- Truyện
- Đứa con sót lại | Truyện ngắn dự thi của Cẩm An
Đứa con sót lại | Truyện ngắn dự thi của Cẩm An
Hôm nay, nó lại khóc, một mình. Những nỗi đau xâu xé tim nó, một trái tim khỏe mạnh nhưng chưa bao giờ được bình yên. Chưa bao giờ nó được nhìn thấy mẹ nó ở ngoài đời. Nó đã nghĩ về ngày ấy, ngày nó được gặp mẹ. Hôm nay mẹ nó trở về sau bao nhiêu năm bôn ba ở nước ngoài, nó đã nghĩ rất nhiều rằng nó sẽ ôm mẹ nó vào lòng và cảm nhận tình yêu thương, đến cả trong mơ nó vẫn còn nghĩ đến mấy lần.
Ngôi nhà ông bà ngoại nó nằm trong cái xóm nhỏ, đến độ một chiếc xe đi ngang qua cũng nghe được đấy là xe máy hay xe tải. Nó ở với ông bà từ dạo bé, từ lúc nó còn chưa biết mình là ai, mình chuyển đến đây ở từ lúc nào, tại sao mình lại không sống ở đây cùng bố mẹ mà lại là ông bà, nó không có một chút kí ức nào về ngôi nhà nơi nó được sinh ra tới tận bây giờ. Chỉ biết rằng mỗi lần nhắc về bố mẹ và câu chuyện ở với ông bà của nó, nó lại tủi thân mà bật khóc nức nở.
Đêm hôm ấy, một đêm cả làng mất điện, trăng sáng gió mát, bà và nó lại vác chõng ra sân nằm.
- Tại sao cháu lại ở với ông bà vậy bà? - Nó bất giác hỏi ngờ nghệch.
- Bố mẹ cháu không ai nuôi thì có ông bà đây rồi, không phải lo!
Nó còn bé nhưng vẫn nhận ra trong câu trả lời ấy giọng bà nó nặng trĩu như chứa đựng những câu chuyện xót xa.
- Tại sao bố mẹ không muốn nuôi cháu nữa vậy bà?
Nó đã chuẩn bị tâm lý để nghe, nó nghĩ chắc cũng chỉ do bố mẹ đi làm ăn xa rồi để cháu cho ông bà nuôi như bao nhà khác. Nó hớn hở lắm.
- Hôm ấy, 12 giờ trưa rồi chứ đâu, ông bà sắp đi ngủ cả rồi, bố mẹ cháu cãi nhau loạn lên, chửi bới nhau. Vợ chồng không nói được với nhau lại lôi con cái vào. Khổ lắm thôi cháu ạ!
Bố nó không lo làm ăn, suốt ngày chỉ rượu chè. Đến chập tối lại đem con xe máy ra lau rửa sạch sẽ đi chơi. Trưa ấy, bố nó lại đi đâu mãi không thấy về cũng không nói năng gì. Mẹ nó lại ở nhà lo biết bao nhiêu chuyện nào là làm vườn, cơm nước, tã lót, đồ ăn cho nó, và cả những việc không tên. Bố nó trở về, không nói một lời, mẹ chắc không chịu được nữa, thế là bố mẹ cãi nhau.
“Anh làm cái gì cả ngày mà không chịu đi làm, rồi tiền đâu mà sống, cơm nước nhà cửa ai lo cho đây? Anh chỉ biết suốt ngày đi chơi thế thôi à?” - Mẹ nó gắt gỏng một cách tức tối và hậm hực.
“Đấy là việc của tôi, sống được thì sống không được thì thôi!”.
“Rồi con Hiền sao, mới 6 tháng, nó có nhịn được như mình đâu mà sống được?”.
Theo lời kể lại của bà, nó đã trở thành cái để bố mẹ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Mẹ nó không chịu được nữa phải gọi điện cho ông bà ngoại xuống nhà để giải quyết.
Bố nó vẫn không chịu nhún nhường hay mảy may chút tình cảm cha con nào.
“Thế bây giờ mày có nuôi nó không hay để tao ném nó xuống giếng?”.
“Ông có giỏi thì ông ném nó xuống đi”.
- Mẹ cháu nói thế để dọa bố cháu thôi. Vậy mà bố cháu có biết cái gì đâu!
Nó yên lặng, nấc nghẹn vài tiếng, nó nào dám nghĩ đến bố mẹ nó có làm như thế thật hay không, chỉ biết rằng nó đã được sinh ra nhưng tính mạng của nó đâu có quan trọng đến thế.
“Bọn mày không nuôi được thì tao đưa về nuôi. Bọn mày đẻ ra nó mà bọn mày làm thế được à. Đưa đây, tao nuôi sau nó bưng cơm, đưa nước, nó nuôi tao!”.
Bà nó hét lên với cả nỗi xót xa cho thân thể bé bỏng đáng thương của nó, với cả nỗi đau của người mẹ khi con gái lấy chồng mà cơm không lành, canh chẳng ngọt.
- Đấy bà kể cho mà biết mà thương bà, cố gắng học giỏi sau đi làm mà nuôi bà cháu nhá. Rồi sau biết đường lớn mà lấy chồng không lấy thằng nó đánh đập suốt ngày cho lại khổ như mẹ cháu ạ!
Khi yêu, bố mẹ nó dành cho nhau mọi lời nói ngọt ngào thì khi không còn thiết tha nhau, họ đổi lại bằng những lời cay đắng. Hai người đang tìm mọi cách làm tổn thương lẫn nhau và làm tổn thương cả nó. Không ai còn muốn dành thời gian, công sức để quan tâm nhau, và cũng không ai hỏi thăm đến sự cô đơn của nó. Mỗi lần nó nhìn gương, nhìn vào những vết sẹo trên mặt mình, nó nhớ mãi câu chuyện cuộc đời mình từ thuở lọt lòng nó không thể nào quên. Bố nó lúc cãi nhau đã lia luôn cái đĩa vào mặt mẹ nó, cái đĩa văng ra và quệt vào má nó nên đã để lại những vết sẹo. Những cái lõm sẹo ấy làm gương mặt nó xấu xí đi rất nhiều, cái sự xấu xí nơi khuôn mặt bé con ấy chẳng thấm vào đâu khi mỗi lần nó nghĩ đến câu chuyện đằng sau những vết cứa ấy. Lúc nhỏ đó là vết cứa da thịt, nó khóc vì nó đau, nhưng sau này nó đau lắm, đau quằn quại, tim nó đau thắt lại, những vết cứa mang cả sức mạnh thời gian cứa đi cứa lại vào tim nó. Mỗi lần nhớ lại, nó lại khóc tức tưởi, nó khóc muốn rớt cả mắt ra ngoài.
Nó có mặt ở đâu, người ta lại dè bỉu, lôi nó ra so sánh. Đến cả giáo viên lớp 1 của nó cũng nói ra những lời khiến nó tổn thương. Những câu nói bông đùa của người khác thôi nhưng mỗi lần nghe nó đau lắm nhưng cũng không biết làm gì, cũng không làm được gì bởi nó đúng là đứa con rơi rớt. Ở trường, nó bị bạn bè bắt nạt, dè bỉu thì cũng chỉ biết im lặng, tỏ ra vui vẻ, cố gắng học tốt cho ông bà nó yên tâm và vui vẻ. Đối với nó, chỉ cần ông bà nó vui là nó sẽ vui.
Sau lần ấy, bố mẹ nó đã quyết định ra tòa. Bố nó nghiện ma tuý. Đồ đạc trong nhà bố nó đem đi bán hết, mẹ nó đi làm thuê làm mướn cho người ta không khấm khá bao nhiêu. Bố nó vẫn ở lại căn nhà đấy với toàn bộ tài sản và đồ đạc. Mẹ nó dọn đồ về nhà mẹ đẻ, sau đấy thì đi nước ngoài lao động.
Nó nghe được 5 giờ chiều nay mẹ nó sẽ về đến nhà. Họ hàng nhà nó đã có mặt từ rất sớm đón mẹ nó. Lại có dịp cho mấy bà ngồi buôn chuyện với nhau.
- Này nhá! Cái Hoa nó đi nước ngoài lấy chồng Tây hay gửi quà về lắm. Tuần trước còn gửi cho tôi bao nhiêu là thuốc xương khớp đấy bà ạ.
- Cái Lan nhà tôi nó đi làm ở ngoài Hà Nội, cũng yêu được anh làm giám đốc ra năm cưới. Thi thoảng cũng gửi tiền, gửi quà về cho mẹ. Mà tôi dùng có hết đâu, bảo nó không cần gửi mà nó cứ gửi suốt thôi! Ôi dào, mất công lại phí cả tiền.
Nói xong các bà lại hỏi bà nó:
- Gái nhà bà sao rồi?
Bà nó biết mấy bà lại nói chuyện con cái của họ, bà nó buồn lắm. Bà nó nghe mà trầm ngâm, ngậm ngùi. Bà nó cũng trả lời đôi câu cho lịch sự và chúc cho cháu chắt được yên bề gia thất, cũng không sân si thêm chuyện của ai, cũng đỡ để người ta xỉa xăm con mình. Con cái không hạnh phúc thì vui vẻ gì đâu, lúc nào bà cũng canh cánh trong lòng, không thôi trăn trở. Nó biết chứ, mỗi lần như thế bà lại tránh mặt đi mà thở dài. Còn niềm mong mỏi nào hơn của người làm cha làm mẹ là con cái được bình yên, hạnh phúc, tìm được bến đỗ cuộc đời. Bà nó biết mình cũng có tuổi rồi, mà mẹ nó không yên ấm gia đình, nó thì không ai bao bọc, quan tâm. Bà nó đau lắm, có lần nó chợt thấy bà nó cầm tấm ảnh cưới của bố mẹ nó, nước mắt bà chảy dài, đôi tay yếu ớt cứ không thôi vỗ vỗ lên ngực những tiếng bình bịch.
Chiếc taxi màu xanh dương bóng loáng phanh cái kít trên con con đất, đậu ngay trước cổng, nó biết rằng mẹ nó đã trở về. Ai nấy nô nức đi tới đi lui xách đồ, hỏi thăm nhau. Nó nhìn thấy mẹ, mẹ cũng nhìn thấy nó, nhưng chỉ kịp nhìn thôi không hề có cảm giác hay hành động gì. Mẹ nó ngoắt mắt đi, tay loắng khoắng lấy đồ đạc và vali. Một cảm giác vô cùng khó tả, đó chẳng phải là ánh mắt của người qua đường, của mối quan hệ không tên dành cho nhau hay sao. Không giống như nó tưởng tượng, mẹ sẽ ôm, hôn nó vào lòng, và nói những lời yêu thương nó. Nó sững sờ, nhưng nghĩ chắc do mẹ mệt, hoặc đang bận sắp xếp đồ đạc, lát nữa mẹ sẽ tìm đến nó. Nó cũng quên béng đi, rồi xách đồ cho mẹ vào trong nhà.
Bước xuống xe cùng mẹ nó là một người đàn ông, người trả tiền cho chuyến taxi ấy. Ánh mắt họ dành cho nhau sao nhẹ nhàng, tình cảm đến thế. Nó cảm nhận được điều gì đó, chân nó chững lại một nhịp, nó đứng sững ra. Người đàn ông ấy trạc tuổi mẹ nó, dáng vẻ hiền lành và trìu mến. Nó bước theo sau cùng và bắt đầu nghĩ ngợi.
Cả nhà, cùng mẹ nó và người đàn ông ấy ngồi chào hỏi, trò chuyện với nhau. Mấy cô chú họ hàng chào hỏi vài câu rồi quay ra sắp xếp đồ đạc và dọn dẹp để ăn uống. Một lúc sau, mẹ nó cũng để ý đến nó.
- Gặp bác ấy thì cứ chào hỏi nhưng mà đừng xưng với mẹ là mẹ con nhé.
Cái khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc nó nghĩ rằng mình đã chết từ lúc bị ném xuống giếng và cũng chẳng ông bố bà mẹ nào nào quan tâm nó cả. Nó đứng khựng, đôi mắt sụp xuống, cổ họng nó ứ nghẹn không thể thốt ra lời nào. Đầu nó quay cuồng, lảo đảo như thể bị dí xuống đáy giếng. Nó không nói một lời nào, chạy một mạch ra sau vườn rau nơi nó hay ngồi, cứ ôm mặt mà khóc bư bư. Nó khóc một mình, nó cô đơn đến nhường nào nhưng không ai biết, cũng không ai quan tâm nó.
Một lúc sau không thấy nó đâu, bà gọi nó để vào ăn cơm.
- Hiền ơi! Hiền!
Lúc đấy nó đã vơi khóc đi rồi, nên cũng trả lời được bà mà không còn nghẹn nơi cổ họng nữa.
Nó chạy vào nhà tắm, sục luôn cái mặt vào chậu nước lạnh để mặt không sưng, và không để mọi người phát hiện nó vừa khóc. Nó hay tủi thân, mau nước mắt. Một câu nói buột miệng cũng làm nó trực trào nơi mâm cơm, mấy bà họ hàng cũng đâu phải tinh tế, yêu thương gì nó. Lắm lúc đang ăn cơm lại nói vài câu khiến nó vừa ăn vừa nấc.
- Chà Hiền giỏi nhỉ, bố thì ấy, mẹ đi làm mà giỏi nhỉ.
Đại loại là mấy kiểu nói vừa đùa vừa châm chọc nó, nó không nhớ rõ nữa vì nó khóc nhiều rồi, đến độ không thấy đau nữa, cũng không để tâm nữa rồi. Ở trường, nó cũng không có nhiều bạn, còn bị mấy đứa xóm bên xỉa xói: “Bố nó nghiện đấy bọn mày ạ, đừng có chơi với nó”. Nó cũng khóc nhiều rồi, những buổi trưa nắng 39 độ mà nước mắt nó cứ rơi, bủn rủn trong người chứ không hề thấy cái gay gắt mùa hè là gì. Nó cũng không muốn kể với ai, nhất là bà nó. Nó sợ bà nó buồn, buồn cho cả mẹ nó.
Nó ngồi vào mâm, ăn miếng gà nấu xáo bà nó gắp cho, đó là món ăn nó vẫn luôn ước được ăn hằng ngày. Mọi người cứ khen gà mềm, ngọt quá nhưng hôm nay nó không thấy ngon chút nào, nhạt nhẽo và đắng ngắt. Nó chỉ muốn ăn thật nhanh rồi tránh mặt mọi người trốn đi nơi khác. Mấy mụ kia lại xỉa xói nó.
- Hiền nay không khóc nữa à.
- Ai làm gì mà khóc?
Mẹ nó thốt lên với vẻ ngạc nhiên, khó hiểu. Cơ bản mẹ cũng không để ý nó lắm, nó cũng không kể với mẹ với về chuyện mấy mụ kia.
- Gớm! Lúc nào ăn cơm mà nó không khóc.
Nó chỉ im lặng, nay nó không khóc nữa. Mấy mụ kia cũng thấy khó hiểu lắm, nghĩ rằng gặp mẹ nó lại khóc to hơn. Nào biết đâu rằng tâm trí nó vẫn đang như trên mây, dường như nó không nghe thấy mấy mụ kia nói gì nữa, nó chỉ đưa cơm và miệng và ăn đến lúc xong, cũng không nghĩ về lời mẹ nó nói nữa. Trong nó lúc đấy vô cùng khó tả, một vẻ đờ đẫn, một vẻ thất thần, một vẻ vô cảm.
Lần này nó không phải dọn rửa cả mấy mâm ăn như mọi khi nhà có việc, chắc do nay mẹ nó về, mấy mụ kia cũng không về sớm nữa, ở lại dọn dẹp, nói chuyện rồi lại nói chuyện, xí phần ít quà cáp. Những đôi môi xắc xéo, đôi mắt hếch ngang hếch dọc, miệng chem chép.
- Chà, nay có quà gì cho bác không nhỉ?
Mẹ nó không đem được gì về nhiều, cũng đành đem mấy hộp chocolate nó thích tặng mấy mụ kia. Bình thường thì nó sẽ tức tối lắm, nhưng lúc đấy nó lại không có cảm giác gì, còn cảm thấy đó có là chocolate ngọt nhất cũng vô vị.
Đêm đấy, nó ngủ sớm hơn mọi khi. Nó trốn tránh mọi người, nó không nói chuyện với ai, không than phiền, kể lể điều gì cả. Nó biết bà nó đêm về lại nhức khớp gối, nó dẫn bà về phòng rồi trò chuyện với bà mấy chuyện không đâu, không liên quan gì đến ngày hôm nay, cũng không hỏi gì đến mẹ nó. Bà biết nó buồn, đôi mắt nó tối sầm, khuôn mặt xanh xao, nét mặt ủ rũ. Bà cũng không nhắc gì, nó lại suy nghĩ, lại tủi thân. Bà ít nói hơn thường nhật, nó biết, nó biết bà nó chứ.
Ngoài cửa sổ, trăng sáng vằng vặc cả bầu trời, sao trên trời nhấp nháy đúng từng nhịp điệu. Nó cứ nhìn, nhìn lên bầu trời cao hun hút, nó lại nghĩ về cuộc đời mình, và cả cuộc đời mẹ nó. Nó nhớ lại mấy câu mấy mụ kia nói lúc dọn dẹp. “Đúng là hồng nhan bạc phận. Đẹp gái, hiền hậu như thế mà vớ phải thằng chồng nghiện ngập đúng khổ. Chắc nay yêu thằng kia. Không biết có nên thân gì không?”. Mẹ nó không ác, nhưng chắc mẹ nó khổ quá rồi. Nó bướng bỉnh nhưng vô cùng tình cảm và nội tâm. Nó thương mẹ lắm. Nó mong mẹ tìm được hạnh phúc cho riêng mình, nó cũng không mong gì bố mẹ quay lại với nhau. Nó hiểu rằng bố mẹ ở bên nhau, nó sẽ được ở bên cả hai, nó sẽ có gia đình của riêng nó như bao người. Nhưng bố mẹ nó cũng không thể hạnh phúc, họ chẳng còn thiết tha gì nhau nữa, cũng chẳng ai thiết tha nó nữa. Đứa con như nó cũng không là sự ràng buộc, liên kết, hàn gắn nữa. Nó đau, nó bất lực, nó khóc than một mình. Chỉ cần mẹ nó hạnh phúc bên người tử tế, người mà mẹ nó yêu thương và cũng thương mẹ là nó hạnh phúc lắm rồi. Nó không cần mẹ ở bên và về thăm nó nữa.
Nhưng nó thèm có mẹ quá. Nó thèm được mẹ đưa đến trường, nó thèm được mẹ chăm chút từng bữa ăn. Nó thèm được mẹ đưa đi mua đồ dùng học tập, thèm được mẹ đưa đi thử quần áo mới mỗi mùa khai giảng, mỗi mùa Tết đến xuân về. Nó thèm được mẹ bày nó buộc tóc sao cho xinh, ăn mặc sao cho gọn gàng. Nó thèm được mẹ chỉ dạy cho nó học, được mẹ đi họp phụ huynh cho nó, để nó khiến mẹ vui, mẹ tự hào về thành tích của nó. Nó thèm được mẹ nấu cháo, chăm chút cho nó mỗi khi nó ốm. Nó thèm có mẹ để được vỗ về, yêu thương, bảo vệ. Nó thèm được nhìn mẹ nó hằng ngày để biết tóc mẹ sẽ đổi sang màu gì, khuôn mặt có nhiều nếp nhăn hơn khi sang tuổi 40 không? Mẹ thích màu son đỏ tươi hay đỏ đậm, mẹ thích mặc váy hay mặc quần, mẹ thích đi giày hay đi guốc, mẹ thích ăn thịt hay cá. Đơn giản lắm nó chỉ ước được gọi: “Mẹ ơi!”.
Thì ra nó không thèm mẹ nó nhiều như nó nghĩ. Thì ra đứng trước mẹ nó nhưng nó vẫn không cảm nhận được điều gì cả. Nó không giận mẹ, nó thấy thương mẹ nhiều hơn. Việc không có mẹ ở bên nó cũng quen rồi, quen với việc một mình. Nó quen một mình đối diện, một mình chịu đựng, một mình chấp nhận, một mình trải qua, một mình vươn lên.
Hôm nay là ngày mùng 8/3, các bạn trong lớp bàn nhau sẽ mua gì tặng mẹ, nó nghe thấy, nó lại nghĩ ngợi. Một ngày đằng đẵng trôi qua, nó nhìn thấy mẹ con nhà người ta ôm ấp, cười đùa với nhau. Nó nghẹn ngào, nước mắt nó rơi lã chã. Hôm nay, nó lại khóc. Nó trở về nhà, đứng trước mặt mẹ, trên tay là bông hoa hồng rất tươi.
- Tặng mẹ!
Chưa kịp nhìn vào mắt mẹ, nó hồng hộc chạy đi. Nó vùng chạy ra sau vườn rau, nơi nó hay ngồi. Gió rít bên tai từng hồi hiu hắt. Mắt nó cay xè xè. Không có ai đi theo nó và cũng không ai nghe thấy tiếng khóc của nó. Lần đầu tiên trong đời, nó không cảm thấy mình có mẹ. Nó không khóc vì buồn tủi, vì bị bỏ rơi nữa. Nó khóc để tự ôm ấp lấy mình.
Trong bông hồng kia có một dòng nó viết: Chỉ cần mẹ hạnh phúc!
C.A