TIN TỨC
  • Truyện
  • Hẩm hiu phận đời | Quách Mỹ Kiều

Hẩm hiu phận đời | Quách Mỹ Kiều

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
2306 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

QUÁCH MỸ KIỀU

Gò Mít nằm biệt lập trên mô đất cao bên kia mương, bao bọc xung quanh là đồng ruộng mênh mông. Bên này là con đường đất, hai bên hai hàng bạch đàn thẳng tắp, đổ xuống con dốc thoai thoải, lởm chởm, gập ghềnh những hố, những gờ đá lớn nhỏ nhấp nhô rồi băng qua đoạn bãi cát, đi lên cây cầu làm bằng 4 cái ống dầu sắt cỡ cột điện. Mấy cái ống đã rỉ sét nên người ta dùng thân tre luồn nẹp vào trong ống để cho chắc chắn. Cây cầu là nhịp nối xóm bên này với Gò Mít bên kia.

Vừa qua khỏi cầu, nhìn xéo về phía bên phải là túp lều rách nát xiêu vẹo của mẹ con thằng Mít. Mái lều lợp lá, phủ thêm tấm bạt đã rách tả tơi, rũ xuống gần thềm đất, che quá nửa lùm cỏ lau mọc tua tủa xung quanh 4 vách nứa mục nát, thủng toạc nham nhở...

Xóm Gò Mít cheo veo có 5 hộ, tính luôn túp lều của mẹ con Mít nữa là 6; 5 ngôi nhà kia là nhà gạch nhưng cũng tồi tàn, lụp xụp, vách cũ sờn, nứt nẻ loang lổ phủ đầy rong rêu, mái ngói đã ngả sang màu đen kịt của khói bếp lâu năm. So với túp lều mẹ con Mít thì khá hơn, nhưng nhìn một lượt cái nghèo nàn u ám bao trùm lên như nhau.

Sáng nay sau mươi ngày liền âm u, dầm dã, mưa tạnh đôi chút, trời trong. Đàn vịt ông Tám Được đã ăn tròn diều, Mít lùa vào bãi cát bồi dưới mương, cột cổng mành tre lại, nhốt cho chúng tự do bơi lội dưới đó. Tranh thủ phút rảnh rỗi, nó vác cần câu ngồi vắt vẻo trên cầu câu cá. Tiết tháng 9, mưa dầm rả rích cả ngày, không khí se se lạnh. Trời này mà được ngồi cuộn tròn trên chõng tre với củ khoai lang nướng nghi ngút khói, nóng hổi vừa ăn vừa hít hà thì khoái biết mấy, Mít nghĩ. Rồi nó ngó về phía túp lều thấy má đang đội cái nón cời, tay cắp rổ lom khom dưới hố bên hông lều hái rau muống. Gió thổi thốc hơi nước từ mương lên phả vào mặt mát lạnh, lòng nó như cũng được gió mơn trớn xoa dịu.

Kể ra những lúc thế này nhìn má thật thương! Mít thả hồn mơ màng cảnh hai má con xúm xít bên mâm cơm với rổ rau muống luộc, tô nước rau vắt chanh chua chua và dĩa trứng chiên, rồi bất giác nuốt nước miếng đánh ực.

Mít thích nhất mấy tháng mưa, không khí lành lạnh. Dù thiệt ra ngồi trong lều chả khác gì ở ngoài trời sất. Gió rít vào mấy cái lỗ vách nứa rách, rét thấu da. Tấm mái bạt lủng lỗ chỗ, nước mưa cứ thế rịn chảy xuống ướt nhẹp. Chỗ cái chõng tre hai má con nằm, nó với má phải lấy áo mưa dừng lại trên đầu. Hai má con tranh thủ lúc trời tạnh, mở đống củi khô buộc trong lớp túi bóng, dựng ở xó lều ra nấu cơm, luộc rau, luộc trứng. Má con cứ thế tíu tít bên mâm cơm nóng hổi nghi ngút khói, vừa kịp xong bữa là trời mưa lại. Hai người nhảy phóc lên chõng tre ngồi, nghe tiếng mưa rớt lộp bộp trên mái bạt lấy làm thích thú cười khanh khách, buồn buồn má lôi nó ra bắt chí, rồi má con ôm nhau cuộn mình trong cái chăn rách ngủ ngon lành. Tiếng ếch nhái ngoài ruộng, dưới mương vọng lên ộp ẹp ru cả mẹ lẫn con vào giấc ngủ say nồng. Tính vậy mà những ngày tháng ấy với Mít lại sướng rơn.

Thoảng nghe đằng bờ ruộng xa xa vọng lại tiếng cười nói rôm ran của mấy bà xóm bên đi làm đồng về, Mít biết ngay trong toán có bà Lan, bà Ngã, bà Lành. Cái giọng ngoa ngoa của mấy bả sao lẫn vào đâu được. Mọi khi, nếu đang ở trước lều, chỉ thoáng nghe tiếng mấy bả từ sau lùm tre là Mít liền chui vào lều tránh, hoặc giả có đang lùa vịt dưới mương nó cũng tìm cách lẩn vào đám cỏ lau ven bờ để khuất khỏi tầm mắt mấy bà ngay. Nhưng lần này, vì đang ngồi ở giữa cầu, có đi qua bên kia hay ngược lại bên này cầu cũng đụng mặt. Muốn tránh cũng không xong khi mà tiếng cười nói chan chát đã sát đầu cầu. Nên Mít ngồi im, gượng giả vờ tập trung vào cần câu của mình. Những bước chân sượt qua lưng áo.

- Mít Sành, rảnh rang câu cá sướng nhen, xem chừng vịt giẫm nát ruộng người ta - Bà Lành văng lời mỉa.
- Cái mặt y đúc ông Sành... Chắc rồi cũng giống cái nòi không nên nết cha nó thôi... Lấp liếm đến con đàn bà điên cũng không chừa - Bà Lan rít lên giọng the thé qua hai hàm răng.

Bà Ngã rầm rì trong cuống họng điệu bỡn cợt:
- Cha già không nên nết vậy mà coi bộ ngon nhen, lấp 9 tấc đất rồi nhưng đố ai quên mặt, có bản sao đây mà.

Rồi mấy bà phá lên cười.

Mít nãy giờ ngồi cúi gằm mặt xuống mương im ru, dường như lớn lên từ những lời xì xào dè bỉu đã đâm ra nhờn nên biết tự tạo cho mình vẻ mặt giả lơ khá đạt. Đợi cho bóng mấy bà khuất trên đường đất, phía sau hàng bạch đàn, Mít mới dám ngẩng mặt lên.

Thỉnh thoảng Mít cũng hay qua xóm bên kia. Khi thì do ông Tám Được kêu qua nhà lấy tiền công, tiện ghé mua chai dầu, chai nước mắm. Lần thì theo tụi thằng Hũ, con Tý qua tạp hóa bà Cúc mua bi về cả bọn bắn chơi, lần nữa là đi kiếm má dắt về, do mùa nắng má lại lên cơn điên lang thang qua tít xóm bển.

Trong mắt nó xóm bên bển rộng thênh thang, nhà cửa san sát, ban đêm ánh đèn dập dìu, đông vui nhộn nhịp ghê lắm. Buổi sáng người ta ngồi ăn sáng ngay sạp bánh ướt, bánh hỏi bà Béo, chỗ ngã ba đông nghịt. Còn ở quán cà phê bà Bốn Giàu, tiếng nhạc xập xình từ sáng đến tối, mấy ông ngồi trỏng tán dóc rộn rịp cả lên.

Mít nghĩ: Ngộ! Cái xóm rộng thênh thang mà lòng mấy người lớn bên bển sao chật hẹp, không bằng túp lều rách nát của má con nó nữa. Quay đi quay lại bao nhiêu năm trời cứ lấy chuyện nó giống ông Sành cười cợt mãi không chán. Mỗi lần nghe giễu vậy là nó thấy xấu hổ lắm, lỡ đang đi với tụi con Tý thằng Hũ thì còn ngại hơn nữa vì tụi nó nghe vậy lại thắc mắc hỏi Mít: Ủa ông Sành là ai hả mầy hen? Và lúc nào Mít cũng trả lời: Tao cũng đâu có biết đâu. Nhưng lòng nó như có vết gai cào xước, rát rát khó chịu, cứ bứt rứt bởi cái sự không biết của mình chẳng có ai giải đáp cho. Phải chi má được bình thường như cô Hạnh, cô Nga mẹ thằng Hũ, con Tý thì may ra nó hỏi má được, đây những ngày mát mẻ, tỉnh táo nhất thì suy nghĩ và cách nói chuyện ngây ngô của má cũng chả khác gì mấy đứa tụi nó, hỏi sao cho đặng.

Mười tuổi đầu, Mít đã có suy nghĩ già dặn hơn tụi bạn chí cốt của mình là thằng Hũ con Tý gấp mấy lần. Đôi khi nó ngồi trầm ngâm với những suy tư thẳm sâu trong dạ như ông cụ non, để rồi nó rút ra được thế này: Thế giới bao la rộng lớn xóm bên kia, tuy rộng thật, nhưng lỡ nó có đi ngang qua thì cả con đường đất, hàng bạch đàn, cái sạp gỗ bà Béo, hay quán cà phê bà Giàu... Đâu đâu cũng có vài cặp mắt như chỉ chực lia vào nó để bỡn cợt, miệt thị. Mà thiệt, ông Sành từ nhỏ tới giờ nó chưa gặp bao giờ, bà Sành thì nó biết, vì bà này mỗi lần ngó thấy nó là lườm, nguýt, khạc nhổ... còn đáng sợ hơn cả mấy bà kia, làm như nó mang cái hơi bùn bên Gò Mít qua làm vây tanh cho bả vậy đó. Nên xóm bển tuy rộng lớn, huyên náo mà nó chui vô thấy khó lọt hơn cả cái túp lều nhà mình. Chính vì vậy cực chẳng đã có việc mới phải qua bên đó, chứ không bao giờ Mít muốn bước chân qua khỏi làn ranh của cây cầu sắt này.

Với Mít, nó chỉ nhớ được những kỷ niệm của đời mình từ hồi năm tuổi tới nay. Và trong ký ức đó, một là hình ảnh hai má con, mùa mưa rong ruổi cùng đàn vịt hết đồng xa đến đồng gần, mùa nắng thì tâm tính má bất thường, la hét, bỏ đi lang thang, thấy gì là nhặt nấy về chất ngập trong túp lều, nó phải khổ sở trông chừng, không cho má đi lạc. Hai là ký ức về mọi người trong xóm Gò Mít như: bác Bảy, chú Lượng đi chặt lá về lợp lại túp lều giúp nó, rồi cô Hạnh, cô Nga đi nhận gạo diện hộ nghèo về đổ vào cái thùng nhựa đầy ắp cho nó, còn bà Hằng ngày nào cũng tạt qua lều chỉ để dặn dò nó chuyện nọ chuyện kia... Lục tung ký ức nó cũng không nhớ được ông Sành là ông nào để biết mình có giống ổng thiệt hông. Nó là con của má nó mà hổng ai nói giống má hết trơn, tự nhiên cứ đi cợt giống ông Sành, thử có tức hông.

Suy đi tính lại Mít thấy mình yêu xóm Gò Mít quá đỗi. Nó thích con Tý, thằng Hũ, bà Hằng, cô Hạnh, cô Nga, bác Bảy, chú Lượng. Họ chả ai nhắc đến ông Sành nào trước mặt nó. Thỉnh thoảng trời mưa nhà không còn đồ ăn, chỉ có gạo, các cô, các bà ngâm gạo đổ bánh xèo lại bưng sang cho má con nó một dĩa đầy. Có con cua, con ốc bác Bảy, chú Lượng bắt được cũng đem cho hai má con nó. Cái xóm bé tẹo tèo teo mà tình người ấm áp bao la đùm lấy nó ròng rã bao năm trời.

Ngót rồi mùa mưa bình yên cũng đi qua, năm nay, mới non tháng 5 mà trời nắng như đổ lửa. Mít lùa đàn vịt lên đồng cho rúc gốc rạ ăn lúa rụng. Hôm nay người ta đã gặt xong đám cuối cùng, đồng mênh mông trơ gốc rạ, lũ vịt lạch bạch tha hồ cắm mỏ sục lúa, tìm tép, cua, ăn no căng diều. Con nào con nấy béo mẫy. Không sợ lũ vịt giẫm mẹp lúa như lúc đồng chưa gặt nên yên tâm để đàn vịt đó, nó chạy vòng về lều xem má có lang thang đâu không. Về tới nơi, nhìn quanh thấy im ắng, vén tấm màn cửa áo mưa ngó vô lều cũng không có, Mít chạy ù ra mương, nhìn xuống dưới nước thấy má đang bì bõm, một tay vạch lau lấy rác, một tay bưng rổ đã đầy những rác là rác. Nó nhảy tõm xuống giằng lấy rổ, đổ hết rác ra rồi vừa lấy sức lôi má lên bờ vừa nài:
- Về...! Về má!
Má nó mặt cười như mếu, cặp mắt trắng dã ngây ngây dại dại nhưng vẫn ngoan ngoãn đi theo thằng nhỏ chứ không cự lại.

Về đến lều, Mít múc nước trong vò rửa sạch hai chân lấm lem bùn, cát cho má, xong dắt vào lều, nó ấn má ngồi xuống cái chõng tre đã gãy mấy nan xập xệ, giận dỗi nói:

- Má ngồi im đó, để con nấu cơm nghe hông!
Vào mùa nắng, đặc biệt là tiết hè tháng 5, tháng 6 là khoảng thời gian Mít nhọc nhằn khốn đốn không sao kể hết: hông lẽ vừa đi chăn vịt vừa dắt tay má kề kề theo bên mình để cho má khỏi quậy. Có hôm nó cũng đành làm vậy thiệt, nhưng má vui thì còn để nó dắt tay đi đâu đi, chứ má mà nổi cơn buồn lên là không kể ở giữa ruộng lúa người ta hay dưới mương nước, cát nhèm nhẹp, má nằm chèm bẹp ăn vạ ra đó, nhất định không thèm đi nữa là đành chịu. Mít có ngọt nhạt năn nỉ kiểu gì, hay dùng hết sức lực yếu ớt gầy tong teo như cây tre non của nó cố lôi má dậy cũng vô phương. Mấy bận vậy là Mít đành để vịt, để má đó chạy vòng về cầu cứu bác Bảy, chú Lượng viện trợ dùm bằng cách ra khiêng má về. Nên Mít tính, cách tốt nhất là cứ để má ở lều, rồi tranh thủ trông chừng thì hơn. Vừa đi chăn vịt thuê kiếm tiền, vừa trông chừng má, rồi lụi cụi lo cơm nước, bao nhiêu cảnh khốn đốn trăm bề như đổ ụp hết lên đầu đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi. Nhưng như thế vẫn chưa thấm vào đâu, có bữa lùa vịt tranh thủ vừa kịp chạy về nấu nồi cơm xong lại chạy đi, lúc vịt đã no nê, lùa vào bãi bồi dưới mương nhốt lại, bụng đói cồn cào về tưởng được ăn cơm, ai dè giở nồi cơm ra thấy toàn cát là cát. Khoảnh khắc ấy Mít đâm oán giận má, ước bà đi đâu đi cho khuất mắt đừng để nó thấy mặt. Tủi hờn, uất nghẹn đến nỗi khi nhóm lửa nấu cơm lại nước mắt cứ vậy chảy tèm lèm, cúi xuống thổi lửa không ra hơi do cổ họng nấc nghẹn.

Đôi lần Mít buồn bã ngồi trên bờ mương nhìn lũ thằng Hũ con Tý cười giỡn tít mắt, bơi từ bờ bên này qua bờ bên kia một cách khoái chí hả hê do hai đứa nghỉ hè được thỏa thích rong chơi. Ánh nhìn của Mít những lúc ấy sao mà chán chường, lãnh đạm trước cuộc vui. Thấy Mít vẻ hờ hững không xuống tham gia, hai đứa kia nói: mày sướng nhất ấy Mít, suốt ngày được la cà chẳng phải đi học, chắc tắm mương suốt chán rồi chứ gì? Mít thở dài buông lời rầu rĩ, hơi mắc nghẹn trong cuống họng: Tao... tao lại ước được điii..ii học như mấy đứa bay hơn... Giá mà...!
Bữa nọ, mới bước thấp bước cao từ dưới ruộng lên, định bụng để đàn vịt đó, tranh thủ chạy về nấu cơm. Nhìn về phía lều, Mít thấy bác Bảy vừa vẫy vẫy tay vừa hớt hơ hớt hải chạy về hướng nó. Mít nghĩ, chắc má lại gây ra chuyện gì rồi! Nó liểng xiểng cố chạy thiệt nhanh trên bờ ruộng nhỏ bằng gang tay để đến gần xem bác Bảy nói gì.

- Về mà lo cho má mầy - Giọng bác Bảy gấp gáp.
- Ủa má con sao á bác? - Mít hỏi.
- Nó lang thang chọc con chó hoang xóm bên kia bị chó cắn, may thằng Lượng thấy mới dẫn về - Bác Bảy nói.

Nghe vậy, Mít chạy vụt về, hất tung tấm áo mưa che cửa lều đánh phựt, nhào lại chỗ cái chõng tre. Má đang nằm bất động, cặp mắt trân trân nhìn lên mái lều. Mít đưa mắt nhìn xuống bắp chân má, cái ống quần rách toạc ba lỗ, loang đầy máu đã khô. Run run nó cầm bàn tay má lay gọi:
- Má!
- Má!
Lúc này bác Bảy mới đuổi kịp Mít về lều. Bác nói:
- Đi pha chút nước muối ấm ấm, rửa sạch chỗ vết cắn cho má mầy, rồi đợi thằng Lượng qua xóm hỏi thử có thuốc gì bôi vết thương không? - Rồi bác nói tiếp - Để chiều tao đi qua xóm bển hỏi chỗ nào tiêm ngừa, mai mốt dẫn nó ra tiêm, chứ chó cắn là độc lắm, mà lại chó hoang không rõ chủ nữa.

Nghe lời bác Bảy, Mít lụi cụi đi đun nước pha nước muối ấm. Đôi bàn tay gầy gò đen nhẻm của thằng nhỏ vậy mà chất chứa bao nỗi ân cần, thương yêu với má. Nó kéo chân má xuống chõng tre, cẩn thận vén ống quần lên rồi cứ thế rửa thật sạch chỗ vết cắn dính bết máu.
Chiều hôm ấy, Mít nấu cháo cá, cá hôm qua chú Lượng đơm được đem qua cho mà nó còn bỏ trong thau nước đậy rổ lại rộng chứ chưa nấu. Bưng chén cháo lại chõng tre, đỡ má lên đút, mà má không nuốt. Mắt cứ đờ đẫn vô hồn nhìn ra phía mương. Nó dõi mắt theo hướng má nhìn, xem má nhìn gì. Nắng tháng 5 vàng rực như rải lửa, gió Lào thốc rạp đám lau trên bờ mương lấp loáng bàng bạc. Tiếng gió xô lùm tre kẽo kẹt, rạc rào, âm thanh xáo trộn vọng bên tai. Mít thấy như lòng nó còn nóng hơn cái nắng rực lửa ngoài kia. Cứ bồn chồn ran ran trong dạ, sao buồn quá!

Bác Bảy với chú Lượng đưa má đi tiêm rồi, nhưng Mít xem tình hình má chẳng khác mấy hôm qua. Nó xin ông Tám Được nghỉ mấy hôm để ở nhà lo cho má. Nhìn má cứ nằm trên chõng tre rên hù hụ, người nóng ran, mắt nhắm nghiền, bỏ ăn. Mít lo lắng không yên, cứ lụi cụi nấu nước, pha nước ấm, nhúng khăn chườm trán cho má liên tục. Rồi nó ngồi bó gối thu lu nơi góc chõng tre canh chừng. Lúc này đây, Mít ước má khỏe lại, có đi quậy phá như trước cũng không sao, nó sẽ không bao giờ nổi giận với má nữa. Mít hối hận vì trước đây có lúc nổi nóng với má, nghĩ thế nước mắt cứ chảy giàn giụa, nó quệt ướt hết ống tay áo.

Ba hôm sau, giữa đêm khuya tịch mịch má lại lên cơn sốt, mặc cho Mít sợ hãi ôm ghì lấy má vào lòng lay gọi, đánh thức, má vẫn trong trạng thái mê sảng gào thất thanh:
- Sành...!
- Sành...!
Tiếng gào vọng vào thinh không mấy giây rồi im lìm, tắt hẳn giữa màn đêm hun hút sâu thẳm, chỉ còn tiếng gió thốc rào rào quạnh quẽ đan xen tiếng nấc đều đều từ túp lều dội ra.

Cảnh sắc hôm nay không khác mọi ngày, nồng rực, trong xanh vời vợi không một gợn mây, nhưng thu vào tầm mắt hum húp, nhập nhòe của Mít lại chuyển hóa ra âm u, não nề hơn cả những chiều chạng vạng trời mưa dầm dề của tiết tháng 9.  Không có giọt nước mắt nào lăn dài trên gò má, khóe mắt đã thôi long lanh ngấn nước, có chăng chỉ còn đọng lại những vệt vân máu rằn rện đỏ ngầu trong ánh nhìn thơ thẫn. Mít ngồi đó nơi cửa lều, đầu đội khăn tang vẻ thất thần trước hình ảnh những người thân thương xóm Gò Mít đang chuẩn bị nghi lễ tiễn đưa một người về nơi xa khuất. Chơi vơi...! Nó biết rằng sau lần này cùng má qua bên kia cầu sẽ chỉ còn mình nó quay về, sẽ không còn bàn tay nhỏ nắm lấy bàn tay to rảo bước về nhà.

Những bóng người khòm lưng xám xịt, những bước chân đi trong lặng lẽ. Đoàn đưa tang đã trở về, ngang qua hàng bạch đàn gió thổi xạc xào, bất chợt những cặp mắt không hẹn mà cùng dõi về phía túp lều bên kia mương. Từ nay chỉ còn lại bóng hình nhỏ bé tựa cửa liêu xiêu. Xóm Gò Mít đã thiếu đi một người dù lòng ai rộng chật vẫn nhăn nhở nụ cười trên môi. Túp lều rách nát càng thêm quạnh hiu. 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm