TIN TỨC
  • Truyện
  • Giang sầu | Truyện ngắn dự thi của Trịnh Thị Hiên

Giang sầu | Truyện ngắn dự thi của Trịnh Thị Hiên

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
423 lượt xem

 

Sáng 27 Tết, mẹ chồng về. Đầu giờ chiều là nhà đã đủ thứ: một yến gạo nếp vải, bốn cân đỗ xanh lòng vỡ sẵn, trăm lá dong nửa to nửa nhỏ, một gióng giang dài. Nhìn bề ngoài thì đẹp nhưng chẻ lạt thật khó. Giang có vẻ còn bánh tẻ, chẻ úp, nhưng không trơn, lựa từng tí để uốn lột mà cứ đến ngang chừng là hẫng, lượt lột sau lại ra chiếc lạt nửa dày nửa mỏng. Đúng cây giang sầu.

Nhớ lần Hiếu tổng kết, Phương mơ hồ cảm thấy có gì đó bất an. Trầy trật mãi cũng chẻ xong, còn sớm nên tiện thể Phương rửa lá dong rồi lau cái máy nhồi lạp xường, đun nước ngâm đỗ. Không làm thì sáng mai vẫn từng ấy việc, phải dậy sớm, nước bắc từ mó về nên lạnh buốt. Sáng gói bánh kịp xong trước 12 giờ trưa để luộc, chiều thái, ướp, nhồi lạp xường. Đó là nếp nhà chồng Phương.

Phương đặt chuông hẹn 5 giờ. Đãi gạo xong là trời tang tảng sáng. Đôi tay tê cóng. Trong lúc đợi gạo ráo nước thì Phương đãi đỗ. Trộn muối vào gạo và đỗ vừa lúc mẹ chồng mang thịt lợn đụng nhà hàng xóm về. Mẹ chồng áng áng xẻ ra 4 miếng thịt lợn ngắn gói bánh vuông, để đặt bàn thắp hương, còn lại là miếng dài gói bánh chưng Tày, rồi ướp muối, hạt tiêu vừa vặn. Nếp gói bánh chưng Tày là đã thay đổi theo Phương kể từ năm thứ hai Phương về làm dâu. Hai giá gạo to, hai giá đỗ nhỏ với nồi thịt sẽ được cho vào khuôn khổ.

Đã năm Tết Hiếu không về. Bà nội không còn, bà ngoại cũng theo các cụ về miền mây trắng từ đận trước khi Hiếu đi, nên Phương đỡ vất vả, đỡ bận rộn hơn nhiều. Nhồi lạp xường xong là cơn bản hoàn thiện những chuẩn bị quan trọng cho Tết. Bánh kẹo thì để hôm nào ra hàng tạp hóa sắm vèo cái là xong. Tối, Phương sẽ được nghỉ ngơi sau một ngày đau lưng, mỏi gối. Phương mải đếm những Tết Hiếu không về mà quên rằng 14 năm rồi, chưa bao giờ chồng đón giao thừa cùng Phương. Ký ức của Phương, vui, buồn, khoảng nào cũng có Hiếu.

*

- Em chỉ thích nhà mình có thật nhiều gạo, đỗ, thịt, gói mãi không hết thôi - Hiếu cười rổn rảng, nói trong khi nhớ những kỷ niệm đói nghèo của nhiều năm về trước.

Năm nhất Phương về làm dâu nhà mẹ, một tay Hiếu gói bánh chưng vuông. Cái nào cái nấy đều chằn chặn. Gói từ một khuôn mà. Phương chỉ le ve rỡ lạt, buộc bánh. Nghe Hiếu nói Phương thấy đáng yêu quá chừng, thương nữa. Phương không hiểu nổi, đứa trai vừa tròn 15 tuổi, lại đảm đang, tháo vát như thế. “Năm nào cũng là em gói tất cả bánh à?”, Phương hỏi khi gần 30 chiếc bánh chưng vuông đã được xếp nghiêng vào nồi. Hiếu cười rạng rỡ: “Em mới gói hai năm nay thôi”. Mắt Hiếu đen láy, sáng và trong, như những đứa trẻ ở lớp học của Phương. Phương hiểu rồi. Mẹ không có con gái, cha mất sớm, anh đi suốt, nên Hiếu cố đỡ những phần việc nhà cho mẹ.

Phương thì sao? Hăm nhăm tuổi đi làm dâu nhà người mà chưa từng một lần gói bánh chưng. Ngày con gái, Phương cũng chỉ loanh quanh chuẩn bị gạo, đỗ, lá rồi quay ra quét tước, dọn dẹp. Hiếu vừa làm vừa bảo Phương “Chị gói thử một chiếc bánh Tày cho em nhìn, sang năm em còn biết”. Với kiến thức quan sát được lúc ở nhà ngoại, chưa thực hành bao giờ, Phương lóng ngóng, vụng về mãi mới xong một chiếc bánh Tày. Chưa được tròn lắm, đầu bánh gấp không gọn, lại lệch. Chồng lạnh tanh “Tưởng thế nào? Tưởng giỏi lắm cơ!”. Phương nghe ức muốn khóc. Con người ta thường dễ tủi thân và hay nhớ nhà vào thời khắc hoàng hôn, vào những buổi chiều muộn. Huống hồ đây là chiều ngày áp Tết, của một cô dâu mới về nhà chồng chỉ được non một tháng trời, đang phải làm quen với mọi nếp sinh hoạt nhà chồng. Hiếu vẫn cười “Em thấy được mà. Em nhìn là biết cách rồi. Từ năm sau, hai chị em mình cùng gói bánh Tày nhé”. Nụ cười của Hiếu  làm ấm chiều đông. Được Hiếu động viên thế mà Phương vẫn không thôi ấm ức. Tránh vào trong buồng, Phương khóc một lúc rồi lau thật khô mắt đi ra.

Phương vốn đã phải tự mình lau nước mắt ngay từ đêm tân hôn. Họ hàng, anh em, bè bạn hoan hỷ đến chia vui. Mười hai giờ, chồng mới được dìu về phòng, say mềm. Sốt ruột, Phương giúp chồng nới cúc áo, dây lưng quần cho đỡ chật. Chồng vít Phương xuống ghì chặt, giọng như khóc “Loan, anh yêu em”, và hôn tới tấp lên môi, lên mặt Phương rồi lăn ra ngủ. Phương chảy nước mắt gần trọn 5 giờ đồng hồ còn lại. Sáng dậy, Phương hỏi chồng Loan là ai? Câu trả lời là đôi mắt buồn và khoảng không im lặng.

Chồng ở nhà tới sáng 30 thì đi đơn vị. Phương không căn vặn gì nhưng chồng tự giải thích. Mình ở gần, thường xuyên về rồi. Tết nhận trực cho anh em ở xa về với gia đình. Thường xuyên mà chồng nói từ Tết năm nhất Phương về làm dâu, sau này, là tháng đôi lần, hoặc tháng một lần, thậm chí hai, ba tháng một lần, mỗi lần ngày rưỡi ở nhà. Dù đơn vị cách nhà có 15 cây số. Giao thừa đầu tiên không ở nhà mình, thật cô đơn, thật buồn tủi. Chị dâu gọi điện cho Phương. Bố khóc, mẹ khóc, chị dâu khóc, Phương cũng thế. Cả nhà ai cũng nhớ Phương.

                                             *                                               

Phương trở dạ Bắp Cải lúc chiều, ngay khi Hiếu vừa về tới nhà sau tan học. Tuổi 17 của Hiếu không dùng để bẻ gãy sừng trâu, mà dùng để dìu Phương ra xe taxi, bế Phương lên cáng, nắm chặt tay Phương suốt đoạn đường đẩy xe từ cửa viện tới phòng mổ khoa sản, cấp cứu. Quá gấp gáp nên không ai đến kịp. Sau Tết năm đầu Phương về làm dâu, mẹ chồng đi biệt, lên cửa khẩu làm ăn, buôn bán, dăm tháng gửi tiền về một lần. Năm nào cũng cứ đúng 27 Tết mẹ mới về. Phương ở nhà cùng Hiếu, trách nhiệm cao cả, chăm bà nội chồng và bà ngoại chồng, đều đã ngoài 80 tuổi.

“Loan là ai?”. Ánh mắt Phương như khẩn cầu. Hiếu không thể lảng sang chuyện khác, như lần trước Phương hỏi, lúc hai chị em cùng gói bánh chưng, đang nói cười rôm rả dịp Tết năm thứ hai làm dâu của Phương. Cố giấu Phương vào thời khắc này thì tệ quá. “Chị Loan là người yêu cũ của anh Nghĩa. Chị ấy cũng là cô giáo mầm non. Chị cũng lấy chồng bộ đội”. Chỉ hai từ “cũng” thôi mà Phương thấy thắt dạ. Cơn đau đẻ, nỗi đau lòng. Bảo sao, khi được giới thiệu, biết nghề nghiệp của Phương, không cần hỏi nhiều, chồng đòi cưới ngay sau khi gặp chưa đến một tháng. Chồng phân tích rõ ràng, rành mạch và ngắn gọn: Phương công việc ổn định, không còn trẻ con nữa, chồng lớn tuổi quá rồi, không chờ đợi được lâu, vậy còn gì để lăn tăn nữa đâu. Logic thế mà, đừng bẻ gãy logic. “Chồng bộ đội, vợ giáo viên…”. Nhưng chồng không nhắc gì đến Loan, cho tới tận đêm tân hôn, lúc say. Tất nhiên rồi. Duy nhất một lần.

Chồng tới viện khi Phương đã mẹ tròn con vuông. Hiếu gọi điện cho chồng từ sau lúc đẩy Phương vào phòng mổ, đau là thế mà Phương vẫn nghe rõ, nhưng công việc của chồng đang dở, không thay thế được. Nhiệm vụ mà. Ừ. Nhiệm vụ mà. Phương có nghĩ gì đâu. Nhưng nước mắt cứ thế chảy dài. Hiếu đón tay Bắp Cải. Phương muốn nó giống Hiếu. Phương tin nó sẽ giống Hiếu. Tình cảm, vui vẻ, hay cười, hay nói và có hiếu như cái tên em mang. Ngày thứ bảy Phương mới được chỉ định ra viện thì chồng đã trở lại đơn vị từ ngày thứ sáu. Phép của chồng được có từng ấy ngày thôi. Mẹ Phương sang nhà cơm nước, giặt giũ cho Phương được chục ngày, còn đâu Phương tự. Việc gì không làm được đã có Hiếu.

*

Bà nội lẫn lắm. Độ lẫn tăng theo ngày, theo tháng. Dạo Phương mang bầu Bắp Cải, lúc bụng mới lùm lùm, bà vẫn tự đi khắp xóm chơi, nói chuyện như pháo rang, minh mẫn. Thế mà chỉ hai tháng sau, bà cứ đứng soi gương, tự nói chuyện với chính mình. Những chuyện từ thuở nhỏ, từ thời thanh niên, từ đời tám hoánh nào không biết nữa, cứ được bà lẫn đi rồi lẫn lại. Ban ngày, đi dạy, Phương phải khóa cổng kỹ. Buổi nào Hiếu đi học về mà nhãng quên là bà lách ra đi ngay. Có hôm, hai chị em đi tìm bà khắp nơi, tới 10 giờ đêm không thấy. Bất lực quay về, qua cầu thì thấy bà ngồi thu lu ở mép bờ suối khóc rưng rức, bà bảo bà đang chờ mẹ đi chợ mà mãi chưa thấy về. Tới lúc Phương gần sinh thì bà nằm liệt một chỗ. Bụng chửa vượt mặt, cách ngày, Phương lại phải cùng Hiếu tắm rửa cho bà. Người thường bị liệt đã khổ, người lẫn bị liệt thì càng khổ trăm bề. Nhiều ngày Phương về, thấy bà đã dứt bỉm ra, xé vụn, bay trắng phòng. Phân ị ra, bà bốc bôi khắp giường. Phương đeo khẩu trang vào, vừa dọn vừa ọe. Hiếu chẳng nề hà, xắn tay áo lên phụ chị. Vết mổ sinh Bắp Cải chưa kịp lành. Bà nội thì cần tắm rửa. Mình Hiếu không tài nào xoay nổi. Phương cố cùng Hiếu tắm cho bà, bục cả vết mổ, đau chảy nước mắt. Những chuyện ấy, Phương không kể với chồng, vào những tối chồng gọi điện.

Bà ốm, Phương sinh, mẹ chồng vẫn đúng ngày mới về nhà như thường lệ. Năm ấy, vết mổ bị bục chưa lành hẳn, Phương vẫn cố dậy phụ Hiếu gói bánh chưng. Gióng giang dài, đẹp mã mà khó chẻ lạt. Hiếu giải thích cặn kẽ cho Phương. Đó là cây giang sầu. Bị sầu, bị cộc ở gióng gốc hoặc ngọn thôi nhưng những gióng giang khác cùng cây đó, dù nhìn thấy đẹp vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Chẻ khó và lạt không đẹp, không mềm, không chắc. Năm nào mà dù chọn kỹ đến mấy vẫn trúng cây giang sầu, là kiểu gì năm ấy nhà mình cũng có chuyện, cũng khó khăn. Số chiếc bánh gói, ngẫu nhiên là lẻ, thì năm ấy nhà mình sẽ thuận hơn trong mọi việc. Năm nào số bánh gói, ngẫu nhiên là chẵn, luộc lại bị hấy, thì năm ấy mọi việc không xuôi… Phương nghe kỹ từng lời Hiếu nói. Để ngẫm. Trước nay Phương chẳng để ý điều đó bao giờ.

Ra Giêng, bà nội mất. Phép của năm mới nên chồng được về mươi ngày, lo hậu sự cho bà. Đám tang bà, Hiếu khóc nhiều nhất. “Thôi thế cũng tốt chị ạ. Em thương bà, em thương chị. Bà vân du cõi Phật để không khổ. Chị cũng đỡ vất vả hơn”. Hiếu bảo thế khi mọi việc đã xong xuôi. Chồng kiệm lời, như trước nay vẫn thế. Chồng thứ gì cũng làm, không ngại việc, từ tốn, điềm đạm. Ừ thì thôi, kiệm lời là tính. Nhưng ngay cả những ánh nhìn biết nói, ánh nhìn thay lời muốn nói, chồng cũng không bao giờ dành cho Phương.

Bà ngoại trộm vía khỏe mạnh. Mẹ chồng Phương là con gái duy nhất nên bà ngoại ở cùng. Bà nhanh nhẹn, lại hợp tính bà nội nên hai bà ở cùng nhau bao năm rất vui vẻ. Có lẽ vì hợp nhau nên hai bà rủ nhau đi để có bầu có bạn. Bà nội mất năm trước thì năm sau bà ngoại về cùng tiên tổ, sau một trận cảm, dù trước đó không ốm đau gì.

                                        *

Mười tám tuổi, Hiếu thành thanh niên thực thụ, vạm vỡ, khỏe mạnh. Ngày tiễn Hiếu đi Hà Nội học đại học, Phương ngó thấy mắt Hiếu buồn rượi. Hiếu cứ thế đứng nhìn Phương chẳng muốn rời đi. Ánh mắt ấy, Phương không biết tả thế nào. Phương không cắt nghĩa được. Nhưng nó ám ảnh Phương mãi. Sau này, khi chồng vẫn về rồi vội đi, Phương mới ngờ ngợ nhớ ra, đó là ánh mắt mà Phương mong chờ từ chồng.

Năm một, năm hai rồi năm ba, năm tư đại học. Phương thường hay chờ đợi những cuộc gọi của Hiếu. Phương kể cho Hiếu nghe những câu chuyện tầm phào. Bắp Cải đã biết nói. Con rất ngoan, ăn no, ngủ kỹ. Ngày giỗ bà nội, chị thấy một con bướm rất to bay vào nhà, đậu vào bàn thờ. Năm bà ngoại mất, gióng giang mua chẻ lạt gói bánh Tết cũng bị sầu. Giờ, mỗi năm Tết, chị chỉ gói đúng 4 chiếc bánh vuông đặt bàn thắp hương thôi, còn đâu chị gói bánh chưng Tày. Chị hay mơ thấy bà nội ngồi khóc ở bờ suối… Đại loại thế. Những câu chuyện mà Phương chẳng dễ dàng kể với chồng. Mà có kể chắc gì chồng đã nghe. Đôi lần, Phương cũng hỏi thế đã có người yêu chưa, Hiếu chỉ cười lảng sang chuyện khác.

Thêm một năm học tiếng sau khi tốt nghiệp, Hiếu cầm tấm bằng đại học sang Nhật làm việc. Năm đầu ở Nhật, Hiếu cố tranh thủ làm để trả hết nợ vay lúc đi nên không về Tết. Rồi mấy năm dịch dã liên miên. Thoắt cái đã năm Tết trôi qua mà Hiếu chưa về. Nhớ Hiếu, Phương chỉ có thể nhìn và trò chuyện qua màn hình điện thoại. Vẫn là những câu chuyện không đầu, không cuối. May có Bắp Cải đồng hành, chứ nhà chẳng còn ai, chị thấy vắng vẻ quá. Anh thường xuyên về hơn, có tháng về cả 4 cuối tuần. Anh chia sẻ với chị việc nhà, chiều Bắp Cải, hay nói chuyện cùng chị. Loan ly hôn rồi. Là chị biết qua một người bạn. Chứ anh không nhắc đến bao giờ. Mà Bắp Cải sắp có em Su Hào đấy. Chị vui mà cũng lo, vì năm nay gióng giang mẹ mua về lại bị sầu. Anh về đón giao thừa cùng chị đấy, lần đầu tiên. Năm thứ 15 kể từ khi chị về làm dâu. Ôi. Thế là chú Hiếu đã 30, không còn trẻ nữa. Chú Hiếu mà lấy vợ thì Bắp Cải đi nâng váy cưới cho cô dâu được rồi đó. Phương háo hức hỏi thăm người yêu của Hiếu, Hiếu vẫn chỉ cười rồi đánh trống lảng như mọi lần.

Phương không ngờ, sau này không còn cuộc điện thoại nào nữa. Hiếu mất đột ngột do một tai nạn giao thông bên nước bạn. Thủ tục khá phức tạp nên mãi mẹ với chồng mới sang đón được em về. Gióng giang sầu của năm nay là điềm báo thật tệ. Thảo nào Phương cứ cảm thấy bất an.

                                        *

Phương sinh Su Hào rất dễ và nhanh. Chồng xin nghỉ phép hẳn 15 ngày, chăm Phương chu đáo từng chút một. Ở thế giới bên kia, Hiếu vẫn luôn mỉm cười. Phương sẽ không cô đơn khi bước tiếp những ngày không còn có Hiếu.

T.T.H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm