- Thế giới sách
- Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
THAY LỜI TỰA
Nhà văn TRƯƠNG ĐẠM THỦY
Hình như Thiên Hà được sinh ra dưới chòm sao Thiên Mã hay sao nên anh chàng ít khi chịu dừng chân một chốn nào. Anh bạn nhà thơ cứ đi liên tục, rày đây mai đó, nay chốn này mai chốn kia dù vẫn đang có mái nhà yên ấm để làm một chỗ trở về mỗi khi... đường xa ngựa mỏi.
Từ thi tuyển “Mặt Trời Châu Thổ & Những Niệm Khúc Rời” (NXB Hội Nhà văn 2018) đến thi tập “Bây Giờ Là Mai Sau” (NXB HNV2021) của Nhà thơ Thiên Hà, gần như là những dòng thơ du ký trong cuộc hành trình bút mực của thi nhân.
Mỗi lần đi qua một nơi chốn nào đó Thiên Hà đều có để lại hình ảnh chốn ấy trong thơ của anh. Nơi Cuối Việt năm 1959 anh viết Đêm dậy thì thì năm 2016 lại thấy anh du hành đến Houston – Texas. Anh cảm thán: “Chưa đi chưa biết Houston/ Đi rồi mới biết nóng hơn Saigon”. Năm 1969 nhà thơ cơ hàn thuê nhà trọ ở Xóm An Đông lụp xụp để rồi có đêm “Chiêm bao thấy bình minh”: “Choàng mở mắt mới hay mình đã ngủ/ Đã nằm mơ thấy ánh mặt trời”. Ai có sống ở cái thời ấy mới hiểu nỗi cái nỗi niềm thức ngủ giữa chiêm bao của người hàn sĩ. Trải qua bao nhiêu năm tháng cho đến năm 2004 người thơ Thiên Hà lại có một chuyến về rừng. Rừng Mã Đà đêm 16/3/2004. Có lẽ đêm rừng Mã Đà buồn, buồn lắm nên Thiên Hà bỗng nhớ đến quê nhà và làm bài thơ tặng thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Anh vẫn nhớ mùa này rừng thay lá/ Mùa thủy chung xanh biếc quyện sắc mây/ Bìm bịp kêu khan giữa chiều nước lớn/ Rễ đước chang nôm sừng sững tháng ngày” (Trái đước ngòi lá tre).
Con người rong chơi Thiên Hà này cũng lạ, ngày khánh thành cầu Cần Thơ 24/4/2010 chẳng biết từ đâu anh quảy ba lô về tham dự lễ khánh thành cây cầu dây văng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long này. Anh phấn khởi reo lên trong thơ: “Khi qua một chiếc cầu/ là qua một dòng sông/ qua bến bờ hạnh phúc...”. Đúng là cây cầu hạnh phúc mà có biết bao thế hệ đời người từng ước mơ mà họ chẳng bao giờ có cơ may được nhìn thấy. Thiên Hà đã thu hình cây cầu lịch sử vào trái tim đầy xúc động của anh.
Năm 1994, chàng thi sĩ Thiên Hà lại rong ruổi ra tận miền Trung leo lên chót vót ngọn Ngũ Hành Sơn để... nâng bầu rượu mở túi thơ:
“Non nước trời chiều quyện sắc mây/ Hồn thiêng sông núi phả đâu đây/ Bàn tay năm ngón xanh như ngọc/ Hóa Ngũ Hành Sơn giữa chốn này/ Nặng kiếp sông hồ rong ruổi mãi/ Nghiêng vai trút nhẹ gánh thơ đầy/ Chơi vơi bầu rượu tình nhân thế/ Uống mãi mà sao chưa thấy say.”
Tất nhiên nhà thơ “khi hứng ngôn” nói uống mãi sao chửa thấy say là nói cho nó... lung linh lóng lánh vậy thôi chớ lên núi cao mà uống rượu say cũng dễ... thành người thiên cổ lắm. Nhưng Thiên Hà là vậy, dù có say té lên té xuống cũng vẫn nói sao chửa thấy say!
Tháng 12/2016 Thiên Hà lại lặng lẽ một mình quảy ba lô lên miền Tây Bắc nơi ngày xưa có đoàn quân không mọc tóc …Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng qua ngang đây. Cảnh trí non sông miền Tây Bắc hùng vỹ thơ mộng đã khiến Thiên Hà cảm xúc viết nên bài thơ đẹp “Tây Bắc Hành”:
“Đường lên Tây Bắc: Đèo, đèo, đèo.../ Xa tít mù xa gió rít theo/ Rừng thẳm núi xanh Đá, đá, đá/ Quanh co khúc khuỷu dốc cheo leo”.
Đường lên Tây Bắc đèo cao, núi đá, gió rét, mây mờ đã được người thơ vẽ ra bức tranh sơn thủy hữu tình mà chẳng kém màu hùng vỹ. Rồi trên Đường 279 miền Tây Bắc mù xa nhà thơ đã có một “Trưa Mường Lay” đầy nắng gió. Âm hưởng thơ đầy âm hưởng núi rừng: “Có cái nắng có cái gió/ Có cái chân là chân cứ đi/ Ông mặt trời ở bên kia núi/ Một điểm dừng không hẹn trưa Mường Lay”. Đường lên Mường Lay – Điện Biên Phủ xa hút “có cái nắng, cái gió”. Nhà thơ cũng theo cách nói đồng bào miền cao mà nói có cái chân là chân cứ đi. Cái chân của người thơ miền xuôi mãi mê hành trình sơn khê: Rồi người thơ vốn mang mênh chốn sông hồ có một chiều xuống chậm “Trên đỉnh Ô-Quy Hồ” man mác buồn: “Qua lũng qua truông sương bạc dốc đèo/ hoa mưa bay/ Ngang đỉnh phù vân chiều xuống chậm/ Ngọn Ô-Quy-Hồ tóc gió thơm mây/ Mây còn hôn rặng Fan-si-păng/ sao anh chưa kịp hôn môi em.”
Nhà thơ Thiên Hà
Bài thơ bất ngờ làm ta quên đi chàng thi sĩ lãng mạn này đã mang nặng trên vai hơn 70 năm tuổi tác. Mây còn hôn rặng Fan-si-păng, sao anh chưa kịp hôn môi em, một câu thơ buồn xa xót đến nhói lòng của một người thơ đã... quá nửa đời bút mực.
Và bây giờ, người bạn thân thương một thời Sài Gòn của tôi vẫn chưa có dấu hiệu dừng, trong khi tôi bắt đầu nghe thấm mệt… ngán ngẩm phải cầm bút. Cả hai cùng thượng thọ chớ ít ỏi gì! Đã bước qua ngưỡng cửa 81 mà Thiên Hà hãy còn xung độ. Anh vừa cho phát hành Hợp tuyển Bến Tâm Hồn 9: Sài Gòn xưa mà chưa cũ (NXB Hội Nhà văn) hồi cuối tháng Tư 2021 này. Trong cuộc họp mặt “bỏ túi” tại Nhà hàng Việt Phố hôm ấy, tôi được Thiên Hà tặng sách và còn cho biết NXB Hội Nhà văn đang ấn hành hai tác phẩm của anh, nếu không gì trở ngại sẽ tung ra thị trường vào cuối năm này. Đó là Tạp bút Hành trình bút mực và tập thơ Bây giờ là mai sau.
Không những thế anh còn “khoe” và bảo tôi: “Dù mày có làm biếng viết đến đâu thì cũng hãy viết chút gì đó gọi là thay lời tựa cho tâp thơ Mây Phương Nam của tao sắp xuất bản một vài năm tới, nghen mậy!” (có thể 2022-23 hoặc 24 gì đó không chừng?). Tôi không chắc còn đủ sức viết nỗi lời tựa cho Mây phương Nam nên cười trừ … Hạ hồi phân giải.
Nhà thơ Thiên Hà và nhà văn Trương Đạm Thủy
Vậy là Thiên Hà tiếp tục đi, tiếp tục viết… “trong cõi rất đêm bơ vơ/ rất ngày lạc lõng/ trong cuộc trường chinh chữ nghĩa/ không có chốn tận cùng”. Liếc qua Lời phủ dụ mở đầu thi phẩm Bây giờ là mai sau, tôi cảm thấy bạn tôi vừa quen lại vừa lạ. Thiên Hà hay là ai mà có những câu thơ tưởng chừng như cũ mà mới lạ đến bất ngờ: “Thế giới này còn ai nhớ ai/ ta ở trong ta ngoài vòng thế sự/ cứ ngỡ là thực/ mà không thực/ tưởng chừng như ảo/ mà không ảo/ Ta từ trong một tính thể/ cũng chỉ là/ một hữu thể tại thế/ trong một xã hôi huyễn hoặc/ hoài nghi/ trên hành tinh này!”. Còn nữa, Thiên Hà lại dấn bước đăng trình trèo lên đồi Napa trung tâm sản xuất rượu vang Cali để nếm vị men nồng: “… Napa em bên trời nhan sắc/ phảng phất hương xa thoảng vị nồng/ vang Cali âm vang khắp đất/ nếm thử em… hồn bỗng lâng lâng…”.
Được mấy nàng Kiều chính hiệu USA tiếp rượu sáng giá thế, mà bạn tôi luôn nhớ về quê nhà Đất mũi Cà Mau: “… Chút tình nước mặn trong veo/ theo tôi đến cuối bãi chiều trắng phau/ như bông sậy trắng mái đầu/ nửa hồn hoang mạc bóng câu qua thềm…”. Chợt đến chợt đi là hành trình của chàng trai cuối trời Tổ quốc. Mới thấy đang ngao du xứ Cờ Hoa, bỗng nhiên thi sĩ lại xuất hiện giữa cụm rừng già - Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát: “Thượng nguồn Vàm Cỏ Đông/ Nước xanh dòng biên giới…/ …Ơi em Apsara/ những đêm vàng nhung nhớ…”
Miền ký ức của thi nhân dạt dào sống dậy: “Ngày ấy là hôm qua/ Bây giờ thành kỷ niêm/ Chút tình thơ ngọc ngà/ Hãy còn đây! Bất biến”… (Ngày ấy bây giờ). Thiên Hà yêu cuộc tình bút mực, yêu thơ, yêu cuộc sống dọc tuyến hành trình 60 năm không hề mỏi mệt. Như một người bạn trẻ của tôi thuở nào, anh khẳng định với tôi: “Nghìn năm trước là hôm nay/ Nghìn năm sau nữa là đây - bây giờ…/ Ta còn ta như mai sau/ Thơ còn thức nhận nỗi sầu biển dâu/ Và, bây giờ là mai sau!”
Tuổi tác có ảnh hưởng gì đến tâm hồn của thi nhân, Thiên Hà vẫn đi, vẫn theo những hành trình bút mực, anh vẫn bước trên những dặm trường, qua dốc qua đèo, qua rừng, qua núi để mong níu được áng mây trời mà gởi kịp một nụ hôn ấm nồng vào cõi nhân sinh!
Thiết nghĩ, thi phẩm Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn, và lạ lẫm hơn về nơi chốn, về tình yêu, tình đất, tình người… Rất, rất đáng được quý bạn yêu thơ cân nó trên lòng bàn tay để nhớ, để thương và, để biết hơn một tâm hồn thi sĩ đất phương Nam cuối trời Tổ quốc- “Người cầm viết ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút hơn 60 năm qua!”
Saigon, tháng Năm, 2021
T.Đ.T
*Coi như đây là bút tích cuối cùng của Nhà văn Trương Đạm Thuỷ trước khi ngã bệnh rồi qua đời lặng lẽ tại Saigon hồi tháng 10-2021.