TIN TỨC

Duyên văn - duyên đời của một nhà văn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-20 05:56:07
mail facebook google pos stwis
589 lượt xem

NGÔ XUÂN HỘI

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký và vợ tại Đại hội 9 Hội Nhà văn Việt Nam

Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28 - 6 - 1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định; bị liệt đôi tay từ năm bốn tuổi, bảy tuổi đi học dùng chân viết; hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó, học giỏi. Năm 1970 ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú, năm 2006 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân…

Với ông, tôi có một kỷ niệm “hổng giống ai”. Ấy là năm 1985, Hội Văn Nghệ Nha Trang chúng tôi mở một trại viết về thiếu nhi. Tôi khi đó là Ủy viên ban Thư ký Hội nên cũng muốn viết một cái gì ra tấm ra miếng để “làm gương” cho các trại viên. Nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không lại là một chuyện khác. Thiếu nhi luôn đồng hành cùng chúng ta, mà vốn liếng về các em của tôi chung quy lại chỉ có những năm chăn trâu cắt cỏ ở quê, không thể lúc nào cũng đem ra thi triển được. Thế rồi cùng tắc biến, lục giá sách gặp cuốn “Tôi đi học” của Nguyễn Ngọc Ký, một ý tưởng vụt đến trong đầu, tôi lập tức gấp sách lại, đóng cửa ngồi viết một mạch truyện ngắn “Kết quả cuộc thi đua”. Nội dung như sau: Ở một lớp học nọ trước khi nghỉ hè, cô giáo Chủ nhiệm phát động một phong trào thi đua noi gương anh Nguyễn Ngọc Ký, nghỉ hè làm việc tốt. Tất cả học sinh trong lớp hào hứng hưởng ứng lời cô. Về nhà, em chăn trâu giúp gia đình neo đơn, em quyết tâm khắc phục yếu kém môn này môn nọ, em chăn nuôi gà vịt, em chặt lá cây ủ phân xanh… đủ cả. Riêng Việt, một học sinh có cái đầu hay ngọ nguậy nẩy ra một ý tưởng lạ, đấy là tập viết bằng chân như anh Nguyễn Ngọc Ký. Nghĩ là làm, từ chối những rủ rê chơi bời của bạn bè, ba tháng hè Việt ta tự trói hai tay của mình sau đó đóng cửa phòng suốt ngày ngồi dùng chân tập viết. Thời gian trôi nhanh, hết hè lớp tập trung trở lại. Sau lễ khai giảng, cô giáo Chủ nhiệm tổ chức Tổng kết cuộc thi đua. Từng tổ, từng em lần lượt lên báo cáo những công việc đã làm được. Đến phiên mình, Việt làm cả lớp ngạc nhiên khi vác chiếu lên bục giảng của cô giáo rồi trải chiếu trải sách ra dùng chân cặp bút viết bản “Báo cáo thành tích thi đua noi gương anh Nguyễn Ngọc Ký”. Cả lớp xúm lại vây quanh, mắt tròn mắt dẹt nhìn Việt thán phục. Em nào cũng nghĩ Việt sẽ giật giải Nhất cuộc thi, vậy mà kỳ lạ thay Việt lại chẳng được giải gì cả…

Truyện viết xong, tôi đưa nhà văn Nguyễn Gia Nùng xem. Anh cười, bảo: “Cũng được, nhưng tớ thấy cái thằng nhân vật của cậu nó hâm hâm thế nào ấy!”. Ngẫm lời nhận xét của anh Nùng, tôi đọc lại truyện, sửa chữa một vài chỗ sau đó gửi báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Chừng một tháng sau truyện được in. Cầm tờ báo trên tay tôi mừng lắm, đọc xong cất kỹ trên giá, nghĩ sau này may mắn gặp Nguyễn Ngọc Ký sẽ đưa anh xem.

Ba mươi năm sau, ngày 17/6/2015 tôi mới có dịp gặp Nguyễn Ngọc Ký. Hôm ấy, Đại hội VII Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 họp phiên bế mạc. Kết thúc, các nhà văn xuống nhà ăn T78 dự liên hoan trưa. Nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc đập vai tôi chỉ sang bàn bên:

“Nhìn Nguyễn Ngọc Ký dùng chân xúc cơm ăn, chẳng có gì khó khăn, chẳng khác gì chúng ta ăn bằng hai tay; bình thản, tự nhiên như con người sinh ra vốn vậy. Thế nhưng để đạt được kỹ năng ấy, đòi hỏi ông phải có một nghị lực to bằng trái núi…”.

Nói xong, nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc mà tôi vẫn gọi đùa là “Viên Ngọc thô cần được chế tác” còn chống đũa ngắm nhìn Ngọc Ký một lúc. Lời nói của Ngọc thô làm tôi tỉnh cả người, hóa ra Nguyễn Ngọc Ký như trái núi ngồi cạnh mà tôi không biết. Nhớ lại truyện ngắn “Kết quả cuộc thi đua” tôi thấy mình thật hời hợt khi cho nhân vật chỉ trong ba tháng đã làm thành thục việc viết bằng chân. Nếu ngoài đời, ba tháng chứ ba năm thằng Việt hâm của tôi chắc vẫn chữ tạc vạc chữ tộ, tôi biết điều này, bởi Việt chính là tôi mà. Cũng may là tôi không phải chịu trách nhiệm gì về nó. Xong bữa cơm, tôi sang “bắt tay” Nguyễn Ngọc Ký, xin anh một cuộc gặp vào một hôm nào đó.

Trở về, hôm sau tôi ra hiệu sách Fahasa tìm cuốn “Tôi đi học” của anh để đọc lại. Hơn cả niềm mong đợi, ở hiệu sách ngoài “Tôi đi học” tôi còn gặp cũng của Nguyễn Ngọc Ký cuốn “Tôi học đại học” xuất bản quý 4/2013. Sách dày 304 trang, được tác giả viết ròng rã trong vòng 43 năm (1970 – 2013), một sự kiên trì rất cần thiết đối với người cầm bút. Dĩ nhiên trong 43 năm ấy không phải lúc nào Nguyễn Ngọc Ký cũng chú mục vào “Tôi học đại học”, anh còn làm thơ, viết truyện, gặp gỡ giao lưu với người hâm mộ vv và vv… Nhưng rất rõ ràng là trong gần nửa thế kỷ, cuốn sách đã ám ảnh anh, đòi phải được ra đời và bằng một nghị lực phi thường cuối cùng anh đã hoàn thành tâm nguyện.

Khác với “Tôi đi học” kể về thời học phổ thông được viết với một giọng văn trần thuật, “Tôi học đại học” hình thức là một cuốn nhật ký. Văn trần thuật xen với tả tình tả cảnh, trong đó không gian được mở rộng, những suy nghĩ kể và tả mang nhiều chất ký. Câu chuyện bắt đầu ngày 3/9/1966, ngày cậu Tú Ký lần đầu tiên rời nhà đi xa để trở thành sinh viên đại học, kết thúc ngày 18/8/1970 ở nhà Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau lễ ra trường của các Cử nhân Văn khoa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1966 – 1970.

Tôi đọc một mạch 300 trang sách, không thấy câu chữ đâu, chỉ thấy những tấm lòng rộng mở. Đấy là con suối Đôi đã từng gặp trong thơ Ý Nhi, là những bác Dần, cu Thực đất Tràng Dương, là bác Hè, cô Hằng đất La Khê, là người cựu tù làm nghề đạp xích lô, là Vũ Dũng, Lê Huy Hòa, Bùi Hạnh Nhu… những người đã từng là những cánh tay nối dài của Nguyễn Ngọc Ký suốt bốn năm đại học. “Bằng những lời tự sự nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu lắng, Tôi học đại học không chỉ là chuyện tự sự cá nhân mà đã hóa thành chuyện đời trên từng trang viết. Và qua những trang đời đó, tình thầy trò thiêng liêng, sâu nặng, thấm đẫm chất nhân văn hiện hữu với tất cả niềm tự hào về một thời kỳ có một không hai trong lịch sử phát triển giáo dục Đại học nước ta. Một thời kỳ đã xa nhưng dấu ấn đã khắc sâu vào lịch sử bởi trong muôn vàn gian khổ, thiếu thốn của chiến tranh nhưng cả thầy và trò vẫn khắc phục vươn lên “Dạy tốt, học tốt”… (NGƯT, Thiếu tướng, PGS, TS Đỗ Ngọc Cẩn).

Gấp sách lại, một cảm giác bâng khuâng trong tôi. Tôi nhớ con đập Vai Xay, ngôi trường nơi sơ tán, con lợn xổng chuồng, nhớ những ngôi nhà dân luôn rộng mở đón các sinh viên về ở. Và như bất cứ một cuốn sách hay nào, những nhân vật trong “Tôi học đại học” của Nguyễn Ngọc Kỳ ám ảnh tôi, mặc dù họ là những con người thực, phần lớn đang hiện hữu trong đời. Có người tôi đã từng gặp gỡ, chuyện trò…

Khám phá nhân vật luôn là mong muốn của người đọc trước những tác phẩm văn nghệ hay, gây ấn tượng mạnh mẽ. Tôi cũng có mong ước như thế khi đọc xong “Tôi học đại học”, muốn hiểu thêm những cô Hằng, cô Lê, cô Xuân… và nhất là hiểu thêm về tác giả - nhân vật trung tâm của mọi câu chuyện, hiện nay sống như thế nào. Để thỏa mãn trí tò mò, chẳng có gì tốt hơn là tìm nhân vật trung tâm mà phỏng vấn. Nhưng làm việc này không dễ, khi thì anh bận, khi thì tôi bận. Sau năm tao bảy tuyết hò hẹn, cuối cùng Interview của tôi với tác giả được thực hiện bên lề Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2015 - 2020 họp ở Hà Nội từ 9 – 11/7/ 2015 vừa qua:

Ngô Xuân Hội: - Bác Ký này, đọc “Tôi đi học”, tôi cảm phục bác - một cậu bé tật nguyền sớm ý thức thân phận mình, phấn đấu vươn lên bằng bè bạn. Nhưng không gian sống mà cậu bé thực hiện tất cả những kỳ công ấy là một không gian quen thuộc với bố mẹ anh chị em ruột thịt, với bà con láng giềng. Còn trong “Tôi học đại học”, bao quanh cậu toàn những người lạ, đất lạ, hai sự này khác nhau nhiều lắm. Liệu rồi cậu có trụ vững, vượt lên được không đây? Câu hỏi ấy ám ảnh tôi, dẫn tôi đi hết chương này đến chương khác. 

Nguyễn Ngọc Ký: - Cám ơn anh! Tôi chỉ kể những gì tôi trải qua, còn câu chuyện có sức lay động đến đâu, khi đã ra giấy trắng mực đen rồi không phụ thuộc vào ý muốn của tôi nữa.

 - Vâng, đúng như vậy. Trong sách của bác người đọc gặp rất nhiều người tốt, đó là những Bằng (bạn học thời cấp I), Tam, Phụ, Liễu (cấp II), Bích, Nghiệp đen (cấp III), Vũ Dũng, Lê Huy Hòa, Bùi Hạnh Nhu (Đại học); là cô Cương, thầy Độ, thầy Khiêm, thấy Chữ, thầy Châu, thầy Diệp Tư, là các Giáo sư Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị, Ngụy Như Kon Tum vv… Có vẻ sau khi bắt bác chịu thiệt thòi về đôi tay, số phận đã bù trì cho bác thường xuyên gặp những hạt ngọc người như thế trên mỗi bước đường đời. Trong biến động của chiến cuộc, của thời gian, họ đến nay kẻ còn người mất, Vũ Dũng thì đã hy sinh, thầy Hoàng Như Mai - một gà mẹ luôn sẵn sàng xòe đôi cánh ấp ủ gà con suốt cả cuộc đời cũng đã mất… Những người tốt hiện hữu, bác còn giữ liên lạc với họ?

-  Khi bằng thư từ, điện thoại, khi thì bằng những chuyến đi thăm, tôi luôn cố gắng giữ mối dây liên lạc với mọi người. Nhưng dù cố gắng đến đâu cũng không tránh khỏi sự thất tán, cho nên “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” và tiếp theo sẽ là “Tôi dạy học”… chính là một cách trả nghĩa của tôi với những miền đất, những tấm lòng tôi đã chịu ơn, mắc nợ…

- Thảo nào bác viết hay thế. Tôi đọc kỹ từng trang và nhớ “Những dòng lưu bút” của Bùi Hạnh Nhu (tr 293): “Thú thật với Ký đã không ít lần mình từng có suy nghĩ sẽ chấp nhận song hành cùng bạn để sẵn sàng hỗ trợ bạn viết tiếp bài ca cuộc đời mình bằng đôi bàn chân đa đoan kỳ diệu. Nhưng rồi mình có cảm giác như Ký không nhận ra điều đó…” . Bác không nhận ra thật hay cố tình không nhận ra?

- Chẳng phải thế này cũng chẳng phải thế kia anh ạ. Tình cảm của Nhu đối với tôi thế nào tôi biết chứ, nhưng do mặc cảm tàn tật nên tôi cứ phải thu mình lại. “Núi yêu nhau thành núi Văn, núi Võ/ Suối yêu nhau mà có suối Đôi/ Ta với mình cùng chung một tổ/ Chung một bàn sao cứ xa xôi. Đấy là bài thơ tôi làm để ghi nhớ về sự này. Tiếp tới cô Hằng đất La Khê. Nhưng học xong Đại học, tôi về quê làm anh giáo làng, không thể đưa cô ấy về quê làm ruộng được, đành phải chia tay. Tiễn tôi đi, cô ấy khóc như mưa. Nghĩ cũng thương và tiếc cho một tình yêu dang dở.

- Còn tiếc gì nữa, khi bác có được những người vợ tuyệt vời.

- Đành vậy, nhưng vẫn tiếc bởi tấm lòng của người ta mà mình không thể đáp lại. Còn những người vợ của tôi là duyên trời định. Sau lễ tốt nghiệp đại học, ngày 18/8/1970 Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho xe đến ký túc xá nhà trường ở phố Lò Đúc đón tôi đến nhà chơi. Trò chuyện, bác Đồng đã khuyên tôi: “Theo bác, đã đến lúc cháu nên xây dựng gia đình càng sớm càng tốt”. Đấy là lời khuyên của một người cha đối với một đứa con tật nguyền. Từ đó tôi mới có ý đi tìm nửa kia của đời mình. Vợ tôi Vũ Thị Nhiễu là em của một ông anh kết nghĩa của tôi ở Trường Phổ thông Năng khiếu huyện Hải Hậu, nơi tôi dạy học. Cô ấy vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, trong lúc chờ nhận việc đến trường Phổ thông Năng khiếu chơi thì gặp tôi. Giữa hai chúng tôi xảy ra “tình yêu sét đánh”. Khi biết chuyện bố cô ấy làm dữ lắm, đuổi đánh con gái, nhất quyết không cho lấy tôi. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ, anh họ Nhiễu đã phải vận động ông chú của mình mãi, cuối cùng tình yêu cùng với sự vun vào của nhiều người đã thuyết phục được ông. Còn vợ tôi bây giờ là Vũ Thị Đậu, em ruột Vũ Thị Nhiễu…

- Chuyện của bác khiến tôi nhớ tới chuyện của chú Thị, người Huế gốc Quảng Bình, nhà ở ngay ga Huế. Chú Thị có ba vợ là ba chị em ruột, là bạn đồng tuế với bố vợ tôi. Còn bố vợ tôi năm vợ, 22 con. Một lần vui đùa tôi đã nói với ông: “Con không dám theo ba hoàn toàn, chỉ xin theo 2/5 ba thôi. Ông nghiêm mặt lại bảo: “Chúng tôi phong kiến lạc hậu, anh theo làm gì?”. Nguyễn Ngọc Ký sinh ra, lớn lên trong lòng chế độ XHCN mà xem ra cũng phong kiến lạc hậu?!

- Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh. Tôi bị liệt hai tay, dù cố gắng đến bao nhiêu trong sinh hoạt có nhiều việc vẫn phải nhờ đến người khác. Nhỏ thì nhờ bố mẹ, đi học nhờ bạn bè, khi trưởng thành rồi thì… nhờ vợ. Vợ tôi rất thương tôi về điều này, vì vậy khi bị bạo bệnh, biết không qua khỏi cô ấy đã: “Cậy em em có chịu lời” và em cô ấy, Vũ Thị Đậu đã “chịu lời” mà trở thành vợ tôi bây giờ, chứ tôi không có liên quan gì tới đế quốc phong kiến đâu nhé. Vả lại chú Thị nào đó của anh ba vợ song song tồn tại, hay bố vợ anh cũng thế. Còn tôi – Nguyễn Ngọc Ký Madein xã hội chủ nghĩa chánh hiệu, luôn chỉ có một vợ, ba con, nếp tẻ đủ cả.

- Đoạn trên bác nói, sau “Tôi học đại học” sẽ là “Tôi dạy học”. Xin bác cho biết một chút về tự truyện này.

- Nhiều người thắc mắc không biết tôi dạy học như thế nào, vì dạy học thì phải viết lên bảng. Tuy nhiên, nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nghề dạy học quan trọng không phải viết cái gì lên bảng, mà là viết cái gì vào tâm hồn các em. Và tôi đã giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình, dĩ nhiên khi cần viết lên bảng thì tôi cũng viết đàng hoàng vậy. Khác với hai tự truyện kia, “Tôi dạy học” tôi kể lại những mẫu chuyện giáo dục cụ thể mà bản thân mình đã trải qua để trở thành một “Nhà giáo ưu tú”. Rồi anh sẽ đọc nó trong nay mai. Ngoài bộ ba tự truyện trên, hiện tôi có hai sách đố đang in, mỗi cuốn 555 câu…

*

Trở lại với truyện ngắn Kết quả cuộc thi đua. Năm 2000 tôi quyết định xuất bản tập truyện ngắn riêng, lúc tập hợp bản thảo mới phát hiện ra nó đã bị thất lạc đâu mất. Nghĩ tiếc cái công lao tâm khổ tứ ngày nào, tôi ngồi viết lại. Viết xong, đọc lại thấy cũng tàm tạm, bèn gửi đi Người Hà Nội, chưa đầy một tháng sau truyện được in. Hôm rồi gặp Nguyễn Ngọc Ký, tôi đưa bản in ở Người Hà Nội cho anh xem. Xem xong anh cười, cám ơn tôi.

Nhưng sao lại cám ơn tôi? Chính tôi mới là người phải cám ơn anh chứ, vì nhờ anh tôi mới có được truyện ngắn này. Đấy là chưa nói đến chuyện những khi cuộc đời gặp cơn bĩ cực, anh là tấm gương thúc giục tôi phấn đấu vượt lên, và còn hàng triệu hàng triệu người khác… Vì lẽ đó, chuẩn bị cho Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ họp tại Hà Nội vào quý IV năm nay, tôi nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam nên gấp rút lập hồ sơ thi đua của anh trình Chủ tịch nước. Đề nghị Chủ tịch nước phong tặng anh - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký danh hiệu Anh hùng Lao động. Là tấm gương phấn đấu vượt qua nghịch cảnh tiêu biểu có sức lay động xã hội hàng mấy chục năm nay, Nguyễn Ngọc Ký hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.
 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký (1947 – 2022). Quê quán: Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Dân tộc: Kinh. Mất ngày 28/9/2022, trước khi mất thường trú tại: phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006.
QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội 1970. Từ 1970 – 1994: Giáo viên dạy văn cấp II tại Hải Hậu, Nam Định. 1994 – 2005: Cán bộ phòng Giáo dục quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Tháng 11/2006 nghỉ hưu. Tham gia làm chuyên viên tư vấn tâm lý và giáo dục cho Tổng đài 1008 TP Hồ Chí Minh.
TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tôi đi học, tự truyện, in lần đầu năm 1970; Chú nhện chơi đu (thơ, 1992); Quả bí kỳ lạ (truyện thơ, 1995); Ngôi nhà hoa (thơ, 1997); Khoảnh khắc (thơ, 2000); 101 câu đố vui (thơ đố, 1998); Rau gì trồng ở đầm ao (thơ đố, 2005); Đôi tay em (thơ, 2009); 111 câu đố vui (2009); Tôi học đại học (tự truyện, 2015); Tôi đi học (tự truyện, 2016); 420 câu đố vui thông minh (thơ đố, 2016); Biết học hết mình (Tâm lý giáo dục, 2016); Tâm huyết trao đời (tự truyện, 2017); Lời vàng trao con (thơ, 2017); Những khoảnh khắc còn mãi ( thơ ba câu, 2019); Những tâm hồn dấu yêu (truyện ký, 2019).
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải B cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi 1968 – 1970 cho tự truyện Tôi đi học, bài thơ Núi bắt phi công. Giải khuyến khích cuộc thi viết cho thiếu nhi 1990 – 1993 cho bài thơ Em thương. Giải nhất cuộc thi “Viết ngắn về mẹ tôi” của báo Tuổi trẻ cho bài ký Cây cau của mẹ.

8 - 2015

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm