TIN TỨC
  • Truyện
  • Đời cây đời người | Truyện ngắn của Tiến Luận

Đời cây đời người | Truyện ngắn của Tiến Luận

Người đăng : tranductin
Ngày đăng: 2023-03-04 11:18:10
mail facebook google pos stwis
695 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Sau mấy ngày mưa liên miên, chiều nay trời quang mây tạnh. Đường vào xóm Núi khô ráo, sạch sẽ nhưng trong nhà hắn vẫn nhớp nhúa, nước đọng thành vũng. Vợ hắn sắp xếp những mớ rau cho vào quang gánh chuẩn bị ra chợ. Hai đứa con gái thu những vỏ lon nhặt được từ hôm qua cho vào một cái bao tải chờ cô đồng nát đến. Hắn vẫn nằm trên giường, mặc cho những hạt mưa len qua mái nhà từ ban sáng rơi xuống thấm ướt mái tóc lòa xòa.

Hắn muốn ngồi dậy, nhưng trung tâm thần kinh không điều khiển được. Nghe tiếng vỏ lon va chạm nhau lách xách, hắn bỗng tỉnh như sáo ngồi bật dậy hỏi: Tiền bán vỏ lon hôm qua đâu? Hai đứa tranh nhau nói: Chúng con đưa cho mẹ rồi ạ! Đã quá quen tính hắn. Nếu hắn nổi khùng thì đồ đạc trong nhà không có cánh cũng bay vèo ra sân. Vợ hắn vội vào nhà lấy tiền đưa cho hắn vài chục nghìn rồi nói mát một câu: “Ông cầm lấy mà uống để mẹ con tôi nhịn đói”. Hắn cầm tiền từ tay vợ lững thững bước ra đường phố tìm vào quán rượu.

*

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hắn về dạy học ở một trường cấp 3 thị xã được vài năm thì Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Lệnh động viên toàn quốc kêu gọi thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hắn tự nguyện gia nhập đoàn quân Nam tiến. Sau 3 năm cầm súng, hắn xuất ngũ, lại được trở về với mái trường xưa. Cuộc sống người lính chiến đã bổ sung cho kiến thức uyên thâm của hắn thêm phong phú. Vì thế mà những tiết giảng văn của hắn bao giờ cũng sống động, khoáng đạt, gợi mở cho tư duy sáng tạo của học trò. Hắn được làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Là lớp chọn học sinh năng khiếu của trường. Cứ tưởng đây là cơ may, hắn có thể dồn toàn tâm toàn lực dẫn dắt các em đến một chân trời khoa học tương lai. Vậy mà trong quá trình giảng dạy, hắn mới nhận ra học sinh trong lớp đa số là con em các quan chức, đại gia, con em các giáo viên trong trường. Hắn đã kiểm tra kiến thức, bài vở, loại bỏ những em yếu kém ra khỏi lớp chọn. Việc làm của hắn không được hiệu trưởng, giáo viên và đa số phụ huynh đồng tình. Thế là mâu thuẫn phát triển. Mỗi ngày một tích tụ. Đến lúc phải đập bàn, xô ghế. Cho đến khi hắn phát hiện ra sự gian dối trong thi cử, hắn đã làm đơn tố giác. Được xã hội hoan nghênh, được cấp trên tặng bằng khen. Báo chí, truyền thông tuyên dương ầm ĩ. Nhưng trớ trêu thay! Hắn lại bị cô đơn ngay giữa ngôi trường của mình. Người ta nhìn hắn như một kẻ xa lạ, như một con sâu róm lúc nào cũng muốn xù lông không ai muốn đến gần. Thế là hắn bị sa thải. Đang chán nản thì có một người bạn đến chơi:

- Nghe nói bỏ nghề gõ đầu trẻ rồi hả?

- Bỏ rồi. Nghĩ cũng tiếc. Nhưng mà thôi, cuộc đời muôn nẻo.

-  Ông bỏ là phải. Nghề bán chữ có ai giàu? Muốn giàu là phải đi buôn.

- Thời buổi này không gì lãi bằng buôn than. Không phải là 1 vốn 4 lời mà là 10 lời!

Nghe bùi tai, có bao nhiêu vốn liếng vợ chồng chắt chiu ki cóp được cùng với thế chấp nhà đất vay ngân hàng mua một con thuyền vận tải đi buôn than cùng với anh bạn. Mấy chuyến đầu thắng đậm đã hí hửng, muốn làm những chuyến thắng đậm hơn. Chỉ chờ có thế, thương lái người Tàu bên kia mới ép giá. Bán thì lỗ, không bán thì quay thuyền về. Đành ngậm bồ hòn mà bán. Chuyến ấy lỗ to! Cho đến chuyến sau cả Mãi và hắn cùng bị tàu kiểm tra liên ngành bắt gọn vì tội buôn bán than trái phép. Thế là sạch sành sanh vốn liếng. Đời đen bạc đến thế là cùng. Những lúc vắt tay lên trán, hắn mới nhận ra mình không thể làm được nghề buôn. Nghề buôn phải có âm mưu thủ đoạn, gian lận mánh khóe, dối trá, lọc lừa, mà hắn chỉ là anh giáo quèn dạy chữ. Hắn chết cay, chết đắng chẳng biết xoay xở thế nào để trả được nợ ngân hàng. Hắn dùng rượu để giải sầu. Và như một thói quen khi đã có chất men ngấm vào các tế bào, ngấm vào các li ti huyết quản, làm cho làn da xanh bủng của hắn căng ra đỏ mọng như quả nhót chín, hắn vật vờ đến gốc cây bàng cuối chợ có con đường đi lên núi là nơi nghỉ mát lí tưởng của hắn. Hắn ngả người vào gốc cây. Đôi mắt khép lại và thiếp đi.

Bỗng có tiếng đập cái bốp vào vai hắn. Hắn choàng tỉnh. Một người đàn ông luống tuổi đứng trước mặt. Trên vai đeo lủng lẳng mấy cục gỗ lũa. Ông ta hỏi: Chiều, chợ sắp tan rồi kia. Không về nhà đi. Nằm đây ăn vạ à?

Còn đang ngái ngủ, hắn văng tục: Cút mẹ ông đi! Người đàn ông như không hề để ý tới hắn. Ông đặt cục gỗ lũa xuống đất ngắm nghía. Hắn hỏi: Ông lấy những thứ này về làm gì? Rõ là dở hơi. Thì cứ cho là dở hơi cũng được. Nhưng ông hãy nhìn xem cục gỗ lũa này giống con gì? Nó là cục gỗ mục chứ là cái con mẹ gì? Ông phải ngắm kĩ rồi tưởng tượng sẽ nhìn ra dáng đứng của con cò - một tác phẩm điêu khắc sống động, tuyệt mỹ của các nhà điêu khắc tài ba là mối, và mọt đấy.

Nghe người đàn ông nói năng nhẹ nhàng, thân thiện, hắn bình tâm ngắm nghía cũng thấy hay hay. Chất lãng mạn của anh giáo dạy văn trỗi dậy, hắn cũng nhận ra con cò. Hắn lấy làm thích thú đọc một câu ca dao: “Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng, nước mắt nỉ non”. Nhưng con cò này với dáng đứng thư thái như hiện thân của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Khi đã có cuộc sống no đủ, dư thừa họ mới có thời gian ngắm nhìn cánh đồng bao la, của mình như thế, phải không ông? Người đàn ông vỗ cái bét vào đùi: Ôi lãng mạn quá! Ông giàu trí tưởng tượng lắm. Có thể làm cây cảnh được đấy.

Hắn lắc đầu: Tôi chỉ biết dạy chữ cho trẻ, chứ làm cây cảnh thì… tôi chịu!

Người đàn ông trố mắt hỏi: “Ông là nhà giáo ư? Nhà giáo sao lại nằm đầu đường xó chợ. Căn cớ gì mà ông giáo đến nỗi này?”. Hắn chép miệng: “Bị thua cuộc, thất thế, chán đời. Thế thôi!”. Người đàn ông nhếch mép cười khẩy: “Chỉ có thế mà ông phải tự hành xác mình. Hóa ra ông cũng xoàng nhỉ!”.

Lúc này hắn mới nhìn kĩ người đàn ông cao ráo, rắn chắc, da sạm màu đồng hun. Gương mặt vuông vức, cạnh góc đầy vẻ phong trần. Ông ta ngồi xuống gốc cây bàng cạnh hắn. Hai ống quần hếch lên, lộ ra một bàn chân gỗ. Hắn giật mình hỏi:

- Ông là lính! Sư nào?

- Sư đoàn Than!

