TIN TỨC

Lê Giang - còn đó một tấm lòng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-04 10:27:17
mail facebook google pos stwis
1372 lượt xem

PHẠM SỸ SÁU

Tôi không biết nhiều về chị, dù chị đã là người nổi tiếng trong số những người ở R (rừng - theo cách gọi nôm na của người thành phố) về. Những năm tháng ở rừng biên giới Tây Ninh, Sông Bé và trên mấy tỉnh biên giới Đông Bắc Campuchia, tôi và đồng đội trẻ đã nằm dài trên võng hay ngồi dưới công sự nghe những ca khúc phổ từ thơ chị mà nghe lòng mình ấm hơn về thành phố thân thương như đang ở rất gần. Thời đó - những năm cuối thập niên bảy mươi và đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, các ca khúc Ngày mai  anh lên đường (nhạc Thanh Trúc), Em vẫn đợi anh về (nhạc Hoàng Hiệp) rồi Hãy yên lòng Mẹ ơi (nhạc Lư Nhất Vũ) phổ từ thơ chị, được hát lên không chỉ trên đài, trên sân khấu biểu diễn, mà còn cả trong những buổi sinh hoạt tập thể đông hay ít người. Những ca từ nhẹ nhàng mà như thôi thúc làm ấm lòng người đi xa, ở xa đó như thúc giục tôi tìm hiểu về chị - nhà thơ ở rừng về.

Nhưng mãi đến năm 1986, khi được bầu làm uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá 2, tôi mới gặp được chị. Thi thoảng trong những lần từ biên giới Tây Bắc Campuchia xa xôi về lại thành phố, đúng vào dịp họp Ban chấp hành Hội, tôi thường được chị hỏi han về chuyện sống và chiến đấu nơi chiến trường xa. Với bản tính của người Nam Bộ, lại là người con nơi quê xứ cuối đất cùng trời Tổ quốc, bằng chất giọng trong trẻo, đôi lúc cao vút, chị thăm hỏi thật thân tình. Cái thân tình của người lính thế hệ thứ hai, thế hệ đi trước, đã trải qua nhiều hiểm nguy và gian khó, với người lính thế hệ thứ tư - ra đi khi đất nước đã thanh bình - và đồng cảm hơn lại là những người cầm bút. Chị nói chị thích cái không khí lính tráng, bụi bặm trong thơ tôi, nó có cái gì đó chân thật, không lên gân, lên cốt. Chị khuyên tôi đừng làm dáng, làm điệu trong thơ bởi cái chất liệu sống cồn cộn trong cuốc sống người lính là không thể tưởng tượng được. Nó trần trụi mà không kém phần nhân văn. Đừng làm cho thơ mình mướt và mượt, bởi cái đó chỉ cần cho những người thiếu vốn sống, thiếu thực tiễn, họ phải cần đến "thẩm mỹ viện" để cho nó dễ nhìn, dễ đẹp hơn.

Họp được mấy lần, bỗng dưng một lần họp, không có chị dự, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, lúc đó là Tổng thư ký Hội, đọc cái thư chị xin từ nhiệm chức uỷ viên Ban thư ký Hội với lý do là bận quá nhiều việc trên hành trình sưu tầm dân ca, không có điều kiện hoàn thành chức trách được giao. Thư thì nói vậy nhưng tôi nghĩ chuyện chắc không chỉ có vậy. Bởi tôi biết trong các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật, ngoài đa số là nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực chuyên môn đó, còn có không ít quan văn, những người rất ít tính nghệ sĩ nhưng rất nhiều máu quan chức. Chính những quan chức nầy đã làm cho hoạt động của Hội ngày càng trở thành một cơ quan nhà nước hơn là một tổ chức hội đoàn.

Việc chị từ nhiệm uỷ viên Ban thư ký dường như là chuyện đương nhiên, bởi tôi biết chị không ham lắm chuyện chức quyền, chuyện địa vị. Chính cái việc chị chọn ở nơi lầu sáu trong cái chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3 đã phần nào nói lên điều đó. Hai vợ chồng lớn tuổi (nhưng chưa già), dù anh (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) ít tuổi hơn chị, nhưng cả hai hàng ngày phải leo thang bộ đến hàng trăm bậc như thế, thì không phải là chuyện đùa. Có lẽ chính cái việc ở trên cao như thế đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị tập trung sáng tác và làm việc tốt hơn, bởi chỉ nghĩ đến chuyện phải lên phải xuống hàng trăm bậc thang mỗi ngày đã là chuyện chẳng dễ dàng gì. Vả lại đến lúc nầy việc đi sưu tầm dân ca của anh chị đã mang lại kết quả ban đầu khá tốt đẹp. Nhiều bài dân ca được anh chị ghi chép lại đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông làm nức lòng bạn nghe đài. Cuối năm 1988, tôi rời áo lính, trở thành Chánh văn phòng Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, thì may mắn gặp chị nhiều hơn, không những chỉ trong các phiên họp Ban chấp hành, mà còn trong các sinh hoạt cơ quan lúc không lúc có vì chị thuộc biên chế cơ quan Hội Nhà văn. Mải đến năm 1990 chị mới được giải quyết nghỉ hưu theo chế độ. Dù vậy tôi cũng chưa có dịp thượng lên lầu 6 nơi chị ở để tham quan. Chỉ biết đứng dưới sân nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhìn lên, dù nhiều lần đã đến nơi đó để được thưởng rượu cùng chú Tư Sâm Trang Thế Hy, anh Ba Chim Trắng, anh Hai Thời sự Diệp Minh Tuyền hay góp chút ít bữa ăn với nhà anh Văn Lê đang khó. Đứng dưới sân nhìn lên, tôi chẳng thấy gì ngoài một vài nhánh cây loà xoà thưa thớt. Nghe nói trên đó là cả một vườn rau xanh với đủ thứ rau, mùa nào thức đó như cách ăn của người Nam Bộ. Đặc biệt chị Năm Lê Giang nổi tiếng với cái ơ kho quẹt. Ai mà được chị đãi món kho quẹt thì... ngàn năm không quên. Sau nầy, khi làm người biên tập sách cho chị, tôi mới nhận ra cái ơ đó là của gia bảo của chị, do má chị mang từ quê Cà Mau lên Sài Gòn trong thời loạn lạc và chờ chị trở về sau gần 20 năm xa nhà mới trao lại. Một cái ơ bằng đất, mang từ quê xứ Cà Mau lên đất Sài Gòn đô hội để chờ cô Năm Kim (tên gọi ở nhà của chị) chẳng biết sống chết thế nào nhưng má vẫn tin và đợi chị từ rừng về trao lại. Nội chuyện cái ơ kho quẹt không đã đủ sức trở thành câu chuyện thú vị của niềm tin và tấm lòng.

Điều thật thú vị và đặc sắc ở chị Lê Giang nữa là khi ra ngoài đường, chiếc áo bà ba trở thành trang phục duy nhất của chị, cho dù là đi dự lễ trọng hay lễ thường, dù đi công tác hay là đi chợ. Một cái quần đen và chiếc áo bà ba (có màu, hoa văn hoặc không) dường như là trang phục và cũng là lễ phục của chị. Trời lạnh thì có thể điệu đàng hơn bằng cách thêm một cái khăn choàng cổ, đôi khi chỉ là chiếc khăn rằn vắt vai trong thời gian đi tìm kiếm những khúc dân ca. Phải nói chị rặt Nam Bộ trong ăn mặc, nhưng điều đó cũng thật gần gũi và chẳng xa lạ gì giữa chốn đô hội phồn hoa như đất Sài Gòn. Trong chị có cái sang của người nhà quê và cái trung lưu bình dân của người phố thị. Tất cả như quyện làm một Lê Giang rất tự tin và bản lĩnh có thừa.

Dường như cái duyên giữa tôi và chị chỉ thật sự mặn mòi khi tôi rời cơ quan Hội Nhà văn về Nhà xuất bản Trẻ. Mà cũng chẳng phải ngay tức thì đâu. Cũng phải sau vài cuốn sách bút ký, tạp văn chị in ở nhà Trẻ như Gặp ăn nấy, xin mời (Phan Thị Vàng Anh biên tập), Nghiêng tai dưới gió (Ánh Tuyết biên tập) thì tôi mới có dịp tiếp cận với bản thảo sách của chị. Dù trước đó, những cuốn sách trên là do tôi khai thác mang về. Gần như cứ 2 năm một lần, chị cho ra mắt bạn đọc một tập tạp văn và bút ký. Bút ký là chuyện ghi chép từ những chuyến đi sưu và tầm dân ca, chuyện buồn vui của những người già đi tìm cái cũ, đi thật gấp, thật nhanh nếu không thì mai một, không còn gì để lưu giữ cho muôn đời sau. Những chuyến đi trở thành đời sống của chị, như ăn, như thở, như nhớ mà sợ có lúc sẽ quên. Đối với người bước vào lứa tuổi xưa nay hiếm mà chuyên cơm hàng cháo chợ nhiều khi thành chuyện thường ngày quả là một chuyện phi thường. Nhưng chị với tư cách là tay hòm chìa khoá của những chuyến đi, dường như chưa hề thấy chị mệt mỏi. Đi và ghi chép, chuyện âm nhạc thì đã có anh (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) và bầu đoàn... lo, còn chuyện buồn vui thì mình chị âm thầm ghi lại, sau đó có dịp lại tiết lộ đôi điều cho bạn đọc cùng... phê. Còn tản văn thì chị viết nhiều, nghĩ một điều đôi khi trở thành nhiều đoạn. Chuyện quanh nhà, quanh xóm, quanh chợ, quanh làng, chuyện con, chuyện cháu, chuyện dâu, chuyện rể, đôi khi cả chuyện chồng, chuyện đời trở thành những nghĩ suy, những ưu tư, trăn trở của chị. Cả cái chuyện tự dưng bỏ phố về với phố biển Phan Thiết cũng là chuyện... bất ngờ.

Nhân dịp bước vào tuổi tám mươi, chị có gởi và nhờ tôi biên tập cũng như lo phần in ấn tập thơ Thơ Giang, gồm tập tuyển hàng trăm bài thơ, từ thơ viết trong chiến khu đầy bom rơi đạn nổ đến những ngày hoà bình, thống nhất mấy chục năm qua. Đọc thơ chị ta mới thấy hết tấm lòng của người phụ nữ, người vợ, người mẹ, người bà trong cuộc sống nhiều nỗi niềm lo toan mà ít quá những phần hạnh phúc, sung sướng. Là người phụ nữ nhưng thơ chị lại mạnh mẽ (dĩ nhiên là không thiếu phần đằm thắm), mạch lạc, không thiếu những đoạn, những bài cách tân, mới mẻ. Bây giờ người ta ít nhắc đến nhà thơ Lê Giang vì ít đọc được thơ chị, mà thường chỉ nghe chị nói chuyện về hát ru, hát lý, nói vè. Khoảng hơn hai chục năm lại đây không ai nhắc đến chị, nói đến chị về thơ mà chỉ đề cập đến những cánh chim không biết mỏi trong hành trình đi gìn giữ và phục hồi những di sản cha ông trong lời ca, tiếng hát. Chị là con ngựa già bất kham, đến gần tuổi tám mươi vẫn còn tung vó trên dặm trường phim tài liệu. Dạo nầy dù ít được gặp chị, do chị đã dọn về nơi ở mới khá xa thành phố (hai trăm cây số chứ ít gì), nhưng mỗi lần nghe điện thoại của chị (thật ra là điện thoại của anh), tôi vẫn nhận ra trong tiếng cười sảng khoái, giọng nói sang sảng một niềm tin yêu cuộc sống đến diệu kỳ. Chị khoe là đang viết kịch bản cho một số phim tài liệu liên quan đến nhạc sĩ nầy, diễn viên kia, những người đã được đề cập ít nhiều trong tập sách Hành khúc Giải phóng, một tập hợp khá đầy đủ những ca khúc của một thời đạn bom giải phóng miền Nam, do Nhà xuất bản Trẻ đặt hàng gia đình anh chị thực hiện trong năm 2011. Nói là gia đình vì có cả sự tham gia của nhạc sĩ Lê Anh Trung, là con trai của anh chị trong phần chép nhạc và chỉnh lý.

Như vậy là ở vào tuổi mụ tám mươi lăm, chị - nhà thơ Lê Giang - vẫn còn lên đường đi về nhiều nơi để tiếp tục gìn giữ những giá trị truyền thống thiêng liêng và cách mạng. Tấm lòng chị vẫn hướng về quá khứ, hướng về cái đã qua để mong sao lớp người đi sau sống xứng đáng với những gì được xem là thiêng liêng và cao quý.

TP Hồ Chí Minh, tháng 4.2013.

Bài đăng Báo An Ninh Thế Giới giữa tháng, tháng 4-2013 (số 63).
 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm