TIN TỨC

Tàn lửa hy vọng – Truyện ngắn của Choi Eun Young

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-07-09 20:21:08
mail facebook google pos stwis
931 lượt xem



Nhà văn Choi Eun Young

 

Tác giả: CHOI EUN YOUNG

Nhóm dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Hồ Diễm Nhi, Phạm Gia Hân, Nguyễn Trần Tùng Linh


Ki-nam đứng trước dây băng chuyền hành lý thật lâu. Một trong hai túi va li ký gửi từ Incheon vẫn chưa đến nơi. Một tiếng đồng hồ trôi qua, băng chuyền đã trở nên trống rỗng và những hành khách đi cùng chuyến bay với Ki-nam cũng đã rời đi. Ki-nam bồn chồn đứng tại đó.

“Có chuyện gì vậy cô?”

Một cô gái đội nón bóng chày màu đỏ hỏi Ki-nam bằng tiếng Hàn. Khi Ki-nam kể về sự tình thì cô ấy dẫn Ki-nam đến khu hành lý thất lạc. Cô gái xếp hàng đằng sau những người khác và hỏi Ki-nam rằng cô có việc gì mà lại đến Hồng Kông.

“Con gái út của tôi sống ở đây. Đã 5 năm rồi tôi chưa được gặp lại.”

“Đã 5 năm rồi ư?”

“Vâng. Vì trước đây con gái tôi đã sống ở Mỹ, rồi chuyển đến Hồng Kông.”

 “Cô đến Hồng Kông lần đầu ạ?”

“Vâng. Đây là lần đầu tiên.”

Ki-nam còn kể rằng bà có một cháu trai 7 tuổi, tên là Michael, dù không được hỏi về việc đó. Không biết có phải vì là người lạ nên mới ngượng ngùng hay không, trái lại bà còn nói được thật nhiều chuyện. Không lâu sau, nhân viên vẫy tay ra hiệu.

Cô gái đưa giấy nhận giữ hành lý của Ki-nam cho nhân viên và nói chuyện bằng tiếng Anh, sau đó cô ấy quay sang.

“Cô có địa chỉ ở đây không? Họ sẽ gửi hành lý đến đó khoảng một hai ngày.”

Ki-nam đưa cho người phụ nữ tờ giấy với địa chỉ nhà của con gái bà.

“Cô đừng lo lắng nhé, thỉnh thoảng chuyện này cũng hay xảy ra.”

Cô gái trẻ trông giống sinh viên đại học đã đối xử rất tốt với Ki-nam. Bà có vẻ hơi bất ngờ khi thấy người chưa từng gặp lại thân thiện và giúp đỡ bà như thế. Trên đường, bà trò chuyện với cô gái thêm nhiều điều để đỡ căng thẳng hơn. Khi cửa tự động ở sảnh mở ra, bà thấy Woo-kyung và Michael đang đứng phía trước. Woo-kyung liền vẫy tay với bà.

“Đó là con gái tôi đấy.”

Cô gái không thể biết được Ki-nam đã dựa dẫm và cảm kích như thế nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi vừa rồi.

“Chúc cô có khoảng thời gian vui vẻ ở Hồng Kông nhé.”

Cô gái mỉm cười với bà và rời đi.

“Sao lâu thế?”

“Có cái túi bị thất lạc nên....”

“Michael, chào bà đi chứ.”

Michael đang nhìn chăm chú, nghe vậy liền cúi đầu chào.

“Con chào bà ạ.”

Vì đây là lần đầu tiên bà gặp lại thằng bé kể từ khi Michael còn bé xíu nên bà lo rằng Michael sẽ ngại và không thích bà, nhưng khi cậu chạy đến nắm lấy tay bà, suy nghĩ đó đã không còn nữa. Bà nhớ đứa cháu đến mức nào, có lẽ thằng bé cũng không thể tưởng tượng được.

“Tại nó dễ thân với người lạ nên mới như thế. Mẹ đưa hành lý đây cho con.”

Họ bắt taxi về nhà Woo-kyung. Lúc bà rời Hàn Quốc, tuyết rơi dày đặc do đợt rét đậm rét hại, nhưng ở Hồng Kông lại là một ngày nắng ấm. Cùng là tháng 12 nhưng mùa đông ở Hồng Kông lại giống cuối thu ở Hàn. Trên taxi, Woo-kyung hỏi Ki-nam về chuyến đi, những thứ trong hành lý thất lạc và có thứ gì bà cần gấp hay không.

Trong lúc trả lời con gái, Ki-nam đã nhìn Michael vì thằng bé đã luôn cố thu hút sự chú ý của bà từ nãy đến giờ. Michael kéo khẩu trang xuống, để lộ hàng răng sún, khoác tay và tựa đầu vào người bà. Bàn tay nhỏ nhắn chạm vào Ki-nam, cùng cảm giác nặng nề của chiếc đầu ấy dấy lên những gợn sóng ấm áp trong lòng Ki-nam.

Khi xuống xe, Ki-nam nhìn lối vào chung cư cao tầng. Mọi người cùng đi thang máy lên tầng 17. Đó là một căn hộ hình chữ L, nhưng lại có nhiều người sống cùng 1 tầng hơn so với Hàn Quốc. Nhà của Woo-kyung nằm ở cuối dãy hành lang. Khi mở cửa, từ đâu có một người phụ nữ đeo tạp dề xuất hiện.

“Jane!”

Michael chạy đến và bắt đầu trò chuyện với cô gái đó bằng tiếng Anh.

“Đây là cô giúp việc cho gia đình con, Jane.”

“Chào cô.”

Jane cúi đầu chào Ki-nam bằng tiếng Hàn rồi đi thẳng vào bếp. Bà biết cô Jane này đã ở cùng gia đình con gái mình hơn 1 năm.

Vừa vào nhà, hai bên trái phải lối đi đều có phòng, trước mặt cũng có một căn phòng. Woo-kyung mở cửa căn phòng bên trái lối đi.

“Đây là phòng của Michael. Có hơi nhỏ một chút, mẹ cứ để hành lý ở đây đi.”

Nói xong, Woo-kyung lấy vali của mẹ đặt vào phòng. Phòng ngủ của Michael có một chiếc giường đơn, một cái bàn học và tủ quần áo nhựa. Căn phòng này hơi nhỏ hơn so với tưởng tượng. Ngay sau đó, Michael bước vào phòng liền bị mẹ lên tiếng nhắc nhở.

“Từ hôm nay trở đi, bà sẽ ngủ ở đây với Michael. Đừng có quấy bà đấy.”

“Con thích bà.”

Michael vừa nói vừa vùi mặt vào cánh tay Ki-nam.

“Còn đây là,”

Woo-kyung mở cánh cửa phòng đối diện. Tất cả các loại đồ đạc, mọi thứ đều được chất đống trên chiếc kệ lắp từ sàn đến trần nhà.

“Phòng ngủ của Jane.”

Nói xong, Woo-kyung dẫn Ki-nam đến phòng khách. Căn phòng còn lại dường như là phòng ngủ của vợ chồng Woo-kyung. Phòng khách có bàn kính thấp, ghế sofa bằng da, phía đối diện là tivi treo tường. Bên ngoài cửa sổ là quảng trường nhỏ và lối vào tàu điện ngầm. Có một bàn ăn riêng nằm giữa phòng khách và bếp. Bên cạnh bếp dường như là một phòng giặt ủi nhỏ.

 "Căn hộ này đắt hơn nhà con ở Los Angeles. Giá nhà ở Hồng Kông là như vậy mà."

Lúc đó Jane lấy ly nước cam và đặt lên bàn.

“Mẹ có vẻ rất ngạc nhiên nên con mới nói vậy. Con gái mẹ, chưa có nghèo đâu. Công việc của James cũng được thuận lợi hơn khi đến đây.” Woo-kyung cầm ly nước và đặt lên miệng.

"Con biết mẹ không thoải mái với James. Nhưng mà người mời mẹ đến là James."

Khi nghe tin James đang công tác ở Trung Quốc và quay về vào ngày hôm sau, Ki-nam cảm thấy yên lòng hơn.

 

Tối hôm đó, Woo-kyung dẫn Ki-nam đến nhà hàng của khách sạn, nơi có thể nhìn thấy cảnh đêm Hồng Kông qua cửa kính. Cá chiên với nước sốt chua ngọt, rau luộc và mì trứng đầy ngon miệng đã được bày ra. Woo-kyung ngăn cản khi Ki-nam gọi Cola, và bảo Ki-nam hãy uống trà hoa nhài. Ki-nam điềm đạm nghe theo lời cô ấy.

Woo-kyung ngồi trước Ki-nam với dáng vẻ của một người phụ nữ trẻ trung từ cách trang điểm, kiểu tóc, quần áo đến kiểu giày đầy sang trọng. Hình ảnh con gái nói chuyện với vẻ mặt nghiêm túc dưới ánh đèn của nhà hàng thật mới mẻ và lạ lẫm.

Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3, Woo-kyung đã chuyển đến Mỹ để du học. Woo-kyung học đại học ở đó và làm việc liên quan đến máy tính. Sau đó giữa độ tuổi 20, Woo-kyung kết hôn với James, người Mỹ gốc Hàn, và sinh ra Michael.

Kể từ lúc đi du học Mỹ, Woo-kyung đã bắt đầu giữ khoảng cách với gia đình. Cô luôn giữ thái độ lạnh nhạt với cả nhà, đến cả với bố cô cũng thế. Woo-kyung không hề nói một câu nào với người chị Jin-kyung của mình.

"Chị dạo này thế nào rồi mẹ?”

"Vẫn làm ở viện nghiên cứu thôi.”

“Những người trong công ty có biết không?”

“Biết cái gì mới được.”

"Còn gì nữa.”

Woo-kyung cười lạnh.

"Chị con nó cũng không phải là muốn như thế đâu.”

Woo-kyung đặt ly nước xuống, mở lời với Ki-nam.

"Nó đã 42 rồi đó. Mẹ vẫn còn xem nó là đứa con nít sao?”

"Sao lại gọi chị là nó.”

Ki-nam cố gắng nói chuyện với vẻ mặt bình tĩnh.

"Chị con bị bệnh đấy.”

Woo-kyung đã chuyển sang chủ đề khác ngay sau đó. Về việc đổi hai người giúp việc sau khi chuyển tới Hồng Kông, về trường học mà Michael đang theo học… Trong khi đó Ki-nam vẫn chưa thoát khỏi dư âm từ cuộc nói chuyện trước đó.

Một đêm mưa ở Hồng Kông. Khi Ki-nam còn nhỏ, bà tự hỏi Hồng Kông về đêm rực rỡ và xinh đẹp như thế nào. Radio hay trên TV, mọi người đều khen ngợi nó. Quả thật đúng như vậy. Lần đầu tiên trong đời bà được chiêm ngưỡng cảnh đêm tráng lệ đến thế. Tòa nhà chọc trời san sát, ánh đèn lấp lánh, màn trình diễn laser rực rỡ,... Trên những tòa nhà cao tầng khác, những hình ảnh biến ảo liên tục được dệt nên bằng ánh sáng, tạo nên một bức tranh lung linh huyền ảo. Chưa bao giờ bà tưởng tượng được rằng mình sẽ được nhìn thấy khung cảnh này trong đời. Cũng giống như bao điều bất ngờ và thú vị khác đã xảy ra trong cuộc đời Ki-nam vậy.

 

Nhà của Woo-kyung cho bà cảm giác lạnh lẽo đến thấu xương. Dù đã đắp thêm chiếc chăn bông dày, Ki-nam vẫn cảm nhận rõ cơn gió se lạnh luồn lách qua từng khe hở. Bà đứng dậy, mặc chiếc áo khoác phao treo trên móc. Nhìn ngắm khuôn mặt say ngủ của Michael, Ki-nam chìm đắm trong dòng suy nghĩ. Cậu bé ngủ rất say, đúng như một đứa trẻ. Như một người nhìn thấy ánh lửa giữa màn đêm khuya tối mịt, Ki-nam lặng lẽ nhìn cậu bé thật lâu rồi mới quay lại giường nằm xuống.

Dù đã uống nửa viên thuốc ngủ như thường lệ nhưng vẫn chưa thể đi vào giấc ngủ.. Từ nhỏ, Ki-nam vốn đã khó ngủ, và càng lớn tuổi, tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn. Mỗi tiếng động nhỏ nhất cũng đủ để Ki-nam tỉnh giấc, khiến bà ngủ chập chờn, không an giấc. Đồng hồ báo 5 giờ sáng, mở mắt và nhận ra mình không thể ngủ lại được nữa. Bà bước vào nhà vệ sinh, vệ sinh cá nhân và nhìn vào gương. Đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi. Ki-nam đưa tay vuốt nhẹ mái tóc, từng sợi từng sợi rụng trên tay bà.

Soi gương một lúc lâu, Ki-nam phát hiện đôi khuyên tai tròn bằng vàng mà bà thường đeo đã biến mất.

Dù cho có rơi ra thì chỉ một bên thôi. Hai bên biến mất hoàn toàn chẳng phải là điều kỳ lạ hay sao. Ki-nam lấy điện thoại ra kiểm tra hình ảnh của mình. Tối qua Woo-kyung đã chụp cho Ki-nam ở nhà hàng, nhưng rõ ràng lúc đó Ki-nam vẫn đeo bông tai. Bà lục lọi khắp các kệ nhà vệ sinh, túi đeo của mình, túi quần và túi áo khoác mà bà mặc hôm qua. Nhưng ở đâu cũng không có bông tai. Vài giờ sau, khi ăn sáng, Ki-nam nói với Woo-kyung.

"Đôi bông tai của mẹ. Mẹ không biết nó ở đâu nữa.”

"Chắc là để đâu đó rồi.”

Woo-kyung vừa ăn bánh mì nướng vừa đáp lời.

"Mẹ chưa bao giờ tháo nó ra. Mẹ tìm hết rồi nhưng không có."

Sau đó, Woo-kyung đã nói gì đó bằng tiếng Anh với Jane đang đứng ở bồn rửa bát. Ki-nam không thể hiểu được nhưng có cảm giác lạnh lùng và sắc sảo. Jane nghe vậy thì lắc đầu đáp, Woo-kyung lại lên giọng. Phải đến khi Michael nói gì đó bằng tiếng Anh với Woo-kyung, cô mới ngừng nói. Bầu không khí căng thẳng rõ ràng đang bao trùm căn bếp.

"Bông tai nó đâu thể nào tự rớt ra được. Chắc là mẹ để ở đâu đó rồi. Phải cẩn thận chứ. Ở đây không chỉ có gia đình mình sống thôi, mà mẹ thì…”

"Ý con là sao?"

“Là mẹ phải cẩn thận với người khác.”

Ki-nam thấy nụ cười đang dần biến mất trên khuôn mặt của Michael. Ki-nam cố gắng gượng cười và kể với Michael về chuyện này chuyện kia. Thấy vậy, Woo-kyung cũng bắt đầu trò chuyện vui vẻ trở lại như quên bẵng đi cuộc tranh cãi vừa rồi. Ki-nam lặng lẽ nhìn bóng dáng dọn dẹp căn bếp của Jane. Khi Michael ăn xong, Jane cầm lấy túi của Michael và đi ra ngoài. Cô nói sẽ đưa Michael đến trường. Chén bát cần rửa vẫn còn trong bồn nên Ki-nam đi đến đó.

“Mẹ cứ để yên đi. Đó là nhiệm vụ của người giúp việc.”

“Cái này có gì nhiều đâu…”

“Nếu mẹ làm như vậy thì Jane không thoải mái. Khi Jane đưa cho mẹ cái gì cũng không cần nói “Thank you”,”Thank you”. Mẹ không cần đối xử tốt như thế với người giúp việc đâu. Mẹ lúc nào cũng như vậy.”

Ki-nam không đáp lại lời nào, rồi bỏ miếng bọt biển ngay tại bồn rửa và đi vào phòng. Vừa đến Hồng Kông chưa hết một ngày, Ki-nam đã cảm thấy mệt mỏi. Ki-nam nghĩ là Woo-kyung cũng sẽ cảm thấy như vậy. Vì Ki-nam đến thăm nên Woo-kyung đã xin nghỉ hai ngày phép năm vào thứ năm và thứ sáu, để ở cùng Ki-nam suốt bốn ngày đến cuối tuần. Woo-kyung nói hôm nay cũng sẽ đưa bà tham quan các điểm du lịch ở Hồng Kông. Sau khi đóng cửa phòng, Ki-nam uống thuốc. Thuốc mỡ máu, thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm… Sau khi uống hết thuốc, Ki-nam nhỏ hai loại thuốc lần lượt vào mắt mình.

Ki-nam trấn an bản thân, rồi bắt đầu chuẩn bị để ra ngoài. Vì muốn thật chỉn chu trước Woo-kyung nên Ki-nam đã mặc chiếc váy liền màu kem cùng với chiếc tất quần. Ở trên thì mặc áo khoác phao màu đen và quấn túi đeo chéo đan bằng len màu hạt dẻ. Sau khi tô son màu hồng, đeo khẩu trang và bước ra ngoài, Ki-nam thấy Woo-kyung mở cửa phòng của Jane và tìn kiếm đồ đạc trên hộc tủ. Woo-kyung lấy cây dù màu đen ra trong đống đồ lộn xộn đó và đưa cho Ki-nam.

“Chắc bữa nào phải dọn dẹp phòng này thôi. Cái này mới chỉ gỡ mấy thùng đồ thôi chứ chưa dọn dẹp qua lần nào hết.”

Trên sàn là chăn nệm được xếp ngay ngắn của Jane.

 

   Căn phòng lúc nhỏ của Ki-nam là ở cạnh phòng bếp. Trong căn phòng nó có hai cánh cửa. Mặc dù có thể khóa cánh cửa dẫn ra khu vườn sau, nhưng ai cũng có thể mở cánh cửa từ phòng bếp bất kỳ lúc nào. Ki-nam vẫn còn thấy chạnh lòng mỗi khi đến mùa đông. Bởi vì cơ thể bà nhớ khoảng thời gian trong căn phòng đó lạnh lẽo như thế nào, nỗi đau đó làm con người không chịu đựng được. Trong giấc mơ, Ki-nam thường xuyên đến căn phòng đó. Bà vẫn luôn đến căn phòng đó với số tuổi hiện tại, dù đã 50 năm trôi qua.

Ki-nam làm người giúp việc từ năm 9 tuổi. Bà phải chuẩn bị thức ăn cho bảy người (trừ Ki-nam), rửa chén, quét dọn và lau chùi. Không lâu sau đó, Ki-nam phải tự giặt đồ bằng tay và nấu cơm.

    Ki-nam vẫn nghĩ rằng bản thân mình khác với những người giúp việc khác. Ai lại cho người giúp việc đến trường. Khi hàng xóm thấy Ki-nam đi ngang qua, họ đã gọi bà là người giúp việc nhà Giám đốc Kwon. Gia đình đó có bốn người, người con út nhỏ hơn Ki-nam ba tuổi vui vẻ gọi Ki-nam là “chị giúp việc”. Tuy vậy, những đứa trẻ khác gọi Ki-nam bằng tên.

   Khi còn nhỏ, Ki-nam muốn trở thành người trong gia đình của Giám đốc Kwon. Bà nghĩ rằng nếu như mình cố gắng hết sức, không biết chừng sẽ thành người trong gia đình họ. Vì vậy, cho dù có nghe chuyện gì, cho dù gặp phải chuyện gì, bà cũng cố gắng để suy nghĩ tích cực. Bởi vì việc lừa dối bản thân dễ dàng hơn việc thừa nhận rằng mình chỉ có một mình. Thời gian qua đi, sau khi lừa dối bản thân đủ nhiều, Ki-nam chấp nhận rằng bản thân không là gì với họ.

   Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học, Ki-nam bắt đầu làm việc trong phòng bếp ở nhà máy của Giám đốc Kwon. Bà cùng một người phụ nữ họ Kim thực hiện công việc nấu cơm cho 30 người. Dù bà Kim không thể đứng thẳng lưng, bà nhanh tay và có sức lực. Tám người con của bà đã kết hôn, và nói rằng nếu không làm việc còn thấy đau hơn. Khi Ki-nam mắc sai sót trong công việc, bà liền nổi giận. Lúc đầu, bà ấy ít nói và không cười nhiều, nên Ki-nam không thích bà.

   Khi Ki-nam kể lại mình được chăm sóc và đến trường từ nhỏ nhờ Giám đốc, bà Kim đáp lại trong khi vẫn đang phì phèo khói thuốc.

   "Cô đã được hưởng lợi gì chưa? Làm việc ở đây không được trả lương mà? Giám đốc lợi dụng đứa trẻ như một công cụ mà còn làm ra vẻ hào phóng.”

Đây là lần đầu tiên bà nghe chuyện này, vì vậy Ki-nam không muốn nghe bà ấy nói.

“Giám đốc Kwon là dân kinh doanh mà, sẽ không phải để mình thua lỗ đâu. Hừm, ông ta tốt bụng mà nuôi cô chắc. Ông ta còn trả tiền cho nhà cô để nuôi cô đấy. Tôi tận mắt chứng kiến."

 Bà Kim nói rằng bố mẹ của Ki-nam là những người giàu có như giám đốc. Chỉ là không chịu khó nuôi dưỡng thôi, không thể chịu đựng thêm cô con gái thứ sáu khi không có con trai. Họ bán Ki-nam với giá rẻ.

"Đối xử với máu mủ của mình như vậy, chẳng biết là có bị trừng phạt hay không nữa ····"·

Bà tặc lưỡi lẩm bẩm rồi lột vỏ tỏi. Ki-nam ban đầu không thoải mái với bà, nhưng sau khi gặp bà Kim, Ki-nam đã có thể nhìn gia đình của giám đốc Kwon với một cái nhìn khác. Dù rất giàu nhưng họ vẫn là những người keo kiệt. Ngay cả trong những ngày lạnh giá, họ vẫn để cho căn phòng Ki-nam lạnh như vậy. Họ mở cửa bất cứ lúc nào và mượn tay Ki-nam để làm những việc vặt vãnh nhất. Họ lo Ki-nam sẽ ăn thịt dù chỉ một chút món ăn kèm thịt, thậm chí trái cây thối rữa thì họ cũng không để Gi-nam ăn. Ki-nam biết hết những việc đó. Nhưng Ki-nam cố tin rằng chắc họ có việc riêng mà bà không biết. Nó ít đau đớn hơn việc thừa nhật sự thật rằng bà đang bị lợi dụng. Nhưng khi làm việc cùng bà Kim, Ki-nam đã gỡ được gốc rễ của sự lường gạt mà bà từng dựa dẫm vào. Ki-nam đã dũng cảm đòi lương từ giám đốc Kwon. Ngày qua ngày, Ki-nam ngày càng cảm thấy tức giận đối với giám đốc, và sự tức giận đó đã trở thành một thần dược cho Ki-nam.

*

   Bước lên du thuyền, cảm giác như lạc vào những khối tuyết khổng lồ. Con thuyền lắc lư giữa dòng theo con sóng, hai bên eo biển là những tòa nhà cao tầng san sát nhau. Cảnh tượng này thật chẳng giống như hiện thực chút nào. Sau khi đi qua các điểm tham quan  theo sự dẫn dắt của Woo-kyung, họ đã đến một nhà hàng nơi Trương Quốc Vinh thường ghé ăn dim sum, và cũng là lần đầu tiên bà được đi thử xe điện.

   Khi con tàu rời bến, Woo-kyung tiến về phía trước, tựa người vào lan can và nhìn xa xăm. Mái tóc dài tung bay trong gió. Cảm giác Woo-kyung luôn là người xa cách, dù con gái ở trước mắt bà, Ki-nam vẫn cảm thấy Woo-kyung rất xa cách.

   Woo-kyung chào đời khi Jin-kyung lên tám. Khác với Jin-kyung nhút nhát và trầm lặng, Woo-kyung là một đứa trẻ hoạt bát và năng động. Khi chơi đùa cùng những đứa trẻ khác trong xóm, Woo-kyung luôn là thủ lĩnh. Chồng luôn thiên vị Woo-kyung một cách rõ ràng. Ông hiếm khi dành lời khen cho Jin-kyung, thay vào đó lại luôn nghiêm khắc với cô. Ngược lại, ông đối xử dịu dàng với Woo-kyung và thường xuyên khen ngợi trước mặt đứa còn lại. Khi hai đứa con cãi nhau, chồng luôn bênh vực Woo-kyung, bất kể ai đúng ai sai. Ông luôn khẳng định "Đó là lỗi của đứa lớn". Thậm chí khi Woo-kyung nghịch ngợm và bị thương, chồng cũng trút giận lên Jin-kyung, trách móc cô không biết trông em gái cẩn thận. Còn Jin-kyung không bao giờ dám cãi lại chồng. "Con xin lỗi, ba. Con sai rồi ", con bé luôn sẵn sàng nhận lỗi.

   Đó là khi Jin-kyung đang học tiến sĩ và Woo-kyung đang học lớp 12. Vào một đêm, Jin-kyung ngã từ cầu thang tầng hai xuống đất. Do say rượu và loạng chạng, cô đã bước hụt chân và rơi xuống. "Mẹ ơi!", nghe thấy tiếng hét của Woo-kyung, Ki-nam vội vã chạy tới, máu chảy rỉ từ vết thương rách trên trán Jin-kyung. Cô say đến mức không thể mở mắt. Mùi rượu bốc lên nồng nặc.

   “Chị bị nghiện rượu rồi”

   Hôm sau, khi cả gia đình quây quần bên mâm cơm, Woo-kyung lên tiếng. Ki-nam cho rằng Woo-kyung đang nói những điều vô lý. Jin-kyung vốn là một cô con gái ngoan ngoãn và thông minh. Cô đang đảm nhiệm một dự án lớn ở phòng thí nghiệm và thậm chí làm việc vào cuối tuần. Cô chưa bao giờ say xỉn gây rối hay về nhà quá giờ giới nghiêm 12 giờ đêm. Đúng là Jin-kyung thường xuyên về nhà trong tình trạng say khướt, nhưng dù sao cô cũng đã ngoài 20 rồi. Ki-nam nghĩ rằng đó là chuyện bình thường khi những người trẻ tuổi tụ tập và uống rượu cùng nhau.

   "Woo-kyung nói đúng."

   Jin-kyung nói rồi lặng lẽ cúi đầu.

   "Bà nuôi dạy con cái kiểu gì vậy hả!”

   Người chồng quay sang hét với Ki-nam.

   "Đúng là con hư tại mẹ mà.”

   "Ba!”

   Jin-kyung gọi lớn.

   "Ba đừng trách mẹ. Là do con.”

   "Mày thì có gì hay mà lớn tiếng ở đây?”

   "Con xin lỗi. Đều là lỗi của con.”

   Jin-kyung còn chưa dứt câu, Woo-kyung đã đứng dậy và đi lên lầu 2.

   "Mày còn không biết tao đã nuôi dạy mày thế nào à? Tiêu một mớ tiền để học lên Thạc sĩ, để rồi mày báo hiếu như thế đó hả?”

   "Con xin lỗi.”

   "Lập tức dọn đồ cuốn gói ra khỏi nhà ngay!”

   "Con xin lỗi. Con xin lỗi ba.”

   Nếu giữ Jin-kyung đến cùng, nếu thuyết phục chồng thì liệu kết quả có khác đi không… Lúc đó, Ki-nam đã quả quyết rằng mình sẽ không thể thay đổi suy nghĩ của chồng được. Nhưng lý do thật sự chỉ có vậy thôi sao… Ki-nam vừa nhìn mặt biển nhấp nhô vừa chìm trong suy nghĩ. Lúc ấy chẳng phải là do bà chỉ muốn tránh xa sự xung đột của chồng với Jin-kyung thôi hay sao.

   Bà tự viện cớ rằng sẽ không thể nào làm lung lay bản tính cố chấp của người chồng, không phải bà không quan tâm đến Jin-kyung. Vì đó là cách đơn giản nhất.

   Khi Jin-kyung rời đi, chồng bà đã dịu hẳn. Dường như chẳng còn việc gì phải nổi giận ngay trên bàn ăn, hay phải nói những lời khó nghe với Jin-kyung nữa, bầu không khí trong nhà đã bình yên hơn. Không lâu sau đó, Woo-kyung đến Mỹ. Cô ấy không quay lại Hàn nữa, và cũng không gọi gia đình sang. Cuộc gặp mặt duy nhất là khi cô mời gia đình sang dự đám cưới ở Mỹ.

   Hơn tất cả mọi người trong gia đình, Woo-kyung ghét cay ghét đắng hình ảnh nghiện rượu của Jin-kyung, chị gái mình. Ban đầu cô cũng rất tức giận, thậm chí là trách cứ chị, nhưng sau khi đến Mỹ thì cô lại phản ứng rất lạnh lùng với những chuyện liên quan đến Jin-kyung và xem chị gái mình như người dưng(một người không tồn tại). Woo-kyung khá là xem thường chị gái mình. Bởi lẽ vậy, việc Woo-kyung mời Ki-nam và Jin-kyung sang Mỹ chơi vào 5 năm trước lại càng đặc biệt hơn. Đó là chuyện xảy ra sau khi ba cô mất đi.

   Tàu đã đậu ở bờ đối diện.

   "Mình nghỉ chân một lát rồi đi tiếp nhé?”

   Trước lời đề nghị của mẹ, Woo-kyung gật đầu. Cả hai ngồi trên một băng ghế dài, cùng ngắm bầu trời và biển lấp lánh ánh vàng rực rỡ.

   "Gần đây ngày nào mẹ cũng đánh bóng bàn sao?”

Woo-kyung hỏi.

“Mỗi ngày mẹ đều đi. Nhờ vậy cơ thể cũng tốt lên mới đến đây được.”

“Đi được bao lâu rồi?”

"Năm năm. Mẹ đăng ký lần đầu tiên đăng ký sau khi đi Mỹ về."

Ki-nam nhìn Woo-kyung, phía sau Woo-kyung mặt trời đang tỏa sáng rực rỡ lúc hoàng hôn. Vì quá chói mắt, Ki-nam phải nheo mắt lại và giơ tay lên che.

"Nhờ có con mẹ mới được ngắm nhìn quang cảnh này. Nào là Mỹ, nào là Hồng Kông. Không nhờ con sao mẹ được thăm thú chứ.”

"Ừ thì, nơi nào người ta cũng sống như nhau thôi."

Woo-kyung nói vậy nhưng lại không thể sống ở Hàn Quốc, Ki-nam bỗng dưng muốn hỏi lý do vì sao.

"Giá mà Jin-kyung cũng đi cùng..."

"Lúc ở Mỹ thấy cái cảnh đó rồi mà mẹ vẫn còn nghĩ như vậy sao?"

Ki-nam không đáp lại.

Năm năm trước khi được mời sang Mỹ, Jin-kyung không ở lại nhà Woo-kyung mà ở nhà của người bạn đại học đang du học ở đó. Và trong suốt mười ngày đó cô chỉ đến nhà Woo-kyung đúng hai lần. Ngày tiếp theo khi Ki-nam và Jin-kyung đến Mỹ, Woo-kyung đã mời Jin-kyung đi ăn tối. Nếu là người không biết chuyện của họ, có lẽ sẽ nghĩ đó chỉ là một buổi tối vui vẻ. Nhưng khi nghe những câu chuyện quá mức sôi nổi và vui vẻ của các con, Ki-nam lại cảm thấy đau lòng. Bởi trong mắt bà, hai đứa đang cố gắng để không chia sẻ cảm xúc thực sự của mình.

Khi đến Mỹ, Jin-kyung đã ngừng uống rượu được một thời gian khá lâu. Không còn ngửi thấy mùi rượu nhẹ pha lẫn với mùi nước hoa nữa, và Jin-kyung cũng tự tin hơn nhiều về việc cai rượu của mình. Jin-kyung thậm chí không uống một giọt rượu nào ở nhà Woo-kyung. Ki-nam dè dặt nói với Woo-kyung rằng Jin-kyung đã cai rượu được hơn nửa năm. Tuy nhiên, Woo-kyung không tin điều đó.

Hôm đó là ngày trước khi rời Mỹ. Woo-kyung đã mời Jin-kyung đến dự bữa tối chia tay. Khi Jin-kyung bước vào cửa, Ki-nam ngửi thấy một mùi hương mà bà đã không thể nhận ra trong một thời gian dài. Mùi nước hoa nồng nàn che đi mùi rượu đặc trưng... Ngoài điều đó ra, không có dấu hiệu nào khác trong lời nói và hành động của Jin-kyung cho thấy cô đã uống rượu. Có vẻ Woo-kyung cũng không nhận ra Jin-kyung đã uống rượu. Ki-nam cẩn thận dẫn Jin-kyung ra ngoài để cô không lại gần Woo-kyung.

James gọi cả gia đình vào phòng khách để khoe những bức ảnh anh đi nghỉ ở Botswana cùng với đối tác kinh doanh. Anh bật màn hình TV và bắt đầu giới thiệu từng bức ảnh. Những bức ảnh được chụp bằng điện thoại di động khá bình thường. Ảnh chụp bầu trời từ trên máy bay, ảnh sảnh khách sạn, ảnh đồ ăn, ảnh người dân địa phương... Tiếp theo là hình ảnh James và hai người đàn ông da trắng trung niên giơ ngón cái trước chiếc xe lớn phủ đầy bụi. Sau đó là cảnh trên thảo nguyên.

"Nhìn xem."

James cười tươi nhìn Ki-nam. Trên màn hình là một con voi khổng lồ đang nằm nghiêng. Bên cạnh đầu voi, James và người đàn ông da trắng mỗi người cầm một khẩu súng trường và cười vui vẻ. James tiếp tục chiếu những bức ảnh chụp từ nhiều góc độ khác nhau. Ảnh chụp gần, ảnh chụp xa, ảnh tập trung vào khuôn mặt dính máu của con voi... "Những bức ảnh kỷ niệm" cứ tiếp tục và Ki-nam giả vờ nhìn ảnh, nhưng lại hướng mắt về góc màn hình.

"Đó là cái gì? Cái ở đằng sau kìa."

Woo-kyung chỉ vào màn hình hỏi.

"À. Cái đó hả? Dù sao thì con non cũng không sống được nếu mẹ nó chết. Bắn thôi."

James vừa dứt lời, Jin-kyung bật khỏi ghế. Từ kẽ ngón tay đang che miệng của Jin-kyung, chất lỏng màu tím bắt đầu chảy ra. Jin-kyung nôn thốc nôn tháo. Woo-kyung lấy chiếc khăn trên ghế sofa và tiến về phía Jin-kyung. Cô quỳ xuống trước Jin-kyung và bắt đầu lau chiếc thảm len màu ngà voi đã nhuộm tím. Ki-nam liền lấy hộp khăn giấy trên bàn lau mặt và tay của Jin-kyung đang vật vã. Đôi mắt đỏ ngầu, khuôn mặt, cổ và tai của Jin-kyung ửng lên...

Lúc đó Ki-nam chỉ nhớ có tiếng quạt trần quay vù vù. Không ăn gì chỉ uống rượu vang nên nôn ra toàn màu tím.

"Chắc là nó mệt rồi... còn lệch múi giờ nữa."

Ki-nam lẩm bẩm với khuôn mặt đỏ bừng trong khi Jin-kyung đi vào nhà vệ sinh. Woo-kyung lên tiếng.

“Lee Jin-kyung vẫn còn uống rượu à?"

Nghe vậy, mặt, lưng và ngực Ki-nam nóng ran và tê tái như bị thiêu đốt. Quay lại phía sau, Ki-nam thấy James đang khoanh tay nhìn mình. Phía sau anh ta, hình ảnh ba người đàn ông cười tươi bên cạnh con voi con chết nằm trong vũng máu hiện ra.

"Vẫn còn uống à?"

Ki-nam lắc đầu với Woo-kyung.

"Vậy cái này là cái gì?"

Woo-kyung giơ chiếc khăn trước mặt Ki-nam rồi bỏ đi.

Trên tấm thảm len màu ngà vẫn còn vết bẩn màu tím đậm. Ki-nam lấy khăn giấy lau tấm thảm.

"Cứ để đó."

James nói.

"Mẹ cứ để yên đó và ngồi nghỉ đi."

James tắt màn hình và ngồi xuống chiếc ghế sofa đối diện Ki-nam, nhìn vào điện thoại. Qua cửa sổ, Ki-nam nhìn thấy những đứa trẻ đang đạp xe ngang qua. Bà ngồi yên lặng, cảm thấy như máu đang rút khỏi lòng bàn chân. Không lâu sau, Jin-kyung bước ra. Chiếc váy cô ướt sũng vì nước, có lẽ do cố lau vết bẩn dính trên áo.

“Con đi đây.”

"Đi sớm vậy?"

James cười và vẫy tay chào.

"Có cần gọi Uber cho không?"

"James."

Jin-kyung trầm giọng khiến nụ cười trên khuôn mặt anh tắt lịm. Ki-nam đứng dậy và nắm lấy tay Jin-kyung. Đủ rồi. Nhịn đi. Dù không nói thành lời, nhưng Jin-kyung dường như hiểu được ý Ki-nam và tiếp tục nói một cách bình thản.

"Không cần Uber đâu. Mẹ. Con sẽ đi. Đừng theo con. Mai mình gặp lại ở sân bay."

Ki-nam lặng nhìn theo bóng dáng Jin-kyung khi cô lấy túi và bước ra ngoài. Không ai nhắc lại chuyện đó, nhưng sự việc hôm ấy vẫn hiện hữu rõ ràng trong sự im lặng giữa Woo-kyung và Ki-nam.

*

Sau một ngày trải qua cùng Woo-kyung trở về, Ki-nam không chợp mắt nổi. Dù đã uống thêm nửa viên thuốc ngủ nhưng cũng không có hiệu quả gì mấy. Bà nghe thấy tiếng mở cửa ra vào. Lúc đó là một giờ khuya. Ánh sáng lọt qua khe cửa.

Là tiếng nói chuyện của Woo-kyung và chồng, James. Hình như James vừa đi công tác ở Trung Quốc về. Thường ngày hai người họ đối thoại với nhau bằng tiếng Hàn nhưng không hiểu sao hôm nay lại nói bằng tiếng Anh. Dù không không hiểu lắm nhưng bầu không khí chắc chắn không ổn. Nghe giọng của con gái, Ki-nam biết Woo-kyung đang tức giận vì một vấn đề nào đó, con bé đang phàn nàn với chồng vì sự tủi thân nào đó. Phải chăng là về cuộc trò chuyện ban nãy về Jin-kyung… Nhưng nó cũng không phải chuyện gì không nói được. Woo-kyung và James đã thảo luận suốt 30 phút đồng hồ rồi quay về phòng. Ki-nam trằn trọc mãi, lâu sau mới đi vào giấc ngủ được.

Vừa mở mắt, Ki-nam thấy bóng dáng Michael nằm ngay cạnh và đang nhìn chăm chú vào mình.

“Bà.”

“Ừm.”

“Bà ngủ mơ sao?”

“Ừ chắc là thế…”

“Bà có buồn không?”

Ki-nam yên lặng nhìn cậu.

“Ừ cũng hơi buồn nhỉ.”

“Không sao đâu mà. Chỉ là mơ thôi.”

Cậu nhóc mỉm cười nhìn Ki-nam. Michael hệt như những quả cầu pha lê trong trẻo đáng yêu vậy. Dù chỉ mới gắn bó với nhau vài ngày ngắn ngủi, nhưng tình cảm bà dành cho Michael dường như rất sâu sắc.

“Hôm nay bà phải chơi thật vui nhé.”

“Được.”

“Bà hứa nhé.”

“Ta hứa.”

Ra đến phòng khách, Ki-nam thấy con gái đang ở trong bếp gọt xoài.

“Jane đâu?”

Ki-nam hỏi.

“Cuối tuần Jane không ở đây.”

“Vậy con bé ngủ ở đâu?”

“Sao con biết được. Chắc là ở đâu đó.”

Ki-nam không thể hiểu nổi sự lạnh lùng của con gái mình. Luôn là như vậy. Cô giáo chủ nhiệm hồi bé mà Woo-kyung thích và thường lẽo đẽo theo sau cũng thành người dưng ngay khi không còn chủ nhiệm nữa. Mỗi khi Ki-nam hỏi:” Con không nhớ cô giáo đó sao?”, câu trả lời của Woo-kyung sẽ luôn là:”Tại sao con phải nhớ?”.

Đến tuổi dậy thì, Woo Kyung còn trách Ki-nam rằng bà quá tình cảm và phụ thuộc vào người khác một cách không cần thiết.

“Michael, tối qua ba có về nhưng ba đã đi nữa rồi. Ba bận lắm.”

Michael đáp gọn bằng tiếng Anh, ngồi vào bàn ăn và dùng nĩa để ăn xoài.

“Hành lý của mẹ vẫn chưa thấy tin gì. Lỡ trong đó có đồ gì quan trọng thì phải làm sao?”

Trong đó hầu hết là đồ ăn và quà tặng dành cho gia đình Woo-kyung. Từ lúc nghe Woo-kyung bảo Michael thích rùa, Ki-nam đã sưu tập gấu bông, đồ chơi, hình dán và truyện tranh có hình con rùa. Tất cả những thứ đó đều ở trong chiếc vali thất lạc kia.

Ki-nam, Woo-kyung và Michael bắt taxi đến trạm cáp treo. Michael khoe rằng cáp treo này là cáp treo dài nhất châu Á. Cáp treo đi ngang qua biển trong 25 phút và trạm dừng chính là hòn đảo có chùa và tượng Phật bằng đồng khổng lồ.

Có lẽ vì là buổi sáng nên hàng chờ không quá dài. Chỉ ít lâu sau, ba người họ được lên cáp treo. Cáp treo nhanh chóng rời trạm và di chuyển lơ lửng trên không.

Sàn của cabin được làm bằng kính nên có thể cảm nhận được mình đang ở độ cao bao nhiêu. Ban đầu Ki-nam khá hoảng hốt, nhưng khi cabin tràn ngập ánh nắng ấm áp buổi sớm thì bà lại thấy thoải mái và bình yên. Cáp treo nhanh chóng di chuyển. Đập vào mắt Ki-nam là một đại dương bao la vô tận. Ánh sáng ban mai từ mặt trời đã làm cho mặt biển lấp lánh như tờ giấy bóng xanh mịn, phập phồng lên xuống.

“Bà ơi, bà biết rùa có tuổi thọ là bao lâu không?”

“Để xem nào…. 100 tuổi?”

“Giống rùa voi có thể sống đến 150 tuổi. Còn rùa Adwaita có thể sống đến tận 200 tuổi lận đấy ạ!”

Michael chia sẻ với Ki-nam với vẻ mặt tự hào. Ở cùng Michael vài ngày, Ki-nam đã biết thêm rất nhiều điều về rùa, chẳng hạn như sự khác biệt giữa rùa cạn, rùa nước ngọt và rùa đầm lầy, về phổi của rùa có chức năng  như mang cá… Michael huyên thuyên về rùa và không có hồi kết. Các từ học thuật liên quan đến loài rùa cũng được cậu bé nói rất tự nhiên. Khi thấy Michael như thế,Ki-nam thấy tim mình thổn thức sau một quãng thời gian dài chai sạn. Một đứa trẻ thích thú và chịu tìm hiểu chuyên sâu về một điều gì đó như thế này, bà rất mong đợi không biết Michael mai này sẽ lớn lên như thế nào, có những trải nghiệm tuyệt vời gì, đối với cậu bé, thế giới này là một nơi để cậu thỏa sức trải nghiệm và khám phá. Sau một hồi ồn ào, Michael tựa người vào Ki-nam rồi ngủ thiếp đi. Ki-nam nhìn con gái, đang đeo kính râm sẫm màu ở phía đối diện và đang thả hồn phóng tầm mắt ra ngoài cửa sổ.

Lúc được con gái mời đến Hồng Kông, Ki-nam vừa mừng vừa thấy nhẹ nhõm. Không hiểu sao trong lòng bà vui lắm, rất phấn khích và muốn khoe với những người cùng chơi bóng bàn rằng bà sẽ đến nhà con gái ở Hồng Kông, dù bà không định làm như thế.

Thỉnh thoảng Woo-kyung có gọi video hoặc gửi ảnh Michael cho bà, bà đều sẽ kể lại cuộc trò chuyện với con gái hoặc cho họ xem hình của Michael, như thể tình cảm giữa mình và Woo-kyung rất thân thiết. Bà không thể bày tỏ với bất kỳ ai rằng chính đứa con gái ấy lại rất khó gần với bà.

Trong chuyến du lịch lần này cũng tương tự như vậy. Không biết từ lúc nào, Ki-nam luôn sợ bản thân mắc sai lầm trước mặt con gái. Ki-nam thấp thỏm lo lắng mỗi khi trao đổi với Woo-kyung dù chỉ là những việc thường ngày. Mấy ngày đầu Ki-nam còn cố gắng bắt chuyện, hỏi này hỏi kia, nhưng về sau bà lại ít nói chuyện với Woo-kyung hơn. Bà tự thấy bản thân mình ngu ngốc khi thầm mong đợi chuyến đi này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách cố hữu suốt thời gian qua. Chỉ riêng việc mình được mời sang Hồng Kông, Ki-nam cũng đã rất cảm kích rồi, nhưng bà không biết việc mình mong chờ nhiều hơn thế có phải là sai lầm hay không.

Từ nhỏ, Woo-kyung đã rất quấn và gần ba hơn là gần mẹ. Nhưng khi ấy không có xa cách như bây giờ. Ki-nam tự hỏi bản thân, khoảng cách giữa bà và Woo-kyung xuất hiện từ khi nào, Ki-nam không cầm được nước mắt. Đúng là có một vài mâu thuẫn nhỏ khi Woo-kyung còn bé, nhưng không biết được lý do rõ ràng là gì. Càng trưởng thành càng nhận ra, sẽ chẳng có ai kề bên mình ngoài gia đình. Dù Ki-nam giả vờ không để ý đến lời của những người bạn chơi bóng bàn cùng, nhưng trên đường về nhà bà lại cô đơn, tủi thân.

Woo-kyung còn không đến tang lễ của ba cô.

Tang lễ của chồng bà hiu quạnh đến mức không thể tin được rằng đây là đám tang của một chủ doanh nghiệp tư nhân. Sau khi kết thúc việc kinh doanh, ít khi có người đến tìm chồng Ki-nam. Ông bị tổn thương sâu sắc bởi Woo-kyung, đứa con gái đã cắt đứt mọi liên lạc với mình. Ông tin rằng Woo-kyung tránh né mình vì gia đình đã không còn giàu có và danh tiếng như trước, nhưng thật ra không phải vậy. Con bé vẫn luôn giữ khoảng cách ngay cả khi gia đình đang làm nên ăn ra.

Không biết đã bao lâu rồi, kể từ khi vào cáp treo. Hình dáng chính diện của Đức Phật đồ sộ đang dần hiện ra trước mắt Ki-nam. Đức Phật đang ngồi tọa thiền, một tay đặt lên đầu gối, tay còn lại hướng lòng bàn tay về phía trước. Đài sen khổng lồ bao quanh tượng Phật thành một vòng tròn. Phía sau tượng Phật chỉ còn lại bầu trời nên bức tượng trông như đang lơ lửng trên không.

“Chả biết Michael giống ai mà ngủ nhiều như vậy.”

Woo-kyung nhìn Michael đang dựa vào Ki-nam ngủ say, nói.

“Hồi con cỡ tuổi thằng bé, con cũng ngủ nhiều lắm đó.”

“Con hả?”

“Đúng thế. Không có đứa con nít nào ngủ nhiều hơn con đâu.”

“Con không nhớ lắm.”

“Sao không chứ, lúc con còn nhỏ, vừa leo lên xe bus là ngủ liền còn gì. Lúc đó do con bé quá, mới đầu chú tài xế còn không thấy con nữa mà…”

“Mẹ nói chuyện đó một lần nữa là thành lần thứ 100 rồi.”

Woo-kyung lấy điện thoại ra từ túi rồi gửi tin nhắn cho ai đó. Ki-nam nhớ rõ mồn một ngày hôm đó. Ki-nam lo lắng cho đứa trẻ không về nhà đúng giờ, và thở phào nhẹ nhõm ra sao khi thấy đứa trẻ trở về muộn… Lúc đó, Woo-kyung đã 11 tuổi. Nhưng Ki-nam không có ký ức về việc đã kể câu chuyện ngày đó cho Woo-kyung. Ki-nam định mở miệng, nhưng có người gọi cho Woo-kyung.

“Bây giờ con đang đi cáp treo. Vâng, Michael đang ngủ. Lát nữa ngắm cảnh xong rồi chúng con sẽ dự sinh nhật Jessica. Vâng, mẹ con vẫn khỏe. Mẹ đi bệnh viện rồi chứ? Thật may quá. Mẹ thong thả chăm vườn thôi. Cổ tay của mẹ sẽ đau đó. À… con vẫn ổn. Bây giờ con đang ở cùng mẹ. Vâng, con sẽ gọi lại.”

Woo-kyung bỏ điện thoại vào túi.

“Bà nội của Michael gọi con?”

“Ừ.”

“Ở đó đang là mấy giờ?”

Ki-nam nói câu đó và che giấu cảm xúc của bản thân. Bởi vì cảm giác gần gũi hiện ra trong cách nói của Woo-kyung, thái độ “vì có người con không thấy thoải mái nên chúng ta nói chuyện sau”, sự chia sẻ cuộc sống thường nhật gần gũi mà không cần giải thích rằng người tổ chức sinh nhật tên Jessica là ai, đã làm Ki-nam nhói lòng.

Ki-nam đã gặp bà thông gia lần đầu tiên ở lễ cưới của Woo-kyung. Bà mặc chiếc đầm màu be sành điệu trên chiều cao to lớn, và nhìn Ki-nam với đôi mắt đầy cảm tình. Bà ấy trông cứng rắn và cũng rất thoải mái. Woo-kyung cũng thả lỏng khi ở cạnh bà. Ki-nam cảm thấy như mình đã mãi mãi mất Woo-kyung khi thấy cô tự nhiên khoác tay với bà. Ở bà thông gia này toát lên điều gì đó mà bà không có. Dù cho Ki-nam không biết điều đó là gì, bà chắc chắn không phải cứ nỗ lực là có được nó.

Cáp treo đã đến trạm dừng. Michael mới tỉnh ngủ, vừa bám lấy tay Woo-kyung vừa nói mớ. Lạnh quá, mẹ ơi, lạnh quá. Ki-nam quấn khăn choàng cổ mỏng manh của mình cho Michael. Ngồi trên cáp treo quá 20 phút làm Ki-nam thấy cơ thể lạnh hơn và gió thổi rùng mình. Ki-nam vừa đi đến ngôi chùa vừa co mình lại. Muốn đến chỗ tượng Phật bằng đồng phải đi lên 268 bậc thang. Michael nhảy lên nhảy xuống cầu thang như một con sóc bay.

Khi lên hết bậc thang, Ki-nam thấy bãi biển bao la không thấy điểm dừng. Cảm giác lạnh lẽo trước đó biến mất, cơ thể trở nên ấm áp. Woo-kyung và Michael len lỏi trong đám đông, rồi bắt đầu vòng quanh tượng Phật bằng đồng theo hướng đồng hồ. Hai người mới đó mà đã đi trước Ki-nam thật xa. Những người khác sượt qua bà và bước đi. Họ trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà bà không tài nào hiểu được. Họ chụp hình rồi ngước lên ngắm tượng Phật. Ki-nam nhấc từng bước chậm rãi, thấy Woo-kyung và Michael dừng tại chỗ. Dường như họ đang đợi bà.

“Hãy chụp hình ở đây.”

Woo-kyung đưa điện thoại cho người đi ngang qua và nhờ họ chụp hình. Woo-kyung đứng ở giữa rồi khoác tay lên vai Michael và Ki-nam. Ki-nam đã muốn hưởng thụ khoảnh khắc tay của Woo-kyung khoác lên vai mình thật lâu. Cả ba cười trong tấm hình như một gia đình ấm áp nhất trên thế gian này.

Sau khi ba người đi quanh tượng Phật thêm một vòng, họ đi vào không gian đặt dưới tượng Phật và ngắm xá lợi chân thân của Đức Phật. Khi Michael hỏi xá lợi là gì, Woo-kyung liền giải thích rằng đó là những viên bi sẽ xuất hiện nếu đốt thi thể con người. Nghe vậy, Michael có vẻ sợ hãi, khiến Ki-nam thấy lo lắng. Sau khi tham quan chùa và xem xá lợi, cùng nhau ăn kem thì cũng đến lúc phải quay về.

“Mẹ có về nhà liền không? Hay mẹ muốn tham quan chỗ khác một mình?”

Woo-kyung đã nói sẽ dự tiệc sinh nhật của bạn Michael. Trái ngược với cảm giác có lỗi khi để Ki-nam một mình của Woo-kyung, bà cảm thấy yên lòng. Thà dành thời gian một mình còn hơn là đi cùng Woo-kyung. Nếu không phải là nơi quá rộng, bà có thể tham quan thoải mái mà không bị lạc đường. Sau khi ăn cháo cá vào buổi trưa ở gần ngôi chùa, ba người đi taxi đến nội thành. Điểm đến là nơi có vòng đu quay sừng sững cùng bãi biển đằng sau.

“Hãy gặp nhau ở đây vào lúc 5 giờ. Gần đây đều là chỗ dễ thấy, nên sẽ không khó để tìm đâu. Nếu mẹ đi qua cầu treo đó sẽ thấy trung tâm thương mại. Mẹ đi thong thả. Nếu có vấn đề thì gọi cho con.”

“Chơi vui vẻ nhé, bà!”

“Ừ. Michael cũng chơi vui vẻ!”

Sau khi tạm biệt Woo-kyung và Michael, Ki-nam đi học theo đường bờ biển. Khác với suy nghĩ đi dạo trong đầu, cơ thể Ki-nam đã thấm mệt nên giữa chừng phải ngồi lại trên ghế dài để nghỉ ngơi. Bầu trời vẫn còn âm u, nhưng gió thổi ấm áp hơn. Giống như mùa xuân ở Hàn Quốc. Ki-nam chụp hình phong cảnh xung quanh bằng điện thoại. Vòng đu quay, biển và bầu trời… Không biết có phải do khi ở cùng Woo-kyung nên Ki-nam mới cảm thấy căng thẳng hay không. Ở một mình thì cơ thể liền thả lỏng và rã rời. Bà không tin rằng mình đang ở bến cảng Hồng Kông. Biển ở đây cứ như sông.

Lúc nhỏ, mộng tưởng ngọt ngào nhất của Ki-nam là việc được chết một lần không đau đớn rồi biến mất khỏi thế gian. Không có điều nào đem lại sự an ủi cho Ki-nam ngoài suy nghĩ đó. Jin-kyung lúc 5 tuổi đã bước vào cuộc đời Ki-nam như thế, và 3 năm sau, Woo-kyung chào đời. Càng yêu những đứa trẻ, quan niệm về cái chết đã trở thành nỗi sợ chứ không phải sự an ủi. Nhưng bây giờ Ki-nam không sợ hãi nữa. Những đứa trẻ có thể chịu được. Khi tâm hồn cảm thấy cô đơn mà không thể kiềm chế được, bà chắc chắn cái chết của mình sẽ đem lại sẽ tự do cho những đứa trẻ.

Vớ vẩn. Vớ vẩn. Ki-nam lẩm bẩm từ “vớ vẩn”. Dù không biết nói về điều gì, nó đã trở thành thói quen nên bà nói thành tiếng. Thật vớ vẩn.

Ki-nam đi đến nơi mà bước chân mình muốn đến. Bà bước vào tòa nhà lớn để đi vệ sinh và thấy ba người phụ nữ ở tầng 1 đang đánh bóng bàn. Người phụ nữ trẻ tuổi với mái tóc ngắn đang chơi với hai người phụ nữ khác. Tư thế cô chính xác như một người nhiều kinh nghiệm. Hai cô gái ở phía đối diện cũng không phải người mới chơi. Ki-nam quên cả việc đi vệ sinh, mà đến gần bàn đánh và xem trận đấu. Sau đó, cô gái tóc ngắn nói gì đó với Ki-nam. Ki-nam không hiểu được, cô liền hỏi lại bằng tiếng Anh. Dĩ nhiên Ki-nam vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu lời cô nói.

“I’m sorry.”

Người phụ nữ khác cười và mô tả hành động đánh bóng bàn với Ki-nam. Và cô ấy nói rõ ràng.

“Game?”

Ki-nam gật đầu trước câu nói ấy. Cô gái tóc ngắn mang vợt đến thì Ki-nam liền cởi áo ngoài và túi đeo chéo, để lên cửa sổ và khởi động người. Ba cô gái dường như thấy vui vẻ vì Ki-nam thoải mái như vậy nên họ trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông. Sau khi chia đội 2 người, cuộc chơi bắt đầu với cú giao bóng của Ki-nam.

Mỗi lần Ki-nam ghi bàn, cô gái cao ráo cùng đội lại hò hét vui mừng. Ki-nam cũng cười lớn. Đó là lần đầu tiên bà cười như vậy kể từ khi đến Hồng Kông. Sau ba trận liên tiếp, cả người ướt đẫm mồ hôi. Ki-nam đã mặc áo khoác vào.

   “Thank you, thank you”

   Ki-nam liên tục nói với các cô gái.

   “Thank you, thank you”

   Người phụ nữ cùng phe với Ki-nam nắm vai bà bằng cả hai tay và nói chuyện này chuyện kia bằng tiếng Quảng Đông. Giống như nói như vậy thì Ki-nam có thể nghe hiểu được tất cả. Ánh mắt của người phụ nữ nhìn Ki-nam tình cảm. Nhìn vào ánh mắt ấy, Ki-nam cảm thấy kì lạ và nước mắt cứ muốn tuôn ra. Người phụ nữ đã bỏ quả bóng bàn màu cam dạ quang đã dùng trong lúc chơi game vào túi áo Ki-nam.

   “Thank you”

   Sau đó, người phụ nữ ôm chặt Ki-nam. Hai người phụ nữ còn lại cũng lần lượt ôm chặt lấy Ki-nam như thể đã chờ từ lâu. Đã lâu rồi bà mới ôm ai như thế này. Bà chỉ được ôm Jin-kyung và Woo-kyung lúc nhỏ. Ôm những người phụ nữ không biết tên, Ki-nam cảm nhận được sự ấm áp bất ngờ. Bà thích đến nỗi quyết giữ cái ôm đó làm bí mật của riêng mình.

   Ki-nam rời khỏi tòa nhà và lại đi bộ dọc theo bờ biển. Bà đi xa hơn dự định ban đầu nên vòng đu quay trở nên thật nhỏ bé. Ki-nam nhìn ra biển và từ từ bước đi. Ki-nam có nhiều điều không biết về biển. Ki-nam không hề hay biết rằng, dù mặt trăng ở xa vẫn có thể làm biển trước mắt bà gợn sóng, dưới biển cũng có những con rùa lạc đường và chết đi. Ki-nam nghĩ đến những điều mà bà không biết. Sau đó, cơn đau quen thuộc lan rộng ra ngực. Bà nghe thấy âm thanh hợp xướng từ xa.

   Ki-nam đã đi theo tiếng hát. Bà nhìn thấy một vài người trẻ tuổi cầm micro và hát nhạc Giáng sinh gần vòng đu quay. Mọi người tụm năm tụm ba xem họ. Ki-nam vừa nghe bài hát đó vừa chạm tay vào quả bóng bàn trong túi. Trong khi nghe nhạc Giáng sinh, Ki-nam đã trở về ngày đó khi bà phải lênh đênh giữa đường phố Myeongdong. Khi bà vươn tay ra, dường như có thể chạm được, nhưng mà, tính tới bây giờ thì đã là chuyện của bốn mươi năm trước rồi.

   Vào năm đó, khi Ki-nam mới tròn hai mươi tuổi, một người phụ nữ đã liên lạc với bà, tự giới thiệu là chị gái của Ki-nam.

   "Chúng ta đã...,"

   Bà dừng lại và nhẹ nhàng chỉnh sửa giọng điệu.

   "Gia đình mình nợ em rất nhiều. Nhưng mà, chúng ta vẫn là gia đình, phải không?"

   Nói rằng bố đã qua đời vào năm ngoái, chị cả đã mời Ki-nam đến dự tiệc sinh nhật của mẹ ruột. Bữa tiệc được tổ chức vào lúc 7 giờ tối tại nhà hàng Trung Quốc ở khách sạn Myeongdong. Cúp máy, Ki-nam trăn trở rất lâu. Họ là những người đã bán rẻ bà. Làm thế nào mà bà phải gặp những người đó. Bây giờ tại sao lại liên lạc lại với bà. Nhưng khi người chị cả nói gia đình nợ bà, Ki-nam đã phát hiện ra một tia hy vọng trong lời nói đó. Biết đâu họ đang cảm thấy có lỗi vì đã bỏ rơi bà, cũng không biết có phải họ muốn xin lỗi bà hay không, dù vậy cũng không biết có phải họ mời bà với tư cách là "gia đình" hay không.

Ki-nam không muốn trông tiều tụy trước mặt họ. Vì vậy, lần đầu tiên bà uốn tóc và quyết tâm mua một đôi boot cao su cao làm bằng chất liệu chamois. Chỉ có trời mới biết dũng khí lớn như thế nào mới dám đến điểm hẹn. Bà đã rất sợ và lo lắng, nhưng mặt khác bà cũng rất mong đợi. Nhà hàng Trung Quốc ở tầng trên cùng của khách sạn. Nhân viên phục vụ đã hướng dẫn Ki-nam vào phòng. Khi cửa trượt mở ra, bà nhìn thấy một cụ già mặc Hanbok màu ngọc bích ngay chính diện. Bên cạnh là một chàng trai trẻ ngồi. Bà nhìn thấy những tòa nhà cao tầng và con đường phía sau họ. Trong phòng có 5 chiếc bàn tròn phủ khăn trắng, mỗi bàn có người ngồi và đều nói chuyện ầm ĩ. Ki-nam đang đứng mơ hồ thì có một người phụ nữ nào đó đang tiến lại gần bà.

   “Là Ki-nam hả?”

   “Dạ vâng ạ.”

   “ Sao lại tới trễ như vậy. Đã nói là đến trước 6 giờ mà.”

   “Rõ ràng là đã 7 giờ rồi.”

   “Mọi người ơi,  hãy nhìn đây này!”

   Người phụ nữ nói bằng giọng rất to. Tuy nhiên, tiếng ồn của mọi người vẫn không lắng xuống.

   “Ki-nam đã tới rồi.”

   Nghe vậy thì bốn phía đều im lặng. Trong vài giây chớp nhoáng khi đi tới bàn ăn, Ki-nam có thể cảm nhận được rằng họ không bao giờ chào đón bà. Họ cảm thấy bất tiện vì sự hiện diện của bà. Đó chính là cảm giác mà Ki-nam nhận thức được.

   "Mẹ ơi, đây là Ki-nam đây."

   Cụ nhìn Ki-nam không có biểu hiện gì. Có những nếp nhăn dọc sâu giữa hai lông mày, nên có vẻ như cụ ấy đang cau mày mặc dù cụ không hề tỏ ra biểu cảm gì. Khóe miệng cụ trễ xuống, mặc dù trang điểm nhưng làn da cụ lại tái nhợt. Trông cụ như một người đã quên cách mỉm cười. Ki-nam đã lâu mới mường tượng ra cảm giác của bà khi gặp mẹ ruột. Sẽ tức giận, hay chỉ đơn giản là mừng rỡ, rơi nước mắt hay oán trách, hay là hạnh phúc. Cùng một lúc, Ki-nam cũng tò mò về phản ứng của mẹ. Ki-nam nghĩ rằng nếu họ gặp lại, dù là cảm xúc nào, bà sẽ bối rối đến lạ.

   Tuy nhiên, cụ không dao động. Cụ không để ý đến Ki-nam. Ngay cả khi Ki-nam tiến lại gần bàn, người đàn ông trẻ bên cạnh cụ lại cứ ồn ào ăn uống, không màng tới. Ki-nam có thể nhận ra ngay người đó là ai. Ki-nam nhấm môi lại và cúi đầu lễ phép với cụ. Bà muốn mở miệng nói con là Ki-nam nhưng lại không thể nói nên lời, vì sợ rằng sẽ khóc.

   "Mẹ ơi, mẹ nói gì đi"

   Khi người phụ nữ nói xong, cụ lau miệng bằng khăn tay và nhìn cô.

   "Mẹ có thể nói gì với nó? Còn mày sao lại bày vẽ cho mệt thân?"

Trong tâm hồn Ki-nam, có những căn phòng không thể xóa đi. Nếu mở cửa, Ki-nam có thể sống lại khoảnh khắc đó bất kỳ lúc nào. Kỷ niệm về ngày hôm đó cũng vậy. Mọi thứ vẫn còn sống động. Mùi hương trong nhà hàng, hình dạng của đồ ăn, loại món ăn, người đàn ông trẻ bên cạnh cụ, thậm chí cả ánh mắt của người chị cả. Trong suốt cuộc đời, Ki-nam luôn mở cánh cửa đó nhiều lần. Mỗi khi cửa mở ra, từng chi tiết của hồi ức dường như tan biến một chút. Nỗi đau tận cùng dường như không bao giờ biến mất cũng như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn điều gì đó còn sót lại, không mất đi khi bà mở cánh cửa. Vẫn còn điều gì đó lạnh lẽo, nặng nề, và cứng nhắc, luôn xuất hiện mỗi khi cánh cửa được mở ra.

 

   Cụ lầm bầm một vài lời rồi lại cho con trai một ít thức ăn. Sau đó, miệng nhai chóp chép ăn thức ăn. Ki-nam chỉ ăn một ít cơm chiên, sau đó đứng lên và đi ra ngoài mà không nói một lời. Sau lưng, người phụ nữ gọi Ki-nam nhưng giọng nói cứ xa dần. Ki-nam bị đưa đẩy trong đám đông trên phố Myeongdong. Trong khi đi qua những con đường rực rỡ ánh đèn và âm nhạc xập xình, Ki-nam cảm nhận được rằng việc sống và hít thở không khí ở nơi đây là điều không bình thường. Lúc đó, trước rạp chiếu phim trên đại lộ, Ki-nam nhìn thấy nhiều người trẻ đứng lại hát ca khúc Giáng sinh. Ki-nam lẻn vào giữa đám đông đứng xem và nghe bài hát. Bài hát mang Ki-nam vào một thế giới tươi đẹp khác. Nếu bây giờ xe buýt đụng và đi ngang qua mình… Tưởng tượng lúc nhỏ của Ki-nam đến với bà một cách rõ ràng hơn.

Mẹ của Ki-nam đã qua đời trước khi bà kết hôn. Người phụ nữ đôi lần gọi điện cho Ki-nam để thông báo tin tức, nhưng ở một thời điểm nào đó, mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Nếu còn sống, bà ấy đã vượt qua tuổi ngoài 80. Nhưng có thể cụ đã chết. Bởi nếu còn sống, cụ sẽ cố tìm số điện thoại của Ki-nam. Sự quan tâm cẩu thả đó cứa sâu vào vết thương và xâm phạm cuộc sống yên bình của Ki-nam. Hay là cụ chỉ muốn xác nhận rằng cuộc sống của mình vẫn tốt hơn của sống của Ki-nam? Ki-nam thỉnh thoảng lại nghĩ về điều đó.

 

 

  

Ki-nam rời đi sau khi xem biểu diễn Giáng sinh. Sau khi đi dạo, đánh bóng bàn, xem buổi biểu diễn thì đã quá 3 giờ. Ki-nam đi qua vòng đu quay, rồi đi đến trung tâm thương mại ở phía bên kia cầu.

Trung tâm như một chiếc bánh donut khổng lồ bị đục một lỗ hình tứ giác ở giữa. Từ trần nhà đến sàn nhà, quả cầu trang trí lấp lánh màu đỏ tươi và tinh thể tuyết trắng được treo tiếp nối với nhau trên sợi dây màu vàng. Ki-nam chụp lại những đồ vật trang trí đẹp đẽ đó và bỏ điện thoại vào túi đeo chéo. Khi nhìn tầng một từ tầng hai, Ki-nam thấy những người dẫn theo trẻ con chụp hình bên cạnh cây thông và chú gấu bông khổng lồ. Nhìn những người trẻ tuổi đi cùng con của mình, Ki-nam nhớ đến ngày dẫn theo Jin-kyung lúc nhỏ đến Công viên Seoul.

Đó là vào một buổi chiều ấm áp của tháng 5. Khi cáp treo đi qua hồ nước ánh xanh của công viên Seoul, Jin-kyung đã nhắm chặt mắt. Thấy Jin-kyung như vậy, Ki-nam quay đầu về phía trước. Toàn bộ thế giới trước mắt chìm trong màu xanh nhạt. Ngọn gió dễ chịu sượt qua khuôn mặt của Ki-nam. Lúc đó, Jin-kyung chỉ mới 8 tuổi, Woo-kyung còn ở trong bụng Ki-nam. Và Ki-nam thì… đang ở giữa độ tuổi 20.

Chồng của Ki-nam là nhân viên đối tác của nhà máy mà Ki-nam từng làm việc. Ông ấy luôn mang cho Ki-nam những món quà nhỏ mỗi khi đến nhà máy. Ki-nam đã thực sự cảm động trước những thứ ông ấy cho như thạch đậu đỏ, bánh mì kem, túi đậu phộng…

Lúc Ki-nam lấy que cời lửa và đốt rác ở phía sau nhà máy, ông đến bên cạnh và kể về câu chuyện của mình. Về cuộc hôn nhân thất bại đầu tiên, vợ trước của ông nhẫn tâm và độc ác như thế nào, đứa con gái Jin-kyung mới 5 tuổi cần một người mẹ như thế nào… Ki-nam đã tin toàn bộ những gì ông nói. Bà nghĩ vì ông đã thành thật với mình, bản thân cũng phải thành thật với ông. Ki-nam trả lời thành thật trước những câu hỏi của ông. Bởi vì bà đã không biết rằng, cái giá của việc mở lòng và cho ông biết về nỗi đau của mình, là ông lợi dụng sự thật đó và xem đó là điểm yếu của bà suốt cuộc đời.

Khi cùng Jin-kyung đi lên cáp treo ngang qua hồ nước xanh ngắt, Ki-nam thừa nhận mình không có dũng khí để rời bỏ ông và Jin-kyung. Bà nghĩ đó là điều tốt nhất. Dù cho suy nghĩ đó lừa dối bà như nào đi chăng nữa, điều Ki-nam có thể làm vào lúc đó là gì? Ki-nam thương Jin-kyung rất nhiều.

Trước khi gặp Jin-kyung, những người Ki-nam từng gặp đều yêu cầu một “cái giá” với bà. Họ mong được đáp lại gấp hai, gấp ba những tấm lòng nhỏ, những ý tốt họ đã cho đi. Vì vậy, Ki-nam đã nghĩ rằng con người sống là như vậy. Lúc Ki-nam nói sẽ rời khỏi nhà sau khi kết hôn, gia đình Giám đốc Kwon đã gọi bà là vong ơn bội nghĩa.

“Chúng tôi đã đối xử với cô như thế nào!”, “Thật là nuôi ong tay áo”. Khi nghe được những lời đó, Ki-nam không còn ngạc nhiên nữa. Bởi vì cuộc sống là như vậy mà.

“Thật tốt vì mẹ là mẹ con.”

Jin-kyung sờ mặt Ki-nam bằng bàn tay nhỏ nhắn của mình và nói. Đôi mắt của đứa trẻ vừa thốt ra câu đó rươm rướm nước mắt. Tình yêu của Jin-kyung đối với bà có trộn lẫn nỗi buồn mà ngay cả bà cũng không biết rõ. Tình yêu của cô bé chứa đựng điều gì đó như sự cầu mong thành khẩn đối với người lớn hơn mình.

Vào mùa đông khi quãng ngày sống với Jin-kyung chưa được bao lâu, Ki-nam định ra ngoài nhưng lại thấy Jin-kyung ngồi thu mình trước kệ giày. Ki-nam nhìn kệ giày nhưng không thấy được đôi giày phải mang đi. Ki-nam vừa tìm giày thì Jin-kyung lấy giày mà mình đang cầm đưa ra cho Ki-nam

“Đừng để chân bị buốt, mẹ ơi.”

Khi ra ngoài cùng nhau, Jin-kyung đã để tâm đến mấy lần Ki-nam nói rằng chân mình buốt. Jin-kyung đã không quên những lời dặn của Ki-nam. Cô bé đã cho Ki-nam mọi thứ mình có thể cho, và tiếc nuối vì không thể cho nhiều hơn. Sữa chua nhận được ở trường mẫu giáo, chiếc lá phong tuyệt đẹp, đá cuội màu xanh ngọc, bức vẽ Ki-nam mang vương miện và mặc váy công chúa với đôi mắt đầy sao, nụ hôn vào má trước khi ngủ, biểu cảm vui mừng khi gặp lại sau khi xa cách… Sau khi gặp Jin-kyung, Ki-nam mới biết rằng có tình cảm như vậy trên thế giới này. Ki-nam cố gắng hết sức để không vụt mất tình cảm đó. Dù cho có mất hết mọi thứ, bà không muốn mất thứ đó.

   Ki-nam đi vào cửa hàng đồ chơi. Cảm giác như đang ở thế giới khác. Bà len lỏi giữa đám trẻ, chọn cho mình hai món quà ưng ý: một chú rùa búp bê nhỏ xinh và một mô hình rùa đầy tinh xảo rồi mang đến quầy thanh toán. Tuy nhiên, khi đến lượt Ki-nam thanh toán, bà mới nhận ra chiếc túi mà mình đeo trên vai từ nãy đến giờ đã biến mất. Đó là một chiếc túi đeo chéo nên không thể bị tuột ra ngoài, và nó còn được đan chắc chắn bằng kim khâu nên dây không thể bị lỏng.

   “I’m sorry.”

   Ki-nam đặt giỏ hàng lên quầy thanh toán và bắt đầu lục tung từng ngóc ngách trong cửa hàng đồ chơi, nơi bà vừa đặt chân đến. Tuy nhiên, vẫn không thể tìm thấy chiếc túi quen thuộc ở đâu cả. Ki-nam vội vã bước ra khỏi cửa hàng và lần ngược lại con đường vừa đi. Không thể hỏi những người đi đường xem họ có thấy chiếc túi nào không, và cũng không thể liên lạc được với Woo-kyung vì điện thoại cũng nằm trong chiếc túi bị mất. Ki-nam kiểm tra túi áo khoác ngoài, chỉ có một quả bóng bàn mà bà nhận lúc nãy. Ki-nam không thể nhớ ra mình đã để túi ở đâu. Bà không hề ghé qua nhà vệ sinh hay đặt túi xuống chỗ nào. Nghĩ đến việc chỉ trong vài giờ ở một mình mà đã làm mất túi, không biết Woo-kyung sẽ nghĩ gì về mình, lòng Ki-nam liền chùng xuống.

   Ki-nam biết cần phải đến gặp Woo-kyung ở vòng đu quay trước khi quá muộn. Tuy nhiên, do quá hoảng loạn, bà không nhớ mình đã vào tòa nhà qua cửa nào. Sau khi nhớ lại hướng đi, Ki-nam vẫn mất khá nhiều thời gian để tìm ra lối vào. Cuối cùng bà cũng lờ mờ nhìn thấy vòng đu quay và vội vã đi qua cây cầu vượt để đến đó. May mắn thay, Woo-kyung và Michael vẫn chưa đến.

   Ki-nam ngồi xuống một chiếc ghế dài gần đó và hít thở sâu. Dù cố gắng lục tung ký ức vẫn không thể nhớ ra mình đã đánh mất chiếc túi ở đâu. Một cơn tức giận cuồng nộ dâng trào trong lòng Ki-nam. Gió se lạnh thổi qua xua tan đi sự ấm áp trước đó khiến bà rùng mình. Nhìn xung quanh nhận ra thời gian đã khá lâu rồi nhưng Ki-nam vẫn chưa thấy bóng dáng của Woo-kyung và Michael. Nỗi lo âu bắt đầu len lỏi trong tâm trí.Ki-nam ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế dài xa lạ, suy ngẫm.

   Trước đây, bà luôn nghĩ rằng trưởng thành là khi con người ta dần quen thuộc với môi trường xung quanh, tự tin và bản lĩnh hơn. Nhưng giờ đây, bà nhận ra mình vẫn yếu đuối và sợ hãi. Cảm thấy như mình đang trở lại thành một đứa trẻ 9 tuổi. Nỗi sợ hãi bao trùm lấy Ki-nam như khi còn bé. Tháng trước, Ki-nam đến thăm Jin-kyung và chứng kiến cảnh tượng nhức nhối: Jin-kyung say khướt, ngã vật trên bàn ăn, thân vẫn còn đang mặc bộ quần áo đi làm. Ki-nam vội vàng tắt chiếc tivi ồn ào và lay cô dậy. Jin-kyung loạng choạng ngồi dậy, nụ cười mệt mỏi nở trên đôi môi loang lổ vết rượu vang. Ki-nam không thể thốt lên lời nào, chỉ lặng lẽ nhìn Jin-kyung. Rồi nụ cười của Jin-kyung tắt hẳn.

   “Đôi khi... con cảm thấy rất sợ...”

   “Sao?”

   “Con... con chỉ cảm thấy như vậy thôi mẹ”

   “Lớn đầu hết rồi mà sợ gì không biết.”

   “Bà ngoại!”

   Từ xa, tiếng của Michael vang lên. Ki-nam bật dậy và hướng ra âm thanh đó. Michael trong chiếc áo khoác màu be chạy về phía bà. Nhìn thấy bóng dáng của đứa trẻ, Ki-nam thở phào nhẹ nhõm. Dù chỉ mới vài giờ không gặp nhau nhưng sự hân hoan đã tràn ngập trong lòng bà. Bà hét lên bảo Michael đi chậm thôi, đứa nhỏ vẫn lao đến và ôm chầm lấy Ki-nam.

   "Bà ơi, bà đợi lâu chưa?"

   "Không, bà vừa mới tới thôi."

   Gi-nam lắc đầu nói.

   "Hôm nay con chơi vui không?"

   "Dạ vui."

   "Còn bà ngoại đã chơi gì thế?"

   Ki-nam đang định trả lời thì Woo-kyung tiến đến.

   “Mẹ, sao không nghe máy. Tin nhắn cũng không đọc. Có biết con lo lắm không?”

   “Mẹ làm mất cái túi rồi.”

   “Còn bóp tiền thì sao?”

   “Bóp với điện thoại đều ở trong túi hết.”

   “Mẹ mất ở đâu?”

   “Đằng kia…”

   Ki-nam chỉ tay về hướng trung tâm thương mại bên kia cây cầu.

   “Thiệt tình. Mẹ chờ con chút .”

   Woo-kyung lấy điện thoại và gọi đến đâu đó. Sau một hồi lâu nói chuyện khá lâu bằng tiếng Anh, cô tắt máy và vỗ lên trán liên tục.

   “Họ nói ở trung tâm đồ thất lạc không có. Mẹ có chắc là bị mất ở trung tâm thương mại không?”

   “Ừm…”

   “Cũng có thể là họ chưa tiếp nhận túi của mẹ nên con đã để lại thông tin liên lạc rồi. Trong bóp của mẹ có thẻ tín dụng không?”

   “Không có.”

   Woo-kyung bước đi đằng trước, không thèm trả lời.

   “Woo-kyung, con đi đâu vậy?”

   “Còn đi đâu nữa. Về nhà thôi chứ!”

   Đến cả khi ngồi trong taxi, Woo-kyung cũng không nói lời nào. Michael nhỏ giọng, kể cho Ki-nam nghe về bữa tiệc sinh nhật. Như cách người lớn vẫn thường giả vờ như không có chuyện gì quan trọng, và cố gắng dỗ dành một đứa trẻ bị tổn thương. Bước xuống xe, Woo-kyung có vẻ rất mệt mỏi, thất tha thất thểu đi vào nhà.

   “Mẹ.”

   Từ trong nhà vệ sinh, Woo-kyung gọi với ra.

   “Con không định nói vấn đề này đâu nhưng mẹ cứ quên hoài.”

   Woo-kyung chỉ vào vết nước tiểu còn đọng lại trên thành bồn cầu.

   “Còn nữa, khi dùng nhà vệ sinh thì đóng cửa hẳn hoi vào. Đừng có khép hờ hờ nữa.”

   “Do mẹ quên nên thế. Sau này sẽ không vậy nữa đâu.”

   Woo-kyung đậy nắp bồn cầu, gạt nước.

   Khi con gái đã ra ngoài, Ki-nam vẫn đứng trong nhà vệ sinh và nhìn vào gương. Bà nhìn thấy gương mặt già nua đang ửng đỏ của mình. Bọn trẻ khi còn nhỏ đã không thể đóng cửa nhà vệ sinh. Vì nếu đóng, chúng sẽ cảm thấy lo sợ. Vì chúng sẽ luôn đập cửa và đòi mở cho bằng được. Việc đi vệ sinh không đóng cửa từ thời bé đã trở thành thói quen của bà, ngay cả khi bà đã lớn như bây giờ.

   Bước ra khỏi nhà vệ sinh, Ki-nam thấy Woo-kyung đang ngồi trên sofa và trò chuyện với ai đó bằng tiếng Hàn. Ki-nam vừa tiến lại gần, Woo-kyung đã đứng dậy và đi thẳng vào phòng. Ki-nam nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ của con gái sau cánh cửa đóng kín. Không biết thời gian đã trôi qua bao nhiêu lâu. Chuông cửa chợt reo.

   Woo-kyung ra khỏi phòng, đi đến cửa. Michael cũng từ phòng ngủ đi ra. Bên ngoài là người giao hàng đội chiếc mũ bảo hiểm, trên tay cầm một túi đựng các hộp nhựa. Là phở và cơm chiên.

   Ki-nam giúp con gái để hộp đựng lên bàn ăn và bày muỗng đũa ra. Phở vẫn còn nóng và nước dùng rất đậm đà. Có thể là do quá đói thôi, chứ không thể nào chỉ một bát phở bình thường bà còn chẳng thích lại có thể ngon đến như vậy được. Ki-nam ăn lấy ăn để món phở.

   “Michael.”

   Woo-kyung gọi.

   “Mẹ đã dặn khi ăn không được nhai chóp chép rồi cơ mà. Ăn khép cái miệng lại.”

   “Dạ con biết rồi.”

   Ki-nam biết lời dặn đó không chỉ dành cho mỗi Michael. Bà bắt chuyện với Woo-kyung bằng những suy nghĩ chợt nảy ra để che giấu sự bối rối của mình.

   ‘Nãy con gọi điện với ai vậy?:

   “Là bà của Michael.”

   “Chắc con cũng hay liên lạc với bà của Michael lắm. Đối xử với mẹ chồng ân cần như thế, tốt lắm con gái.”

   Ki-nam nhìn chằm chằm vào tô phở đang ăn vì không muốn để lộ cảm xúc của mình.

   “Không phải vì bà ấy là mẹ chồng nên con mới ân cần như thế. Là do con thích nên con làm thôi. Mẹ chồng đã giúp đỡ con rất nhiều đến tận bây giờ đấy. Nếu không có bà thì rất vất vả.”

“Con cũng thích bà ngoại Hàn Quốc nữa”

Michael nhìn Woo-kyung nói.

Ki-nam không đáp một lời nào cả. Có việc gì cần mẹ giúp không… Woo-kyung chưa bao giờ trả lời về câu hỏi đó. Ki-nam không biết chính xác là Woo-kyung muốn gì. Thời gian trôi qua, Ki-nam nhận ra điều Woo-kyung muốn là để Woo-kyung yên, đó là những gì mà cô mong muốn. Đó là tất cả những gì Woo-kyung mong muốn, không dám can thiệp vào cuộc sống của Woo-kyung. Tại sao mẹ của James lại có thể làm những việc mà Ki-nam không được làm? Woo-kyung đã thấy khuyết điểm nào của bà? Phải chăng do vết nhơ trên cuộc sống bà… Ki-nam không thể biết lý do là gì.

Ki-nam từ từ ăn hết phần phở còn lại. Trong khi đó, khuôn mặt bà liên tục nóng bừng lên và thấy khó chịu khi ngồi ở đó. Ki-nam đi vào bồn rửa bát và vứt phần nước dùng còn lại trong hộp đựng.

"Mẹ ăn no rồi. Mẹ vào phòng trước đây."

Woo-kyung đã không níu giữ Ki-nam. Bước vào phòng, Ki-nam mở chăn và ngồi tựa vào tường. Sự mệt mỏi dồn dập dồn dập từ buổi sáng. Bà đang ngồi nhắm mắt thì Michael bước vào phòng và ngồi cạnh bà. Cậu bé đắp chăn lên đầu gối của bà.

"Bà ngoại."

"Hả?"

   Michael nhìn Ki-nam với vẻ mặt dịu dàng

   “Bà xấu hổ hả?”

   Ki-nam nghi ngờ đôi tai của mình. Sau một thời gian nhìn Michael, Ki-nam mới mở miệng nói:

   “....bà nghe không rõ. Con nói lại cho bà đi”

   “Dạ con vừa hỏi là bà xấu hổ hả. Bà ngoại ơi, bà xấu hổ phải không?”

   Ki-nam ôm Michael vào lòng và không nói lời nào. Cái mùi mồ hôi sữa của đứa trẻ.

   “...ừm. Chắc là vậy.”

   Sau khi trả lời như vậy thì bà đột nhiên hiểu ra sự kì lạ trong câu nói. Xấu hổ. Michael nói đúng. Bà đã rất xấu hổ. Ki-nam cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại hình ảnh của chính mình phản chiếu trong mắt Woo-kyung. Xấu hổ về việc con gái rời xa mình từ lâu, vấn đề nghiện rượu của Jin-kyung, và sự thật rằng hai đứa trẻ vẫn không thể làm lành với nhau. Xấu hổ về khoảng thời gian sống mà không thể đối mặt với chồng dù chỉ một lần, về việc những đứa trẻ theo dõi dáng vẻ đó của mình mà lớn lên, về sự tồn tại chưa từng được bố mẹ yêu quý dù chỉ một giây phút của bản thân. Nhưng Ki-nam không thể chia sẻ với ai về niềm hy vọng của mình khi tình yêu đó kết thúc. Vì xấu hổ. Ki-nam xấu hổ đến mức muốn chết đi.

   "Bà ngoại ơi."

   Michael đang nằm trong lòng bà, đang đặt tay lên đầu gối bà và nói:

   “Xấu hổ cũng được mà. Xấu hổ thì dễ thương. Emily từng nói như vậy.”

   “Emily là ai?

   “Bạn gái của con đó”

   Michael trả lời với giọng phấn khích.

   Ki-nam cẩn thận xoa đầu Michael. Mái tóc xoăn dày giống hệt Woo-kyung hồi nhỏ.

   “Michael thật tình cảm”

   “Dạ đúng rồi ạ. Mẹ con cũng nói như vậy. Michael rất tình cảm. Giống với bà ngoại Hàn Quốc.”

   “Thật hả?”

   “Nhưng mà tình cảm quá thì cũng không được.”

   Michael phút chốc cảm thấy sự bất cẩn trong lời nói và nói tiếp.

   “Quá tình cảm thì sẽ là một khuyết điểm”

 Sự đau xót đầy ấm áp đã lan toả ra lưng và bụng của Ki-nam. Ki-nam xoa đầu Michael và gật đầu một cách im lặng. Michael không biết mình là ai và không biết thời gian mình đã sống là bao lâu. Nhưng tại thời điểm đó, tại sao một đứa trẻ không biết gì về bản thân lại cảm thấy mình hiểu bản thân nhiều hơn bản thân mình? Xấu hổ cũng không sao. Ki-nam không thể tin lời nói đó. Câu nói mà bà chưa từng mong đợi. Ki-nam đã nghĩ rằng sẽ không thể quên được lời nói đó. Không biết câu chuyện của mình đã gây ra làn sóng như thế nào trong tâm trí của Ki-nam, Michael đã ngồi xuống và tiếp tục nói chuyện. Về bạn gái Emily, về vùng sinh sản của rùa biển Cabo Verde, về cách những con rùa con được sinh ra ở đó và hướng ra biển như thế nào… Nhìn vào khuôn mặt của Michael, bà nhận ra rằng cậu bé sẽ quên đi những gì xảy ra ngày hôm nay chỉ sau mùa này. Và theo thời gian, Ki-nam sẽ trở thành người họ hàng xa lạ với Michael. Nhưng Ki-nam nhận ra rằng điều đó không còn khiến mình buồn nữa.

   "Bà ngoại ơi."

   Nhìn Michael gọi mình, Ki-nam gật đầu. Bà biết rằng những khoảnh khắc nhỏ bé và yếu ớt đó vẫn chưa rời xa bà.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Dạ Hành 夜行 | Truyện ngắn của Pyun Hye Young
Nhóm dịch: Trần Thị Mỹ Duyên, Trần Huyền Trang, Phan Thị Thanh Tâm , Nguyễn Hà Mai Anh
Xem thêm
Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi?
Theo lời mời của Hội Nhà văn Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã có mặt tại Hội thảo văn chương trẻ Đông Nam Á - là hoạt động thuộc chương trình Văn chương trẻ Đông Nam Á, diễn ra từ ngày 26 - 31.7 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Xem thêm
Chôn giấu ở Saipan
Vẫn còn đó những lưỡi lê rỉ sét được tìm thấy trong đất
Xem thêm
Chùm thơ Oh Se-young
Nhà thơ người Hàn Quốc, sinh năm 1942, tốt nghiệp cử nhân khoa Vật lý và sau đó là tiến sĩ văn học của Đại học Quốc gia Seoul.
Xem thêm
Chùm thơ của Svetlana Melnikova-Pivovarova
Ta là tiếng vọng của mìnhThêm yêu cuộc sống vô tình đẹp sao...
Xem thêm
Chạy đi, cha ơi! - Truyện của Kim Ae Ran
Tác phẩm truyện dịch hay của nhóm Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc
Xem thêm
Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc
“Workshop Dịch văn học Hàn Quốc 2022” được tổ chức với mục đích bồi dưỡng kỹ năng biên dịch văn học Hàn Quốc cho người học chuyên ngành tiếng Hàn
Xem thêm
Kết quả Cuộc thi review tác phẩm văn học Hàn Quốc
Bài viết giải nhất cà Vidoeclip giải nhất.
Xem thêm
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng theo dấu hiệp sĩ thánh chiến suốt 30 năm
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng ở tuổi 74 ra mắt tác phẩm ‘Hiệp sĩ thánh chiến’ mà ông đã mất 30 năm để chuyển ngữ, vào sáng 17/10 tại TP.HCM.
Xem thêm
“Worshop biên dịch văn học Hàn Quốc 2022” - những tín hiệu vui
Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2022 do Viện Dịch Văn học Hàn Quốc tại trợ, được tổ chức bởi Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc
Xem thêm
Việt Nam có một “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc”
Đường Đinh Lễ ở Hà Nội và Đường Sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là những địa điểm đọc sách lý tưởng cho những người yêu thích đọc sách ở Việt Nam. Tại
Xem thêm