- Bút ký - Tạp văn
- Một gia đình phi công
Một gia đình phi công
Suốt một phần tư thế kỷ gắn bó với Trường Sĩ quan Không quân, trừ ba năm học tập, khi tốt nghiệp ra trường, được giữ lại công tác, tôi liên tục phục vụ dưới quyền bốn vị Hiệu trưởng khả kính. Họ đều là những phi công có hạng, những “thầy giáo giữa vòm trời” đúng nghĩa.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, trường nhiều lần thay đổi tên gọi, Hiệu trưởng cũng vậy, do nhiều người kế tiếp nhau đảm nhiệm. Nhưng xin được bắt đầu từ khi tôi nhập học. Bấy giờ, Hiệu trưởng là Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh, phi công MiG-21, người bắn rơi 6 máy bay thuộc loại sừng sỏ của không quân Mỹ (gồm 3 F105D, 1 F4D, 1 trực thăng HH53, cùng 1 EB66 tác chiến điện tử); chỉ huy biên đội bắn rơi 5 chiếc khác. Năm 1970, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Là một trong số 16 phi công xuất sắc, đẳng cấp Ace[1] của Không quân Việt Nam, làm Hiệu trường (1980-1989), ông nổi tiếng lịch lãm, tài hoa và quyết đoán, sống giàu tình cảm, nhưng nghiêm khắc và luôn yêu cầu cao đối với cấp dưới. Đây là thời kỳ mà Nhà trường đào tạo được nhiều sĩ quan và phi công xuất sắc cho quân đội.
Người con xứ Thanh
Nối tiếp hai vị Hiệu trưởng khác là Đại tá Nguyễn Thăng Thắng. Anh sinh trưởng ở xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Học xong cấp 3, tròn 18 tuổi, trúng tuyển phi công. Tháng 2-1969, học dự khóa bay, đồng thời là nhập ngũ. Tháng 10-1971, anh có mặt trong đoàn 30 học viên Việt Nam sang học tại Trường Không quân Krasnodar của Liên Xô. Trải qua 1 năm bay L-29 và 2 năm bay MiG-21, tháng 10-1975, tốt nghiệp phi công phản lực chiến đấu. Với “gia tài” gần 300 giờ bay tích lũy, về nước, anh thuộc biên chế Trung đoàn 927 ở sân bay Kép, Lạng Giang, Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang).
Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, hòa bình chưa được bao lâu thì tình hình biên giới Tây Nam có nhiều diễn tiến phức tạp. Dẫu vừa mới cưới vợ, nhưng tháng 3-1976, anh Thắng nhận quyết định vào Trung đoàn 935, cùng đơn vị với Nguyễn Thành Trung. Sau khi chuyển loại, anh sử dụng F-5. Đây là máy bay “chiến lợi phẩm” ta thu được của địch. Hai dòng máy bay tiêm kích MiG-21 và F-5, mỗi loại đều có những ưu thế riêng. Tham gia chiến đấu, anh Thắng trực tiếp đánh 34 trận trên đất liền và cả ở một số đảo, chi viện đắc lực cho bộ binh ta tiến công triệt hạ nhiều mục tiêu quan trọng của địch. Đặc biệt, biên đội Nguyễn Thăng Thắng, Lê Khương, Ngô Duy Tuân và Nguyễn Văn Kháng, nhận lệnh ném bom sân bay Pochentong, nhưng với điều kiện không phá hỏng đường băng, làm sao giữ để máy bay ta vẫn có thể lên xuống được. Nhiệm vụ hết sức khó khăn, chưa kể sẽ vấp phải sự chống trả của súng, pháo phòng không đối phương. Tuy nhiên, toàn đội vẫn quyết chí, không chút ngán ngại.
Nhờ có tải trọng lớn và tầm bay xa, sáng ngày 7-1-1979, đội hình 4 chiếc F-5 cất cánh từ Biên Hòa, bay thấp, đến gần mục tiêu mới kéo lên cao, bổ nhào cắt bom. Những loạt bom chính xác đã làm nổ tung đường bảo hiểm, gây rạn nứt lớn đầu đường cất hạ cánh phía đông bắc sân bay. Với sự mưu trí, dũng cảm và sáng tạo, biên đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần báo hiệu ngày tàn của chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, đồng thời ngăn chặn lực lượng phản động của nước ngoài tháo chạy bằng đường hàng không.
Liền đó, chiến sự bùng phát trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (17-2-1979). Hai ngày sau, một phi đội F-5 trong đó có biên đội Nguyễn Thăng Thắng chuyển ra sân bay Đa Phúc (nay là Nội Bài) trực chiến. Chiều muộn ngày 19-2, toàn đội lần lượt đáp xuống. Phi đội F-5 và phi đội A-37 hợp thành Trung đoàn 937. Đơn vị được giao chuẩn bị các phương án xuất kích chi viện tuyến mặt trận. Từ sáng sớm, các máy bay tiêm kích đã được treo bom, lắp tên lửa… sẵn sàng đợi lệnh cất cánh. Được tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, từ Tây Nam, ngược ra phía Bắc, trong lòng người con xứ Thanh rộn lên bao cảm xúc, tự hào và quyết tâm.
Tháng 10-1979, phi công Nguyễn Thăng Thắng được lựa chọn sang đào tạo tại Học viện Không quân Gagarin của Liên Xô. Ba năm sau, tốt nghiệp, về nước. Nghỉ phép xong, anh vào Trường Sĩ quan Không quân; lần lượt đảm nhiệm các vị trí: Phi đội trưởng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 920 (1988-1992). Bấy giờ, sân bay Thành Sơn (Phan Rang) nổi tiếng khó khăn, vất vả. Tiếp đến, trung đoàn chuyển ra sân bay Phù Cát (Bình Định) cũng không kém phần gian nan. Ngày ấy, lính không quân có câu: “Phan Rang, Phù Cát đã từng…”. Là phi công cấp 1 được trui rèn và thử thách vững vàng, cấp trên chọn anh đi tạo nguồn ngắn hạn tại Học viện Chính trị - Quân sự (nay là Học viện Chính trị). Tháng 11-1993, anh giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Hiệu trưởng về chính trị. Ngày 27-11-2003, Bộ Quốc phòng ra quyết định bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Thăng Thắng giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân.
Anh cùng tập thể Đảng ủy - Ban Giám hiệu Nhà trường chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên bay, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Xác định trọng tâm vẫn là đào tạo sau đại học cho đội ngũ giảng viên, Nhà trường có nhiều biện pháp tích cực, hợp lý. Mặc dù công việc hết sức bận bịu, anh vẫn học tập và bảo vệ xong Thạc sĩ Khoa học Quân sự. Đại tá Nguyễn Thăng Thắng có cuốn sách “Xây dựng động cơ nghề nghiệp cho học viên phi công quân sự”, tôi biên tập, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2006.
Trước đó, dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Trường Huấn luyện bay - Kỹ thuật Không quân (nay là Trường Sĩ quan Không quân) cùng với bài bút ký dự thi “Về nơi tung cánh”, được sự ủy quyền của Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi còn thực hiện luôn cả bài đối thoại “Trường học - Bầu trời” đi trên số tháng 8-1999, ký PV. Có lẽ đây là lần đầu tiên, chuyên mục này thực hiện đối thoại kép, với hai người đứng mũi chịu sào ở một đơn vị, là Đại tá Hiệu trưởng Nguyễn Phương Anh và Đại tá Nguyễn Thăng Thắng - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Trong câu trả lời khép lại cuộc trò chuyện, anh Thắng đã rất tâm đắc khi bày tỏ: “Tục ngữ có câu: Con hơn cha là nhà có phúc! Muốn kế tục xuất sắc sự nghiệp của cha anh, lớp trẻ hôm nay cần phải được đào luyện một cách toàn diện từ phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho đến kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp… Chọn nghề bay là chọn cái nghề gắn bó với mình không chỉ một thời mà cả cuộc đời. Nếu không có khát vọng lớn lao và lòng say mê nghề nghiệp thì không thể đứng vững chỗ trời cao, đất rộng được”. 25 năm đã lùi lại phía sau, song những lời nhắn gửi ngày ấy vẫn nguyên tính thời sự, ấn tượng và tâm huyết.
Và nửa kia, xứ Huế
Hồi còn ở phố biển Nha Trang, có vài năm, gia đình tôi ngụ cùng khu với anh chị Thắng Hòa trong ngõ 120 Nguyễn Thiện Thuật. Quê gốc ở Hải Lăng, Quảng Trị, chị Hoàng Thị Hòa là một nhà giáo nền nã, đôn hậu và giàu lòng thương người. Ngay cả khi anh Thắng làm Hiệu trưởng Nhà trường, thì chị vẫn vậy, khiêm nhường, lùi lại phía sau, tôn trọng nhưng tuyệt nhiên không can dự vào công việc của chồng.
Nhờ mối thâm tình với anh chị, nên tôi được biết thêm cả ông bà bên ngoại. Ba chị Hòa là ông Hoàng Xuân Vượng, cán bộ cách mạng hoạt động ở chiến khu Ba Lòng. Năm 1954, ông đi tập kết, người vợ cùng con nhỏ ở lại quê nhà. Bấy giờ, chị Hòa mới hơn một tuổi. Biết khó lòng sống nổi dưới sự o ép của kẻ thù, sau một thời gian kiên trì chắp nối được với tổ chức, bà Đỗ Thị Dụy quyết định bế con gái tìm cách vượt tuyến. Lợi dụng đêm tối, bà đặt con vào nồi đồng rồi cứ vậy, bơi đẩy qua sông trót lọt, an toàn. Thực là một người mẹ vô cùng can đảm. Nghị lực của người vợ yêu chồng đã được đền đáp. Họ gặp nhau và được bố trí công tác ở thị xã Thanh Hóa. Sau chị Hòa, ông bà có thêm bốn người con nữa.
Những năm “dùi mài kinh sử” ở Huế, thi thoảng chiều thứ bảy, tôi cuốc bộ lên đường Phan Chu Trinh thăm nhà ông bà Vượng. Hai cụ vui lắm. Hỏi lý do đặt tên các con mà nghe như một câu “khẩu hiệu”, cụ ông cười hiền, bảo đó là ước nguyện của vợ chồng tui: Hòa - Bình - Thống - Nhất, về Nam. Đúng vậy, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình chuyển vào định cư ở thành phố Huế, ông bà công tác trong ngành Thương nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên. Chàng út Hoàng Xuân Nam hiện là Thượng tá, Chủ nhiệm Chính trị Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18).
Gia đình phi công.
Ba cha con, ông cháu
Nhờ ông Vượng tập kết, rồi gia đình đoàn tụ ở xứ Thanh mà anh Thắng và chị Hòa, đôi bạn học chung một lớp hồi cấp 3, thương nhau rồi thành đôi lứa. Mối tình đẹp thời học trò, tiến tới hôn nhân sau khi anh Thắng vừa tốt nghiệp phi công ở Liên Xô về nước. Nhớ lại chuyện đám cưới, anh Thắng kể, vì chị Hòa là dâu đầu tiên, nên bố mẹ anh mừng lắm. Hai bên nội ngoại đều phấn khởi. Vẫn biết có lệnh cấm pháo, nhưng ông cụ không kìm nén nổi niềm vui nên đã châm liền hai băng pháo. Vì chuyện này mà cụ ông phải “kiểm điểm”… Tốt nghiệp Trường sư phạm 10 + 3 ra, chị Hoàng Thị làm giáo viên, vừa dạy học, chị vừa chăm nom bố mẹ chồng, để anh Thắng yên tâm công tác.
Làm vợ phi công, chị Hòa từng nhiều lần đến sân bay thăm chồng. Cho nên, chị rất đồng cảm khi xem bộ phim truyện “Cao hơn bầu trời” 50 tập, có nhiều trường đoạn về cảnh phi công đón vợ, đón người yêu ở nhà “chiêu đãi sở” tuềnh toàng của đơn vị. Chị bảo với tôi, chị xem mà không kìm được nước mắt. Vợ chồng cứ biền biệt xa nhau hoài. Từ lúc chuyển vào Nam chiến đấu cho tới khi được cử ra Hà Nội dự Đại hội Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc, anh Thắng mới có dịp về thăm nhà. Hôm ấy, chị Hòa bế con gái đi chợ thì bất ngờ gặp chồng. Thoáng chốc, rồi anh lại giã biệt vợ con. Phía trước, bầu trời luôn vẫy gọi.
Đến mối lương duyên
Anh chị Thắng Hòa có hai con, một gái và một trai. Nguyễn Hương Giang chào đời trong năm hòa bình đầu tiên (1976). Tiếp đến Nguyễn Thăng Long (1985), tuy không theo nghiệp bố, nhưng hiện cháu làm việc cho một Công ty Kỹ thuật Hàng không ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp đại học, biết ba ngoại ngữ, ái nữ Hương Giang làm việc cho một Ngân hàng tại Nha Trang. Bấy giờ, Lại Công Hoan quê ở Đông Quan, Đông Hưng, Thái Bình, tốt nghiệp phi công ở Trường Sĩ quan Không quân năm 1995 và được giữ lại làm giáo viên. Duyên kỳ ngộ kết nối đôi bạn trẻ với nhau. Từ giáo viên bay, lên Phi đội trưởng, Phó Trung đoàn trưởng, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910 anh hùng, chàng trai quê lúa trưởng thành mau chóng. Được đào tạo cơ bản, Lại Công Hoan tiếp tục học lên ở Học viện Phòng không - Không quân, rồi Học viện Quốc phòng.
Đại tá Lại Công Hoan bên chiếc máy bay Yak-130
Vợ chồng Hoan Giang có hai cậu con trai. Trưởng nam Lại Huy Hoàng, sinh tháng 11-2003. Trong vòng tay yêu thương của ông bà và bố mẹ, cậu bé lớn vụt. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Hoàng đến với ngưỡng cửa bầu trời. Hiện cháu đang là học viên bay năm thứ ba, khóa 50 của Trường Sĩ quan Không quân. Ngắm ba cha con, ông cháu đứng cạnh nhau trong màu áo phi công, cháu Hoàng cao vượt cả bố và ông, đột nhiên, tôi liên tưởng câu thơ Tố Hữu: “Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Dạo biết tin cháu Hoàng vào học lái máy bay, tôi chúc vui anh chị Hòa Thắng, rằng: “Ông tôi, cha tôi và tôi. Ba đời làm lính, ba đời phi công”. Cháu thứ hai, Lại Phúc Hưng sinh năm 2007, học lớp 11, đã có chiều cao lý tưởng. Được biết, cháu cũng mong ước tiếp bước anh trai, nối nghiệp bố và ông ngoại.
Khúc vĩ thanh
Sau hơn bốn thập niên gắn bó với nghề bay, lăn lộn chiến đấu, học hành và làm công tác đào tạo, huấn luyện, năm 2010, Đại tá Nguyễn Thăng Thắng trở về với đời thường. Người con rể vẫn miệt mài gắn bó với sự nghiệp đào luyện những cánh bay cho Tổ quốc. Mấy năm trước, anh Hoan dẫn đầu một đoàn học viên sang Liên bang Nga để chuyển loại máy bay Yak-130. Đây là dòng máy bay huấn luyện đa năng, vừa được Bộ Quốc phòng trang bị cho Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân, dùng để đào tạo phi công. Đại tá Lại Công Hoan hiện là Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo của Nhà trường.
Một gia đình có ba thế hệ phi công nối tiếp nhau chinh phục bầu trời, thật hiếm và quý biết bao.
Ảnh: GĐCC
[1]. Ace (tiếng Anh) là thuật ngữ thông dụng, chỉ các pilot tham gia không chiến và bắn hạ từ 5 máy bay của đối phương trở lên.