ Zbyszko tấn công sứ giả của Giáo đoàn và phải lên đoạn đầu đài lại càng làm mâu thuẫn này thêm trầm trọng, kéo theo màn “mỹ nhân cứu anh hùng” cùng những cuộc trả đũa về sau - tất cả góp phần thổi bùng ngòi lửa chiến tranh đã âm ỉ từ lâu.
Dõi theo quá trình trưởng thành của chàng Zbyszko về cả phương diện tình cảm lẫn sự trải đời, câu chuyện là khúc trường thiên ca tụng sức mạnh quả cảm của những con người đầy nghĩa hiệp mà rất đỗi thủy chung. Cuộc đụng đầu lịch sử giữa các dân tộc Slav với thế lực xâm lược của Giáo đoàn Thánh chiến mang ý nghĩa của cuộc đối kháng chính - tà, khiến tác phẩm trở thành một lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự do.
Tính chặt chẽ của cấu trúc, nghệ thuật đan xen mật thiết của các tuyến tình tiết, sự hài hòa giữa hai mặt mô tả số phận chung của toàn dân tộc và số phận riêng tư của các nhân vật chính đã khiến các nhà phê bình văn học đánh giá “Hiệp sĩ thánh chiến” là tác phẩm hoàn thiện nhất trong những tiểu thuyết lớn của Henryk Sienkiewicz.
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ tâm đắc về “Hiệp sĩ thánh chiến” mà ông đã theo dấu suốt 30 năm: “Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phe phát xít Hítle ra lệnh cấm các tác phẩm của Henryk Sienkievich, nhất là “Hiệp sĩ thánh chiến” lưu hành tại Ba Lan. Thế nhưng, những người Ba Lan yêu nước vẫn gìn giữ “Hiệp sĩ thánh chiến” như một thứ vũ khí tinh thần bất diệt. Và cảm động biết bao, ngay trong mùa xuân năm 1945 còn vương khói súng trên mảnh đất hoang tàn và đổ nát bởi chiến tranh, người Ba Lan đã tìm cách tái bản ngay “Hiệp sĩ thánh chiến” để hun đúc thêm sức mạnh dân tộc”.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/