- Thế giới sách
- “Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
“Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
Cuốn “Điển tích Văn học”, tác giả Nhà văn Tố Hoài ra mắt bạn đọc vào Quý I/2021, Nhà xuất bản Thanh niên, với độ dày trên 1000 trang. Cuốn sách chứa dung lượng lớn gần nghìn rưỡi điển tích mang tính văn học đông tây, kim cổ. Thực ra cuốn Điển tích Văn học xuất bản lần đầu từ năm 2013, nhưng với số lượng khiêm tốn, nên nó đã dễ dàng rời kệ các hiệu sách trên toàn quốc một cách nhanh chóng.
Sở dĩ nói cuốn “Điển tích văn học”, trước hết rất cần thiết cho nhà văn, sau mới đến giới nghiên cứu, những người quan tâm đến văn học, bởi tác giả là nhà văn, đã xuất bản hơn 20 tác phẩm, đáng chú ý như các tiểu thuyết: Hoàng hôn dát đỏ; Giải trình của biển; Ký tự chìm trên bia đá cổ… bởi vậy ông biết nhà văn cần gì khi sáng tác. Khác với các cuốn từ điển bách khoa của nhiều tác giả; cũng như khác với “Chuyện Đông chuyện Tây” của An Chi ở sự phong phú của đủ mọi đề tài, “Điển tích văn học” chỉ chuyên chú vào những “gia vị bếp núc” mà nhà văn cần để “chế biến món ăn tinh thần” cho người thưởng thức văn học. Tác giả đã bỏ ra hàng chục năm trời sưu tầm tư liệu. Lại đọc hàng ngàn tác phẩm của các nhà văn Việt Nam nên sau mỗi điển tích, tác giả lại trích một đôi câu trong tác phẩm đó để minh họa cho nhận định của mình, đây là cách làm mới, chưa ai làm, nó làm cho cuốn sách sinh động hơn. Ví dụ, trang 1016 điển tích “Xe dành bên tả”, tác giả lý giải như sau: “Chiến quốc sách: Công tử nước Ngụy mời ẩn sỹ Hầu Doanh ra giúp mấy lần không được. Đem xe đến mời, Ngụy công tử luôn luôn dành chỗ bên tả (Tỏ ý trân trọng) mời Hầu Doanh ngồi. Nguyễn Trãi –Bình Ngô đại cáo: Cố ư đãi hiền chi xa thường cấp cấp dĩ ư tả” (Cho nên xe đãi hiền để dành bên tả). Đặc biệt ấn tượng với sự giải thích của tác giả về điển tích “Số tử vi”, dùng hơn một trang sách bình giải về điển tích này thể hiện sự uyên bác của người viết về kinh dịch, âm dương lý số. Muốn giải thích được như vậy đòi hỏi tác giả đọc nhiều, biết được những điển tích đó xuất phát từ đâu, lại phải có vốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung… nên mới rành rẽ đến chi ly như vậy.
Lần này, tác giả đã bổ sung hàng trăm các điển tích và được chỉnh lý chi tiết hơn. Ví dụ điển tích “Nàng Lilith”. Nàng đã bị che khuất bởi Kinh thánh, Adam và Eve về nguồn gốc loài người. Nàng xuất hiện cùng Adam trước cả Eve cùng trông coi Vườn Uyển. Nàng không chịu nổi sự đè ép bởi Adam. Nàng đã kêu xin, cứu rỗi bởi Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài tuyệt nhiên im lặng. Buộc nàng tự cứu mình nên đã bỏ theo quỷ Satan. Vì thế Eve mới được sinh ra từ xương thịt của Adam. Điển tích này ghi trong kinh Tamud, Zohar là kinh Cựu ước của người Sumerians, Akkadians, Assyria vas Babilon viết bằng loại văn tự cổ cách đây 3000-5000 năm chữ hình Nêm (Cumeiform tex).
Điển tích Văn học lần này, điểm nhấn là đã trích dẫn thêm nhiều tác phẩm văn học hiện đại của các nhà thơ, nhà văn: Trần Đăng Khoa, Hồng Diệu, Khuất Quang Thụy, Trần Nhương, Nguyễn Bình Phương, Lộc Bích Kiệm, Nguyễn Đức Hạnh, Trương Nam Hương, Phạm Phú Phong, Thai Sắc, Nhất Phương…tạo nên sự phong phú các thể loại văn học Việt Nam ở các thời đại.
Trong lời tựa cuốn sách, tác giả viết các điển tích có nguồn gốc từ “triết học, chính trị, thiên văn, thần học, tâm lý học…và chỉ khai thác mặt văn học”. Nhưng sự khác biệt, khái quát, nó còn là cuốn “tiểu bách khoa…”. Điển tích không chỉ được nhìn dưới góc độ người xưa mà nay có khi được “nắn” lại dưới góc độ khoa học hiện đại như các điển Da Cam, Giao Chỉ, sao Bắc cực, sao Khuê, sao Hôm- sao Mai…Chẳng hạn sao Tua- rua (Taurus, kim ngưu, sao Mạ…). Trong bài Tụng Tây hồ (phú) khi vua Nguyễn Quang Toản kinh lý Bắc Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Lượng có câu:
Chòm hủ thảo chưa qua tuần đom đóm,
Áng tường vân đà cách độ Tua - rua.
Câu này lấy tích trong Lễ ký- Thiên Nguyệt lệnh: “Hủ thảo biến vi huỳnh.”- Cỏ mục biến thành đom đóm. Điển tích của Tố Hoài đã giải thích theo khoa học: Đom đóm (Lampyndae) là động vật có tập tính phát sáng. Đó là tín hiệu tình yêu trong mùa sinh sản. Phản ứng sinh hóa quang Biolumiescence (bước sóng 510-670 nm), do chất enzym Luciferase hoạt động trên Luceferin với sự đóng góp của ion Magnesie, ATP và Oxy...tạo ra, còn Cỏ mục là thực vật, chỉ sinh mốc meo. Chất phát sáng là lân tinh.
Nhà văn Tố Hoài (thứ hai từ trái sang) nhận giải Nhì cuộc thi thơ mi-ni tại trại viết Phú Yên (4-2023). Các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bình Phương và nhà thơ Huệ Triệu cùng trao giải.
Nội dung điển tích là sự lựa chọn công phu hướng tới văn học đích thực. Những điển tích trên cơ sở đã được kết cấu thành truyện cổ như: Ba sinh, Áo Mạnh Khương, Rửa tai, Gót chân A-sin…để tránh sự nhàm chán, tác giả đã co ngắn lại khúc chiết, thật cần thiết cho nội dung điển tích. Nhưng các điển tích như: Án đổ, Mạc phủ, Tam kiệt, Thỏ khôn ba hang.. trích dẫn từ các điển cố. Để phong phú và hấp dẫn, tác giả đã hướng tới như một câu chuyện văn học.
Các điển tích như: Mọc sửng, Cá tháng Tư, Ném đá giấu tay…có nhiều thông tin, dị bản tác giả chọn những nội dung phù hợp trên các cơ sở khoa học, lịch sử…để đưa vào sách.
Ngoài các trích dẫn bằng thơ văn diễn giải điển tích còn có các “giai thoại nhà văn”, các “thư giãn” tăng thêm sự thanh thản nhẹ nhàng cho độc giả. Bởi vậy “Điển tích văn học” của một nhà văn là nguồn tư liệu, một công cụ quý giá cho người làm văn học, đặc biệt là người sáng tác văn học.
Nguồn: Văn nghệ Online; Gặp gỡ những vùng văn học