- Lý luận - Phê bình
- Nỗi niềm suy tư, trăn trở về con người và thời gian trong thơ Phùng Hiệu
Nỗi niềm suy tư, trăn trở về con người và thời gian trong thơ Phùng Hiệu
NGUYỄN VĂN HÒA
Nhà thơ Phùng Hiệu không chỉ tư duy bằng ngôn ngữ mà còn tư duy bởi những ám ảnh của biểu tượng, nỗi ưu tư về thân phận con người. Chính điều này tạo nên chiều sâu mỹ cảm trong thế giới nghệ thuật thơ anh.
Nhà thơ Phùng Hiệu
Thơ Phùng Hiệu càng về sau cảm thức hiện sinh càng được thể hiện rõ nét. Vì thế thơ anh đã tạo được những dấu ấn nhất định đối với bạn đọc. Nếu các tập thơ trước đây như: Tình không dám ngỏ (NXB Văn học, 2008); Thức giấc (tập thơ, NXB Thanh Niên 2010) còn thiên về bày tỏ tình cảm có vẻ sướt mướt, vì phần nhiều viết theo lối truyền thống thì đến Trong thế giới ngụy trang (NXB Trẻ Wikibook, 2014), Dấu chân biển cả (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018); Biên bản thặng dư (NXB Hội Nhà văn, 2019) đã dần chuyển sang hướng khác: thể nghiệm các hình thức biểu đạt mới, mở rộng biện độ tự do trong sáng tạo, phản ánh và lý giải hiện thực bề bộn, phức tạp của đời sống con người thời hiện đại.
Bởi Phùng Hiệu ý thức về con đường đến và đi cùng với thi ca nên anh đã tự biết điều chỉnh chính mình. Ngay từ khi bắt đầu sáng tác anh làm thơ theo kiểu truyền thống, nhưng khi đã tiếp cận với thực tế không gian thi ca đương đại thì Phùng Hiệu đã dần chuyển hướng để hòa nhập theo nhịp điệu ấy. Đây là sự cố gắng và nỗ lực rất đáng được ghi nhận đối với một cây bút thơ như anh.
Bởi theo anh, muốn làm nên bản sắc riêng thì phải chọn cho mình cách viết khác. Do vậy, Phùng Hiệu đã dần thay đổi cách thể hiện, bày tỏ tình cảm, thái độ của mình trong thơ. Anh từng giãi bày rằng: Chợt một ngày tôi nhận ra tôi/ Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa/ Tôi nghe được tiếng hát của mưa/ Tiếng cười của nắng/ Tiếng nói của cỏ cây/ Tiếng rên của mây/ Tiếng buồn của đất…/ Tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau!// Tôi nghĩ thế giới này có thể mất đi/ Nhưng còn lại vần thơ và nhân cách (Ngôn ngữ lên ngôi).
Sự thức ngộ sâu sắc như vậy đã giúp Phùng Hiệu vững tin hơn để sống, để yêu và làm tròn bổn phận của một công dân chân chính, một nhà thơ luôn đứng về nhân dân, luôn ở bên những người lao động nghèo khổ, những số phận không may…
Phía sau hoàng hôn/ Tôi nhận diện được bóng đêm/ Là hành trình lương tri lộ diện… (Kẽ hở bình minh)
Trong thế giới ngụy trang và Biên bản thặng dư của Phùng Hiệu là 2 tập thơ thể hiện rõ nét những dấu ấn cá nhân trong hành trình thể nghiệm theo cách viết mới, mang hơi thở của nhịp sống đương đại, là một bước nhảy vọt trên con đường sáng tạo nghệ thuật của Phùng Hiệu. Ở đó không chỉ mang đến cho độc giả những nội dung đa dạng mà còn độc đáo cả về hình thức nghệ thuật và giọng điệu thơ. Phùng Hiệu đã làm cuộc đối thoại với chính mình để tự tìm ra lối đi mới, tránh những cũ kĩ, sáo mòn… đưa thơ về với đời thực nhằm lý giải sự hiện tồn của con người trong một xã hội đầy biến động, nhiều nghịch lý và lắm bất an.
Nhà thơ Phùng Hiệu không chỉ tư duy bằng ngôn ngữ mà còn tư duy bởi những ám ảnh của biểu tượng, nỗi ưu tư về thân phận con người. Chính điều này tạo nên chiều sâu mỹ cảm trong thế giới nghệ thuật thơ anh.
Cái tôi trữ tình với nỗi suy tư trăn trở, chiêm nghiệm trở thành mạch nguồn chủ đạo xuyên suốt trong dọc đường thơ của Phùng Hiệu. Để rồi từ chính những chiêm nghiệm về hiện thực có vẻ như xô bồ, bất an đó, nhà thơ thức nhận sâu sắc hơn về lẽ sống, niềm tin ở cuộc đời này. Cái ác không có trong tâm hồn nhà thơ/ Cái ác không hình thành trong tư tưởng nhà văn/ Cái ác không tồn tại trong tư duy con người lương thiện/ Nó chỉ hiện diện ở nơi không có lương tri/ Và thường trú trong tim của những con người khước từ đạo đức…/ Sự lãng mạn không mang đến nguy hại cho con người/ Chỉ có thể làm nên tên tuổi (Sự lãng mạn và cái ác).
Với nhà thơ Phùng Hiệu sáng tạo thi ca là cách để nhà thơ cảm thấy mình đang tồn tại và vững tin hơn để sống có ích, để chống lại bao điều vô nghĩa, phi lý, bất công vẫn cứ hiện tồn. Vì thế, anh đã cất công đi tìm “giấc mơ hiện thực” để bóc tách và tìm hiểu ngọn ngành làm thế nào để trở thành một con người tự do, bình đẳng theo đúng nghĩa của nó. Từ trong giấc mơ đó nhà thơ gửi gắm đến cuộc đời những trăn trở, thao thức, khát vọng của chính mình cho thực tại và cả tương lai phía trước. Nhưng dường như điều ấy vẫn chỉ là trong giấc mơ. Tôi đi tìm giấc mơ/ Mang tên công lý/ Trong suốt hành trình tuyên chiến với thặng dư/ Giấc mơ nhọc nhằn trôi qua thiên niên kỷ…// Trong một lần kiệt sức mê man/ Tôi bắt gặp giấc mơ/ Giấc mơ tôi được làm người/ Một con người thật sự tự do/ Một con người mang tên bình đẳng/ Một giấc mơ hiện thực/ Được hình thành trong tiểu thuyết chiêm bao!
Thơ Phùng Hiệu không phải bài nào cũng hay nhưng lại có nhiều câu thơ hay. Bởi những câu thơ ấy bất chợt phụt hiện từ trong thẳm sâu tâm thức của anh trước một sự việc, hình ảnh nào đó của đời sống gây cho anh sự ám ảnh.
– Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu
Khi dấu chân dẫm mòn tuổi tác
Và năm tháng rót dần khô cạn…
(Quét rác).
– Cuộc sống bỗng dưng đảo lộn/ Những cánh đồng trắng lưng phố xá… Người nông dân tự nhiên mất đất/ Những cung đường tự do siết chặt… (Quy hoạch tự do).
– Chị đẩy cuộc đời về phía mưu sinh/ Từ gánh ve chai lấm màu tri thức (Cuộc mưu sinh).
– Khi nhìn vào chiếc ly/ Tôi bỗng thấy cả sông ngòi và đại dương trong đó/ Chảy miên man hình tượng ngôn từ
…
Chợt một ngày tôi nhận ra tôi/ Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa
Tôi nghe được tiếng hát của mưa/ Tiếng cười của nắng…
Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi/ Nhưng còn lại vần thơ nhân cách (Ngôn ngữ lên ngôi)
– Bỗng một ngày da nứt vết thương khô/ Những giọt nhớ rỉ sâu vào tâm thức/ Nếu anh biết giữa đôi bờ hư thực/ Là mong manh sự sống quả tim lành (Điểm danh quá khứ).
Sự thật như những cơn mơ/ Và những cơn mơ luôn đánh lừa sự thật
Phía sau bình minh/Tôi nhận diện được bóng đêm/Và sự thật luôn bị đánh lừa/ Sau kẻ hở bình minh (Kẻ hở bình minh)
Những câu thơ cất lên tiếng nói tâm trạng của nhân vật trữ tình, mang những thông điệp có ý nghĩa đối với cuộc sống. Tôi cho rằng đây chính là những câu thơ đẹp, mang giá trị nhân văn, bởi nó được viết ra như chính con tim anh mách bảo.
Nhiều từ ngữ, hình ảnh được nhà thơ sử dụng mang đậm tính hiện thực và hơi thở của nhịp sống đương đại.
Chị đẩy cuộc đời mình về phía mưu sinh/ Từ gánh ve chai lấm màu tri thức/ Thành phố này văn minh phồn thực/ Rác chảy ra đường qua lối tái sinh// Chị đẩy vào đời giấc ngủ cu li/ Những đứa con thơ vật vờ trên vỉa hè thành phố/ Đứa bán kẹo/ Đứa giác hơi/ Đứa đánh giầy/ Đứa rao vé số/ Những mảnh đời loang lổ dấu chân chim (Cuộc mưu sinh).
Vẫn còn đó bao mảnh đời đáng thương, bất hạnh. Từ thực tại khách quan nhà thơ quan sát và chuyển tải vào thơ bằng cái nhìn sẻ chia, xa xót. Trên cung đường quen thuộc tuổi tên/ Một bà lão chống gậy bằng đôi tay vé số…/ Phía góc chợ/ một hình hài chất độc da cam/ Ú ớ từng câu ai mua vé số…/ Nơi ngã tư đèn đỏ/ Anh thương binh lặng thầm/ Từ chiến trường xưa lê đôi chân rách/ Lời hát “Ngày trở về…” trên chiếc bàn vé số. Nhà thơ thốt lên trong tột cùng của nỗi đau bằng hành động và tiếng thở dài trĩu nặng, đầy khắc khoải. Ôi! Những tờ vé số chứng minh số phận/ Tôi đau thương cầm mấy mươi nghìn…/ Không thể nào xoa dịu nỗi đau/ Cho em bé đến trường/ Bằng tiếng rao/ Vé số… (Đằng sau tờ vé số).
Cuộc sống thời mở cửa bên cạnh những điều tích cực thì vẫn còn đó biết bao bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, đánh đố con người, nhất là nơi phố thị. Bằng cách nói ẩn dụ nhà thơ Phùng Hiệu đã khái quát và chỉ ra được những giả tạo, lọc lừa từ “phía sau ánh đèn lừa dối” trong một thế giới xô lệch, được ngụy trang bởi lắm chiêu trò, mưu chước…
… Trong ánh đèn dối lừa/ nhan sắc được phô trương bằng những đường cong/ thân thể/ bằng sự ghen tuông, đố kị, tranh giành/ em quên mất câu tam tòng tứ đức của cha già ngày đêm mong mỏi/ em hiện diện như một nàng tiên chơi trò chuyển nhượng/ giữa thế giới dối lừa/ đam mê phó mặc/ hoang phí thanh xuân/ giễu cợt ái tình… Bỗng một hôm/ em nhận ra mình đứng nơi góc phố/ cung đường ngã giá về đêm… Lời thơ nghẹn ngào, nỗi đau quặn thắt về nhân tình thế thái bởi cạm bẫy cuộc người, để rồi một ngày “em cũng đứng nơi góc phố, hành nghề buôn phấn bán hương”.
Biên độ thẩm mỹ của từng bài thơ, câu thơ được mở rộng nhờ sự liên tưởng và đối sánh trong khuôn diện, cách nhìn, cách lý giải mang tính thời đại. Rồi một ngày nhan sắc được phô trương/ Bằng giá trị phấn son, bằng đường con thân thể/ Em trở thành cánh chim hoang lạc/ Bay về phía vô cùng// Đêm tan…/ Những bước chân hoang lần về công sở/ Em giật mình tỉnh giấc/ Và rã rời trong hạnh phúc thuê bao!// Đến một ngày em nhận ra em/ Thì giấc mơ đã tan về chốn cũ/ Chiếc Iphone thưa thớt khách hàng/ Một đêm vắng trên màn hình ế ẩm/ Gọi em về sa thải một cơn mơ (Sa thải một cơn mơ).
Nhà thơ nhìn thấy nỗi buồn đau và bao bất hạnh đổ dồn về những thân phận, kiếp người trong xã hội thời anh sống. Đọc bài thơ Quét rác, lòng ngổn ngang bao câu hỏi về con người, cuộc đời và cả cách đối xử “bất nhân” của chính đồng loại:
Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu/ Khi dấu chân dẫm mòn tuổi tác/ Và năm tháng rót dần khô cạn/ Sáu mươi năm mà rác vẫn tuần hoàn… / Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra/ Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột (Quét rác).
Những lo toan, bao góc khuất của những thân phận người nghèo được dần khám phá. Tết của người công nhân góa phụ là một ví dụ về nỗi đời cơ cực thông qua việc nhà thơ liệt kê ra hàng loạt nỗi trắc trở, thiếu thốn, khó nhọc trong hành trình cuộc đời. Chị cầm tháng lương nép vào bóng đêm/ ngoài kia/ những vì sao giật mình trở giấc/ những bước chân âm thầm tháng chạp/ gọi nhau về sau tiếng kẻng tan ca// chị ước bầu trời không có mùa đông/ cho những đứa con thơ đừng đòi mua áo ấm/ cho bà mẹ gầy còm đêm sương ướt đẫm/ những chén cơm rơi run rẩy phía sau ngày// Tiếng kẻng mùa này không chứa nổi giấc mơ/ sau buổi tan ca/ chị nghe âm vang từ quê nhà réo rắt/ những tấm áo đàn con se thắt/ cái tết nghèo – giá trị thặng dư// Đêm giao thừa khói bếp lạnh như đông/ nhìn lũ trẻ mơ về nhau chiếc áo/ nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo/ với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang.
Sự trăn trở, day dứt, thảng thốt về hạnh phúc và khổ đau của đồng loại đã thôi thúc anh cất lên tiếng nói từ chính trái tim yêu của mình để lan tỏa yêu thương.
Mỗi năm dăm trận bão lùa/ Đồng hoang từ dạo mấy mùa trắng tay/ vịn đêm em bước qua ngày/ Nước ngập ngang ngực tim dày vết đau// Vách thưa chìm đáy sông sâu/ Khăn tang trắng toát mái đầu em tôi/ Mẹ trôi về phía dòng khơi/ Mình em lặng giữa bời bời khói hương! (Em giữa miền Trung).
Phùng Hiệu vốn là một nhà báo, đồng thời anh cũng là người làm nghề xây dựng, nên đôi lúc anh tận mắt chứng kiến cảnh người dân bị tai nạn giao thông khi anh đi tác nghiệp hay người công nhân gặp nạn khi đang làm công trình… Lòng anh chùng xuống, rưng rưng; bởi có điều gì đó nghe não nề, chua chát… “anh bị xóa tên”. Sự vô thường, mong manh của kiếp người đặt ra nhiều câu hỏi day dứt cho người đang sống.
Anh rơi xuống từ tầng 18
Theo khẩu lệnh bảo hộ an toàn
Cánh cửa dự án đóng im…
… Anh bị xóa tên
Như chưa bao giờ hiện diện nơi đậy…
(Sự mất tích của người công nhân)
Bên cạnh nỗi suy tư trăn trở của cái tôi cá nhân, Phùng Hiệu còn chuyển tải những suy ngẫm về thân phận con người thời đại, bao tổn thương, mất mát đã và đang xảy cùng với những dự cảm về tương lai của dân tộc. Các anh không về mắt đảo rưng rưng… Cánh chim bám biển và Biên bản chủ quyền có thể xem là những bài thơ hay. Bởi ở đó nhà thơ thể hiện rõ nét nhất tình cảm, ý thức trách nhiệm, sự khẳng khái và cả những lo âu của anh đối với chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia.
Thời gian và tình người trở thành thứ tài sản quý giá nhất đối với con người thời hiện đại. Do đó, người đọc dễ nhận ra yếu tố thời gian và mối quan hệ giữa con người với con người được Phùng Hiệu quan tâm hơn tất cả. Những bài thơ: Giấc mơ hiện thực, Tết của người công nhân góa phụ, Phía sau ánh đèn lừa dối, Cuộc mưu sinh, Sa thải một cơn mơ, Kẻ hở bình minh… đã phần nào chứng minh cho điều tôi vừa nói ở trên. Nhưng có một sự thật và đồng thời cũng là nghịch lý khi càng quan tâm đến con người và thời gian thì nhà thơ lại càng nhận ra những bất cập, thậm chí là mâu thuẫn, xung đột phũ phàng với hiện tại. Do vậy, nhà thơ phải trầm tĩnh để nhận diện cuộc sống và con người trong cái nhìn đa chiều, nhất là nhìn sâu vào bản thể cá nhân và cuộc sống đời thường.
Với lối tư duy đa chiều, thơ Phùng Hiệu trở nên giàu hàm lượng nghĩa, chuyển tải được nhiều vấn đề cấp thiết, những nghịch lý của xã hội, đặc biệt là những thân phận bé mọn trong cõi nhân sinh rộng lớn này. Nhà thơ trăn trở, đối thoại và gieo vào thơ những cảm thức mới để đưa thơ gần gũi với đời hơn.
Hành trình sáng tạo nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng là một hành trình đầy khó nhọc, lắm thác ghềnh. Vì thế đã dấn thân và dám hy sinh để theo đuổi đam mê đó là điều không phải ai cũng đủ can đảm để làm được. Với Phùng Hiệu, tôi tin anh có đủ dũng khí và hội đủ những yếu tố, phẩm chất thi sĩ để anh đi, để anh thực hiện đến đích khát vọng của đời mình.
Nguồn: https://vanvn.vn/