- Chân dung & Phỏng vấn
- Anh Năm Sáng của một thời
Anh Năm Sáng của một thời
Từ chiến khu trở về, anh là cán bộ văn nghệ, đảm đương chức vụ chủ tịch Hội Văn nghệ An Giang. Rồi anh lên thành phố Hồ Chí Minh, ngay trong nhiệm kỳ đầu của Hội (1981 - 1986), anh đắc cử chức Tổng thư ký Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, lúc mới vừa bước qua tuổi 49.
Trong gần 20 năm làm công tác Tổng thư ký Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và hơn 10 năm làm chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, anh Năm vẫn nổi tiếng là người chịu chơi hơn chịu làm. Dù vậy công việc cứ thế vẫn trôi qua, trôi qua một cách suôn sẻ mà không cần nhiều cố gắng. Phần cố gắng nhiều nhất của anh có lẽ vẫn là việc thường xuyên viết và vẫn đều đều tung ra tác phẩm mới của mình. Hết Mùa gió chướng đến Cánh đồng hoang, rồi tập truyện ngắn Con mèo Fujita, và nhiều kịch bản phim nữa. Tất cả như cuốn hút anh trong cái sự nghiệp viết và nhậu.
Trong gần 8 năm làm việc cùng anh Năm Sáng ở Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, tôi nhận ra một điều, anh là người cương quyết nhưng thức thời. Anh không câu nệ chuyện làm gì và làm như thế nào, mà với anh là làm sao phải có tác phẩm để còn được gọi là nhà văn. Điều tưởng đơn giản ấy nhưng không dễ gì thực hiện được nếu không có quyết tâm và lòng đam mê nghề nghiệp. Cái nghề viết tưởng là nghề chơi, nhưng thật ra cũng là một công việc cần có sự lao động nghiêm túc, cần thực tế và cần cả bản lĩnh nữa. Điều mình muốn nói tưởng là dễ nói, nhưng nếu không có bản lĩnh sẽ là chuyện nói theo đuôi, nói vuốt ve để lấy điểm cho có lệ. Tôi đã từng nghe anh trao đổi về công việc của nhà văn với lãnh đạo thành phố, những chiến hữu và bạn nhậu của anh, những người sẵn sàng nghe chửi thề, nghe những điều trái khuấy. Bởi anh nói có cơ sở thực tế. Mà thực tế của anh là những chuyện la cà với bạn văn nghệ và cả bạn không văn nghệ.
Nhờ làm lính của anh một thời gian (từ cuối năm 1988 đến gần cuối năm 1996), tôi mới nhận biết được sở thích và cố tật của từng nhà văn. Đối với tôi những năm tháng công tác Hội là những năm tháng mà anh Năm Sáng đã giúp tôi nhận ra con người - một con người thật đúng nghĩa, những kẻ xu nịnh, những tên bè phái và cả những người kiên gan đứng vững trên đôi bàn chân của mình một cách tin tưởng và dứt khoát. Lãnh đạo một Hội với quân số phần lớn là những văn nghệ sĩ từ R ra, từ miền Bắc về, những người nằm vùng và cả những người... khó tính, anh vẫn biết dung hoà và thoả lòng được mọi hội viên.
Thời anh làm công tác Hội, anh dám mạnh dạn và cương quyết đấu tranh để những lời nói, những tuyên bố của lãnh đạo thành phố và đôi khi cả trung ương trở thành hiện thực trong đời sống, cho dù có người giận, người hờn, người cho anh là thế nầy thế nọ, cả những chuyến xuất ngoại qua Pháp, qua Mỹ của anh cũng không ít điều tiếng, nhưng tựu lại người ta vẫn thấy một Nguyễn Quang Sáng như những gì mà anh vốn có. Một Năm Sáng cực kỳ máu lửa như chàng trai năm nào trong Đất Lửa - tiểu thuyết đầu tiên của anh, được trao giải ở Hà Nội mấy năm sau ngày anh tập kết, nhưng cũng trải qua biết bao nhiêu khổ nhọc để rồi mới được chính thức phát hành rộng rãi trên toàn quốc.
Nhớ đến Nguyễn Quang Sáng là người ta nhớ đến Chiếc lược ngà, nhớ đến Cánh đồng hoang, nhớ đến Thằng bạn lính, mà ít ai nhớ tới những chuyến đi dọc dài quê xứ Nam Bộ, xoá cầu khỉ xây cầu bê tông từ những đóng góp của bạn bè đồng lứa và những người hâm mộ anh khi anh hết đảm đương công tác Hội. Tuổi già, sức đi có hạn, nhưng anh vẫn miệt mài đi vì chiếc cầu nối những bờ vui, vì bạn bè năm xưa giờ người còn người mất, những gặp gỡ thân tình mà ngậm ngùi nước mắt với anh Tư Sâm Trang Thế Hy, với nhà văn Sơn Nam và bao nhiêu bạn bè nữa, những người già và không ít người còn trẻ.
Thế là sinh nhật lần thứ 84 vào ngày 12-1-2015 sẽ không còn anh, anh Năm ơi, nhưng tôi tin rằng hình ảnh anh vẫn đọng mãi trong tâm trí bạn bè và biết bao thế hệ độc giả của anh - anh Năm Nguyễn Quang Sáng.
PHẠM SỸ SÁU
Nguyên Chánh Văn phòng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh (1989-1996).