TIN TỨC
  • Văn học dịch
  • Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi?

Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-28 17:32:56
mail facebook google pos stwis
739 lượt xem


Nhà văn, dịch giả các nước Đông Nam Á tham gia chương trình Văn chương trẻ Đông Nam Á

Theo lời mời của Hội Nhà văn Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn TP. HCM, đã có mặt tại Hội thảo văn chương trẻ Đông Nam Á - là hoạt động thuộc chương trình Văn chương trẻ Đông Nam Á, diễn ra từ ngày 26 - 31.7 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Bà tham gia phát biểu và đưa ra một số đề xuất để văn chương Đông Nam Á thêm xích lại gần nhau. Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu sau đây toàn văn bài phát biểu của bà.

NGUYỄN LỆ CHI

Kính thưa Ban tổ chức – Hội nhà văn Trung Quốc, Hội nhà văn tỉnh Quảng Tây cùng các đơn vị có liên quan.

Kính thưa các nhà văn, các dịch giả tham dự đoàn Văn học trẻ Đông Nam Á hôm nay.

Tôi rất vinh dự được tham gia cùng đoàn với tư cách một dịch giả dịch sách văn học, là người được giới phê bình văn học Việt Nam đánh giá là người đưa nền văn học đương đại Trung Quốc vào Việt Nam từ sau khi Việt Nam chính thức ký công ước Bernes.

Với hơn 25 năm tham gia công tác dịch sách văn học, cụ thể là dịch sách văn học Trung-Việt, với hơn 30 đầu sách dịch đã xuất bản, 2 tác phẩm sách sáng tác, và hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực xuất bản-phát hành tại Việt Nam, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ về vấn đề hội nhập văn học Đông Nam Á, đặc biệt là văn học trẻ Đông Nam Á thì con đường nào mới là khả thi nhất.
 

Hội nhập văn chương khu vực là tất yếu

Cùng với sự phát triển xã hội, cùng với sự hội nhập quốc tế trên thế giới và trong khu vực ngày càng mạnh mẽ, việc hội nhập văn chương Đông Nam Á là con đường tất yếu để người dân các nước Đông Nam Á có cơ hội thêm hiểu biết lẫn nhau.

Gần đây nhất, trưa 21/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã mời Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân cùng thăm phố sách Hà Nội, trải nghiệm không gian đọc nơi đây, giao lưu cùng các độc giả Hà Nội. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho những người làm xuất bản vì văn hóa đọc ngày càng được coi trọng.

Tuy nhiên sách văn học Malaysia được dịch sang tiếng Việt chưa nhiều. Có chăng vẫn chỉ tìm thấy vài cuốn truyện tranh dân gian Malaysia hoặc sách tô màu do họa sĩ Malaysia thực hiện. Tôi rất mong rằng sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Malaysia, tại thị trường sách Việt Nam sau này sẽ có thêm sách dịch Malaysia cùng các hoạt động hợp tác xuất bản giữa hai nước hơn.

Ngày 9/1/2016, Đường sách TP.HCM khai trương. Sáng ngày 23/1/2016, tôi và công ty sách Chibooks đã mời ông Hasri Hasan – một đại diện của xuất bản Malaysia tới Đường sách TP.HCM ký kết bản quyền, trao đổi nói chuyện về nghề nghiệp, công bố các dự án hợp tác xuất bản giữa hai bên, đánh dấu hoạt động đầu tiên tại đường sách có diễn giả là người nước ngoài.

Ngày 3/7/2016, tôi và Chibooks đã mời nhà văn Đông Tây và đoàn nhà văn tỉnh Quảng Tây tới TP.HCM, tham gia lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đông Tây có tên Mộng đổi đời, giao lưu cùng độc giả Việt Nam, đồng thời tiến hành ký kết bản quyền về các tác phẩm khác với các nhà văn tỉnh Quảng Tây chúng ta. Đây cũng là đoàn nhà văn Trung Quốc đầu tiên tham gia sự kiện tại Đường sách TP.HCM nên đặc biệt ý nghĩa. Và ngày 29/5/2019, tôi đã sang thành phố Nam Ninh xinh đẹp của chúng ta để tham dự Lễ ra mắt 7 tác phẩm văn học tỉnh Quảng Tây do Chibooks đã ký kết bản quyền trước kia tại Đường sách TP.HCM. Đó là các tác phẩm bao gồm: Tôi là kẻ ác của nhà văn Lý Ước Nhiệt, Lập bia trường thọ của Điền Nhĩ, Viên chức nhà nước của nhà văn Hoàng Bội Hoa, Thượng lĩnh án của nhà văn Phàm Nhất Bình, Mộng đổi đời Hối hận – hai tác phẩm này của nhà văn Đông Tây, Kẻ nhu nhược của nhà văn Chu Sơn Pha. Hiện tại tác phẩm mới nhất có tên Hồi tưởng của nhà văn Đông Tây cũng vừa được Chibooks dịch xong, đang làm bìa và sẽ xuất bản ấn bản tiếng Việt trong năm nay. Hy vọng nhà văn Đông Tây sẽ bớt thời gian sang Việt Nam giao lưu cùng độc giả.

Như vậy chúng ta có thể thấy nếu hoạt động giao lưu hội nhập thực sự, sau 3 năm, chúng ta có khả năng gặt hái được trái ngọt. Tôi mong rằng trong thời gian tới, chúng ta có thêm nhiều hoạt động giao lưu xuất bản hơn nữa giữa các nước Đông Nam Á nói riêng cũng như giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á nói chung.
 

Tìm kiếm điểm chung của văn chương Đông Nam Á

Từ lâu, chúng ta đã biết văn chương Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên văn chương Đông Nam Á vẫn mang sắc thái riêng mà điểm chung là có nền văn học dân gian rất phong phú và đa dạng về thể loại.

Nội dung các tác phẩm văn học Đông Nam Á thường gắn liền với quá trình tạo dựng thế giới và vũ trụ, với quá trình hình thành các bản, làng và các vương quốc cổ. Thể loại đa dạng như  thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện trạng… Đây cũng là điểm chung của văn học Đông Nam Á. Nhiều người cho rằng nên dựa vào điểm chung này để phát triển văn học hội nhập khu vực sẽ dễ tìm kiếm tiếng nói chung, sự đồng cảm và chia sẻ của độc giả trong khu vực. Sau khi độc giả đã mở lòng đón nhận thì các tác phẩm thuộc thể loại khác, không phải là điểm chung như vậy cũng sẽ dễ dàng được đón nhận hơn. Đây được đánh giá là nhận định có lý.

Văn học Trung Quốc sở dĩ dễ được độc giả Việt Nam tiếp nhận, thấu hiểu, và yêu thích cũng bởi vì người dân hai nước có sự tương đồng về phong tục tập quán, tương đồng về lối sống, về tư duy, đặc biệt tương đồng về thể chế xã hội. Đồng cảm sẽ giúp quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học trở nên dễ dàng hơn, giúp người đọc không bị hiểu sai, hiểu nhầm ý của tác giả.
 

Hội nhập văn học Đông Nam Á tại Việt Nam hiện ra sao?

Trong vòng 10 năm trở lại đây, việc xuất bản các tác phẩm văn học Đông Nam Á tại Việt Nam thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thường chỉ là một vài cuốn truyện tranh văn học dân gian Malaysia, Indonesia.

Về văn học Thái Lan chỉ có hiếm hoi vài tác phẩm như Đằng sau bức tranh, Nghiệt duyên, Chai thời gian.

Nhằm thúc đẩy giới thiệu và giao lưu văn học giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan, từ năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thái Lan đã triển khai dự án Hợp tác văn học Thái Lan - Việt Nam. Kết quả của dự án này là Tuyển tập văn học Bông sen trong dòng chảy văn học dày gần 800 trang, tập hợp 10 tác phẩm thơ, 20 truyện ngắn của các nhà văn, nhà thơ đương đại tiêu biểu của hai nước Việt Nam, Thái Lan, được in bằng 3 thứ tiếng: Việt, Thái Lan và tiếng Anh. Các tác phẩm được giới thiệu trong cuốn sách đều có giá trị nghệ thuật cao, giúp cho bạn đọc hai nước hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa của hai đất nước.

Nhà văn Chen Songsomphan – Chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan cũng sang Việt Nam 8 lần trong suốt quá trình này triển khai dự án, đồng thời cũng đến Hà Nội giao lưu với độc giả khi ra mắt cuốn Chai thời gian do ông là tác giả, và chia sẻ nhiều điều về tác phẩm cũng như văn học của Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên từ đó tới nay cũng vẫn chưa thấy thêm tác phẩm văn học Thái Lan nào được xuất bản ra tiếng Việt.

Tuy nhiên việc hội nhập văn học Đông Nam Á ngay tại chính các nước Đông Nam Á vẫn còn rất chậm chạp, thậm chí là khan hiếm.

Tại sao vậy? Có phải vì văn học Đông Nam Á còn thua kém? Có phải các nước Đông Nam Á ít nhà văn nhà thơ? Hoặc giả có nhưng không có mấy ai thành công? Phải chăng các nước Đông Nam Á không chú trọng phát triển văn học?

Xin thưa đây là nhận định sai lầm. Dẫu chưa được biết đến rộng rãi ở phương Tây, văn chương hiện đại của Đông Nam Á đã sản sinh ra những tác phẩm xuất sắc, động chạm đến những chủ đề lớn lao của nhân loại. Vốn cực kỳ đa dạng và khác biệt về lịch sử, chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, các nước trong khu vực này này ít nhiều chia sẻ những đặc điểm cốt lõi của thế kỷ 20: là thuộc địa của hàng loạt thực dân Phương Tây, như Hà Lan, Pháp, Anh, bị Nhật chiếm đóng trong Đệ nhị thế chiến, trải qua cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển sau đó. Đọc văn chương hiện đại của ba nước lớn trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia, và Singapore, chúng ta đọc được trải nghiệm lại cả lịch sử đầy biến động, phóng chiếu từ số phận của mỗi nhân vật, nơi các nhà văn triển khai những âm hưởng của di sản dân tộc để trình hiện lại cái thế giới hậu thực dân đầy đau thương.

Indonesia đã có nhà văn Eka Kurniawan được đề cử giải thưởng Man Booker International Prize, là người được mệnh danh đã khiến cả thế giới chú ý đến văn học đương đại nước mình. Tác phẩm đầu tay Beauty is a Wound của nhà văn này được dịch sang tiếng Anh vào năm 2015, đón nhận hàng loạt phê bình đầy ngợi khen. Là tiểu thuyết mang tầm vóc sử thi đồ sộ, nó phơi bày lịch sử hiện đại của Indonesia đầy rẫy bạo lực, về tình dục, thể chất, tinh thần, và chính trị, kéo dài suốt từ những năm 1920 đến tận cuối thế kỷ 20, mạnh dạn đề cập đến cả cuộc thảm sát Cộng sản năm 1965. Nhưng phải tới 5 năm sau khi đoạt giải, tới năm 2020, tác phẩm này mới được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Đẹp là một nỗi đau.

Tiểu thuyết The Garden of Evening Mists của nhà văn Tan Twan Eng (Malaysia) được trao giải Man Asian Literary Prize năm 2012. Cuốn sách đi sâu phân tích những di sản mất mát mà con người bình thường phải đương đầu trong và sau giai đoạn Nhật chiếm đóng Malaysia. Tác phẩm này hiện vẫn chưa được xuất bản tại Việt Nam.

Hoặc tác phẩm Spider Boys của Ming Cher vốn được xếp vào hang văn học kinh điển của Singapore, được Penguin New Zealand xuất bản vào năm 1995, thành công vang dội trên thế giới, khắc họa và đồng điệu tài tình cái tuổi mới lớn, với khát khao thoát khỏi lễ giáo bằng những cú chống đối ác liệt của tuổi trẻ. Nhưng tác phẩm này vẫn chưa được xuất bản tại Việt Nam.

Phải thừa nhận rằng các hoạt động hội nhập văn học Đông Nam Á vẫn chưa nhiều để tạo nên những cơn sóng lớn trên dòng chảy hội nhập. Từ sau khi Việt Nam tham gia vào khối Asean năm 1995, lần lượt nhiều nhà văn/nhà thơ tên tuổi của Việt Nam đã được nhận giải thưởng văn học Asean như Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Phú Trạm (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Cao Duy Sơn (2009), Nguyễn Nhật Ánh (2010), Nguyễn Chí Trung (2011), Trung Trung Đỉnh (2012), Thái Bá Lợi (2013), Nguyễn Thế Quang (2016), Trần Hùng (2017), Lê Minh Khuê (2018), Trần Quang Đạo (2019), Võ Khắc Nghiêm (2020)…  Giải thưởng này trị giá khoảng 1.200 USD, thường do một thành viên của gia đình Hoàng gia Thái Lan chủ trì.

 Tuy nhiên các tác phẩm của họ có được dịch, và giới thiệu rộng rãi tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á hay không cũng chưa chắc, và ngược lại đối với các tác giả Đông Nam Á từng đoạt giải Văn chương Đông Nam Á cũng vậy, cũng chưa thấy xuất bản sách tại Việt Nam. Như vậy sẽ rất khó có thể đưa tác phẩm hay, đoạt giải xích lại gần độc giả mỗi nước.

Điều đó càng khiến chúng ta nhận thấy sự cần kíp hơn nữa trong việc tăng cường thúc đẩy quá trình hội nhập văn chương khu vực Đông Nam Á.
 

Vài góp ý cho quá trình hội nhập văn chương

Hội nhập văn chương Đông Nam Á không có gì hiệu quả hơn bằng việc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu qua lại giữa các nước, đồng thời triển khai mạnh mẽ các Dự án Dịch thuật xuất bản văn chương đặc sắc của mỗi nước.

Tất nhiên các quá trình này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ về cả tiền hỗ trợ dịch thuật, xuất bản lẫn truyền thông… của chính phủ mỗi nước.

Việc liên tục tổ chức các workshop văn chương, workshop dịch thuật cũng là cách hữu ích, đặc biệt có tác dụng lớn đối với các tác giả trẻ, dịch giả trẻ.

Việc mở các trại sáng tác quốc tế, đưa các đoàn nhà văn đi trải nghiệm cuộc sống, tiếp xúc với độc giả ở các nước trong khu vực, cùng giao lưu và trao đổi với độc giả các nước cũng sẽ giúp các nhà văn có những cảm xúc mới mạnh mẽ, gây cảm hứng sáng tác, đồng thời tạo nên cái nhìn về sự vật, về con người cũng có ít nhiều thay đổi, mở rộng tầm nhìn hơn, mang tính quốc tế hơn, từ đó tác động mạnh mẽ tới việc xử lý vấn đề hoặc xử lý tác phẩm trong quá trình sáng tác.

Việc các Hội nhà văn ở các nước liên kết tổ chức các khóa đào tạo, training tay nghề cho các dịch giả cũng là điều rất cần thiết. Vì hơn ai hết, dịch giả là người tiếp xúc chặt chẽ với tác phẩm chỉ sau tác giả. Chính họ là người thẩm định tác phẩm đầu tiên thậm chí trước khi tác phẩm được xuất bản trong nước. Chính nhà văn Mạc Ngôn cũng từng chia sẻ với tôi rằng, ông biết ơn các dịch giả, vì nếu không có sự yêu thương của dịch giả các nước, tác phẩm của ông đã không được dịch rộng rãi và lan truyền mạnh mẽ tới nhiều nước như vậy.

Cá nhân tôi cũng là người yêu thích từng tác phẩm văn học Trung Quốc với những tên tuổi mà trước đó có nhiều người chưa từng được giới thiệu vào Việt Nam. Khi tôi đọc các tác phẩm của họ, tôi yêu thích chúng và quyết định ngay cần liên hệ tác giả, cần trao đổi về bản quyền và cần dịch ngay để giới thiệu chúng vào Việt Nam. Tôi tin rằng không chỉ mình cá nhân tôi có cảm nhận như vậy khi đọc được một tác phẩm văn học hay mà các dịch giả khác ở nhiều nước cũng sẽ có chung cảm nghĩ như vậy.

Các hoạt động văn chương trong nước, ví dụ như giải văn chương Ly Giang vừa tổ chức tại Quế Lâm hồi tháng 5/2023 chẳng hạn, nếu mở rộng ra được thêm giải dịch thuật văn chương, mỗi năm trao giải cho một dịch giả nước ngoài từng tham gia dịch văn học Trung Quốc thì điều này rất có ý nghĩa và khích lệ các dịch giả rất nhiều. Tôi tin rằng các dịch giả nước ngoài sẽ được động viên và tiếp thêm sức mạnh, lại càng say mê với công việc dịch thuật văn chương nhiều hơn nữa.

Tiến xa hơn trong tương lai, ở mỗi kỳ tổ chức giải thưởng văn chương sau này nếu thêm được một số hạng mục giải thưởng tầm cỡ khu vực Đông Nam Á như Giải Tác phẩm văn học nước ngoài xuất sắc nhất, giải Phê bình văn học nước ngoài hay nhất… sẽ nâng tầm giá trị giải thưởng. Hoặc thậm chí có thể thay phiên nhau hang năm tổ chức giải thưởng này ở nước đoạt giải thưởng văn chương cao nhất.

Và tất nhiên đừng quên bổ sung một khu vực đặc biệt chuyên giới thiệu, bán sách văn học Đông Nam Á trong các nhà sách, nhằm giúp độc giả mỗi nước quan tâm hơn, chú ý hơn và quen dần với việc mua các tác phẩm này, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hiểu biết văn hóa xã hội lẫn nhau.

Việc kết hợp tổ chức ra mắt các tác phẩm văn chương song song với các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực trong các dịp lễ hội ở các nước trong khu vực cũng là một cách quảng bá hấp dẫn và hiệu quả.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Dạ Hành 夜行 | Truyện ngắn của Pyun Hye Young
Nhóm dịch: Trần Thị Mỹ Duyên, Trần Huyền Trang, Phan Thị Thanh Tâm , Nguyễn Hà Mai Anh
Xem thêm
Chôn giấu ở Saipan
Vẫn còn đó những lưỡi lê rỉ sét được tìm thấy trong đất
Xem thêm
Chùm thơ Oh Se-young
Nhà thơ người Hàn Quốc, sinh năm 1942, tốt nghiệp cử nhân khoa Vật lý và sau đó là tiến sĩ văn học của Đại học Quốc gia Seoul.
Xem thêm
Chùm thơ của Svetlana Melnikova-Pivovarova
Ta là tiếng vọng của mìnhThêm yêu cuộc sống vô tình đẹp sao...
Xem thêm
Chạy đi, cha ơi! - Truyện của Kim Ae Ran
Tác phẩm truyện dịch hay của nhóm Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc
Xem thêm
Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc
“Workshop Dịch văn học Hàn Quốc 2022” được tổ chức với mục đích bồi dưỡng kỹ năng biên dịch văn học Hàn Quốc cho người học chuyên ngành tiếng Hàn
Xem thêm
Kết quả Cuộc thi review tác phẩm văn học Hàn Quốc
Bài viết giải nhất cà Vidoeclip giải nhất.
Xem thêm
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng theo dấu hiệp sĩ thánh chiến suốt 30 năm
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng ở tuổi 74 ra mắt tác phẩm ‘Hiệp sĩ thánh chiến’ mà ông đã mất 30 năm để chuyển ngữ, vào sáng 17/10 tại TP.HCM.
Xem thêm
“Worshop biên dịch văn học Hàn Quốc 2022” - những tín hiệu vui
Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2022 do Viện Dịch Văn học Hàn Quốc tại trợ, được tổ chức bởi Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc
Xem thêm
Việt Nam có một “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc”
Đường Đinh Lễ ở Hà Nội và Đường Sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là những địa điểm đọc sách lý tưởng cho những người yêu thích đọc sách ở Việt Nam. Tại
Xem thêm