- Văn học dịch
- Chạy đi, cha ơi! - Truyện của Kim Ae Ran
Chạy đi, cha ơi! - Truyện của Kim Ae Ran
Kim Ae Ran: nhà văn người Hàn Quốc sinh năm 1980, tốt nghiệp Khoa Biên kịch Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc. Năm 2002, cô nhận giải thưởng Văn học Daesan Daehak lần thứ nhất với tác phẩm đầu tay “노크하지 않는 집” (tạm dịch: Ngôi nhà không gõ cửa). Các tác phẩm nổi tiếng khác của nhà văn Kim Ae Ran gồm có: “달려라, 아비” (tạm dịch: Chạy đi, cha ơi), “바깥은 여름” (tạm dịch: Mùa hè bên ngoài), “잊기 좋은 이름” (tạm dịch: Cái tên dễ quên),… Trong đó có hai tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam đó là: “Những tháng năm rực rỡ” (두근두근 내 인생), “Em thấy chúng ta trong một mùa hè” (비행운). Cô đã từng nhận nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng văn học Lee Sang, Giải thưởng văn học Dongin, Giải thưởng văn học Hankuk Ilbo, Giải thưởng văn học Lee Hyo Seok,…
Nhóm dịch: Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Ngọc Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hoài Phương, Nguyễn Thuý Thu Tài
Khi tôi còn là thai nhi có tử cung nhỏ hơn cả một hạt giống, tôi đã thường xuyên khóc vì sợ cái bóng tối nhỏ bé đang bao quanh lấy mình. Đấy là khi tôi còn rất nhỏ, khi làn da tôi nhăn nheo và trái tim bé bỏng đập liên hồi, lúc đấy tấm thân này vì vẫn chưa biết nói nên cũng chẳng có khái niệm gì về hôm qua hay hôm nay cả.
Mẹ tôi đã cho tôi biết được rằng cái thân thể không biết nói ấy đã đến với thế giới này như một lá thư. Mẹ đã một mình sinh tôi ra ở một căn phòng bán hầm [1]nào đó. Đó là vào một ngày mùa hè, những tia nắng lấp lánh như giấy nhám chiếu rọi thẳng vào phòng. Khi ấy, mẹ quằn quại trong phòng, trên người chỉ mặc mỗi một chiếc áo, không có ai nắm lấy tay nên mẹ đã cầm một chiếc kéo. Mẹ nhìn bước chân người người qua lại ngoài ô cửa sổ, mỗi khi dòng suy nghĩ muốn chết ập đến, mẹ lại cầm kéo đâm phập xuống sàn nhà. Cứ thế sau mấy tiếng đồng hồ, mẹ đã dùng chiếc kéo đó cắt dây rốn cho tôi thay vì tự kết liễu mình. Đứa trẻ chỉ vừa mới chào đời là tôi, đột nhiên không nghe thấy tiếng tim đập của mẹ nên tôi cứ ngỡ mình đã bị điếc.
Ánh sáng đầu tiên tôi nhìn thấy thu gọn vừa bằng khung cửa sổ. Nhờ thế mà tôi nhận biết rằng có ánh sáng tồn tại ở bên ngoài căn phòng của mẹ con tôi.
Tôi không nhớ lúc đó cha mình đã ở đâu. Cha luôn luôn có mặt ở đâu đó thế nhưng không phải ở chỗ chúng tôi. Cha luôn đến trễ hoặc chẳng hề đến. Mẹ và tôi ôm chặt nhau đến đỗi hai trái tim đập thình thịch chạm vào nhau. Bằng bàn tay to lớn, mẹ vuốt ve lấy khuôn mặt cau có của đứa trẻ đang trần như nhộng là tôi. Tôi thích mẹ đấy chứ, nhưng không biết phải biểu hiện điều đó như thế nào nên cứ liên tục tỏ vẻ cáu gắt. Tôi nhận ra một điều là mặt tôi càng nhăn nhó thì mẹ càng cười nhiều hơn. Khi đó tôi đã nghĩ, có lẽ tình yêu không phải là khi cả hai cùng cười với nhau, mà là khi đối phương trở nên buồn cười trong mắt người kia chăng.
Mẹ đã ngủ thiếp đi. Tôi lại cô đơn một mình. Thế gian trở nên tĩnh lặng, ánh nắng mặt trời vẫn cứ thế nằm yên trên nền nhà đằng kia, tựa như một lá thư lịch sự người yêu cũ gửi đến. Phép lịch sự, đó là điều đầu tiên tôi cảm thấy không hài lòng về thế giới này từ khi sinh ra. Vì không có gì trong tay nên tôi đã nắm chặt lòng bàn tay mình lại.
*
Mỗi khi tưởng tượng về cha, luôn có một cảnh tượng hiện lên trong đầu tôi. Đó là hình dáng cha đang cố gắng chạy miệt mài hướng về một nơi nào đó. Cha có đôi chân gầy và nhiều lông trong chiếc quần đùi hồng dạ quang. Bộ dạng cha ưỡn thẳng lưng cao gối chạy, biểu cảm giống như người quản lý đang tuân thủ nghiêm khắc quy tắc chẳng mấy ai quan tâm, đâu đó trông thật buồn cười. Cha trong trí tưởng tượng của tôi vẫn chạy không ngừng nghỉ hàng chục năm trời, nhưng biểu cảm đó, tư thế đó vẫn luôn không thay đổi. Cha để lộ hàm răng ố vàng trên khuôn mặt đỏ au rồi nở nụ cười. Nó hệt như một bức tranh xấu tệ mà ai đó cố tình dán lên trên khuôn mặt cha vậy.
Tôi nghĩ rằng không chỉ cha tôi mà tất cả những người tập thể dục đều có vẻ buồn cười. Mỗi khi nhìn một ông chú tập bụng trước thân cây thông ở công viên gần nhà hay những bà thím vừa đi bộ vừa vỗ tay, tôi lại cảm thấy xấu hổ cũng là vì lý do đó. Nhưng bọn họ lúc nào cũng nghiêm túc và đầy nhiệt huyết cả. Như thể để được khỏe mạnh hơn thì họ phải từng chút một trở nên buồn cười vậy.
Tôi chưa từng thấy cảnh cha chạy lần nào. Nhưng với tôi cha là người luôn chạy hướng về đâu đó. Cũng không biết chừng đó là sự tưởng tượng bắt nguồn từ câu chuyện mẹ đã kể cho tôi nghe từ rất lâu trước đây chăng. Lần đầu khi nghe câu chuyện đó, mẹ đặt tấm gỗ giặt đồ ở giữa hai chân, dùng sức chà mạnh quần áo bẩn đầy bong bóng xà phòng. Trong lúc giặt đồ mẹ cứ liên tục hì hà hì hục nên trông cứ như người đang nổi giận vậy.
Cha chưa từng chạy vì mẹ dù chỉ một lần. Dù đó là lúc mẹ đề nghị chia tay, lúc mẹ nói nhớ ông hay cả lúc mẹ sinh tôi ra, cha đều không chạy đến. Mọi người gọi cha là quý ông nhưng mẹ lại nghĩ cha là một tên ngốc. Giả dụ như nếu mẹ đã quyết tâm chỉ đợi cha đến hết hôm nay thôi thì cha luôn là người đến vào ngày hôm sau. Cha đã đến muộn nhưng lại xuất hiện với bộ dạng tiều tụy gầy gò. Mẹ tôi luôn là người pha trò vì ánh mắt của đứa học trò đến muộn đầy ủ dột ấy. Cha thậm chí không quát to, cũng không biện minh. Chỉ “đến” với khuôn mặt đen sẫm và đôi môi khô nứt. Trong sự mường tượng của tôi, không biết chừng cha lại là người sợ từ chối. Là người xin lỗi vì không thể đến được, là người tạo ra tình huống phải thường xuyên xin lỗi vì cảm thấy có lỗi. Sau này đến khi cha thật sự có lỗi, ông lại quyết tâm trở thành một người xấu xa hơn thế nữa. Nhưng tôi không nghĩ cha tôi là một người lương thiện đến mức chỉ “có lẽ” là một người xấu. Tôi nghĩ cha thật sự có thể là một người xấu, một người làm cho người khác cảm thấy có lỗi dù chính bản thân cha mới là người làm sai. Giờ tôi vẫn nghĩ, người xấu xa nhất trên thế giới là một người vừa xấu xa vừa tội nghiệp. Tuy nhiên tôi lại không thể biết được cha mình là người thế nào. Thứ mà cha để lại sau khi rời đi chỉ có một vài sự thật. Sự thật đến mức nếu không nói rõ về người đó thì cha đích thực vẫn là một người xấu, còn không thì cha chỉ là người tôi không quen biết mà thôi. Dù sao thì điều quan trọng là cha, người chậm chạp như thế đó, đã có một lần dùng hết sức bình sinh của mình mà chạy. Đó là việc diễn ra chưa đến mấy tháng từ sau khi cha bảo sẽ kiếm tiền rồi khăn gói lên thủ đô.
Sau khi đến Seoul, cha đã xin việc ở xưởng đồ dùng gia dụng. Giờ nghĩ lại mới thấy, một người như cha nghĩ đến việc sẽ rời khỏi quê hương để đi kiếm tiền quả là việc lạ đời. Nhưng cha chỉ là đi theo hướng mà nhiều người lúc ấy đang đi mà thôi. Ở nơi đó thỉnh thoảng cha cũng có trao đổi thư từ qua lại với mẹ. Thường thì cha là người viết thư nhiều hơn do mẹ đang rất giận cha vì ông đã một mình khăn gói lên thủ đô. Thế rồi một ngày nọ, mẹ đã tìm đến phòng trọ của cha. Sau khi cãi nhau to với ông ngoại, người vốn hay bất hòa với mẹ, thì mẹ đã cả gan bỏ nhà ra đi. Mẹ chỉ mang theo phong thư có ghi địa chỉ, dò dẫm trong con hẻm ngoằn ngoèo như mê cung, rồi mẹ cũng đã tìm phòng trọ mà cha thuê. Mẹ không có nơi nào để đi và chỉ định ở một vài ngày. Thế nhưng, làm gì có chuyện cha cũng nghĩ giống vậy. Từ ngày mẹ lên ở cùng, cha bắt đầu không ngừng đòi hỏi chuyện trai gái với mẹ. Trong cùng một căn phòng mà gã trai trẻ phải ngủ cách xa người con gái mình yêu thương thì như thế cũng là chuyện đương nhiên. Sự van nài, tức giận và ba hoa của cha cứ thế lặp đi lặp lại suốt mấy ngày trời. Thế rồi mẹ cũng thấy cha đáng thương, cũng không biết chừng ngày hôm đó, mẹ đã nghĩ rằng “mình muốn chịu sức nặng của người đàn ông này mà sống cả đời”. Cuối cùng mẹ cũng đã gật đầu đồng ý. Chỉ là, mẹ sẽ cho phép chung chăn gối với điều kiện bây giờ cha phải đi mua thuốc tránh thai ngay lập tức.
Cha đã bắt đầu chạy từ lúc đó. Cha đã chạy hết tốc lực từ xóm nghèo trên đỉnh núi đến hiệu thuốc ở nội thành. Cha cười ngoác cả miệng với khuôn mặt đỏ bừng như kẻ đang buồn tiểu, những con chó thấy cha bị làm cho giật mình sủa, làm cả bầy chó trong xóm bắt đầu đồng loạt sủa nhặng lên inh ỏi. Cha chạy và cứ tiếp tục chạy. Mái tóc dài bay phấp phới với khuôn mặt đỏ au, cha băng qua cầu thang, cắt xuyên đêm đen nhanh như gió. Cha hớt hải chạy, tro than tổ ong bám dưới bàn chân làm cha té ngã. Cha tức thời đứng dậy, toàn thân phủ đầy tàn tro trắng toát, chạy trối chết dù đang không biết nơi mình đang chạy đến sẽ hướng tương lai mình đi đến đâu.
……Cuộc đời của cha, liệu đã từng có lúc nào chạy nhanh như khi ấy không nhỉ? Mỗi khi tưởng tượng đến cảnh cha chạy một mạch đến xóm núi để ôm lấy mẹ, tôi chỉ muốn hét lên với người cha đang bỏ ngoài tai ngoài mắt mọi thứ đó, rằng “Cha! Cha chạy giỏi hơn con tưởng đó nhỉ?!”
Tối hôm đó, nghe nói do chạy gấp quá nên cha không kịp hỏi rõ cách dùng thuốc tránh thai. Khi mẹ hỏi cha phải uống bao nhiêu viên thuốc, cha người phủ đầy tro trắng nói vừa gãi đầu: “Anh nghĩ là bác sĩ nói hai viên…”. Mẹ bảo từ đó suốt mấy tháng trời, mỗi ngày mẹ đều uống đều đặn 2 viên. Trong mấy tháng đó không hiểu sao đầu óc mẹ cứ quay cuồng và nôn ọe một cách đầy kỳ lạ. Mẹ đã hỏi ý kiến một dược sĩ và giảm lượng thuốc uống xuống còn một viên. Vào một đêm mùa đông, khi đang đập vỡ nước bị đóng băng trong xô để vệ sinh cửa mình dưới ánh trăng, mẹ giật bắn vì cái lạnh mà quên béng đi việc uống thuốc. Mẹ mang thai, cha nhìn cái bụng ngày càng phình to ra của mẹ mà khuôn mặt dần trở nên trắng bệch, rồi trước ngày lên chức làm cha, ông đã bỏ nhà đi và không bao giờ quay trở lại.
Mọi người đều nói chạy bộ là môn thể thao được yêu thích nhất bất kể thời đại và nơi chốn. Chạy bộ là môn thể thao toàn thân tác động tích cực đến hệ tim phổi, làm tăng sức dẻo dai cho tim phổi, nó là sự kết hợp giữa đi bộ và chạy. Chạy bộ có ưu điểm là không cần kĩ thuật đặc biệt hay tốc độ nhanh, và nó không bị ràng buộc bởi địa điểm hay thời tiết. Quan trọng hơn hết, chạy bộ là môn thể thao cần sức bền bỉ dẻo dai. Những thứ khác thì tôi không biết. Chỉ là tôi cứ nghĩ rằng, tôi không biết phải làm thế nào để chấp nhận được cái lý do, cái sức mạnh đã giúp cho người cha bỏ rơi tôi chạy lâu đến thế.
Cha rời khỏi nhà để chạy bộ. Tôi đã quyết định tin như thế. Chứ không phải ông ra đi để xông pha chiến trường, để kiếm một người vợ mới, hoặc để giúp khai thác một đường ống dẫn dầu ở sa mạc của một quốc gia xa lạ nào đó. Chỉ là khi cha rời khỏi nhà, có vẻ như cha đã quên không mang theo đồng hồ.
Tôi không có cha. Nhưng chỉ là không có ở đây thôi. Cha vẫn đang miệt mài chạy ở đâu đó. Tôi nhìn thấy bóng dáng cha trong chiếc quần đùi màu hồng dạ quang đang băng qua thành phố Fukuoka, ông chạy xuyên qua đảo Borneo và hướng thẳng tới đài thiên văn Greenwich mà chạy. Tôi thấy cha vòng qua chân trái của tượng Nhân sư[2], ghé thăm phòng tắm thứ 110 tại Tòa nhà Empire State [3]và băng qua dãy núi Guadarrama ở Bán đảo Iberi. Tôi rất giỏi trong việc nhận ra cha mình trong bóng tối, điều đó là do ánh sáng phát ra mọi lúc từ chiếc quần đùi dạ quang của ông. Cha chạy và chạy. Tất nhiên là không có tiếng vỗ tay tán thưởng nào dành cho ông ấy.
Mẹ đã nuôi tôi lớn lên bằng những câu đùa. Mẹ thường dùng tài hóm hỉnh của mình kéo tôi ra khỏi hố sâu chán nản. Nhưng sự hóm hỉnh đó thỉnh thoảng cũng trở nên cực kì thô lỗ, đó là khi tôi hỏi mẹ về cha. Cha không phải là điều cấm kỵ đối với tôi. Việc không có cha không phải là vấn đề quan trọng với mẹ con tôi, chỉ là chúng tôi chẳng mấy khi nhắc đến cha mà thôi. Thế nhưng thi thoảng mẹ cũng để lộ vẻ chán nản. Mẹ từng hỏi tôi rằng:
Mày có biết mẹ kể cho mày về cha mấy lần rồi không?
Tôi bẽn lẽn đáp rằng:
Biết ạ…
Biết ư, biết cái “thằng nhỏ chưa mọc lông” ấy. - mẹ đáp lời rồi cười một mình.
Kể từ lúc đó, mỗi khi tôi nói “biết rồi" là tôi lại nghĩ đến điều gì đó đen tối.
Tài sản lớn nhất mẹ truyền lại cho tôi đó là cách không thương hại bản thân. Mẹ không hề cảm thấy có lỗi với tôi, cũng như chẳng hề cưng chiều tôi. Tôi biết ơn mẹ vì điều đó. Tôi vốn luôn biết điều này. Những người hỏi tôi “có sao không?”, thực chất thứ họ đang hỏi thăm chính là bản thân họ. Mẹ và tôi, không phải mối quan hệ giúp đỡ hay quan hệ lợi ích gì mà là quan hệ đường đường chính chính giống như vé đứng vậy.
Khi tôi hỏi mẹ về những vấn đề giới tính cũng vậy, lần nào mẹ cũng trả lời rất ngầu. Đứa trẻ không có cha như tôi thì có rất nhiều điều tò mò. Một lần tôi nhìn thấy một ông chú bị cưa mất một chân vì tai nạn giao thông nên đã hỏi mẹ:
Chú đó làm chuyện vợ chồng bằng cách nào hả mẹ?
Mẹ liếc nhìn tôi và trả lời cộc lốc:
Mày nghĩ làm chuyện đó bằng chân hay gì?
Khi ngực tôi bắt đầu phát triển cũng vậy, thay vì lo lắng thì mẹ đã chọc ghẹo tôi. Mẹ hay giả vờ khoác tay với tôi rồi dùng khuỷu tay huých vào ngực tôi. Tuy mỗi lần như vậy tôi đều hét lên rồi bỏ chạy, nhưng tôi lại thích cái cảm giác nhoi nhói nhè nhẹ lan ra ở ngực.
Ngoại trừ tôi thì chỉ có một người duy nhất trên thế gian này biết được sức hấp dẫn của mẹ. Đó là ông ngoại, người dù cho đến chết cũng không thể hòa thuận với mẹ. Tôi không có nhiều ký ức về ông. Tất cả những gì tôi biết về ông là việc ông chẳng bao giờ đến mở lời với đứa trẻ không có cha như tôi, và việc ông hay sỉ vả mẹ bất cứ lúc nào có cơ hội. Tôi cũng có cảm tình với ông ngoại điển trai của mình nhưng bình thường ông ngoại không âu yếm, cũng như không la mắng gì tôi. Có lẽ đối với ông, tôi quá nhỏ bé, đến mức ông không hề nhìn thấy tôi chăng. Ấy vậy mà có một ngày ông đã mở lời với tôi. Đó là sau khi ông sắc cây anh túc uống và tâm trạng ông vui lên. Ông nhìn tôi chằm chằm rồi đột nhiên ông cất tiếng hỏi:
Mày là con của ai?
Con là con gái của Jo Ja-ok ạ! - Tôi cất to giọng trả lời.
Ông giả vờ không nghe thấy lại hỏi lại:
Con của ai cơ?
Con gái của JO JA-OK ạ! - Tôi trả lời bằng giọng còn to hơn lúc nãy.
Ông ngoại như bị điếc lại cất tiếng hỏi:
Hả? Mày bảo là ai cơ? - Giọng ông đầy tinh quái.
Tôi phấn khích nhảy cẫng lên:
JO JA-OK! Con gái JO JA-OK ạ! - Tôi dùng hết sức bình sinh mà hét to.
Tôi đã nghĩ rằng tôi có thể hét lên như vậy mãi trong sân bê tông tuổi thơ của tôi. Phải như thế thì ông ngoại mới đáp rằng:
Vậy à, mày nói mày là con của Jo Ja-ok hả? - Rồi ông tỏ vẻ u sầu.
Cứ như thế rồi bỗng nhiên ông hỏi cáu gắt:
Mày có biết con nhỏ đó cứng đầu đến mức nào không?
Ông bảo tôi ngồi kế bên ông và bắt đầu hé lộ tường tận về những việc xấu mẹ làm khi còn nhỏ. Tôi tròn to đôi mắt chăm chú lắng nghe từng lời ông kể. Ông đã nhìn thấy nhiều hành vi sai trái của mẹ nhiều lần, mỗi lần như thế ông không quên kể lễ về việc so với mẹ là người hễ động tí là trả treo cãi lại thì người dì hai ngoan ngoãn là đứa con gái giỏi giang biết chừng nào.
Ngược lại thì có một câu mẹ hay nói với tôi nhiều nhất, đó là :”Con người chỉ cần được sinh ra với trong một hoàn cảnh gia đình tốt”. Mẹ sẽ nói về việc giá như mẹ không bỏ nhà ra đi sau khi gây gổ với ông nội thì số phận mẹ sẽ khác. Mỗi lúc như thế tôi lại chớp chớp đôi mắt ngoan ngoãn ngồi yên chăm chú lắng nghe mẹ than vãn, hệt như lúc ngồi kế bên nghe ông kể chuyện.
Mặc kệ từ sau lần đó hai người ghét nhau đến mức nào, mặc kệ mẹ oán hận ông đến mức nào vì ông đã bao lần chế giễu mẹ một mình đẻ con, rồi bắt bà ngoại giặt quần lót cho vợ lẽ, có một lý do duy nhất tôi chấp nhận ông. Bởi vì câu nói ông ném cho mẹ trước khi ông qua đời một vài ngày.
Ngày hôm đó, tôi đã ngồi quá lâu hơn cái mức gọi là người “vô tình nghe thấy” câu chuyện, ông không ngừng kiếm chuyện và bắt bẻ, sau khi bới móc tất cả mọi chuyện và không còn chuyện gì để bới móc nữa thì ông cũng bị khó xử trước sự im lặng của mẹ. Sau khi cân nhắc phải nói gì tiếp theo, ông lại đem người dì hai ngoan ngoãn với mẹ tôi ra so sánh một tràng. Sau khi đã buông hết lời rủa sả, ông lại một lần nữa bối rối trước sự im lặng của mẹ. Mân mê ly nước trái cây đã uống cạn một hồi, cuối cùng ông với tay lấy nón rồi đứng dậy. Mẹ và tôi tiễn ông cho có lệ. Nhưng rồi ông lưỡng lự đứng trước cửa một hồi lâu, qua tấm lưng nhỏ vững chãi, ông ném lại một câu kỳ lạ rồi đi mất.
“Dù sao thì nếu là tao, tao cũng yêu đứa như mày, chứ không dại đi yêu chị mày”.
Vài ngày sau thì ông mất. Tôi nghĩ ông là người biết được sức hấp dẫn và bí mật nho nhỏ đó của mẹ. Ông đã mất rồi, giờ người biết những điều đó chỉ có mình tôi.
Mẹ là tài xế lái xe. Lúc đầu tôi còn nghĩ lý do mẹ chọn nghề lái xe taxi là để vừa chạy khắp đó đây Seoul vừa giám sát tôi. Có lúc tôi cũng đã đoán rằng không biết chừng lý do thật sự mẹ chọn lái taxi là để chạy nhanh hơn cha. Tôi đã tưởng tượng hình ảnh mẹ và cha người trước kẻ sau đang song hành chạy thật nhanh. Gương mặt mẹ giẫm mạnh ga với nỗi oán hận hàng chục năm, cùng với đó là gương mặt cha khi bị phát hiện ra chỗ trốn, cả hai đang đuổi bắt nhau nhốn nháo trên đầu tôi. Thay vì bắt ông ấy lại, có thể mẹ đang định trả thù ông ấy bằng cách chạy nhanh hơn chăng.
Mẹ đã rất mệt mỏi với việc lái xe taxi. Lương ba cọc ba đồng, không tin tưởng vào tài xế nữ, sự trêu ghẹo khiếm nhã của mấy gã say rượu. Dù vậy thì tôi rất hay vòi tiền mẹ. Trong hoàn cảnh khó khăn thế này, chắc mẹ sẽ cảm thấy buồn tủi hơn nữa nếu con mình là đứa hiểu chuyện và lễ phép. Quả nhiên cũng không hề có chuyện vì cảm thấy có lỗi mà mẹ cho tôi thêm tiền hay làm việc gì đó để bù đắp lại cho tôi. Mẹ chỉ cho tôi đúng số tiền mà tôi đã vòi nhưng cũng không quên kể lể:
Tiền kiếm được, tất cả đều đút vô họng mày hết, ngày nào tao cũng luôn miệng chửi “chết tiệt, khốn kiếp” mà kiếm tiền đấy.
Ngày hôm đó cũng không khác gì những ngày bình thường khác. Tôi nghe mẹ cằn nhằn trước bàn ăn vì tôi vừa xem tivi vừa ăn cơm, rồi phải lặng im ngồi nghe chuyện mẹ hôm qua cãi nhau với khách. Mỗi khi giữa lúc đang hăng máu kể chuyện, mẹ thường đập mạnh tay xuống vừa nói vừa tìm kiếm sự đồng tình “Mẹ nó, bộ tao sai tới vậy chắc?” thì tôi phải phụ họa theo, vừa đạp gót giày thể thao vừa phải giải trình với mẹ là tôi đã dùng 10 nghìn won vào việc gì. Ở trường, tôi nằm dài ra nửa cái bàn, nhìn chằm chằm như xuyên thủng vào yết hầu đang nhấp nhô lên xuống của giáo viên thực tập mỗi khi nuốt nước bọt vì lo lắng. Đó là ngày bình thường không có gì đặc biệt xấu xa hay khác lạ với một đứa không có cha như tôi. Vấn đề chỉ thực sự xảy ra khi tôi quay trở về nhà.
Mẹ đang ngồi giữa căn phòng với khuôn mặt xám xịt. Trong tay mẹ đang cầm một lá thư. Trên nền nhà là phong thư bị xé đang nằm chỏng chơ. Trên cái nền nhà mà trước đây mẹ đã dùng kéo đâm sầm xuống. Tôi nhìn địa chỉ viết trên phong thư và biết đó là thư gửi bằng đường hàng không. Mẹ không thể hiểu được nội dung bức thư, thế nhưng với dự cảm kỳ lạ của mình, bà đang trưng ra khuôn mặt phụ nữ nhà quê đầy khó chịu trước bức thư đầy kín chữ. “ Rốt cuộc là đã ngồi như thế từ lúc nào rồi?” tôi nhìn mẹ, nghĩ và giật lấy bức thư.
Làm gì vậy? - Mẹ nhìn chằm chằm vào mặt tôi.
Thư được viết toàn bằng tiếng anh. Trước mặt mẹ, tôi nghĩ đến thể diện của mình mà từng chút từng chút đọc bức thư. Lúc đầu tôi không hiểu nó viết gì, nhưng sau khi đọc đi đọc lại hai ba lần, tôi mới nhận ra nó đem đến một tin vô cùng quan trọng cho chúng tôi.
Thư viết gì? - Mẹ hỏi.
Tôi sau khi nuốt một ngụm nước bọt khô khốc rồi trả lời:
Nó bảo là cha đã chết rồi.
Mẹ dùng khuôn mặt tối sầm nhất trên đời nhìn chăm chú nhìn tôi. Như mẹ vẫn hay làm mỗi khi tôi trưng ra biểu cảm đó, tôi cũng muốn nói gì đó dí dỏm nhưng không nghĩ ra được câu nói đùa nào cho thích hợp.
Có thể nói là cha đã quay trở về. “Cưỡi” bức thư mà về một cách nhẹ nhàng sau hàng chục năm trời. Như một ý tốt không thể biết được ý đồ, như một tràng pháo tay ngượng ngùng nổ ra sau kết thúc của một vở kịch không có hồi kết, cha đã quay trở về. Cáo phó trở về đây với một lời chào lạ lẫm. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng có chăng lý do khiến cha chạy khắp nơi trên thế giới như thế rốt cuộc chỉ là để báo tin cho chúng tôi cái chết của ông. Để báo tin mình đã chết nên ông mới quanh quẩn ở nơi xa xôi rồi mới về lại đây. Nhưng từ trước đến giờ cha vẫn đang ở Mỹ chứ không phải đang chạy vòng quanh thế giới.
Thư là do con của cha gửi đến. Trong lớp chăn, tôi vừa tra từ điển vừa dịch thư. Nội dung của bức thư như sau. Cha đã kết hôn ở Mỹ. Tôi khá giật mình với đoạn này. Vì tôi không thể hiểu nổi lý do cha vứt bỏ mẹ nếu như ngay từ đầu cha không phải là người đàn ông không mong muốn có gia đình. Phải chăng là cha thật sự thương cô ta, hay vì nơi đó không phải là nơi dễ dàng chạy trốn như ở đây. Vài năm sau cha ly hôn. Tuy không viết rõ lý do ly hôn nhưng tôi đoán có lẽ là do sự bất tài của ông ấy. Người vợ đã đòi tiền bồi thường. Cha không một đồng xu dính túi, nói rằng sẽ đến cắt cỏ trong sân vườn của người vợ vào mỗi cuối tuần. Làm tôi chợt nhớ đến đã nghe đâu đó rằng “Tại Mỹ nếu không cắt cỏ có thể sẽ bị hàng xóm kiện”. Người vợ đã kết hôn với một người đàn ông sở hữu sân cỏ rộng như sân vận động.
Đúng hẹn cứ mỗi cuối tuần cha lại ấn chuông cửa ngôi nhà đó. Sau khi đưa khuôn mặt mình vào trước camera giám sát rồi cất tiếng chào “hello”, cha chậm chạp bước vào để cắt cỏ. Tôi tưởng tượng, trong khi cha đang ngồi bẹp bên ngoài để sửa cái máy cắt cỏ thì người phụ nữ kia đang uống rượu một cách tình tứ trong phòng khách cùng với chồng mới của mình. Chắc lúc đầu người vợ và người chồng mới khó chịu với cha lắm. Nhưng bà ta hình như đã nói với chồng mình “đừng quá bận tâm, John” và rồi cha dần dần trở thành một người vô hình. Mỗi khi nhìn xuyên qua lớp tường kính thủy tinh trong suốt nhìn đôi vợ chồng đang ôm nhau, thì cha lại rồ máy cho tiếng động cơ phát ra inh ỏi rồi lượn qua lượn lại. Người bạn gửi thư đến cho mẹ con tôi nói rằng, không phải vì muốn chọc cười thân nhân của cha ở nước ngoài nên kể chuyện này mà cha thực sự đã làm như thế. Tôi đã thắc mắc tóm lại đứa con của cha là một đứa bé như thế nào mà viết tường tận một câu chuyện vụn vặt như thế này. Có một điều chắc chắn là, đứa con đó cũng không biết suy nghĩ giống như cha. Tôi tưởng tượng cặp vợ chồng đó đang ân ái với nhau trong phòng khách. Nhũ hoa cô ta mấp mô dính sát vào trước tấm kính cùng hơi thở hắt ra, và tấm rèn gấp gáp kéo xuống. Từ xa, cha nhìn chằm chằm về phía ấy bằng ánh mắt cau có, brừm brừm, cha cầm chiếc máy cắt cỏ lao đến đầy sát khí. Tuy nhiên cha không thể tiến xa hơn, chỉ đành thấp thỏm đi tới đi lui trước nơi đó. Bà vợ không thể chịu đựng thêm được nữa, nên đã tặng cho cha tôi chiếc máy cắt cỏ tự động chạy bằng xăng loại tối tân nhất. Nhưng cha vẫn cố chấp dùng chiếc máy cắt cỏ lỗi thời ở nhà kho. Cái máy đó loanh quanh trong vườn nhà và lúc nào cũng phát ra tiếng ồn khủng khiếp.
Thế rồi một ngày nọ, cha xảy ra đụng độ với chồng mới của người vợ. Cuộc cãi vã nảy ra khi người chồng bắt đầu can thiệp về vấn đề cha cắt cỏ. Cha không thèm đếm xỉa mà cứ mặc sức cắt cỏ. Nhưng ông chồng cứ liên tục càu nhàu, đến cuối cùng thì bắt đầu lớn giọng chửi rủa tới tấp. Thoáng chốc, cha đang lầm lì cắt cỏ đột nhiên lao thẳng tới ông ta với chiếc máy cắt cỏ đời cũ có lưỡi dao đang xoay một cách đáng sợ trong tay. Ông chồng mặt tái xanh khiếp đảm té xuống đồng cỏ, run cầm cập. Tôi nghĩ có lẽ khi đó cha không có ý định làm hại ông ta. Nhưng xui xẻo thay ông chồng đã bị thương. Lần này cha thật sự hoảng loạn. Gã chồng khi nhìn thấy máu đã mất kiểm soát và trút hết những lời lẽ lăng mạ. Cuối cùng ông ta đã tố cáo cha với cảnh sát. Cha trong lúc hoảng sợ không biết phải làm như thế nào đã chạy thật nhanh vào nhà kho. Cha phát hiện chiếc máy cắt cỏ mới ngay góc nhà kho. Ông nhảy phắt lên nó hệt hư một tay súng miền viễn Tây. Sau khi nổ máy với trái tim đang đánh trống dồn dập trong lồng ngực, ông hất tung nhà kho rồi bắt đầu phóng như bay ra ngoài đường lộ. Cha đã tháo chạy bằng tốc độ nhanh nhất mà máy cắt cỏ có thể đạt được. Mỗi nơi cha đi qua đều phát ra mùi cỏ từ những bột cỏ xanh, khiến chúng tản mác khắp nơi. Nhưng cha, cha định đi đâu cơ chứ?
Bức thư, đã kết thúc với câu bảo rằng cha đã gặp tai nạn giao thông và chết ở đường lộ. Đứa con của cha tôi cho biết gia đình rất đau khổ trước sự ra đi của cha và lễ tiễn đưa đã tổ chức âm thầm tại nghĩa trang. Cậu ta bảo dù cảm thấy vô cùng tiếc thương nhưng cậu ta cũng không thích cha lắm. Cậu ta kể khi còn nhỏ, cha thường đặt cậu ta ngồi trước tivi rồi đi làm, cậu ta đã đợi cha cả ngày và lớn lên như thế. Dù sau khi cha bị ly hôn, mỗi cuối tuần cậu đều đợi cha, giờ thì cậu đang chờ đợi bản thân có thể quên được cha. Cậu ta đã nói với tôi, người chị em cùng cha khác mẹ đang ở nước ngoài và chưa từng gặp mặt, như thế này.
“ Em, một đứa đã từng lớn lên trong sự chờ đợi cha, em hiểu rõ việc chờ đợi đau khổ đến nhường nào. vậy nên em đã lén mẹ gửi thư đến địa chỉ được tìm thấy trong số các di vật của cha.”
………. Tất cả có lẽ là lời nói dối.
Nhưng rốt cuộc chính tôi lại là người nói dối. Tôi nói với mẹ rằng cha đã mất trong một vụ tai nạn giao thông, nhưng tôi không nói với mẹ rằng nó đã diễn ra như thế nào. Mẹ hỏi:
Nhưng tại sao bức thư lại dài như vậy?
Tôi đáp:
Cùng một ý nhưng cách nói tiếng Anh dài hơn tiếng Hàn.
Mẹ hỏi tôi thực sự không có gì khác trong bức thư sao. Cha đã sống như thế nào, cha đã sống với ai, thật sự không nói gì khác sao… nhưng những điều đó không ai biết. Điều mẹ muốn hỏi là tại sao cha lại bỏ đi vào đêm đó. Nhưng một lần nữa, đó có thể là điều duy nhất mẹ không muốn hỏi. Nhìn vẻ mặt ủ rũ của mẹ làm tôi nổi đóa lên.
Cha … - Tôi bất giác thốt ra.
Mẹ nhìn tôi chằm chằm, vẻ mặt như một chú cún bị đánh.
Cha… bảo xin lỗi mẹ. Ông đã sống ân hận cả đời. Theo như người này nói.
Đôi mắt của mẹ dao động. Lỡ nói rồi nên tôi lại nói thêm:
Cha cũng nói rằng hồi đó mẹ đẹp lắm.
Mẹ hỏi tôi bằng giọng run run:
Chỗ nào?
Tôi giả vờ xem qua lá thư và chỉ vào dòng có nội dung: “Cha đến nhà mẹ mỗi cuối tuần để cắt cỏ” và nói:
Ở đây này.
Mẹ nhìn chằm chằm vào dòng chữ đó thật lâu, như thể sẽ khóc bất cứ lúc nào, rồi nhẹ nhàng đưa những đầu ngón tay vuốt ve nó. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mẹ, một người giỏi đùa và hoạt bát, chưa bao giờ rơi giọt nước mắt nào nay lại trở nên nghẹn ngào.
Hôm đó, mẹ đã không về nhà cho đến rạng sáng. Tôi kéo chăn lên đến tận cằm và nghĩ đến cha. Cuộc sống của cha, cái chết của cha, máy cắt cỏ của cha và những thứ tương tự. Nhưng cha vẫn chạy trong đầu tôi. Đó là điều tôi đã tưởng tượng trong thời gian dài, vì vậy có lẽ sẽ không dễ bị xoá bỏ. Rồi đột nhiên tôi có suy nghĩ rằng, “Bởi vì mình không thể tha thứ mới tưởng tượng ra những điều này chăng.” Có lẽ chính tôi đã khiến cha chạy không ngừng nghỉ, bởi vì khoảnh khắc cha ngừng chạy, tôi sợ mình sẽ chạy đến và giết ông. Tự dưng suy nghĩ ấy khiến tôi cảm thấy buồn, rồi tôi nghĩ tốt hơn hết là mình nên đi ngủ trước khi bị cảm giác này đánh lừa.
*
Phải đến khi taxi ngừng tính phí phụ thu thì mẹ mới trở về nhà. Tôi thường tưởng tượng một người mẹ sẽ cẩn thận không đánh thức con gái mình, không dám bật đèn và lặng lẽ thay quần áo. Thế nhưng mẹ lại dùng chân đá vào tôi nghe “bộp, bộp” rồi hét lên.
Này! Ngủ à?
Tôi thò đầu ra khỏi tấm chăn, nói:
Mẹ điên à? Tài xế taxi gì mà lái xe lúc say rượu vậy hả?
Mẹ cười không trả lời rồi nằm sấp lên tấm chăn. Mẹ cuộn người nhỏ lại như cái nắm đấm đang nắm rất chặt. Tôi lưỡng lự có nên đắp chăn cho mẹ không, rốt cuộc tôi để mặc mẹ như thế. Một hồi sau, chắc là do lạnh quá nên mẹ tự chui vào trong chăn.
Trong bóng tối. Tiếng thở của mẹ nhỏ dần. Mùi thuốc lá từ mẹ thoáng bay qua. Không hiểu sao bất giác tôi tức giận nghĩ “đúng là bà mẹ xấu xa!” rồi khoanh tay lại. Mẹ ngủ quay lưng về phía tôi, cuộn tròn như con tôm. Tôi nằm thẳng người nhìn lên trần nhà. Khoảng vắng vô cùng tĩnh mịch vuốt ve tiếng thở của mẹ. Thế rồi người mẹ mà tôi tưởng đang ngủ ấy lại đột ngột mở miệng. Bà cuộn người lại chặt hơn nữa, và nói một câu với giọng trầm mà không có bất kỳ sự oán giận hay gì cả về người cha đã chết.
"Vẫn đang mục rữa đấy chứ?"
Hôm ấy tôi đã thức trắng đêm với đôi mắt thao láo. Nhìn chằm chằm lên trần nhà, tôi lại gợi lên tất cả những hình ảnh mà tôi đã tưởng tượng về cha. Cha đi qua thành phố Fukuoka, băng qua quần đảo Borneo, hướng về phía đài thiên văn Greenwich mà chạy. Cha vòng quanh chân của tượng Nhân sư, đi qua Tòa nhà Empire State và vượt qua dãy núi Guadarrama. Cha, vừa cười vừa chạy. Cha, người thích chạy. Rồi tôi chợt nghĩ, cha đã chạy dưới ánh mặt trời chói chang suốt thời gian qua. Từ lâu, tôi đã mặc cho cha chiếc quần đùi dạ quang, mang cho cha đôi giày thể thao đế mềm, mặc cho cha thêm chiếc áo thun thoáng khí, tôi đã tưởng tượng tất cả những thứ cần thiết cho môn chạy bộ. Nhưng thật lạ là tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đeo kính râm cho ông ấy. Tôi đã không thể nghĩ đến chuyện, dù cha có là người vô tích sự và bệ bạc nhất trên đời đi nữa thì cha cũng có thể bệnh như những người khác, cũng có thể thích những thứ người khác thích. Hẳn là cha tôi đã luôn bị đau và chói mắt trong suốt mười mấy năm tôi tưởng tượng ra cảnh ông chạy không ngừng nghỉ. Vì vậy, tối nay, tôi quyết tâm đeo kính râm cho cha. Trước tiên tôi đã tưởng tượng ra khuôn mặt cha. Mặt cha đầy háo hức, nhưng để cố không lộ điều ấy ra ngoài, cha chỉ mím chặt môi cười. Cha nhắm mắt đứng yên. Hệt như một chàng trai đang chờ đợi nụ hôn. Tôi dùng đôi bàn tay to lớn của mình, đeo lên cho cha chiếc kính râm. Chiếc kính ấy rất hợp với cha. Và rồi giờ đây, có lẽ cha có thể chạy còn tốt hơn trước nữa.
[1] Căn phòng bán hầm (banjiha-bang): Banjiha là căn hộ nhỏ dưới tầng hầm thường thấy ở Seoul, Hàn Quốc. Xã hội Hàn Quốc đánh đồng những người sống trong kiểu căn hộ này là người nghèo bởi điều kiện sống tại đây chật chội, khổ sở và thiếu ánh sáng.
[2] Chân trái của tượng Nhân sư: người ta đã tìm thấy dưới chân trái của tượng Nhân sư một con đường hầm hẹp dẫn đến kim tự tháp Khafre. Cửa đường hầm này nằm ở độ sâu 2 m và dẫn xuống lối mòn đi sâu xuống lòng đất.
[3] Toà nhà Empire State: toà nhà cao 102 tầng tại New Yorrk, Mỹ. Nó từng giữ ngôi vị toà nhà cao nhất thế giới cho đến năm 1972.