- Truyện
- Gọi mãi tên nhau
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Thuở sinh viên, tôi gặp em trong đêm trăng tròn, hôm đó, em lạc vào trường tôi cùng ba bạn nữ. Chúng tôi yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Em tặng tôi bài “Hạ trắng” có chữ ký của Trịnh Công Sơn. Tôi với em chung nhau mối tình đầu, làm sao cảm được nét buồn cô đơn trong bài ca đó. Nhưng kể từ ấy, tôi bị hút vào nỗi đau của lòng cam chịu trước số phận mà hai người, kẻ đón, người về hình như chỉ có “trong cơn mê này”.
Tôi yêu em hơn cả bản thân mình, chăm chút em hơn mẹ chăm con; thế mà chưa tròn ba năm, em đột ngột yêu người khác. Tôi năn nỉ em, đoan chắc rằng:
- Chúng mình sẽ không có hạnh phúc nếu không lấy nhau. Tình yêu chúng mình trong sáng quá, theo thời gian nó sẽ trong suốt và đẹp lên. Lập gia đình với người khác tránh sao được va chạm, lúc đó sẽ hối hận vô vàn…
Trong mắt em chỉ có hình bóng người đàn ông mới rực lửa yêu thương. Tôi nuốt lệ, thề 5 năm sau sẽ quay lại, đi tiếp đoạn cuối đường đời với em nếu em chưa có chồng. Em cương quyết:
- Khác con đò; đã sang sông, em chẳng quay lại đâu...
Em bỏ đi vội vã, để lại nắng chiều lấp lóa màu áo trắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…
Em lên xe hoa. Thất vọng, tôi vào Nam công tác. Bao năm rồi, không một ngày tôi không nhớ, không nghĩ tới em.
23 năm sau, em tìm được tôi. Em đưa tôi xem chiếc áo ấm màu nâu thẩm đã sờn, mùa đông nào em cũng đem mặc. Tấm áo đó, ngày xưa, giữa phố phường Hà Nội giá buốt, tôi cởi nó đắp cho tay em đỡ lạnh.
- Những đêm đông, có ai kéo chăn đắp cho em không?
Hai giọt nước mắt rơi xuống vạt áo thẫm lại thành hai vệt máu khô, thứ nước mắt của tôi ngày em về bên ấy.
- Chỉ khác màu áo trắng. - Tôi nghẹn ngào - “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”. Em hóa kiếp nó đi để cho lòng thanh thản.
Em bừng tỉnh, mắng tôi:
- Lại Hạ trắng! Bỏ cái tốt, cái lãng mạn đi mà hòa vào đời!...
- Có ai xấu với anh đâu mà bảo anh sống không tốt - Tôi thanh minh - Anh thấy tình yêu chúng mình cứ như là bài “Hạ trắng”.
Vùng vằng, em bỏ đi…
***
Ngày con gái tôi thi đỗ đại học, bố con về quê, ghé Huế, thăm cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Hoàng Thành… Chiều buồn, nắng vàng rải trên sông Hương xanh uốn lượn giữa đôi bờ cây trái. Tôi bảo con gái: “Nắng làm sao chết trên sông dài con nhỉ?!”…
Giật mình, con tôi lấy vội cuốn lịch nhỏ xem ngày.
Cháu thảng thốt:
- Ba phải đi xem bản thảo đầu tiên bài “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn.
Kéo tôi đi, cháu kể: thầy Toàn rất mê nhạc Trịnh. Trong đêm thầy mất, con mơ thấy thầy dặn: “… Cuối giờ thân của ngày… tháng… năm…, phải đưa ba của em đến đó. Người trong trắng như ba em mới thấy, đọc và hiểu được…”.
Bố con tôi dừng chân trước ngôi nhà gỗ xưa thật xưa, âm u bóng tà. Ông cụ thấp bé, tóc bạc trắng đón chúng tôi với cuốn sổ nhỏ úa vàng màu thời gian. Cụ bảo: tôi chính là người mà cháu trai cụ vẽ chân dung để cụ nhận mặt. Nét chữ viết vội của Trịnh Công Sơn hiện rõ dưới ánh tà dương. Tôi nhớ như in đoạn nhật ký của người thiên cổ:
“… Có một ông già đã lẫn, cứ chiều xuống, khi nắng sắp tắt trên đôi bờ sông Hương và sắp chết trên dòng sông dài lặng lẽ xám lại, như hấp hối trong trời chiều. Ông già đó lại hồn nhiên hỏi các con: “Mạ (mẹ) các con đi mô (đâu) chưa về?”.
Đó là một câu chuyện có thật ở Huế, nó lặng lẽ, nó hồn nhiên đến mức không ai nghe, thấy và viết về nó. Mình đã khóc vào một ngày bắt gặp ông cùng câu hỏi hồn nhiên đó, và muốn viết một bài ca về tình yêu của một ông già, của người già, của vĩnh cửu.
Bao đêm mình thổn thức: vì đã lâu rồi, không ai biết, ông già đã về cõi mê. Dưới suối vàng, có thể cụ bà còn chờ ông. Cũng có thể do một quy luật nào đó, ví dụ như thời gian, đã tác động làm cụ bà, do đi trước quá lâu, sẽ tái sinh thành một người lớn tuổi hơn ông và lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái; theo chiều thời gian, không bao giờ quay về bến cũ; đã sống hạnh phúc bên người chồng khác và những đứa con thông minh xinh đẹp có được với người chồng mới; để ông già đó lại bơ vơ; và lại hỏi mãi câu hỏi đó trong cơn mê dài đến ngàn thu, đến mãi mãi! Đó là dòng chảy của cuộc đời, nó luôn vô lý và bất công trong sự chấp nhận của người đời, như là công lý, là đạo đức, là sự sáng suốt…”.
Bản thảo bài ca “Tình già” được gạch bỏ thay bằng tựa “Hạ trắng”. Câu nhạc chủ đề “Cái chết đưa em đi rồi…” thay bằng “Gọi nắng trên vai em gầy…”.
Ánh đèn flash sáng lòa đốt cháy cuốn sổ và ông cụ, để lại căn nhà hoang đổ nát trong tím ngắt hoàng hôn. Trán con gái tôi đầm đìa mồ hôi lạnh. Bố con tôi vội tìm tiệm ảnh rửa hình. Tấm phim số 23 (trùng với tuổi tôi chia tay người ấy); trong đó tôi cầm cuốn sổ đứng bên một cái bóng thấp nhỏ, nhưng khi in ảnh lại được bức ký họa của tôi với đôi mắt buồn và đẹp hơn tôi nhiều, đẹp lắm. Tôi cầm tấm phim đưa lên ánh đèn, trong đó là màu áo trắng ngập nắng chiều bên bờ Hương Giang. Lòng tôi quặn lại: nếu in được bức ảnh từ tấm phim này thì theo quy luật phim âm bản sẽ cho ra tấm áo ấm màu nâu thẫm đã sờn ngày xưa cũ của tôi mà những giọt nắng chính là những giọt nước mắt mang màu máu khô đen quánh lại….
Bên tôi, con gái quả quyết:
- Chân dung của ba do thầy Toàn vẽ theo nét mặt của con. Còn bản thảo bài “Hạ trắng” thầy làm hỏng từ lâu rồi. Cái ba thấy được chính là ký ức của thầy giáo, một đồ đệ của nhạc Trịnh, trong vô vàn đồ đệ của tình yêu con người muốn “gọi mãi tên nhau” cả khi con người không còn sống đời trần thế….
Tháng 3 năm 2007
LTH.