- Lý luận - Phê bình
- Một số điểm nổi bật trong nghệ thuật thể hiện vấn đề gia đình ở sáng tác của Ma Văn Kháng từ 1985 đến nay
Một số điểm nổi bật trong nghệ thuật thể hiện vấn đề gia đình ở sáng tác của Ma Văn Kháng từ 1985 đến nay
Nguyễn Công Thanh
Ma Văn Kháng là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới văn học. Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhiều sáng tác của Ma Văn Kháng đã đón trước yêu cầu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn văn học.
Ma Văn Kháng
Ông cũng là một trong số hiếm các nhà văn
Việt Nam hiện đại sáng tác thành công trên nhiều đề tài, ở cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu
thuyết. Qua từng tiểu thuyết, truyện ngắn, Ma Văn Kháng không ngừng tìm kiếm những
cách thể hiện mới. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi chỉ trình bày một số điểm nổi bật
về nghệ thuật thể hiện vấn đề gia đình ở sáng tác của Ma Văn Kháng từ 1985 đến nay.
1. Quan tâm thể hiện xung đột
1.1. Xung đột là sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng các
mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm
kịch và tự sự. Xung đột trong nghệ thuật thường xuất hiện dưới dạng những đụng độ và chống
đối trực tiếp giữa tính cách với hoàn cảnh, giữa các tính cách khác nhau và giữa các mặt khác
nhau của một tính cách. Nó là nhân tố tổ chức tác phẩm nghệ thuật và giúp cho từng hình
tượng có tính xác định về chất trong thế đối lập với các hình tượng khác [2, tr.131].
Tiểu thuyết là thể loại tiêu biểu nhất của loại hình tự sự. Xung đột trong tiểu thuyết hết sức
phong phú, đa dạng. Trong tiểu thuyết luôn xuất hiện sự bất hoà gay gắt giữa cá nhân với xã
hội. Có thể nói tiểu thuyết hội tụ đầy đủ mọi mâu thuẫn, xung đột của loại tự sự, nhưng xung
đột cơ bản nhất là giữa lý tưởng cá nhân với hiện thực xã hội, giữa cái tiến tiến với cái bảo thủ,
cái cao thượng với cái thấp hèn, cái thiện với cái ác…
1.2. Các sáng tác của Ma Văn Kháng từ 1985 đến nay đề cập đến nhiều loại mâu thuẫn,
xung đột trong gia đình: xung đột cha - con, mẹ - con, mẹ chồng - nàng dâu, vợ - chồng, anh -
em… Nhìn một cách tổng quát, chúng ta có thể khái quát các loại xung đột trên thành hai loại
hình xung đột chính là xung đột thế hệ và xung đột văn hoá.
Xung đột thế hệ là xung đột giữa các nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau trong gia đình.
Thực chất xung đột thế hệ là xung đột giữa quan niệm cũ đang ra sức duy trì, bảo vệ và níu
giữ các nề nếp đạo lý truyền thống gia đình với quan niệm phủ định, khước từ, chối bỏ các nề
nếp đó. Mâu thuẫn xung đột giữa ông Bằng với Cừ (Mùa lá rụng trong vườn), giữa mẹ chồng
với nàng dâu (Bồ nông ở biển, Phép lạ thường ngày) tiêu biểu cho loại hình xung đột thế hệ.
Xung đột văn hoá là xung đột giữa các thành viên có cá tính, quan điểm, lý tưởng sống
khác nhau. Họ có thể cùng một thế hệ hoặc khác thế hệ; có thể bình đẳng hay không bình đẳng
trong quan hệ gia đình. Ví dụ: xung đột giữa Lý với Đông, giữa Lý với Luận, Phượng, giữa
Luận với Đông (Mùa lá rụng trong vườn); giữa Tự với Xuyến (Đám cưới không có giấy giá
thú); giữa Khiêm với Thoa (Ngược dòng nước lũ); giữa mấy mẹ con chị Đại Bàng (Côi cút
giữa cảnh đời) là những xung đột văn hoá.
Tuy nhiên, cách chia thành hai loại hình xung đột như trên chỉ mang tính chất tương đối,
bởi vì các loại xung đột này luôn ở trong tình trạng đan bện vào nhau. Chẳng hạn, ông Bằng
và Cừ không chỉ khác nhau về thế hệ mà còn khác nhau về quan niệm, lý tưởng sống.
Trong các tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời, Đám cưới không có
giấy giá thú, Chó Bi, đời lưu lạc, Ngược dòng nước lũ, Ma Văn Kháng đã dựng lên các cuộc
“biện thuyết” giữa các nhân vật. Ông vừa sử dụng hình thức đối thoại trực tiếp vừa dùng hình
thức đối thoại trong độc thoại nội tâm để nhân vật tranh luận, diễn giải, bày tỏ quan niệm
sống, tầm hiểu biết, tầm văn hoá của mình.
Ở Mùa lá rụng trong vườn, tác giả đã xây dựng nhiều cuộc đối thoại trực tiếp. Đó là các
cuộc đối thoại giữa ông Bằng với Lý, giữa ông Bằng với Đông, giữa Luận với Đông, giữa
Luận với Lý, giữa Luận với Cần, giữa Đông với Lý. Bên cạnh những cuộc tranh luận khá gay
gắt, có khi nảy lửa thông qua đối thoại trực tiếp giữa các nhân vật có cá tính, lý tưởng sống,
nếp nghĩ khác nhau, Ma Văn Kháng còn quan tâm đến đối thoại tâm tình, đối thoại trong độc
thoại nội tâm và đối thoại thông qua hình thức bức thư. Hình thức đối thoại tâm tình, đối thoại
trong độc thoại chủ yếu xuất hiện ở các nhân vật trí thức như ông Bằng, Phượng và đặc biệt
là Luận. Dường như sau các cuộc tranh luận, Ma Văn Kháng thường để cho Luận thuyết lý.
Luận “biện thuyết” về tính tình của Lý, về vai trò gia đình trong thời mở cửa, về tâm trạng
chông chênh, chao đảo của ông Bằng, về đời sống tâm hồn cao thượng của con người Việt
Nam, về tình cảm anh em, bác cháu lúc khó khăn hoạn nạn, về nguyên nhân hư hỏng của Cừ,
những tình cảm yêu mến, trân trọng Lý, về việc Lý bỏ Đông đi theo tay trưởng phòng vật tư
vào Nam, về bản chất con người Lý, về tình nghĩa vợ chồng…
Ở Đám cưới không có giấy giá thú, các cuộc “biện thuyết” về gia đình chủ yếu xuất hiện
dưới dạng đối thoại trong độc thoại hoặc độc thoại nội tâm qua dòng ký ức của Tự. Đó là
chuỗi đối thoại trong độc thoại của Tự về việc Xuyến bỏ việc cơ quan lao vào thương trường
mà anh bất lực, đành đứt ruột bán đi những cuốn sách quý trong Tùng Thiện thư viện nhằm sẻ
chia bớt khó khăn cho vợ. Là chuỗi độc thoại cảm thông về những ao ước cuộc sống no đủ,
sung sướng của Xuyến, cùng tình yêu thương và thiện chí hoà giải bất thành của Tự. Đó là tâm
trạng đớn đau bị lừa dối, bị tước đoạt, bị sỉ nhục khi phát hiện ra vợ phản bội mà đành phải
nghẹn ngào nuốt nỗi uất hận vào lòng trước thái độ đay nghiến, lăng loàn của Xuyến.
Trong Ngược dòng nước lũ, dường như các va chạm, xung đột giữa Khiêm và Thoa không
diễn ra thông qua đối thoại trực tiếp mà thông qua dòng ký ức của Khiêm hay bằng các chuỗi
độc thoại nội tâm. Những dòng độc thoại nội tâm về sự cách biệt quá lớn giữa anh và Thoa
diễn ra trong những ngày Khiêm ốm liệt gường. Đó là nỗi khổ nhục, đắng cay của Khiêm khi
anh trở thành “đối tượng để kẻ khác rủa rả, vần vò, hành hạ và đùa nghịch độc ác” hay lúc bị
“chôn kim” nằm bất động trên giường, cắn răng chứng kiến cảnh Thoa và gã lang băm
hành lạc ngoài phòng khách giữa thanh thiên bạch nhật.
Qua những lời biện thuyết của ông Bằng, của Luận, Đông, Lý, Cừ, Cần, Phượng, Tự,
Khiêm, độc giả có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về tính cách của từng nhân vật trong
tác phẩm. Ở Mùa lá rụng trong vườn, ông Bằng thuộc thế hệ những người đề cao giá trị đạo
đức, giá trị tinh thần truyền thống nhưng tâm hồn ông bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu chênh
vênh, chao đảo, bất ổn. Do đó, ông dùng cái đẹp để lấn át cái xấu, cố tình lãng quên cái xấu.
Luận, Phượng là những người nối tiếp truyền thống gia đình, coi đạo lý, tình nghĩa là trên hết.
Họ có quan niệm sống cao đẹp, trung thực, lành mạnh, tốt bụng nhưng còn quá thận trọng, e
dè và phần nào kém thích ứng với hoàn cảnh. Lý là con người ít học, nền tảng văn hoá thấp
nhưng năng động, nhạy bén với thời cuộc. Chị có những quan niệm đúng đắn về giá trị vật
chất. Nhưng do đề cao quá mức tiền bạc, xem nhẹ tinh thần, lại không có người tâm giao, tri kỷ
nâng đỡ, hướng dẫn về tinh thần nên chị đã bị lối sống thực dụng, hưởng lạc làm sa ngã. Đông
là con người đơn giản, vô lo, thủ cựu quen sống theo nếp nghĩ có sẵn. Mặt khác, qua những
lời biện thuyết của Đông, tác giả đã giúp người đọc thấy được sự chuyển biến trong nhận thức
của anh: từ chỗ luôn tâm niệm cuộc đời giản dị đến lúc nhận ra cuộc sống đầy phức tạp. Còn Cần
là con người của thế hệ tương lai. Ở anh có sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại. Anh từ
chối đặc ân làm phó tiến sĩ để giữ vẹn lời thề với người yêu nhưng anh cũng không đồng tình
với quan niệm cho giá trị tinh thần là trên hết.
Từ những lời biện thuyết của Tự (Đám cưới không có giấy giá thú), Khiêm (Ngược dòng
nước lũ), người đọc thấy họ là những trí thức cao đẹp, đề cao giá trị tinh thần, có trách nhiệm
với gia đình, luôn trăn trở, sẻ chia những nỗi lo toan vất vả của vợ con nhưng họ cũng là những
con người yếu đuối, kém thích ứng với hoàn cảnh, với cuộc sống thời mở cửa. Gia đình tan vỡ,
rơi vào bi kịch là do cá tính, lối sống, sở thích, tầm văn hoá giữa vợ chồng họ quá cách biệt.
Cũng từ những lời thuyết lý của nhân vật (có khi của chính tác giả), Ma Văn Kháng đã thể
hiện trực tiếp thái độ yêu ghét, khen chê của mình với từng nhân vật trong tác phẩm. Nhà văn
luôn đề cao, trân trọng những phẩm giá của con người và không ngần ngại phê phán, chỉ trích
(có khi khá nặng lời) những lầm lạc, sai trái của họ. Lý (Mùa lá rụng trong vườn) là nhân vật
được nhà văn yêu mến nhưng khi chị trâng tráo vu oan, đặt điều, chửi rủa chồng và nhà chồng,
ông đã dùng những lời nặng nề kết án: “Tồi tệ đến thế là cùng. Đối đáp bốt chát, ăn miếng trả
miếng, chửi vỗ mặt nhau, đanh đá hàng tôm hàng cá, thơn thớt dựng chuyện, vu khống đê tiện
một cách nanh ác, trơ tráo như thế này thì thật không còn gì để đáng nói nữa”.
Miêu tả chi tiết những va chạm trong ứng xử hàng ngày giữa các thành viên trong gia đình
là một thành công nổi bật trong các sáng tác của Ma Văn Kháng so với các tác phẩm văn học
đương đại viết về đề tài gia đình. Những va chạm nhỏ nhặt, tỉ mỉ như cách ngồi ăn, cách nấu
nướng, ăn mặc, ngủ nghỉ, đối xử với con vật, thái độ ứng xử khi người thân gặp khó khăn,
hoạn nạn… đều được nhà văn chú tâm khai thác. Điều đó vừa thể hiện tài quan sát của nhà
văn vừa chứng tỏ Ma Văn Kháng là người có những hiểu biết sâu sắc về gia đình và đã khổ
công, dồn bút viết về đề tài này. Cũng nhờ gia tăng chi tiết mà truyện ngắn viết về đời sống đô
thị của Ma Văn Kháng từ 1985 “xích lại gần tiểu thuyết” và tiểu thuyết đạo đức - thế sự của
ông đã rút ngắn khoảng cách giữa người trần thuật và nội dung trần thuật. Mặt khác, cũng nhờ
miêu tả cuộc sống ở thì hiện tại, đưa vào tác phẩm mọi sự ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống
gia đình bằng những chi tiết sống động mà phần lớn tiểu thuyết luận đề của Ma Văn Kháng
phần thuyết lý được cân bằng lại, đỡ gây cho độc giả cảm giác quá nặng nề, nhàm chán.
Tuy nhiên, việc dựng lên các cuộc “biện thuyết” vừa là mặt mạnh nhưng cũng là điểm hạn
chế của tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Nhiều lúc, ông để cho nhân vật tư tưởng, nhân vật người
kể chuyện thuyết lý quá dài dòng làm chậm tốc độ và giảm kịch tính câu chuyện. Mọi việc đã
trở nên sáng rõ, minh bạch khi được “nghe” nhân vật thuyết lý, diễn giải.
2. Gia tăng tính triết lý, triết luận
Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, đất nước ta có nhiều đổi thay. Những cách viết đơn giản,
công thức, sơ lược theo lối mòn như trước đây không còn được độc giả chấp nhận. Sứ mệnh
nhà văn lúc này là phải tự đổi mới mình để làm mới văn học. Vì thế, trong sự nghiệp đổi mới
văn học nói chung, đổi mới tư duy tiểu thuyết nói riêng, cảm hứng khám phá, suy ngẫm, tìm
kiếm những vấn đề có ý nghĩa triết lý nhân sinh trở thành dòng mạch chính của văn xuôi Việt
Nam đương đại. Không ít sáng tác của Lê Lựu, Tạ Duy Anh, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị
Vàng Anh, Hồ Anh Thái… mang tính triết lý sâu sắc.
Ma Văn Kháng là nhà văn không giấu giếm tính luận đề của tác phẩm. Ông công khai thể
hiện vấn đề tư tưởng mà mình gửi gắm trong tác phẩm ở cách đặt tên truyện, cách tạo tuyến
xung đột, cách tước bỏ một số mối quan hệ trong gia đình cho tiện theo đuổi vấn đề trung tâm.
Trong nhiều tác phẩm của Ma Văn Kháng, vấn đề nhận thức-tư tưởng mà tác giả muốn
đề cập được thể hiện rõ ngay ở nhan đề: Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy
giá thú, Côi cút giữa cảnh đời, Ngược dòng nước lũ, Một chốn nương thân, Bồ nông ở biển,
Mảnh đạn, Đất mầu, Dao sắc nhờ cán, Nhan sắc đàn bà, Cỏ dại… Hơn thế, nhà văn còn bàn
luận, giải thích khá cặn kẽ trong tác phẩm thông qua ngôn ngữ người kể chuyện,
ngôn ngữ nhân vật tư tưởng.
Mùa lá rụng trong vườn là một ẩn dụ triển khai từ câu tục ngữ “Lá rụng về cội”. Tác phẩm mở đầu bằng một câu hỏi nghi vấn, chứa đựng luận đề mà tác giả sẽ hướng tới: “Gia đình
giọt nước của biển cả, cá thể của xã hội, liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có
nhiều khó khăn, lắm bê bối này?” và kết thúc bằng lời khẳng định sự tồn tại vĩnh cửu của gia
đình: “Gia đình, (…) cái vùng tưởng là tĩnh lặng, cái vùng hay bị lãng quên trong mối quan
tâm hàng ngày, ai có ngờ lại là nơi khởi thuỷ chung cục của lắm điều bất hạnh và những điều
hạnh phúc”. Đám cưới không có giấy giá thú cũng là một ẩn dụ chỉ cuộc hôn nhân giữa cái
đẹp với lý tưởng không thành, một cuộc hôn phối không được chấp nhận. Trong tác phẩm, Ma
Văn Kháng nhiều lần triết luận về luận đề này: “Cuộc hoà hợp của thi sĩ với đối tượng yêu dấu
của mình là một cuộc hôn phối tuyệt đẹp. Đó là cuộc hôn nhân của thi sĩ với lý tưởng”; “Vì
sao Tự không gặp được lý tưởng, cuộc kết hôn của anh với cái đẹp của chủ nghĩa mà anh tôn
thờ không thành? Một đám cưới không thành. Một hành trình trắc trở”. Ngược dòng nước lũ
là một luận đề có sức khái quát cao nhằm chỉ các nhân vật chính diện khi dũng cảm đương đầu
với những thế lực hắc ám, quỷ quyệt để bảo vệ chân lý, bảo vệ lương tri thì buộc phải “ngược
dòng nước lũ”. Và dù dòng thác có cuồng bạo đến đâu cũng không thể nhấn chìm được những
người có bản lĩnh, biết nắm chắc tay lái, vững tay chèo. Khi bày tỏ sức mạnh nhan sắc đàn
bà, làm tan vỡ gia đình, xói mòn đạo đức xã hội, Ma Văn Kháng mượn ý câu nói khá quen
thuộc của người xưa: “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách/ Sắc bất ba đào dị nịch nhân” để đặt tên
cho tác phẩm.
Các sáng tác viết về gia đình từ 1985 của Ma Văn Kháng thường tạo thành các tuyến xung đột. Nhìn một cách tổng quát, có hai loại nhân vật đối lập được nhà văn lựa chọn xây dựng
để thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Một loại là những con người tôn trọng đạo lý, đề cao
giá trị tinh thần, băn khoăn trăn trở trước sự xói mòn trong các quan hệ gia đình và sự xuống
cấp của xã hội. Họ thường là những trí thức có tầm hiểu biết rộng, nền tảng văn hoá cao. Còn
loại kia là những kẻ coi thường đạo lý, đề cao quá mức giá trị vật chất, sẵn sàng chạy theo
tiếng gọi của đồng tiền, bất chấp danh dự, nghĩa tình. Loại nhân vật này có tầm văn hoá thấp,
sống nhiều bằng bản năng, bị mặt trái của nền kinh tế thị trường lôi kéo, cám dỗ, lại không
được gia đình, xã hội quan tâm giúp đỡ, định hướng nên luôn chông chênh, chao đảo và cuối
cùng sa ngã. Ở Mùa lá rụng trong vườn tuyến thứ nhất gồm ông Bằng, bà lang Chí, chị Hoài,
Luận, Phượng, Cần, Vân. Tuyến thứ hai gồm Cừ, Lý. Ở Đám cưới không có giấy giá thú, Côi
cút giữa cảnh đời, Chó Bi, đời lưu lạc, Ngược dòng nước lũ, các xung đột trong gia đình tuy
không được khắc hoạ đầy đủ, toàn diện như ở Mùa lá rụng trong vườn nhưng không kém
phần gay cấn. Gia đình Tự, gia đình chị Đại Bàng và gia đình Khiêm tan vỡ, rơi vào bi kịch
đớn đau là do vợ chồng, mẹ con họ có những cách biệt quá lớn về quan niệm sống, về chuẩn
mực giá trị.
Mặt khác, trong nhiều tác phẩm của mình, Ma Văn Kháng không ngần ngại tước bỏ một số mối quan hệ trong gia đình nhằm thuận tiện cho việc luận giải vấn đề trung tâm mà nhà văn
đang theo đuổi. Ở Mùa lá rụng trong vườn, tác giả cố tình để cho trẻ con của nhà này đi vắng.
Thằng Dư con của Đông-Lý cho xuất ngoại; bé Nga con Luận-Phượng tạm thời phải ở với bà
ngoại để học cho hết năm. Ngày tết vẫn không được lên ăn tết với ông và bố mẹ. Còn bé Hoạt
trong Đám cưới không có giấy giá thú, bé Hồng Hà trong Ngược dòng nước lũ chỉ xuất hiện
vài lần trong tác phẩm và chẳng để lại một dấu ấn gì trong lòng độc giả.
Ngôn ngữ giàu tính triết lý, triết luận là thế mạnh của văn xuôi Ma Văn Kháng. Trong nhiều sáng tác từ 1985, nhà văn có thiên hướng kiếm tìm ý nghĩa triết học nhân sinh qua diễn tả cuộc sống đô thị trong dòng chảy sôi động của đất nước khi bước vào thời kỳ hội nhập, giao lưu
quốc tế. Dĩ nhiên, khi gia tăng tính triết luận thì ngôn ngữ văn xuôi sẽ giảm bớt phần kể, phần
tả, thay vào đó là ngôn ngữ đối thoại, độc thoại mang tính tranh biện, là những lời thuyết lý,
trữ tình ngoại đề của người kể chuyện, người trần thuật. Tỉ lệ ngôn ngữ tranh luận, biện thuyết
trong văn Ma Văn Kháng rất cao. Dường như sau mỗi lời kể thường có lời giải thích, biện
minh của người kể chuyện, người trần thuật. Nhà nghiên cứu Lã Nguyên cho rằng: “Nhiều
sáng tác được Ma Văn kháng viết ra cứ y như là để nối lời, tiếp lời, đúng hơn là để đối thoại,
tranh biện với các ý thức xã hội, ý thức nghệ thuật của thời đại. Có vô khối các cuộc đối thoại,
tranh biện trong tiểu thuyết, truyện ngắn Ma Văn Kháng về con người, về cuộc đời, về văn
chương nghệ thuật. Giọng tranh biện cất lên từ mạch trần thuật, ngôn ngữ nhân vật, từ những
hình tượng được xây dựng cứ y như là để đối chọi lại với hình tượng trong sáng tác của ai đó”
[1, tr. 63].
Trong các sáng tác viết về gia đình, Ma Văn Kháng đã khai thác thành công ngôn ngữ độc thoại nội tâm để nhân vật tự bộc lộ tình cảm, nghĩ suy, quan niệm về cuộc sống của mình. Từ quan niệm “đời là những ngẫu sự chắp nối”, con người không biết trước, không lường hết mọi sự trên đời, nhà văn luôn để cho nhân vật lý giải các mối quan hệ trong cuộc sống gia đình.
Nhân vật Lương (Bồ nông ở biển) cho việc mẹ và vợ anh coi nhau như kẻ thù lúc cuộc sống
no đủ là do “trong bà cụ mẹ anh, cũng như trong con người nói chung vẫn đang tồn tại một bản năng sống nữa, một bản năng âm thầm mà mãnh liệt. Chúng di truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác không phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể”. Luận (Mùa lá rụng trong vườn) khi
bàn về tương lai của gia đình đã hùng hồn khẳng định: “Gia đình, cái hình thái kết hợp lạ nhất
của loài người, hình ảnh thu nhỏ của đời sống xã hội; rồi đây trong bước phát triển vũ bão của
cuộc sống sẽ còn nẩy nở thêm bao sắc thái mới mẻ trong các mối quan hệ, nhưng với nó, ước
mong no ấm, yên vui, hạnh phúc có bao giờ thôi là ước mong muôn thuở vĩnh hằng”. Đồng
thời, người kể chuyện luôn là người trong cuộc, sẵn sàng tham gia góp lời cùng nhân vật.
Trước cảnh vợ con anh thợ chữa khoá (Anh thợ chữa khoá) đi đánh ghen mà trở nên đồng cảm,
gần gũi với người phụ nữ bị đánh ghen, tác giả triết luận: “Hai người đàn bà thế là trở thành
môn đệ chung một tôn giáo có giáo chủ là ông chồng thợ chữa khoá đã khuất của họ; tình yêu
bao giờ cũng tẩm hương thờ phụng là vậy”. Thậm chí, lĩnh vực tình dục là lĩnh vực lâu nay
bị xem là cấm kỵ, các nhà văn thường né tránh nhưng Ma Văn Kháng vẫn đưa ra những khái
quát mang tính triết luận: “Xinh đẹp và đa dục trong sinh hoạt vợ chồng, không nhất thiết là
biểu hiện của một người đàn bà đáo để, cay nghiệt” (Một chốn dung thân); “Ôi, cái đời sống
tình ái muôn đời xanh tươi! Thân xác ông là cái mảnh ruộng khô cằn, kiệt lực đã gặp người
đàn bà là trận mưa xuân tươi nhuần. Dòng ái lực của ông được chị khơi nguồn, dẫn dụ bỗng
dào dạt tuôn chảy như suối nguồn thời trai trẻ… Ngọn lửa cháy trong ông là hợp thành từ hai
ngọn nguồn hoà quyện vào nhau, kích thúc nhau để cùng bốc cao ngùn ngụt: Lòng ham mê
sáng tạo và niềm ái dục vô bờ” (Dao sắc nhờ cán).
Nhờ gia tăng tính triết lý, triết luận mà phần lớn các sáng tác của Ma Văn Kháng viết về vấn đề gia đình vừa có phần nổi vừa có phần chìm, phần hiển hiện qua ngôn từ, phần lắng sâu đằng sau câu chữ. Vì thế, văn Ma Văn Kháng không phải là loại văn giải trí giúp vơi bớt nỗi mệt
nhọc trong cuộc sống thường nhật, mà là loại văn phải đọc nhiều lần. Vừa đọc vừa ngẫm nghĩ.
Mỗi lần đọc lại tìm thấy những ý nghĩa nhân sinh mới mẻ nằm trong phần chìm của tác phẩm.
3. Tỉ mỉ, chi chút trong việc miêu tả những nét đẹp của văn hoá gia đình truyền thống
3.1. Miêu tả sống động bữa ăn ngày tết
Trong văn học Việt Nam hiện đại không hiếm những tác phẩm viết về những thú vui tao nhã, về văn hoá ẩm thực như uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, thả thơ, thưởng thức các món ăn dân tộc. Nhiều sáng tác của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng đã nói đến Miếng ngon Hà Nội,
Hương cuội, Giò, Phở… Nhưng viết về bữa ăn ngày tết một cách tỉ mỉ, sống động và đầy cảm
hứng thì phải đến Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng mới xuất hiện trên trang văn.
Nhà văn gần như dành hai phần đầu của cuốn sách nói về việc mua sắm, chế biến, nấu nướng,
bày biện, chuyện trò, chúc tụng trong bữa ăn tất niên. Tác giả đi từ khát quát đến cụ thể, từ diện
đến điểm trong cách miêu tả. Vẫn giọng văn hùng hồn, có sự kết hợp giữa tả, kể với bình luận,
triết lý mà sao tha thiết, sống động đến vô cùng. Ma Văn Kháng chọn tả một số nét đặc sắc của
việc chuẩn bị mâm cỗ cuối năm như mua sắm thịt cá, gia vị… Các đồ hàng, có khi được hiện
lên sống động qua ngôn ngữ người kể chuyện: “Trên mặt bàn, dưới nền đá hoa là bức tranh
tĩnh vật ngổn ngang, mầu mỡ, đầy phong vị ngày tết. Trên bàn, dưới đất là cuộc trưng bày, là
vật chất hoá tính lo toan tỉ mẩn, tài tháo vát, chu đáo và sự khéo khôn, thành thạo của Lý (…).
Tất cả là thịt, là rau, là miếng sống, miếng chín vẫn ăn cả thôi mà sao vẫn hiển nhiên vẻ đặc sắc
khác thường!”. Có khi, nhà văn để cho nhân vật liệt kê, nhẩm tính tự nhiên theo kiểu bà nội trợ
chỉn chu, cẩn trọng đang đếm tính chi ly từng thứ hàng đã mua hay còn thiếu: “Đập tay lên trán, mặt nhăn nhăn, miệng lẩm bẩm:
- Bánh kẹo, mứt, bìa gia đình mua rồi. Pháo mua rồi. Dưa mua rồi. Tiêu sọ có rồi (…). Còn gì nữa nhỉ? Vịt, gà mai mới mua. Mộc nhĩ, nấm hương hãy còn đủ. Thôi chết, rõ ràng hàng
bấc thì qua, hàng quà thì tới. Cái cặp chả! Lại quên mua rồi.
- Bánh đa nem, chị?
- Đấy, không nhắc lại quên (…). Gì nữa nhỉ? Khéo ăn phải cháo lú. À húng lìu, cà ri, sáng mai cô nhắc tôi nhé. Đấy suýt quên, ớt! Sáu hào một quả đấy!…”.
Tuy nhiên, trung tâm bữa ăn ngày tết là phần nấu nướng, chế biến các món ăn. Ma Văn
kháng đã dồn tất cả bút lực vào miêu tả những món ăn đã được bàn tay nội trợ tài giỏi, khéo
léo của Lý chế biến, sắp xếp. Ông không chỉ tỉ mỉ chi chút giới thiệu các món xào, nấu, hầm,
luộc, rán, quay… được bày biện tinh tươm trong những tô bát trắng bong, mà còn không tiếc
lời ngợi ca vẻ đẹp lung linh trong niềm say mê dồn trút hồn mình vào công việc bếp núc của
Lý: “Chị thực hiện thiên chức cao quý của mình với một sự say mê vô cùng, tận tuỵ vô cùng.
Không một dấu vết của sự cẩu thả, tắc trách. Không một chi tiết tuỳ tiện, được chăng hay chớ
(…). Lý trút vào công việc tất cả sự sung sướng và kiêu hãnh vì được bộc lộ mình. Mọi việc
dù to dù nhỏ, cũng đều hút hồn chị. Và những gì gọi là vật chất cụ thể, đã biểu hiện ra, nhờ
bàn tay chị động vào, nhờ con mắt chị soi tới, nhờ ánh hồn chị chiếu xuống, đều óng ánh một
linh hồn sống động”.
Trong tâm linh người Việt, bày biện mâm cỗ vào chiều tối ba mươi tết là để thỉnh mời vong linh những người thân yêu đã khuất về hưởng phúc lộc, hương hoa với con cháu trong ba ngày tết; là dịp gặp mặt những người ruột thịt sau cả năm trời xa cách hay bận rộn công việc. Là nhà văn hiểu sâu sắc phong tục truyền thống dân tộc, Ma Văn Kháng không đi sâu miêu tả cảnh
ăn uống mà tập trung đặc tả bàn thờ gia tiên, thái độ thành kính, trang nghiêm, tâm trí phiêu
diêu, lãng đãng của ông Bằng trong giây phút thiêng liêng “thưa chuyện” với tổ tiên, cha mẹ
khi khấn lễ; miêu tả không khí ấm cúng, chuyện trò râm ran cùng những lời chúc tốt lành của
các thành viên gia đình trong bàn tiệc.
Đọc những trang văn miêu tả bữa ăn tất niên sống động, đầy cảm hứng trong Mùa lá rụng
trong vườn, chúng ta nhận thấy Ma Văn Kháng không chỉ là người quan tâm đưa ngôn ngữ
chính luận tràn vào văn chương nghệ thuật mà còn có khả năng quan sát tinh tế, tả cảnh, tả
tình rất đặc sắc.
3.2. Đặc tả khu vườn và bản nhạc cổ điển
Mỗi lần lật giở Mùa lá rụng trong vườn, ta tưởng như lại nghe tiếng ve kêu râm ran, tiếng lá cây xào xạc hoà cùng âm thanh êm ái, dịu dàng của bản nhạc Vườn khuya. Khu vườn nhỏ xinh
xắn, toả bóng mát quanh năm được Ma Văn Kháng nhắc đi nhắc lại 12 lần trong tác phẩm.
Mỗi lần, khu vườn hiện lên với một nét đẹp quyến rũ riêng. Xuân về, cây “bật nẩy chồi non,
khu vườn toả một làn không khí tươi lành và thanh tịnh”. Chớm hạ, cây “xanh đầm lá non”
toả hương thơm ngào ngạt, từng chùm quả non tơ xanh như ngọc lấp ló trên cành cây. Thu
sang, hoa táo nở bung “trắng ngà cả một góc vườn”. Đông đến, cây “thu hình gọn ghẽ”, vườn
cây dang tay đón đợi ánh trăng non ghé xuống tâm tình. Vườn cây trở thành người bạn đồng
hành chứng kiến, sẻ chia, an ủi từng con người trong ngôi nhà. Bóng cây toả mát căn buồng, gợi cảm hứng cho ông Bằng lúc làm việc. Vườn cây giúp ông thư giãn sau những giờ mệt
nhọc. Vườn cây đem lại trạng thái cân bằng cho Lý sau một ngày vật lộn với những công việc
căng thẳng ở cơ quan. Dưới bóng cây, chị có cảm giác bình yên, thanh thản. Vườn cây gắn kết
với chị Hoài biết bao kỷ niệm. Đây là nơi chứng kiến lần gặp gỡ cuối cùng của vợ chồng chị
trước lúc anh ra trận và rồi xa chị mãi mãi. Dù xa khu vườn đã lâu nhưng khi trở lại, mỗi loài
cây trong vườn lại hiện lên sống động trong tâm trí chị. Chị vừa dạo bước trong vườn vừa âu
yếm, thủ thỉ với từng cây như người mẹ sau một thời gian đi xa vỗ về, ve vuốt những đứa con
yêu. Vườn cây là nơi chứng kiến những lời yêu thương, đồng cảm của Luận và Phượng. Vườn
cây cũng là nơi hò hẹn của Cần và Vân. “Cây là chứng nhân có linh hồn, cây rung động với
những tấm lòng chân thật”. Cây “bỗng rào rào lá và lộp độp buông sương” thấu hiểu cho tâm
trạng xót xa, lưu luyến khu vườn của Phượng. Cây “nhu nhú những hạt sương treo, trông như
những giọt nước mắt” khi nghe những lời nói xúc động, chân tình của chị Hoài về gia đình
nhà chồng cũ. Cây rung cảm với giai điệu du dương của bản nhạc Vườn khuya. Cây xúc động
khi bàn tay nóng ấm của chị Hoài ve vuốt. Nhờ vườn cây và bản nhạc cổ điển mà dòng mạch
trữ tình ở Mùa lá rụng trong vườn càng trở nên êm ả, dịu dàng, phần triết luận được cân bằng
trở lại. Người đọc có cảm giác đang được ngồi “Dưới bóng hoàng lan” mát rượi hay thưởng
thức “nắng hàng cau” ban mai trong khu vườn “xanh như ngọc” nơi thôn Vĩ mộng mơ. Miêu
tả vườn cây sống động, có hồn là một cách tiếp nối truyền thống đẹp đẽ đã được khởi đầu từ
Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng…
3.3. Thể hiện cái đẹp của tình người, cái đẹp của những giá trị đạo đức truyền thống
Trong hành trình trở về cội nguồn, Ma Văn Kháng đã dựng nên nhiều chân dung cao đẹp
tiêu biểu cho truyền thống ân nghĩa thuỷ chung của dân tộc. Nhưng nổi bật lên giữa bản đồng
ca trong trẻo ấy là nhân vật chị Hoài - một con người coi “cái tình, cái nghĩa” là quý nhất.
Hình ảnh chị Hoài trở về thăm và ăn tết với gia đình chồng cũ vào chiều ba mươi tết đã gây
xúc động lòng người, để lại nhiều tình cảm đẹp đẽ cho bao thế hệ độc giả.
Chị vốn là con dâu trưởng, nhưng giờ đây chị đã có một gia đình riêng với bao lo toan
vất vả cho cuộc sống chồng con. Mặc dù hình ảnh chị vẫn in bóng trong tâm thức mọi người
nhưng không ai dám, không ai nỡ níu kéo chị về mình. Ao ước chị xuất hiện, chị trở về nhưng
khi chị về thật, khi chị hiện diện bằng da bằng thịt trước cổng nhà mọi người vẫn “ngơ ngơ,
ngác ngác” không tin vào mắt mình. Ông Bằng - người bố chồng và là người gắn bó với chị
nhiều nhất - nghẹn ngào cảm động. Nhìn thấy chị, ông bỗng “sững lại”, “thoáng chút ngậm
ngùi”, mắt chớp liên hồi, môi “lập bập không thành tiếng”. Chị cũng không làm chủ được
mình lao về phía ông, rồi thốt lên tiếng ông như một tiếng nấc. Ngay cả tác giả cũng run rẩy
xúc động khi viết về cuộc gặp gỡ cảm động này. Giọng văn hùng hồn, giàu chất triết luận
thường ngày của Ma Văn Kháng bỗng trở nên ngập ngừng, đằm thắm. Nhiều điệp từ được
dùng, nhiều tiếng nấc bật ra, hình ảnh “mắt chớp chớp”, “mắt ngấn lệ”, “những cơn sóng
nghẹn ngào” bao trùm cả đoạn văn.
Gia tăng chất trữ tình, giảm lược chất triết luận trong việc miêu tả tâm trạng rưng rưng xúc động của chị Hoài và những người thân trong gia đình ông Bằng chiều ba mươi tết là một tìm tòi công phu, đầy sáng tạo của Ma Văn Kháng trong việc khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, để đạt được ý đồ nghệ thuật trên, nhà văn có phần lý tưởng hoá nhân vật
chị Hoài.
4. Trong quá trình tìm kiếm cho mình một phong cách nghệ thuật riêng, Ma Văn Kháng là nhà văn luôn dị ứng với kiểu viết công thức, rập khuôn theo những lối mòn quen thuộc. Ông
không bao giờ bằng lòng với chính mình mà luôn tự đổi mới, vượt lên chính mình. Vào đầu
những năm tám mươi của thế kỷ XX, Ma Văn Kháng đã mạnh dạn đổi mới tư duy nghệ thuật,
chuyển mạch văn ngợi ca giàu chất trữ tình, rưng rưng hào sảng sang khuynh hướng phê phán.
Yếu tố trữ tình được thay dần bằng yếu tố nghị luận. Nghị luận trong miêu tả, nghị luận trong
đối thoại, độc thoại của các loại nhân vật (kể cả nhân vật người kể chuyện, người trần thuật).
Chính chất triết lý, triết luận trong các sáng tác về đề tài gia đình của Ma Văn Kháng
từ 1985 đã đem đến một giọng điệu riêng (giọng tranh luận, tranh biện) góp phần quan trọng
tạo nên phong cách nghệ thuật văn xuôi Ma Văn Kháng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lã Nguyên, Khi nhà văn đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn, Tạp chí Văn học, Số 9
(1999), 63 - 72.
[2] Nhiều tác giả, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.