- Chân dung & Phỏng vấn
- Lê Văn Thảo – “Ông cá hô” làng văn
Lê Văn Thảo – “Ông cá hô” làng văn
NGUYỄN THANH
Lê Văn Thảo (1939-2016), tên thật là Dương Ngọc Huy, quê ở Long An, là một nhà văn Nam bộ có vị trí cao trong kháng chiến chống Mỹ. Là sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn, ông thoát ly vào chiến khu (1962) làm công tác văn hóa văn nghệ. Lê Văn Thảo bắt đầu viết về đề tài nông thôn và chiến tranh du kích. Từ năm 1965, ông đã có tác phẩm: Truyện ngắn (12), một tập Truyện ngắn chọn lọc, Tiểu thuyết (5), Tiểu luận (3). Truyện ngắn Ông cá hô, được đạo diễn Trần Mỹ Hà dựng thành phim và Lê Vũ Cầu thủ diễn vai chính.
Nhà văn Lê Văn Thảo (1939 – 2016)
Ông từng là: Phó Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (2000-2010), Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (2005-2010). Ông được phong tặng các giải thưởng: + Giải A tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt nam (1998 và 2003), Giải thưởng Văn học Asean (2006) với tiểu thuyết Cơn giông, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2012) với tác phẩm Con đưòng xuyên rừng và Tuyển tập Truyện ngắn.
Sau ngày thống nhất, anh em văn nghệ sĩ đất Tây Đô có nhiều điều kiện tốt và cơ hội thuận lợi để làm công tác văn học nghệ thuật. Ngoài các buổi họp chuyên môn trong cơ quan, là những chuyến đi thực tế đó đây, hoặc tiếp xúc trực tiếp để học hỏi với những văn nghệ sĩ từ chiến khu mới về hoặc từ Hà Nội vào. Cả những cuộc trò chuyện tâm sự bên lề hành lang văn nghệ hay nơi quán cóc lề đường, luôn mang đến cho những người cầm bút cọ, hoặc ôm đàn, máy ảnh đi sáng tác. Trong buổi bình minh giải phóng, sau khi kết thúc buổi họp chiều ở Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, tôi có mời một số anh em văn nghệ sĩ gồm có các nhà văn: Lê Văn Thảo (1939-2016), Trần Thanh Giao (1932-2016), Nguyễn Khai Phong (1942-2019)…; nhà thơ: Lê Chí, Nguyễn Trọng Tín, nghệ sĩ Tô Hoàng Vũ… đến nhà hàng Hoa Sứ cạnh Công viên Nước – Cồn Cái Khế. Sau bữa cơm thân mật, cả nhóm hào hứng, tiếp tục kéo nhau đến quán Cà phê Văn nghệ Chi tại 136 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để chơi hát karaoke. Trong cuộc vui khoảnh khắc nơi quán khách, anh em nghệ sĩ bốn phương có dịp hàn huyên tâm sự thoải mái bao chuyện riêng tây. Đáp tại tụ điểm thứ hai này, sau khi hát rất hay, rất đúng giọng và chắc nhịp một bản tân nhạc quen thuộc, nhà văn Lê Văn Thảo, khác hơn mọi lần với bản tính điềm đạm ít nói, hôm ấy tỏ ra vui vẻ, đã chân tình tâm sự khiến anh em hiểu được nhiều về thân thế của anh để thêm thương mến và kính trọng anh.
Nhà văn Lê Văn Thảo xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng mà các thành viên đều gắn bó với cuộc đấu tranh chống xâm lược của dân tộc. Anh sinh ra tại Thủ Thừa, tỉnh Long An nhưng kéo dài suốt cả tuổi thơ ở quê ngoại gần cù lao Giêng, một địa linh nhân kiệt của vùng đất An Giang thế núi hình sông hùng vĩ, hữu hình sông. Khoảnh khắc anh em có dịp gần gũi nhau trò chuyện, nhà văn Lê Văn Thảo đã tỏ ra rất tự hào khi nhắc đến cha mình là ông Dương Văn Diêu, một cán bộ tập kết, từng làm Hiệu trưởng trường Học sinh miền Nam ở Bắc, đã vượt Trường Sơn về Nam, thành lập ngành Giáo dục Giải phóng, làm Trưởng Tiểu ban Giáo dục, đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh, sau này đều thành đạt và có người trở thành nguyên thủ quốc gia. Ông Dương Văn Diêu là em bà con chú bác ruột với tướng cách mạng Dương Văn Nhựt. Bào đệ của Lê Văn Thảo là nhà văn Lê Văn Duy, nguyên Giám đốc Hãng phim Truyền hình Nguyễn Đình Chiểu, và Dương Cẩm Thụy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Các em của Lê Văn Thảo là Dương Quốc Đạt, giáo viên và Dương Cẩm Thúy, học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi trong chiến khu. Em gái thứ sáu của Lê Văn Thảo là Dương Thị Lệ Chi, đã hy sinh trong một trận càn của giặc vào năm 1970. Lê Văn Thảo chỉ có một con trai duy nhất là Dương Tuấn Phong vì nhà văn và vợ đã ly hôn nhau từ lúc Tuấn Phong mới 3 tuổi.
Năm 1962, hai anh em Lê Văn Thảo và Lê Văn Duy, đang học Ban Khoa học Đại học Sài Gòn, làm theo lời cha dặn mẹ, bảo cả hai cùng vào chiến khu. Nhớ lại dạo ấy, vì không chịu nỗi chế độ lúc bấy giờ, nhiều trí thức và văn nghệ sĩ đã bỏ cuộc sống ở thành phố, vào rừng theo cách mạng như anh: soạn giả Trần Hữu Trang (1906-1966) – Tư Trang (hy sinh vì bom Mỹ B.52 (1966) tại Xa Mát-Tây Ninh), sinh viên Trần Triệu Luật, giáo sư – nhà thơ Trần Quang Long * (cả hai người sau này chết (1968) bởi một quả bom 500kg của phi cơ oanh tạc Mỹ F.105, tại cùng một hầm trú bom ở chiến khu D). Nhà văn Lê Văn Thảo từng tham gia nhiều chiến dịch trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Riêng trường hợp của nhà thơ Lê Anh Xuân (1940-1968) – tên thật là Ca Lê Hiến – tác giả bài thơ nổi tiếng “Dáng dứng Việt Nam”, được đưa vào chương trình Văn Trung học Phổ thông, Lê Văn Thào đã cho biết: anh cùng nhà thơ liệt sĩ này đều là sinh viên đã bỏ Sài Gòn vào rừng, ở cùng một đơn vị, chơi thân nhau và tham gia vào cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và tiến vào Sài Gòn. Nhưng trưa ngày 24-5-1968, Lê Anh Xuân đã hy sinh dưới hầm bí mật (HBM), anh Thảo cùng anh em đã tranh thủ đem chôn Ca Lê Hiến tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo vốn đã trân trọng và coi tác giả “Mùa gió chương” là bậc đàn anh. Một lần, khi có người nhắc đến bộ phim nổi tiếng “Cánh đồng hoang” dựng từ truyện ngắn cùng tên của một nhà văn cùng thế hệ, đã đoạt giải Quốc tế, cũng nói về một đôi vợ chồng làm giao liên giữa đồng Tháp Mười, gần giống với cốt truyện của anh, nhà văn Lê Văn Thảo tỏ ra có biết chuyện tác giả kịch bản ấy, lấy gần như nguyên cốt truyện “Đêm Tháp Mười” của mình. Dù vậy, Lê Văn Thảo lại có cách ứng xử trầm tĩnh và có văn hóa. Anh nói: “Cánh đồng hoang là phim, còn Đêm Tháp Mười là truyện, giống nhau cũng có sao đâu”, đúng là cốt cách của một nhà văn đôn hậu, rộng lượng với bạn bè đồng nghiệp. Bởi vì anh nghĩ: xấu chàng hổ em, xét cho cùng đều là giới văn chương nghệ thuật cả. Ai lại “vạch áo cho người xem lưng”. Với những nhà văn mà anh coi là bậc đàn anh như Bình Nguyên Lộc (1914-1987), Anh Đức (1935-2014), Nguyễn Quang Sáng (1932-2014)…, anh vẫn nể trọng. Kính trên thương dưới, trước lớp đàn em văn nghệ sau anh như: Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam…, nhà văn Lê Văn Thảo vẫn tỏ ra thái độ chân tình, khách quan khi nhận xét với tính cách khuyến khích, tán thưởng để họ có được niềm tin, vững dạ tiếp bước trên con đường nghệ thuật đã chọn.
Cuộc đời và tính cách của Lê Văn Thảo hầu như được phản ánh trung thực qua những trang viết trong tác phẩm của nhà văn. Đó là cuộc sống cần cù trong lao động và dũng cảm trong chiến đấu, nồng nàn trong tình cảm thủy chung với đất nước và dân tộc. Từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tiểu luận, nội dung tác phẩm nào, Lê Văn Thảo cũng đã nói lên tính cách, sinh hoạt và phẩm chất chung của người dân Nam bộ. Tiêu biểt trước hết là truyện ngắn Ông cá hô của nhà văn. Tác giả, trong truyện xưng tôi, kể lại chuyện một gánh hát vườn, về diễn ở Cồ Te, tại làng quê mình, bị rả gánh vì ít người đi coi. Đào kép phải tản mạn các nơi để kiếm sống. Chỉ có đào Hồng Điệp và kép Hoàng Dương cùng quê ở Rạch Giá, là vẫn ở lại cồn mà không đi đâu. Kép Hoàng Dương cất một cái chòi ở đầu cồn để đánh lưới, bắt cá hô. Còn đào Hồng Điệp được bà Ba, chủ một quán cà phê cho làm người phụ việc. Sáu Dương sắm ghe, giăng lưới, bắt cá hô nơi chú được nghe người già kể lại. Họ thấy có con cá hô nổi lên lớn bằng tấm ván ngựa, vẩy ánh bạc, hai mắt lớn bằng hai cái chén. Nó quẩy một cái làm mặt sông nổi sóng lên rồi lặn mất. Chú tìm cách đánh bắt mà không được. Nhưng Sáu Dương không thất vọng: “Đám cá hô này thành tinh rồi, nhưng tao cũng đã tu luyện mấy kiếp, chưa biết ai hơn ai đâu”. Tác giả, với lối văn tự nhiên, mộc mạc, không tỉa gọt, đặc chất Nam bộ, qua cách quan sát tinh tế, vẽ đã diễn tả rất khéo và hấp dẫn người đọc từ tả loài vật (con cá hô), đàm thoại, người (Sáu Dương) đến hoạt cảnh (đua ghe), sinh động nhất là xen: Sáu Dương giao đấu với mấy tên lính, ai đọc cũng cảm thấy rất thích thú, hấp dẫn: “Một tốp lính đứng vòng quanh, chú Sáu Dương đứng chính giữa…: – Mày là thằng nào? / – Tôi là người bắt cá hô / – A, thằng bắt cá hô, mày nghe đây! Tên lính cười sằng sặc nói tiếp: Chuyện lặn hụp dưới nước bắt cá hô là chuyện của mày, còn chuyện đi coi hát chơi giỡn với mấy con đào là chuyện của tụi tao, mắc mớ gì tới mày mà mầy xía vô? Hay mầy muốn giành mấy con đào hát với tụi tao? – Tôi không giành giựt gì hết, nhưng mấy ông phải để yên cho người ta hát; – Trời ơi đào hát là để chưng diện cho mọi người, chớ chẳng lẽ đem giấu trong buồng. Thôi được rồi, tao phải tính cho xong chuyện này. Mày muốn chơi theo kiểu nào? – Mấy ông có súng mà bắn chết tôi lúc nào chẳng được. – Súng thì tụi tao không bắn rồi. Tên lính điềm nhiên đáp: –Nhưng tụi tao sẽ bắn chết đứa nào vô can vụ này. Mày chơi chớ? – Được rồi nhưng tay không chớ? – Dĩ nhiên rồi. – Từng người một nghen, hết người này tới người khác. Ai có cà rá hoặc đồng hồ cũng phải gở ra hết. Tên lính đầu tiên là một thằng say nên chú Sáu Dương dễ dàng đấm trúng mặt nó, nó té sấp xuống úp mặt xuống mặt đường, nước mắt nước mũi lẫn với máu lầy nhầy trên lớp đất cát. Tên thứ hai thật dữ dằn mặc dù cũng say nhưng nhảy tới nhảy lui như con chồn đèn…”. Rồi đến tên lính thứ ba… khi Sáu Dương đã kiệt sức. Mãnh hỗ nan địch quần hồ, chú Sáu dành chịu. Nhưng Sáu Dương cũng đã dốc lòng can thiệp vì thấy bọn lính đến chọc ghẹo đào Hồng Điệp đang lúc trình diễn.
Đến Cơn giông, tiểu thuyết được coi là hay nhất (Các nhà xuất bản: Trẻ (2002), Hội Nhà văn đã in), nhà văn Lê Văn Thảo lấy bối cảnh ở đầm Thị Tường tại rừng U Minh, chiếc nôi kháng chiến của miền Tây Nam bộ – nơi tác giả cùng anh em đồng chí đã sống thực những ngày gian khổ và chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, còn đầy ắp những kỷ niệm không quên. Chính tiểu thuyết quan trọng này đã mang đến cho nhà văn Giải thưởng Asean cao quý (2006), làm vẻ vang cho làng văn nước nhà. Dù có những ý kiến khác nhau, nhìn lại tác phẩm Cơn giông, nhiều nhà văn và người phê bình, cho đó là một bản trường ca, đậm chất trữ tình, mang tính cách một thông điệp của tác giả, kêu gọi mọi người hướng tới vẻ đẹp cao khiết của tâm hồn, để kiến tạo nên một cuộc sống nhân văn tươi thắm hôm nay.
Lê Văn Thảo là một trong ba nhà văn lớn của đất Nam bộ cùng các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, vinh dự được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về Văn học Nghệ thuật. Nhà văn Lê Văn Thảo là một tấm gương sáng cho người làm văn học, nhất là thế hệ trẻ, về đức nhẫn nại chịu đọc, chịu nghĩ và luôn học hỏi ở các thế hệ nhà văn đi trước: Hồ Biểu Chánh (1884-1958), Lan Khai (1906-1945), Khái Hưng (1896-1947), Nhất Linh (1906-1963)… để được tiến bộ. Quan niệm về sáng tác, nhà văn Lê Văn Thảo tâm sự: “Nhà văn cần có trước tiên sự chân thật: Sống chân thật để viết chân thật, viết từ lòng mình, sâu thẳm trong trái tim mình, một chút mạ vàng sẽ lộ ra ngay… Che giấu với người đời, nhưng không thể che giấu với chữ nghĩa. Kế đến là sự tỉnh táo. Tỉnh táo để nhận ra những rung động trong lòng mình có hòa nhịp với cuộc sống bên ngoài hay chưa, để nhìn sự vật một cách khách quan y như nó đang diễn ra”.
Trong đời thường, nhà văn Lê Văn Thảo là một kẻ sĩ rất khiêm tốn, kiệm lời, trong tác phẩm, chắc nhà văn cũng thầm ước sao cho ai nấy sống được như Sáu Dương trong Ông cá hô để xã hội có được những “Ông cá hô ” thực mà không ảo trong đời thường cũng như xã hội văn chương.
Nguồn: Báo Văn nghệ