- Thơ
- Minh triết thi nhân | Phạm Trung Tín
Minh triết thi nhân | Phạm Trung Tín
Có thi nhân đã đi về miền xa thẳm, nhưng sự nghiệp văn chương còn thưc tỉnh lay động bao người.
“Kỳ mộ tâm linh” nhà thơ Hải Như tại Hoa viên nghĩa trang Chánh Phú Hoà, tỉnh Bình Dương.
Nhà thơ Hải Như đã an giấc ngàn thu bên người bạn đời 70 năm gắn bó, tại Hoa viên nghĩa trang Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương. Lăng mộ của ông bà được người con trai, kiến trúc sư Vũ Duơng Quân thiết kế, xây dựng là một công trình hài hòa hình khối, màu sắc, ánh sáng, không gian...đẹp như một công trình nghệ thuật.
Vào một sáng hè của tháng 5/2021, tôi và các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đến viếng ông bà. Lòng tôi rưng rưng xúc cảm, tôi đã thăm viếng mộ nhiều nhà thơ, nhưng chưa thấy có nơi an nghỉ vĩnh hằng nào của các bậc “tao nhân mặc khách” có vị trí phong thuỷ đẹp, có lối bố cục lăng mộ độc đáo, sang trọng, hoà hợp gần gũi thiên nhiên như lăng mộ của ông bà.
Hẳn với lòng thuong yêu kính trọng đối với song thân, nên người con KTS kia mới có thể tạo tác một “kỳ mộ” thanh cao đến vậy. Tôi nghĩ rằng đây là sự tưởng thưởng tôn vinh của những người còn sống với một nhà thơ có nhân thân đáng kính trọng, có nhân cách văn chuơng cao quý, mẫu mực như ông.
Hải Như là một trong số ít nhà thơ có riêng một tập thơ 41 bài viết về Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Thi phẩm THƠ VIẾT VỀ NGƯƠI của Hải Như là những bài thơ ngắn gọn, súc tích, có tính khái quát hoá cao, có góc nhìn thời đại sắc sảo và cách đánh giá minh triết nhân văn
“Bác Hồ đứng người sau không bị khuất”
Một câu thơ thần ca tụng một bậc vĩ nhân, một anh hùng thời đại và một nhà Văn hoá kiệt xuất của Việt Nam và của cả loài người.
Trong những ngày này, chúng ta đang gồng mình chống dịch, Đảng ta vẫn tiếp tục “đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì giá trị tư tưởng của câu thơ trên phát sáng và lan toả vô cùng. Nhưng đây là câu thơ đã viết 50 năm trước thì tính dự đoán, tính khoa học thật đáng khâm phục tự hào.
Tôi hân hạnh được đến thăm và dự các bữa cơm gia đình nhà thơ (vì tôi và người thơ “tài hoa yểu mệnh” Vũ Kỳ Anh là thi huynh thi hữu mấy chục năm” nên tôi biết rõ và gần gũi với văn hoá trọng khách của ông bà Hải Như và các thành viên của gia đình. Tôi dành cho ông bà tình cảm kính trọng của bậc con cháu, sự ngưỡng mộ tôn vinh của kẻ hậu sinh với bậc tiền bối văn chương tiết tháo).
Nhưng có một sự biết ơn vô cùng, niềm tự hào vô tận đối với tác giả bài thơ THÀNH PHỐ HOA PHƯỢNG ĐỎ, chính bài thơ của ông với ca khúc của nhạc sỹ Lương Vĩnh, đã trở thành “quốc ca” bất hủ của Hải Phòng. Tôi là người con của đất cảng mến yêu và tôi cũng như bao thế hệ người Hải Phòng rất quý trọng kính phục ông.
Thật tâm đắc với dòng chữ vàng tạc trên bia mộ:
NGƯỜI ĐẶT TÊN HẢI PHÒNG THÀNH PHỐ HOA PHƯỢNG ĐỎ
Ông thật xứng đáng với danh hiệu cao quý CÔNG DÂN DANH DỰ HẢI PHÒNG mà ông Đoàn Duy Thành, nguyên phó Thủ tướng chính phủ, nguyên Bí thư thành uỷ Hải Phòng thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng trao tặng cho ông.
Ông bà Hải Như và con trai tại chiền khu Việt Bắc 1949.
Kỷ niệm 5 năm ngày ông rời xa nhân thế, an nghỉ cõi vĩnh hằng, xin kính tặng ông nén hương lòng của một nhà thơ quê hương đất Cảng.
MINH TRIẾT THI NHÂN
Kính viếng Thi sỹ Hải Như
Kỷ niệm 5 năm ông yên nghỉ tại Hoa viên nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bình Dương
(30/6/2017 – 30/6/2022)
Chủ nhân căn nhà bên sông(1)
Cho khách thơ nghe ngôn từ minh triết
“Bác Hồ đứng người sau không bị khuất”(2)
Tâm thế đường hoàng ca tụng nét nhân văn
Bài thơ “Thành phố hoa phượng đỏ”
Tôn vinh Người Công dân danh dự
Hải Phòng hào sảng khúc ca vàng(3)
Khắc họa tâm tầm người đất Cảng hiên ngang
Tặng con trai bài thơ HOA SỮA(4)
Hương sắc Hà thành gởi người chiến sỹ
“Đêm Trường Sơn nhớ hoa sữa ơi “
Mặc đạn bom hủy diệt máu xương đời
Nghiệp văn luân lưu trong huyết quản
Tâm tình cha tình bạn gởi con mình
“NƯỚC MẮT THƠ”(5) ơi người thơ khuất lấp
Kiếp nhân sinh mặc định giữa vô thường
Vằng vặc rằm trăng soi cốt cách thi nhân
“Linh hoa tuệ đài” nâng giấc người an nghỉ
Trời đất hòa lưu hồn thi sỹ
“Vẫn mang theo hoa sữa bên mình”.
PHẠM TRUNG TÍN
Hội viên Hội Nhà văn VN
- Nhà thơ Hải Như ở số 27H, Nguyễn Hữu Cảnh, Q1 (bên bờ kênh Nhiêu Lộc)
- Câu thơ của nhà thơ Hải Như viết về Bác Hồ
- Bài hát Thành phố hoa phuợng đỏ được coi như “quốc ca” của Hải Phòng
- Vũ Bắc Dũng (con trai lớn: 1949 -1969) bộ đội tình nguyện, hy sinh chiến trường MN
- Tập di cảo NƯỚC MẮT THƠ: Vũ Kỳ Anh (con trai thứ 2: 1951 – 1996).
Ông Bà Hải Như nhân ngày sinh nhật ông lần thứ 90.
Nhà thơ Hải Như cùng nhà văn Triệu Xuân, nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Thu Bồn tại Đại hội lần thứ V Hội Nhà văn Việt Nam.