- Thơ
- Giới thiệu thơ Nguyễn Văn Song
Giới thiệu thơ Nguyễn Văn Song
Nhà thơ Nguyễn Văn Song sinh năm 1974, tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Hiện là giáo viên Trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên. Anh đã xuất bản 2 tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen. Đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 2019 - 2020 và nhiều giải thưởng khác.
Thơ lục bát của Nguyễn Văn Song dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi ngôn ngữ thơ anh khá chân thành, mộc mạc nhưng lại có những câu từ đắt giá và hình tượng. Nhất là những bài thơ về cha mẹ, về làng quê. Những bờ ao, gốc rạ, cơi trầu, giỏ tre, gọng vó, cổng làng, sân đình... được anh xem như là những kỷ vật để anh thực sự ký thác hồn mình để nhả ra ngôn ngữ thi ca đầy hình tượng.
Phùng Hiệu (chọn và giới thiệu)
Nhà thơ Nguyễn Văn Song
Cõng mẹ
Bất ngờ mùa chuyển vô thường
Mẹ như mảnh trấu chợt vương gió gầy
Đê làng tất tưởi bông may
Con về cõng mẹ một ngày đổ mưa
Ngõ nhà một đoạn vòng cua
Chẳng xa mà ngỡ như thừa trăm năm
Vai con thiêm thiếp mẹ nằm
Bàn tay rệu rạo buông dần trên lưng
Thuở nao chân bước ngập ngừng
Con ngồi lưng mẹ qua vùng ấu thơ
Ông trăng như chiếc mâm to
Ngàn sao thắp lửa nhấp nhô khoảng trời
Gặp bao gương mặt rạng cười
Nghe buồn vui những tiếng đời lắng sâu
Cõng con qua hết khổ đau
Mẹ còn trơ một dáng cầu oằn cong
Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con
Mà nghe muôn vạn núi non đổ ào
Lưng dài, vai rộng, thân cao
Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu.
Ngõ xưa
Ta về ngõ của ta xưa
Tìm tre cong ngọn nắng mưa xạc xào
Óng vàng quả duối bờ ao
Rặng xoan rộn tiếng chào mào tìm nhau
Bạn bè cắt cỏ chăn trâu
Chia nhau một củ khoai màu than rơm
Nắm ngô rang hạt vàng ươm
Có gì nhắn nhủ mà thơm đến giờ?
Bà Năm tóc trắng phạc phờ
Con đi chinh chiến, còn chờ nữa không?
Chị Tâm sao chẳng lấy chồng
Đợi gì cây bưởi trổ bông trắng vườn?
Về tìm một buổi tinh sương
Ngõ nhà níu gót rơm vương bộn bề
Cha ra đồng sớm không về
Rạ rơm cay khói ngõ quê mịt mùng
Đã đi trăm nẻo nghìn trùng
Ngõ nhà về lại ngập ngừng bước chân
Tường ngăn lối xóm cao dần
Còn nghe tiếng vọng bần thần ngõ xưa.
Que cời bếp quê
Mỗi lần nhớ chái bếp quê
Hồn như bùng nhớ cái que tre cời
Đơn sơ chỉ một đoạn thôi
Mà sao thương đến suốt đời còn thương
Sá gì bỏng rát trăm đường
Xả thân nhen bếp tỏa hương ruộng đồng
Ấp iu từng đốm lửa hồng
Cời tro đến cháy cạn lòng thành than
Bà vùi xuống củ khoai lang
Que cời ủ lửa dâng làn khói thơm
Mẹ vần xuống bếp nồi cơm
Que vun than ấm hồn rơm đượm đà
Những khi giông bão tràn qua
Chị ngồi bên bếp mắt nhòa khói cay
Đoạn tre run lạnh trong tay
Cời lên chỉ thấy que gầy lạnh thêm
Củi, rơm xa ngái nỗi niềm
Bếp quê vắng ngọn khói mềm nhẹ trôi
Chạnh thương bao kiếp que cời
Thảo thơm đốt cạn một đời thành quê.
Giỏ tre
Nhà còn một chiếc giỏ tre
Lửng lơ góc bếp vọng nghe gió đồng
Con về gặp chiếc giỏ không
Lặng im mà bỗng ngập lòng ngày xa
Khúc tre vườn cũ cội già
Tay cha vót những thật thà thành nan
Con ngồi ngắm chiếc giỏ đan
Chợt nghe tiếng ếch đê làng gọi mưa
Đồng xa mót tép, mò cua
Mẹ về nghẹn gió giữa trưa nắng trầy
Giỏ thì nặng, mẹ lại gầy
Bát canh mẹ nấu cũng đầy mồ hôi
Đội mưa, cõng nắng vào đời
Giỏ theo con suốt một thời hàn vi
Đầy vơi giỏ chẳng nói gì
Quanh năm lấm láp cũng vì nuôi con
Một đời ngấm vị bùn non
Thời gian sương khói vẫn còn dấu quê
Cúi đầu tạ chiếc giỏ tre
Cho con đi biết nhớ về chốn xưa.
Giọt Sen
Tôi ngồi yên lặng cùng sen
Trăm bông ngàn đóa thắp đèn dâng hương
Tim đèn mở gió ngàn phương
Mùi hương thơm cả giọt sương bên hồ
Gót sen em một ngẩn ngơ
Ngó sen em một dại khờ riêng tôi
Tơ sen em bỏ ngang trời
Níu tôi suốt cả một đời vương mang
Niềm sen neo cõi nhân gian
Tinh khôi giữa những đa đoan nổi chìm
Tôi ngồi đây với lặng im
Lắng nghe sen rỏ vào tim giọt trầm!
Nguyễn Văn Song