- Truyện
- Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
PHẠM MINH MẪN
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc *. Hào khí dân tộc, hùng thiêng sông núi đã hội tụ cao nhất trong cuộc chiến chống Mỹ. Trong dòng sông áo xanh luôn sôi sục ấy như đang vang lên giọng thơ hào sảng Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, tiếng trống trận dồn dập của vua tôi nhà Trần, tiếng voi gầm ngựa hí của nghĩa quân Tây Sơn Nguyễn Huệ. Cánh trẻ chúng tôi đến từ mọi miền đất nước, rất nhiều thằng tài hoa đẹp trai lại chưa vướng bận chuyện gia đình, ra trận mà cứ phơi phới…
Chính uỷ Nguyễn Hào năm ấy đã bốn mươi sáu tuổi. Vào thời điểm tôi ghi lại câu chuyện này, độc giả hãy cộng cho ông thêm mười tám năm nữa. Ông đã nghỉ hưu, quân hàm trung tướng.
Còn tôi đang men ngược theo Dòng - suối - thời – gian đến ngã ba Cây Xoài, trước khi chia thành hai nhánh nhỏ chảy xiết, lòng suối bỗng yên ả rộng thênh, bờ phía nam đầy cát mịn. Nước suối trong vắt, đáy lộ toàn cuội trắng… Cây xoài già mọc một cách lạ lùng ở giữa bờ cát, quả nhỏ nhưng rất ngọt. Mùa xoài non, những bát canh chua nóng hổi chỉ nghĩ đến cũng làm vợi cơn sốt rét rừng. Ngã ba Cây Xoài từng hứng chịu những trái pháo mồ côi, bọn biệt kích thường lảng vảng vì nghi ta giấu quân chủ lực. Thân xoài bị một mảnh pháo lớn găm sâu, thời gian đã làm cho vỏ cây phủ gần kín nhưng vẫn còn lòi ra đầu mảnh gang sắc. Năm ấy tôi tròn mười chín tuổi, mắt sáng môi đỏ, má phính măng tơ, vào chiến trường một năm nhưng chưa bị sốt rẻt. Lúc đầu tôi làm lính trinh sát tiểu đoàn rồi trung đoàn, sau được điều về làm cần vụ kiêm “sỹ quan tuỳ dinh” bảo vệ ông.
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng vẹt mòn từng nốt nhạc *. Hào khí dân tộc, hùng thiêng sông núi đã hội tụ cao nhất trong cuộc chiến chống Mỹ. Trong dòng sông áo xanh luôn sôi sục ấy như đang vang lên giọng thơ hào sảng “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, tiếng trống trận dồn dập của vua tôi nhà Trần, tiếng voi gầm ngựa hí của nghĩa quân Tây Sơn Nguyễn Huệ. Cánh trẻ chúng tôi đến từ mọi miền của đất nước, rất nhiều thằng tài hoa đẹp trai lại chưa vướng bận chuyện gia đình, ra trận mà cứ phơi phới. Riêng lính trinh sát chỉ sàn sàn mười tám đôi mươi, chưa đứa nào có người yêu nên hễ nghe chuyện con gái là sán lại háo hức, đôi tai thính nhậy cứ vểnh lên như ăng- ten của chiếc máy bộ đàm…
Bấy giờ là đầu mùa khô năm 1973, mùa chuyển quân. Đêm Trường Sơn, dưới ánh đèn pin, lính công binh trên đường dây mặt mũi lem luốc, tay giơ cao những tấm biểu ngữ nhỏ thân thương chào chúng tôi: “Xe anh xuôi hướng Bến Giàng/ Cho tôi thăm hỏi xóm làng Khu Năm”. Chiến trường gần lắm rồi! Hơn một tháng hành quân, lúc đầu bằng ô tô, sau đi bộ dọc theo triền đông Trường Sơn, tiểu đoàn tân binh được tập kết tại khu rừng giáp ranh vùng giải phóng thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trước khi bổ sung cho các đơn vị chiến đấu, chúng tôi được chỉ huy cho biết sẽ có Chính uỷ sư đoàn đến gặp gỡ, huấn thị. Đối với lính mới, cuộc gặp mặt thật ấn tượng. Xen giữa những chàng tân binh trẻ trung, hồng hào nhưng ngờ nghệch là những cựu binh dạn dày từng trải chiến trận, môi thâm sì vì sốt rét. Những chiếc võng bạt, màn tuyn còn mới tinh của chúng tôi bỗng xa lạ với những chiếc võng ni lông, bọc võng làm bằng dù pháo sáng rất nhẹ và cơ động. Chiếc mũ cối cũng có vẻ lạc lõng so với vành mũ tai bèo. Lính mới tò mò nhìn những quả đạn phóng lựu vàng choé, những trái lựu đạn US mỏ vịt cài trên dây lưng của lính cựu mà ngạc nhiên và nể phục. Người Mỹ thực dụng đến mức kì lạ, vũ khí giết người mà họ chế tạo tinh xảo như đồ gia dụng, trông rất mĩ thuật. Chẳng bù cho những trái lựu đạn cán gỗ, vỏ gang xù xì nặng nề của chúng tôi… Khi Chính uỷ xuất hiện dưới chân dốc, bước từng bước chậm rãi nhưng dứt khoát, tất cả đều im lặng chờ đợi. Lên đến đỉnh dốc, ông dừng lại nghỉ và hơi nheo mắt nhìn bao quát hàng quân, miệng khẽ mỉm cười. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp một sỹ quan cao cấp. Người ông tầm thước, vai rộng cằm vuông, râu quai nón mới cạo xanh rì. Ông mặc bộ quân phục màu cỏ úa, đi đôi dép lốp, đội mũ mềm ka ki, khẩu K59 đeo trễ bên hông, phong thái uy nghiêm của một võ tướng. Nhìn ông không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến nhân vật Từ Hải chọc trời khuấy nước trong Truyện Kiều hay một con hổ đã thành tinh của rừng già. Nhưng cách ông nói chuyện thì đích thị của nhà chính trị, rất hấp dẫn và lôi cuốn. Tôi nhớ đoạn cuối ông nói: ”Các em đã rời xa gia đình, xa bạn bè và cả cô bạn gái thân thiết vào đến đây là quý lắm rồi. Hãy gắng rèn luyện, chiến đấu, từ bình thường đến khác thường rồi vươn tới phi thường. Đừng bao giờ trở thành tầm thường…”. Chúng tôi nghe như hớp hồn, được ông truyền cho ngọn lửa hừng hực của chiến trận. Kết thúc buổi huấn thị, giọng ông bỗng thân tình đến bất ngờ:
- Thế nào các bạn trẻ, cùng ông già này hát một bài nhé?
Chúng tôi ồ lên vỗ tay. Giữa nơi cận kề bom đạn, bài hát Đoàn vệ quốc quân giai điệu trầm hùng bi tráng được Chính uỷ bắt nhịp, cả tiểu đoàn tân binh hát say sưa: “Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui…”. Dưới kia không xa lấp loá những mái tôn trắng đến nhức mắt của các Ấp chiến lược. Ở đó có “văn minh đường nhựa” mà chúng tôi kháo khát được đặt chân, có ánh mắt của các má, các em gái xóm làng Khu Năm đang ngóng chờ các chiến sỹ giải phóng quân… Sự xa lạ, dè dặt ban đầu biến mất, dường như không còn khoảng cách giữa chỉ huy và chiến sỹ, chỉ còn một khối thống nhất giữa những con người cùng chí hướng, ra đi chiến đấu vì niềm tin và nghĩa lớn. Lúc ấy chưa biết tuổi tác Chinh uỷ, tôi thầm nghĩ “già” như ông thì cánh trẻ chúng tôi còn thua xa và nếu ông chưa có vợ, chắc khối cô muốn xin “chết”. Rồi tôi đâm ra tò mò: Không biết hồi trẻ ông yêu như thế nào nhỉ?
Sau này khi được điều về trinh sát trung đoàn, tôi hay được cử đi thực địa với Chính uỷ. Cậu cần vụ vào chiến trường trước tôi hai năm, thỉnh thoảng “bật mí” đôi điều về ông. Té ra ông chưa vợ và tuy kinh nghiệm chiến trường đầy mình nhưng về khoản yêu đương có lẽ ông cũng i tờ như tôi. Ông sống bình dân, quan tâm đến mọi người, cũng ăn rau sắn luộc chấm mắm cái, loại mắm làm bằng cá cơm ủ nhạt muối còn nguyên con, thức ăn chủ lực của quân giải phóng được đưa từ dưới vùng giáp ranh lên. Món khoái khẩu nhất của ông là tiết canh lợn. Không có nó, sản phẩm còn lại của con lợn coi như đồ thứ phẩm. Nhưng con lợn phải khoẻ mạnh, không bệnh tật và trước khi giết phải được cọ rửa thật kỹ, nhất là chỗ chọc tiết. Và phải có thật nhiều rău răm để ăn sống. Tôi để ý phía sau lán, nơi rửa mặt và vạt đất sát ven suối, cậu cần vụ trồng rất nhiều loại rau này, có thể dùng để “kháng chiến trường kì”. Được cái rau răm cũng dễ trồng, cứ ngắt gốc lấp xuống đất khoảng dăm bữa đã thấy vươn ngọn. Cậu cần vụ bảo ăn rau răm trị được bệnh ho và cả chứng mất ngủ vì có tác dụng an thần. Nhưng mấy trợ lý tham mưu thì nháy mắt với nhau không phải như vậy, rằng phong độ như ông mà thiếu đàn bà ngần ấy năm trời, người không “bốc hoả” mới là sự lạ! Đành rằng trong chiến tranh tuy gian khổ vất vả nhưng cái bản năng nhiều khi cũng hành hạ thân xác ra trò, rau răm là thứ “biệt dược” để giữ mình, kiềm chế nhục dục. Ở sư bộ, các trợ lý đã “phong” cho tôi chức vụ “Sỹ quan tuỳ dinh” của Chính uỷ, họ là chúa hay pha trò và tán dóc…
Riêng tôi, càng gần gũi Chinh uỷ, tôi cảm thấy ông như người thân thiết, trực giác mách bảo rằng định mệnh đã đưa ông đến với tôi và gắn bó với nhau trong suốt những năm tháng sau này.
Đã được thử thách dưới đơn vị, lên trung đoàn, qua vài trận thử lửa chúng tôi được coi như lính cũ, nhiều lúc Chính uỷ còn cho “ca cóng” thêm khẩu phần thịt hộp và lương khô cao cấp của ông. Xét cho cùng, lính trinh sát luôn là tai mắt, là con cưng của chỉ huy. Thủ trưởng nào mà có được bộ phận trinh sát thông minh, dũng cảm coi như được vàng. Biết được tâm lý ấy cũng như “lợi thế” của mình, chúng tôi hay vòi vĩnh Chính uỷ, bắt ông kể chuyện đời tư. Nhưng ông chỉ chống chế, cười độ lượng và im lặng. Điều đó càng làm tăng thêm sự tò mò, tọc mạch của đám lính trẻ. Chắp vá nhiều thông tin chúng tôi được biết quê Chính uỷ ở Nam Định nhưng ông theo gia đình ra Quảng Ninh làm thợ mỏ từ nhỏ. Ngày toàn quốc kháng chiến ông vào Vệ quốc đoàn hoạt động ở vùng Đông Bắc rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó ông được lệnh Nam tiến. Có một cô gái đất mỏ yêu ông, đúng hơn là hai gia đình mới gặp gỡ ra mắt nhưng do chiến tranh xa cách nên cô gái đã đi lấy chồng. ”Trích ngang” về Chính uỷ vỏn vẹn chỉ có vậy dù lính trinh sát đã tìm mọi cách để “điều nghiên”.
Sau những chuyến công tác, thỉnh thoảng Chính uỷ đến lán trinh sát thăm hỏi chuyện gia đình từng người. Cuối tháng sáu, cậu cần vụ được cử đi học đào tạo dài hạn, tôi được điều về làm cần vụ cho ông từ đấy.
*
Cách nơi đóng quân của sư đoàn bộ gần một ngày băng rừng có một trạm dân y của Khu uỷ, vượt qua ngã ba Cây Xoài, cắt rừng vài tiếng là đến nơi. Khi xuống kiểm tra các trung đoàn hoặc về Khu uỷ công tác, Chinh uỷ thường ghé thăm trạm, nhiều lần thầy trò còn mắc võng ngủ lại. Dân các xã giải phóng ở xa cơ quan sư bộ. Riêng các trung đoàn thì sống khá gần dân và hàng tuần các đơn vị thường cử người vào làng để xin lá sắn, lá rau lang về “cải thiện”. Đấy là dịp để lính ta có cơ hội “tụt tạt”. Lá sắn dù non hay già, kể cả lá sắn Tây đen (loại rất độc, heo rừng ăn phải cũng chết) đều dùng được tất, cứ gùi từng bao về luộc kỹ cho vàng lá hoặc ủ chua rồi vớt ra xắt nhỏ xào với thịt hộp. Điều quan trọng là được các má các chị chiêu đãi một bữa khoai lang, sắn luộc căng bụng, phởn lên còn phét lác với các em vùng giải phóng. Rằng con gái miền Bắc xinh xắn nết na, văn hoá cao, ai cũng tham gia công tác xã hội. Các cô gái vùng giải phóng tính thật thà, nhiều cô vào du kích hoặc bộ đội huyện, leo dốc nhiều, cô nào dáng cũng đậm chắc, hông nở, ăn mặc cùng một kiểu: Quần vải ni lông đen, áo bà ba ni lông xanh may rất kín đáo. Nghe các anh chủ lực khen miết con miền Bắc, các cô đâm ra mặc cảm kém cỏi. Thế rồi đợt bổ sung quân tháng 10, có hai cô giáo người Ninh Bình được điều vào dạy học ở vùng giáp ranh. Tuy cô nào cũng trắng trẻo, giọng nói thánh thót dễ nghe nhưng cả hai đều béo thấp, một cô khuôn mặt vuông như… bánh đúc. Các anh chủ lực lúng túng, chống chế bừa rằng đó là các chị em người dân tộc miền núi phía Bắc tình nguyện vào Nam. Vậy mà các cô gái vùng giải phóng tin ngay, lại còn tấm tắc “người dân tộc mà còn giỏi như thế thì chị miền xuôi ở ngoải chắc là phải đẹp và trình độ lắm?”.
Nói vậy nhưng việc có hai cô giáo xuất hiện ở vùng giải phóng vẫn là sự kiện đặc biệt đối với lính ta. Những đường nét nữ tính mềm mại, những sự “vòi vĩnh” hiếm hoi dễ thương của con gái giữa đám trai tráng thô ráp làm mềm lòng bao người. Lính ta đi công tác cũng tạt qua tán gẫu, nhận đồng hương. Cánh sỹ quan có cuộc đua để độc chiếm tình cảm của hai cô giáo. Quà tặng thường là mảnh dù pháo sáng làm “khăn voan” hay để may bọc võng, một chiếc ăng- gô hoặc vài loại đồ hộp… Hai cô giáo thật sự cảm thấy hạnh phúc khi được các anh giải phóng chiều chuộng. Riêng Chính uỷ có vẻ kị chuyện đàn bà con gái, tiếp xúc với họ ông còn lúng túng nữa. Người phụ nữ mà ông coi như em gái, tiếp xúc khá tự nhiên là chị Thà, y sĩ của trạm dân y Khu uỷ. Chị hơn tôi 9 tuổi, người xã Bình Dương, Thăng Bình, mới rời đồng bằng lên núi được vài năm. Cậu công vụ trước khi đi nhận nhiệm vụ mới đã tiết lộ Chính uỷ có tình cảm với chị Thà và bảo tôi phải tế nhị với mối quan hệ này. Vì vậy mỗi lần về Khu uỷ công tác, nếu Chính uỷ không nhắc thì tôi cũng kiếm cớ đề nghị hai thầy trò nên về nghỉ ở trạm. Chị Thà vui lắm. Vài lần như vậy hai chị em trở nên thân nhau. Có lần trong một bữa cơm tôi vô tình kể cho chị biết Chính uỷ rất thích ăn rau răm sống, dễ ngủ lắm, sao chị không trồng mà ăn? Nghe xong chị chỉ cười ngỏn nghẻn…
Chính uỷ có tác phong rất sâu sát. Chuẩn bị cho chiến dịch hè thu, ở cương vị Bí thư đảng uỷ sư đoàn, ông thường đến tận cơ sở, đến các chi bộ đại đội để dự họp nắm tình hình tư tưởng bộ đội. Trước trận đánh Đức Dục, tôi theo ông đến một tiểu đoàn chủ công để giao nhiệm vụ. Trên đường trở về tôi thấy mặt ông nóng bừng, người ngây ngây có vẻ sắp lên cơn sốt rét Tôi đề nghị vào trạm dân y để đưa cho chị Thà mượn một cuốn truyện và nếu Chính uỷ không lên cơn sốt thì sau khi ăn cơm xong sẽ đi tiếp. Chính uỷ đồng ý, tôi thấy ông có vẻ vui và cũng muốn gặp chị Thà…
Sắp đến đoạn suối ngã ba Cây Xoài chợt nghe thấy tiếng cười đùa khá lộ liễu của bộ đội. Lính tráng gì mà mất cảnh giác thế? Hai thầy trò nhìn nhau rồi lặng lẽ vạch lá tiến về phía bờ suối. Vừa đến bìa rừng chúng tôi bỗng sững sờ chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng thật khó tin:
Cả một tiểu đội lính trẻ đang tắm khỏa thân và thủ dâm tập thể!
Những thằng con trai đang độ tuổi sung sức, còn hơi hớm miền Bắc hậu phương, đôi thì đang xoắn xuýt sờ mó nhau, đứa thì tự nghịch “của quý” đang cương như cổ gà trọi. Cái bản năng bị dồn nén lâu ngày giờ phơi lộ trước thanh thiên bạch nhật. Thiên nhiên, sông suối cây cỏ cũng trở thành những kẻ đồng loã. Những thân thể hồng hào cường tráng, những tấm lưng vạm vỡ hình tam giác ngược. Cái gã thủ dâm to con đứng rất gần chúng tôi bỗng nhiên ngây mặt khi một dòng tinh khí bắn ra hình vòng cung, lợn gợn đục rơi xuống mặt nước suối…
Quá quắt hơn, đám lính trẻ rất mất cảnh giác. Toàn bộ súng ống, quần áo để ngổn ngang bên bờ suối, không có lấy một mống cảnh giới. Nếu gặp thám báo thì chỉ còn nước ăn đạn chết chùm. Đúng là coi trời bằng vung!
Và điều bất ngờ hơn, hai cô giáo Ninh Bình không hiểu sao cũng đang thập thò trong bụi cây rậm gần đó. Hai nàng mải mê nhìn cánh lính trẻ tắm, không hề biết đến sự có mặt của chúng tôi. Trời đất ơi, Chúa ơi, thần Phật ơi!… Chuyện gì đang xảy ra ở đoạn suối ngã ba Cây Xoàii?
Kể thì chậm nhưng diễn biến sự việc rất nhanh. Tôi nhìn sang Chính uỷ. Bộ dạng ông trông thật dễ sợ. “Đồ khốn, lũ đực rựa!” ông rên lên, khuôn mặt vuông vức bỗng méo xẹo, quai hàm bên phải giật giật. Mắt ông như lồi ra, tay trái cuống quýt quơ về phía sau gạt gạt những chiếc lá mục một cách vô thức. Tay phải ông lập bập định mở nút bao da khẩu K59. Bất chợt ông lại thôi rồi giật vội lấy khẩu AK báng gấp của tôi. Ông mở khoá nòng, nhảy ba bước ra mép suối chĩa súng lên trời bóp cò:
Đoành đoành!
Hai phát điểm xạ đẹp như trong diễn tập. Đạn tiểu liên nổ mà nghe cứ như tiếng trọng pháo! Trong khoảnh khắc một phần nghìn giây, cảnh vật bị ngưng đọng lạ lùng đến mức những tay săn ảnh tài ba nhất thế giới phải bỏ cả đời chưa chắc đã chụp được. Các hình khối đẫm nước đang khom khom lặng phắc theo đủ mọi tư thế. Những cánh tay đưa ngang bất động. Gần chục khuôn mặt trai tơ bỗng nghệt ra như dị nhân, miệng mở to méo mó, ánh mắt thất thần… Trong bụi cây rậm, hai cô giáo bỗng hét to, chạy biến vào rừng!
Tiếng súng của Chính uỷ đã đánh thức bản năng tự vệ của đám lính trẻ. Lúc đầu ngỡ thám báo, tất cả vội ùa lên bờ suối để cướp súng. Trông họ lúc này thật tức cười. Những vẻ mặt vừa hừng hực sức sống là thế giờ bỗng tím tái đến thảm hại, chẳng còn lấy một chút nhuệ khí. Khi đã định thần, nhận ra chúng tôi và nghe tiếng thét con gái, biết sự nguy hiểm chết người đã qua nhưng lại báo hiệu một chuyện khác chẳng lành, từng đứa líu ríu vơ vội quần áo, chân tay lóng ngóng che đậy… Chính uỷ quát hỏi:
- Đơn vị nào?
Lần đầu tiên tôi không thấy ông dùng đại từ nhân xưng “các đồng chí” hoặc “các cậu”. Một anh chàng mặt non choẹt, tay phải giơ lên cái đầu ướt mèm để… chào, còn tay trái, trời ạ, lại cố che giữ hạ bộ, miệng lắp bắp:
- Dạ, báo… báo cáo… c… c tân binh…
Sắc mặt Chính uỷ đầy nộ khí:
- Chỉ huy tiểu đội đâu? Tập hợp!
Biết tình cảnh của tiểu đội tân binh, tôi lặng lẽ sách súng ra xa để cảnh giới nhưng vẫn trông rõ, nghe rõ những gì đang xảy ra. Tôi nhìn những chàng lính mới đang đứng ngượng nghịu sợ sệt kia mà suy nghĩ vẩn vơ. Rằng trong bọn họ đã có ai được nếm “trái cấm” của tình yêu chưa nhỉ? Rồi trong những trận đánh sắp tới, sẽ ai còn ai mất? Và hai cô giáo nữa, phen này thì ngượng chết nhé! Tội nghiệp lúc ở bờ suối trông hai nàng đờ người bất động cứ như ngỗng gặp rắn ấy. Và nay mai chắc sẽ có khối chuyện để lính ta thêm thắt, thêu dệt… Nhưng đó là chuyện của ngày mai, còn bây giờ tôi thầm mong cho cơn thịnh nộ của Chính uỷ qua mau, bởi tuy được coi là chỉ huy sắt đá nhưng ông vẫn là con người bằng xương bằng thịt. Và tôi đã không lầm. Lúc đầu ông trách cứ gay gắt cái hành động bậy bạ của đám lính trẻ. Nhưng sau từng lời, từng câu ông bình tĩnh dần, vẻ mặt hiền từ như người cha đang dạy dỗ đàn con dại dột. Ông kể lại truyền thống anh hùng của sư đoàn, về những chiến công và những khó khăn, thử thách sắp tới… Có vẻ như ông đã tha thứ cho họ.
Nhưng sau sự việc ấy tôi thấy Chinh uỷ đăm chiêu và ít nói hơn. Hai thầy trò lầm lũi bước, mỗi người đều có tâm sự riêng. Chính uỷ chắc đang lo việc đại sự, về tình hình tư tưởng bộ đội. Còn tôi thì nhớ đến cô bạn gái con bà chủ nhà nơi đơn vị tân binh đóng quân. Tôi đã một lần hôn cô hôm chia tay vào chiến trường, ở góc bếp. Lúc ấy chẳng ai nói với ai câu nào, tôi cứ đứng ôm cô, người nóng ran và cảm thấy má con gái thật mềm. Khi nghe tiếng còi tập trung, tôi vội buông cô ra rồi khoác ba lô chạy. Chuyện chỉ dừng ở đó vì sau mấy lá thư viết về không thấy hồi âm, tôi cũng không viết nữa. Chắc là cô giận tôi lắm. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, đấy có phải là mối tình đầu không nhỉ?
Đến trạm dân y thì cơn sốt của Chính uỷ bộc phát. Chị Thà lo cuống lên, dục tôi mắc võng cho ông nằm rồi vội đi nấu nước nước luộc kim tiêm. Thích thật, tự dưng mình có một “trợ lý cần vụ”. Tôi ngầm quan sát thái độ của hai người và thấy họ rất gần gũi nhau. Tình cảm đó cháy sáng trong đôi mắt của chị Thà, ẩn trong từng cử chỉ tuy lúng túng nhưng thân mật của Chinh uỷ. Cơn sốt của Chính uỷ cũng nhẹ, tiêm thuốc và ăn cháo xong ông nằm yên, nhiệt độ hạ dần. Tôi giao ông cho chị Thà và xin phép sang chơi ở các lán khác. Không biết hai người nói với nhau những chuyện gì nhưng khi tôi về lán để mắc võng ngủ thì thấy vẻ mặt chị Thà thiếu tự nhiên. Chị chào tôi rồi về lán của mình sau khi nhắc tôi phải cho Chính uỷ uống thuốc đủ cơ số. Tôi thiếp đi sau chặng đường cuốc bộ, leo dốc mỏi mệt. Gần sáng tỉnh dậy tôi thấy võng bên cạnh chao nhẹ, gió lay khe khẽ. Chính uỷ đi đâu nhỉ? Nếu là lúc khác tôi đã nằm yên trên võng chờ ông về, chắc ông đang đi vệ sinh hoặc dậy sớm tập thể dục. Nhưng hôm nay ông bị sốt cơ mà, ông đi đâu mà lâu thế? Tôi cảm thấy không yên tâm, trở dậy đi tìm ông. Chợt nghĩ đến vẻ mặt của chị Thà chiều qua và biết tin lán của chị hôm nay chỉ mình chị ở nhà, các chị khác đều đi cơ sở chưa về, tôi linh cảm hai người đang có cuộc hẹn với nhau. Lẽ ra tôi đã không đến đấy, có trời chứng giám. Không phải tôi tò mò mà lo cho sức khoẻ của ông. Đến gần lán tôi nghe tiếng nấc như đang cố nén của chị Thà. Chính uỷ hình như đang làm một việc gì đó thật khó khăn. Và qua khe hở vách nứa tôi bất ngờ thấy ông đang ôm hôn chị, áo ngực chị mở toang, hai bầu vú trắng nhễ nhại… Tôi nghe giọng ông hổn hển: “Anh không thể, anh là đồ bỏ đi, tha lỗi cho anh…”. Chị Thà vít đầu ông vào ngực mình, giọng thổn thức: “Anh, sao lại như thế được. Anh đừng có cố. Tại anh đang ốm đấy. Thôi nào…”. Tôi không còn đủ can đảm đứng lâu hơn nữa, vội rón rén chạy về lán lên võng giả vờ ngủ.
Một lát sau Chinh uỷ trở lại lán. Tưởng tôi đang ngủ say, ông nhẹ nhàng mở bọc võng rồi leo lên. Ông trằn trọc lâu lắm, có cả tiếng thở dài.Tôi bỗng ân hận vì vô tình biết được bí mật riêng của Chinh uỷ. Tôi không trách cứ hành động của ông bởi tôi yêu cả hai người, luôn mong họ sớm là của nhau. Còn chuyện tình cảm riêng tư thì mỗi người một vẻ, những ứng xử được gọi là chuẩn mực chưa hẳn lúc nào cũng phù hợp. Một tay cụ non từng bảo tôi thế. Tôi chỉ nghĩ luẩn quẩn, sức vóc như ông, bậc tu mi nam tử râu hùm hàm én phải ăn rau răm sống để kìm nén, rút cục lại có sự cố như vậy?
Rồi tôi thấy thương chị Thà và lo cho Chinh uỷ. Ông thường hay nói đến cục diện có lợi của cách mạng. Cục diện ấy đang đến gần nhưng “cục diện tình cảm” của hai người chắc sẽ có chuyển biến xấu. Chợt nghĩ đến những bữa ăn cùng Chính uỷ lúc nào cũng nồng cay vị rau răm, tôi mơ hồ lo cho cả bản thân mình…
Trời mới sáng rõ, Chính uỷ đã gọi tôi dậy để đi tiếp. Tôi tới chào chị Thà, thấy chị không giấu được vẻ buồn ngơ ngác. Chính uỷ cũng buồn, suốt cả chặng đường về ông không nói gì. Khi đến dốc đá gần sư bộ, chúng tôi dừng lại nghỉ. Chính uỷ bất ngờ hỏi:
- Đô này, cậu vẫn chưa có người yêu thật à?
Thấy Chính uỷ đã bắt đầu cởi mở, cần có người để tâm sự chia sẻ, tôi liền thật thà kể cho ông nghe mối tình đầu còn “thô sơ” của mình. Quả nhiên nghe xong ông bật cười lắc đầu:
- Con khỉ! Vậy mà cũng gọi là yêu đương. Chẳng trách cô ta không viết thư cho cậu là phải.
Rồi ông bỗng nhìn xoáy vào mắt tôi thăm dò:
- Này sao đêm qua cậu ngủ say thế. Lại còn ú ớ nói mê nữa…
Tôi giật thót người. Thôi chết, chẳng lẽ Chính uỷ đã biết tôi giả vờ ngủ hoặc nói lộ điều gì đó trong mơ? Tôi ậm ừ cho qua chuyện, lòng dạ bối rối. Chính uỷ rất tinh ý, mọi chuyện khó qua được đôi mắt của ông. Và mãi về sau này, khi đã xa Chính uỷ, tôi luôn day dứt trước ánh mắt dò hỏi ấy…
Bữa cơm chiều tôi “quên” không hái rau răm, Chính uỷ cũng chẳng hỏi. Ăn xong việc đầu tiên ông làm là điện trực tiếp cho đơn vi chủ công. Tôi vội dỏng tai lên khi nghe đến tên đơn vị tân binh. Chính uỷ nhắc nhở nhiều điều, từ việc ăn ở, đi lại của bộ đội đến việc huấn luyện chiến đấu, giáo dục tư tưởng và công tác dân vận. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ông đả động đến chuyện thủ dâm của tiểu đội tân binh ở đoạn suối ngã ba Cây Xoài…
*
Tôi ở với Chính uỷ đến ngày giải phóng thì xuống đơn vị cơ sở một thời gian rồi được cử đi học ở trường quân chính quân khu. Chính uỷ cũng được đề bạt lên cấp cao hơn và rời sư đoàn. Do điều kiện công tác, khá lâu sau tôi không gặp Chinh uỷ. Tôi được biết chị Thà đã ra Hà Nội học hàm thụ bác sỹ, cứ nghĩ sau lần gặp gỡ ở trạm dân y hôm ấy, chuyện tình cảm của hai người chắc sẽ chẳng đi đến đâu. Rồi tôi bất ngờ nghe tin Chính uỷ và chị Thà tổ chức lễ cưới. Vì ở xa không về dự được, tôi gọi điện chúc mừng ông nhưng thật lòng vẫn lo ngại, ám ảnh. Vậy mà mãi mười tám năm sau, khi trung tướng Nguyễn Hào đã nghỉ hưu và tôi đã chuyển hẳn sang làm báo, hai thầy trò mới gặp lại nhau hàn huyên trong căn hộ của ông ở Hà Nội được quân đội cấp. Ở tuổi sau tư, tóc Chính uỷ đã điểm bạc nhưng dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn. Chị Thà còn khá trẻ và đã mập đẫy ra. Chi vui vẻ gọi cháu Nguyễn Quảng Nam ra chào chú nhà báo Đô. Nhìn cậu bé hơn chục tuổi ngoan ngoãn khoẻ mạnh, giống Chinh uỷ như đúc, lòng tôi chợt dịu lại, bao lo ngại biến mất. Tôi cứ lặng lẽ ngắm cậu bé, kí ức chiến trường năm xưa lại lần lượt hiện về…
P.M.M
_______
(*) Chữ của Nguyễn Hồng, nhà văn khu 5 đã hy sinh.