Hắn tròn mắt nhìn từ đầu đến chân người đàn ông lạ lần nữa rồi nói: Hồi ấy tôi cũng nghe nói về sư đoàn Than - một sư đoàn thép chiến đấu rất ngoan cường, từng làm bạt vía kinh hồn bọn lính Mỹ, ngụy. Chính vì thế mà chúng phải huy động lực lượng muốn xóa sổ sư đoàn Than. Tôi may mắn còn sống sót trở về mang theo một mảnh đạn còn găm trong đầu. Tôi chẳng biết làm gì nuôi con, phải sống nhờ ông bà nội. Gian nhà của bố mẹ tôi chật hẹp. Lẽ ra tôi có thể xin chính quyền sở tại cấp đất, hoặc xin nhà người Hoa bỏ về nước như bao công dân khác. Nhưng tôi nghĩ còn bao nhiêu người hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Với lại tôi cũng không muốn phiền hà, nhỡ người ta lại bảo cậy mình là thương binh. Tôi lên đồi vỡ đất trồng sắn và làm một túp lều bên đường bán nước chè xanh, nấu rượu lậu. Nhiều lần bị dân quân, công an đe: Nếu còn nấu rượu lậu sẽ bị tịch thu đồ nghề và bị truy tố trước tòa án. Vừa sợ, vừa nghĩ mình như thế là tự đánh mất nhân phẩm quân nhân. Tôi vứt hết dụng cụ đồ nghề và đóng cửa quán. Nhiều lúc chán, muốn buông bỏ, nhưng lại nghĩ: Cuộc sống con người sợ nhất là khi ta nhụt chí khí. Mình còn lành lặn đôi bàn tay và nghe trong mình vẫn còn khỏe mạnh. Tôi đã đến với nghề làm cây cảnh, cây thế. Cây thế là sự kết hợp giữa kĩ thuật vun trồng với nghệ thuật tạo hình và kĩ năng uốn tỉa. Nhưng làm cây thế phải có vốn mua cây phôi. Thay vì mua, tôi đi khai thác trên núi đất, hoặc chèo thuyền ra các đảo đá tìm kiếm những cây si, đa, đề, sộp, xương cá, thanh hao. Chúng sống khô cằn trên đá hàng chục, hàng trăm năm. Người càng già càng xấu, chứ cây càng già càng đẹp và có giá! Lấy được cây về ngồi ngắm nghía định hình nên ý tưởng: Nuôi cành nọ, bỏ cành kia; Uốn cành ngang, bẻ cành quặt làm cho cây có chỗ oằn, chỗ lượn tạo nên một thế giới thiên nhiên thu nhỏ. Sướng lắm ông ạ! Ông hãy quên chuyện cũ đi. Thanh thản mà sống. Người đàn ông nói xong tặng hắn cục gỗ lũa hình dáng con cò rồi đứng dậy chào tạm biệt và mời hắn hôm nào đến nhà chơi.

Đã lâu lắm, hắn sống trong lặng  lẽ cô  đơn. Hắn  nghe có một nhà trí giả nói rằng sự tĩnh lặng, cô đơn có thể làm cho người ta phát rồ, phát dại. Hắn chưa đến nỗi phát rồ, phát dại, nhưng tâm tính hắn đã thay đổi. Có ngày hắn chẳng nói câu nào. Hễ mở mồm ra là cáu gắt, văng tục chửi bới vợ con.

Cuộc trò chuyện với ông Sanh như cơn mưa dông nặng hạt, như cơn gió lành xua đi sự u mê, tăm tối và làm lóe lên trong đầu hắn một tia hi vọng mới. Như mọi bữa khi đi đâu về nhà là hắn nằm thượt ra giường. Nhưng hôm nay hắn thấy trong người xốn xang. Có một cái gì đó đang thôi thúc hắn. Hắn ngồi thừ bên bàn học của con. Nhìn hai chiếc cặp đứt chỉ thủng góc và những quyển vở xô lệch để trên bàn, hắn biết chúng vừa đi học về đã vội vàng ra chợ bới trong đống rác tìm vỏ lon và những gì có thể bán được. Hắn ngước mắt nhìn ra ao. Vợ hắn đang lom khom dưới ruộng. Quần xắn lên quá gối, trơ hai ống chân gầy. Bất giác hắn nghĩ tới cục gỗ lũa có hình dáng “con cò” của ông Mạnh tặng hắn. Không biết vô tình hay hữu ý của người tặng muốn nhắc nhủ hắn: người lính trở về trước hết là vì cuộc sống gia đình, vợ con. Ngày xưa kẻ thù là giặc xâm lược, giờ kẻ thù là đói nghèo. Tự nhiên hắn nhớ tới ngày xưa. Ngày xưa vợ hắn đẹp nức tiếng làng Tây Tự. Những cuộc cờ người ở hội đình, chùa, năm nào vợ hắn cũng được tuyển chọn làm “tướng ông”. Biết bao chàng trai trong làng, ngoài phố ngỏ lời vẫn không ưng ai. Chỉ yêu mỗi hắn. Càng nghĩ, những  giọt nước mắt cứ ứa ra, chảy dài trên má.

Sau mấy ngày ngẫm ngợi, hắn muốn đến nhà ông Sanh học tập làm nghề cây cảnh. Lần theo địa chỉ, hắn đến trước một ngôi biệt thự sơn xanh lấp lánh những ô cửa kính tọa lạc giữa vườn cây. Ông Sanh mừng rỡ cùng vợ ra đón hắn từ ngoài ngõ. Hắn ngơ ngác nhìn cái ao trước nhà nước xanh ngăn ngắt lung linh soi bóng những hàng cây trên bức tường hoa. Từng mảng bèo tây bồng bềnh, cá nổi lên đớp mồi tóp tép. Hắn nghĩ tới những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Mỗi quả bom rơi xuống làng là tạo thành một cái ao. Cái ao này là chứng tích một thời bom đạn. Hắn hỏi, giọng khôi hài:

- Phi công Mỹ đào cho ông bà cái ao đẹp nhỉ!

- Tôi đào đấy!

Bà Hoàn, vợ ông Mạnh nói thay chồng: Nghề trồng trọt là “nhất nước, nhì phân…”. Ở đây vùng đồi núi. Hễ mưa là trôi tuột ra biển. Đào giếng phải mười lăm, hai mươi mét mới có nước. Anh ấy bảo phải đào ao để có nước vừa nuôi cá, vừa trồng cây. Hồi ấy cũng có nhiều người bạn tốt, biết anh đào ao đến ngỏ lời muốn giúp. Nhưng thú thật với anh, người ta đến làm cho mình, mình cũng phải cho người ta ăn uống tử tế. Đằng này mình nghèo quá. Với lại anh ấy cũng sĩ, không muốn phiền ai. Hắn ngạc nhiên nhìn xuống bàn chân ông Sanh rồi hỏi: Ông đưa đất lên bằng cách nào khi ao đào mỗi ngày một sâu?

- Mỗi ngày tôi đào một tí. Mấy hôm đầu tôi chỉ đào được một cái hố như cái hố tôi vôi. Có người hàng xóm thấy tôi cởi trần xách từng xô đất đổ lên bờ hỏi: “Anh đào đất làm gì?”. Tôi không dám nói là mình đào ao. Bởi nhỡ ra có thế nào, công việc bỏ dở, người ta sẽ cười cho, nên cứ lặng lẽ đào một mình. Khi đào xuống sâu đưa đất lên càng khó. Tôi phải đào bậc thang. Đóng một chiếc cọc trên bờ thật chắc rồi buộc dây thừng ròng xuống hố. Một tay tôi xách xô đất, một tay bám vào dây mà leo lên. Có ngày chỉ đào được vài phân khối. Nhiều hôm đang đào thì mảnh đạn trong đầu cựa quậy, khiến tôi choáng váng phải ngồi dựa vào thành ao. Cô ấy đang ôm con trong nhà, thấy tôi lâu không lên vội vàng đặt con nằm xuống chạy ra dìu tôi vào nhà xoa bóp cho cơn đau dịu lại. Cũng có lúc tôi chán nản hoài nghi về sức khỏe của mình. Có anh bạn đồng ngũ đến chơi thấy tôi lọ mọ ngoài vườn đào ao. Anh ái ngại khuyên: Cậu là thương binh, tôi cũng là thương binh. Trong người mang bao thương tật. Biết thế nào? Nay ốm, mai đau. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ về với đất. Hãy sống cho thanh thản! Còn ham hố bon chen gì nữa. Tôi phản đối, như vậy hóa ra chúng ta sống nhàn rỗi để chờ chết ư? Tôi không nghĩ mình bon chen và nếu có bon chen lành mạnh để có cuộc sống no đủ làm giàu cho mình tức là góp phần làm giàu cho xã hội cũng là điều tốt, nên làm. Ròng rã hơn một năm, cái ao chứa được hơn 400m3 nước hoàn thành.

Đúng là một chuyện lạ khó tin, nhưng người thật, việc thật đang hiện diện trước mắt hắn. Thế mới biết cuộc sống mỗi con người đều chứa đựng những tiềm ẩn diệu kỳ mà chính bản thân ta cũng không biết được. Chỉ khi nào có một định hướng và ý chí rõ rệt, nó sẽ được khơi dậy tạo nên sức mạnh khôn lường.

Ông Sanh đưa hắn đi xem vườn cây, giới thiệu cho hắn từng cây thế. Hắn được thả hồn vào một thế giới thiên nhiên thu nhỏ. Lần đầu tiên hắn biết thế nào là thế trực, thế hoành, huyền, trực xiên, thác đổ. Mỗi tên cây như một cuộc đời, gợi mở cho hắn trí tưởng tượng: nào là lão mai, huynh đệ, trực lập vọng vân, bạt phong hồi đầu, bạt phong thủ thế, nhàn bộ thưởng xuân, long thăng, long giáng… mỗi cây, mỗi vẻ nhìn mà sướng con mắt. Hắn cảm thấy lâng lâng nhẹ nhõm như được chắp cánh bay. Tâm thần trở nên trong sáng như dòng nước đục được lắng xuống. Những ưu tư, phiền muộn, thù ghét, giận hờn trong tâm khảm nặng nề, u tối bấy lâu nay đã làm khổ hắn như được rũ bỏ. Bỗng hắn nhìn thấy một cây tùng rất lạ mắt trồng trên một cái ang lớn đặt ở giữa sân. Gốc to mà ngọn thì bé tí. Rễ cây xoắn lượn, thân cây xù xì những u sẹo, cọc cằn. Thân đang vươn lên, nhưng mắc mớ sao lại ngoặt ngọn xuống rồi xoài ra giống như dòng thác đổ. Hắn hỏi: Thế gì? Ông Sanh nói:

- Đó là cây tùng La Hán. Tôi khai thác nó từ ngoài đảo Thẻ Vàng. Tùng La Hán dáng đẹp, cao sang, lá cây xanh biếc, thon nhỏ dày rậm dễ tạo tán. Tùng La Hán rất được ưa chuộng nhất là ở các công sở quan chức, đại gia, muốn tỏ mình là bậc vương giả cao sang quyền quí, bền vững sống lâu như cây tùng La Hán, nên họ thường mua của tôi với giá rất cao. Nhiều cây có giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Riêng cây tùng này đã có người trả tôi tới tiền tỷ, tôi không bán. Vì tiền còn có thể làm ra được, nhưng cây tùng La Hán này thì quí lắm, hiếm lắm!

- Hắn ngạc nhiên hỏi: Cây tùng ưa sống những nơi đồi cao, nắng gió, dáng  thẳng hiên ngang. Cây tùng này tại sao lại còng lưng như người khuyết tật vậy?

- Đấy! Nó quí hiếm là ở cái dáng đó. Tôi phát hiện nó mọc ở trong một hốc núi đá. Ông hình dung xem. Khi cây lớn lên đụng đầu vào đá, nó phải ngoặt ngọn xuống cho đến khi gặp ánh sáng mới vươn ra ngoài để quang hợp ánh nắng, khí trời mà trở thành một thế cây độc đáo. “Đảo địa huyền chi”. Ông có tin rằng loài cây cũng biết ganh đua không?

- Hắn lắc đầu: Loài thực vật là vô tri vô giác.

- Ông nhầm! Chúng cũng biết ganh đua đấy. Ông hãy nhìn trong rừng cây thì biết. Cây nào cũng muốn vươn cao hơn đồng loại để hít thở ánh sáng, khí trời. Cây nào yếm thế không vươn lên được là bị cớm. Cây càng cớm, càng đẹt, yếu ớt bị các cây lớn bên cạnh, tranh phần không lớn được. Tôi cho rằng cuộc sống con người cũng thế thôi. Vì miếng cơm manh áo phải bon chen. Trước khó khăn, gian khổ mà cam chịu là nghèo hèn. Nhục lắm!

*

Hắn ngồi lặng phắc. Hắn nghĩ về đời cây - đời người, chợt hiểu ra cái ý tưởng sâu xa, của người đồng đội đã thổi hồn vào thế đứng của cây tùng La Hán “đảo địa huyền chi”. Là hiện thân cuộc đời của tác giả hay chính cuộc đời của hắn? Hắn đã đọc nhiều sách, rút ra nhiều bài học hay để truyền đạt những điều hay, lẽ phải cho học trò thì hôm nay người đồng đội lại dạy cho hắn một bài học cuộc đời. Hắn mỉm cười mãn nguyện. Hắn đã đoạn tuyệt với con ma men và trở thành nghệ nhân cây cảnh từ ngày ấy.

T.L

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm