TIN TỨC

Sống đẹp trong đời và trên trang viết

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-23 15:00:37
mail facebook google pos stwis
1295 lượt xem

VÀI NÉT CHẤM PHÁ TỪ TRẠI SÁNG TÁC TẠI PHÚ YÊN

BÙI PHAN THẢO
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM

Từ ngày 22-4 đến 29-4, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức trại sáng tác tại Khu du lịch Sao Việt – đồi Thơm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Đoàn gồm 30 nhà văn, do nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, làm trưởng đoàn. Phó đoàn là hai nhà văn, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM Bùi Phan ThảoPhương Huyền. Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM; Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ TP HCM, các nhà thơ ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM Nguyên Hùng, Phùng Hiệu, cùng các nhà văn nhiều thế hệ, như: PGS.TS, nhà văn Nguyễn Tấn Phát, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa VIII-IX; nhạc sĩ – nhà thơ Trương Tuyết Mai, nhà thơ Khánh Chi, nhà văn Đoàn Hoài Trung (Chủ tịch Hội NSNA TP HCM), những người con của đất Phú Yên, đang sống và làm việc tại TP HCM; các nhà văn là PGS.TS Lương Minh Cừ, Bùi Thanh Truyền, Võ Văn Nhơn, Trần Hoài Anh; cùng các nhà văn: Bùi Đức Ánh, Triệu Từ Truyền, Hồ Đắc Thiếu Anh, Ngô Ý Nhi, Cao Chiến, Thanh Yến, Nguyễn Vũ Quỳnh, Trần Trí Thông, Nguyễn An Bình, Nguyễn Vĩnh Bảo, Nguyên Trân, Mai Khoa, Nghiêm Tới, Hà Thanh Vân, Trần Gia Bảo.

Chiều 23-4, tại lễ khai mạc và ra mắt sách “Đất Phú trời Yên”, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sao Việt chúc mừng đoàn nhà văn TPHCM và các khách mời từ Hà Nội, TPHCM. Theo ông, đây là một sự kiện có ý nghĩa của Hội Nhà văn TPHCM, Công ty Sao Việt vui mừng được đồng hành, hỗ trợ Hội Nhà văn TP HCM trong các hoạt động.

Tại buổi lễ, nhà văn Bích Ngân cho biết Hội Nhà văn TP HCM đã tập hợp các tác phẩm của các nhà văn dự trại viết hai lần trước, cùng sáng tác của những nhà văn tiền bối như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Võ Hồng, Nguyễn Mỹ… và thế hệ nhà văn nối tiếp là người Phú Yên hoặc gắn bó với mảnh đất Phú Yên như: Y Điêng, Ngô Phan Lưu, Đào Minh Hiệp, Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà, Bùi Văn Thành, Nguyễn Hòa… in thành tập “Đất Phú trời Yên”. Sự hấp dẫn của tác phẩm có lẽ là cảm xúc chân thực, là người thực việc thực đã và đang góp phần làm cho vùng đất này ngày thêm phú, thêm yên.

Sáng 24-4, đoàn của Hội Nhà văn TP HCM đã cùng lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam dự lễ khánh thành Nhà Truyền thống và thư viện xã An Chấn, huyện Tuy An. Chiều cùng ngày, đoàn tham dự hội thảo quốc gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng.


Các nhà văn tại lễ tổng kết, bế mạc trại thực tế sáng tác


Nhà thơ Bùi Phan Thảo trình bày báo cáo tổng kết trại thực tế sáng tác

Chiều 28-4, Hội Nhà văn TP HCM tổ chức tổng kết đợt thực tế sáng tác. Đoàn ghi nhận trại sáng tác có những thành công, thể hiện qua chất lượng tác phẩm.

Nhà văn Bích Ngân, trong chuyến thứ hai dự trại tại Sao Việt – đồi Thơm, vào tháng 11-2021, đã sáng tác truyện ngắn “Có người”, đăng trên giai phẩm Xuân Nhâm Dần của Báo Người Lao Động và chọn đăng trong tập “Đất Phú trời Yên”. Lần dự trại này, chị có truyện ngắn “Chờ mặt trời lên”. Tác giả gửi đến người đọc một thông điệp là chờ đợi cái đẹp, chờ đợi yêu thương và được yêu thương là cảm giác hạnh phúc. Nhưng chờ đợi còn hàm chứa cả định lượng thời gian. Thời gian vừa dưỡng nuôi nhưng đồng thời cũng là lực đẩy, nhiều khi đẩy khát vọng con người vượt khỏi tầm tay.


Nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM phát biểu tại lễ tổng kết và bế mạc trại thực tế sáng tác.


Nhà thơ Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tình Phú Yên, phát biểu tại lễ tổng kết và bế mạc trại thực tế sáng tác.

Nhà văn Cao Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn TPHCM, tác giả của tiểu thuyết “Buổi chiều đi qua cánh đồng”, giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM năm 2019, gửi đến trại sáng tác truyện ngắn “Năm tôi 16 tuổi”, một truyện ngắn về đất và người Phú Yên xưa và nay.


Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát đọc thơ.

Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cùng góp với trại sáng tác 2 tác phẩm là “Âm thầm” và “Đồi Thơm”. Bài thơ “Âm thầm” cho thấy người thơ luôn trẻ mãi:

“Âm thầm ở tuổi sáu lăm
Vẫn yêu rộn rã – trăng rằm đôi mươi”

Còn bài thơ “Đồi Thơm” tặng Chủ tịch HĐQT – nhà văn Trình Quang Phú và tổng giám đốc Huỳnh Thị Kim Hương, đưa ra ý tưởng và trực tiếp bỏ nhiều công sức dựng nên Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sao Việt - đồi Thơm.

Thế rồi một sáng mùa xuân
Chiến trường gửi đến người con xứ nghèo
Vượt qua trăm thác ngàn đèo
Xắn tay vật chuyển sao dời đồi Thơm
Đồi Thơm tan biến nỗi buồn
Thấy rừng bát ngát hoa thơm nức lòng
Đồi Thơm dáng dẹp ông chồng
Em xin làm vợ, một lòng thủy chung
”.


Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai trình bày ca khúc sáng tác.

Với nhạc sĩ – nhà thơ Trương Tuyết Mai, chuyến về quê nào cũng đầy đặn ân tình, chị được sống trọn vẹn trong tình quê. Những tứ thơ vẫn khai sinh, song chị dành nhiều tình cảm để hoàn tất nhạc phẩm “Với chim đồi Thơm” từ nền bài thơ cùng tên này. Cái ngỡ mơ hồ mà hiện hữu, để xuyến xao lòng người, để ở lại lòng nhau. Từ đồi Thơm sống lại những hồi ức, nhớ tiếng chim Trường Sơn và người lính Trường Sơn.

Nhà thơ Khánh Chi, người con của đất Phú Yên gởi đến 2 thi phẩm: “Mãi là cổ tích trong con” và “Món quà của ba”, viết về những kỷ niệm ngày thơ ấu nghe ba kể chuyện về quê hương. Nay trở về quê, qua những địa danh gọi tên quen thuộc vẫn là những câu chuyện cổ tích của ba và khi ba đã xa rồi, nhà thơ mới thấu hiểu hơn quê hương, mới có quê hương, mới gọi đây là quê mình; còn khi ba còn sống, chị chỉ gọi là quê ba thôi.

PGS.TS Võ Văn Nhơn vừa tham gia chủ trì hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng với tác phẩm phê bình “Võ Hồng, người đứng ngoài dòng thời đại”, còn có tác phẩm “Triệu Từ Truyền – một tiếng nói lạ của thơ ca Nam Bộ”. Với tham luận về nhà văn Võ Hồng, PGS.TS Võ Văn Nhơn đưa một kiến giải thú vị về nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm của nhà văn, càng thấy rõ ông không đứng ngoài dòng thời đại mà luôn đồng hành với đất nước, dân tộc. Văn chương của ông vượt lên những thiên kiến chính trị hẹp hòi để bày tỏ chữ Hiếu với quê hương, đất nước, vì vậy mà văn chương của ông tồn tại bền bỉ với thời gian.

Các nhà văn Bùi Thanh Truyền, Trần Hoài Anh có những bài viết nghiên cứu về tác phẩm của nhà văn Võ Hồng, đưa vào kỷ yếu cùa hội thảo và trình bày tham luận tại hội thảo, với hàm lượng tri thức cao, nhiều góc nhìn mới. PGS. TS Bùi Thanh Truyền và thạc sĩ Lê Minh Tú đưa ra những nhận định sâu sắc về đóng góp của nhà văn Võ Hồng trong những tác phẩm ông viết cho thiếu nhi, như một đúc kết của chính nhà văn “Đời người là một con đường mà khởi đầu và kết thúc là hai đứa con nít”. Bài viết nhận diện, đánh giá những biểu hiện và giá trị nhân văn của yếu tố bi mỹ trong các truyện ngắn của nhà văn dành cho thiếu nhi.

PGS.TS Trần Hoài Anh với tham luận “Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975” thể hiện sự nghiên cứu công phu, luận giải về quá trình sống và viết của nhà văn Võ Hồng, khẳng định tính nhân bản và khát vọng hướng đến chân – thiện – mỹ như một hệ giá trị làm nên sự hằng tồn của văn chương Võ Hồng với cuộc đời.

Nhà văn Trần Gia Bảo trong chuyến đi này có truyện ngắn “Mùa hè có biển”. Bối cảnh là đất trời, biển của Phú Yên. Chuyện tình của cô gái xứ biển và chàng trai xa xứ. Sau những hẹn thề, họ chia tay. Qua sóng gió cuộc đời, ngỡ họ đã mất nhau mãi mãi, nhưng cuối cùng họ tìm thấy nhau.

Nhà văn trẻ Phương Huyền ra mắt trại sáng tác với truyện ngắn “Đánh mất linh hồn”. Nhân vật chính sinh ra ở một làng quê của tỉnh Phú Yên. Theo chân cha mình, một người cả đời đam mê sưu tầm gốm cổ, anh cũng băng rừng lội suối để rồi chạm phải những ngôi mộ cổ trên vùng núi A Man. “Mỗi vùng đất, mỗi ngôi làng đều có linh hồn, làm sao để gìn giữ nó. Một khi đánh mất đi những giá trị văn hóa, linh hồn trong mỗi con người chúng ta cũng hóa ngu ngơ”. Đó là thông điệp nhà văn Phương Huyền gửi đến độc giả của chị.

Không chỉ là nhà lý luận - phê bình văn học, TS Hà Thanh Vân còn là một tay máy và người đam mê xê dịch, có những chuyến đi về những vùng miền của Tổ quốc. Chị góp mặt với trại viết qua du ký “Một vùng đất Phú trời Yên”, nội dung nói về những danh lam thắng cảnh của đất Phú Yên; “Ngọn núi của những linh hồn” (du ký) viết về ngọn núi A Man có 500 ngôi mộ cổ của Phú Yên và “Khi đất Phú trời Yên đi vào văn chương Việt” (lý luận phê bình) về cuốn sách “Đất Phú trời Yên”.

Dĩ nhiên, thơ luôn nở rộ bởi thi hứng tràn trề, các nhà thơ dễ say cảnh, say tình, cảm xúc tuôn trào. Nhà thơ Bùi Đức Ánh có chùm tác phẩm: “Tuy Hòa vắng bóng em”, “Về Phú Yên quê anh nhé”, “Đôi mắt đẹp người con gái Phú Yên”, “Phú Yên ngày về”. Như trên đã nói, người thơ không có tuổi, hẳn đúng với nhà thơ Bùi Đức Ánh, ông vẫn trẻ trung, lãng đãng trong thơ:

“Đến Phú Yên đón nắng giữa mùa hè
Say lòng nhau như mật ngọt
Em thôn nữ đeo gùi còn đắng đót
Chút tình anh theo nắng tan rồi”
(Về Phú Yên quê anh nhé)


Nhà thơ Ngô Thị Ý Nhi đọc thơ.

Nhà thơ Ngô Thị Ý Nhi góp với trại viết hai thi phẩm “Nhịp tim thành phố” và “Trước biển”. Đó là tình yêu, đời người. Cho và nhận. Day dứt. Khát khao. Trong quạnh hiu càng rõ màu tuyệt vọng, tình yêu không thể đi đến bến bờ:

“Những hòn đá lăn mình về phía biển

Nhận từ trăm năm từng đợt sóng bạc đầu

Bãi vắng chiều nay hiu quạnh lắm rồi

Ta với đá

Cũng dừng chân trước biển

Biết tình yêu mình không vượt nổi trùng khơi…” (Trước biển)

Nhà thơ Trần Trí Thông sáng tác 2 thi phẩm “Đêm xôn xao” và “Một thoáng đồi Thơm” với những câu thơ đẹp, ý tứ phóng khoáng và táo bạo:

“Đêm đặc quánh và ly cà phê đã loãng
10 ngón tay đan thử thách không lời
Em bồng bềnh bay lên
Em rừng rực thăng hoa

Biển Tuy Hòa xôn xao và tĩnh lặng
Chờ nắng lên” (
Đêm xôn xao)

Với “Một thoáng đồi Thơm”, thơ Trần Trí Thông da diết và dịu dàng:
“Đà Rằng con sóng cô đơn
Vẫn chờ em mặc dỗi hờn đâu đây
Đồi Thơm một thoáng chiều gầy
Bao nhiêu khao khát cho đầy khát khao”.


Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh đọc thơ.

Còn với nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, chùm 3 bài thơ đều rất đáng đọc. Với “Bâng khuâng đất trời Sao Việt”, tặng GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú, nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh có những câu thơ thật xúc động, nghĩa tình:

“Mai sau muôn dặm đường dài

Đồi Thơm thuở ấy và hai chúng mình

Tỉnh say sau trước bình minh

Hôm nay còn lại chữ tình cho nhau

Áng văn bay khắp năm châu

Hạnh phúc đẹp bởi những câu nhân tình”

Ông có những tìm tòi, ý thơ mới và thi ảnh đẹp:

“Biển rót gió vào đêm ngôi sao khuya mọc vội

Núi Nhạn nôn nao nghiêng bóng tự tình…

Tuy An ơi đất đẹp tự bao giờ mà an bình đến thế

Để hoa vàng cứ rào rạt cỏ xanh” (Đêm ngày Phú Yên)

Nhà thơ Bùi Phan Thảo gửi trước hai bài thơ tại trại thực tế sáng tác lần này. Nếu “Viết ở đồi Thơm” anh thi vị hóa bằng rất nhiều thơm: đồi thơm, hồn thơm, giấc mơ thơm, thì với “Chiều Ô Loan”, anh cùng người đọc lắng lòng bởi cảnh sắc và những tâm tình chân thực:

Chiều tan vào đêm

Ô Loan thở những làn gió quyện…

Tôi cứ thương những buổi chiều này

Đàn bò mang đôi mắt đẹp và sự no đủ về chuồng

từng bước chân đủng đỉnh…

Tôi mang hoa vàng về phố cho em

Hoa dọc đường quê cứ ngời chân chất

Nồng nã tháng tư trải lời óng mật

Xóm làng xanh ôm trọn Ô Loan”

Với nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo, hai thi phẩm “Đêm trước biển”, “Về với đồi Thơm” định hình rõ hơn phong cách thơ của anh, đằm thắm, thiết tha:

“Gửi vào con sóng trùng khơi

Biết con sóng có chuyển lời tôi không

Đêm trước biển - biển mênh mông

Bao nhiêu lời hẹn thương mong nhạt nhòa

Và đêm trước biển bao la

Nhìn theo bọt sóng vỡ òa thơ tôi” (Đêm trước biển)

Nhà thơ Thanh Yến gửi đến trại 3 bài đắc ý nhất: “Ví von Phú Yên”, “Phú Yên đón cánh chim xa” và “Đi ngang bóng mình”. Thơ chị có nhiều tìm tòi, nhiều ý tứ mới dù cách diễn đạt vẫn mềm mại:

Chiều lãng đãng mù sương giăng lối
Đồi chơ vơ vàng cánh lá phai màu…
Em như que diêm nhỏ
Cháy bừng thành ngọn lửa yêu thương” (
Ví von Phú Yên)

Xứng danh là một nhà thơ đang rất sung sức, nhà thơ Nguyễn An Bình gửi trước 3 bài và có thể sẽ gửi thêm thơ cùng truyện ngắn. “Con mắt Phú Yên”, “Núi Nhạn ai về”, “Đêm qua hầm đèo Cả”. Phong cách thơ phóng khoáng, mạnh mẽ và đa tình, cách diễn đạt trên nền thơ cổ điển song vẫn có những nét mới và gợi nhiều liên tưởng sâu sắc:

Đêm qua hầm đèo Cả

Nhớ một thời lưu dân

Thấm trong từng ngọn cỏ

Xương máu của tiền nhân (Đêm qua hầm đèo Cả)

“Nước mắt của biển”, “Đồi Thơm nắng ngả bờ vai”, “Lỗi hẹn với Tuy Hòa” là ba thi phẩm của nhà thơ Mai Khoa. Hai bài thơ đầu tình tứ, nhẹ nhàng thì bài thơ sau đầy day dứt, tiếc thương những người hy sinh đã hóa thân trong hình ảnh đàn chim tung cánh:

“Đài tưởng niệm giương buồm lộng gió

Từng đàn chim hòa tấu trước bình minh

Có lẽ anh trong bầy chim tung cánh

Ngắm quê hương trong giây phút an lành” (Lỗi hẹn với Tuy Hòa)

Nhà thơ Nghiêm Tới có “Sóng biển Tuy Hòa” và “Núi Nhạn sông Ba”. Chị cũng duyên dáng, đáo để với “Khát thèm biển xanh”:

“Biển quê muốn nói bao điều

Mà nghe đâu đó cũng nhiều hờn ghen

Quàng tay đầy chật vòng em

Khi xa cho bõ khát thèm biển xanh”.

Chỉ 7 ngày mà dư âm của Sao Việt – đồi Thơm và Phú Yên sẽ còn ngân mãi trong lòng những nhà văn trong chuyến thực tế sáng tác này. Nhiều thông tin tư liệu được khai thác, giữ gìn để sáng tạo những tác phẩm hay. Thành công của chuyến đi không chỉ là những tác phẩm văn chương hay, đẹp, mà còn là dịp để mọi người hiểu nhau hơn, dành cho nhau những tình cảm chân thành.

Theo nhà văn Bích Ngân: “Thành công của trại sáng tác là các nhà văn đều có cảm xúc sáng tác và có tác phẩm. Qua trại sáng tác càng thấy rõ văn chương và văn hóa được đặt đúng tầm, trân trọng, hướng tới cái hay cái đẹp. Qua gặp gỡ, tiếp xúc trong những ngày dự trại, các nhà văn TP HCM thấu hiểu nhau hơn, gửi gắm cho nhau nhiều điều”. Nhà văn Bích Ngân cũng tin tưởng trại sáng tác tiếp thêm động lực sáng tạo và các nhà văn TP HCM có sự chân tình, sống đẹp trong cuộc đời và trên trang viết.

Nhà thơ Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Phú Yên, chia sẻ cảm xúc qua hai chuyến đi cùng đoàn nhà văn TP HCM. Đó là tình cảm con người yêu mến nhau, khẳng định thêm giá trị văn chương trong đời sống, văn chương làm cho đời sống tốt đẹp hơn. Nhà văn Cao Chiến cho rằng, qua chuyến thực tế sáng tác với những tình cảm tốt đẹp, ông mong và tin các nhà văn hãy đi cùng nhau trên hành trình văn chương.

Nhà văn Bích Ngân thay mặt đoàn gửi lời cảm ơn GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú và phu nhân, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cùng đại diện các cơ quan, ban ngành của tỉnh; sự đón tiếp nồng hậu và sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ nhân viên khu du lịch Sao Việt – đồi Thơm. Hẹn gặp lại Phú Yên và Sao Việt – đồi Thơm.                                                                                                                                                                                                    

Bài viết liên quan

Xem thêm
Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 10/2024
Xem thêm
Nghĩ về chuyện “làm gương” và “nêu gương”
Bài viết nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024)
Xem thêm
Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ
Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/7 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Xem thêm
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư về đội ngũ văn nghệ sỹ
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023)
Xem thêm
Xây dựng lối sống đẹp trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Bài viết tham luận tại Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Ban Tuyện giáo tổ chức vào ngày 6/6/2023
Xem thêm
Nhà văn Trình Quang Phú và những sáng tác về Bác Hồ
Chuyên đề Những câu chuyện đẹp của HTV
Xem thêm
Hậu trường đối ngoại văn chương
Tự can đảm bước ra khỏi cái giếng cạn
Xem thêm
Cuộc gặp chiều cuối năm
Của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TPHCM với lãnh đạo Văn học Nghệ thuật TPHCM
Xem thêm
Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Xem thêm
“Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Trong những năm qua, sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đất nước đã tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá văn học - nghệ thuật nước ta ra thế giới. 
Xem thêm
Trở về Trường Sơn || Ký của Võ Thu Hương
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 50, ngày 17/11/22
Xem thêm
Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Xem thêm
Khi giáo viên các trường phổ thông kêu cứu…
Các giáo viên lẽ ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng thực ra mỗi ngày đến trường là một ngày lo đối phó, thậm chí là sợ hãi, dẫn đến tình trạng họ chọn cách làm việc thúc thủ, giao việc gì làm việc ấy, miễn làm sao được coi là hoàn thành công việc để không bị ai “động” vào, để yên thân… Khi giáo viên mất động lực làm việc, như người mất sinh khí, dẫn đến tình trạng dạy, học và các hoạt động khác của nhà trường như người ngái ngủ, lờ đờ, mệt mỏi, chán nản…
Xem thêm
Nghĩ về “Tiếng nói nhà văn”
Bài đăng Văn nghệ số 33/2022
Xem thêm