TIN TỨC

Lưu lại chút tình | Nguyễn Trường

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-02 11:11:16
mail facebook google pos stwis
1012 lượt xem

NGUYỄN TRƯỜNG

Tôi được gặp nhà văn Nguyễn Khải ở trại sáng tác văn học Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ khoảng năm 1986. Trại sáng tác đó để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là được nhà văn Nguyễn Khải đến trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Tôi học được ở ông những chỉ bảo vô cùng quý báu về nghề viết văn.

Quả là hồi đó ở trại viết văn tại Cần Thơ, truyện ngắn Đêm chiến tranh của tôi được nhà văn Nguyễn Khải chú ý, và có lẽ từ đó ông theo dõi những sáng tác của tôi. Duyên may, Hội Văn học nghệ thuật Long An tổ chức trại sáng tác văn học. Chủ tịch hội giao cho tôi nhiệm vụ đi mời các nhà văn tên tuổi xuống Long An để trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các trại viên. Lần đó tôi mời cả nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cùng về trên một chiếc xe hơi. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nói chuyện trước với anh em trại viên (Lúc đó tiểu thuyết Cù lao tràm của ông đang nổi như cồn). Nhà văn Nguyễn Khải nói với tôi: “Ngày mai mới đến lượt anh nói chuyện, em đưa anh đi về nông thôn Long An, anh cần đi thực tế ở vùng đất này”. Tôi nảy ra ý định, đưa nhà văn Nguyễn Khải về nhà ông già vợ tôi ở huyện Châu Thành. Đây là vùng sâu vùng xa, là căn cứ cách mạng thời chống Mỹ, có “đám lá tối trời” nổi tiếng. Nhà văn Nguyễn Khải đồng ý ngay. Đây là dịp tôi học xem nhà văn lớn đi thâm nhập thực tế như thế nào. Quả nhiên nhà văn Nguyễn Khải nói chuyện với ông già vợ tôi rất say sưa. Xung quanh nhà ông nhạc tôi trồng rất nhiều cây dừa nước. Nhà văn hỏi, ghi chép rất tỉ mỉ về cây dừa nước, trồng như thế nào, lá dừa nước cao cỡ bao nhiêu thì thu hoạch. Rồi cách xé lá, cách phơi lá, cách lợp lá dừa nước trên mái nhà... Rất chi tiết. Quả là nông thôn Nam bộ có nhiều chuyện lạ, nhà văn tìm hiểu, ghi chép cả mấy chục trang giấy. Thế mà tôi về quê vợ hàng trăm lần chả ghi chép gì, lại cứ đi tìm những tư liệu đâu đâu. Qua lần đi thực tế với nhà văn Nguyễn Khải, tôi mới vỡ lẽ, xung quanh ta có rất nhiều chuyện hay, chỉ cần chịu khó tìm hiểu, chịu khó lắng nghe và ghi chép lại, sẽ thành tư liệu, vô cùng sống động cho chúng ta sáng tác. Nhưng cái có thật đó quý vô cùng vì nó thuyết phục độc giả tin theo, có niềm tin độc giả mới rung động trước trang viết của mình.

Lại một lần đi thực tế vào đồng Tháp Mười, tôi có buổi trò chuyện với hai ông già, một ông tên là Ba Quốc Hội, người to khỏe, mập mạp và lanh lợi. Một ông là thư ký cho ông Ba Quốc Hội, người gầy gò, nước da trắng trẻo. Câu chuyện xoay quanh cái trạm máy cày của hai ông bên bờ kinh xáng. Chuyện trồng lúa, chuyện mùa nước nổi, chuyện cày đất cho bà con gheo sạ... Tôi cũng đã ghi rất tỉ mỉ những chi tiết lạ. Ấy thế mà về tôi chẳng viết được một bài bút ký hay một truyện ngắn nào. Khoảng mấy tháng sau, tôi ngạc nghiên khi đọc truyện ngắn “Hai ông già đồng Tháp Mười” của Nguyễn Khải đăng trên báo Văn nghệ. Ôi, toàn những chuyện quá quen thuộc vì tôi đã gặp, ghi chép về hai nhân vật này. Nhưng vì sao Nguyễn Khải viết nên truyện ngắn hay thế mà tôi thì không?  Thì ra, nhà văn Nguyễn Khải đã phát hiện ra vấn đề của câu chuyện đời hai ông già đồng Tháp Mười. Khi có tư tưởng vấn đề rồi, nhà văn huy động tất cả những chi tiết có thật đó phục vụ cho câu chuyện. Có những chỗ tác giả hư cấu thêm để câu chuyện sống động. Cái có thật là cuộc đời, tính cách trái ngược nhau giữa hai ông già. Một người giàu có, cuộc đời luôn gặp may, gặp suôn sẻ, gia đình đề huề hạnh phúc... Một người dù có học, nhưng cuộc đời gặp toàn cảnh trái ngang, bất hạnh, đến nỗi muốn lao đầu vào xe ô tô để quyên sinh nhưng lại nhát gan nên không dám. Ông trôi nỗi thế nào lại gặp ông Ba Quốc Hội. Ông Ba đang cần người có chữ làm sổ sách, kế toán. Số phận họ bù trừ, bổ sung cho nhau. Cứ như âm với dương, mảng đen để bên mảng trắng, làm nổi bật tính cách của nhau. Thì ra nhà văn lớn khác người ở phát hiện ra vấn đề từ gợi ý thực tế đời sống, đó chính là tư tưởng.

Sau này tôi làm việc tại nhà xuất bản Thanh niên, đã tổ chức tái bản lại 8 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khải. Tiểu thuyết Nguyễn Khải thường mỏng, 8 cuốn chỉ in làm 2 tập, tập 1 dày 726 trang, tập 2 dày 463 trang, khổ 15 x 22 cm, xuất bản năm 2001. Tôi có dịp đọc lại toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Khải. Như lời giới thiệu chúng tôi in ở đầu cuốn sách: “Kể từ truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Khải “Ra ngoài” được đăng trên tạp chí Lửa mới của Chi hội văn nghệ Liên khu Ba, tới nay đã tròn nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ cầm bút viết báo, viết văn của Nguyễn Khải cũng chính là cuộc hành trình về tinh thần của tác giả cùng với các nhân vật của mình. Các nhân vật của ông không có kỳ tích gì đặc biệt, họ là những người của nhiều ngành nghề, sống lẫn lộn với chúng ta, có những ước mơ và hy vọng, lo lắng và buồn vui như mỗi chúng ta. Nhưng những nhân vật ấy đều có sức quyến rũ riêng vì họ không cam chịu phục tùng số phận, luôn tìm cách vượt khỏi cái khuôn khổ đã quy định để vươn tới những cái đích cao hơn, đẹp hơn. Họ là tu sĩ của đạo Thiên Chúa hay đạo Cao Đài (Cha và con và...; Điều tra về một cái chết); là chuyên viên của tòa án, một giám đốc nông trường (Một cõi nhân gian bé tí; Thời gian của người); hay chỉ là một anh cán bộ vô danh dưới thôn ấp suốt những năm đánh Mỹ (Vòng sóng đến vô cùng). Tất cả những gương mặt ấy đều ưu tư, đều hướng vào bên trong để tự vấn, tự quan sát với nhiều âu lo, khắc khoải. Và những tuyên ngôn của họ, những tiếng kêu cứu của họ đều làm ta cảm động. Đều có sức ám ảnh khiến ta không thể an tâm với cuộc sống bình lặng như trước đây nữa.

Chính vì sách của Nguyễn Khải không chịu già đi, cũ đi nên chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc hôm nay “Tuyển tập tiểu thuyết Nguyễn Khải”.

Tôi còn nhớ, hôm ấy tôi mang bản thảo 8 cuốn tiểu thuyết của ông đã được vi tính, biên tập sạch sẽ cùng Lời giới thiệu nói trên đến nhờ ông xem lại. Hồi hộp nhất là Lời giới thiệu, chúng tôi viết không như những lần viết lời giới thiệu các cuốn sách khác, có vẻ hơi bay bướm, biết nhà văn có đồng ý không. Sau một thời gian khá dài, ông gọi tôi đến nhà trao đổi và giao lại tập bản thảo đã được ông sửa chữa khá nhiều, nhất là Lời giới thiệu, cho khiêm tốn hơn. Ông còn ghi vào bìa bốn cuốn sách làm chúng tôi rất thích: “Bản in này là ấn phẩm hoàn chỉnh nhất, có thể làm căn cứ cho các lần tái bản sau nếu như còn có nhiều người vẫn muốn tìm đọc”.

Có người cho rằng văn Nguyễn Khải nhiều chất thông tấn. Sau khi đọc hết trước tác của ông, tôi không cho là như thế. Ông cố tình làm ra vẻ như thế. Hãy đọc các tác phẩm của ông, chuyện ông mô tả đều là sự thật, có địa chỉ thật, tên nhân vật cũng có thật, nhưng đàng sau cái thật đó là vấn đề của truyện, được ông sắp xếp “đẽo gọt” nó theo ý tưởng của mình nên cái có vẻ sự thật ấy không còn là sự thật nữa mà hay hơn, cao hơn sự thật, nó đã thành áng văn chương tuyệt mỹ. Văn ông thông minh bởi hay triết lý, triết lý từng câu, từng đoạn, từng chương khá sâu sắc. Văn Nguyễn Khải hay ở tầm tư tưởng.

Nhà văn Nguyễn Khải đã cho tôi rất nhiều bài học như thế. Sau này, tôi có tiến bộ hơn nhờ những lần đến nhà trò chuyện với ông. Nhà văn Nguyễn Khải vào sài Gòn, định cư ở quận 4, có thời gian ông chuyển lên Gò Vấp. Dù chuyển đến đâu ông cũng gọi điện cho tôi thông báo địa chỉ. Có vẻ như nhà văn Nguyễn Khải thích nói chuyện với tôi. Mà khi gặp mặt, chủ yếu là ông nói, còn tôi chỉ lắng nghe, thỉnh thoảng xen vào câu hỏi, với nghề có quá nhiều chuyện để hỏi. Tuy nhiên cũng có khi tôi làm ông ngạc nhiên. Đó là lần tôi bạo gan nhận xét: “Em thích nhất cuốn “Điều tra về một cái chết”. Đó là cuốn tiểu thuyết hay nhất của anh”. Nguyễn Khải nhìn tôi, hỏi ngay “Vì sao?”. Được khuyến khích, tôi nói: “Đây là cuốn tiểu thuyết luận đề. Anh dùng thủ pháp ẩn dụ, điều tra về cái chết của Lễ sanh Tư Tốn, một người sống gần với lãnh tụ của đạo, nhìn thấy tất cả những cái tầm thường của cấp trên, cũng như những bất cập của một nền đạo, anh ta muốn cải tổ nó, nhưng bị cái guồng máy đó nghiền nát”. Nguyễn Khải chợt nắm lấy tôi xiết chặt. Tôi hiểu cái bắt tay bất ngờ của ông, vì ông vốn sống chín chắn, ít bộc lộ cảm xúc đột ngột như thế. Từ đó Nguyễn Khải mới chịu khó đọc truyện của tôi. Ông tỏ ra thích cuốn tiểu thuyết Mộng đế vương. Ông khen những phần viết tốt và chê phần viết chưa hay một cách thẳng thắn, chỉ mong tôi tiến bộ. Ông bảo tôi nên tái bản lại cuốn tiểu thuyết và sửa lại những phần mà ông đã góp ý. Tôi nghe lời ông, nhưng do bận công tác quản lý của nhà xuất bản nên sửa chữa rất chậm. Mấy năm sau, hình như ông thấy sức khỏe của mình càng ngày càng tệ, ông lại giỏi tử vi, sợ không còn sống được bao lâu nữa nên kêu tôi đến nhà và đưa cho tôi bài “Mấy lời giới thiệu” viết về cuốn tiểu thuyết của tôi. Trong bài giới thiệu đó ông viết: “Cũng vì tôi mới chỉ đọc được những phần mà Nguyễn Trường đã sửa, nói cho đúng hơn, đã viết lại cho lần tái bản, mà chưa đọc hết những phần viết lại còn chưa hoàn thành. Chưa được đọc đầy đủ một cuốn tiểu thuyết đã được viết lại mà dám viết bài giới thiệu với bạn đọc là sao? Là do Nguyễn Trường tin lời tôi nói rằng năm 2002 rất có thể tôi phải giã từ bạn bè, nên yêu cầu tôi cứ viết trước, theo cái cảm nhận tổng thể của bản in lần đầu, cũng là lưu lại một chút tình với người bạn vong niên”. Tôi cảm động không nói nên lời, có lẽ lần đầu tiên Nguyễn Khải viết lời giới thiệu một cuốn sách, mà lại là cuốn sách còn chưa hoàn chỉnh.

Thế mà cuốn Mộng đế vương mãi đến năm 2019 tôi mới tái bản được. Nhà văn Nguyễn khải thì đã từ giã chúng ta hơn một thập niên rồi. Trong lần tái bản cuốn sách, tôi chụp lại bản đánh máy, có những chữ viết tay và chữ ký của nhà văn Nguyễn Khải, in ở đầu cuốn sách. “Cũng là lưu lại một chút tình với người bạn vong niên” như nhà văn đã viết. Mà hơn cả bạn vong niên, ông là người anh lớn, là người thầy đầu tiên trên con đường viết văn của tôi.

Nguồn: Văn nghệ số 17+18 (ngày 29-4-2023)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi khiến triều Nguyên nể phục
Mạc Đĩnh Chi là vị trạng nguyên nổi tiếng thông minh uyên bác. Sinh thời, ông để lại nhiều giai thoại hay, thể hiện tài ứng đối hơn người.
Xem thêm
Trương Tuyết Mai - Nàng thơ mắt ghe bầu & Ra mắt sách Hòa âm đêm
Videoclip hình ảnh tổng hợp về buổi Gặp gỡ, giao lưu với nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo – Không chỉ là Cõi Nhớ
Phóng sự hình ảnh Lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật thơ nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ”.
Xem thêm
Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài và một số bản dịch chưa được biết đến ở Việt Nam
Cho đến nay có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh là hai trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Thế nhưng, cho đến nay số ngôn ngữ đã dịch và số bản dịch được xuất bản của hai tác phẩm này vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ và thống nhất.
Xem thêm
Chuyển hoá thế trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng/BQP
Xem thêm
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết
Bài trả lời phỏng vấn của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng
Xem thêm
Câu đối trong đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ
Nhớ lại hơn hai chục năm trước, từ miền nam, lần đầu tiên tôi được đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Vùng đất bảo tàng với chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đánh dấu sự chấm hết của thực dân Pháp trên đất nước ta; giải phóng một nửa đất nước đã thắm biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào; trong đó có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174.
Xem thêm
Theo chân VietNamNet về thăm lại chốn xưa: Bến Tre, Tiền Giang
Báo VietNamNet vừa tổ chức hành trình xuôi dòng Mekong bên lề cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”.
Xem thêm
Những hình ảnh đẹp, ấn tượng và ý nghĩa về Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong bảng tổng kết sau đó, trong thời gian 36 ngày đêm trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi…
Xem thêm
Ngày thơ Việt Nam xuân Giáp Thìn tại TPHCM – Những điều đọng lại
Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu bản tổng kết của Ban tổ chức Ngày thơ cùng các clip hình ảnh tiêu biểu về lễ hội đầu xuân này.
Xem thêm
Đi tìm đồng bạc con cò trong câu hát xưa
Cách gọi đồng bạc hoa xòe cũng chính là dựa vào hình hoa văn dập nổi trên một mặt của đồng xu mà mặt kia là hình con cò.
Xem thêm
Phùng Khắc Khoan - Thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do học giả Ngô Đức Thọ chủ biên, mục 1503 trang 481 có ghi: “Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
Xem thêm
Báo Quân giải phóng miền Nam - Một công trình khoa học trân quý
Ra đời trong bão táp và xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Miền Nam nói chung, các LLVT GP MNVN nói riêng, cách đây tròn 60 năm, báo Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam- cơ quan ngôn luận của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam ra đời.
Xem thêm