- Góc nhìn văn học
- Hình ảnh anh bộ đội trong thơ ca cách mạng Việt Nam
Hình ảnh anh bộ đội trong thơ ca cách mạng Việt Nam
Dương Xuân Hồng
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Trường Sơn và Hoàng Sa – Trường Sa là biên giới của Việt Nam, nơi đây có đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và đường mòn Hồ Chí Minh trên biển với những tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ca hiện đại Việt Nam viết nhiều và để lại nhiều ấn tượng trong người đọc về 2 nơi này.
Riêng với thơ, có thể nói Trường Sơn là nét độc đáo và nổi bật của văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những nhà thơ ra đời trong bão táp. Trường Sơn đã đẻ ra cho đất nước nhiều nhà thơ.
* Nói về thơ Trường Sơn là nói về những người lính trẻ ra trận với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Thanh Thảo với bài thơ Ống coóng: “Bài ca của chúng tôi/ Là bài ca ống coóng/ Hành trang quân giải phóng/ Đơn giản nhất trên đời”. Cái ống coóng của bộ đội – một cái ống bơ (vỏ đồ hộp) để đun nấu. Lính ta đi đâu cũng mang nó theo để hễ gặp bất cứ thứ gì ăn được là bỏ vào, đun lên thành cái ăn, như món “Thắng cố”, hỗ lốn đủ thứ…
Viết nhiều, viết hay về Trường Sơn là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trường Sơn trong thơ ông vừa có sự gian khổ, ác liệt, có “quầng lửa” nhưng có sự hào hùng, lạc quan, có “vầng trăng”: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”.
“Đỉnh Trường Sơn như nóc nhà. Một cơn mưa to cũng có thể biến những thung lũng dưới chân núi thành những túi nước khổng lồ, gây kinh hoàng cho chiến sĩ Trường Sơn”:
Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Đêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
(Phạm Tiến Duật – Gửi em cô thanh niên xung phong).
Hai phút trên đầu một lượt máy bay
Lá ngụy trang như còn bốc khói
Và bão đất này như lưng người giơ ra không biết mỏi
Đen sạm khói bom, nham nhở vết thương
(Nghe hò đêm bốc vác)
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh.
(Vòng trắng)
Gian khổ, hy sinh mất mát cũng không làm chùn bước chân của người lính. Họ ra trận với một khí thế, một niềm lạc quan:
Cùng mắc võng trên trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
Rồi:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Tiểu đội xe không kính)
Cùng với Phạm Tiến Duật là hàng loạt các nhà thơ khác viết nhiều, viết hay về Trường Sơn. Bài Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi; Đêm Trường Sơn nhớ Bác – thơ Nguyễn Trung Thu; Bài ca Trường Sơn – thơ Gia Dũng. Trong đó, Bài ca Trường Sơn với những câu thơ đầy lãng mãn: “Trường Sơn ơi/ Nơi mà ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi”.
Có thể nói, đề tài Trường Sơn đã có sức sống thật lâu bền trong lòng bạn đọc. “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” hay “Trường Sơn đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. (Tố Hữu)
Trường Sơn với hơn 17.600km đường dài, 2.000km đường giao liên, đi qua 3 nước Việt Nam – Lào – Cam pu chia. Trên đất nước ta có hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ. Riêng Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10.300 liệt sĩ. Máu đào của các anh đã tô thắm màu cờ của Tổ quốc Việt Nam. Bài thơ của Lê Bá Dương được xem như bài thơ “Thần” của tác giả tạc bên dòng sông Thạch Hãn:
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ bài mãi ngàn năm
* Cùng với Trường Sơn hùng vĩ là biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa khoảng 30 đảo, rạn san hô, cồn cát, bãi ngầm. Diện tích 780km2. Quần đảo Trường Sa là tập hợp các thực thể địa lý được bao quanh bởi những vùng ngư nghiệp trù phú đồng thời sở hữu trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn thuộc Biển Đông. Chu vi: 926km2.
Thơ ca Việt nam hiện đại lại một lần nữa thể hiện ở con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển cũng hùng vĩ, hào hùng không kém Trường Sơn.
Đất nước tôi ba nghìn cây số biển
Nhấp nhô ba nghìn đảo nhỏ, đảo to
Cỏ ở đây ánh màu san hô đỏ
Biển chỉ xanh ở chỗ xa bờ.
Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển
Chữ S bao đời hình chiếc mỏ neo
Neo lịch sử qua thăng trầm biển động
Giữ khơi xa vẫn thong thả nhịp chèo
Biển đất nước hơn ba nghìn cây số
Nguyễn Du viết Kiều từ “Cửa bể chiều hôm”
Con thuyền Tổ quốc ta căng buồm qua bão tố
Từ hoa văn cuộn sóng trống đồng.
Nghệ An có ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, cũng có rất nhiều bài thơ, bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa:
Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc
Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa
Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão
Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà (Tổ quốc)
Nếu Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn thì Trần Đăng Khoa có thể được xem là nhà thơ của Hoàng Sa, Trường Sa, bởi ông viết nhiều và viết hay.
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên.
Biển ồn ào anh lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên.
(Thơ tình người lính biển)
Viết về cuộc sống của những người lính biển gian khổ, thiếu nước, người lính phải cắt tóc cạo đầu như sư:
Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thức lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh
Hóa ra là sư cụ hát tình ca.
(Lính đảo hát tình ca trên biển)
Thiếu nước sinh hoạt, người lính phải chắt chiu nước tắm để trồng rau, trồng cây. Thế nhưng, họ vẫn lạc quan:
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm
Đang đập nhịp tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi.
(Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn)
Gian khổ, thiếu thốn về vật chất nhưng tinh thần của người lính vẫn ung dung, lạc quan:
Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn là nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như đảo đá cất thành lời.
(Lính đảo hát tình ca trên biển)
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến với bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Trường Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa.
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn.
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Tổ quốc ta có dòng sông máu Thạch Hãn, có sóng biển máu Gạc Ma. Những dòng máu sông, biển ấy là những cột mốc khẳng định chủ quyền, khẳng định sức mạnh Việt Nam. Các nhà giàn, các đảo, quần đảo của Trường Sa, Hoàng Sa đang được những người lính cụ Hồ canh giữ bình yên. Trường Sa đã tràn đầy sức sống mới, có dân, có cây xanh, ánh điện.
Nhưng Trường Sa vẫn còn nhiều gian khổ, chỉ mới đây thôi, ngày 19/12/2021, cơn bão Rai (Bão số 9) đã quét qua Trường Sa. Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảo Song Tử Tây đã có gần 90% cây cối bị ngã, bị gãy, bật gốc, hư 500m2 ngói, hỏng 15 tấm pin năng lượng mặt trời, 400m2 vườn bị tốc mái và sập.
Thương nhớ Trường Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa, ta càng tự hào về người lính cụ Hồ. “Kính chào anh con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn anh chành trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ XX”.
D.X.H