- Thế giới sách
- Giới thiệu tiếng sáo mục đồng “Bi ơi, đừng sợ!…”
Giới thiệu tiếng sáo mục đồng “Bi ơi, đừng sợ!…”
Nhà văn KAO SƠN
Không hẳn là một tập tản văn. Cuốn sách có thể phân làm hai “giọng điệu”: Tản văn và những lời tự sự. Chất Thơ của Tản văn với sự bay bổng của ngôn từ, hình ảnh được kết hợp với những lời tự sự thấm lắng từ những sự việc, vấn đề cụ thể. Và chính điều này đã tạo nên sức hút với độc giả.
Cuốn sách nhỏ, xinh xắn, vuông vắn, được triển khai làm năm thiên (chương). Ở phần đầu cuốn sách, Trần Tuấn đã viết như một giải pháp để gỉai tỏa cảm xúc. Như người lữ hành trong một chuyến đi xa với một ba lô hành trang chứa đầy kỉ niệm. Kỉ niệm về người mẹ: một người phụ nữ nhẫn chịu, bình tĩnh luôn vững tâm, vén khéo vượt qua biết bao biến cố trắc trở Mẹ đòi hỏi con phải dẻo dai nín chịu, nỗ lực sống sót và quên đi niềm vui thơ dại. Mẹ dùng mẫu mực, khuôn phép đời mẹ để đo lường năm tháng đời con… Mẹ chưa bao giờ hôn lên vầng trán trỉn mồ hôi và nói rằng mẹ rất yêu con… chưa từng tổ chức, nhắc nhớ con về ngày sinh nhật…
Và về người cha: Thời trẻ cha đi bộ đội rồi mưu sinh xa nhà. Cha ít khi thân mật, gần gũi mà cứ âm thầm, lặng lẽ, thương con đứt ruột sau vẻ lạnh lùng xa cách. Hay uống rượu thiếu chừng mực khác thường. Cha trơ cảm, lần hồi mưu sinh mà quên đi cách cảm nhận cuộc sống. Tôi không thấy cha nghe một bản nhạc, xem một bộ phim, ăn một miếng ngon bao giờ luôn biết “hà tiện” mà không hề hổ thẹn, chỉ vì các con được học hành nên người. Đó là cách nhường nhịn, thương yêu trong bản năng của người làm cha mẹ. Tiếp đó là kỉ niệm về người Dì. Một bà giáo dạy toán rất giỏi vật lý và biết làm thơ … là nỗi nhớ về Ông bà Nội, sự ăn năn về việc khi cả hai ông bà nội lúc về với mây trắng mình đều không kịp có mặt.
Khi viết về kỉ niệm, Trần Tuấn bao giờ cũng tha thiết, trầm lắng: Với tôi tết trong kí ức là khi bắt đầu nghe tiếng cha lục lọi chai lọ trong tủ bếp chuẩn bị cho mẹ muối quả. Với tôi tết là khi gió bấc rít, mưa phùn rơi và nồi cá kho của nội quện trong mùi khói lam chiều. Những chi tiết hình ảnh luôn gắn với những suy tư cùng cách cảm nhận phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Rú Chúa, ngọn núi nhỏ chứa bao huyền thoại cũng hiện lên cùng với sự u mặc, bảng lảng cổ tích chứa đựng không chỉ những cảnh, những hình mà còn có cả người con gái tóc bím cho dù cô chỉ thoáng qua như một ảo ảnh. Ảo nhưng đậm và không thể quên. Bởi Đấy là hiện thân của quê hương. Lời quê chứa đựng trong lời người cha: đừng ngần ngại trở về khi cơ cực và nhọc nhằn quá mức. Quê hương còn có vòng tay cha mẹ luôn cởi mở đón đợi con về.
Viết về kỉ niệm Trần Tuấn thường sử dụng hình thức Tản văn là chính. Tản văn giúp có thể miên man trong một miền nhớ, một vùng đằm sâu của kỉ niệm. Có thể chạy theo nó như theo một cánh diều đứt dây, lang thang theo nó như theo một bóng hồng … Có lúc lại như một cánh chim ngập ngừng lượn bay trên đỉnh Núi có tên gọi: TrỊnh Công Sơn. Vừa ngắm nghía vừa suy tưởng. Vừa nhận biết vừa hoang mang bởi vô vàn những hình tượng, câu chữ ngôn từ hư ảo. Cũng có khi là cảm giác của sự sợ hãi ngọt ngào khi đối diện với một con người bằng da bằng thịt rất thật nhưng mang dáng của một loài hoa cùng một thứ hương ma mị. Cuộc gặp gỡ với một cô gái bên bến Nhà Rồng như một định mệnh và kết thúc như một tất yếu của chiếc lá thu buộc phải vàng úa rời cành. Rặng Diên vĩ, Màu mưa trong mắt… một mối tình trái ngang buộc phải dừng lại nơi đường biên của những lề thói, tập tục và quan niệm xã hội cùng luật pháp. Tiếp nữa ở phần cuối cuốn sách là hàng chục đoản khúc, mỗi đoản khúc chứa một vài cảm giác, cảm nhận, cảm tình… không cái nào rõ rệt. Không cái nào có hình hài cụ thể. Tất cả chỉ như một ngẫu hứng thoáng qua… Ngôn từ bay bổng. Đượm buồn. Tất cả vượt ra khỏi một kết thúc khuôn mẫu để tồn tại một cảm giác Thơ. Thiên về cảm xúc với một vấn đề, một sự kiện. Không đòi hỏi chi tiết nhiều trong một tình huống. Và điều quan trọng, những gì thuộc về cảm đều không thể tranh luận hay phán xét đúng sai, có lí hay vô lí. Nó thuộc cõi riêng của trái tim mỗi người.
Khi rời quê để vào Sài Gòn lập nghiệp. Vùng đất mới với hoàn cảnh mới, khung cảnh, con người cùng những va chạm mới đòi hỏi một cái nhìn trực diện. Bắt đầu từ đây những trang viết của Trần Tuấn mang dấu ấn của tự sự. Những tâm tình, suy nghĩ nhận định chủ quan, những chính kiến... đã được phô bày. Không chỉ trong những phân đoạn ngắn ngủi của cuộc mưu sinh, chứng kiến những vô thường trong cuộc sống mà ngay với Nghề giáo, cái nghề mà đã nhiều năm anh gắn bó và bây giờ vẫn tiếp tục. Có thể nói người Mẹ đã truyền cho anh niềm yêu nghề dạy học nhưng người Dì đã có ảnh hưởng khá sâu đậm đến việc hình thành tính cách cũng như hành động của Tuấn trở thành một giáo viên giữa vùng đất Sài Gòn. Hinh ảnh Người Dì được tái hiện qua những dặn dò gan ruột: “Với học trò con hãy hết lòng yêu thương nhưng phải luôn giữ một khoảng cách chuyên nghiệp. … giáo viên phải chịu trách nhiệm với những điều học sinh làm… không được thanh minh nửa lời mà con phải nhận lỗi để làm gương… phải có trình độ văn hóa… phải trung thực … Con nên nhớ sản phẩm lao động của con là một trái tim, một nhân cách …Chính Trần Tuấn cũng thừa nhận: Trong vô số những bài học sâu sắc của dì, bài học về cách nhìn một đứa trẻ là một bài học lớn mà tôi tâm đắc nhất. Và anh đã áp dụng những điều được truyền dạy đó của người Dì vào nghề. Là một giáo viên Văn, anh hướng học trò cách tiếp cận cuộc sống theo hướng nhân văn là chính. Dạy và khuyến khích động viên trò dám sống, dám dấn thân để vươn tới và trưởng thành. Khuyến khích các em kiên cường, dẻo dai, không ngừng nỗ lực, mạnh dạn dấn thân. Cùng đó là hướng các trò nghĩ nhiều đến cái đẹp: Chúng ta có duy nhất hôm nay để hành động và yêu thương... “học” nói đại thể là sống đẹp chứ không phải để có điểm số đẹp.
