TIN TỨC

Lê Nam Phong, vị tướng trận giàu lòng nhân ái

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-27 17:05:19
mail facebook google pos stwis
2368 lượt xem

Vậy là trái tim của Trung tướng Lê Nam Phong ngừng đập ở tuổi 95 vào lúc 11 giờ trưa hôm qua, 26-3-2022, tại nhà riêng trong khu làng đại học Thủ Đức. Tôi biết tin quá trễ, lòng không khỏi bàng hoàng, tiếc thương một vị tướng trận mạc, tài danh và đức độ. Xin gửi nén tâm nhang thành kính tiễn biệt Ông (NMN).

NGUYỄN MINH NGỌC

Có lẽ nhờ bởi công việc của một người cầm bút mặc áo lính mà tôi có chút may mắn được tiếp xúc và hầu chuyện với khá nhiều các tướng lĩnh danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong số đó có Trung tướng Lê Nam Phong. Tôi được diện kiến ông lần đầu tại Nha Trang, trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Trường sĩ quan Không quân (8-1993). Nhưng phải tới đầu năm 2005, khi chuyển về nhận công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới có điều kiện được gặp ông với tần suất dày hơn. Hầu hết cánh viết văn, làm báo của quân đội, đều gọi “bố”, xưng “con” với cụ Phong, và được vị tướng cao niên vui vẻ chấp nhận.

Hồi ấy, Chi nhánh Nhà xuất bản QĐND đóng tại số 1 Kỳ Đồng, quận 3, ở cái góc mũi tàu cao ráo. Một bữa, tôi đương cắm cúi xử lý bản thảo “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà để kịp tái bản, thì nghe có tiếng gọi ngoài sân. Tôi chạy ra thì bất ngờ thấy “bố Phong” vận thường phục tuềnh toàng, nách kẹp chiếc sơ mi đựng tài liệu. Vì phòng ốc chật chội, tôi mời ông ngồi trên ghế đá dưới bóng cây. Biết tôi vừa hoàn thành cuốn hồi ký “Đường lên phía trước” giúp Thiếu tướng Trần Chí Cường, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, anh ruột GS Trần Thanh Đạm, cụ Phong trao cho tôi tập bản thảo chừng trăm trang A4. Đọc lướt qua, thất vọng vì thấy nó sơ lược và khô khan quá, viết theo lối liệt kê tuần tự của mấy tay làm báo, tôi bèn thưa, bố cứ để đây con sẽ nhuận sắc lại cho. Ai đời bố là tướng trận mạc, chiến tích đầy mình, người có mặt trong cả ba sự kiện lịch sử lừng lẫy (7-5-1954; 30-4-1975; 7-1-1979) mà viết được ngần này thì uổng phí quá. Ông cười khà khà, gật đầu.

Nhưng về sau, tôi nghiệm ra rằng phàm những việc như dựng vợ, gả chồng, tậu nhà, làm sách… đều phải gặp duyên thì mới nên chuyện. Bao lần hò hẹn với bố Phong hỏi thêm để viết lại, nhưng không hiểu sao cứ ì ạch không thực hiện được. Bởi ông sống hồn nhiên, rất tin người, lại muốn có cuốn sách, thêm vào đó sự “đốc thúc và hứa hẹn” đủ điều của các thợ làm “nhựt trình”, thế là xuôi. Cụ rút bản thảo đưa họ lo chạy giấy phép và in thành sách. Chao ơi, cầm cuốn hồi ký “Cuộc đời và…” của cụ lên tay, tôi điếng hồn vì cách làm lấy được của mấy vị “thể hiện”. Ý chừng muốn khoe cái sự đọc, họ trích 8 câu trong “Chinh phụ ngâm thì hỡi ôi, sai toe toét đến phân nửa. (Ví như: “Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa/ Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên/ Nhủ rồi tay lại trao liền/ Bước đi một bước lại vin áo chàng”). Hoặc viết “thành nhà Hồ ở Thọ Xuân, Thanh Hóa”; rồi câu nổi tiếng của nhà văn Xô viết Ra xun Gamzatov “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục…” được cho là “của một triết gia” thì thật không còn gì để nói! Người viết đã liều cùng mình, kẻ biên tập cũng lại ấm ớ nốt, nên mới ra nông nổi ấy. Nếu cụ Đặng Trần Côn và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sống dậy, chắc hẳn họ sẽ cầm hèo vụt đám người này. Tôi giận mình quá đỗi, vì không thể giúp ông, nhưng biết làm sao được một khi “ván đã đóng thuyền”! Đến tận bây giờ, đó là điều tôi áy náy nhất đối với một vị tướng mà mình hằng kính trọng. Biết vậy, nhưng vốn là người đại lượng, bố Phong chẳng hề vân vi…

Tuổi Đinh Mão, ông chào đời tháng 5-1927 tại làng Phú Mỹ, tổng Phú Hậu, nay thuộc xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Vùng quê ông có hai con lạch chảy ra biển, thường gọi là Lạch Quèn và Lạch Cờn. Được cha mẹ đặt tên là Lê Hoàng Thống, chữ “thống” theo Hán tự có nghĩa là đau, khổ. Trong đêm trường nô lệ, lầm than, dân tình đều ăn đói, mặc rét. Mới hơn 10 tuổi đầu, Thống đã phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Không được đi học, ngày ngày vừa bế em, cậu bé đứng bên ngoài cửa lớp say sưa ngắm chúng bạn ê a đánh vần. Ngó theo tay thầy giáo viết lên bảng, Thống lấy gạch non vạch xuống nền đất, bắt chước. Vậy mà chỉ vài tháng học mót, cậu đã đọc và viết được chữ quốc ngữ, rồi làm thạo cả bốn phép tính. Điều đó khiến cho dân làng hết sức ngạc nhiên về cu Thống tinh nghịch mà giỏi giang.

Giữa năm 1944, được ông Kỳ, một đảng viên người làng giác ngộ và dìu dắt làm liên lạc cho Việt Minh, vừa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Thống được sung vào đội bảo vệ, nhận công tác bí mật của tổ chức. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, anh rời quê hương với chân đất, quần cộc, áo nâu, thỏa chí nguyện trai làng Quỳnh. Thống được chọn đi học lớp bồi dưỡng quân sự đầu tiên của tỉnh Nghệ An do Trung đoàn 57 mở cấp tốc ở huyện Thanh Chương, rồi được sung vào lực lượng tự vệ thành Vinh, thuộc đại đội Hồng Sơn. Tuy nhỏ con và thấp bé, nhẹ cân, nhưng anh vẫn quyết chí xin gia nhập Vệ quốc đoàn. Sau hai lần bí mật bỏ thêm đá vào trong túi quần, cuối cùng chàng thanh niên được toại nguyện. Trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 57, Lê Hoàng Thống được biên chế vào Chi đội Đội Cung, chiến đấu trên chiến trường Liên khu 4.

Nhờ chiến đấu gan dạ và dũng cảm, tháng 2-1948, Lê Hoàng Thống được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Buổi lễ kết nạp tổ chức ngay trong chùa Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Sống trên quê hương của nhà cách mạng Lê Hồng Phong, người lính trẻ thấy cái tên Hoàng Thống của mình không còn phù hợp nữa, nên quyết định đổi. Ban đầu anh tính lấy tên Hồng Phong, nhưng bạn bè khuyên nên đổi thành Nam Phong, nghĩa là gió Nam. Và không ngờ cái tân danh Lê Nam Phong lại gắn liền với cuộc đời Nam chinh Bắc chiến của ông.

Là một cán bộ trẻ của Đại đoàn quân Tiên Phong (308), Lê Nam Phong được giao chỉ huy nhiều đại đội thuộc Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, có mặt trong đội hình chiến đấu lớn trên các chiến trường, tham gia các chiến dịch ở Việt Bắc, Tây Bắc và trung du Bắc Bộ trong cuộc kháng Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi nắm đại đội 225, sau những ngày “mưa dầm cơm vắt” đào chiến hào, đánh lấn, nhìn chiến sĩ lấm láp bùn đất, đại đội trưởng Lê Nam Phong cho lính cạo trọc đầu, vừa mát, lại vừa tiện lợi khi cận chiến giáp lá cà. Thế là đại đội 225 được gọi là “đại đội đầu trọc”, và ông mang biệt danh “đại đội trưởng đầu trọc” nổi tiếng. Tiếp đó, đơn vị ông phối hợp đánh Mường Thanh, rồi tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Dù ở đâu, Lê Nam Phong vẫn xông pha cùng đồng đội, sát cánh cùng anh em chịu đựng gian khổ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, bền gan đánh giặc, góp phần giải phóng quê hương. Tấm lòng thương yêu chiến sĩ theo ông đi suốt cuộc đời binh nghiệp.

Từ sau chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”, Lê Nam Phong kiên trì học thêm văn hóa, sau đó ông được cử sang Trung Quốc học chính quy tại Học viện Quân sự Hoàng Phố, đây là ngôi trường đào tạo các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp danh tiếng. Trở về, sau một thời gian thử sức tại “lò luyện” Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), tháng 4-1964, ông được Bộ Quốc phòng giao làm Đoàn trưởng Đoàn 707, phụ trách hơn 100 cán bộ quân chính của cả 3 miền, lên đường đi “xẻ dọc Trường Sơn” vào chiến trường B. Chỉ huy một đội toàn quan đi Nam thật không dễ dàng gì. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng hành quân, đoàn vào đến căn cứ Suối Dây, cạnh sông Tha La (chân núi Bà Đen, Tây Ninh), an toàn.

Khi tâm sự với Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Lê Nam Phong bày tỏ nguyện vọng muốn trực tiếp xuống đơn vị chiến đấu, về mặt trận nào cũng được. Thế là ngay sau chiến dịch Dầu Tiếng, ông về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 thuộc “Công trường 9” (Sư đoàn 9). Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, tháng 8-1972, Lê Nam Phong được bổ nhiệm giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7. Đây là một trong những đơn vị chủ lực của Miền, lập nhiều chiến công oanh liệt ở Đồng Xoài, Phước Long, chốt chặn đường 13 Tàu Ô - Xóm Ruộng, Định Quán, Xuân Lộc; và cũng là đơn vị nòng cốt khi Quân đoàn 4 được thành lập vào tháng 7-1974. Sáng ngày 30-4-1975, ông ngồi xe bọc thép tính chạy vào nội đô Sài Gòn, nhưng đường bị kẹt, không ngán, ông leo lên Honda do một chiến sĩ cầm lái luồn lách chạy qua cầu Thị Nghè, xông thẳng vào dinh Độc Lập, chứng kiến sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc.

*

Tốt nghiệp Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), cuối năm 1977, Lê Nam Phong đảm nhiệm chức Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ông cùng đồng đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Còn đương mải miết thực hiện nhiệm vụ ở Phnôm Pênh, đầu tháng 2-1979, Lê Nam Phong nhận lệnh điều động ra Quân đoàn 1. Vốn trực tính, ông hỏi tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ngay tại cửa Trạm 66 (BQP), rằng ai điều tôi ra đây? Vị tướng tủm tỉm, trả lời cụt lủn: Tàu khựa! Lại hỏi, ai ký lệnh? Anh Chu Huy Mân! Nghe tên ông Hai Mạnh, lập tức Lê Nam Phong lẳng lặng chấp hành. Ông về Quân đoàn 1 trấn ải phòng tuyến phía Bắc. Đến tháng 12-1979, thì được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân đoàn thay cho tướng Nguyễn Hòa. Lê Nam Phong được cử sang Liên Xô tu nghiệp tại Học viện Voroshilov... Đến năm 1983, ông trở lại chiến trường Campuchia, làm Phó tham mưu trưởng Mặt trận 719 (cơ quan Tiền phương Bộ Quốc phòng).

 Hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, tròn tuổi 60, tướng Lê Nam Phong được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 2. Năm 1988, ông được thăng cấp Trung tướng. Dẫu không có học hàm, học vị gì nổi bật, song ông đã có công lớn xây dựng nền móng đào tạo cho một trung tâm đào tạo cán bộ quân đội tầm cỡ phía Nam. Không chỉ có vậy, với tấm lòng nhân ái bao dung, ông đặc biệt quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên quốc phòng. Ông cùng Ban giám hiệu Nhà trường, lo quy hoạch đất cát nhà cửa, giúp hợp lý hóa gia đình cho anh chị em để họ yên tâm gắn bó lâu dài. Đến nay, có thể nói làng lính Lục quân 2 vào loại khang trang, mẫu mực và đẹp nhất toàn quân. Năm 1996, Nhà trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến giữa năm 1997, khi đã ở vào tuổi “cổ lại hi”, Trung tướng Lê Nam Phong mới được cấp trên cho rời quân ngũ. Ông bàn giao chức Hiệu trưởng cho Đại tá Đào Văn Lợi, một chiến sĩ trước đây của mình.

 Kém ông những 20 tuổi, Đào Văn Lợi quê ở xã Ninh Thanh, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4-1965, anh vào chiến trường B2, làm lính của Trung đoàn 141, rồi làm Trợ lý Quân lực Sư đoàn 7. Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong vừa là người chỉ huy, vừa là người thầy trực tiếp dìu dắt chiến sĩ Lợi. Trong quá trình ấy, ông phát hiện ra tố chất “tham mưu” của chàng lính trẻ và chú tâm bồi dưỡng. Gần cuối cuộc chiến tranh (11-1974) anh Lợi được Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong gọi lên giao nhiệm vụ “ra Bắc đi học về làm chỉ huy”. Sau khi tốt nghiệp, Đào Văn Lợi tiếp tục trở lại Quân đoàn 4, tham gia bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Số phận và cơ duyên đã gắn kết hai người với nhau. Hầu hết những đơn vị mà Đào Văn Lợi chiến đấu và công tác từ tiểu đoàn lên đến quân đoàn, hầu hết đều có bóng dáng của tướng Lê Nam Phong.

Cho đến nay, nhiều cán bộ, giảng viên của Trường sĩ quan Lục quân 2 vẫn còn nhắc lễ chuyển giao “độc đáo” có một không hai giữa Trung tướng Lê Nam Phong và Đại tá Đào Văn Lợi, nguyên Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Mặc dù chưa có lịch bàn giao, song ông vẫn chuẩn bị văn bản sẵn sàng. Khi Đại tá Đào Văn Lợi dẫn gia đình đến thăm trường, Trung tướng Lê Nam Phong liền tổ chức bàn giao rất chóng vánh. Sau khi dẫn tân Hiệu trưởng đi giới thiệu với cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường, tướng Lê Nam Phong rời nhiệm sở bằng một bữa cơm liên hoan hết sức nhẹ nhàng và thanh thản. Từ một xã viên HTX, Đào Văn Lợi trở thành một cán bộ chỉ huy quân sự tài năng, năm 1998, ông được phong Thiếu tướng. Cuối năm 2000, ông được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Lục quân (Đà Lạt). Tháng 8-2001, Đào Văn Lợi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học Quân sự. Tiếp đó, anh được nhận học hàm Phó Giáo sư và được thăng hàm Trung tướng. Tiếc thay, năm 2011, ông mất vì bạo bệnh…

Có lẽ hiếm vị tướng nào đau đáu thương yêu cấp dưới được như Trung tướng Lê Nam Phong. Khi là Tư lệnh Quân đoàn 1, ông xuống làm việc với Trung đoàn 48, thấy Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Khắc Nghiên giỏi giang, nhưng quân hàm đại úy mốc xì. Thương anh em thiệt thòi, không một lời hứa hẹn kiểu đãi bôi, ông trực tiếp hỏi han nắm rõ sự tình và trở về. Chừng hơn một tuần sau thì anh Nghiên được nhận Thiếu tá. (Về sau Nguyễn Khắc Nghiên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, nay đã mất).

Lần khác, ông về Hải Hậu, Nam Định tìm thăm gia đình anh Vũ Bầu, một cán bộ trung đoàn ngon lành của Sư đoàn 7 hồi đánh Mỹ. Vốn bộc trực, giữa bom đạn mù trời, thấy lính lơ mơ chểnh mảng, bực lên, ông quạt tơi bời, kể cả Vũ Bầu.  Nhưng khi nguôi ngoai, ông lại thương anh em và giận mình nóng nảy. Nhìn cấp dưới từng một thời vào sinh ra tử, nay về quê đi chăn vịt, con cái nheo nhóc, gia cảnh túng thiếu, ông trào nước mắt. Thế là có bao nhiêu tiền trong túi, ông dốc hết; lại tháo cả chiếc đồng hồ đeo tay, kỷ vật quý giá của Đại tướng Lê Trọng Tấn, đưa tặng Vũ Bầu. Lúc bùi ngùi chia tay, anh Bầu ngỏ ý muốn có bộ quân phục sĩ quan bằng dạ, ông bối rối vì “quân tử nhất bộ”. Tình huống quả khó xử, nhưng không để anh Bầu thất vọng, vị tướng “quyết” ngay tắp lự. Lúc cả gia đình tiễn ra xe, ông tế nhị bảo vợ anh Bầu vào nhà trước, rồi cởi phăng bộ dạ trao cho cấp dưới và chui tọt vào xe, ngồi co ro. Mặc đồ xà lỏn, ông cho xe chạy một mạch về Quân đoàn. Cảnh vệ vẫn đứng nghiêm chào mà không hề hay biết Tư lệnh “sai” điều lệnh!

Thế nên, không lạ khi ông có lủ khủ “con nuôi” và con “kết nghĩa”, ai ai cũng gọi bố rất đỗi kính trọng. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, người viết bài này có dịp ngồi cùng bàn hầu rượu cụ, nói vậy chứ do sức khỏe giảm sút, bố Phong không hề đụng đến giọt rượu, hớp bia nào. Trong buổi tiệc ấy, có rất nhiều người, tướng lĩnh, rồi các sĩ quan cao cấp, cùng một số giám đốc các bệnh viện lớn, xúm đến nắm tay ông để nói lời tri ân, nhờ ông tạo điều kiện mà họ có hôm nay. Lắm người cứ đế lẳng lặng ôm lấy ông rồi dúi quà vào túi. Và vị tướng già 93 tuổi cười khà khà, nụ cười sảng khoái của con người giàu tình thương, có cái tâm sáng rỡ.

*

Trung tướng Lê Nam Phong và Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trong một sự kiện (2014)

Trung tướng Lê Nam Phong có cả kho giai thoại, kể cả ngày không hết, nghe thì cười muốn bể bụng. Cuộc đời chiến trận của ông gắn với nhiều biệt danh từ thời lăn lộn chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Trong đó, nổi nhất là “Năm bình toong” và “Năm hỏa lực”. Số là đi đánh trận ông thường mang theo bên mình bình toong rượu đế, thi thoảng mần một tợp cho săn gân cốt. Có lần gặp nhà báo Đinh Phong bám theo bộ đội, mà chỉ độc con dao găm, ông cởi súng ngắn và bình toong trao cho nhà báo phòng thân, nhưng đi một đoạn sực nhớ trao nhầm bình rượu nên kêu “đòi” lại! Còn “Năm hỏa lực” là bởi ông luôn xông xáo, quyết đoán, khẩn trương táo bạo, yêu cầu cấp dưới tuân thủ để kịp thời hành động, không chần chừ bàn cãi. Tài nghệ cầm quân của ông nổi tiếng là vậy!

Chuyện ông “kén” vợ rất độc đáo. Sau thời gian tiếp quản Thủ đô, bấy giờ đã là một cán bộ tiểu đoàn, ông được cấp trên cho về thăm nhà. Người cha đã mất từ hơn 9 năm trước. Người mẹ và các anh chị em trong gia đình mừng ông trở về và mong mỏi chàng bộ đội sớm yên bề gia thất. Vốn tính nghịch ngợm, tếu táo, trong buổi gặp mặt với các thanh niên, thiếu nữ trong làng, sau khi kể chuyện đánh Điện Biên, đột nhiên Lê Nam Phong hỏi: “Có o mô muốn lấy tui, giơ tay?”. Nhiều cô gái cùng giơ tay cái rụp, nhưng người giơ cao nhất chính là vợ ông bây giờ, bà Võ Thị Hồng Mai. Về nhà, mẹ ông bảo, Mai là con bà o Cần, người họ Lê nhà mình. Chàng tìm đến nhà, bà Cần bảo: “Tau có 3 đứa con gái, cho mi một đứa, tùy chọn!”. Được lời như cởi tấm lòng, hết phép được hai gia đình ưng thuận, Lê Nam Phong dẫn người yêu ra Hà Nội báo cáo tổ chức. Lễ thành hôn của hai người do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 Bùi Nam Hà làm chủ hôn. Về sau ông Bùi Nam Hà là Thiếu tướng, nguyên Phó tổng thanh tra Quân đội, Giám đốc Học viện Hậu cần… Bà Mai là người vợ tảo tần, thủy chung, lo nuôi dạy con cái để ông chuyên tâm đánh giặc, phụng sự việc quân.

Đặc biệt, sự phức tạp của Nghệ ngữ được ông vận dụng có hiệu quả thời đánh Mỹ, vẫn được lính tráng truyền tụng mãi. Số là, hồi ở miền Đông Nam Bộ, sau nhiều cuộc càn lớn, địch bắt được một số mật điện của ta, chúng dò ra khóa mật mã, thế là lộ bem. Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong bèn lệnh cho cánh thông tin chọn 2 chiến sĩ quê Nghi Lộc trực hai đầu dây, đàm thoại choang choang thoải mái truyền đi mệnh lệnh chiến đấu tới các đơn vị. Đối phương rà bắt được sóng vô tuyến của ta, song chúng nổi điên vì không biết “vi xi” (VC) sử dụng ngoại ngữ gì, mà không tài nào dịch nổi! Các chuyên gia mật mã của địch cũng bó tay chào thua vì không sao giải mã được nội dung cuộc đàm thoại ấy.

Chuyện ông trân trọng mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân về thăm Trường sĩ quan Lục quân 2 vào năm 1993. Hồi ấy, trường còn nghèo lắm, nhưng ông vẫn bàn với tập thể lãnh đạo, tổ chức tiếp đón người “Anh Cả quân đội” thật trọng thị, ấm áp. Biết được cán bộ, giáo viên, học viên của trường luôn khao khát được nhìn ngắm Đại tướng, mong được nghe nói chuyện trực tiếp, nên ông càng vững tâm. Có lẽ thời ấy chẳng mấy ai dám “to gan, lớn mật” như tướng Phong cả. Thói đời, người ta phù thịnh, mấy ai phù suy. Nhưng Hiệu trưởng Lê Nam Phong vẫn quyết chí tổ chức, bởi ngoài sự kính trọng dành cho Đại tướng, một người văn võ song toàn, đức độ ngời sáng, ông không có động cơ nào khác.

Trước hàng ngàn cán binh đội ngũ chỉnh tề, tướng Lê Nam Phong dõng dạc báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến vừa qua. Giữa tiếng pháo tay vang dội không ngớt, ông kính mời Đại tướng duyệt đơn vị danh dự đang bồng súng chào. Sau khi nghe Đại tướng nói chuyện, tình cảm thân thiết như cha con, ông cháu, ai nấy thảy đều sung sướng, tự hào. Thì giờ ít, nên Đại tướng hỏi ông, còn gì nữa không? Ông mời Đại tướng xuống sân bắt tay hàng đầu và chụp hình lưu niệm. Rời sân vận động, vào hội trường nhỏ dành cho giáo viên và cán bộ khung, vị Hiệu trưởng vừa mở lời: “Giới thiệu với các đồng chí, người Anh Cả quân đội”, thì nghẹn lời, nước mắt ứa ra. Thấy vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi cạnh, vỗ vỗ vào lưng, cười nhẹ, động viên: “Đại đội trưởng đầu trọc, bình tĩnh chớ!” càng khiến ông xúc động. Mới đây, tôi khơi lại chuyện cũ, hỏi bố Phong ngày ấy, sau vụ đón tiếp rồi cụ có bị hề hấn chi không? Ông cười hà hà, nháy mắt...

Không riêng gì Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Lê Nam Phong còn dành tình cảm kính trọng của mình đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Chu Huy Mân, cùng nhiều bậc đàn anh khác, với tất cả tấm lòng thủy chung, ân sâu nghĩa nặng. Hơn nửa thế kỷ trong quân ngũ, dẫu tính nóng như lửa, có thể quát mắng khi cấp dưới sai, nhưng ông không hề để bụng bao giờ. Ông vẫn luôn quý trọng từng chiến sĩ bình thường, từ người công vụ, đến lái xe. Và nghẹn ngào nhớ những người lính của mình hy sinh trước giờ toàn thắng, như Nguyễn Đăng Hoan cắm cờ trên đá chồng Định Quán (Đồng Nai).

Ngôi nhà của gia đình ông tọa lạc tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, luôn rộng mở, đón tiếp anh em bè bạn bốn phương. Nghỉ hưu rồi, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia Ban liên lạc truyền thống “Chiến sĩ Điện Biên” và Hội cựu chiến binh các đơn vị cũ. Ông đi nhiều, hết họp hành, lại hội thảo, giao lưu, thăm viếng bạn bè… nên thường xuyên vắng nhà. Điều ấy khiến bà Mai phu nhân không vui, bà tìm cách ngăn cản để mong ông được nghỉ ngơi, vui thú điền viên. Nhưng vị tướng cao niên vẫn “chứng nào, tật nấy”, vẫn luôn hăm hở xông pha, tận cùng tình nghĩa. Vài năm gần đây, sức khỏe giảm sút, ông không đi lại nhiều, song trí nhớ vẫn còn rất mẫn tiệp, nụ cười luôn thường trực trên môi.

Vâng, vị tướng trận người Nghệ, Lê Nam Phong là thế đó. Có thể nói, cốt cách của ông tiêu biểu cho người Vệ quốc năm xưa, bộ đội Cụ Hồ ngày nay; đó là nhân cách của một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. Tên tuổi Trung tướng Lê Nam Phong được định vị trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm
Nhớ hoa đào - Tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu
Mỗi năm khi sắp tết bao giờ mình cũng mua hoa đào. Hà Nội không có hoa đào làm sao gọi là tết. Dù là bích đào bạch đào hay đào phai thì hoa đào bao giờ cũng mang tết đến mỗi ngôi nhà thân thương. 
Xem thêm
Giữa những mùa hoa nở - Bút ký Nguyễn Xuân Thủy
Từ Yên Khương, thuộc huyện Lang Chánh chúng tôi đi theo đường tuần tra biên giới lên Đồn Biên phòng Bát Mọt, thuộc huyện Thường Xuân. Đường tuần tra biên giới chập chùng uốn lượn giữa núi non, len lỏi giữa màu xanh của rừng. Càng lên hướng Cửa khẩu Khẹo càng có cảm giác đang đi về nơi thâm sơn cùng cốc. Cũng đúng, Bát Mọt là tuyến cuối của dải biên giới xứ Thanh, nơi có cột mốc 378 là nơi tiếp giáp biên giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Những nơi cuối đất cùng trời bao giờ cũng gợi cho người ta sự rưng rưng về những niềm thương nỗi nhớ.
Xem thêm
Lửa Cát Bi, ngọn trao truyền khí chất Hải Phòng
“Ơi Hải Phòng cửa biển quê hương/ Tổ quốc đang ghi những trang lịch sử/ Của Hải Phòng viết trên sóng bão Thái Bình Dương”. Với vị thế địa lý của Hải Phòng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây luôn là miền đất tiền tiêu quan trọng, cửa ngõ chiến lược. Bởi kẻ thù thường tiến hành xâm lược Hải Phòng đầu tiên, lấy đó làm bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long – Hà Nội. Khi thất bại, chúng cũng thường chọn Hải Phòng là một trong những tuyến đường rút chạy cuối cùng. Hải Phòng là địa phương luôn “đi trước về sau”, có vị trí xứng đáng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cũng như các cuộc kháng chiến của cách mạng Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Cảng trung dũng, quyết thắng”.
Xem thêm
Mùi Tết vương dấu chân xa – Tản văn của Đặng Tường Vy
Mỗi độ xuân về, người con xa xứ không tránh khỏi rưng rức, chạnh lòng. Nỗi nhớ trong lòng người tha hương rất lạ: sâu lắng, dịu dàng, chôn kín. Như gái đôi mươi thầm thương trộm nhớ một ai đó, âm thầm, mãnh liệt, nồng nàn,  tha thiết.
Xem thêm
Mùi hương thảo - Tản văn Quốc Tuấn
Chị mười tám, hay hai lăm tuổi. Tôi cũng chẳng biết và không cần biết, chỉ cần trong tôi đã bận lòng trước vẻ đẹp thuần khiết của loài cúc lam đồng thảo ấy. Nơi đáy mắt thể hiện những đốm lửa vui, những nét cong, nếp gấp mong manh nơi khóe miệng, bờ môi thể hiện sự phong phú nơi nhiệt tâm.
Xem thêm
Phép màu đã không đến với chị, chị Hồng Oanh ơi!
Chia sẻ của nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Vào vườn hương
Thành phố Cần Thơ đất rộng người thưa không chỉ có gạo trắng nước trong để níu chân người và du khách bốn phương. Tây Đô còn là mảnh đất văn hiến với không hiếm những trang anh hùng hào kiệt yêu nước và nghệ sĩ phong lưu tài hoa nhân cách. Kế thừa truyền thống văn chương của Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt … và các bậc văn nghệ sĩ đàn anh: Kiều Thanh Quế, Lưu Hữu Phước, Hoài Sơn, Mai Văn Bộ, Trần Kiết Tường, …đã có không ít thế hệ đàn em kế thừa xứng đáng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Xem thêm
Suy ngẫm về “chữ” của “một thời vang bóng”_ Tản mạn của Quốc Tuấn
Người xưa, dẫu không biết chữ nhưng khi thấy một mẫu giấy có vết mực sẽ lượm lên, mang về cất giữ. Điều đó thể hiện sự “sùng chữ” (trân trọng giá trị của văn chương, chữ nghĩa) của ông cha. Những người không biết chữ đã biết đối xử với con chữ bằng tấm lòng trân quý như thế, thì dễ hiểu các trí giả đời trước họ sống với chữ nghĩa sâu sắc đến độ nào.
Xem thêm
Má tôi
Bài đăng báo Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024
Xem thêm
Xuân yêu thương - Tết sum vầy
Phút giao thừa, nhìn ngắm dòng người “tống cựu”, “nghinh tân”, cảm nhận trong mắt mỗi người lấp lánh ánh nhìn hạnh phúc, nhất là khi trên bầu trời đêm pháo hoa rực rỡ...
Xem thêm
Ngày cuối năm... - Tản văn Lê Thiếu Nhơn
Kẻ tha phương dù mải mê danh lợi cũng bất giác bần thần trước mênh mông tiếng gọi quê nhà ngày Tết. Tháng Chạp bao giờ cũng vội vàng trong mắt kẻ tha phương. Tháng Chạp bao giờ cũng hấp tấp trong lòng kẻ tha phương. Vì vậy, càng nhiều tuổi, tôi càng thấy sốt ruột khi thời gian nhích dần vào khoảnh khắc tất niên mà mình chưa kịp trở về ngôi nhà thơ ấu.
Xem thêm