- Lý luận - Phê bình
- Hành trình văn học Nga ở Việt Nam: Dòng chảy không đứt đoạn
Hành trình văn học Nga ở Việt Nam: Dòng chảy không đứt đoạn
Hà Thanh Vân
Quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô (nay là Liên bang Nga) và Việt Nam được chính thức xác lập từ ngày 30/1/1950 song mối quan hệ văn chương Nga – Việt đã hình thành từ trước đó rất lâu, dưới hai hình thức: sự giao lưu văn hóa và sự tiếp nhận của những người cộng sản Việt Nam từ nền văn hóa, văn học Nga. Đi suốt thế kỷ XX và ở những năm đầu thế kỷ XIX, tuy có những lúc thăng trầm, song mối quan hệ văn chương ấy chưa bao giờ đứt đoạn!
Văn học Nga đã có mặt ở Việt Nam trong những năm trước 1945
Văn học Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX nằm trong tiến trình hiện đại hóa, trong đó phần tiếp thu văn học Phương Tây, mà cụ thể là Pháp chiếm vai trò quan trọng, cũng như những ảnh hưởng mang tính truyền thống từ văn học Trung Quốc. Do vậy, những tác phẩm văn học Nga đến với độc giả Việt Nam thời kỳ này chủ yếu là thông qua bản dịch tiếng Pháp và tiếng Trung. Một số độc giả có trình độ thì đọc qua bản dịch bằng ngôn ngữ khác, nhưng cũng có những bản dịch tiếng Việt. Theo dịch giả Thúy Toàn, sự tiếp xúc đầu tiên của người Việt Nam đối với văn học Nga có thể là sự kiện gặp gỡ giữa vua Hàm Nghi và nhà văn nữ kiêm dịch giả Nga Tatiana Lvovna Shchepkina-Kupernik vào đầu thế kỉ XX tại đất nước Algeria khi ấy là thuộc địa của Pháp. Sau đó, nhà văn Tatiana Lvovna Shchepkina-Kupernik đã cho ra mắt chùm truyện kí mang tên “Những lá thư từ phương xa”, đáng kể nhất là trong đó có truyện ngắn “Hoàng tử Lý Tông” với nhân vật chính là vua Hàm Nghi. Cũng trong những năm đầu thế kỷ XX, khi làm thợ ảnh tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã đọc đã đọc tác phẩm của Lev Tolstoy và tự nhận mình là “người học trò nhỏ” của đại văn hào Nga. Huỳnh Thúc Kháng khi làm báo “Tiếng dân” đã cho in bản dịch tác phẩm “Phục sinh” của Lev Tolstoy từ số 9 ra ngày 10/8/1927 đến số cuối cùng ra ngày 30/5/1928.
Bên cạnh đó, cũng có những nhà văn Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn học Nga, từ đó mô phỏng, sáng tác thành tác phẩm văn học của bản thân. Có thể kể đến Hồ Biểu Chánh với tác phẩm “Người thất chí” phóng tác “Tội ác và hình phạt” của Fyodor Dostoevsky hay Vũ Bằng viết tác phẩm “Em ơi đừng tuyệt vọng” phóng tác “Đêm trắng” cũng của Fyodor Dostoevsky… Ngoài ra cũng phải kể đến tư tưởng văn nghệ Marxist của Nga đã ảnh hưởng rõ rệt thông qua các bài viết của Hải Triều và nhóm chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh” trong thập niên 30 của thế kỷ XX.
Văn học Nga được giới thiệu cả ở miền Bắc và miền Nam trong giai đoạn 1945 – 1975
Sau năm 1945, có thể nói là thời hoàng kim của văn học Nga ở Việt Nam. Do tình hình chính trị, xã hội cũng như sự giao lưu văn hóa, giáo dục, văn học Nga nhanh chóng trở thành dòng chủ lưu trong những nền văn học nước ngoài được dịch ở Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Hiệp định hợp tác văn hóa Xô – Việt được kí kết vào năm 1957. Trước đó trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954, văn học Nga đã được chú ý dịch nhiều ở Việt Nam, trong đó phải kể đến hiện tượng bài thơ “Đợi anh về” của Konstantin Simonov được Tố Hữu dịch qua bản tiếng Pháp vào khoảng năm 1949 và nhanh chóng trở thành bài thơ yêu thích của nhiều độc giả.
Gọi giai đoạn này là thời kỳ hoàng kim của văn học Nga ở Việt Nam bởi lẽ bên cạnh sự gần gũi về hệ tư tưởng và tương đồng về thể chế chính trị, việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo, đã hình thành một lớp dịch giả xuất sắc và những nhà Nga học có tên tuổi. Đó là Đoàn Tử Huyến, Thúy Toàn, Thái Bá Tân, Nguyễn Đăng Bảy, Phạm Vĩnh Cư, Vũ Thế Khôi, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Hải Hà, Phan Hồng Giang, Đào Tuấn Ảnh, Ngân Xuyên… Việc tiếng Nga được giảng dạy rộng khắp trong môi trường phổ thông và đại học ở miền Bắc cũng tạo một môi trường rộng lớn và điều kiện để hình thành nhiều thế hệ yêu văn học Nga. Mặt khác, phải kể đến tình yêu văn học Nga của rất nhiều độc giả. Đó là thứ tình yêu tự nguyện, xuất phát từ niềm tin và lý tưởng về một nước Nga đẹp đẽ, là bạn của Việt Nam. Vì vậy, hầu hết những tác phẩm kinh điển của văn học Nga với những tên tuổi như Aleksandr Pushkin, Mikhail Lermontov, Ivan Turgenev, Lev Tolstoy, Fyodor Dostoievsky, Nicolay Gogol, Anton Chekhov, Marxim Gorky, Sergey Yesenin, Ivan Bunin… đã được dịch và thời hoàng kim này kéo dài đến tận những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.
Văn học Nga thời Xô Viết và dòng văn học viết về chiến tranh cũng đặc biệt được chú trọng dịch ở Việt Nam. Sự hy sinh, tinh thần cao cả chiến đấu vì tổ quốc, lòng nhân ái, tình yêu thương con người trong những tác phẩm của văn học Nga Xô Viết đã khiến cho độc giả Việt Nam tâm đắc và nhiều tác phẩm đã trở thành sách gối đầu giường của nhiều thế hệ, trong đó phải nói đến tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Nicolay Ostrovsky và các tác giả như Vladimir Mayakovsky, Mikhail Solokhov, Yuri Bondarev, Boris Polevoy…
Không chỉ thu hút độc giả Việt Nam bởi tính chất sử thi và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, văn học Nga còn được lòng công chúng Việt bởi những tác phẩm mang sắc thái lãng mạn, trữ tình, trong trẻo với những nhà văn, nhà thơ như Konstantin Paustovsky, Olga Berggolts, Anna Akhmatova… Đặc biệt, văn học thiếu nhi Nga được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam với những tác phẩm đi vào ký ức đẹp một thời của công chúng như “Cánh buồm đỏ thắm” của Aleksei Grin, “Timur và đồng đội” và “Số phận chú bé đánh trống” của Arkady Gaidar, “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kỳ của Buratino” của Aleksei Tolstoy…
Cũng trong giai đoạn 1945 – 1975, ở phía miền Nam, văn học Nga vẫn được dịch và giới thiệu tuy không nhiều. Điều này cho thấy các độc giả miền Nam thời đó vẫn có sự quan tâm đến văn học Nga. Những dịch giả như Nguyễn Hiến Lê, Tràng Thiên (tức là nhà văn Võ Phiến), Thạch Chương, Vũ Đình Lưu, Đỗ Khánh Hoan… đã dịch nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Nga thường thông qua một ngôn ngữ thứ hai như tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Một so sánh cho thấy trước năm 1975, tại miền Nam đã dịch tác phẩm của cả bốn nhà văn Nga đoạt giải Nobel Văn học là Ivan Bunin (1933), Boris Pasternak (1958), Mikhail Sholokhov (1965) và Aleksandr Solzhenitsyn (1970), trong khi cũng ở giai đoạn này miền Bắc Việt Nam chỉ dịch tác phẩm của Mikhail Sholokhov. Có lẽ công chúng có nhu cầu đọc văn học Nga để hiểu thêm về một đất nước bị xem là “bên kia bức màn sắt” và như một món ăn tinh thần lạ.
Văn học Nga từ sau 1975 ở Việt Nam: bức tranh nhiều màu sắc
Sau 1975, việc dịch văn học Nga ở Việt Nam tiếp tục được nối dài với một loạt tác phẩm, đặc biệt là sau thời kỳ cải tổ (perestroika) của Nga và cái mốc đổi mới năm 1986 của Việt Nam. Một loạt những tác phẩm từng bị cấm xuất bản ở Nga đã được nhanh chóng dịch sang tiếng Việt, chẳng hạn như “Bác sĩ Zhivago” của Boris Pasternak, “Những đứa con phố Arbat” của Anatoli Rybakov, “Nghệ nhân và Margarita” của Mikhail Bulgakov và những truyện ngắn của Ivan Bunin… Công chúng háo hức đón nhận những tác phẩm này từ sự mới mẻ, cũng như những điều cấm kỵ ngày trước. Lúc này văn học Nga vẫn là dòng chủ lưu của những nền văn học nước ngoài được giới thiệu ở Việt Nam.
Sau thời kỳ hậu Xô Viết, còn lại Liên bang Nga và từ đó mối quan tâm đến văn học Nga sút giảm vì nhiều lẽ: Tiếng Nga không còn là ngoại ngữ chính và được dạy nhiều như trước, sự giao lưu văn hóa, giáo dục cũng không còn nhiều. Những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng của văn học Nga hầu như đã được dịch ở Việt Nam, nhưng văn học đương đại Nga thì ít người quan tâm. Tình trạng này kéo dài từ thập niên 90 của thế kỷ XX sang đến những năm đầu thế kỷ XXI. Nhưng sự trầm lắng này đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn. Năm 2012 Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga ra đời, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó đến nay, nhiều tác phẩm đương đại của văn học Nga được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Ngoài thế hệ dịch giả cao niên, hiện nay có thêm một đội ngũ các dịch giả trẻ và sung sức hơn như Trần Thị Phương Phương, Phan Xuân Loan, Thiên Lương, Lê Hải Đoàn…
Văn học Nga trong nhiều thế kỷ qua luôn là một nền văn học lớn. Do những đặc thù về tình hình chính trị, xã hội, công chúng Việt Nam đã được biết đến văn học Nga từ rất sớm. Cho đến ngày nay, dẫu qua nhiều thăng trầm của lịch sử, văn học Nga vẫn ghi dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả Việt Nam với những tác phẩm kinh điển liên tục được tái bản và những tác phẩm mới được dịch của thời đương đại.
H.T.V/ Báo Dân Việt