- Chân dung & Phỏng vấn
- Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà văn của tâm tình xứ Huế
Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà văn của tâm tình xứ Huế
Tập sách cuối cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường mang tên "Lời tạ từ gửi một dòng sông", nói về tình cảm ông dành cho thiên nhiên, con người Huế.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ngày 24/7, ở tuổi 86, sau nhiều năm đau yếu do tai biến, bị liệt nửa người. Hoàng Dạ Thư - con gái cả nhà văn - cho biết trước tháng 3, khi vẫn còn minh mẫn, ông vẫn dặn dò tâm nguyện được trở về an nghỉ ở Huế.
Tro cốt nhà văn và vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - người mất hôm 6/7 - sẽ được đưa từ TP HCM về Huế ngày 30/7. Ông bà được chôn cất tại Nghĩa trang phía Bắc thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế - khu vực cách sông Hương khoảng 2 km, gần đồi Vọng Cảnh.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn với xứ Huế gần trọn một đời. Ông sinh ra ở mảnh đất cố đô, từng học Đại học Văn khoa Huế rồi dạy ở trường Quốc học bốn năm. Sau khi về hưu, vợ chồng ông sống ở đây, thường xuyên sinh hoạt với giới văn nghệ sĩ địa phương. Sinh thời, bộ ba Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh thường ngồi tán gẫu quanh chợ Bến Ngự, tự đặt cho nhau cái tên "Chi hội Nhà văn Bến Ngự".
Khi còn sống, nhà thơ Ngô Minh từng kể dịp trước Tết năm 2011, Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ ngậm ngùi chia tay anh em văn nghệ sĩ Huế để vào TP HCM ăn Tết với con cháu. Trước khi đi, ông nắm tay Ngô Minh rồi nói: "Vào ăn Tết Nhâm Thìn với con cháu xong là ra Huế liền. Mình mà xa Huế lâu không chịu được mô".
Nhưng sau đó, vợ chồng ông ở lại với gia đình con gái, bởi hai người già vò võ không có ai chăm sóc, trong khi đều mang nhiều bệnh trong người. Năm 2015, ông nằng nặc đòi con cháu đưa về thăm Huế rồi đột ngột trở bệnh nặng, phải nằm viện cấp cứu một thời gian.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ví nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là kho tư liệu sống về Huế. "Ông thích tụ tập bạn bè, giao lưu. Ông nói chuyện duyên dáng, sâu sắc, giúp các bạn văn mở mang, có thêm nhiều thông tin về văn hóa, lịch sử, con người nơi đây", ông Nguyên nhớ lại.
Nhiều năm gắn bó với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhớ ông lịch lãm, ăn nói sâu sắc, giàu tính triết học nên được nhiều đàn em nể trọng. Nhà thơ Võ Quê - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế - nói: "Tôi luôn xem ông là người anh lớn, kính trọng tài năng và đức hạnh của nhà văn. Anh cũng là người đào tạo ra nhiều thế hệ học trò giỏi, yêu quê hương đất nước".
Huế là nguồn cảm hứng vô tận trong văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Dù ông không nêu cụ thể địa danh, người đọc vẫn mường tượng ra hình ảnh sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ, những người mệ hiền từ qua từng câu chữ. Suốt sự nghiệp, ông không viết truyện, chỉ trung thành với bút ký. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: "Bút ký của ông chứa đựng vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, lịch sử, tình yêu thiên nhiên, con người đất Thần Kinh. Văn chương ông hòa quyện giữa chất học thuật, chất thơ và chất Huế".
Ông Nguyên còn nể trọng tinh thần làm việc bền bỉ của nhà văn. Sau khi bị tai biến năm 1989, Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn liền với xe lăn nhưng giữ tinh thần minh mẫn và tình yêu với văn chương. Những năm đầu, ông vẫn tự viết sách, sau khi yếu thì đọc cho con cái chép lại. Nhà văn dừng sáng tác khoảng 10 năm nay, sau khi sức khỏe suy kiệt. Trong hơn 20 tập sách ông từng xuất bản, 16 cuốn được ông viết sau bạo bệnh.
Cuốn gần nhất ông ra mắt là Lời tạ từ gửi một dòng sông, ra mắt năm 2016. Sách gồm những bài ký về Tết Huế, trường Quốc học, sông Hương, là nỗi niềm của một người con luôn hướng về xứ Huế. Trong lời đề từ, nhà văn viết: "Cuốn sách nhỏ này có thể xem là lời tạ từ của tác giả gửi một dòng sông và dòng chảy của nó xuyên qua mọi bờ bến. Quả là tập bút ký này có hay có dở nhưng cuối cùng là tâm huyết của tôi gửi lại cho bạn đọc".
Nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc nhóm viết bút ký hay nhất trong nước, sau thế hệ của Nguyễn Tuân. Theo anh, các tác phẩm nổi trội của ông đều thể hiện kiến văn sâu rộng về lịch sử, triết học, địa lý từ Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (1984) đến Trong mắt tôi (2001), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (2005). "Đọc tác phẩm của ông, ta cảm nhận giọng văn uyên bác, giàu hình ảnh. Với tôi, văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường trường tồn với lịch sử, thời gian", Lê Minh Quốc nói.
Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường là Ai đã đặt tên cho dòng sông, được giảng dạy trong chương trình phổ thông và từng đi vào đề thi tốt nghiệp. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương chính là Huế. Dòng sông "vừa là một cảnh quan thiên nhiên, vừa là một thành phần của văn hóa phi vật thể của cố đô Huế" và là "tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở".
Trong bài ký, ông gói gọn một đời sáng tác và tình yêu của mình: "Như một người đã chiêm nghiệm trong im lặng và trong sương khói chỉ để giữ lại những nét đẹp sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một đời cầm bút, tôi không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẽ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô".
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, quê gốc ở Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông dạy ở trường chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966. Nhà văn tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên. Những năm 1990, khi mới tách tỉnh Bình Trị Thiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường về công tác tại Quảng Trị, làm tổng biên tập tạp chí Cửa Việt của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, ông có công đưa Cửa Việt từ tờ tạp chí của địa phương trở thành ấn phẩm văn chương nghệ thuật lừng lẫy một thời. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hà Thu - Võ Thạnh/VNXPRESS