Có lẽ phần đáng chú ý nhất trong cuốn sách là những dòng tự sự, những trang viết về nghề giáo. Những tâm sự rút ruột của một thày giáo trẻ trong những bước đi ban đầu của nghề bảng xanh phấn trắng. Xin hãy đọc Tuấn thật chậm ở phần này. Có thể hơi nghịch nhĩ. Có thể gây đụng chạm. Cũng có thể vội vàng, còn thiếu chút gì đó của từng trải. Và có thể chưa hoàn toàn chính xác bởi chỉ là ý kiến cá nhân và đặt trong một không gian, một hoàn cảnh cụ thể, ở một hệ quy chiếu cụ thể. Nhưng đó là nhiệt huyết, chân thành, thẳng thắn, đầy tinh thần trách nhiệm. Trần Tuấn mạnh dạn thay đổi, tự mình xây dựng một phương pháp dạy mới: Coi học sinh không phải là đối tượng tiếp nhận sự rao giảng mà là những người bạn để cùng nhau trao đổi luận bàn về vấn đề nêu ra. Nghĩa là bình đẳng và cùng lắng nghe nhau, tôn trọng nhau: Đó là mối quan hệ năm chiều trong không gian lớp học hiện đại: Thầy - trò, trò - thầy, trò - trò, trò - xã hội, xã hội - trò. Để làm được điều đó tôi sẽ khéo léo can thiệp và sẻ chia: Theo thầy nghĩ...; thầy cho rằng...; chúng ta có thể nhận thức lại vấn đề này như này được không? tôi ít khi sử dụng mệnh lệnh. Tôi thường nói với bọn trẻ: Hãy tin theo những gì con tin tưởng. Đây thực sự là một hành vi “Cách mạng” trong lối dạy và học của nền giáo dục đương thời. Đã có không ít những bất đồng từ nhà trường, đồng nghiệp nhưng Trần Tuấn vẫn kiên quyết thực hiện: Tôi không ngần ngại chấp nhận những gì bọn trẻ viết ra: Niềm tin, suy nghĩ trong sáng ngây thơ của họ. Để họ luôn thấy ý kiến của mình có giá trị, được chú mục, lắng nghe. Chủ yếu mình cho trò gấp sách và bật tư duy. Mình khích lệ bọn trẻ nói, trên tinh thần đang chủ động tìm kiếm tri thức. Bằng cách dạy như vậy đã nhiều lần Tuấn bị phê bình là không tuân thủ phương pháp giáo dục được quy định, không bám giáo án. Nhưng anh vẫn tiếp tục bởi anh tin vào những đứa học trò của mình, tin vào lòng thành thật của mình sẽ được đón nhận và đền đáp: Muốn giảm đau, phải học cách tạo ra thế giới của nỗi nhớ để những vắng mặt được hiện diện mãi trong đó…. tuổi trẻ cần sự sai lầm và chẳng bài giảng nào về sự sửa lỗi sai lầm bằng hiện thực lầm lỡ …các con biết “cởi trói” cho bản thân và cho đời sống xung quanh.…. Chấp nhận đi trên con đường không hợp bước. Đi mãi, đi mãi sẽ có ngày bàn chân quen thuộc và đột nhiên một ngày đường và chân không thể tách rời.
Không chỉ với học trò, phương pháp dạy, lối ứng xử qua lại, nói chung là những vấn đề liên quan đến Dạy và Học. Trần Tuấn còn đi sâu vào những vấn đề rộng hơn, sâu hơn. Giá trị làm người được đặt ra. Nghề giáo mục đích chính và tiên quyết là dạy người ta biết làm người. Dạy người ta biết sống thế nào cho ra sống; Sống một cuộc đời luôn hết mình, hiểu giá trị của hai chữ hai chữ Cống hiến. Với đồng nghiệp anh vẫn có những trao đổi thẳng thắn. Và đạo đức là yếu tố được đặt để lên hàng đầu, liên tục răn sửa mình là thứ giáo giới cần nhận thức. Đặc biệt với môn Văn sự chia sẻ, phản hồi, tương tác cộng hưởng đã trở nên hiếm hoi trong bối cảnh dạy học văn hiện đại. Học trò, cả một thế hệ chấp nhận những câu trả lời đã có đáp án. Thỏa hiệp với việc kết thúc bài học là xem như mọi vấn đề của văn bản nghệ thuật đã được giải quyết. Vậy sự tồn tại của văn chương có ích gì cho đời sống khi mà cuộc sống đang có quá nhiều biến động còn văn trong nhà trường thì vẫn đóng khuôn mấy tác phẩm cũ rích ở thời buổi giá trị văn học bị đóng khung trong địa hạt của chính nó mà khó tiếp cận vào đời sống đương đại
Một cuốn sách rất đáng đọc nhất là với những ai đang làm nghề giáo. Đây là tự sự của một thầy giáo trẻ, với những ý kiến rất xác đáng, rất trung thực và thẳng thắn. Có nhiều câu khó nghe với không ít người. Nhưng hãy nghe. Và nếu có được một trao đổi giao lưu càng tốt. Tranh luận, tốt nữa. Có tranh luận và Phản biện, thì chân lí mới có cơ hội hiển lộ. điều đó có ích cho cả hai.
Mang trong mình một xuất phát điểm không mấy thuận lợi. Lại cũng không được hỗ trợ nhiều khi bước vào đời. Và điều quan trọng, ngay từ bước đi đầu tiên điểm chạm đầu tiên lại là một Sài Gòn đô hội, phù hoa, tráng lệ và đầy biến động, Tuấn đã bước chân đầu tiên vào Sài Gòn giữa cái căng thẳng, bức bối, đầy chết chóc của đại dịch. Lòng vẫn tham vọng với chút danh phận ở đời. Bi kịch sẽ đến lập tức với chàng trai vừa bước qua tuổi hai mươi: Hoang mang, thất vọng, thấy mình không đủ sức, không hiểu, không thể hòa đồng. Trần Tuấn đã có lúc bị trầm cảm nặng, đã nghĩ đến sự buông xuôi, thậm chí nghĩ đến “Một cái chết êm ái ”. Nhưng rất may những chông chênh không kéo dài. Những gian khó đã chịu từ quê nghèo xưa cùng những va đập mới đã đem lại nhận thức mới. Sau mỗi phần viết nhỏ, những đoản khúc tự sự bao giờ cũng lấp ló một nhận thức khá trong sáng. Những bi lụy chỉ còn như một giấc mơ. Cùng với năm tháng, cùng với những va chạm mới, cảm xúc mới cùng nhận thức mới… những điều băn khoăn sẽ dần được sàng lọc. Có thể save vào một ô nhớ. Cũng có thể cất vào một vài trang viết. Đôi khi giống như những quả cà muối mặn, như vại mắm Nhút…của những người dân nghèo ở một vùng quê nghèo xếp cả vào đó, ăn dần. Cần kiệm và chắt chiu nhặt nhạnh chi tiết và vốn sống là đức tính cần thiết cho một nhà văn trẻ nếu muốn đi xa. Không phung phí, không vứt bỏ bất cứ một điều gì. Một niềm vui. Một mỗi buồn. Một cú vấp ngã. Một lần được đón chào hay bị lừa... tất cả rồi sẽ trở thành kinh nghiệm, thành tư liệu, thành bài học, thành vốn sống. Nghĩa là chúng mang một giá trị mới. Một ý nghĩa khác.
Với Trần Tuấn, đây mới là cuốn sách đầu tay. Và cũng có thể đây mới chỉ là tiếng sáo của chú mục đồng tên Bi được thổi lên trong một chiều khô khát bên Rú Chúa. Vậy thì “Bi ơi! Đừng sợ” - Mẹ đã nói như vậy. Và sự thật cũng đúng là như vậy nếu ta có đủ nghị lực và tình yêu. Đường tới tương lai nằm ngay dưới bàn chân mình. Hãy dũng cảm dấn bước. Chúc Trần Tuấn “chân cứng đá mềm” và trái tim luôn cháy bỏng những khát khao đẹp với Văn học, với cuộc đời.
Sài Gòn, tháng 8 năm 2024