TIN TỨC
  • Truyện
  • Mùa hoa khế rụng | Nhất Mạt Hương

Mùa hoa khế rụng | Nhất Mạt Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-20 09:46:04
mail facebook google pos stwis
849 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NHẤT MẠT HƯƠNG

Chị Chi là con dâu cả của bác tôi. Bác tôi lại là trưởng họ. Nghiễm nhiên, chị là dâu trưởng của cả họ. Khi lấy anh Cường, chị mới 17 tuổi - cái tuổi làm cô dâu đã sớm lại gánh thêm trách nhiệm lớn lao kia, không biết có khi nào chị thấy quá sức?

Tôi không rõ, chỉ thấy nước da chị luôn trắng xanh và má thì ửng hồng, miệng cười một nửa. Mẹ tôi khen chị hay lam hay làm lại ít nói, nhẫn nhịn thật hợp để làm dâu bác gái. Chị còn xinh nhất làng bên, nên dù chỉ làm nông thì cũng hoàn toàn cân xứng với anh tôi - một cán bộ xã. Ngày nào cũng thấy chị ra đồng từ sáng sớm, trưa trật vẫn chưa về. Bởi ngoài việc cấy hái, ruộng đồng, bao giờ cũng phải thêm gánh cỏ cho bò ăn vì nhà bác nuôi 2 con bò, người chăn dắt lại hiếm. Bình thường bác trai đảm đương việc đó nhưng từ khi có dâu, bác tham gia ban quản trị của thôn, họp hành, bàn bạc suốt. Thế nên cắt cỏ là công việc thêm triền miên của chị. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, vụ chiêm hay vụ mùa.

Đi làm từ sáng sớm, đến trưa về lại cơm nước, nghỉ lát rồi đến công việc buổi chiều; chả mấy khi thấy chị ngơi tay. Thi thoảng, vào những buổi trưa mùa hè gay gắt nắng, khi thóc rơm đã vãn mà chưa thể ra đồng, chị mới ra ngồi ngoài bờ ao cùng lũ lít nhít chúng tôi. Gió từ ao thổi lên rười rượi, chị ngồi tựa vào gốc khế, mắt lim dim. Lúc đó nhìn chị đẹp như một nàng tiên trong khu vườn. Chị chẳng nói câu gì nhưng tôi đọc được nét thư thái và tận hưởng trong cái cằm trễ nải và nét cười thoáng qua trên vành môi. Tôi nhớ những buổi tối mùa hè lồng lộng gió và trăng. Chúng tôi tập trung hết trên sân nhà bác hai chơi đủ các trò con trẻ. Những trò chơi không bao giờ kết thúc. Nhưng đến lúc muồn muộn, tôi và chị Hà sẽ lãnh thêm nhiệm vụ canh cho chị Chi tắm. Nhà bác trưởng không có nhà tắm. Bình thường chị hay tranh thủ tắm qua quýt khi đã xong việc, lúc đó cũng chẳng còn sớm sủa gì; sân giếng lại ngay vườn, cây cối rậm rạp nên khá kín đáo. Nhưng những hôm trăng vằng vặc, sân giếng sáng trưng, chị lại bưng cái nón nhỏ đựng quần áo lên giếng nhà bác Hai - nơi có cái nhà tắm quây tường gạch, không mái. Thế cũng tươm tất chán so với các nhà xung quanh. Chỉ là sân đông đúc quá nên chị cử 2 đứa tôi loanh quanh ở cửa. Lần nào tắm xong chị cũng hồ hởi: mát quá, nhẹ nhõm cả người. Tôi hay ngẩn người ra mỗi khi chị bước ra từ nhà tắm. Bộ quần áo hoa mềm mại, không sùm sụp như lúc chị đi làm đồng; làn da trắng lấp lóa hòa cùng ánh trăng và vài sợi tóc ướt thả xuống bờ vai gầy mỏng mảnh. Tôi vẫn thắc mắc, nhìn chị mảnh mai vậy mà sao làm việc lại dai sức, bền bỉ chẳng kém ai.

Chị sinh lần lượt 2 đứa con. Thằng Lâm khỏe mạnh, ngoan ngoãn, cái Châm cách 4 năm gầy gò chút nhưng rất linh lợi. Cả họ vồ vập, xuýt xoa, nói nhà bác cả có phúc : dâu hiền, cháu thảo. Nhưng bác gái thỉnh thoảng vẫn chẹp chẹp miệng ra chiều chưa hài lòng vì nhà nọ nhà kia có dâu giỏi chợ búa, khấm khá từng ngày, nhìn mà ham. Chị Chi không nói một lời, ngày ngày vẫn thu vén công việc đồng áng, lợn gà, trâu bò… giờ thêm cả chăm con. Việc càng nhiều, chị càng lặng lẽ. Nhiều khi tôi chỉ thấp thoáng thấy bóng chị bên sân giếng, cầu ao hay chái bếp.

Rồi việc học hành cuốn chúng tôi đi. Không còn những buổi trưa thơ thẩn bên bờ ao ngắm hoa khế, lùng ổi đầu mùa và nghe chim hót. Những buổi tối đông đủ trên sân nhà bác Hai cũng thưa dần. Anh Cường chồng chị thì đi tối ngày. Giờ anh kiêm thêm cả mảng văn hóa nữa nên việc càng nhiều; chỉ có tiền không thấy thêm - bác gái vừa nói vừa thở hắt ra.

Một đận, bỗng thấy nhà bác sắm bao nhiêu đồ nghề, nào cối xay, nồi đồng, giàn phơi… chúng tôi háo hức, tò mò không biết sắp có thay đổi gì. Hóa ra, chị Chi quyết định mang nghề làm mì của làng mình về nhà chồng. Chị kể, chị biết bóc bánh, cắt mì từ lúc 5, 6 tuổi; 10 tuổi đã có thể ngồi tráng bánh thay u và 13 tuổi là lao động chủ chốt trong bếp của nhà. Chị làm mì giỏi hơn làm ruộng. Thế sao lúc mới về chị không làm luôn ? Chị sợ mọi người trong nhà chưa quen việc này, nhà lại neo người. Làm nghề vất và tốn người hơn làm ruộng. Nhưng hôm trước, về u, ngồi tráng bánh một lúc, thấy nhớ nghề quá. Xong bảo với 2 bác và anh Cường, được ủng hộ nên chị quyết tâm làm.

Bác cả đắp một cái lò đất trong góc bếp làm nơi tráng bánh, cái cối xay đặt ngoài sân giếng cạnh bể nước mưa. Nhà ngang là nơi để giàn phơi, bóc bánh, thu bánh và cắt sợi. Mọi thứ có vẻ rất bài bản, ổn thỏa. Sáng sáng, chị Chi dậy từ tờ mờ đất để tráng bánh. Anh Cường tranh thủ vác những cái giàn đã rải đều bánh giăng kín sân trước khi đi làm. Chị tráng đến già nửa buổi thì hết bột, xoay ra rửa, dọn đồ nghề rồi sấp ngửa công việc đồng áng. Nhà bác chuyển làm mì, không nuôi bò nữa nhưng lại nuôi thêm lợn gà - để nó ăn đầu thừa đuôi thẹo, bột bánh vương vãi. Công việc của chị Chi tính ra vất gấp đôi, gấp rưỡi nhưng lạ thay, thấy chị vui vẻ, xăm xắn lắm. Nụ cười vẫn một nửa nhưng má cứ ưng ửng như trái cà chua vừa chín dậy. Những buổi sáng được nghỉ học, chúng tôi tíu tít bên bếp lò tráng, thỉnh thoảng chị lại gỡ mấy cái bánh mỏng tang, bóc ra, trộn mỡ hành thành món bánh cuốn nóng hổi vô cùng hấp dẫn. Thằng Lâm, cái Chi cũng ríu rít đòi ăn. Chị luôn tay đổ bột, tán mỏng, đậy vung… mắt lấp lánh nhìn đám trẻ háu đói. Có điều gì hân hoan, mới mẻ ở chị mà tôi chưa từng nhìn thấy trước đó. Đến trưa, cả nhà được huy động tập trung ở khu nhà ngang để làm công đoạn cắt mì. Cái máy cắt đơn giản chỉ gồm trục với một vòng sắt chia rãnh đều để đưa bánh tráng đã phơi ráo vào, cuộn hết vòng, sang đến bên kia thành những sợi đều tăm tắp. Những sợi này được gập đôi, xếp ngay ngắn lại trên giàn thành từng bó. Chiếc máy cắt chạy miệt mài từ đầu đến cuối buổi chiều không ngơi nghỉ. Người nọ, người kia uể oải, lần lượt đứng dậy; chỉ có chị Chi «đóng đô» trên chiếc ghế con. Suốt bao ngày nắng lửa.

Rộn ràng và có thêm thu nhập nhưng chỉ đươc thời gian ngắn thì bếp mì nhà bác cả nghỉ. Vì thiếu người xay bột. Cứ 12 giờ đêm, 1 giờ sáng vẫn quay vòng vòng bên cái cối ngoài sân giếng thì ai trụ được? Việc thu mì, cất mì cũng gian nan. Thế là giải tán. Nhà cửa lại gọn gàng, yên tĩnh nhưng chúng tôi không còn thỉnh thoảng được ăn bánh cuốn nóng hổi ngay cạnh lò; trưa đến không còn tụ tập tranh nhau bóc bánh, xếp mì… Và mắt chị Chi lại vời vợi, xa xăm.

Khi thằng Lâm học lớp 7, đúng hôm nhận tin đạt giải nhì trong kì thi học sinh giỏi thì chị Chi nhận kết quả mắc bạo bệnh. Chị thấy đau đầu và buồn nôn đã mấy tháng, cố chịu; cứ tự trấn an là tại thời tiết khắc nghiệt nhưng đến khi tưởng nổ đầu đành phải đi bệnh viện kiểm tra. Anh Cường phải bỏ dở cuộc họp sau bao lần nấn ná vì chị đau đến mức lịm đi. Tiếp đó là những tháng ngày triền miên trong bệnh viện. Sau 3 tháng, chị được trả về với cái đầu trọc lốc và một bên tai nghễnh ngãng. Ai nhìn thấy cũng xót xa. U chị sang chăm con gái, bao lần tôi nhìn thấy bà lén khóc bên gốc cây khế khi mang quần áo ra cầu ao giặt.

Lũ chúng tôi thập thò bên cửa sổ buồng. Chị vẫy vào, luôn miệng hỏi, nhìn chị giờ xấu lắm phải không? Tay chị lần trên đầu, thảng thốt: «Tóc đâu rồi? Sao tóc đi đâu hết cả rồi?». Chị yên tâm, sau lại tốt, lại dài; chị chả bảo chị ăn bao nhiêu vào tóc hết còn gì - Tôi động viên. Chị nghển lên nghe, mắt dò ý. Tôi chợt nhận ra, tai chị đâu còn nghe rõ như xưa. Bỗng nhiên nước mắt tôi chảy ra mà chẳng biết nói gì thêm. Chị lẩm bẩm: «Rồi tóc sẽ dài, sẽ dài; lại gội đầu bồ kết, hương nhu, vỏ bưởi; lại hong tóc ngoài cầu ao, hoa khế rụng đầy vai áo, anh Cường vẫn bảo nhìn cảnh đó đẹp lắm, đẹp lắm». Thế chị phải ăn nhiều vào nhé. Ừ, phải ăn nhiều, ăn thật nhiều. Nhưng căn bệnh làm chị không thể ăn nhiều vì tiêu hóa khó khăn. Đồ ngon, bổ, dễ nuốt thì thi thoảng mới có. Bác gái thở dài nhiều hơn vì nhà thiếu người làm, mùa vụ cứ phải huy động các chị dâu thứ đã ra ở riêng. Chăm chị đã có bên ngoại túc trực nhiệt tình nhưng bác phải ra vào tiếp khách ngày đêm. Bác luôn miệng kêu đau, mệt. Được vài bữa cũng nằm bệt trong giường. Anh Cường thì đi mải miết, có những đêm không về. Tôi biết nhiều đêm chị Chi không ngủ nổi. Vì đau đớn, lo âu và trăm mối. Trong căn buồng mờ tối chỉ còn tiếng mọt kẽo kẹt trò chuyện cùng với chị. Thỉnh thoảng vào thăm, tôi thấy mắt chị mở to hơn, ngân ngấn. Hay vì chị gầy quá chỉ còn thấy mắt? Đám quầng thâm sậm, làn da héo dần trong vóc dáng mong manh. Chị Chi xinh đẹp của tôi đâu rồi? Gò má ửng hồng của chị đâu rồi, cả nét cười nửa miệng khiêm nhường và đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo - sao giờ cứ gân guốc, cứng đơ? Tôi xót xa không tìm ra sự liên quan giữa bộ dạng đó và hình ảnh chỉ mới cách đây nửa năm. Và tôi lờ mờ hiểu, chị đã phải chịu đựng như thế nào - không chỉ là bệnh tật giày vò. Những đêm anh Cường không về dày hơn cùng với từng đám tóc trên đầu chị cũng rơi xuống nhiều hơn. Không quét xuể. Ai cũng nghĩ chị chỉ trụ được vài ba tháng. Mọi thân thương, thăm hỏi, xa xót dồn dập.

Thế mà rồi, điều kì diệu xảy ra. Không hiểu do việc thử nghiệm phương pháp chữa bệnh mới có kết quả hay tác dụng của loại thuốc Đông y mà anh trai chị cất công tìm kiếm mà chị hồi phục dần. Hồi phục trong trạng thái sống chung với thuốc, là phấp phỏng không biết được được đến lúc nào. Chị đã có thể ngồi dậy, đi lại, làm việc nhẹ và ăn uống theo chế độ đặc biệt. Chị nhờ người mua nứa về đan hàng mã, thỉnh thoảng túc tắc ra đồng chăm rau cỏ. Ngày giỗ chạp, bác gái lại đứng lên quán xuyến. Chị lặng lẽ vào ra từ bếp đến sân giếng. Không bén mảng đến nhà ngang là nơi sắp đặt, bày biện cỗ bàn.

Tự nhiên, chị hay thèm đồ chua. Thỉnh thoảng cứ bảo lũ trẻ con trẩy khế ngoài vườn vào rồi nhấm nháp. Chuyện anh Cường qua lại với một cô cùng cơ quan đã góa chồng - dù mọi người tìm cách giấu cũng đến tai chị - dù cả hai tai chị giờ đã nghễnh ngãng nặng hơn xưa. Có lúc ngồi trong vườn với rổ khế lẫn sung, chị đờ đẫn. Không biết khế và sung chua chát thế nào nhưng mặt chị không hề biến sắc. Chỉ có ánh mắt thoáng vằn lên tia rất lạ.

Chị cứ lay lắt như vậy trong sự hồi hộp của mọi người, thỉnh thoảng ra viện kiểm tra các chỉ số vẫn chập chờn. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 5 năm. Đến lúc mà mọi người ngỡ chị đã thắng được cơn thử thách của số phận thì đùng cái, một ngày chị yếu. Không ăn không uống gì mấy ngày rồi chị ra đi. Đúng dịp thằng Lâm có giấy báo trúng tuyển Đại học Y. Chẳng biết linh cảm thế nào mà trước đó 1 tuần, chị gọi nó vào, lôi hết số tiền dành dụm được bấy lâu đưa cho con và dặn: Mẹ chỉ có ngần này, con cố gắng học hành và yêu thương, bảo ban em Châm nhé!

Ngày tiễn chị, nhìn 2 đứa trẻ không ai cầm lòng được. Ánh mắt của thằng Lâm sao cũng vời vợi như mắt chị. Đám tóc dày rũ xuống trán nó lơ phơ một nỗi niềm lặng ngắt. Nó học giỏi, ngoan ngoãn nhưng cũng rất kiệm lời, không vui vẻ, hồn nhiên như những đứa trẻ khác. Cái Châm trốn trong góc buồng thất thần, hai cái má au au đỏ như mặt trời sắp ngủ. Chúng đã phấp phỏng cho ngày này từ lâu lắm mà vẫn cứ chông chênh, chực ngã.

Cho dù cố thêm được mấy năm, nhưng chị ra đi khi vẫn còn quá trẻ. Đám tang chị xong, tôi nhìn ra cây khế ngoài vườn; mùa này, hoa bắt đầu he hé nở. Tôi tưởng như thấy từng vạt hoa đang rơi lả tả, chị Chi ngước lên, từng đốm hoa vương trên má, trên tóc. Chị tủm tỉm cười như một nàng tiên.

Anh Cường là trưởng họ, chắc chắn sau này sẽ lấy thêm chị dâu mới để về gánh vác công việc gia đình. Không biết, chị dâu mới có đảm đang, có vừa lòng bác gái và có thích ra vườn mỗi mùa hoa khế rụng?  

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm