- Văn học dịch
- Việt Nam có một “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc”
Việt Nam có một “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc”
Đường Đinh Lễ ở Hà Nội và Đường Sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là những địa điểm đọc sách lý tưởng cho những người yêu thích đọc sách ở Việt Nam. Tại đây, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những tác phẩm văn học của Trung Quốc: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi trong Tam Quốc, Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký, A Q trong sách của Lỗ Tấn, vùng quê Sơn Đông dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn Mạc Ngôn, truyện tiên hiệp, ma quái, truyện ngôn tình lãng mạn của văn học mạng ... Bên cạnh đó, Đường sách còn tổ chức rất nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa. Mới đây, Lễ thành lập “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc” tại Việt Nam đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Trịnh Bích Ngân, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn cùng giới văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo và sinh viên đại học yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc v.v. cũng tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó, buổi tọa đàm trực tuyến đầu tiên "Mộng Đổi Đời" của Nhà văn Trung Quốc Đông Tây cũng tổ chức cùng lúc.
Tác phẩm Văn học Trung Quốc luôn có lượng độc giả lớn ở Việt Nam. Anh Thành, một chủ hiệu sách của Hà Nội cho biết, doanh thu của các tác phẩm văn học truyền thống Trung Quốc như Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa luôn rất tốt, khách hàng từ già đến trẻ đều có. “Họ thích những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc vì họ thích những truyền thuyết anh hùng trong sách.” Anh Thành nói: “Một số người cao tuổi mua những cuốn sách này vì họ đã đọc qua trước đây, nay muốn sưu tầm lại để làm phong phú thêm tủ sách ở nhà. Một số người cao tuổi cũng đến mua trọn bộ Thủy hử và Tam quốc diễn nghĩa”.
Những cuốn tiểu thuyết võ hiệp đã làm mê mẩn bao thế hệ thanh niên Trung Quốc cũng thu hút rất nhiều người hâm mộ tại Việt Nam, những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lương Vũ Sinh, Kim Dung và Cổ Long được bày bán ở nhiều hiệu sách. Anh Thành cho biết: “Nhiều độc giả nam thích đọc tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, bởi những tình tiết về nghĩa hiệp và giao đấu rất gay cấn”. Sách của nhà văn Mạc Ngôn và Lỗ Tấn ở hiệu sách cũng có doanh số rất ổn định, sách của những nhà văn này không phải là chỉ hot khi mới xuất bản. Anh Thành nói: "Ở hiệu sách tôi, tác giả Lỗ Tấn, Mạc Ngôn và các tác phẩm kinh điển, cổ điển thu hút nhiều độc giả và những người trẻ thì thích truyện ngôn tình.”
Những năm gần đây, văn học mạng của Trung Quốc như “Thành phố văn học Tấn Giang” và “Dưới gốc cây đa” đã trở thành tâm điểm chú ý của một số người yêu thích văn học tại Việt Nam, họ theo dõi cập nhật các tác phẩm văn học Trung Quốc mà họ yêu thích. Linh, sinh viên Đại học Hà Nội, Việt Nam cho biết: “Tôi thích đọc truyện ngôn tình hiện đại của Trung Quốc, vì chúng kể những câu chuyện lãng mạn bằng ngôn ngữ rất đời thường.”
Chủ tịch Trịnh Bích Ngân cho biết, Hội Nhà văn Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh rất vui mừng khi sách của nhiều tác giả Trung Quốc trong nhiều thời kỳ qua liên tục được dịch sang tiếng Việt và phổ biến rộng rãi cho đông đảo độc giả Việt Nam, luôn được độc giả Việt Nam đón nhận. Bà cho biết: “Dòng chảy văn học Việt Nam hay Trung Quốc vẫn luôn mạnh mẽ trong đời sống văn học nghệ thuật của mỗi nước, thể hiện sinh động đời sống, tâm tư tình cảm của người dân và những biến động xã hội. Giao lưu tốt nhất giữa văn học Trung Quốc và Việt Nam là hai chiều, tôi rất mong sách dịch văn học Việt Nam sẽ sớm được xuất bản nhiều ở Trung Quốc nói chung và ở tỉnh Quảng Tây nói riêng và cũng được độc giả Trung Quốc nồng nhiệt đón nhận.”.
Văn học Trung Quốc được độc giả Việt Nam đón nhận, bên cạnh việc hai nước có cội nguồn văn hóa tương thông, còn không thể thiếu sự đóng góp của vô số dịch giả và nhà xuất bản. Nhà phát hành ChiBooks chính là đơn vị tiên phong giới thiệu các tác phẩm văn học Trung Quốc. Nhiều năm qua, ChiBooks đã liên tục giới thiệu các tác phẩm văn học xuất sắc của Trung Quốc vào Việt Nam.Tổng giám đốc Công ty sách Chibooks Nguyễn Lệ Chi cho biết, sau “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc”, chúng tôi dự định thành lập “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Việt Nam” tại Trung Quốc để giới thiệu các nhà văn Việt Nam tiêu biểu với độc giả Trung Quốc, để các nhà văn Việt Nam giao lưu rộng rãi với độc giả Trung Quốc.
Tham tán Bành Thế Đoàn cho rằng, thành lập “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc” tại Việt Nam, cũng như sau này thành lập “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Việt Nam” tại Trung Quốc đều sẽ thúc đẩy giao lưu văn học giữa Trung Quốc và Việt Nam, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và xây dựng cầu nối lòng dân tương thông vững chắc giữa hai nước.
Nguồn: https://vietnamese.cri.cn/