TIN TỨC

Học văn thời công nghệ số

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-03-16 08:48:58
mail facebook google pos stwis
601 lượt xem

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Từ buổi giao lưu về đề tài “Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn”, tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi rất thú vị, trong đó có ba ý kiến đáng suy nghĩ nhất.

Sau bài tường thuật “Tại sao môn văn dưới góc nhìn xã hội lại bị giảm sút uy tín?” của Hà Ánh trên báo Thanh Niên, độc giả Vietroad nhận định một cách nghiêm khắc: “Môn văn là môn bắt buộc ở phổ thông, số tiết học tương đương với môn toán, vậy mà ra trường rất nhiều trường hợp viết sai chính tả, thậm chí cả người làm trong lĩnh vực văn hóa. Điều này khó có thể chấp nhận. Hãy thay đổi cách dạy. Hãy dạy tiếng Việt thay cho dạy văn. Thay vì bắt học sinh ngồi bình luận, miêu tả, cảm nhận tác phẩm văn học, thì nên ngồi rèn từ ngữ, ngữ pháp cho thành thạo. Tìm hiểu Truyện Kiều làm gì khi mà bản thân viết một câu không ra hồn”.
 


GS.TS Huỳnh Như Phương

Quả thật gần đây có nhiều ý kiến phàn nàn về tình trạng dạy văn quá tải hiện nay, từ đó đề nghị không nên sa vào chương trình văn học nặng nề mà chỉ nên tập trung dạy tiếng Việt thật tốt để học sinh ra trường nói và viết đúng ngữ pháp. Thật đáng buồn khi một số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông rồi mà vẫn không viết chuẩn một cái đơn xin việc. Quả là nghịch lý khi chưa bao giờ sách giáo khoa cung cấp nhiều kiến thức ngôn ngữ học hiện đại, sâu sắc như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ học sinh viết sai chính tả và ngữ pháp nhiều như bây giờ. Chúng tôi thật khổ tâm khi chấm bài tuyển sinh ngành văn, phải chấp nhận những bài thi có ý tưởng tốt nhưng diễn đạt rối rắm, mơ hồ. Lẽ ra nhà trường phổ thông phải giải quyết yêu cầu về kỹ năng viết lách, trình bày cho học sinh trước khi họ bước chân vào đại học. Theo thông tin của GS Trần Hữu Dũng, một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho biết yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến thành công trong bất cứ ngành nghề nào là khả năng viết báo cáo, phát biểu, thuyết trình cho rõ ràng, mạch lạc – điều có thể trang bị từ việc học ngôn ngữ và văn nghị luận – chứ không phải kiến thức chuyên môn về toán học, hóa học hay địa chất.

Hồi tôi học cấp hai, thầy giáo khuyên nên mua một cuốn từ điển tiếng Việt và cuốn sách giúp ích nhiều cho tôi là Việt Nam tân từ điển minh họa của Thanh Nghị. Ở tiểu học, thầy giáo cũng chỉ bày một lần quy luật viết chính tả các từ láy theo câu ghi nhớ “Huyền Ngã Nặng – Sắc Không Hỏi” là mình có thể áp dụng mà không sợ viết sai, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ. Hiện nay, học sinh sinh viên sẵn sàng mua từ điển tiếng Anh hơn là từ điển tiếng Việt, hình như họ cho rằng người bản ngữ thì không lo viết sai tiếng Việt, chỉ lo sai tiếng Anh. Nhưng ở thời đại công nghệ số, dùng tự điển online cũng rất tiện dụng. Khi soạn thảo văn bản, người học có thể cài phần mềm sửa lỗi tiếng Việt để kịp thời chỉnh sửa. Điều quan trọng là chúng ta có tra cứu cẩn trọng như một thói quen thường xuyên hay không.

Tuy nhiên, ý kiến cho rằng chỉ cần coi trọng dạy tiếng Việt mà không đặt nặng việc dạy văn học cũng khó thuyết phục vì văn học là nghệ thuật ngôn từ, giữa học văn và học tiếng có mối quan hệ hỗ tương không thể tách rời. Người học sinh giỏi tiếng Việt sẽ am hiểu sâu sắc tác phẩm văn học, ngược lại người cảm thụ văn chương tinh tế sẽ viết tiếng Việt hay. Hơn nữa, có tư duy và quan niệm sáng rõ thì mới diễn đạt được mạch lạc, khúc chiết.

Phản hồi về bài tường thuật “Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là dạy người” của Trần Mặc trên báo Tuổi Trẻ, độc giả Van Do phản biện thẳng thắn: “Dạy người là khái niệm mơ hồ, chưa có định nghĩa. Tạm hiểu là dạy nhân cách. Môn nào cũng góp phần dạy người, nhưng môn văn có ưu thế. Dẫu như vậy thì dạy văn vẫn là dạy “văn” cũng như dạy toán phải là dạy nội dung toán học”.

Ý kiến trên đây giúp tôi suy nghĩ kỹ hơn về đặc trưng của môn văn ở trường phổ thông để phân biệt với các môn học khác. Quả thật không phải chỉ môn văn mới góp phần đào tạo một con người toàn diện. Người thầy giáo dạy khoa học tự nhiên cũng góp phần dạy cho con người hiểu biết về thế giới, có kiến thức và tầm nhìn sâu rộng. Người thầy giáo dạy toán, bằng cung cách và phong thái dạy học, bằng việc đề cao sự chính xác, cũng dạy cho học trò có tư duy logic và nhân cách thẳng thắn, trung thực.

Tuy nhiên, môn văn (ở trường phổ thông) “có ưu thế” vì mục đích cuối cùng không phải là dạy người học hiểu biết kiến thức văn học, để thuộc làu lịch sử văn học hay các mệnh đề lý luận như thuộc các định luật vật lý hay định lý toán học. Môn văn ở trường phổ thông gánh sứ mạng bồi dưỡng cho học sinh tình thương yêu, lòng trắc ẩn, sự ăn năn, niềm rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, sự nhạy cảm với nỗi cô đơn cùng với lòng khát khao được giao cảm và hòa hợp. Điều đó không phải là nhiệm vụ “chủ yếu” của các môn học khác. Các môn toán học, vật lý, hóa học, sinh học dạy ta kiến thức nền tảng để ta áp dụng khi học làm thợ máy, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ… Còn môn văn học “chủ yếu” không chuẩn bị để ta làm văn sĩ. Dạy học trò kiến thức về điện để họ có thể giúp gia đình mắc cái bóng đèn; còn dạy học trò cách miêu tả con mèo hay cây thông không phải để họ viết được truyện ngắn hay tùy bút về các đề tài ấy, mà để họ luyện óc quan sát và trau dồi tình yêu với loài vật cũng như ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Người ta không phê phán cách giải những bài toán mẫu mà phê phán cách dạy văn mẫu, vì văn mẫu góp phần thủ tiêu việc “dạy người” như là những cá nhân độc đáo, có cảm nhận và suy nghĩ riêng về cuộc đời. Cũng chính từ đây mới thấy công nghệ giáo dục có thể thành công trong việc dạy các môn tự nhiên, cả các môn khoa học xã hội như lịch sử, địa lý nhưng chắc không có “ưu thế” trong việc dạy văn chương, nghệ thuật.

Nhưng nói như vậy phải chăng là môn văn (ở trường phổ thông) đứng ngoài, thậm chí dửng dưng với sự tiến bộ của công nghệ số và chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ hay quay lại thời của những thầy đồ dạy văn trước đây.

Không. Công nghệ số giúp cho việc học văn rất nhiều thuận lợi nếu ta biết khai thác thế mạnh của nó. Nhờ Internet, chưa bao giờ học sinh có thể tham khảo nhiều tài liệu văn học phong phú như hiện nay. Google có thể trả lời những thắc mắc về kiến thức văn học một cách nhanh chóng. Nếu phòng học được trang bị hiện đại, bằng những thao tác chính xác, trong khi dạy trích đoạn tiểu thuyết Những người khốn khổ của V. Hugo, giáo viên có thể dẫn đường link chiếu lên màn ảnh cho học sinh xem một đoạn phim dựng từ tác phẩm ấy để minh họa cho bài học. Trong khi dạy trích đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du, giáo viên có thể vào mạng YouTube mở cho học sinh nghe một bài Kiều ca của Phạm Duy để tăng thêm cảm xúc về bài học. Khó khăn hiện nay là do những quy định quá chặt chẽ về giờ giấc, quy trình giảng dạy, khiến người giáo viên bó tay, không được phép “sáng tạo” thêm được gì ngoài sách giáo khoa và giáo án đã được phê duyệt.

Thời công nghệ số tạo điều kiện cho người học tiếp cận với kho tàng văn học nghệ thuật phong phú từ cổ điển đến hiện đại và hậu hiện đại. Trong bài viết Cho tôi lại nhà trường trên trang vanvn.vn, nhà giáo Lê Thị Thanh Vy góp ý rất xác đáng: “Với thời chiến hay sau đó với thế hệ 7x, 8x, sách vở rất thiếu thốn nên sách giáo khoa còn là một nguồn không gian tinh thần quan trọng bậc nhất, và những câu chuyện trong sách giáo khoa đóng những vai trò chính yếu trong hành trình “khai tâm” cho tuổi trẻ. Nhưng ngày nay, nếu giới trẻ được bao vây trong rất nhiều “câu chuyện”: phim ảnh đủ mọi nguồn và vô cùng dễ tiếp cận, truyện tranh, Facebook, TikTok, thậm chí các video tóm tắt phim nhan nhản… – thì nên tiếp cận những câu chuyện trong sách giáo khoa như thế nào để những tác phẩm này thực hiện sứ mạng khai tâm, chữa lành của mình”. Từ đây, một vấn đề đặt ra là chọn văn bản nào giảng dạy trong nhà trường cho phù hợp với thời đại và tâm lý lứa tuổi, để người học vừa không cắt đứt với quá khứ, vừa không xa lạ với hiện tại và tương lai. Đâu là những giá trị bền vững đã qua thử thách cần trao truyền trong sách giáo khoa để kết nối nhiều thế hệ mà không phải thay sách liên tục như hiện nay. Sách giáo khoa lưu giữ truyền thống ra sao và thu nhận tinh thần đương đại ở mức độ nào, đó là câu hỏi không đơn giản. Trong nhà trường trung học ở Pháp, chẳng hạn, có lẽ người ta chưa vội thay một tác phẩm kinh điển bằng tác phẩm của Annie Ernaux, người vừa được giải Nobel năm 2022.

Hiện nay, trên thế giới có ba quan điểm lý giải ảnh hưởng của công nghệ số đến cuộc sống con người: (1) Thuyết tất định luận công nghệ (Technological determinism) cho rằng công nghệ chắc chắn sẽ dẫn đến một thế giới lý tưởng (utopia) hoặc là một thảm họa (dystopia); (2) Thuyết kiến tạo xã hội đối với công nghệ (Social construction of technology) khẳng định con người làm chủ công nghệ vì con người tạo ra và uốn nắn công nghệ theo ý mình;(3) Thuyết định hình xã hội của công nghệ (Social shaping of technology) chứng minh con người và công nghệ liên tục tương tác và định hình lẫn nhau. Quan điểm thứ ba này đang được ủng hộ và chấp nhận rộng rãi nhất.

Văn học là con đường giao tiếp và hiệp thông giữa người và người. Công nghệ số giúp cho sự kết nối và tương tác giữa văn học và cuộc đời thêm sâu sắc. Nhưng đôi khi sự giao lưu trong thế giới ảo lại khiến con người trở nên hờ hững với những giao tiếp trong đời thật. Văn học là tiếng nói của cá nhân đến với cá nhân. Công nghệ số vừa cung cấp phương tiện thuận lợi để cá nhân hóa giáo dục, lại vừa có thể giản lược bản sắc của cá nhân qua những dữ liệu được số hóa. Vấn đề là con người và công nghệ luôn quan hệ hỗ tương với nhau chứ không phải công nghệ hoàn toàn điều khiển con người.

Như vậy, ta không lo công nghệ số sẽ bào mòn cảm xúc của con người; ta chỉ nên lo con người không biết khai thác thế mạnh của công nghệ số để làm giàu cho kiến văn, suy tưởng và cảm xúc của chính mình.

Nguồn: Tạp chí Thế Giới Số 2023

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm
Quyển sách là chữ nghĩa...
Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa của một quyển sách phải kết hợp vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim.
Xem thêm
Nhà thơ Từ Quốc Hoài để lại “Khu vườn kí ức”
Từ Quốc Hoài, đến với thơ ca khá sớm. Ông là nhà thơ cùng thời với những tên tuổi quen thuộc: Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… cũng từng vào chiến trường khói lửa. Nhưng với con đường thơ ca, ông bước chậm, thận trọng, dè dặt. Cho tới tuổi hơn 80 ông chỉ cho ra mắt độc giả sáu tập thơ. Tập thơ thứ 5, “Sóng và khoảng lặng” (2010) đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Kỹ tính, khó tính (trong thơ và có lẽ cả trong cuộc sống), trăn trở, tìm tòi nên thơ Từ Quốc Hoài không lẫn, tự do, phóng khoáng, lần dò khám phá chiều sâu nội tâm.
Xem thêm
Im lặng- ngôn ngữ đặc biệt của văn chương
Nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2023 – Jon Fosse vừa có một buổi gặp gỡ và đọc diễn từ của mình tại Oslo
Xem thêm
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Bài đăng báo Văn nghệ của nhà văn Bích Ngân; Thơ và ảnh của nhà thơ Nguyên Hùng...
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Đình Thi: “Một chút trắng hồng dào dạt vàng”
Bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhân 99 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi ,20/12/1924-20/12/2023
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết rất bổ ích của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách” – Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
“Dạy con từ thuở còn thơ”; “Uốn cây phải uốn khi non”… là những điều ai cũng biết, nhưng đã có những thời đoạn do bận rộn mưu sinh và vô số sự xô đẩy, lôi kéo khác nữa, nên rất nhiều người và gia đình đã quên hoặc sao nhãng bài học giản dị và chí lý đã có tự cổ xưa. Có phải những biểu hiện tha hóa trong xã hội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ đó? Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động đầu năm 2022 là một hoạt động thiết thực của văn giới nhằm góp phần chấn hưng đạo đức xã hội nói chung và góp phần bồi đắp tâm hồn cho lớp trẻ nói riêng.
Xem thêm
Làm mới cải lương – con dao hai lưỡi
Gần đây, cải lương được đưa lên mạng với một số hình thức mới: kết hợp rap, trang phục ma mị… Nhiều người cho rằng cải lương cần phải được “làm mới” để phù hợp với thời đại, với lớp trẻ. Nhưng làm mới cách nào để không bị mất chất, để người xem vẫn còn “nhìn ra” cải lương là câu hỏi không dễ giải đáp.
Xem thêm
“Vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng làm gì khi cuốn sách về gái điếm bị đá vào xó tường?
Nguyễn Vỹ lặng lẽ đưa mũi giày đá luôn quyển “Lục Xì” vào trong xó tường. Quyển sách vừa xuất bản, hãy còn mới tinh, nằm xơ xác bên chân tủ.
Xem thêm
Văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh văn học dân gian Nam Bộ từ 1945 đến nay
Công tác sưu tầm và in ấn các tuyển tập văn học dân gian Việt Nam nói chung đã được các nhà Nho thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII với các sưu tập bằng chữ Nôm, chữ Hán. Sang đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với sự phổ biến của chữ quốc ngữ thì các sưu tập văn học dân gian được phát hành phổ biến nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong giai đoạn này phần lớn vẫn là các sưu tập miền Bắc hay ở một số tỉnh thành miền Trung, ở Nam Bộ việc sưu tầm và phổ biến văn học dân gian dưới dạng các tuyển tập in ấn vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức, do vậy không gian nghiên cứu văn học dân gian vùng miền cũng đồng thời bị bỏ ngỏ.
Xem thêm
Nhà thơ thì chơi với ai?
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm