TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • “Khảo nghiệm thẩm mỹ”: Chất trữ tình, nét chấm phá nữ quyền, tính tinh tế bẩm sinh qua ba bài “tình thi” của nữ sĩ Trần Mai Hường

“Khảo nghiệm thẩm mỹ”: Chất trữ tình, nét chấm phá nữ quyền, tính tinh tế bẩm sinh qua ba bài “tình thi” của nữ sĩ Trần Mai Hường

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-11-27 21:31:09
mail facebook google pos stwis
186 lượt xem

TUẤN TRẦN

Trần Mai Hường dùng ngày rộng tháng dài chỉ để yêu và được yêu. Tiếng thơ đó nâng đỡ cho đời và người nên đẹp và nhã, say đắm và lặng lẽ… dạt dào và đong đầy mật hoa. Thơ chị ở lại thời thiếu nữ đầy mộng mơ mà tràn dư những trận mưa tình ngọt ngào, êm say, có lúc cuồng quyến, dâng động.

Điều đặc biệt ở đây là cách tinh tế thắt bện “sợi tình tơ nghĩa” để luôn đứng giữa lằn ranh hiện đại và hậu hiện đại. Không nghiêng về phía nào. Không khí đương đại và tinh thần nữ tính trữ tình luôn đằm thắm, mượt mà, nhuốm đọng mà vuốt dịu cho những dòng thơ trở nên thơ mà cũng rất con người/ thật đàn bà… Tôi nhìn và nhận thơ chị, thật hay ở mảng viết cho anh, cho em và cho tình đời, tình người.


Nhà thơ Trần Mai Hường

Dùng anh để nghiệm đời, để chiêm ngắm thế thái nhân tình. Trần Mai Hường luôn ý thức sâu sắc về vai trò “thiếu phụ”. Luôn có cái cân nhắc, khiêm nhường và cái bản chất “hậu phương” của người nữ theo kịch nghệ Á Đông. Dẫu đang thời điểm em như “ngọc biếc”, “bừng men” và hiểu thấu lòng đời cũng như đã phơi trải tấm thân này, trái tim này: “Này anh này anh, này anh” cho bao cuộc lật trở tìm yêu ở đời.

Nghiệm riêng để thấu lòng chung, để hiểu về được mất/ thắng thua. Và em khi với anh sẽ “tự thua” bởi suy cho cùng thượng đế tạo ra em bằng sườn anh. Em là “đồ chơi” của anh nhưng cũng là một phần sự sống thiêng liêng trong anh… Suốt đời em đi tìm “nghiệm riêng” nhưng đồng quy vào anh mới ra lẽ chung- riêng.

Khi nói về anh, em và để nghiệm sinh và nghiệm mình giọng thơ Trần Mai Hường rất tế vi và “ngọa ngôn”. Mọi sự khiêm nhường đều có chủ đích, mọi lời nhẹ nhàng đều ẩn tàng sự “táo tợn”. Bọc trong cái nữ tính là “quyền lực” thần bí nơi trái tim em. Trái tim có thể “bắt anh” phải ngả nghiêng nhưng em không diễn đạt và phô bày hết cái tiềm tàng vạn năng trong tình em mà đằm dịu, mà ngọt nhạt mà nên hương vị của tình yêu và sự hi sinh, cùng lòng bao dung, độ tha lớn lao cho anh. Em là người phụ nữ của hôm nay đẹp như ru lòng anh vào cõi mộng.

 

Suốt đời tìm một nghiệm riêng

Em mang đánh cược những thiêng liêng mình

 

Này anh này anh này anh

Hãy lên ngọc biếc cho xanh âm thầm

 

Cho thôi chốt cửa, lặng câm

Tự thua em sẽ tự cầm cố em

 

Cho thôi hoá thạch. Bừng men

Cho mây quỳ gối bên thềm chung chiêng

 

Bao giờ tìm được nghiệm riêng

Em thôi xúc xắc với duyên phận mình...

                        (Nghiệm riêng)

"Chỉ cần anh thấu đủ/ em đã thừa bão giống" là cái mà chủ thể trữ tình đã "nghiệm": Sau một đời yêu về trên mái tóc, bờ môi, hương thơm bàn tay... em lục lại bao "mịn thơm" quá khứ "Tận sâu lặng thinh anh""sâu tận hững hờ em".

"Lặng thinh", "hững hờ" thuộc về miền "đất thiêng" của tình yêu. Nơi đó không còn những hờn hận, mãnh liệt của buổi ban đầu mà đi vào trầm mặc nhìn lại một thời tình đã từng lên ngôi. Nay đã qua mùa giông bão tình lắng lại nơi tận bể sâu mà không cần thể hiện ra nữa. Ta đã trở về với "quan ái" im vắng bọc vây trong một lý trí biết buông neo và tha thứ. Cảm tưởng về giai điệu "Tình ta như dòng sông/ đã qua mùa giông bão"... Thơ Trần Mai Hường khi viết về anh và em luôn có kết nối, kế thừa với nữ sĩ Xuân Quỳnh nhưng với giọng điệu giăng tỏa, cô nén, chất chứa và run ngân hơn.

Trần Mai Hường đã đưa không khí đương đại tràn ngập trong thơ. Cõi yêu của trời nay khác với thời xưa luôn dùng tấm liệm chứa chan phủ lên bao nhẹ nhàng lưu luyến. Luôn thấy "cá tính tình yêu mạnh mẽ", cái "nghiệm riêng", cái khác biệt, cái "di hài của trái tim" yêu mạnh mẽ và bền bỉ trong tấm lòng tha thiết, trong đẹp vô ngần. Ở đây ta thấy được cái "chừng mực", "vừa đủ" trong dung nhận quá khứ và tiếp nhận hiện tại của một giọng thơ luôn lý trí và không lẫn vào đâu được.

 

Tận sâu lặng thinh anh

những phiêu bồng ủ lửa

Sâu tận hững hờ em

mùa thương vừa ngậm sữa

 

Bao mịn thơm quá khứ

dệt muôn sắc cầu vồng

Chỉ cần anh thấu đủ

em đã thừa bão giông...

                (Với anh)

Chính vì cái "chừng mực" những khoảng "lưng chừng", cách đo lường ước lệ với tình anh, tình em, tình đất và người đó mà tiếng thơ chị chẳng bao giờ hết "thắc mắc", "mơ tưởng" luôn tự tạo ra không gian "tâm tưởng" đầy những hỏi han, "chừa" ra một lối, những khoảng trống quay cuồng chẳng cần phân định lối ra để em luôn được "trách móc", như cái cớ để "dan díu".

 

Xếp hàng trong điện thoại em

Là bao mê đắm ngọt mềm - ngày xưa...

 

Mình thiêu thân đã đủ vừa

Bao nguy nga cũ

Xin chừa lối thương

 

Dòng tin một thuở lừng hương

Lại toan tà nghịch

Lại dường như im

 

Lại - em - sấp - ngửa - nổi - chìm

Bơi trong sóng chữ biết tìm đâu phao...

 

Đừng anh

Đừng vỗ về nhau

Hạ huyền

Em đợi chân cầu

Được không?

                      (Xin chừa lối thương)

Rõ ràng không phải xếp hàng trong thư tình hay thơ tình mà là "điện thoại"_bối cảnh của hiện đại. Ta thấy hiện ra: ảnh, hình, tình, có ngôn ngữ của những tin nhắn yêu đương thấm đượm. Thậm chí cả những "video clip" ái và yêu nâng niu và vỗ về. Một câu thơ ngắn thi nhân đã phơi kịch bao thi vị của tình yêu. Gắn thiết với cuộc sống số hóa hôm nay, cách yêu của anh và em cũng được lưu đặt mã hóa trong biểu tượng của "vũ trụ": “điện thoại".

"Mình thiêu thân đã đủ vừa" là lời nhắc anh về "ái tình là rượu ngọt nhưng uống quá nhiều sẽ say độc"? Ý thơ mang tính "nhắn nhủ" mà lại "gợi cảm" và "khêu khích". Thật hay cho cách xếp đặt câu chữ, "ngụy ngôn" vô cùng cho cái khát khao "nửa chính, nửa tà". Em quá "đa sự" đưa anh vào "cùng cốc" của tình yêu cuồng ảo... lạc vào ánh mắt đó, cơn say theo suốt đời.

Sau tất cả em vẫn muốn "hư" chờ anh nơi "chân cầu" lúc "hạ huyền": "Hạ huyền" là "mật ngôn tình yêu". Là từ em chưng cất trong "cõi riêng" nơi mình để nói cho anh và chỉ mình anh hiểu mà thôi...Trong cõi "Hạ huyền" đó em lần theo hương tình cũ mà tìm thấy anh sau bao ngày "bơi trong sóng chữ"…

Phải nói rằng thơ Trần Mai Hường là "mật thư của tình yêu". Như giọt ngọc rơi trên phiến lá, pha hương những giọt mật đầy, như nơi giọt mắt rơi em khóc và cười rồi tâm sự bao lời được mất. Tình anh và em đã từng hóa đầm lầy mặn chát bởi bao giọt lệ cay đắng nhưng em không chịu để thành dòng sông chết. Luôn ý thức khuấy đảo, bao dung, thấu hiểu, nâng niu, quý dữ cho trong lại vô ngần. Lối lựa lọc và xếp đặt câu chữ gần như chính xác tuyệt đối, trải nghiệm thơ chị thực sự tôi say mê đến muốn lên cơn sốt giảng đọc cho khôn cùng thiên hạ những tấm lòng yêu khát khao giảo hảo.​

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm