TIN TỨC
  • Thế giới sách
  • Đọc “Nước mắt và niềm vui...” của đại tá Vũ Thành Trung

Đọc “Nước mắt và niềm vui...” của đại tá Vũ Thành Trung

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-03-25 21:31:12
mail facebook google pos stwis
602 lượt xem

KIM QUYÊN

Cuộc chiến vệ quốc Việt-Mỹ đã lùi vào dĩ vãng từ lâu nhưng những hồi ức  và tàn tích chiến tranh vẫn còn hằng sâu vào tâm não của những người sống trong thời kỳ đó, nhất là những người đã từng tham gia trong cuộc chiến , không thể nào phai mờ.

Các phương tiện truyền thông truyền hình, báo chí, văn chương nghệ thuật đã nhắc nhở, phục dựng lại rất nhiều về cuộc chiến kinh hoàng này với nhiều chiều kích khác nhau nhưng vẫn chưa thể nói hết những tâm trạng buồn vui, những khó khăn gian khổ mà khi kể lại trên trang sách hay trên phim ảnh cũng không có từ nào, hình ảnh nào diễn tả cho hết, bỡi có quá nhiều câu chuyện khi kể lại cho những thế hệ sau nhiều lúc tưởng như là huyền thoại.

Tôi đã viết và đọc khá nhiều hồi ký mà các nhân vật chiến sĩ cách mạng may mắn còn sống sót và có điều kiện kể lại cuộc sống đầy hào hùng của bản thân mình và đồng đội trên trang giấy hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền hình khiến cho bao người xúc động, hiểu rõ thêm cuộc sống của cha anh, đồng đội mình đã từng sống và chiến đấu anh dũng như thế nào.

Đọc quyển hồi ký “Nước mắt và niềm vui, những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông” của đại tá Vũ Thành Trung, tôi đã cười khóc theo những chi tiết do anh kể lại trên từng trang viết bằng văn phong hết sức bình dị, chân tình.

Ba trăm trang giấy với câu chữ và hình ảnh được đúc kết trong 15 chương đầy hỉ, nộ, ái, ố… mà chỉ những người đã từng dấn thân vào cuộc chiến không cân sức giữa một cường quốc trên thế giới với một nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu, nhỏ bé trên bản đồ thế giới mới có những tư liệu sống hết sức phong phú. Cuộc chiến mà người dân Việt Nam đã ví như “Châu chấu đá xe”, và cả thế giới đã dõi theo để giúp đỡ và lo lắng cho Việt Nam.

Theo dòng chảy thời cuộc, thanh niên lúc đó từ Nam chí Bắc một lòng lên đường cứu nguy cho đất nước, Vũ Thành Trung (còn gọi là Mười Trung), vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ, gia đình có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng: mẹ và hai chị của anh. Chứng kiến biết bao cảnh giết chóc, tàn phá đất nước từ bom đạn của kẻ thù, lúc 14, 15 tuổi anh đã là cơ sở cách mạng của quê mình ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.  Chàng thanh niên Mười Trung thường xuyên tiếp tế thức ăn và cung cấp tin tức tình hình địch cho các cán bộ điều lắng trong rừng khu Lê Hồng Phong (gọi tắt là rừng Lê).

Tháng 7 năm 1961, phần lớn cơ sở bị lộ, bị địch bắt rất nhiều, Mười Trung phải thoát ly gia đình, bỏ lại bao ước mơ của tuổi thanh xuân và chia tay người yêu đầu đời Trần Thị Huệ nơi quê nhà.

Từ đây, cuộc đời anh đi vào bước ngoặt mới. Anh ở đội công tác Hồng Sơn một thời gian rồi lên huyện đội và đi Tây Nguyên. Những năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên, anh cùng đồng đội trãi qua bao gian khổ và thiếu thốn trăm bề. Tháng 11 năm 1963, Quân khu chuyển vào miền Đông Nam bộ, anh về làm trinh sát cho Tiểu đoàn 840. Tháng 12 năm 1965, sau những hung tin mất mát, hy sinh của bà mẹ và 3 người anh: Võ Văn Dõi, Võ Thanh Anh, Võ Thanh Hùng trên chiến trường Tây Nguyên, anh Mười Trung đã âm thầm đau khổ, khóc thương cho những người thân yêu của mình ra đi. Anh tự nhủ lòng, anh phải quyết sống chết với bọn cướp nước này để trả thù cho gia đình, họ hàng và làng xóm.

Sáng ngày 27.12.1965, các lực lượng tham chiến chuẩn bị hành quân đến vị trí tập kết để tham gia trận đánh rất ác liệt ở Bu Prăng. Mười Trung nghĩ mình sẽ khó qua trận này nên anh đem đồ dùng cá nhân cho các anh em cùng tiểu đội, chỉ mặc một bộ quần áo trong người. Khi tới điểm tập kết, anh cũng cởi bỏ luôn, vì lính đặc công khi đi trinh sát, điều nghiên chỉ mặc một quần shệp thôi. Các chiến sĩ đặc công phải ngụy trang bằng các sắc màu cho tiệp với cây lá hoặc đất đá ở nơi đó. 21h, các chiến sĩ bắt đầu cắt rào kẻm gai bằng kềm cộng lực vì kẻm gai của Mỹ bằng thép, loại này bình thường cắt đã khó, mà ở đây phải cắt trong đêm tối, không được gây ra một tiếng động nhỏ nào, cắt xong phải cuộn hai đầu dây kẻm gai lại và chốt hết dây mìn cho an toàn, tạo ra một lỗ trống vừa đủ cho người chui qua, dùng bẹ cây chuối rãi theo đường làm lộ tiêu để anh em phía sau biết được mà bò theo cho đúng vì mìn và lựu đạn được địch cày cấm rất dày đặc.

Đến 23 h thì có một số cắt chưa xong hàng rào đã bị lộ, pháo sáng bắn cấp tập, hỏa lực của địch bắn xối xả vào tất cả các hướng tấn công của ta. Đáng lẽ phải lui quân nhưng cấp trên vẫn chỉ huy tiếp tục tấn công. Bộ đội ta chiến đấu hết sức anh dũng, đã chiếm được 2/3 cứ điểm, diệt được nhiều địch nhưng do vũ khí đạn dược thiếu thốn, lại không có quân dự bị để tiếp cứu nên số thương vong mỗi lúc một tăng cao. Vì không đánh dứt điểm được căn cứ nên không thể đưa hết thương binh tử sĩ ra ngoài đành phải để lại một số thương binh nặng và liệt sĩ nằm lại trong đồn.

Người đồng chí nằm cạnh anh Mười Trung bị một quả cối rơi trên lưng, chỉ còn là một đống thịt vụn, nóng hổi. Thịt và máu của đồng chí dính bết trên người Mười Trung. Anh Mười thấy người tê buốt, không cử động được. Anh sờ đùi bên trái, thấy mất 1/3 đùi, bàn chân trái gần như bị đứt lìa và nhiều vết thương trên người, máu tuôn xối xả, anh bất tỉnh…

Thật lâu sau, khi tỉnh lại Mười Trung thấy mình nằm dưới tấm tole từ nhà lính bay ra. Tấm tole bằng sắt rất nặng nhưng anh cố bườn ra. Anh quan sát chung quanh thì thấy đơn vị đã rút đi, còn lại một số anh em bị thương nặng và hy sinh nằm lại. Anh biết là trận đánh không dứt điểm.

Mười Trung còn một khẩu Thompson và băng đạn 30 viên. Anh đem hết tàn lực, cố chống bằng 2 cùi chỏ để trườn dần ra ngoài dưới làn pháo sáng của máy bay. Đạn trong đồn vẫn còn bắn liên tục vào các đồng chí đã hy sinh và trọng thương. Chúng phát hiện Mười Trung, định ùa ra bắt sống, anh Mười vừa trườn vừa nả đạn vào đám lính, diệt được 5 tên, số còn lại không dám chạy theo nữa nhưng vẫn bắn rát theo khiến anh bị thêm vết thương trên cánh tay.

Ra khỏi hàng rào, anh cố bườn vào một bụi rậm, nằm thoi thóp chờ cái chết sắp đến. Nước mắt ứa ra, anh cảm thấy toại nguyện vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ và trả được phần nào mối thù cho má và các anh, em, họ hàng, lối xóm. Mùa Đông, lại ở trên đồi cao quá lạnh mà trên mình không có miếng vải che thân, các vết thương bắt đầu nhức nhối, toàn bộ bụng và tay chân dính đầy gai mắc cở, sờ lên không khác gì tấm da bò. Trời sắp sáng, anh không mong gì sẽ có người đến cứu, anh hy vọng, mình sẽ được chết để không kéo dài cuộc đời tàn tật, phế binh.

Nhưng… lúc đó, anh Lê Du (Tham mưu trưởng Tiểu đoàn) sau khi kiểm tra quân số, đã cho trinh sát trở lại tìm và gặp được Mười Trung. Anh được đưa vào khu bệnh xá trọng thương trong ngôi nhà lá trung quân. Anh Bình, quản lý bệnh xá (người bạn thân trước đây cùng công tác ở phòng Chính trị quân khu) nhận ra Mười Trung, ôm anh khóc nức nở.

Cuộc phẩu thuật được tiến hành gấp rút. Sức khỏe anh Mười đã cạn kiệt nhưng thuốc gây mê không có và thuốc tê cũng rất khan hiếm. Trong quá trình cắt lọc thịt thối các vết thương, bác sĩ Khâm động viên “Trung ơi! Ráng chịu đựng, tao biết mấy thằng trinh sát gan dạ lắm”. Anh Mười cắn răng, cố kềm cơn đau thấu xương, mồ hôi vã ra như tắm, anh bất tỉnh. Các y, bác sĩ ngưng lại để hồi sức cấp cứu, lát sau tỉnh lại, anh được hút vài hơi thuốc để cầm cự, bác sĩ lại tiếp tục cắt lọc thịt thối. Sau 4 tiếng cuộc phẩu thuật mới xong, các vết thương được băng bó bằng gạc tẩm mật ong rừng vì mật ong làm lành nhanh các vết thương.

Trong những ngày đớn đau, Mười Trung được các bác sĩ , y tá chăm sóc kỷ lưỡng, đặc biệt cô y tá Út Bòn xinh đẹp quê ở Long An hết sức tận tình. Cứ khoảng 1,2 giờ cô bồng anh lên và dời chỗ cho anh không bị loét, cô đem cái áo bà ba của mình ra sóc của đồng bào dân tộc đổi lấy gạo và gà về nấu cơm cho anh ăn vì thấy sức khỏe anh quá kiệt quệ, không thể nào cho anh ăn củ mì như những thương binh nhẹ khác. Suốt 4 tháng ở bệnh xá, Út Bòn có những cử chỉ khiến anh Mười xúc động lắm. Anh nghĩ, anh còn sống lại đây ngoài sự quan tâm của tổ chức và đồng đội còn có tình nghĩa rất sâu nặng của Út Bòn. Anh nguyện với lòng sau này anh sẽ đáp đền ơn nghĩa của cô nhưng sau đó không lâu, anh được tin cô đã hy sinh trên đường công tác.

Sau bốn tháng ở bệnh xá, anh Mười được đưa về trại thương binh ở Campuchia. Ở đây sẽ có cuộc kiểm tra của Quân y Khu để phân loại thương binh. Người nào bị thương nặng thì đưa ra Bắc tiếp tục điều dưỡng, người nhẹ thì đưa ra chiến trường công tác. Anh Mười cùng một vài trọng binh quyết tâm ở lại chiến trường. Anh chiến đấu với sự đau đớn của chân trái để tập bước từng bước, máu tuôn ra dầm dề trong đôi giày. Nhưng anh cố giấu đội kiểm tra nên sau đó được đưa đi công tác, phụ trách một sóc dân tộc.

Có lẽ, sau những gian nan nguy hiểm vào sinh ra tử không biết bao lần mà người chiến sĩ trinh sát Mười Trung vẫn luôn kiên cường, mưu trí và tài năng đã bước qua cái chết, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cứu nước của toàn dân, để cuối cùng số phận may mắn đã cho anh gặp được người con gái đẹp người đẹp nết Bảy Men (Phạm Thị Men) là Quân Y sĩ, trạm trưởng bệnh xá Liên Cơ, sau đó chị phụ trách Đội trưởng nữ pháo binh khu 10.

Mối tình trong chiến tranh khá lãng mạn nhưng gặp nhiều cản trở đã khiến hai người phải 3 lần tổ chức đám cưới vì lần nào cũng bị địch càn quét, đạn bom khói lửa ngút trời, tưởng đâu có lúc họ phải hy sinh. Vợ chồng anh Mười Trung vẫn sát cánh cùng đồng đội vượt qua muôn vàn gian khó cho tới ngày thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976 anh rời khỏi quân đội, chuyển qua ngành khác. Anh tâm sự: “Thấy tình hình thương tích của mình không thể tồn tại lâu dài trong lực lượng vũ trang mà tôi lại ở cương vị chỉ huy từ cấp tiểu đoàn trở lên. Ở cương vị ấy mà sức khỏe không tốt thì không thể xây dựng lực lượng vũ trang chính quy được nên tôi xin chuyển ngành, tìm công việc khác thích hợp hơn. Tôi ra đi mà lòng nặng trĩu nỗi buồn khi phải rời quân đội, nơi tôi đã gắn bó hơn 15 năm, đã ngược xuôi trên những nẻo đường đất nước, từ chiến trường Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ...”. Anh Mười Trung đã được quyết định về làm Trưởng phòng CSGT Công an Sông Bé, sau đó anh được điều về làm Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Sông Bé. Năm 1985, anh được tổ chức cho đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, anh công tác ở ngành Cảnh sát điều tra, chức trưởng phòng. Đây là công việc rất phức tạp vì phải đối mặt với tội phạm hình sự, có thể gây ra oan sai trong việc xử lý tội phạm, có thể bị mua chuộc bằng nhiều hình thức khác nhau, dễ sa đà vào tiêu cực. Suốt 15 năm sau hòa bình, dù ở cương vị nào anh Mười Trung cũng thực hiện theo lời dặn của Bác “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, anh luôn giữ mình sáng trong với nhiều trọng trách khác nhau và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh nghỉ hưu được phong cấp hàm đại tá, được tặng thưởng nhiều    Huân, Huy chương, nhiều bằng khen giấy khen của các cấp Đảng và chánh quyền . Anh Vũ Thành Trung bộc bạch về hồi ký của minh: “Mỗi con đường đi qua đều có những câu chuyện kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông. Có chuyện gắn với mình, có chuyện gắn với đồng đội mình, vì vậy mà mình ráng ngồi viết, để lại chút gì cho con cháu...”

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tố Hoài “mang bão giông khát vọng cuộn về em”
Bài viết của nhà thơ Xuân Trường về tập thơ mới của Tố Hoài
Xem thêm
Nhà văn Lê Kiên Thành chinh phục độc giả bằng sự chân thành và trái tim nhân hậu
Tiến sĩ Lê Kiên Thành khoác trên mình bộ vest xanh lịch lãm, phong thái điềm đạm nhẹ nhàng, nở nụ cười hiền lành, từ tốn bước vào khán phòng giao lưu với độc giả sau khi xuất bản quyển sách đầu tay “Những khoảnh khắc sống”. Ông đến với văn đàn muôn vàn tinh tú ở độ “Thất thập” bằng những câu chuyện thật, rất thật cùng lời lẽ chân thành, mộc mạc và hơn hết là một trái tim nhạy cảm, giàu lòng nhân hậu.
Xem thêm
Người chiến sĩ ấy - Tập truyện ngắn hay về người lính Bộ đội Cụ Hồ. 
Mỗi tập sách dày trên dưới 700 trang (khổ 16 x24cm), tạp chí Văn nghệ Quân đội vừa trình làng hai tập truyện ngắn hay mang tên Người chiến sĩ ấy (*) Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập tạp chí VNQĐ - chủ biên bộ sách này “ Đây là công trình nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND VN và ngày truyền thống Tổng cục Chính trị ( 22/12/1944-22/12/2024)”. 
Xem thêm
Nhà thơ Thiên Hương sắp ra mắt tập thơ “Đoá sen hồng an nhiên”
Nhà thơ Thiên Hương sẽ ra mắt tập thơ mới “Đoá sen hồng an nhiên” vào 17h, ngày 21/01/2024, tại số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.HCM.
Xem thêm
Như lòng thành dâng Mẹ - dâng Tổ tiên và những vùng đất thiêng
Đọc “Đường thơ… lặng bước” của nhà thơ xứ Đoài - Đào Ngọc Chung
Xem thêm
Long lanh một dải sông Hàn dưới góc nhìn của tâm thức văn hóa
Long lanh một dải sông Hàn được viết bắt nguồn từ một tình yêu nguồn cội đến cháy lòng và niềm hy vọng đối với Đà Nẵng - điều luôn làm tác giả Tần Hoài Dạ Vũ cảm thấy nhẹ nhàng, hãnh diện.
Xem thêm
Những điều phi thường trong Thế giới bình thường
Bộ tiểu thuyết 3 tập Thế giới bình thường lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt...
Xem thêm
Tính vô thường trong “Từ khi chim vịt kêu chiều” của Huỳnh Duy Lộc
Khi cảm xúc được trần tình không che giấu, cái Tôi trữ tình sẽ tràn dâng, réo đuổi mãnh liệt nơi hồn. Ở đó, ta bắt gặp một thế giới nội tâm vật vã với tiếng lòng thổn thức. Ở đó, những lạc lõng, cô đơn, nhỏ bé…của kiếp người như được trải ra, dài ra, vô tận. Nhân sinh chìm nổi, vạn vật vô thường vốn thuộc về qui luật, và có lẽ vì cảm thấu sâu sắc điều này nên nhà thơ đã thẩm mĩ hoá cuộc sống bằng những vần thơ khắc khoải, da diết, đậm tính vô thường.“Từ khi chim vịt kêu chiều” của Huỳnh Duy Lộc là một trong những tập thơ mang màu sắc ấy.
Xem thêm
Giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền của nữ nhà văn Tạ Lăng Khiết
Hội nhà văn TP.HCM và Công ty Cổ phần Văn hóa Chi giới thiệu tiểu thuyết Song Nguy Thuyền Tạ Lăng Khiết
Xem thêm
Viết bằng trái tim nồng ấm và chan chứa nhân văn…
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật
Xem thêm
Những cuộc du lịch chữ…*
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Văn nghệ số 47/2023
Xem thêm
Lời giới thiệu tập “Thơ tình Trịnh Duy Sơn”
Bài giới thiệu của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
“Vỗ dọc mùa đêm trắng”
Một mảnh trăng vênh lưng lửng sáng/ Một hồn thương lạc mọc bên thềm/ Bóng suông ngồi xé đêm thành sợi/ Có một khúc vui đã qua đời..
Xem thêm
“Trên mỗi nẻo đường” – hành trình kết nối tình người
Vũ Trọng Thái đam mê đi và đam mê viết. Hầu như mỗi vùng đất anh đi qua đều được ghi chép bằng tất cả năng lượng và yêu thương mà anh dành cho nơi ấy.
Xem thêm
Thơ tình liệu còn có tình yêu từ bạn đọc?
Về Tuyển tập “Tình thơ một thuở”
Xem thêm
Tiểu thuyết ‘Trong vô tận’ đạt Giải thưởng Văn học ASEAN
Tác phẩm ‘Trong vô tận’ của nhà văn Vĩnh Quyền đã đạt Giải thưởng Văn học ASEAN 2021.
Xem thêm
Hoàng Anh – Một giọng thơ triết luận, dịu dàng và giàu nữ tính
Nguyên Khôi là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Hoàng Anh. Tập sách được chị dành nhiều thời gian, tâm sức chắt chiu, tỉ mẩn để hoàn thành nó. Vì thế, Nguyên Khôi mới có có được sự đầy đặn và chỉn chu như thế.
Xem thêm